Giới thiệu một tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường: “An Nam trong Văn học Pháp. Jules Boissière”

Hiếu Tân

Có thể là hình ảnh về 3 người, sách và văn bản

Tháng 6 năm 1932, tại trường Đại học Tổng hợp Montpellier (Pháp) Nguyễn Mạnh Tường, (23 tuổi) bảo vệ thành công bằng Tiến sĩ Văn khoa, với Luận văn chính Essai sur la valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset (Tiểu luận về Giá trị Sân khấu của Kịch Alfred de Musset) và Luận văn bổ sung L’Annam dans la Littérature Franҫaise – Jules Boissière – An Nam trong Văn học Pháp. Jules Boissière) Trước đó, tháng 5-1932, ông đã bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật khoa L’individu dans la Vieille Cité AnnamiteEssai de synthèse sur le Code des Lê (Cá nhân trong nước An Nam cổ xưa – Tổng luận Luật đời Lê)

* * *

Trong phần Kết luận Luận văn “An Nam trong Văn học Pháp. Jules Boissière” Nguyễn Mạnh Tường viết: chúng tôi đã cung cấp cho các nhà văn học sử tất cả các yếu tố mà chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ cần để đưa ra một đánh giá hợp lý, phù hợp với các đòi hỏi của chính trực và công bằng.

Về nhận định của bản thân… chúng tôi đã đặt lên rất cao trong sự ngưỡng mộ của mình, tác phẩm, than ôi! quá hạn chế, quá khiêm tốn, của Boissière. Chúng tôi rất vui khi nhận thấy rằng ý kiến của chúng tôi là của nhiều học giả, của một J. Ajalbert, của một P. Mille, của một G. Farrère, người không ngần ngại tuyên bố rằng Boissière là một trong những nhà văn xuất sắc nhất, vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Chúng tôi hy vọng đã thể hiện đầy đủ trong quá trình làm việc của mình ý kiến này được xác lập ở tầm cỡ nào. Chúng tôi xin nói ngắn gọn. Trước hết, với chúng tôi tác phẩm của Boissière có những phẩm chất văn chương vững vàng nhất, quý giá nhất và hiếm hoi nhất. Nó được ghi bằng một dấu ấn nghệ thuật hạng nhất, mang lại cho nó một vẻ thanh lịch nổi trội, xếp nó vào danh mục những châu báu được chế tác tinh xảo và kiên nhẫn, và tính cách độc nhất vô nhị càng làm tăng thêm giá trị quý báu của chúng. Tác giả của “Những người hút thuốc phiện” là một người thợ chữ nghĩa tuyệt vời mà công cụ được lưu dấu cho muôn đời. Văn xuôi mà ông đục đẽo thô mộc, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, lúc thì tinh tế và rắn rỏi, lúc lại lộng lẫy như bức bích họa của Titien, mảnh mai như bàn tay người phụ nữ, mờ nhạt dần như ánh hoàng hôn. Phong cách mà ông áp dụng cũng đa dạng như cuộc sống, ông biết lấy mảnh cứng của đá cẩm thạch, sự gọn ghẽ sắc nét và mạnh mẽ của các bức chạm khắc cổ; nhưng ông cũng biết cách trở nên căng thẳng, lạt lẽo, nhiều sắc thái, thấm thía, cái bất nhất có sức mạnh của sự tinh tế, đặc biệt khi ông cố gắng chuyên chú làm cho thực tại của những yếu tố của linh hồn uyển chuyển và sống và chuyển động. Giống như tất cả các tác phẩm văn học có sức sống vĩnh cửu, tác phẩm của Boissière khoác lên mình một hình thức nghệ thuật siêu việt. Nhưng, điều quan trọng cần lưu ý là nội dung xứng với hình thức, những nội dung “chất” của tác phẩm có mật độ đáng ngưỡng mộ, có độ đậm đặc tạo nên sự chặt chẽ, cái thô cứng tạo nên sự vững chắc. Dưới cái khung văn chương, dưới kiến trúc nghệ thuật là chất liệu kiên cố đáng kinh ngạc và quý giá. Trong cuốn sách của nhà văn, chúng ta khám phá ra một tài liệu lịch sử, xã hội học, tâm lý học hạng nhất. Phân tích tinh tế và chính xác, luôn luôn đúng, uốn cong theo thực tế thoáng hiện và mới mẻ mà nó nghiên cứu với sự uyển chuyển đáng kể; quan sát chắc chắn, chính xác, kỹ lưỡng, khách quan; bằng chứng được lập thành văn bản và không thiên vị. Tác phẩm văn học trở thành một báo cáo của một thầy thuốc, một bác sĩ tâm thần, một cuộc điều tra của nhà sử học và nhà tâm lý học, có sức mạnh của tính chân thật có ý thức tự giác. Những trang viết về thuốc phiện như vậy là cuối cùng. Chưa bao giờ cuộc thi phân phối ma túy đen lại được nghiên cứu với khả năng tỉnh táo, minh mẫn, thẩu đáo và nhạy bén đến vậy. Những trang như vậy về tâm hồn con người nghe có âm hưởng kinh điển. Chưa bao giờ tâm lý bí ẩn của một dân tộc được khám phá với sự chắc chắn, khéo léo, tinh tế, thanh lịch, mạnh mẽ và chính xác đến vậy. Tác phẩm, thường xuyên đối mặt với thực tế, kết thúc bằng việc đồng nhất với nó, hòa nhập vào nó và thể hiện nó bằng giọng chân thành cảm động không bao giờ lừa dối. Chúng tôi nhận ra rằng đây là một trải nghiệm sống và không phải tưởng tượng. Hình thức văn học lỗi lạc tương ứng với nội dung khoa học lỗi lạc. Sự hoà hợp là hoàn hảo và sự hoàn hảo hài hòa giữa văn chương và khoa học.

