Những người may mắn – Sự sụp đổ của Sài Gòn và nhiệm vụ giải cứu của chiến hạm USS Kirk

Jan K. Herman

Ngô Ngọc Loan dịch

Một buổi chiều đầu Tháng Ba, Sharon Nicholas nhắn tin cho tôi: “Này, có khoẻ không? Đồng ý dịch cuốn sách The Lucky Few sang tiếng Việt không? Nếu đồng ý, cho Sharon biết để mình nói chuyện với tác giả Jan K. Herman. The Lucky Few: The Fall of Saigon and the Rescue Mission of the USS Kirk.”

Sharon và tôi chưa lần nào gặp nhau, và cũng ít liên lạc với nhau, trừ khi có công việc cần, và những tin nhắn chúc mừng vào dịp lễ hội của Mỹ. Lần này, là một việc không nhỏ. Qua những bài phóng sự của truyền thông Việt ngữ, tôi biết về lịch sử của chiến hạm USS Kirk và Hạm trưởng Paul Jacobs – một người vĩ đại, một ân nhân của hơn 30 ngàn thuyền nhân Việt Nam. Tôi cũng đã xem cuốn phim tài liệu mang tên The Lucky Few. Vậy là thời lượng của cuốn phim chưa đủ để chuyển tải hết những gì đã xảy ra với Kirk và những người tỵ nạn năm đó. Tôi cố gắng kìm nén sự háo hức của mình, nhắn tin trả lời Sharon: “Mục đích của việc dịch cuốn sách là gì?”. Sharon trả lời tôi bằng cuộc gọi điện thoại ngay lúc đó:

“Sharon đã có lời hứa với ông Jacobs. Khi ông còn sống, ông ước mong cuốn The Lucky Few được dịch sang tiếng Việt để người Việt Nam có thể đọc và hiểu về một giai đoạn lịch sử đó. Sharon và Federal Asian Pacific American Council sẽ làm một tấm bia tưởng niệm ông, đặt ngay ở trung tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại ở Little Saigon. Mình tin bạn có thể làm được điều này, cùng với mình.”

Ngay lúc đó, không suy nghĩ thêm gì nữa, tôi nhận lời. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được giao một công việc quan trọng như thế này. Có lẽ đây là một nhiệm vụ ý nghĩa nhất của tôi trong năm nay. Nhưng trước khi chính thức thực hiện, tôi muốn được nói chuyện với tác giả, ông Jan K. Herman. Tôi muốn trực tiếp được nghe ý kiến của ông và lời nói “Tôi đồng ý cho dịch cuốn sách sang tiếng Việt.” Tôi hiểu, đây chỉ là một “sự muốn” mang tính thủ tục.

Ngày hôm sau, cũng vào giờ chiều, Sharon gọi cho tôi. Ông Jan đã chờ sẵn đầu dây bên kia. Lúc này tôi biết ông cũng ở Virginia. Một may mắn thứ hai. Tôi có thể dễ dàng gặp ông để hỏi thêm trong quá trình dịch sách.

Cuộc trò chuyện khoảng 30 phút kết thúc với niềm vui của cả ba người.

Có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất. Tôi tự cho là như vậy. Mỗi ngày, tôi có thêm khoảng 10 trang cho The Lucky Few. Và mỗi một ngày, qua từng trang của cuốn sách, tôi càng cảm phục một con người, một thế hệ đã sống với tất cả trái tim và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi nhận ra, mình cũng là một trong những “The Lucky Few.”

Cuốn sách dự tính sẽ được phát hành cùng thời điểm Federal Asian Pacific American Council đặt bia tưởng niệm Hạm trưởng Paul Jacobs tại Little Saigon, California – trung tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại Hoa Kỳ.

Đây là lời NGỎ của Jan K. Herman trong The Lucky Few, bắt đầu cho những năm đi tìm viết lịch sử của The Lucky Few: The Fall of Saigon and the Rescue Mission of the USS Kirk.

Ngô Ngọc Loan

 

clip_image002

Năm 2009, tôi hoàn tất quyển cuối cùng trong bộ sách ba cuốn, viết về sự tham dự của Y tế Hải quân trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, Chiến tranh Triều Tiên, và Chiến tranh Việt Nam. Quyển Y tế Hải quân trong Chiến tranh Việt Nam [Navy Medicine in Vietnam] kể về cuộc chiến thuộc thế hệ của tôi. Chương cuối, “Vòng Khép Kín,” tập trung vào trọng trách nhân đạo mà mỗi nhân viên y tế Hải quân phải thực hiện đối với hàng ngàn người tỵ nạn chạy khỏi miền Nam Việt Nam khi quốc gia này sụp đổ.

