Học viện Khổng Tử – những giàn khoan văn hoá

Văn Việt: Có một vài ý kiến trên mạng đánh giá thấp việc thảo luận “thoát Trung về văn hoá”. Trong khi đó, Trung Quốc coi việc xây dựng Học viện Khổng Tử ở các nước là thành tố quan trọng của chiến lược bành trướng toàn diện. Trên trang FB của mình, tác giả Trần Đức Anh Sơn gọi tên nó rất chính xác là “giàn khoan văn hoá – cultural rig”. Văn Việt xin đưa lại ba bài mới và cũ nói về Học viện này để bạn đọc tham khảo.

1/ Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Cộng

Duy Ái

image

Trong thập niên qua chính phủ Trung Cộng đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới.

Nỗ lực ngoại giao văn hóa của Trung Cộng mới đây gặp phải một thất bại lớn với việc Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử. Trong một thông cáo công bố hồi đầu tuần này, AAUP nói rằng Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Cộng và được cho phép không tôn trọng tự do học thuật.

image

Hôm chủ nhật 15 tháng 6 vừa qua, ông Lưu Vân Sơn, Bí thư Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Cộng, đã đến dự một hội nghị liên tịch của các Học Viện Khổng Tử ở Âu châu tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland (Ái Nhĩ Lan). Tại cuộc họp, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của nhà cầm quyền Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các học viện này sẽ trở thành điều mà ông gọi là “đường xe lửa cao tốc tâm linh” nối liền giấc mơ Trung Cộng với giấc mơ của các nước và giấc mơ của thế giới.

Ông Lưu Vân Sơn đã phát biểu như vậy trong lúc báo chí quốc tế loan tin Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) thúc giục các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những viện này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của tự do học thuật và không tôn trọng tự do ngôn luận. Các nhà quan sát nói rằng hành động này của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ là một đòn nặng giáng vào dự án hàng đầu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm khuyếch trương quyền lực mềm của họ trên thế giới.

image

Theo tường thuật hôm thứ ba của tờ New York Times, AAUP kêu gọi các trường đại học bảo vệ các nguyên tắc tự do học thuật bằng cách chấm dứt hoặc thương thuyết lại những thỏa thuận đã đưa gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Cộng bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada. Một thông cáo của hiệp hội được thành lập từ năm 1915 và có 47.000 hội viên này nói rằng các trường đại học ở Mỹ đã đánh mất sự độc lập và phẩm giá của mình qua việc để cho chính phủ Trung Cộng quyết định về vấn đề  tuyển dụng và giám sát nhân viên giảng dạy, thiết kế học trình và đặt ra những giới hạn về tranh luận bên trong các Học Viện Khổng Tử.

Thông cáo này tố cáo “Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Cộng và được phép không tôn trọng tự học thuật”, và “hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Học Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Cộng.”

image

Thông cáo trích dẫn một bài viết của giáo sư Marshall Sahlins trên tạp chí The Nation hồi tháng 10, trong đó vị giáo sư nhân chủng học của Đại học Chicago nói rằng “qua việc để cho Học Viện Khổng Tử được thành lập trong trường của mình, các đại học đó đã tham gia những nỗ lực tuyên truyền chính trị của một chính phủ nước ngoài với một cung cách trái ngược với những giá trị về tự do học hỏi và những phúc lợi của nhân loại.”

Trong thập niên qua, chính phủ Trung Cộng đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới. Và đối với các trường đại học nước ngoài, việc dùng tiền bạc của chính phủ Trung Cộng để mở các lớp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Cộng cho sinh viên của mình dường như là một việc chỉ có lợi mà không có hại gì cả. Do đó, kể từ khi Học Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004 tới nay, Trung Cộng đã lập ra hơn 400 Học Viện Khổng Tử tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

image

Giáo sư Marshall Sahlins

Truyền thông nhà nước Trung Cộng cho biết tính đến cuối năm 2013, có 850.000 học viên ghi danh theo học tại các Học Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử tại hơn 600 trường trung, tiểu học. Ngoài việc giảng dạy Hán Ngữ, Học Viện Khổng Tử còn dạy các môn học đàn, chơi cờ, thư pháp, hội họa và võ thuật Trung Cộng.

Các chuyên gia cho biết những chương trình giảng dạy tại các Học Viện Khổng Tử được thiết kế để phô bày một hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản đương quyền và có nhiều đề tài cấm kỵ trong học trình. Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về chính trị Trung Cộng của Đại học Miami, nói với tờ New York Times rằng phía Trung Cộng thường đòi các trường đại học Mỹ muốn họ giúp thành lập Học Viện Khổng Tử không được thảo luận về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay mời nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này tới thăm trường. Bà Dreyer cho biết có rất nhiều đề tài cấm kỵ từ Tây Tạng, Đài Loan, cho tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Cộng và những vụ đấu đá bên trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Cộng.

image

Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ không phải là tổ chức học thuật đầu tiên phản đối Học Viện Khổng Tử. Tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Giáo chức Đại học Canada cũng đưa ra một thông cáo để hối thúc các trường đại học cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những lý do tương tự.

Tại Việt Nam, việc thiết lập Học Viện Khổng Tử đã diễn ra tương đối chậm chạp vì những yếu tố tế nhị trong lịch sử của mối bang giao giữa hai nước. Mãi đến tháng trung tuần 10 năm ngoái, khi Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường đến thăm Hà Nội, hai nước mới ký kết một thỏa thuận để thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Thỏa thuận đó đã gặp phải sự chỉ trích của khá nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm ở Hà Nội cho Đài phát thanh Úc biết rằng nhiều người Việt Nam lo ngại “Viện Khổng Tử ở Việt Nam không phải chỉ tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học của Khổng Tử, Nho Học. Chức năng đào tạo tiếng Hoa, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Cộng, giao lưu văn hóa, tư vấn du học … như giới thiệu cũng chỉ là bề nổi.”

image

Đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền về một nước Trung Hoa hiện đại, thể hiện quyền lực mềm của Trung Cộng.” Ông Ngô Nhân Dụng, một nhà bình luận nổi tiếng trong giới truyền thông Việt Nam ở hải ngoại cho rằng “Viện Khổng Tử chính nó không nguy hiểm, nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Cộng.”

Nguồn: http://baomai.blogspot.com/2014/06/tri-thuc-my-noi-khong-voi-hoc-vien.html

2/ Viện Khổng Tử và quyền lực mềm của Trung Quốc

TS. Nguyễn Hưng Quốc

05.11.2013

Trên thực tế, Viện Khổng Tử có nhiều đặc điểm khiến giới quan sát phải nghi ngờ và e ngại.

