Truyện tranh luận

Ngu Yên tự giới thiệu tuyển tập truyện ngắn: “Thổi ngược chiều gió”, sẽ phát hành trong tháng 6, năm 2022.

image

Tôi suy nghĩ mãi, băn khoăn tìm một tên gọi phù hợp cho những bài viết văn xuôi pha lẫn giữa hư cấu của truyện và lý lẽ của tiểu luận. Sau một thời gian dài, tôi đi đến chọn lựa:

Truyện Tranh Luận (Argumentative Story hoặc Argumentative Fiction.)

Khi nhận định điều gì, chúng ta đều nhận định từ vị trí của thời đại đang sống với suy nghĩ chủ quan. Nhiều người ủng hộ nhận định khách quan. Tôi phản đối. Khi một người cần nói ra quan điểm, khái niệm, ý tưởng, được hỗ trợ bởi suy tư qua thời gian dài, có chiều sâu trí tuệ, tất nhiên, phải nói cho hết ý, tận sức thuyết phục. (Miễn là người phát biểu biết rõ lời nói và ý tưởng của mình là chủ quan, không áp đặt người khác phải nghe theo, và sẵn sàng nghe ý kiến đối nghịch.) Chủ quan là điều người khác muốn biết. Biết cho tận tường ý tưởng của đối phương hoặc tác giả. Cho dù chủ quan thường dung chứa những cực đoan sai lầm, nhưng đồng thời cũng mang theo cái lạ, cái độc đáo, cái cá tính, mới là những gì cần giám định, hoặc chia sẻ, hoặc từ chối. Còn cái khách quan, ai cũng biết, biết thêm làm gì? Cái khách quan chỉ cốt để xác nhận ý kiến của đám đông hoặc khoanh vùng trung bình của một vấn đề. (Chủ yếu, là tránh tranh cãi quyết liệt. Cái khách quan không phải là tâm điểm của truyện Tranh Luận.) Trong khi những điều gì khác lạ, cần biết, nằm ở hai đầu, nơi hai chủ quan đối nghịch. Lịch sử cho thấy những người mang lại những điều hay-đẹp đều là những người chủ quan, kể cả Chúa và Phật. Nhưng cũng như những thứ khác, có tốt thì tất nhiên có xấu, ở cực đối nghịch, chủ quan mang đến Tần Thủy Hoàng, Hitler… vì kinh sợ chủ quan xấu, người ta đề phòng và xa lánh chủ quan, kể cả chủ quan tốt. Tuy nhiên, theo định luật sống thông thường: Chủ quan do người nói ra, hiệu quả như thế nào là do người thu nhận.

Vì vậy, theo tôi, truyện tranh luận là truyện đưa ra những ý tưởng chủ quan, để mỗi người đọc tự phê phán. Đôi khi, quan điểm trình bày chưa hẳn hoàn toàn là ý muốn của tác giả, đơn thuần, chỉ là những vấn đề suy nghĩ, một mình tranh cãi, mà kết luận nằm nơi độc giả. Hoặc một quan điểm được tín nhiệm lúc trình bày, nhưng về sau thay đổi vì hiểu biết thêm, vì kinh nghiệm hơn hoặc vì có nhiều tài liệu hơn.

Ưu điểm lớn của truyện truyền thống, tiểu thuyết quá khứ là mô tả. Nghệ thuật và kỹ thuật mô tả tạo ra da thịt, trong lúc cốt truyện được xem là xương sống. Chính da thịt đó mới là dong mạo, hình hài, nhan sắc của truyện. Mô tả bao gồm tường trình hoặc diễn tả về cảnh trí, sinh hoạt, hành vi, biến chuyển nội tâm, thái độ tâm lý, cốt truyện, v.v.

Mô tả chi tiết tài tình, sống động, mới đầu là nghệ thuật tài hoa, được các bậc thầy dựng truyện sử dụng. Vì mô tả là một phương tiện vừa căn bản vừa cao kỳ trong sáng tác truyện ngắn, nhất là tiểu thuyết, nên sau một thời gian lưu truyền và học tập, kỹ thuật này bị lạm dụng. Càng về sau, mô tả càng thể hiện những “thực tế tưởng tượng” vượt qua thực tế và “kinh nghiệm suy diễn” ngược ngạo với kinh nghiệm thực sự. Mô tả điêu luyện trở thành giả tạo. Mô tả cao kỳ, ngụ ý một điều gì khác, tự nhiên trở thành giả tạo. (Điều này càng thấy rõ trong thơ.) Chính vì vậy, đã có nhà văn cho rằng, truyện không phải để mô tả sự thật mà mô tả để làm cho sự thật được thật hơn, (sự thật, thật hơn?) Người đọc tinh ý sẽ nhận ra ‘sự thật, thật hơn’ là không thật. Sự giả mạo đó khiến cho ý định chủ yếu mà tác giả muốn trình bày, trở thành nghi vấn. Như dùng lời nói dối để chứng minh một sự thật, thì khó thuyết phục người nghe.