Nhưng, dù thế nào chăng nữa, dù hậu thế sẽ đặt tác phẩm mà chúng tôi đã nêu bật giá trị này lên vị trí nào, thì chúng tôi cũng chắc chắn một điều. Đó là Boissière, một tâm hồn ưu tú và một trái tim tinh tế, khao khát được yêu hơn là được ngưỡng mộ. Ông đã ca ngợi Provence và An Nam. Xin cho hình ảnh song sinh của hai quê hương kính cẩn nghiêng mình trước mộ ông! Xin cho, ở Provence cũng như ở An Nam, dưới ánh mặt trời rực rỡ như nhau mà ông vô cùng yêu thích và chiếu soi giấc ngủ cuối cùng của ông, bừng nở một lòng ngưỡng mộ chung đối với kỉ niệm và sự nghiệp của ông! Provence không thay đổi, ông đã đến An Nam để mang theo lời chào của Provence và sự tôn kính của tình yêu của ông. Đến lượt chúng tôi, sứ giả trí thức của An Nam, xin mang đến quê hương của ông lời chào của đất nước chúng tôi và dâng hoa tưởng nhớ ông bằng một bàn tay vô cùng thành kính.

HỌC VẤN CỦA BOISSIÈRE

SỰ ĐÀO LUYỆN TRIẾT HỌC

Điều khiến người đọc ấn tượng nhất trong tác phẩm của Boissière, đặc biệt là trong các tác phẩm thời trẻ của ông, là học vấn phi thường của tác giả. Người ta cảm thấy có sự hiện diện của một cá nhân mà ở đó giáo dục đã mang lại kết quả của nó… người ta cảm thấy một tinh thần thấu đáo, đầy tinh tế, khiêm tốn, trang nhã, khác biệt, được ướp thứ hương thơm kín đáo của loài hoa quý có tên là văn hóa.

***

Những cái tên vinh quang của Socrates, Plato, Epictetus, Democritus, Heraclitus, Anaxagoras thường được nhắc đến trong các câu thơ của ông. Dường như triết học cổ đại đã có ảnh hưởng lớn nhất đến tinh thần của nhà thơ trẻ. Học thuyết Lucrèce đã hấp dẫn ông nhất, ông nhận được món ăn tinh thần chính từ học thuyết này. Đây là một dấu hiệu rất tốt. Không phải bất cứ ai cũng được phép uống từ những mạch nguồn mạnh mẽ của tư tưởng Lucrèce. Đây là dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn của một trí thông minh cường tráng. …Trong khi đánh giá cao triết học của thế giới cổ đại dạy con người suy nghĩ và lập luận, ông không bỏ qua các hệ thống của Descartes, của Hegel, của Spinoza; của Schopenhauer. Độc đáo và mạnh mẽ đến thế, ông không thể thờ ơ. Ông nhận thấy những đóng góp đáng kể mà các nhà tư tưởng của thế giới hiện đại đã mang đến cho di sản tinh thần của nhân loại.

Với chúng ta, đây dường như là cứu cánh tối cao của sự đào luyện triết học. Triết học là tiến trình trí tuệ xông lên chinh phục chân lý, người ta không thể từ chối Boissière một cuộc đào luyện triết học. Thật vậy, ông hiểu rằng cách tốt nhất để phục vụ cho sự nghiệp tư tưởng không phải là thờ ơ với quang cảnh bí ẩn của thế giới, mà là cố gắng xé bỏ bức màn tối tăm của nó, để cảm nghiệm những nỗi băn khoăn cao cả, những lo âu bồn chồn trước câu đố bí hiểm cần giải đoán. Thái độ của tinh thần này, vốn là một cách chuẩn bị cho việc truy tầm sự thật, dường như là đặc thù của những tinh thần mà ở đó hạt giống triết học đang nảy mầm, là thái độ của Boissière. Mặt khác, làm sao chúng ta có thể phủ nhận rằng triết học, là nhằm tìm kiếm sự thật, nếu không thì cũng nhằm thấu hiểu thực tại.

“Tôi muốn bạn mang đến cho tôi, như Baruch de Spinoza đã làm, nếu không phải là sự đồng cảm khiến yêu thương tất cả, thì là trí thông minh có khả năng hiểu tất cả.” Trạng thái tinh thần mà ông muốn có ở người đọc, chính là của ông. Trí thông minh ham hiểu và biết, say mê sự thật và thực tế của ông là kết quả nổi trội của một nền giáo dục tốt, đó là bông hoa tinh túy của một sự đào luyện vững chắc. Và chính nhờ sự xoay chuyển đầu óc khác biệt này, mà Boissière nghe được tiếng gọi say mê của không gian, sức hấp dẫn của những cuộc hành trình vĩ đại, sự kỳ diệu của những thành phố xa xôi, sự lạ lùng của những dân tộc mới, những phong tục độc đáo, tóm lại, sự khắc khoải cao quý này của tâm hồn, sự không thỏa nguyện của bản thể đã khiến cá nhân không hài lòng với số phận của mình, không thỏa mãn với sự sống đơn điệu và trống rỗng của mình, nhưng trái lại thôi thúc anh ta khám phá ra cái chưa biết, cái bí ẩn, cái “không nhìn thấy”, cái “không cảm nhận được”. Rõ ràng là chúng tôi đã đúng, dù chỉ từ một quan điểm văn học hạn hẹp, khi phát hiện ra ở Boissière có một học vấn triết học có sức sinh sôi. Nếu không có nó, nền văn chương Pháp sẽ mất đi một kiệt tác.