Ở Việt Nam, trong suốt mấy tuần vừa qua, dư luận, ít nhất là trong giới trí thức, khá xôn xao về quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép thành lập Viện Khổng Tử tại trường Đại Học Hà Nội. Tất cả đều đồng thanh bày tỏ sự lo ngại và bất bình: Họ cho đó là dấu hiệu của cuộc xâm lược văn hóa, từ phía Trung Quốc, và của sự đầu hàng trước cuộc xâm lược ấy, từ phía Việt Nam.

Trước khi bình luận, có mấy điều chúng ta cần lưu ý:

Thứ nhất, Viện Khổng Tử được chính phủ Trung Quốc thành lập vào tháng 6 năm 2004 với số tiền trên 500 triệu Mỹ kim, hiện nay đã có trên 400 cơ sở trên khoảng hơn 100 quốc gia (chưa kể khoảng 400 viện khác đang nằm trong dự án và cũng không tính các Lớp học Khổng Tử, Confucius Classrooms, thường là một bộ phận của Viện Khổng Tử, Confucius Institute, nhưng cũng có khi tồn tại riêng rẽ ở những nơi Viện Khổng Tử chưa được thành lập). Ở Mỹ có trên 70 viện; ở Anh, trên 20 viện; ở Úc, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, mỗi nước trên 10 viện; v.v..Về số lượng, các Viện Khổng Tử hiện nay đã gần ngang ngửa với Aliances Françaises của Pháp và bằng tổng số các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa của cả ba học viện British Council của Anh, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, và Goethe-Institut của Đức cộng lại dù cả ba đều có một lịch sử khá lâu đời, trên nửa thế kỷ.

Về tốc độ, đó là học viện phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Thứ hai, trên nguyên tắc, Viện Khổng Tử hoạt động với ba mục tiêu chính: Một, truyền bá tiếng Hoa (và chữ Hán theo lối giản thể được sử dụng tại Trung Quốc từ sau năm 1949); hai, truyền bá văn hóa Trung Quốc; và ba, thúc đẩy các chương trình hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước. Đằng sau ba mục tiêu này là một mục tiêu khác, lớn và quan trọng hơn: Tuyên truyền cho hình ảnh một nước Trung Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời, hiền lành, yêu chuộng hòa bình, không hề là một đe dọa đối với bất cứ một nước nào khác.

Nhìn vào các mục tiêu ở trên, Viện Khổng Tử không khác mấy với các học viện ngôn ngữ và văn hóa nổi tiếng trên thế giới, từ British Council của Anh, Aliances Françaises của Pháp, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, hay Goethe-Institut của Đức. Tất cả đều nhằm, qua việc dạy ngôn ngữ và văn hóa của nước mình, tạo sự thông cảm và thắt chặt các quan hệ quốc tế với các nước khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, Viện Khổng Tử có nhiều đặc điểm khiến giới quan sát phải nghi ngờ và e ngại.

Một, Viện Khổng Tử không phải chỉ giới hạn trong lãnh vực ngôn ngữ hay văn hóa. Ví dụ tại Úc, Viện Khổng Tử tại trường Đại học RMIT dạy cả về Đông Y, tại trường Đại học Queensland dạy cả về khoa học kỹ thuật. Ở tất cả các nơi, khi dạy về ngôn ngữ và văn hóa, các bài giảng đều ít nhiều liên hệ đến chính trị của Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, theo nhiều nguồn tin, Viện Không Tử có những chính sách hoàn toàn mang màu sắc chính trị, ví dụ, về tuyển dụng nhân viên, họ cấm tuyệt đối những người từng tham gia vào Pháp Luân Công hoặc những tổ chức chống lại chính phủ Trung Quốc; về hoạt động, họ cũng cấm mời Đức Đà Lai Lạt Ma cũng như bất cứ một viên chức nào từ Tibet và Đài Loan đến nói chuyện ở các Viện Khổng Tử. Thậm chí cấm cả việc bàn luận về Tibet trong viện.

Hai, cấu trúc của các Viện Khổng Tử cũng khá đặc biệt: Bao giờ nó cũng có hai giám đốc, một là người địa phương và một là người từ Trung Quốc sang. Theo Michael Kahn-Ackermann, cựu giám đốc của Viện Goethe, đó chính là điểm khác biệt lớn giữa Viện Khổng Tử so với tất cả các học viện về ngôn ngữ và văn hóa khác trên thế giới.

Ba, về phương diện tổ chức, một mặt, trong khi các học viện về ngôn ngữ và văn hóa khác khá độc lập với chính phủ, Viện Khổng Tử hoàn toàn nằm trong tay chính phủ Trung Quốc; mặt khác, trong khi các học viện khác tồn tại như một cơ sở giáo dục hay văn hóa độc lập ở ngoại quốc, Viện Khổng Tử bao giờ cũng liên kết và nằm TRONG một trường đại học hoặc trung học nào đó ở địa phương. Ví dụ, ở Việt Nam, sắp tới, Viện Khổng Tử sẽ nằm trong hệ thống Đại học Hà Nội. Ở các nước khác cũng vậy. Có điều, tuy là một bộ phận của các cơ sở giáo dục địa phương, khoảng một nửa ngân sách và phần lớn giáo viên cũng như toàn bộ tài liệu giảng dạy lại do chính phủ Trung Quốc cung cấp.

Chính điều này gợi lên nhiều nghi ngại cho thế giới. Nghi ngại về ba chuyện: Về phương diện học thuật, dưới ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc, người ta không còn tự do và độc lập trong tư tưởng; về phương diện chính trị, các viện ấy chỉ đóng vai trò tuyên truyền cho chính phủ; và đặc biệt, về phương diện an ninh, rất có khả năng những cán bộ hoặc giáo viên trong các viện ấy làm công tác tình báo kỹ nghệ để ăn cắp các phát kiến về khoa học kỹ thuật và kinh tế trong các trường đại học.