Truyện theo chủ nghĩa Hiện Thực đặt căn bản trên nhất quán và súc tích, không dư thừa chi tiết. Mọi mô tả đều có lý do và chức năng trong truyện. Khi cấu trúc nghiêm ngặt và mọi tình tiết đều có dụng tâm bị lạm phát, truyện trở thành một loại kiểu mẫu cứng ngắt và xa xôi sự thật hàng ngày. Nói một cách khác, khi kỹ thuật sáng tác truyện Hiện Đại đã đạt đến đỉnh cao, hầu như hoàn thiện, thì kỹ thuật sáng tác truyện phải đi xuống và thay đổi là việc đương nhiên của định luật Parabol theo chiều cao.

Từ Hậu Hiện Đại cho đến đương đại, muốn thể hiện sự tự nhiên, gần gũi với kinh nghiệm sống, truyện mô tả nhiều chi tiết thực tế hơn, thêm vào những tứ văn với dụng ý làm giản nở-nới lỏng cấu trúc, cho được bình thường. Những tứ văn chi tiết, cành nhánh này tạo ra sự thành công cho nhiều tác giả từ nửa thế kỷ 20 cho đến nay.

Khi kỹ thuật này trở thành bí quyết, cũng thấy được trong thơ, hầu hết được khai thác triệt để, đến mức cường điệu: dài dòng và giả tạo. Đôi khi mô tả những chi tiết chỉ để gia tăng màu sắc giải trí hoặc để quyến rũ người đọc, không cần thiết, như một ca sĩ quên hát chỉ lo làm duyên. Khi bị lạm dụng, tác giả mô tả trình bày câu truyện với nhiều cảnh trí hoặc tâm cảnh dư thừa, khiến cho việc nối kết kỹ thuật Hậu Hiện Đại với kỹ thuật thời Hiện Đại có thể tạo nên hình ảnh trong ẩn dụ “Khuấy bột”.

Khuấy bột mới đầu ít nước, bột bị đặc. Thêm nước vào khuấy cho bột dẻo. Muốn dẻo hơn, pha thêm nước, bột trở thành lỏng. Quá đặc, quá lỏng đều khó làm nên bánh ngon.

Viết truyện, trước sau gì, chỉ để nói những điều muốn nói. Mô tả thừa thãi làm mất đi, loãng đi khả năng tập trung, dễ gây nhàm chán cho người đọc, dĩ nhiên, ngoại trừ những ai có dư thời giờ rề rà với chữ nghĩa. Dư thời giờ là một thứ hiếm hoi trong thế kỷ này.

Cứ xem lại phim ảnh ngày xưa, rồi so sánh với phim hiện đại, sự khác biệt là những diễn tiến nhanh hơn. Phim cũ nói nhiều, phim mới diễn xuất nhiều. Không phải thứ nào hay hơn thứ nào, mà mỗi thứ phù hợp với mỗi nhịp sống của thời đại.

Nhịp sống của thời đại, thế kỷ 21, đập theo hai căn bản: Nhanh chóng và hiểu biết khoa học.

Nhanh chóng: ngày nay, chúng ta có quá nhiều kỹ thuật điện tử giúp con người làm nhiều việc hơn trong một ngày, từ công sở về đến tư gia. Mọi việc làm đòi hỏi sự nhanh chóng có kết quả hoặc chấm dứt. Ngay cả đi vui chơi, giải trí, nghỉ hè… thời gian ngắn mà tận hưởng nhiều. Thực tế này trở thành thói quen đặt căn bản cho hầu hết mọi sự việc khác. Ý niệm cảm biết về sự việc và thời gian của nó đã thay đổi.

Hiểu biết khoa học là hiểu biết có kinh nghiệm, có chứng minh, có cơ hội sử dụng. Nhìn chung quanh đời sống hiện tại, chúng ta bị bao phủ và kề cận với những thiết bị điện tử. Không có chúng nó, cuộc sống sẽ bị gián đoạn hoặc vô cùng trở ngại. Không hiểu chúng nó, chúng ta sẽ lỗi thời, tụt hậu. Những loại kiến thức mơ hồ, xa vời, thiếu thực tế, không còn được yêu chuộng. Hiểu biết thực hành và thực dụng thường tìm thấy trong các bài báo, tiểu luận hoặc sách không xếp vào hạng văn chương hư cấu và cô bé Alexa. Không phải tự nhiên mà từ cuối thế kỷ 20, khuynh hướng Tân Hiện Thực (Neorealism) bắt đầu chiếm ưu thế trên văn đàn thế giới.