VĂN CHƯƠNG BOISSIÈRE

Dù có một số thành tựu về thơ – mà Nguyễn Mạnh Tường đã dành nhiều trang để phê bình và tán thưởng nhưng phần chủ yếu mà Boissière để người đời kì vọng trong nuối tiếc chính là một tài năng văn xuôi, thể hiện qua số lượng tác phẩm ít ỏi gồm những tiểu thuyêt, truyện kí, khảo cứu và tiểu phẩm hoạt kê.

***

Cái chết đến làm gián đoạn sự nghiệp thơ ca của ông. Trường phái thơ phương nam vẫn mãi tiếc rằng tai nạn bất khả kháng này, mà số phận con người buộc phải tính đến, đã xảy ra quá sớm và đã làm gián đoạn con đường tráng lệ mở ra trước mắt ông, người mà Mistral coi là một trong những môn đệ giỏi nhất của mình. Nếu cú đánh này không cùng một lúc cắt ngang con đường phát triển văn xuôi của Boissièrc, chúng ta sẽ không tiếc nuối đến thế. Bởi vì chúng tôi đã thấy rằng nhà thơ ở Boissière, nhà thơ Pháp, chứ không phải là nhà thơ tỉnh lẻ đã không thành công kể từ khi ông bước vào văn chương với tập thơ “Trước điều bí ẩn”. Nếu kiên trì theo đuổi con đường này, có lẽ ông cũng đạt được một thứ hạng danh giá, nhưng chúng tôi tin rằng ông chưa đủ tài năng để trở thành một trong những chòm sao sáng chói trên bầu trời thi ca.

TIẾP XÚC VỚI PHƯƠNG ĐÔNG: MỘT NHÀ SƯ, BẬC THẦY

“Sư Khou Su” là một tập sách mỏng hai mươi trang. Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên của một người phương Tây có học với Phương Đông kì cục, mâu thuẫn, kẻ hủy diệt tàn nhẫn và vô ý thức của những ảo tưởng được yêu mến và những định kiến được ấp ủ, người phân phát của một thực tế kém đẹp hơn hẳn so với giấc mơ mà chúng ta có nhưng chắc chắn là hấp dẫn, có thể giải thích, có thể hình dung và trên hết là người hơn. Học giả phương Tây cố gắng tìm ra một loại Renan người An Nam, với nụ cười đầy hoài nghi, có lòng khoan dung tuy mỉa mai tinh quái, khéo léo tung hứng các ý tưởng và cảm xúc, và đặt tất cả ý nghĩa cuộc sống vào hành lạc của một óc thông minh tinh tế và uyên bác. Nhưng, thay vì người đàn ông đáng ngưỡng mộ này, người luôn chứa đựng sự tổng hợp của hai nền văn minh, tinh hoa của hai linh hồn, bông hoa của hai nền văn hóa, thì nhà học giả trẻ phương Tây của chúng ta đã gặp một vị sư già đảm nhận hai chức năng là nhà tu hành và người thầy: sau khi đã thể hiện sự tôn thờ cần thiết đối với các thần linh, sau khi quét dọn chùa, ông tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình để dạy chữ cho trẻ nhỏ. Như thế, sau khi đã làm tròn bổn phận của mình đối với thần thánh và đối với trí thông minh của mình, ông được tận hưởng sự yên tĩnh của lòng ngây thơ trong sáng. Tâm hồn ông giản đơn và thơ trẻ, không có chút gì khôn khéo và tinh vi. Nó không biết gì đến tư tưởng hoài nghi, và có lẽ tất cả mọi tư tưởng, nó không biết đến sự mỉa mai tinh quái hay sự hoài nghi khó chịu. Tâm hồn ấy có niềm tin chất phác và sự tin tưởng rất trẻ thơ. Về sự tinh vi, tâm hồn ấy chỉ biết đến sự tinh vi của đời sống đạo đức: vẻ lịch sự của tâm hồn ấy cũng là một điều cao nhã. Tâm hồn ấy ít tự ái mà nhiều thanh thản tự nhiên và tự phát. Nhà sư của chúng ta sẽ là một người khôn ngoan, nếu người ta cho rằng sự khôn ngoan nằm trong một thái độ thản nhiên và điềm đạm nhất định, không chút kiêu căng oai vệ nào, trước cảnh tượng muôn màu của cuộc sống, trước bức tranh đa dạng của con người. Đây chắc chắn là bài học mà chàng trai trẻ Boissière, được sự dạy dỗ của một ông thầy uyên bác rèn vào khuôn phép, đã học được từ cuộc gặp gỡ này với Sư Khou Su (*). Ấn tượng đầu tiên thật đáng thất vọng; nhưng nỗi thất vọng nhanh chóng chuyển thành lòng ngưỡng mộ nhiệt tình và khao khát bắt chước khi anh hiểu rằng hiền minh thực sự nằm trong sự trong trắng của tâm hồn và trong sự đơn giản của lối sống. Và đây là lời cầu nguyện mà Jules Boissière cuối cùng đã cất lên khi phát hiện ra cái thanh thản phương Đông sinh ra từ cội nguồn sâu thẳm này: “Chắc chắn là, để Khou Su giống với học giả mà tôi đã tưởng tượng, cần phải thêm nhiều nét vào diện mạo của ông, nhiều yếu tố mới vào nhân cách trí tuệ của ông. Trong tôn giáo thiêng liêng của Đức Phật có nhiều thứ mà tôi biết rõ hơn ông. Ông không có chút gì của nhà chú giải Renan, một người can đảm; nhưng nếu tin ngưỡng của ông hơi thiếu phần lý trí và sự uyên bác của ông gần như không có, thì ông lại có cái độ lượng của nhà hiền triết, ông hưởng cái thanh thản của tâm hồn, ông không ghen tị với điều gì, còn tôi lại ghen tị với ông. Vận mệnh của ông luôn êm trôi trong trẻo và bình lặng. Một ngày nào đó, những bàn tay ngoan đạo sẽ chạm khắc hình nổi của ông trên gỗ, nó sẽ được đặt bên cạnh hình nổi của các bậc tiền bối; đôi tay của ông sẽ ban phúc lành, nụ cười của ông sẽ đầy khoan dung với những trò phù phiếm diễn qua trước mặt ông, và linh hồn ông sẽ phiêu diêu ở nơi tôn nghiêm mà ông yêu thích, ở đó ông sẽ thao thức thật lâu để truyền cảm hứng, như hình ảnh của ông, bằng những suy tư trong lành về những điều mới đến”.