Ba đặc điểm nêu trên cho thấy Viện Khổng Tử không đơn giản là một cơ sở giáo dục về ngôn ngữ hay văn hóa. Nó còn nhắm đến các mục tiêu kinh tế (khuyến khích làm ăn với Trung Quốc – chưa kể chuyện làm gián điệp) và cả các mục tiêu chính trị, trong đó có những cuộc vận động liên quan đến quyền lực mềm (soft power). Trong cái gọi là “quyền lực mềm” ấy, nội dung quan trọng nhất mà Trung Quốc nhắm tới là tạo nên một hình ảnh hiền lành, yêu chuộng hòa bình và công lý của Trung Quốc, nhằm xóa tan những nỗi sợ của mọi người đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Tất cả những điều ấy, hầu như ai cũng biết. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã đổ ra hàng nhiều tỉ đô la cho chiến dịch củng cố quyền lực mềm như thế. Họ viện trợ một cách cực kỳ hào phóng cho nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Á. Họ tổ chức Olympics 2008 và Sanghai Expo năm 2010. Trong hai năm 2009 và 2010, họ bỏ ra 8 tỉ 9 Mỹ kim cho lãnh vực truyền thông đại chúng, trong đó có những kênh truyền thanh và truyền hình phát 24 giờ một ngày nhắm vào khán thính giả Tây phương. Chương trình phát thanh quốc tế bằng tiếng Anh cũng làm việc liên tục ngày và đêm.

Các Viện Khổng Tử chỉ là một trong cả một chiến dịch rộng lớn và rầm rộ ấy.

Vấn đề là: chiến dịch củng cố quyền lực mềm ấy có thành công hay không?

Giáo sư Joseph S. Nye Jr, chuyên gia hàng đầu về quyền lực mềm trên thế giới, trả lời một cách dứt khoát: Không.

Trong bài “China’s Soft Power Deficit”, viết vào năm 2012, Nye cho quyền lực mềm của một nước chỉ phát huy tác dụng với một số điều kiện:

Thứ nhất, nó không gây tâm lý lo ngại và, từ đó, nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng ở các nước láng giềng (ví dụ: những điều đó không hề xảy ra ở Canada và Mexico trước quyền lực mềm của Mỹ).

Thứ hai, phải có sự nhất quán giữa lời nói và việc làm: khi hiện thực trong nước khác hẳn với những lời lẽ tuyên truyền trên mặt trận truyền thông quốc tế, quyền lực mềm sẽ mất hết tác dụng.

Olympics năm 2008 ở Bắc Kinh có vẻ như thành công rực rỡ, nhưng sự thành công ấy tan vỡ ngay tức khắc sau đó khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh bắt bớ những người bất đồng chính kiến.

Shanghai Expo năm 2010 cũng thành công rực rỡ nhưng sự thành công ấy cũng bị dập tắt ngay tức khắc khi Trung Quốc bắt nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Hình ảnh chiếc ghế trống trong buổi trao giải Nobel hòa bình cho Lưu Hiểu Ba trở thành một biểu tượng đầy quyền lực làm xóa nhòa tất cả các hoạt động tuyên truyền tốn hàng tỉ đô la trước đó.

Viện Khổng Tử được thành lập ở Philippines nhằm gây thiện cảm với người dân địa phương nhưng tất cả những tình cảm ấy, nếu có, đều biến mất khi Trung Quốc quấy nhiễu bãi đá cạn Scarborough vốn thuộc chủ quyền của Philippines.

Đánh giá một cách tổng quát, Nye cho các nỗ lực củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc đã thất bại. Bằng chứng rõ rệt nhất là qua các cuộc thăm dò dân luận, cách nhìn về Trung Quốc chỉ tương đối mang màu sắc tích cực ở châu Phi và châu Mỹ La Tinh; còn ở Mỹ, châu Âu cũng như nhiều nước ở châu Á, đặc biệt Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nó hoàn toàn có tính chất tiêu cực. Điều đó, với Nye, hoàn toàn chính đáng: ở Trung Quốc hiện nay, dưới ách kiểm duyệt ngặt nghèo của chính phủ, ở đâu người ta cũng thấy sự nghèo nàn về tư tưởng.

Không có nước nào có thể làm cho người khác yêu mến, tin cậy và ngưỡng mộ với sự nghèo nàn, chật chội và giả dối như thế cả.

Đó là lý do tại sao các nước Tây phương, kể cả Mỹ, dù biết rõ âm mưu của Trung Quốc, vẫn cứ cho phép mở các Viện Khổng Tử ngay trên đất nước của họ. Không phải là một. Mà là nhiều viện. Xum xuê như trăm hoa đua nở.

Nhưng đó là ở Tây phương, còn ở các nước khác thì sao?

Theo Trefor Moss, trên The Diplomat ngày 4 tháng 6, 2013, chúng ta không nên vội vã đánh giá thấp các nỗ lực vận động quyền lực mềm của Trung Quốc. Kể từ năm 2000, Trung Quốc bỏ ra 74 tỉ đô la để xây dựng các dự án hợp tác và viện trợ ở 50 trên tổng số 54 quốc gia châu Phi. Kết quả là ở châu Phi, rất nhiều người nhìn Trung Quốc một cách đầy thiện cảm: Họ xem Trung Quốc như một đối tác tốt, một kẻ đến để cứu vớt họ và là một mẫu mực mà họ nên bắt chước. Dĩ nhiên, tất cả những thiện cảm này đều dễ dàng biến mất nếu Trung Quốc sử dụng bạo lực với họ. Nhưng khi điều này chưa xảy ra thì nỗ lực của Trung Quốc rõ ràng là có kết quả.

Riêng trong trường hợp của Việt Nam thì sao?

Theo tôi, sự hiện diện của Viện Khổng Tử tại Đại Học Hà Nội, tự bản thân nó, không đáng lo ngại cho bằng thái độ của nhà cầm quyền cũng như của cán bộ Việt Nam nói chung.

Trung Quốc sử dụng Viện Khổng Tử để làm gián điệp kỹ nghệ ư? Âm mưu này có thành công hay không là tùy thuộc mức độ cảnh giác cũng như khả năng tổ chức của các đại học Việt Nam. Nhưng ở cả hai khía cạnh này, qua kinh nghiệm lâu nay, chúng ta đều thấy rõ: hoàn toàn không đáng tin cậy.

Trung Quốc sử dụng Viện Khổng Tử để tuyên truyền cho Trung Quốc ư? Âm mưu này có thành công hay không là tùy thuộc vào mức độ phản tuyên truyền và công khai hóa thông tin từ phía Việt Nam. Ở Philippines, sự tuyên truyền của Trung Quốc qua Viện Khổng Tử mất hết tác dụng vì dân chúng biết rõ, rất rõ tham vọng bành trướng lãnh hải và các hành động quấy nhiễu của Trung Quốc ở bãi đá cạn Scarborough. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, nếu chính phủ cứ giấu giếm hết những chuyện như thế, cứ leo lẻo phụ họa với bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc về cái gọi là 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” thì đương nhiên Trung Quốc sẽ thành công.