Sự phân biệt này khiến tôi tự hỏi: Bất kỳ chữ nghĩa nào cũng đều đến từ trí tuệ và tâm tình của người viết. Nếu nhiều trí tuệ, ít tâm tình là văn không chương. Nếu ít trí tuệ, nhiều tâm tình là văn có chương. Tâm tình, ý của tôi, bao gồm cảm xúc, cảm giác và cảm nhận. “Ít hay nhiều” là tiêu chuẩn như thế nào để xác định văn luận lý và văn hư cấu? “Ít hay nhiều” là xác định làm sao khi thay đổi số lượng, sức nặng theo mỗi thời đại và thay đổi trong mỗi con người (đọc và viết.)

Nếu đã như vậy, phân chia làm gì? Người viết cứ viết như thế nào để thuyết phục người đọc về những gì họ muốn truyền tải. Người đọc cứ đọc những gì họ thích thú và thu thập nhũng gì có thể thu thập. Như vậy đã đủ cho sáng tác và thưởng ngoạn, phải không?

Tuy nhiên thói quen của quy luật phân chia và định danh mọi thứ trong đời sống, con người không thể chối bỏ. Không có thói quen này, đời sống sẽ trở nên vô trật tự. Áp dụng thói quen này khắt khe, đời sống trở thành máy móc. Vậy thì cứ chấp nhận sự phân chia, định danh là lớp vỏ bên ngoài.

Văn chương thời nay không thể đòi hỏi quá nhiều thời giờ của người đọc và ngoài sự thích thú giải trí, không thể không mang đến cho họ những đề nghị giải thích và giải quyết những khó khăn trong đời một cách thực tế, có thể thi hành theo chọn lựa. Dĩ nhiên, có nhiều lề lối khác nhau để thỏa thuận nhu cầu của đời sống. Trong lãnh vực văn chương, tôi chọn một loại tiểu luận lẫn lộn hư cấu, tôi gọi là “Truyện Tranh Luận”. (Hoặc ngược lại nhưng cùng một bản chất là tiểu luận hư cấu.)

Trong lịch sử của truyện, đã có những truyện mang tính tranh luận, đề nghị học thuyết, hướng dẫn tư tưởng một cách trực tiếp không qua ẩn dụ, ngụ ý. Nhưng loại truyện này ít được quan tâm vì chưa phù hợp nhịp sống của thời đại đó. Về bên tiểu luận, bình luận, cũng đã có những bài viết mang tứ văn, hình ảnh tưởng tượng vào luận lý. Chỉ thích hợp với những trí tuệ sắc bén, khoa học, giáo khoa, nhưng người đó có tâm tư nghệ sĩ. Khi tôi nói đến truyện tranh luận, chỉ là một tên gọi không hàm chứa hết ý, tôi mong đợi sự hòa hợp “nghệ thuật” không cân lượng, chỉ chuyên chở ý tưởng và thẩm mỹ. Tuy nhiên, mục đích của tôi không chỉ là ‘ý và đẹp’, mà chủ yếu khám phá thẩm mỹ của ý và giá trị của đẹp. Quan điểm này đã nhận chìm tôi từ năm 2013, khi tôi bất chợt nhìn thấy trong lúc suy nghĩ và thực hiện cuốn sách về khái niệm “Postorem” (xuất bản năm 2018).

Trong nhiều phương diện sống, tôi là người thất bại vì cá tính thích chọn lựa những việc làm, không ai muốn làm; chọn những hành trình chưa có dấu chân, như cuộc viễn chinh không có mục đích chiến thắng. Đây là sự khác biệt giữa nghệ sĩ và tướng lãnh. Khi nảy sinh ý nghĩ về truyện tranh luận, dường như tôi đã biết, tôi sẽ ra sao. Tuy nhiên, cái cố tật mà ba tôi từng nói, “Con phải tập lùi lại, đứng yên, mới thấy được trời cao đất rộng.” Một cố tật mang theo từ thơ ấu, nay đã thành bướu có xương, dễ gì giải phẫu.

