Chúng ta đọc cuốn “Giám sát và Trừng phạt” – Nguồn gốc nhà tù” của Foulcault như thế nào

Dương Thắng

Văn Việt: Trân trọng giới thiệu cuốn sách “Giám sát và Trừng phạt – Nguồn gốc nhà tù” của triết gia Michel Foucault, sách nằm trong tủ Tủ sách tinh hoa của Nxb Tri thức.

285275321_10159279347626137_6728225135964186813_n

1. Điều quan trọng cần làm rõ là không chỉ có một cách đọc Giám sát và Trừng phạt. Bất kỳ tác phẩm nào cũng có thể được đọc và hiểu theo nhiều cách khác nhau. Giám sát và Trừng phạt là một cuốn sách khó phân loại: Nó là một nghiên cứu triết học hay một cuốn sách lịch sử? Đó là một phân tích về thế kỷ 18 và 19 hay một chẩn đoán về xã hội những năm 1970, thời điểm khi cuốn sách được xuất bản? Khó nói…

Trước tiên, có lẽ chúng ta nên đọc Giám sát và Trừng phạt như là lịch sử về sự ra đời của nhà tù hoặc thậm chí là câu chuyện về một đột biến xảy ra trong lĩnh vực hình sự vào giữa thế kỷ 18 và 19, sự đột biến đi từ hình phạt mang tính trả thù đến sự giám sát, rèn luyện và cải tạo, đi từ những màn hành hình tra tấn man rợ nhắm vào cơ thể phạm nhân và được trình diễn hoành tráng trước mắt công chúng (chủ yếu có mục đích trả thù) đến việc nhắm tới linh hồn phạm nhân thông qua việc cầm tù thân xác và áp dụng các biện pháp cải tạo để "phục thiện" cho những linh hồn đó .

2. Nhưng nếu Giám sát và Trừng phạt là một câu chuyện lịch sử, nó lại không thực sự mang đặc trưng lịch sử như những câu chuyện khác. Cuốn sách được xuất bản trong một bối cảnh cụ thể khi mà có nhiều cuộc nổi dậy đã diễn ra trong các nhà tù của Pháp (1971-1972 và 1974) và sau khi Foulcault đã thành lập và tham gia tích cực các hoạt động của "Nhóm thông tin về nhà tù". Mặt khác, Giám sát và Trừng phạt không phải là một câu chuyện đơn giản về sự ra đời của nhà tù: xa hơn nữa, nó là một gia phả về sức mạnh kỷ luật.

3. Giám sát và Trừng phạt, với phương pháp luận độc đáo của nó sẽ cung cấp cho người đọc một công cụ để suy nghĩ khác biệt và suy nghĩ về những điều khác biệt, đặc biệt là trong lĩnh vực lịch sử. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Foucault dường như đã mở đường cho một tiếp cận lịch sử hoàn toàn mới trong việc tìm hiểu về cái vũ trụ nhà tù.

4. Giám sát và Trừng phạt bắt đầu bằng sự đối lập nổi bật giữa câu chuyện về cuộc hành hình đặc biệt khắc nghiệt đối với Damiens, tội phạm bị kết án vào năm 1757 vì tội mưu sát vua và những quy tắc áp dụng "cho Ngôi nhà của những phạm nhân vị thành niên ở Paris" vào năm 1838. Michel Foucault, trong phần mở đầu này, đã trình bày mục tiêu của cuốn sách của mình: lấp đầy khoảng trống giữa hai cột mốc tiêu biểu của sự đột biến diễn ra trong vòng một thế kỷ của nền kinh tế trừng phạt. Hai cột mốc này đại diện cho hai phương pháp trừng phạt trái ngược nhau: màn biểu diễn của đoạn đầu đài ở quảng trường công cộng và hình thức giam giữ để cải huấn/ sửa sai. Cuốn sách ngay lập tức đặt ra một câu hỏi: Đã có một bước nhảy đột biến hay là sự biến thiên liên tục giữa hai cách xử phạt này?