Thành thực mà nói, trong cả hai âm mưu gián điệp và tuyên truyền, Trung Quốc đã thành công ngay cả trước khi thành lập Viện Khổng Tử.

Cái Viện ấy có nằm chình ình ngay giữa Hà Nội hay không thì cũng vậy. Có khi, với những người còn yêu nước, đó lại là điều hay: Nó hiện diện như một thách thức.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/vien-khong-tu-va-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc/1784141.html

 

3/ Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại

Marshall Sahlins 

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Ted Foss và tôi ngồi trong văn phòng của ông ở tầng ba của tòa nhà Judd Hall ở Đại học Chicago. Foss là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, một chương trình hàng đầu về nghiên cứu khu vực tập hợp dưới trướng của mình các chuyên gia về nhiều ngành chuyên nghiên cứu Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Ở tầng bốn phía trên là các văn phòng và phòng hội thảo của Viện Khổng Tử tại đại học này; viện này khai trương năm 2010. Mỗi Viện Khổng Tử là một đơn vị học thuật thực hiện giảng dạy có chứng nhận về ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, và tài trợ nhiều loại hình hoạt động ngoại khóa khác nhau, bao gồm triển lãm nghệ thuật, thuyết trình, hội nghị, chiếu phim và kỷ niệm các lễ hội Trung Hoa; ở Đại học Chicago và một số trường khác, Viện Khổng Tử cũng tài trợ các công trình nghiên cứu của các giáo sư sở tại về các đề tài Trung Hoa. Tôi hỏi Foss rằng Viện Khổng Tử của Đại học Chicago có bao giờ tổ chức các buổi thuyết trình hay hội nghị về các vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, chẳng hạn như độc lập cho Tây Tạng hay tư cách chính trị của Đài Loan, hay không. Đưa tay chỉ về bức tường ở đầu kia, ông đáp, “Trong văn phòng này thì tôi treo ảnh Đạt Lai Lạt Ma được. Nhưng ở tầng bốn, thì không.”

Lý do là các Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago và những nơi khác nhận được trợ cấp và chịu sự giám sát của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Chương trình Viện Khổng Tử được khởi xướng ở CHNDTH vào năm 2004, và hiện nay có khoảng 400 viện trên toàn thế giới cũng như một chương trình mở rộng tầm ảnh hưởng gồm gần 600 “lớp học Khổng Tử” ở các trường trung học và tiểu học. Có thể nói một sáng kiến giáo dục và văn hóa do chính phủ tài trợ như vậy không phải là chuyện mới. Trong hơn sáu mươi năm qua, Đức đã dựa vào Viện Goethe (Goethe-Institut) để khuyến khích dạy tiếng Đức trên toàn cầu. Nhưng trong khi Viện Goethe, cũng như Hội đồng Anh (British Council) và Liên minh Pháp (Alliance Française), là một viện độc lập nằm ngoài khuôn viên đại học, một Viện Khổng Tử là một đơn vị gần như tự chủ bên trong chương trình đào tạo thường lệ của trường chủ nhà – ví dụ, mở các khóa học có chứng nhận về Hán ngữ trong Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Đại học Chicago.

Có một điểm khác biệt lớn khác: các Viện Khổng Tử chịu sự quản lý của một chính phủ nước ngoài, và do vậy tuân theo mục đích chính trị của chính phủ đó. Hiến chương và quy chế của các Viện Khổng Tử, cùng với các thỏa thuận ký với các trường đại học chủ nhà, đặt các hoạt động của Viện Khổng Tử dưới sự giám sát của tổng bộ ở Bắc Kinh của Hội đồng Hán ngữ Quốc tế, thường được gọi là Hán Biện (汉办, Hanban). Dù các văn bản chính thức mô tả Hán Biện là “trực thuộc Bộ Giáo dục”, tổ chức này chịu sự quản lý của một hội đồng gồm các quan chức cấp cao của đảng và nhà nước Trung Cộng từ nhiều ban ngành chính trị, và chủ tịch hội đồng là một ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông (Liu Yandong). Hội đồng quản lý với nữ chủ tịch họ Lưu hiện nay có các ủy viên từ mười hai bộ và ủy ban của nhà nước, trong đó có Ngoại giao, Giáo dục, Tài chính và Văn hóa, Phòng Thông tin Quốc vụ viện, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, Tổng cục Báo chí và Xuất bản Nhà nước. Nói trắng ra, Hán Biện là một công cụ của nhà nước đảng trị Trung Cộng hoạt động như một tổ chức sư phạm quốc tế.

Ở các trường đại học lớn có mở Viện Khổng Tử, Hán Biện đảm trách một phần trong chương trình đào tạo Hán ngữ tổng thể. Ở các trường nhỏ hơn (và số trường này nhiều hơn), phần lớn hay toàn bộ việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa thuộc quyền kiểm soát của Hán Biện. Hán Biện có quyền cung cấp giảng viên, sách giáo khoa và nội dung của các khóa học do mình đảm trách; Hán Biện cũng cử các đồng viện trưởng người Trung Quốc cho các Viện Khổng Tử sở tại. Các công trình nghiên cứu về Trung Quốc do các học giả thực hiện với tiền tài trợ của Hán Biện được Bắc Kinh phê duyệt. Các giảng viên do Hán Biện bổ nhiệm, cùng với các chương trình đào tạo và ngoại khóa của các Viện Khổng Tử, được Bắc Kinh đánh giá và phê duyệt định kỳ, và các trường đại học chủ nhà bắt buộc phải chấp nhận để Bắc Kinh giám sát và đánh giá các hoạt động của Viện Khổng Tử. Hán Biện có quyền kiện đòi bồi thường về bất cứ hoạt động nào được thực hiện nhân danh các Viện Khổng Tử mà không được Hán Biện cho phép hay phê chuẩn. Hán Biện đã ký nhiều thỏa thuận chấp nhận một số ngoại lệ đối với các quy định này, nhưng thường chỉ khi tổ chức này muốn thuyết phục một trường đại học có uy tín, ví như Stanford hay Chicago, tham gia vào chương trình Viện Khổng Tử toàn cầu.

