“Chuyện làng Buông”, “Én ca”: “Cái thật sẽ chết”?

Cù Mai Công

“Chuyện làng Buông” bắt đầu bằng chuyện một thằng bé 12, 13 tuổi xưng tôi trong đó, hiểu là tác giả hay ai đó cũng được. Thằng bé ấy đang hít xà, có vẻ như để “ra vẻ ta đây” với bạn gái đang đi tới. Thì bị thằng bạn… tụt quần. Nó đỏ mặt. Nó trốn biệt cô bạn cả tuần. Nó tìm đến một gã đàn ông từng trải trong làng để gỡ rối tơ lòng – như mọi thằng nhóc khác bước vào tuổi mới lớn trên đời này.

Mạch tâm sinh lý lứa tuổi chạy suốt hơn 300 trang sách ấy, khiến khi đọc, tôi rùng mình liên tục, ngỡ đây là một tập sách về ẩn ức libido được giấu kín trong tận cùng mỗi con người, cả nam lẫn nữ, cuồn cuộn từ thuở thiếu niên, hừng hực tuổi thanh niên, dục vọng tuổi trung niên, thèm khát tuổi lão niên… cho tới tận khi nhắm mắt.

Từng trang sách đều lồ lộ “chuyện ấy” như cái đêm sự thật ở điếm canh của nhân vật chính: “Gã như ngọn đuốc hực cháy. Không có tình thương với Mưa thì thể xác gã không thể tự bốc cháy như vậy. Tình thương! Đúng! Tình thương. Bắt đầu cứ thế đã. Cái thứ tình thương mà ai cũng nắm bắt rõ ràng, mà khó buông, khác với cái tình yêu mà đến bà Bẻm gần xuống lỗ rồi còn không hiểu là cái giống đếch gì, huống hồ gã, một thằng giai mới nhớn”.

“Thằng giai mới nhớn” may mắn được sống trong một ngôi làng “chính người làng tự cho phép mỗi dân làng muốn hiểu sao thì hiểu. Miễn là, người làng vượt qua thù hận, sự chen ngang, chèn dọc của cái ác, cái dối trá, cái áp đặt từ đâu đó những “khuôn mẫu giời ơi” và thói thóc mách đặt điều giời ơi”.

Cái làng này quả thật rất thoáng, rất đô thị, rất Sài Gòn; một ngôi làng “tên Buông vì có ông thành hoàng lập nên làng có lối sống… buông. Buông lơi, buông rơi, buông bỏ, hay buông thả, hay buông… buông?”.

Chính lối sống của ngôi làng “kỳ lạ” ấy đã dẫn dắt hàng trăm nhân vật của mình sống thật với ẩn ức riêng tư, không chỉ là tâm sinh lý, dục tính lứa tuổi mà ẩn chứa những chuyện rộng hơn, lớn hơn, thật hơn, dù… nhạy cảm hơn. Từ một bà nông dân củ mỉ cù mì cho tới một ông chủ tịch xã chụp mũ chống Đảng cho người dám làm thơ phê phán… vợ mình.

Mảnh đất ấy có vẻ như bao mảnh đất trên xứ này hôm nay, từ nông thôn đến đô thị: hạt giống nào cần giữ và gieo. Để giữ đất Việt.

… Sài Gòn đêm 24 rạng 25-8-2024 mưa, sau cả tuần oi nồng, muốn mưa mà không mưa nổi. Tôi như bị hút theo mạch đi hơn 300 trang tiểu thuyết hư cấu mà có vẻ thật hơn đời thật. Để bần thần, ngổn ngang suy nghĩ với những dòng cuối:

Mưa đơ mặt ra. Mắt như thất thần. Cát, mày phải làm sao cho con Mưa khóc được đi! Nó sẽ điên lên mất, nếu không khóc. Ông Róm như thét lên.

Mưa lặng lẽ ra ngoài sân.

[…] Mưa buông bàn tay…

Hạt lúa.

Cô Vượt đưa tay lên tát mạnh vào má Mưa trước sự sững sờ của gã.

Một cái tát như trời giáng.

Khóe mắt Mưa buông…

Hạt nước mắt”.

Nghe như câu kết giọng thơ Lưu Trọng Lư, cha của tác giả – Lưu Trọng Văn:

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

“Con nai vàng ngơ ngác” của người con cũng lãng mạn nhưng rõ ràng đau đớn bội phần hơn con nai của cha. Nó đối diện với buông bỏ. Sự buông bỏ bao giờ chẳng có dằn vặt, tiếc nuối. Nhưng có lẽ đã đến lúc phải buông. Như tên tập sách kể chuyện làng ngỡ hiền hoà mà dữ dội này: “Chuyện làng Buông”.

Mạch đi ấy tiếp tục cuộn lên trong tập sách ra cùng lúc với “Chuyện làng Buông”, cùng một tác giả: “Én Ca”. Trong đó, nhân vật Cá Cơm thốt lên cay đắng:

Chính cái nghèo, cái hèn có thể biến cái lưỡi của con người quen với cái giả, đến lúc nào đó khi đụng đến cái thật thì không còn cảm nhận được giá trị của cái thật đó.

Cái thật sẽ chết”.

Thời buổi thật giả khó phân này, đọc mà ứa nghẹn nước mắt. Cái thật và giá trị đó, không cần tôi viết: hai tập sách này đang là mạch tìm, luồng đi của nhiều bạn đọc. Đọc để hiểu hơn: sự thật đơn giản, nhưng luôn hút hồn, hút lương tâm – lẽ phải, ẩn ức trong mỗi người.

Comments are closed.