Trở lại khách sạn xưa

Hồ Anh Thái

Cuốn sách bổ ích, giúp người đọc hình dung lại không khí xã hội một thời kỳ đã qua để có thể nhìn nhận một cách khách quan và chân thực.

Trở lại khách sạn xưa -0

Tác giả Eugen Ruge là người gốc Đức nhưng sinh ở Liên Xô năm 1954. Lên hai tuổi ông đã theo gia đình về Đông Đức, rồi chuyển sang Tây Đức. Ông hiện là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, làm phim tài liệu và là người dịch sách tiếng Nga sang tiếng Đức, đặc biệt là tác phẩm của Chekhov.

Trong Khách sạn Metropol, tác giả lật lại những tư liệu cũ để kể câu chuyện của bà nội mình – nữ cán bộ cộng sản Charlotte Germaine người Đức gốc Thụy Sĩ. Đưa ra những bức thư, những bản tường trình, những ghi chép và tài liệu nội bộ, tác giả phục dựng những diễn biến ở thời điểm năm 1936 – 1937 tại Liên Xô.

Câu chuyện xoay quanh những người nước ngoài thuộc cơ quan tình báo OMS làm việc tại trụ sở Quốc tế cộng sản đặt tại Moscow. Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha, Latvia, Ba Lan, Trung Quốc… Nhiều người đã và đang nộp đơn xin nhập quốc tịch Liên Xô. Đang là thời điểm khó khăn. Nhiều người bị nghi ngờ, bị tố cáo, bị thẩm tra, thậm chí bị theo dõi, bắt bớ, bị kết án. Những cán bộ nước ngoài của cơ quan OMS thuộc diện bị tình nghi được đưa vào ở trong khách sạn hạng sang Metropol, hạng sang nhưng vẫn phải chịu chung sự thiếu thốn của tình trạng bao cấp toàn đất nước lúc bấy giờ. Họ được giữ trong tám chục phòng của hẳn một tầng khách sạn. Họ phải cách ly với phong trào, bất kể mạng lưới tình báo ở Đức lúc ấy đang tan vỡ, nhiều người bị Quốc xã truy nã bắt giam.

Cuốn sách mở đầu bằng một bản báo cáo về việc vợ chồng đồng chí Charlotte từng giao lưu với tên phản động Emel theo chủ nghĩa Trotzki – chuyện xảy ra năm 1933, bị báo cáo vào năm 1936.

Tiếp đó là bản tường trình của Charlotte, kể lại chi tiết về mối quan hệ này. Bản báo cáo mang tính thanh minh, thái độ thành khẩn và hoang mang, thậm chí có tính nhún nhường cầu xin. Để thêm thành khẩn, người thanh minh lại kể thêm về một người Mỹ mà chị nghi có tư tưởng Trotzkit vẫn đến Liên Xô nhiều lần.

Bản tố giác thì ngắn, chỉ mấy dòng. Còn bản tường trình thì dài mấy trang. Trong cơn hoảng loạn vì có thể bị tình nghi, người ta tố giác lẫn nhau. Người Đức tố người Đức, rồi người Pháp tố người Đức… Có lúc quẫn bách, Charlotte còn phải viết thư cho sếp trực tiếp phụ trách: “Chúng tôi bị đuổi việc – và mọi đồng chí khác – đương nhiên – đều biết điều đó và vì thế, ai cũng xem chúng tôi là những tên tội phạm. Không có sự phục hồi nào diễn ra cả, thậm chí chúng tôi không nhận được các thông tin chính thức về kết quả điều tra. Chúng tôi đang phải sống như những kẻ bị ruồng rẫy – bị đẩy ra khỏi tất cả các cộng đồng con người” (trang 233).