____________

TRẢI NGHIỆM VỀ THUỐC PHIỆN

Trong văn xuôi của Boissière có một mảng kì dị, cực kỳ công phu và tài hoa: nghiên cứu về những trải nghiệm với thuốc phiện. Không thể bỏ qua nó, vì một mặt, thuốc phiện thấm nhuần tác phẩm của Boissière: nó là một trong những khía cạnh chính, đặc trưng, ​​độc đáo của di sản văn chương ông. Mặt khác, nếu nỗi dằn vặt mà Boissière trải qua trong hoài niệm tha hương cuốn hút chúng ta bởi chính tình cảm nhân văn của ông, thì trải nghiệm của ông với thuốc phiện cuốn hút chúng ta theo cách ngược lại: bởi sự hiếm hoi của nó. Thậm chí ông còn thấy dường như nó là công cụ tốt nhất để khảo cứu tâm hồn người An Nam, cuộc khảo cứu mà ông miệt mài thực hiện.

Duyên do nào đưa Boissière đến với nàng tiên nâu? Rất thông thường, những niềm đam mê của con người, ban đầu là do thiếu hiểu biết. Lần đầu tiên chạm mặt nó, anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng rồi chẳng mấy chốc nỗi sợ hãi trở thành điềm báo trước sự quan tâm gần gũi, sự chú ý sắp xảy ra, và do đó, của niềm đam mê chớm nở.

Cái khí chất của một nhà thơ như chúng ta đã biết, vốn cực kỳ nhạy cảm, con người duy mĩ trong ông luôn thích thú những cảm giác hiếm có, những cảm xúc chưa biết và giống như cái cảm giác “tiền ái tình” (pré-amour): những thiên đường nhân tạo nguy hiểm.

Tình yêu ban đầu chỉ là văn chương. Nhưng có một thời cơ bỗng chốc đưa ông từ lĩnh vực lý thuyết của văn học đi vào các lãnh thổ thực tế của tình cảm. Và, làm sao một “nhà duy mĩ” có thể từ chối việc thưởng thức những cảm giác mới lạ, trong khi thỏa mãn nhu cầu tò mò của con người, nhân cách của anh ta còn được nâng lên bằng một đóng góp mới, bằng trải nghiệm một khám phá mới?

Trong khi các đồng nghiệp của ông vùi đầu vào cái thú vui chật hẹp của trò chơi đôminô và đánh bài vô vị, thì ông có một dịp để thoát khỏi nỗi buồn chán kinh niên – kẻ thù mà ông đã gặp từ những ngày xa xôi của tuổi trẻ.

Và cuối cùng, đối với ông, dù đúng hay sai, thuốc phiện có lẽ là cách trực tiếp nhất để tiếp cận tri ​​thức có bản chất triết học, đạo đức và trí tuệ này. Ở đây, các sức mạnh tình cảm đã chiến thắng những năng lượng của trí tuệ và ý chí, trái tim đã phục thù trí não.

Người nghiện sẽ nắm bắt tốt hơn vẻ đẹp huyền bí của vật và người. Boissière nói, “Thuốc phiện làm tăng hứng thú với những thứ được đọc, cũng như những thứ được nghe hoặc nhìn thấy”. Ông được khải ngộ về một thế giới huyền bí ẩn sâu trong thế giới hữu hình, và để nhận thức được điều đó cần phải có những cảm quan kì diệu và tinh tường. Chính Thuốc phiện mang đến cho con người những cảm quan mới nhờ đó anh ta có thể tiếp cận thế giới của những linh hồn, nó là đặc ân tối cao được ban cho trí thông minh của con người. Do đó, con người có thể tham gia vào cuộc sống mờ mịt của vạn vật, và trong khi vẫn duy trì khả năng suy nghĩ và phân tích, được hòa nhập vào bí mật của bản thân vật chất

Tuy nhiên, thuốc phiện cũng có những tác dụng khác. Nó tiêu diệt cái ác về mặt đạo đức và thể chất, giúp ​​tâm hồn hoặc cơ thể thoát khỏi sự áp chế của nỗi đau, sự sút giảm chú tâm đến phẩm giá con người. Nó mang lại cho con người sự thanh thản mà triết học Epicure coi là hạnh phúc cao nhất và sự khôn ngoan cao nhất.