Dù các Viện Khổng Tử đã thu hút được chú ý ở Mỹ và các nước khác, gần như chưa có một điều tra báo chí hay điều tra dân tộc học nghiêm túc nào về các đặc điểm của những viện này, chẳng hạn cách huấn luyện các giảng viên Trung Quốc hay cách chọn nội dung của các khóa học và sách giáo khoa. Một khó khăn [khi nghiên cứu] là các Viện Khổng Tử cứ như một mục tiêu di động. Không chỉ các quan chức Trung Quốc sẵn sàng linh hoạt khi đàm phán với các trường đại học danh tiếng, mà chiến lược chung của Hán Biện cũng luôn thay đổi trong những năm gần đây. Dù đã vươn ra toàn cầu, chương trình Viện Khổng Tử dường như chưa đạt được các mục tiêu chính trị là đánh bóng hình ảnh và tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Khác với [sức hút của] cuốn Mao tuyển trong kỷ nguyên giải phóng của các nước Thế giới Thứ Ba, thiên hạ chẳng mấy ai tin chế độ Trung Quốc hiện nay. Có diện mạo của một chế độ chính trị thu phục nhân tâm là điều kiện cần để thành công bằng “quyền lực mềm”, như nhận định của của Joseph Nye, người đã sáng chế thuật ngữ này. Chương trình Viện Khổng Tử đổi mới theo hướng tham gia ít hơn vào việc truyền bá ngôn ngữ và văn hóa, và can dự nhiều hơn vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cốt lõi ở trường đại học chủ nhà. Song, các nguyên tắc hoạt động của chương trình Viện Khổng Tử vẫn là các nguyên tắc của hiến chương và quy chế của chương trình này, cùng với các thỏa thuận mẫu được đàm phán với các trường đại học tham gia. Hán Biện thường xuyên và tích cực muốn các Viện Khổng Tử tổ chức các sự kiện và khóa học dưới sự bảo trợ của các trường đại học chủ nhà nhằm tạo ra hình ảnh tích cực về Trung Quốc – như vậy khẳng định phát biểu thường được trích dẫn của ủy viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân (Li Changchun) nói rằng các Viện Khổng Tử là “một phần quan trọng trong cơ cấu tuyên truyền hải ngoại của Trung Quốc”.

Một bài báo năm 2011 trên tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tuyên bố y hệt, khoe khoang về sự truyền bá các Viện Khổng Tử (lúc đó là 331 viện) cùng với các chỉ số khác cho thấy Trung Quốc vươn lên thống lĩnh chính trị thế giới, chẳng hạn như tỉ lệ tăng trưởng hàng năm 8%, các thành tựu công nghệ và quân sự, và vị thế mới trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. “Tại sao Trung Quốc hiện nay được chú ý nhiều như vậy? Đó là do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc … Hiện nay chúng ta có một mối quan hệ khác với thế giới và phương Tây: chúng ta không còn phải đợi họ ban ơn nữa. Thay vì thế, chúng ta đã từ từ vươn lên và sánh ngang với họ.”

* * *

Một trở ngại trong việc tìm hiểu hoạt động của các Viện Khổng Tử là thỏa thuận mẫu để lập Viện Khổng Tử (do một hoặc hai đại diện của trường đại học chủ nhà phê chuẩn) được giữ bí mật. Thỏa thuận này có một điều quy định cấm tiết lộ, với nội dung như sau (dịch từ phần tiếng Trung của văn bản song ngữ): “Hai bên ký kết thỏa thuận sẽ xem thỏa thuận này là một văn bản bí mật, và nếu không được bên kia chấp thuận bằng văn bản, không bên nào được phép công bố, tiết lộ, hoặc công khai, hoặc cho phép những người khác công bố, tiết lộ, hoặc công khai các tài liệu hoặc thông tin được thu thập hoặc được biết liên quan đến bên kia, ngoại trừ trường hợp việc công bố, tiết lộ, hoặc công khai là điều cần thiết để một bên ký kết thỏa thuận này thực hiện các bổn phận của mình theo thỏa thuận này.”

Quy định cấm tiết lộ này liên quan đến các điều trong thỏa thuận mẫu, nhất là Điều 5, bắt buộc các hoạt động của Viện Khổng Tử phải tuân theo phong tục, luật pháp và quy định của Trung Quốc cũng như của quốc gia của trường chủ nhà. Điều này làm sao khả thi ở những nước như Mỹ? Hán Biện hoạt động theo luật pháp Trung Quốc vốn cấm đoán các hình thức ngôn luận chính trị và các hệ thống niềm tin được bảo vệ ở Mỹ bằng Tu chính án thứ nhất; như vậy có thể xảy ra khả năng là khi tuân theo Điều 5, các trường đại học Mỹ sẽ đồng lõa trong việc tuyển dụng có tính chất phân biệt đối xử hay vi phạm quyền tự do ngôn luận. Và vì hiến chương của các Viện Khổng Tử quy định rằng hiến chương này và các quy chế của nó “áp dụng cho tất cả các Viện Khổng Tử”, các viên chức của các trường đại học chủ nhà phải chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát công tác học thuật ở trường của họ và đồng ý giữ bí mật về cách dàn xếp này. Làm như vậy thậm chí có hợp pháp hay không?

Dù dường như không có tuyên bố nào về mục tiêu “quyền lực mềm” cụ thể của chương trình Viện Khổng Tử trong các văn bản chi phối hoạt động của chương trình, có một điều khoản có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng lại chẳng khác gì con ngựa thành Troy. Bằng cách đề ra một quy tắc bắt buộc về giảng dạy ngôn ngữ, điều khoản này quy định rằng người học sẽ thu được kiến thức về Trung Quốc chỉ theo những cách hợp ý nhà nước Trung Cộng. Nguyên tắc thứ mười và cuối cùng của “Các nguyên tắc chung” trong hiến chương và các quy chế (Chương 1) quy định: “Các Viện Khổng Tử tiến hành dạy Hán ngữ bằng tiếng Phổ thông sử dụng các Hán tự Chuẩn”. Cụm từ nhằm tung hỏa mù “Hán tự Chuẩn” thực ra là chữ giản thể mà nhà nước Trung Cộng chính thức truyền bá để dễ học hơn chữ phồn thể đã được dùng làm chữ viết ở Trung Quốc trong hàng ngàn năm, và vẫn còn là chữ viết ở Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và nhiều cộng đồng Trung Hoa ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh – và tất nhiên Trung Cộng không hài lòng.