5. Trong phần thứ hai Michel Foucault trình bày dự án của các nhà cải cách vào cuối thế kỷ 18, những người mong muốn giảm nhẹ các hình phạt và hình thành một nền kinh tế mới với sức mạnh trừng phạt hữu ích hơn và nhân đạo hơn: không phải bằng nhà tù mà bằng "những chướng ngại vật mang dấu hiệu cảnh báo". Foulcault cũng cho chúng ta biết rằng trong thời đại cổ điển, cùng tồn tại song song với dự án của các nhà cải cách theo khuynh hướng nhân văn được nhắc đến ở trên, cũng đã manh nha xuất hiện ba mô hình nhà tù: mô hình của Bỉ được tổ chức dựa trên việc cưỡng bức lao động mang lại lợi nhuận về kinh tế và sư phạm, mô hình của Anh ủng hộ sự cô lập cá nhân như một công cụ chuyển đổi, hoàn lương và mô hình của Philadelphia kết hợp sự cô lập và lao động cưỡng bức, tạo điều kiện để tái hòa nhập. Như vậy vào cuối thế kỷ 18, Michel Foucault khẳng định sự tồn tại và đan xen vào nhau của ba phương thức tổ chức quyền lực trừng phạt: pháp luật trừng phạt của nền quân chủ (quyền lực tối cao thuộc về cá nhân vị Quân Vương), dự án cải tạo tu dưỡng mang tính nhân đạo và dự án về cái thiết chế mang tên "nhà tù".

6. Phần còn lại của cuốn sách nhằm để giải thích cho chúng ta hiểu vì sao sao công nghệ quyền lực thứ ba (nhà tù) cuối cùng lại thắng thế và trở thành mô hình phổ biến tiêu biểu cho công nghệ trừng phạt từ thế kỷ 19 đến tận hôm nay. Hành trình dẫn người đọc đến với các nhà tù của Foulcault để quan sát chúng ở một cự ly gần đã hé mở ra cho chúng ta thấy muôn vàn những câu chuyện khác nhau: Giám sát, luyện tập, diễn tập, đánh giá, cấp bậc và chức vụ, phân loại, kiểm tra, ghi âm…, toàn bộ cách thức để khuất phục những cá nhân, chế ngự các đám đông và thao túng sức lực của họ đã được phát triển xuyên suốt các thế kỉ, nói ngắn gọn đó là kỉ luật, một đặc trưng nổi bật của cấu trúc các xã hội " trừng phạt" .

7. Nhưng cái nghệ thuật giám sát và trừng phạt này, biểu hiện rõ rệt nhất của Quyền lực tác động lên các cá nhân không chỉ xuất hiện riêng ở trong nhà tù. Nó có mặt ở khắp nơi trong xã hội: nhà trường, bệnh viện tâm thần, tu viện, trại trẻ mồ côi, công xưởng, doanh trại quân đội… Foucault đã phác họa lại cái phả hệ của các phương pháp giám sát và kỷ luật đã tồn tại từ lâu trong các cơ sở này. Như ông đã nhận xét, trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, các phương pháp giám sát và kỷ luật đã trở thành “công thức thống trị tổng quan ”. Ở đây Foulcault không muốn thể hiện tính cụ thể của các thể chế khác nhau mà ngược lại tìm cách “đặt chúng vào sự nhất quán của một chiến thuật”. Đây là lý do tại sao ông đã có thể viết: “Có gì thắc mắc nếu nhà máy, trường học, doanh trại, bệnh viện, tất cả đều giống nhà tù?”. Câu hỏi có thể gây ra tranh cãi, nhưng trong tác phẩm Giám sát và Trừng phạt, mục tiêu của Foucault là rõ ràng: phát hiện ra một thứ quyền lực “vi mô” mới phổ biến cho các thể chế đơn lẻ khác nhau…

Nguồn: FB Dương Thắng

…….

Thông tin sách:

Tên sách: Giám sát và Trừng phạt – Nguồn gốc nhà tù

Tác giả: Michel Foucault

Dịch giả: Trần Thị Châu Hoàn, Nguyễn Ngọc Tuấn. Hoàng Hưng hiệu đính

NXB Tri thức

Khổ sách 16x24cm

Số trang: 448

Loại bìa: Bìa mềm

Giá bìa: 220.000

Comments are closed.