Trạng thái thanh thản an lạc này không chỉ tạo ra tác dụng có lợi của nó đối với người đang say, mà còn phát huy tác dụng hữu ích của nó trong các mối quan hệ mà anh ta có thể duy trì với những con người. Khơi nguồn cảm giác về sự phù phiếm phổ quát, về sự khinh bỉ hoàn toàn đối với mọi thứ không liên quan đến cái lạc thú thuốc phiện, đưa tâm hồn vào sự thanh thản bất biến và cõi an bình không thể thay đổi, nó ra lệnh cho mỗi người ‘kiềm chế mọi tình cảm yêu ghét mãnh liệt, tránh mọi cử chỉ thô lỗ và khiếm nhã’. Nó gợi ý cho anh ta trong quan hệ với mọi người phải giữ lấy sự điều độ khôn ngoan và thường xuyên bình thản, qua đó thể hiện phẩm giá của tính cách và uy tín của con người lịch lãm. Nhất là nó truyền đạt một cảm giác đáng khen về lòng nhân từ thanh thản và lòng trắc ẩn hào phóng đối với con người. Nó hướng dẫn bỏ qua những vẻ bề ngoài vô ích mà sự ngu ngốc của con người thể hiện ở khắp mọi nơi, trong biên giới các quốc gia và trong thành kiến ​​của các chủng tộc. Đồng thời, nó dạy ta bài học về sự phù phiếm của những gắng gỏi nhọc lòng của con người.

Vượt trên mọi cung bậc của những thú vui trần thế và đạt đến niềm hạnh phúc tuyệt diệu ngoài tầm, con người phản bội sự nghiệp của trí thông minh sáng tạo, và quên đi những thú vui đã trở nên quá nhạt nhẽo của hư cấu nghệ thuật. Người ta cũng hiểu rằng Thuốc phiện có một tôn giáo thực sự, có các vị thánh, các vị tử đạo của nó.

Nhưng để đạt đến những nghi lễ mà nhờ đó tín đồ vượt ra khỏi thân phận con người để được sống trong thiên đường của các vị thần và dự phần cõi cực lạc trên thiên giới, họ đã phải chịu đựng những nỗi đau khổ tột cùng, những ác độc kinh hoàng. Họ sống một cuộc sống dị thường, không còn theo những truyền thống lâu đời nhất và những cảm xúc đáng kính nhất của trái tim nhân loại Trong hành động của mình họ được hướng dẫn bởi các quy luật của một logic trí tuệ hoặc tình cảm khác với những người khác, có một triết lý sống riêng biệt, nhìn các mối quan hệ xã hội từ một góc độ đặc biệt, xem xét các vấn đề thiết yếu của tồn tại băng một con mắt đặc biệt, và tiếp cận cái chết bằng nụ cười thanh thản của nhà hiền triết. Phù phép không thể tả được của thuốc phiện! Sức mạnh bí ẩn của thuốc phiện tái tạo thế giới bằng cách mang lại cho cá nhân một linh hồn mới.

Mặt khác, nếu nó làm cho giác quan tinh tường và sắc sảo hơn, thì do một mâu thuẫn lạ lùng và có lợi, nó cũng đồng thời gây ra sự vô cảm, ít nhất là một dạng vô cảm nhất định, liên quan đến đau khổ.

Thế nhưng, chính cái vô cảm mà người ta cầu đến để trốn thoát trong chốc lát nỗi đau thể chất và tinh thần, lại chứa chấp điều tồi tệ kinh khủng nhất. Trước hết, nó làm cho người ta quên đi trách nhiệm mà người ta đang có với người khác, với xã hội. Sự vô trách nhiệm đưa con người xuống hàng súc sinh. Trong cơn đói thuốc, con nghiện là nô lệ hèn mạt của nhu cầu vật chất. Chiến thắng của của cảm giác đối với trí tuệ và ý chí, có gì khác hơn là sự đầu hàng nhục nhã của ý chí và trí tuệ? Trí năng và ý chí lúc này chỉ còn là những con rối thảm hại mà thuốc phiện hoàn toàn có quyền giật dây. Và trong sâu thẳm, chính trí năng là kẻ truyền cảm hứng cho tất cả những ngụy biện xảo trá. “Suy luận có thể không sai, nhưng hoàn toàn thiếu tự chủ. Nó không được sinh ra từ sự hăm hở tự phát của trí thông minh tư biện. Nó được bịa ra sau cú hích, để làm cái cớ cho sự suy tàn thảm hại mà thuốc phiện là nguyên nhân.”

Và trong công trình khảo cứu này của Boissière chúng ta không biết phải ngưỡng mộ điều gì nhất, cái nhìn tổng quát và nhân văn, hai đặc điểm hứa hẹn sự trường cửu của tác phẩm, hay sự khéo léo, tài năng, cái tinh tế của óc phân tích; sự tao nhã, sự trau chuốt, cái thanh lịch đầy sức sống của nghệ thuật biết cách thể hiện với sự rõ ràng và độ chính xác tuyệt vời những cảm xúc mỏng manh, yếu ớt, linh động như nước, như gió hoặc như khói. Điều cốt yếu ở đây là gì? Là cuộc hành trình kỳ diệu trong vùng cấm của các thiên đường nhân tạo đã không làm chúng ta vỡ mộng. Điều này là khá hiếm. Nghệ thuật của Boissière vượt trội hơn hẳn so với nghệ thuật hiện thực luôn gây thất vọng.

TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN VÀ KHÁT KHAO KHÁM PHÁ

Trong phần tổng quan ngắn gọn của chúng tôi về cuộc đời của Jules Boissière, chúng tôi đã chỉ ra cảm giác hoài nhớ quê hương chiếm vị trí nổi bật trong tác phẩm của ông. Cảm giác phức tạp, dễ hiểu, minh chứng hùng hồn về một sự nhạy cảm nhất định của trái tim và nhất là tính nhân văn. Thật ra, chính vì thế mà chúng ta quan tâm và nó thu hút chúng ta. Trong phạm vi nó biểu hiện tính người.