Trong một bài rất chi tiết phơi bày ý đồ chính trị của quy tắc bắt buộc về ngôn ngữ, Michael Churchman đã nhận định rằng việc giảng dạy chỉ bằng Hán tự Chuẩn sẽ tạo ra một tầng lớp học giả toàn cầu chỉ biết Hán ngữ nửa vời. Những người bản ngữ có hiểu biết về ngữ cảnh liên quan và trước đây có tiếp xúc ít nhiều với chữ phồn thể thì có thể phần nào giải mã được chữ phồn thể, chứ các sinh viên nước ngoài học Hán ngữ ở độ tuổi đại học thì chịu. Churchman cho rằng do không đọc được các tác phẩm kinh điển bằng cổ văn ngoại trừ các phiên bản đã được dịch và diễn dịch ở Trung Cộng, và do bị tách biệt khỏi các tác phẩm bất đồng và đại chúng của các cộng đồng Trung Hoa khác, các sinh viên theo học các khóa của Viện Khổng Tử thậm chí không thể tiếp cận được “kho tư liệu lớn và ngày càng tăng về lịch sử Đảng Cộng sản, sự đấu đá nội bộ, và nạn bè phái do các tác giả đại lục viết nhưng chỉ được xuất bản ở Hong Kong và Đài Loan”. Thay vì thế, họ phải chịu cùng những chính sách về chuẩn hóa ngôn ngữ (tiếng phổ thông) và chữ viết (giản thể) mà qua đó chế độ muốn kiểm soát những điều được phép và không được phép bàn ở Trung Quốc.

* * *

Nhiều học giả uy tín và uyên bác về Trung Quốc đã nhận định rằng các Viện Khổng Tử cũng có những “vùng cấm” giống như Bắc Kinh áp đặt đối với công luận Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ The New York Times, June Teufel Dreyer, giảng viên dạy môn chính quyền và chính sách đối ngoại Trung Quốc ở Đại học Miami, nói: “Ta được chỉ thị không được bàn về Đạt Lai Lạt Ma – hoặc mời Đạt Lai Lạt Ma đến trường. Tây Tạng, Đài Loan, việc tăng cường quân sự của Trung Quốc, các cuộc đấu đá bè phái trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc – tất cả những điều này đều bị cấm đoán.” Các Viện Khổng Tử ở Đại học Công lập Bắc Carolina và Đại học Sydney, Úc, đã tích cực cố gắng ngăn cản không để Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện. Ở Sydney, ông phải nói chuyện ở bên ngoài trường, và Viện Khổng Tử tài trợ cho một buổi thuyết trình của một học giả Trung Quốc trước đó từng tuyên bố rằng Tây Tạng luôn luôn là một phần của Trung Quốc, dù Tây Tạng đã chìm trong thời kỳ phong kiến tăm tối và chế độ nông nô cho đến khi có các cuộc cải cách dân chủ của Trung Quốc năm 1959. Viện Khổng Tử ở Đại học Waterloo, Canada, đã huy động sinh viên của mình để biện hộ cho việc Trung Quốc đàn áp một cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, còn Đại học McMaster, Canada, và Đại học Tel Aviv, Israel, gặp nhiều rắc rối với các cơ quan pháp luật vì những hoạt động chống Pháp Luân Công của các Viện Khổng Tử ở trường họ. Các đề tài bị cấm đoán khác bao gồm cuộc thảm sát Thiên An Môn, các tác giả bị đưa vào sổ đen, nhân quyền, việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến, phong trào dân chủ, thao túng tiền tệ, ô nhiễm môi trường, và phong trào tự trị của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Tân Cương. Mới gần đây, giới lãnh đạo chính phủ Trung Quốc dứt khoát cấm thảo luận bảy chủ đề trong các lớp đại học Trung Quốc, trong đó có các giá trị phổ quát, tự do báo chí và những sai lầm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đây là một phần trong một chỉ thị cho các cán bộ địa phương để “hiểu những mối nguy xuất phát từ các quan điểm và học thuyết được phương Tây cổ xúy”. Từ đó đương nhiên suy ra là các chủ đề này sẽ không phải là các vấn đề được tự do tìm tòi, học hỏi ở các Viện Khổng Tử.

Có ít nhất một viện trưởng Viện Khổng Tử nói rằng viện của mình được tự do thảo luận bất cứ điều gì tùy thích; dường như chỉ có trở ngại về những điều họ không muốn thảo luận. Glenn Cartwright, hiệu trưởng trường Renison University College của Đại học Waterloo, nơi đặt Viện Khổng Tử, nói: “Chúng tôi không biết tí gì về hợp đồng mà [các quan chức Hán Biện] bắt buộc các giảng viên của họ ký. Tôi biết là có một số điều kiện, nhưng liệu chúng tôi có thể yêu cầu các điều kiện đó phải như thế nào hay không là chuyện khác.” Nhân quyền không được thảo luận ở Viện Khổng Tử của Học viện Công nghệ British Columbia vì điều đó không nằm trong tôn chỉ của trường. Theo viện trưởng Jim Reichert, “chức năng của chúng tôi thực sự là chú trọng đến nhận thức văn hóa, phát triển kinh doanh, và những điều thực dụng đại loại như thế.” Ngay cả các trường đại học chuyên về nhân văn như Erlangen-Nürnberg ở Đức, viện phó Viện Khổng Tử nói với một tờ báo vào năm 2012 rằng các Viện Khổng Tử có thể không phải là nơi phù hợp để tranh luận về Tây Tạng và các vấn đề nhạy cảm khác; những chủ đề như vậy tốt hơn là để dành cho các khoa Hán học.

Các trường đại học danh tiếng cũng có kiểu trốn tránh trách nhiệm như vậy khi biện minh cho các hạn chế của Viện Khổng Tử về việc tự do trao đổi tư tưởng. Bình luận về khả năng Viện Khổng Tử của Đại học Chicago thảo luận vấn đề độc lập cho Tây Tạng, vụ thảm sát Thiên An Môn hay Pháp Luân Công, Ted Foss nói với tôi: “Tôi nghĩ có đôi chút tự kiểm duyệt. Và cũng may là chúng tôi có kinh phí cho Trung tâm Nghiên cứu Đông Á; chúng tôi có thể dùng khoản đó cho các loại công trình nghiên cứu kiểu này. Tôn chỉ của chúng tôi cho Viện Khổng Tử ở đây là nghiên cứu kinh doanh và kinh tế ở Trung Quốc hiện đại.” Tôn chỉ đó, như ông và những người khác đã cho phép, đã gây nên một số “phản ứng” của Hán Biện về các chủ đề nghiên cứu mà Viện Khổng Tử của Đại học Chicago nên ủng hộ. Các quan chức Hán Biện hỏi liệu “chúng tôi có thực sự đang muốn tài trợ cho [các công trình về] nghệ thuật vào thế kỷ thứ 10, vì thỏa thuận là chúng tôi tập trung vào Trung Quốc hiện đại.” Về “tiền tài trợ”, Foss nói trong một bối cảnh khác, “chưa có sự can thiệp trực tiếp nào, nhưng như tôi đã nói, có đôi chút tự kiểm duyệt … Tôi hài lòng ở chỗ là chúng tôi không bị ép buộc phải nhận nhiều chương trình này nọ; vì chúng tôi nhận được đủ kiểu yêu cầu về các vũ đoàn hoặc hội này hội nọ đến đây, và chúng tôi có thể từ chối … Nhưng một số Viện Khổng Tử khác thì cơ bản là họ bị ấn chương trình buộc phải làm.”

