Hồi ức về những nhà văn cùng thời

Hồ Anh Thái

Tự truyện của giáo hoàng văn học Đức rất tỉ mỉ và sinh động ở những trang hồi nhớ thời tuổi thơ ở Ba Lan và Đức. Có chi tiết thú vị về tính cách người Đức: đứa cháu ở Ba Lan được gửi sang nhà ông cậu ở Đức. Bà mợ cho nó ăn trứng luộc, bà nhìn vỏ trứng nó bóc ra vẫn còn dính trứng và bảo đứa bé mười tuổi: ở Đức người ta không ăn trứng như thế này đâu.

Hồi hộp, lo sợ và cảm động là phần viết về thời kỳ phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong khu ghetto ở Ba Lan.

Tinh tế và thú vị là phần viết về các nhà văn Đức như Bertolt Bretch, Henrich Boll, Gunter Grass, Anna Seghers…

Trước khi rời bỏ Ba Lan để sang Tây Đức vào năm 1957, có lần tác giả được nhờ dẫn một nhà văn trẻ của Đức sang thăm Ba Lan đi loanh quanh trong một buổi trưa. Đến khách sạn sang trọng thì gặp một nhà văn ăn mặc nhếch nhác, râu ria lởm chởm, đặc biệt là đôi mắt điên dại. Nghe nói tay này viết hai vở kịch, một vở đã thất bại và một vở cũng sắp như thế. Hỏi đang viết gì thì kể đang viết tiểu thuyết, rồi kể nội dung cuốn tiểu thuyết, kể xong thì thấy như dở hơi. Có biết nhà văn ấy là ai không? Chính là Gunter Grass, sau này viết Cái trống thiếc, và đoạt giải Nobel 1999.

Marcel Reich-Ranicki khi nói về các nhà văn nữ thì bảo xin lỗi, họ có thể viết hay nhưng thế giới không hề có nữ văn sĩ kiệt xuất (nhà văn Lê Minh Khuê cũng có lần nói với tôi ý tương tự: trong văn chương không hề có một bà như Marie Curie trong khoa học tự nhiên). Marcel Reich-Ranicki bảo, tuy vậy Anna Seghers với Cây thập tự thứ bảy là trường hợp ngoại lệ.

Phỏng vấn Anna Seghers năm 1952, Marcel Reich-Ranicki lúc ấy mới 32 tuổi hỏi bà về tiểu thuyết Cây thập tự thứ bảy mà anh ta coi là kiệt tác, “bà đều cố trả lời chu đáo”. “Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: con người khiêm tốn, dễ mến đang đủng đỉnh nói huyên thuyên bằng khẩu âm đặc sệt vùng Mainz về những nhân vật của mình, người phụ nữ đáng quý và đáng yêu này hoàn toàn không hiểu quyển Cây thập tự thứ bảy. Bà chẳng biết gì về tính tinh vi của phương cách nghệ thuật áp dụng ở đây, về sự điêu luyện của bố cục. Giây phút sau một ý nghĩ khác khiến tôi phiền muộn: đã có hàng trăm nghìn người, có thể hàng triệu người không chỉ đọc quyển tiểu thuyết được phát hành bằng hai mươi hoặc ba mươi thứ tiếng, mà còn hiểu đúng nữa; đã có nhiều nhà phê bình giải thích nó thích đáng, thông minh và sáng suốt. Song chỉ một người duy nhất đã viết nó, đã sáng tác nó. Khi chia tay, tôi đã làm một điều không còn bình thường nữa ở Đức: tôi cúi thấp người, hôn bàn tay Anna Seghers…

…Tôi học được gì qua buổi trò chuyện với Anna Seghers? Rằng phần lớn nhà văn không hiểu về văn học hơn chim muông hiểu về các nhà điểu học. Và họ ít có khả năng nhất để đánh giá về tác phẩm của chính họ. Vì thông thường tuy họ biết đại thể điều họ muốn thể hiện, làm sáng tỏ, đạt được và tác động, nhưng chính điều này đã che mờ đôi mắt họ trước những gì họ đã thật sự làm và đạt được. Nhà phê bình cần – cặn kẽ và cẩn tắc như có thể – đánh giá điều tác giả viết. Còn những gì tác giả nói về tác phẩm của họ, nhà phê bình không nên bỏ qua, nhưng cũng chớ nên quá coi trọng” (trang 254 – 255).

Sau một số thủ tục, từ vị trí là công dân Ba Lan, Marcel Reich-Ranicki và vợ được công nhận là người Đức. “Nhà phê bình Willy Haas đã rầu rĩ hỏi CHLB Đức có gì khiến tôi hài lòng chứ. Tôi đáp: “Trước hết, người ta có thể rời khỏi nó bất cứ lúc nào”. Haas không nói nên lời, vì ông chưa hề sống trong một đất nước đối xử với dân như với tù nhân” (trang 298).

Tác giả nhấn mạnh việc nhà văn phải vượt thoát mọi quy phạm cứng nhắc: “Như mọi nhà phê bình, tôi thấy cần có giáo dục, nhưng không phải các văn sĩ. Một nhà văn chấp nhận được giáo dục thì không đáng được giáo dục” (trang 391).

Ông ngẫm nghĩ về ranh giới của chủ nghĩa dân tộc: “Lòng yêu nước không có gì tiêu cực, nhưng nó thường khiến tôi hoài nghi. Vì chỉ một bước nữa là tới chủ nghĩa dân tộc, và chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa sô vanh cũng chỉ cách nhau một bước. Tôi thích câu nói của Nietzche: đừng nên yêu hoặc ghét các dân tộc” (trang 400).

Và một phát hiện thú vị: “Phải chăng đúng là trong sinh hoạt hàng ngày các thi sĩ trữ tình có khuynh hướng đóng kịch hơn các nhà soạn kịch hoặc những người viết tiểu thuyết?” (trang 131).

Một số điểm cần sửa lại:

– Giống như Irina Sergeyevna trong truyện “Ba chị em” của Chekhov (trang 17) – Tác giả hoặc người dịch đã nhầm. “Ba chị em” là vở kịch, không phải truyện.

– Tôi hoàn toàn không biết mình đã thủ vai nhân vật nào (trang 28) – Chỉ nên viết “tôi hoàn toàn không biết mình đã thủ vai nào” hoặc “tôi hoàn toàn không biết mình đã hóa thân vào nhân vật nào”.

– Nhà hiền giả Nathan (trang 346) – Viết thừa chữ, nên bỏ chữ “nhà”.

– Điều này chẳng liên quan gì đến đạo giáo và gốc gác Do Thái của tôi (trang 348) – Bản thân chữ đạo đã có nghĩa là tôn giáo, viết thế là không chính xác.

________

* Đời tôitự truyện của giáo hoàng văn học Đức, Marcel Reich-Ranicki, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới.

Comments are closed.