Những ngày cuối cùng của Tháng Tư năm 1975, sức ép chiến tranh lên đến đỉnh điểm, lực lượng đặc nhiệm gồm các tàu Hải Quân Hoa Kỳ nhổ neo rời cảng miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ của những tàu này là hỗ trợ người Mỹ, gồm nhân viên đại sứ quán và các tham mưu quân đội sơ tán khỏi Sài Gòn. Nhưng lực lượng này cũng nhận được lệnh phải đảm bảo an toàn cho những người miền Nam đã từng giúp Mỹ trong suốt cuộc chiến, cũng như những người có thể bị nguy hiểm tính mạng khi phía Bắc Việt tuyên bố thắng cuộc. Nhưng làm thế nào để kể lại câu chuyện cứu giúp những người mất nước một cách tốt nhất?

Sau khi xác định tất cả tên của những con tàu bao gồm Lực lượng Đặc nhiệm 76 của Đệ Thất Hạm đội, tôi đã làm một việc mà bất cứ người nghiên cứu nào thời nay cũng làm: tra cứu trên internet. Tôi tìm tên của từng con tàu để xem tàu nào có tổ chức những buổi họp mặt. Từ đó tôi biết trên các trang web có để tên người liên lạc và địa chỉ thư điện tử. Bước kế tiếp, tôi gửi thư cho từng tổ chức, yêu cầu cung cấp thông tin về quân y của những con tàu đó. Trong vòng một giờ đồng hồ sau khi nhấn nút “Gửi,” tôi nhận được cuộc điện thoại của Đại tá, Hạm trưởng Paul Jacobs của chiến hạm USS Kirk. Ông cho tôi biết chiến hạm của ông, một tàu hộ tống khu trục, không chỉ là một phần của lực lượng đặc nhiệm đó, mà Kirk còn đóng vai trò chính trong việc giải cứu hơm 30 ngàn thuyền nhân Việt Nam.

“Tôi xin được phỏng vấn các nhân viên thuộc Y tế Hải quân của chiến hạm Kirk,” tôi nói, cố gắng che giấu sự háo hức trong giọng nói của mình. “Ông có tên và thông tin liên lạc của họ không?” Ông ấy bật cười, nói lớn, “Y tế Hải quân! Chúng tôi có hai quân y trên tàu – một bác sĩ trưởng và một hạ sĩ bậc ba.”

Trong nhiều tuần sau đó, ông Jacobs và tôi trao đổi thường xuyên với nhau. Chúng tôi sắp xếp hẳn một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng làm việc của ông ấy. Trước đó, tôi đã gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho thuỷ thủ đoàn, trong đó có cả ông Stephen Burwinkel, Trưởng Quân y của chiến hạm Kirk đã về hưu. Sau đó, ông Jacobs mời tôi đến dự buổi tiệc họp mặt của thuỷ thủ đoàn, tổ chức tại vùng ngoại ô Northern Virginia vào Tháng Mười, năm 2007.

Khi ấy, ông Jacobs ngỏ ý với tôi rằng ông muốn mời Y sĩ trưởng làm khách mời phát biểu trong buổi họp mặt. Tôi trả lời ngay: “Hãy gửi thư mời cho ông ấy. Ông đâu phải mất mát gì?”. Không lâu sau đó, Phó Đô đốc (Vice Admiral) Adam Robinson, người vừa nhận chức Y sĩ trưởng Hải quân, hỏi tôi về thư mời dự buổi họp mặt của chiến hạm Kirk và lý do vì sao con tàu này lại đặc biệt như thế. Tôi chỉ có thể nói với ông những gì tôi biết và sự kiện đó, theo tôi, rất giá trị. Sự tò mò trong ông ấy đã chiến thắng và ông Robinson đồng ý đến dự.