Thật vô cùng tò mò khi theo dõi tiến triển của nó, cảm giác thương nhớ quê hương mà linh hồn của Boissière bị níu giữ, luôn bị níu giữ, bị níu giữ vĩnh viễn. Đã trải qua một tuổi thơ hạnh phúc và yên bình ở đất nước quê hương, dưới bầu trời trong sáng của miền Provence và gần Địa Trung Hải Latinh,

ông gần như đã đi đên chỗ đồng nhất một trong những khuynh hướng sâu xa của con người mình với chính quy luật của cuộc sống, đó là sự năng động, hăm hở, chuyển động, trong khi cá nhân chỉ muốn ổn định, yên tĩnh, nghỉ ngơi. Và tất cả bi kịch là ở đó, trong sự mâu thuẫn vĩnh cửu giữa hai khuynh hướng đối lập này, trong cuộc ly dị tuyệt đối giữa những khát vọng của tâm hồn và những khát thèm của thể xác. Có lẽ ai cũng đồng ý rằng chính tấn bi kịch về thực chất rất người này đã khiến cho những lời than thở của Boissière trở nên vô cùng cảm động.

Tuy nhiên, Boissỉère như chúng ta biết, trong cuộc đời mình có những lúc ước muốn thầm kín của ông được thỏa mãn, khi mâu thuẫn mà chúng ta đã biết giữa các khuynh hướng đối lập bị triệt tiêu, khi cuộc ly hôn giữa những khao khát của tâm hồn và của thể xác biến đi. Ông thực sự đã đến An Nam. Ông đi thuyền về phía Quần đảo Châu Á, hướng tới vùng đất đầy nắng. Vậy cuối cùng ông có đạt được sự cân bằng giữa thể xác và tâm hồn, sự hòa hợp chung của bản thể, mà người ta gọi là hạnh phúc hay không? Hỡi ôi: không.

Quả thật, trong số phận của nó, con người luôn luôn không hài lòng. Trở ngại ngăn cản con người biết đến hạnh phúc là nội tâm. Hạnh phúc của con người, như nó tồn tại ở đây trong cõi đời này, nhất thiết bao hàm một tổng thể vô cùng lớn những hy sinh, nhượng bộ, cam chịu. Nó không bao giờ là toàn bộ, đầy đủ, tuyệt đối. Boissière vẫn đang đau khổ. Không nghi ngờ gì khi ở đây ông sống ở một đất nước mà mặt trời rực rỡ hơn, hoa thơm hơn, và những người phụ nữ đúng như ông tưởng tượng. Nhưng, giờ đây, nỗi nhớ về cái nắng và miền nhiệt đới đã biến mất, nỗi nhớ quê nhà, đất nước xa xăm lại tái sinh.

* * *

Thiên nhiên miền nhiệt đới, dù có đẹp đến đâu, với trăng sáng, với những đêm đầy sao, với cái trong trẻo và mềm mại cực kỳ kiểu Ý – và có điều thật lạ là đã không làm thức dậy trong chúng tôi những nỗi u sầu thấm thía mà những đêm đẹp tuyệt vời của Pháp và của Provence gợi lên mạnh mẽ đến vậy.”

Đứa con của Provence là như thế. Trong khi được nếm giữa làng quê vị ngọt của quê hương vừa mới gặp lại, anh bị day dứt bởi mong muốn rời bỏ bầu trời quê hương để đến những vùng đất nhiều nắng hơn, sống cuộc sống năng động hơn, mà anh hy vọng sẽ hạnh phúc hơn. Thế là anh rời bỏ người mẹ này mà anh yêu quý. Phải chăng đó là một sự phản bội? Không hề, chính trong sự không chung thủy của anh mà tình yêu anh dành cho Provence của anh được bộc lộ rõ ràng nhất.

CÁI NHÌN VỀ ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI AN NAM.

Boissière đã hiểu và đã yêu An Nam. Trí thông minh xét đoán, quan sát, nghiên cứu, phê bình, phân tích. Nó thâm nhập vào những ý nghĩa của thực tại bên ngoài và cả một phần tốt đẹp của thế giới bên trong. Những gì là ý tưởng cao nhã đều thuộc thẩm quyền cao của nó. Nhưng, có những điều bí mật của người và vật lẩn tránh sự tìm hiểu của trí năng, chúng thách thức những nỗ lực kiên nhẫn nhất của trí óc phê phán, chúng tránh né được phân tích. Để làm sáng tỏ những bí ẩn này, trí thông minh thừa nhận sự yếu kém của nó. Nó chịu từ bỏ quyền tối cao của mình, nó cảm thấy không có khả năng đảm nhận nhiệm vụ của trái tim, thông qua kênh trực giác và cảm thông, tiến tới nắm vững, đoán ra nhiều bí mật, làm sáng tỏ nhiều vấn đề hiểm hóc. Hai công cụ nghiên cứu kì diệu này bổ sung cho nhau và phối hợp với nhau.

Trước hết, trong tác phẩm của Boissière, chúng ta tìm thấy bức tranh tuyệt đẹp, hấp dẫn, rõ ràng, chính xác, cảm động của thiên nhiên An Nam. Cũng giống như chúng ta đã thấy nghệ thuật của ông được làm cho tinh tế hơn, gọt giũa, phi vật chất hóa theo cách để nắm bắt những mơ mộng huyền ảo, mỏng manh, linh hoạt do thuốc phiện tạo ra, vì vậy chúng ta sẽ thấy bảng màu của ông ngày càng phong phú, đa dạng hơn đến vô cùng, để thôn tính tất cả những huy hoàng, để định hình cái lộng lẫy của phong cảnh An Nam và để cạnh tranh với thiên nhiên, thậm chí với thực tại.