Bản thân chồng chị, Wilhelm cũng bị một người Pháp tố cáo nên đang thất sủng, bị nghỉ việc. Vợ cũ của Wilhelm là Hilde, người đã viết mấy dòng phát giác ở đầu sách. Việc Hilde gửi báo cáo có thể là do ghen tuông với người chồng cũ, có thể xuất phát từ nhận thức cứng nhắc của Hilde, nhưng cũng có khi vì lý do khác.

Không phải ai cũng được phục hồi và tin dùng. Charlotte sau đó được chuyển sang làm việc ở nhà xuất bản ngoại văn, cũng là một hình thức tách chị ra khỏi công việc ở Comintern. Ban đầu là một người đánh máy, rồi được đề bạt lên làm biên tập viên, cái may của chị hóa ra lại là rủi ro của người khác – nhờ có một cô biên tập viên bị đuổi việc vì khai man hồ sơ. Nhưng may mắn không được lâu, rồi đến lượt chính chị bị sa thải.

Thời gian đó, sau vụ bí thư thành ủy Leningrad là Kirov bị ám sát, người ta đem ra xét xử “mười sáu tên tội phạm”, trong đó có Emel, người đã “nhận chỉ thị gây khủng bố của Trotzki qua Ruth Fischer và Maslov rồi chuyển tiếp cho Zinoviev” (trang 44). Emel là nhà sử học, đã bị nghỉ việc sau vụ Kirov. Trước tòa, Emel nhận hết mọi cáo buộc, nhưng khẳng định mình không khủng bố, mà chỉ chuyển tiếp chỉ thị. Các bị cáo sau đó đều phải nhận bản án cao nhất.

Khách sạn Metropol là cuốn sách tư liệu sinh động, có độ tin cậy khi tác giả chụp lại đầy đủ những bản tường trình, những văn bản tài liệu cũ. Tác giả nhiều lần sang Nga lục tìm tài liệu đã được giải mật, đã vào ở chính trong căn phòng ngày xưa của bà nội mình trong khách sạn Metropol để tăng cảm nhận về nhân vật. Cuốn sách bổ ích cho công việc nghiên cứu, giúp người đọc hình dung lại không khí xã hội một thời kỳ đã qua để có thể nhìn nhận một cách khách quan và chân thực.

Hoàng Đăng Lãnh là người dịch những cuốn tiểu thuyết quan trọng của Thomas Bernhard như Diệt vong, Đốn hạ. Người dịch sử dụng khẩu ngữ và thành ngữ một cách có mức độ, làm tăng sự sinh động và gần gũi cho câu văn. Riêng ở cuốn Khách sạn Metropol, có lúc người dịch đã quá chú trọng sự tỉ mỉ và chặt chẽ mà tạo ra những câu như thế này:

– Ông thợ giày… miệng vẫn nói luôn mồm (trang 149).

– Mắt Charlotte ứa cả nước mắt (trang 203).

– Hồi hộp như thể như những người trong cuộc (trang 263).

Cũng đôi lúc viết thừa theo kiểu: đạo chính thống giáo (trang 168), mà đúng ra chỉ là đạo chính thống, hoặc chính thống giáo; nhà nữ sử gia là thừa chữ “nhà”… Các tên riêng người Nga được dịch qua tiếng Đức cũng nên được đồng bộ: người dịch đã để cả Kirov và Kirow, Trotski và Trotzki…

Và chỗ này người dịch nên xem lại ngôn ngữ gốc cho rõ ràng hơn: vẫn là nhân vật con trai của Charlotte tên là Kurt, ở trang 154 “mái tóc xoăn màu đen của Kurt xem chừng rối bù hơn trước đây”. Nhưng đến trang 221 thì “Kurt là thằng bé tóc vàng”. Còn ở trang 421 thì khẳng định “khác hẳn Kurt, Werner… tóc vàng”, tức là tóc Kurt màu đen.

——

* Khách sạn Metropol, tiểu thuyết tư liệu của Eugen Ruge, Hoàng Đăng Lãnh dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn 2022.

Comments are closed.