Buổi họp mặt diễn ra đầy cảm xúc. Các cựu thuỷ thủ, quân nhân, và những người Việt lưu vong tái ngộ lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Khi được giới thiệu sẽ là người có vài lời ngỏ sau bữa ăn tối, vị Phó Đô đốc không ngần ngại quẳng đi tờ giấy ghi chép sẵn những gì ông sẽ nói. Buổi chiều hôm đó, ông đã bị xúc động khi chứng kiến một hồi kịch bi thảm, sâu sắc của con người. Ông nhận ra bài diễn văn chuẩn bị trước không còn thích hợp. Bài phát biểu của Phó Đô đốc đã diễn ra một cách tự nhiên, từ trái tim của ông, về chiến hạm Kirk và về sứ mệnh mà thuỷ thủ đoàn đã làm tròn để cứu rất nhiều sinh mạng 32 năm về trước. Những hành động từ bi bắt nguồn từ lòng trắc ẩn vốn đã là truyền thống tốt đẹp nhất trong việc trợ giúp nhân đạo cho những người gặp khó khăn và là một ví dụ cho những gì tốt nhất mà Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện.

Sau buổi họp mặt, Phó Đô đốc Robinson đã mời Hạm trưởng Jacobs và tôi dùng bữa trưa tại Trụ sở Y tế và Phẫu thuật ở Washington, D.C.

Trong bữa ăn, ông Robinson quay sang tôi và bảo, “Jan, ông là người làm phim tài liệu, ông nên làm một phim về Kirk. Mọi người cần phải biết về câu chuyện phi thường này.” Tôi nhẹ gật đầu, không biết điều Robinson nói có phải chỉ là một đề tài vu vơ trong lúc dùng bữa trưa hay không. Đến khi dùng tráng miệng, tôi hỏi vị Phó Đô đốc liệu ông có thật sự muốn tôi làm một phim ngắn hay không. Ông nhìn thẳng vào tôi, bằng ánh mắt chỉ có thể từ một Phó Đô đốc ba sao, ông nói kiên quyết và dứt khoát, “Chẳng lẽ tôi sẽ đề nghị một việc mà tôi không thật sự mong muốn?”

Vài giờ sau đó, sau khi chuẩn bị xong tất cả giấy tờ cần thiết, Y sĩ trưởng Hải quân Hoa Kỳ đóng con dấu có tên ông, và dự án phim tài liệu The Lucky Few bắt đầu tiến hành.

Hơn hai năm theo đuổi, nghiên cứu cho một dự án đến từ trái tim, tôi đã dành vô số thời gian để miệt mài đọc các nhật ký hành trình của Kirk cùng những tài liệu khác, viết và ghi lại các cuộc đối thoại. Đạo diễn Tom Webster, nhân viên của ông ở Navy Medicine Support Command, và tôi đã đi khắp nước Mỹ để phỏng vấn thành viên của chiến hạm Kirk, người Việt tỵ nạn, và người từng hiện diện trong hành động cuối cùng này của cuộc chiến. Chúng tôi thu thập tất cả tài liệu từ các buổi nói chuyện ghi hình, những tấm ảnh do thành viên của Kirk gửi đến, những thước phim lịch sử do National Archives cung cấp, tài liệu của Hải Quân, và nguồn phim của ABCNews. Công đoạn cuối cùng là thu âm nội dung và bắt đầu dựng thành cuốn phim tài liệu.

Trong buổi họp mặt của Kirk vào Tháng Bảy năm 2010 với sự hiện diện của Phó Đô đốc Robinson, chúng tôi đã giới thiệu phim The Lucky Few: The Story of USS Kirk Providing Humanitarian and Medical Care at Sea. Không lâu sau đó, đài National Public Radio [NPR] đã phát nhiều phim về câu chuyện nhân đạo của chiến hạm USS Kirk. Bộ phim tài liệu ba phần mang về cho NPR giải thưởng quốc gia. Ngày Lễ Cựu Quân Nhân, 11 Tháng Mười Một, năm 2010, buổi chiếu ra mắt phim The Lucky Few diễn ra tại Thính phòng Baird của Viện Smith ở Washington, D.C.

Tôi và những ai quan tâm đến Kirk đều thấy rõ, trong một giờ đồng hồ, cuốn phim khó có thể lột tả hết một câu chuyện chưa từng được kể trước đó. Tại sao sự việc lại bị chôn vùi suốt ngần ấy năm? Câu trả lời có thể liên quan đến tâm lý của Hoa Kỳ năm 1975. Cơn ác mộng của Mỹ về cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc và đến lúc phải bước tới. Tốt nhất là cuộc xung đột vốn không được lòng dân, xé nát quốc gia kể từ khi nội chiến chấm dứt, cần phải được quên lãng. Hơn nữa, những người của chiến hạm Kirk ngày nào và cả những tàu tham gia cứu hộ khác chưa bao giờ nghĩ rằng họ đã làm một điều thật phi thường. Chu toàn phần ăn cho người tỵ nạn, thay tã cho trẻ sơ sinh là những phần việc không liên quan đến nhiệm vụ trong chiến tranh. Các chiến binh không nghĩ là nó cần được kể cho những người bạn cũ ở American Legion hoặc những hội trường Cựu Chiến Binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Họ cũng không chia sẻ những việc làm nhân đạo này với gia đình hoặc bạn bè. Cũng không ngạc nhiên khi phần lớn những người tỵ nạn đã cất giữ ký ức cho riêng họ. Hơn 30 năm, thời gian chưa đủ để làm mềm vết thương mất nước và nỗi đau mất người thân.