Foss thừa nhận Viện Khổng Tử của Đại học Chicago quả thực bị “buộc phải nhận” một vị viện phó đến từ trường đối tác của Chicago là Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. Bà ta là một chuyên gia về Liên hiệp Châu Âu nhưng không được phân công giảng dạy hay trách nhiệm gì khác ở Chicago. Foss nói: “Thực ra bà ta là tai mắt của Hán Biện.” Điều này khiến ông nghĩ đến “bất cứ phòng ban, bất cứ khoa nào ở Trung Quốc. Ta có trưởng khoa, rồi bí thư chi bộ; và điều đó khiến bạn bè học thuật của tôi điên tiết, ngoài ra còn có người chịu trách nhiệm báo cáo” lên Bắc Kinh. Ở mọi cấp – từ sự quản lý của Bộ Chính trị đối với tổng bộ Hán Biện đến vị viện phó đến từ Đại học Nhân dân đảm trách báo cáo về Viện Khổng Tử Đại học Chicago với cung cách làm việc bắt chước kiểu giám sát chính thức của đảng đối với một phân khoa đại học ở Trung Quốc – có sự lặp lại cảnh một cổ hai tròng cúa nhà nước đảng trị vừa có sự giám sát của bộ phận hành chính vừa có sự kiểm soát của đảng. Các viên chức quản lý cấp cao ở Chicago và các trường đại học chủ nhà khác hẳn phải có bổn phận làm quen với những dàn xếp khác thường như vậy – hay ấy là do bạn nghĩ thế. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên cho mà xem.

* * *

Vì các Viện Khổng Tử dựa vào chính sách về những điều không được nói, mà chính sách này xuất phát từ giới chóp bu trong chính quyền Trung Quốc và chủ yếu được thực hiện bằng cách tự kiểm duyệt, nên không dễ tìm được bằng chứng trực tiếp về những kiềm chế trao đổi học thuật. Những điều ít ỏi mà công chúng được biết chắc hẳn chỉ là một phần nhỏ của những điều thật sự được áp dụng. Tuy nhiên, có một số bằng chứng tiết lộ nhiều điều khiến ta càng sửng sốt hơn vì nó bộc lộ những thủ đoạn lẩn tránh của Hán Biện để che giấu các chính sách có thể bị phản đối nếu xét theo các tiêu chuẩn thông dụng về tri thức nghiên cứu và tự do học thuật ở các đại học Mỹ và hầu hết các trường khác trên thế giới. Ví dụ, Bắc Kinh đã rút được bài học là loại bỏ khỏi các thỏa thuận ban đầu điều khoản bắt buộc các trường của Mỹ chấp nhận “chính sách một Trung Quốc” của Trung Cộng, mà theo đó Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, trên trang mạng của Hán Biện vẫn còn lời mô tả Đài Loan là “đảo lớn nhất của Trung Quốc”.

Mãi cho đến gần đây, trang mạng tiếng Anh của Hán Biện, trong phần liệt kê các yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên Trung Quốc tình nguyện dạy ở nước ngoài, quy định rằng các ứng viên “không được có lai lịch tham gia Pháp Luân Công và các tổ chức phi pháp khác, và không có tiền án hình sự”. Sau vụ mâu thuẫn với một trường đại học Canada về một giáo viên Trung Quốc có tham gia phong trào Pháp Luân Công, trang mạng này hiện nay quy định: “Các ứng viên phải tuyên bố tuân thủ luật pháp Trung Quốc và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, gây tác hại cho các lợi ích công cộng hay gây rối trật tự công cộng” – tiêu chuẩn để được dạy ở một trường đại học Bắc Mỹ như vậy quả là khắt khe. Xét về tiêu chuẩn bắt buộc đối với giáo viên, người như giáo sư Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, không được làm giáo viên ở một Viện Khổng Tử vì ông từng có tiền án hình sự: hiện nay ông đang thụ án 11 năm ở Trung Quốc vì cổ xúy nhân quyền và cải cách dân chủ.

Theo Thời báo Đại Kỷ Nguyên, một đoạn video về Chiến tranh Triều Tiên có nhan đề “Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và giúp đỡ Triều Tiên” gần đây bị rút xuống khỏi trang mạng của Hán Biện. Ngoài những tuyên bố lịch sử khác, đoạn video này tuyên bố rằng Trung Quốc bị khiêu khích phải tham chiến vì Mỹ ném bom các làng Trung Quốc gần biên giới Triều Tiên, và đã thao túng để buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép quân Mỹ xâm lược Triều Tiên. Dường như trang có đoạn video này đã bị xóa vào ngày 11/6/2012, một ngày sau khi Christopher Hughes của Trường Kinh tế London gởi đường dẫn này đến các giáo sư đồng nghiệp lúc đó đang tranh luận về tài liệu giảng dạy của Viện Khổng Tử (được thành lập ở trường này vào năm 2007).

Do những tập quán đáng nghi vấn này về hoạt động trao đổi học thuật, chương trình học đường của Viện Khổng Tử không được hoan nghênh ở các trường tiểu học và trung học ở bang New South Wales, Úc. Hồi tháng 7/2011, tờ The Sydney Morning Herald tường thuật rằng một đơn thỉnh nguyện với hơn 4.000 chữ ký đã được đệ trình lên Nghị viện New South Wales Parliament yêu cầu chính quyền bang này loại bỏ những lớp học Viện Khổng Tử khỏi một số trường công lập. Bài báo đó cho biết: “Chính quyền đã khẳng định rằng các chủ đề nhạy cảm, trong đó có vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, sẽ không được thảo luận trong chương trình … Đơn thỉnh nguyện cho rằng các chính phủ nước ngoài không được quyết định nội dung giảng dạy trong các trường học ở New South Wales, và chương trình giảng dạy không được có nội dung tuyên truyền.” Sau đó, vào tháng 10/2011, Jamie Parker, nghị sĩ thuộc Đảng Xanh, đệ trình một đơn thỉnh nguyện khác với khoảng 10.000 chữ ký. Bài phát biểu của Parker để ủng hộ đơn thỉnh nguyện này có nhiều điểm chủ chốt giống như một bài phê phán có thể nêu ra ở bất cứ nơi đâu có Viện Khổng Tử:

Chính quyền New South Wales đã thừa nhận rằng các chủ đề nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc, trong đó có Đài Loan, Tây Tạng, Pháp Luân Công và vi phạm nhân quyền, sẽ không được đưa vào các lớp học này… Đảng Xanh hoan nghênh việc dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, tuy nhiên chúng ta phải thận trọng về ảnh hưởng của chính phủ nước ngoài bên trong các trường công lập của chúng ta. Các lớp học này rất khác so với các chương trình quốc tế khác chẳng hạn như Liên minh Pháp (Alliance Française).