Điều mà tôi muốn tìm đến không phải là cái “Mỹ” vì nó phải hiện diện trong văn chương như một bản thể không thể tách rời hoặc vắng mặt. Tôi muốn tìm giá trị của cái Mỹ về ý nghĩ, về cách thể hiện, và về chính cái Mỹ. Tôi cảm thấy có sự khác biệt sâu sắc giữa cái Mỹ và “cái Mỹ về … “. Điều này cần được đào sâu, cảm thức nhiều hơn trong sáng tác. Tôi bối rối khi đề nghị ẩn dụ: Đi tìm cái “Mỹ”, như một nhà phiêu lưu xuống biển, vào rừng, lên trời, băng sa mạc, mục đích tìm một thứ gì chỉ có tên gọi, chưa nắm bắt cụ thể, thậm chí về mặt trừu tượng cũng rất mơ hồ. Trong khi đi tìm “cái Mỹ về” là người đi theo nhà phiêu lưu ghi chép (nhật ký? hồi ký? nhật trình?) những công việc và sự suy nghĩ của ông. Rồi anh ta tận lực làm đẹp những điều đó, nỗ lực thực tế hóa ra ý tưởng và chữ nghĩa.

Câu hỏi băn khoăn nhất là cái “mỹ về” cái “Mỹ” là cái gì? Cái đẹp của cái Đẹp? Có thể như vậy không? Khi hai cái đẹp lồng vào nhau trở thành mênh mông vô tận, trở thành nan giải. Vậy là cái gì mà khả năng nhận thức và siêu nhận thức của con người có thể vói tới? Tôi không có câu trả lời, chỉ biết tiến vào, lục lọi, thực hành, may ra có thể bắt gặp được một chút gì mai hậu. Hoặc giả, công việc này quá lớn so với khả năng của mình.

Một vấn đề nữa, khi cắt ngắn hoặc loại bỏ mô tả tâm cảnh, trí cảnh, tình cảnh, và bối cảnh, khi chỉ phớt qua tâm lý và tâm tư, để tập trung vào lập luận, văn bản sẽ khô khan, và đi xa nguyên tắc nghệ thuật: thiếu cảm xúc. Vì vậy, phải dụng công ra sao để luận lý và thông tuệ có thể mang đến cảm xúc cho người viết và người đọc? Một câu truyện tranh cãi làm sao tải được tâm lý và tình cảm, cho dù chỉ là gợi ý?

Tranh luận, cụm từ này cho phép chúng ta hiểu ngay, truyện tranh luận có nội dung chứa đựng những mâu thuẫn, những bất đồng, những gì cần nói cho tận ngọn ngành một cách cực đoan. Nói ra không nhất thiết hơn thua, đúng hay sai, đẹp hay xấu, thiện hay ác, mà để trình bày hoặc ám chỉ điều gì cho nội dung tranh cãi của tư duy. Tác giả tự tranh cãi rồi nói ra, trình bày nhiều chi tiết mâu thuẫn, hoặc chỉ tuyên bố kết luận riêng sau năm tháng suy nghĩ. Độc giả nghe xong tự tranh cãi với bản thân. Hiệu quả sẽ liên quan đến những việc làm khác, tác phẩm khác và để lại trong tâm tư đôi điều tiếp tục suy gẫm.

Mấy năm nay, tôi loay hoay viết truyện tranh luận, cố gắng cắt bỏ hầu hết những mô tả cảnh trí thực tế hoặc tưởng tượng với ngụ ý; mô tả chi tiết dễ cảm và lôi cuốn trong đời sống; mô tả tâm lý phức tạp, bắt mắt; … Nói chung, càng ít mô tả chi tiết, càng lộ liễu nét phác họa và nổi bật luận lý. Điều này dễ phô bày những sơ hở trong cấu trúc câu truyện, vì vậy, có lẽ, truyện tranh luận cần một loại cấu trúc khác?

Tôi chọn con đường này để đi vì nếu viết những truyện ngắn như truyện ngắn hiện nay, sẽ trở thành dư thừa. Trước tôi, nhiều nhà văn đàn anh đã thành danh với truyện ngắn. Ngay trong thời của tôi, những nhà văn viết truyện ngắn tài tình mà tôi ngưỡng mộ như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Phạm Thị Hoài, Đặng Thơ Thơ …(nhiều nữa) (*)… mỗi người mỗi vẻ. Nhiều tài hoa đến độ không còn chỗ lấn vào.

Tôi viết truyện tranh luận như một người muốn băng qua rừng, nhưng các đường đi thông dụng đang nghẹt đầy xe cộ. Rồi bất chợt thấy con đường mòn chưa ai đặt chân, tôi đi thử. Chưa biết ra sao? Không chừng sáng bước vào, chiều lại bước ra.

Ngu Yên. Austin, tháng 10-11 năm 2021.

(*) Tôi biết, có nhiều nhà văn Việt đương đại viết những truyện ngắn có giá trị, nhưng vì chưa có cơ hội để đọc cho đầy đủ. Sự giới hạn của địa lý, thời giờ, tài chánh, và may mắn đã khiến tôi chỉ được nghe danh, nhưng chưa được đọc truyện hoặc đọc ít quá. Thành thử, không dám lạm bàn, chỉ nêu lên vài nhà văn tiêu biểu.

Comments are closed.