Trong những cuộc hội ngộ giữa thuỷ thủ đoàn, nhân viên chiến hạm Kirk và những người tỵ nạn làm cho ký ức và cảm xúc chìm đắm bao lâu nay được thổi bùng lên. Joseph Phạm, một thuyền nhân được Kirk giải cứu ngày trước, tự nhận mình là “một trong số rất ít những người may mắn”. Josheph muốn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của anh đối với những người đã cứu sống anh và gia đình, mang anh và gia đình đến bến bờ tự do. Cũng như Joseph, nhiều người Việt Nam nay đã trở thành người Mỹ gốc Việt – có cơ hội nói lời cảm ơn những người đã giúp họ thực hiện cuộc hành trình đi tìm tự do.

Nhìn thấy kết quả hiện hữu của trách nhiệm trong chiến tranh, những người của Kirk nay có thể tự hào về sứ mệnh mà họ đã hoàn thành. Lịch sử của The Lucky Few cùng với sự ghi nhận của đất nước khiến cho các cựu thuỷ thủ Kirk có một cái nhìn khác về sự hiện diện của họ trong cuộc chiến Việt Nam. Giờ đây, họ nhận ra rằng họ cũng trong số ít những người may mắn có mặt trong cuốn thiên sử thi của đời người.

Donald Cox, cựu phi hành gia gắn bó với đội trực thăng của Kirk, nói lên suy nghĩ của ông: “Những cảm xúc của chúng tôi về ngày tháng ở Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi được đưa đến Việt Nam với kỳ vọng tham gia chiến đấu. Chúng tôi được chuẩn bị, huấn luyện cho điều đó, và đó là hành động tìm kiếm. Khi chúng tôi đến Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra rằng chiến đấu không phải là điều cần thiết. Nơi đó cần trái tim và đôi tay nâng đỡ. Ngay lúc đầu, chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ làm tròn công việc của mình. Chỉ sau đó, khi chúng tôi nhận ra rằng trải nghiệm ở Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với những cuộc chiến mà anh em của chúng tôi đã tham gia vào. Chúng tôi nhận ra đó sẽ là một kinh nghiệm tích cực cho cuộc đời còn lại của mình. Chúng tôi có mặt ở Việt Nam để gìn giữ cuộc sống chứ không phải phá huỷ nó.”

Viết một cuốn sách dựa trên phim tài liệu The Lucky Few mang đến cơ hội mới để về câu chuyện, càng nhiều càng tốt, và cũng để phối hợp lại những chi tiết không may bị cắt bỏ trong quá trình dàn dựng. Trong hầu hết những bộ phim của Hollywoods, sách truyện luôn ra đời trước, và theo sau là cuốn phim dựa theo đó. Tôi đảo ngược trật tự truyền thống này với cơ hội được thêm nhiều chi tiết mới vào một sự kiện phi thường hiếm có.

Bất chấp những nỗ lực can đảm của Kirk, việc giải cứu Hải quân Việt Nam Cộng Hoà vẫn chỉ là một chiến dịch “độc hành”. Kirk giữ vai trò chính trong việc cung cấp thực phẩm, nước cho hơn 30 ngàn người tỵ nạn trong cuộc phiêu lưu vượt biển Đông của họ, vẫn là việc quá tầm so với một tàu hộ tống khu trục. Nhiều tàu Hải quân khác đã tham gia tiếp ứng thực phẩm, nước, nhiên liệu, gạo, vật tư y tế, tạm điều động các quân y và một Bác sĩ Hải quân cho Kirk, như chiến hạm USS Cook, USS Mobile, USS Vega, USS Tuscaloosa, USS Barbour County, USS Denver, USS Deliver, USS Abnaki, USS Flint, và USS Lipan. Do đó mà câu chuyện này của USS Kirk cũng chính là câu chuyện của những chiến hạm đó.

JAN K. HERMAN

Tháng Tám, năm 2012

clip_image004

Comments are closed.