Bình minh trên vùng đất An Nam:

Đây là giờ mà các vì sao tan mờ đi ở phương Đông đang dần trắng ra. Ở những vùng nhiệt đới này, bầu trời sẽ quang đãng, nhanh, nhanh, nhanh; chỉ còn một khắc nữa bóng tối nấn ná trên bình nguyên; chỉ một phần tư giờ mặt trời đợi bên dưới đường chân trời, sau một thoáng tranh tối tranh sáng, sẽ hiện lên trong vinh quang của vị thần bất khả xâm phạm. Không phải đến từ những miền đất này, vòng ôm dài của đêm và ngày, sự pha trộn tuyệt vời của bình minh kéo theo bình minh đang đến gần với những bước chân nhỏ, nhợt nhạt trong một thời gian dài và như thể mệt mỏi vì đã phải vật lộn. Như một con rắn khổng lồ vừa thức dậy, màn sương bất động của đêm vẫn khuấy động và lan tỏa ra; dâng lên tới những thượng đỉnh, giống như một cái đầu lờ đờ uể oải, làn hơi nước tuôn như khói bay lên.”

***

…Tâm hồn người An Nam cũng thơ mộng và huyền bí. Nó có niềm tin tuyệt đối vào những phép lạ qua đó thể hiện ý chí toàn năng của những vị Thần cai trị loài người…. Như vậy, trí tưởng tượng bình dân cảm thấy cần phải giải thích tính ưu việt của một số người ngoại lệ nhất định bằng ý chí thần linh. Như vậy, nó cảm thấy cần phải tự trấn an về tương lai quốc gia bằng cách phú cho người anh hùng trẻ tuổi, người mà nó gửi gắm hy vọng, tất cả những phẩm chất, bao gồm cả phẩm chất có phần bản chất thần thánh và được bao bọc bằng sự bảo vệ chăm chú của các vị thần. Như vậy, với sự đơn giản và ngây thơ của những tâm hồn có đức tin, và những người mà đức tin thay đổi, nó cố gắng tìm cho mình những lý do để tin tưởng vào sự phục hưng của quốc gia, vào chiến thắng dứt khoát của Chính nghĩa Quốc gia, chắc chắn rằng cuộc thánh chiến chống lại kẻ xâm lược nhận được sự tán thành và giúp đỡ đáng kể của các vị thần. Chính trong trí tưởng tượng của họ và trong truyền thuyết vĩnh cửu về giống nòi mà người An Nam tìm kiếm căn cứ để hy vọng. Mặt khác, niềm hy vọng bền bỉ và dai dẳng này mà lịch sử huy hoàng của quá khứ khuyến khích, sẽ tạo thành một loại truyền thống được tích hợp vào di sản chung và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các cá nhân có thể qua đời, ý tưởng về nền độc lập cuối cùng vẫn tồn tại sau họ. Tự tin vào những tấm gương của quá khứ, vào chính sự kiên nhẫn của mình, người An Nam kiên trì trong sự chờ đợi của họ và chờ đợi với lòng thanh thản chiến thắng cuối cùng sẽ dẫn đến những nỗ lực liên hợp của thần linh, con người và thời gian.

…Người An Nam thực sự có ý thức sống tập thể ở mức độ cao nhất. Cá nhân không đóng vai trò gì trong sự sống của quốc gia, nhưng nó có một ý thức rõ ràng rằng nó không chết hoàn toàn, vì gia đình không chỉ là một khối đoàn kết to lớn trong không gian, mà còn là một khối đoàn kết kéo dài trong thời gian, một thực tại vĩnh cửu mà so với nó các thế kỷ là ngắn ngủi. Vì vậy, không cần biết độc lập đến sớm hay muộn, điều chính yếu là nó sẽ đến! Nếu một thế hệ như vậy không được hưởng niềm hạnh phúc của tự do, thì những thế hệ tiếp nối sẽ được hưởng và thế là đủ: chủ nghĩa vị kỷ không dành riêng cho người An Nam, nơi mà nền giáo dục xã hội đã phát triển quá mức các đức tính tận tụy và hy sinh. Ngoài ra, không chắc rằng những người chết không biết đến những lợi ích của tự do, vì cái chết không phải là sự hủy diệt hiện hữu, thật ra nó chỉ là sự biến đổi một số đặc tính của sự sống, vì những người chết cũng sống như những người đang sống, với sự khác biệt duy nhất là sự sống của họ là vô hình và chỉ được tiết lộ một cách lẻ tẻ.

Đặc điểm tính cách này của người An Nam đã được định hình bởi hành động chậm và lâu dài của lịch sử. Trong một thời gian quá dài đã khốn khổ dưới ách thống trị của những kẻ xâm lược ngoại bang, và bị đe dọa rơi trở lại vòng nô lệ bất cứ lúc nào, người An Nam cuối cùng đã có được đức tính của niềm hy vọng không gì lay chuyển được, niềm tin nồng nhiệt vào vận mệnh quốc gia, đồng thời với đó là sự kiên nhẫn. Nhưng những đặc điểm tính cách khác là tự nhiên đối với họ, chẳng hạn như sự ranh ma khôn lỏi của họ, như tính vui vẻ của họ, như tài năng của họ trong việc nắm bắt những điều nực cười và chế nhạo nó.

* * *

…sẽ là sai lầm nếu tin rằng chúng ta đang thấy một nét tính cách. Tất cả phụ thuộc vào từng cá nhân và những hoàn cảnh đặc biệt, và từ một vài trường hợp đặc biệt không nên rút ra kết luận khái quát, đúng với cả dân tộc nói chung. Nhưng chúng ta có thể ghi nhận một cách chắc chắn những quan sát cực kỳ đúng đắn này mà Boissière đã ghi lại,

Tất cả hoặc gần như tất cả đều đã lộ ra ở người An Nam, đàn ông và đàn bà, bằng nét mặt cởi mở, ý nhị, thoạt nhìn đã gợi lên sự đồng cảm; họ nổi bật ở sự dè dặt, lòng hiếu khách, không có những mối oán thù lâu dài và không thù dai. Nóng nảy, hay cáu, ồn ào trong các cuộc chơi bất cần, nhưng bù lại, người An Nam không ham lợi, không xấc láo, không hay trả thù. Nhưng điều quyến rũ người nước ngoài, (nhất là khi anh ta biết tính người Trung Quốc lạnh lùng, tàn nhẫn, che giấu), là sự dịu dàng và dễ tính, sự thông cảm nhanh chóng được thể hiện, sự lịch thiệp trong các mối quan hệ, phép xã giao thực sự tinh tế, ngay cả trong những tầng lớp mù chữ của dân cư.

Boissière còn nhận thấy ở người An Nam những phẩm chất nhất định của công việc và kinh tế. Ông nói với niềm xúc động về tình yêu của người nông dân An Nam đối với mảnh đất của mình, sự chăm sóc tôn giáo mà họ theo.

Ông nói về sức mạnh của nhận thức về tình cảm dân tộc của người An Nam. .. Người An Nam ý thức ở mức độ cao nhất rằng họ tạo thành một khối đoàn kết nhân loại vĩ đại, mà tính thuần nhất được đảm bảo bởi tính cộng đồng về thể chế, phong tục, ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo. Các cá nhân có cùng cảm xúc khi sống lại những giờ phút huy hoàng hay đau thương của quá khứ, cùng cảm nhận niềm tự hào yêu thương những anh hùng dân tộc xưa kia đã từng vực dậy quê hương đau khổ vì sự thống trị tàn bạo của giặc ngoại xâm, họ cảm thấy trái tim mình rung lên cùng một niềm hy vọng, cùng niềm tin vào những số phận An Nam. Họ đã hơn một lần mất đi quyền tự chủ trong nhiều thời đại, nhưng chế độ nô lệ không thể giết chết trong tâm hồn họ những khát vọng manh nha về độc lập, trái lại chỉ làm tăng thêm niềm tin của họ vào sự vĩ đại sắp tới của dân tộc. Họ có tính kiên nhẫn vượt trội và họ chờ đợi với niềm tin thanh thản cho đấng cứu thế sẽ đến để giải thoát họ khỏi sự giám hộ của ngoại bang.

Tuy nhiên, bất chấp chủ nghĩa dân tộc dữ dằn này, người An Nam không hề có tính bè phái, không có tinh thần sô vanh bực tức thường theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cũng không có tinh thần bài ngoại đôi khi nguy hiểm, nhưng luôn lố bịch… Ngoài ra, chúng ta biết anh ấy là người vui vẻ, vui vẻ, thẳng thắn, phóng khoáng và đồng thời rất hiếu khách. Anh còn có một tâm hồn đủ rộng rãi để hiểu và yêu người nước ngoài. Như vậy anh ấy cực kỳ bao dung. Lòng khoan dung này trước hết thực thi trên đời sống vật chất, thể chất của con người. Người An Nam chấp nhận cho người Hoa đến và làm ăn trong lĩnh vực buôn bán, chỉ buôn bán mà thôi. Đối với anh ta, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế là điều xa lạ, và miễn là người ta để cho anh ta làm cái công việc cao quý với đất đai, chỉ cần anh ta được cười và vui với niềm vui của cuộc sống, thì anh ta không yêu cầu gì hơn, không đòi hỏi gì hơn. Anh ta rất hòa thuận với người Trung Quốc và chỉ đôi lần tự cho mình cái quyền nhạo báng và cười nhạo kinh nghiệm xương máu của mình. Tuy nhiên, hãy nghĩ rằng người Trung Quốc giống như kẻ thù truyền kiếp của họ! Thảo nào, người ta không ngạc nhiên khi anh ấy chào đón người Pháp. Con quỷ Tây dương có thể lúc nào đó đã gây sợ hãi, nhưng một khi sự tò mò được thỏa mãn, một khi nỗi sợ hãi vô cớ biến mất, anh ta tự thể hiện mình như vậy, thẳng thắn, chân thành, rộng lượng và hiếu khách.

Sự khoan dung này cũng áp dụng cho suy nghĩ về người khác. Người An Nam không bao giờ thắc mắc với bạn về những niềm tin hoặc quan điểm ​​tôn giáo của bạn. Chắc chắn là, những vấn đề siêu hình làm nát óc tư tưởng phương Tây hầu như không quấy rối anh ta, anh ta có một lương tri quá thực tế và thực chứng nên đâu còn để tâm tới những suy nghĩ viển vông và mơ mộng hão huyền. Vả lại, công việc đang thúc bách. Nhưng đúng hơn là do một quan niệm nào đó về sự tôn trọng con người. Thật ra, nếu người An Nam bác bỏ định nghĩa nổi tiếng về người là ‘con vật siêu hình’, thì có thể định nghĩa anh ta là ‘con vật đạo đức’. Anh có sự tôn trọng vô hạn đối với giá trị con người và mọi thứ đi cùng với nó. Vậy mà, không thể phủ nhận rằng các ý kiến ​​tôn giáo của cá nhân tạo thành một bóng dáng tinh thần, một hoạt động của trí tuệ hoặc của sự nhạy cảm, tình cảm từ trái tim. Tôn kính họ là, thông qua họ, tôn kính chính nhân cách con người đã hình thành nên họ và họ là một kiểu thể hiện. Như vậy, lòng khoan dung tìm thấy một căn cứ vô cùng đáng kính trọng trong đạo đức. Nó tìm thấy một căn cứ khác trong lý trí và lương tri.

___________________

(*) Chúng tôi tiếc rằng chưa tra cứu được tên Việt của nhà sư này (ND)

Comments are closed.