Hai sự cố liên quan đến các Viện Khổng Tử ở hai trường đại học Canada, McMaster và Waterloo, phản ánh những mối quan ngại này đồng thời cho thấy một số tác động lớn hơn về tri thức và pháp luật của chương trình Viện Khổng Tử. Năm nay, Đại học McMaster chấm dứt thỏa thuận của mình với chương trình này sau khi một giáo viên của Viện Khổng Tử nộp đơn khiếu nại lên Tòa Nhân quyền Ontario kiện trường đại học này về việc tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử. Người đệ đơn khiếu nại là Sonia Zhao, một giáo viên từ Trung Quốc. Cô này cáo buộc rằng Đại học McMaster “hợp thức hóa hành vi phân biệt đối xử” vì hợp đồng của Viện Khổng Tử tuyển cô giảng dạy ở đại học này bắt buộc cô phải che giấu đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Tờ báo Globe and Mail ở Toronto thu thập được một bản sao hợp đồng của Zhao; hợp đồng này được ký ở Trung Quốc và có điều khoản quy định rằng các giáo viên “không được phép tham gia các tổ chức phi pháp như Pháp Luân Công.” Năm 2012, một năm sau khi đến Canada, Zhao kể lại rằng không chỉ cô giấu không cho chính quyền Trung Quốc biết việc cô gia nhập Pháp Luân Công, mà cả chính quyền Trung Quốc cũng che giấu không để chủ đề Pháp Luân Công xuất hiện trong các lớp học Viện Khổng Tử. Khi được phỏng vấn về trường hợp của mình, cô nói: “Nếu sinh viên của tôi hỏi tôi về Tây Tạng hoặc các chủ đề nhạy cảm khác, tôi cần được quyền … bày tỏ ý kiến của mình … Trong thời gian huấn luyện ở Bắc Kinh, họ quả thực có dặn chúng tôi: ‘Đừng nói về chuyện này. Nếu sinh viên cứ khăng khăng hỏi, anh/chị chỉ cần đổi đề tài hoặc nói điều gì đó thuận lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc.’”

Sonia Zhao phát biểu về việc Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc tại một cuộc biểu tình ở Toronto hồi tháng 8/2011. (Gordon Yu/The Epoch Times)

Vụ Sonia Zhao kiện Đại học McMaster được giải quyết qua trung gian hòa giải. Sau khi Đại học McMaster chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử, trưởng ban quan hệ công chúng và chính phủ của đại học này giải thích: “Chúng tôi có một định hướng rất rõ ràng về việc xây dựng một cộng đồng mang tính chất dung nạp tất cả mọi thành phần, tôn trọng tính đa dạng, tôn trọng các quan điểm cá nhân, và khả năng phát biểu về những quan điểm đó.” Đó là một lập trường cao quý, nhưng nó đã bị phương hại do đại học này không thẩm định chi tiết và cân nhắc kỹ lưỡng: quy định cấm đoán Pháp Luân Công đã nằm trên trang mạng Hán Biện khá lâu trước khi Đại học McMaster ký thỏa thuận với Viện Khổng Tử. Và lưu ý tác động của vụ việc này: một trường đại học Canada đã phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã truyền bá các mưu đồ chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Một vụ gây tranh cãi khác nổ ra ở Đại học Waterloo. Như đã nói ở trên, ở đại học này, trưởng khoa của khoa chủ quản Viện Khổng Tử thú nhận là không biết về các hợp đồng mà các giáo viên Trung Quốc ký kết và không có khả năng kiểm soát các điều khoản của những hợp đồng đó. Có lẽ điều đó lý giải hành động hung hăng của vị viện trưởng người Trung Quốc của Viện Khổng Tử khi biện hộ cho các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Tây Tạng và vận động các sinh viên của mình có hành động tương tự. Viện trưởng Yan Li trước đây là phóng viên của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2008, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đàn áp một cuộc khởi nghĩa ở Tây Tạng, bà ta vận động các sinh viên của Viện Khổng Tử Waterloo “cùng nhau đấu tranh chống lại báo chí Canada”; lúc đó báo chí Canada đang tường thuật về việc Trung Cộng thẳng tay trấn áp. Yan Li dùng thời gian giảng bài trong lớp để nói về lịch sử và hiện trạng Tây Tạng theo phiên bản của mình; bà ta dùng một bản đồ cho thấy Tây Tạng rõ ràng nằm bên trong Trung Quốc. Sau đó, các sinh viên tiến hành chiến dịch chống lại báo chí Canada, phản đối các tờ báo, đài truyền hình và các trang mạng tin tức mà họ cho rằng thiên vị Tây Tạng. Chiến dịch đó đã thành công đến mức một đài truyền hình phải công khai xin lỗi về cách đưa tin về cuộc xung đột này.

Đối với Đại học Manitoba, việc chính phủ Trung Quốc tạo ra các rào cản chính trị để ngăn chặn việc tự do bàn luận ở Canada về các chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc là lý do khiến đại học này không cho phép mở Viện Khổng Tử tại cơ sở của mình. Terry Russell, giáo sư ngành Châu Á học tại Đại học Manitoba, nói: “Họ chẳng hề quan tâm đến điều mà chúng tôi xem là nghiên cứu có tính chất phản biện hay tự do học thuật. … Chúng tôi thấy chẳng chấp nhận được chuyện mời chính quyền Trung Quốc, mà Viện Khổng Tử chính là đại diện, vào hoạt động ở trường và thực hiện các chương trình mà chẳng bao giờ thực sự bàn về nhân quyền ở Trung Quốc trừ phi phải nói theo ý của Bắc Kinh.”

* * *

Viện Khổng Tử dường như bị phản đối quyết liệt ở Canada và các nước khác hơn ở Mỹ; tại Mỹ có nhiều Viện Khổng Tử ở các trường cao đẳng và đại học (tổng cộng hơn 80 viện) hơn ở các nước khác. (Xếp thứ nhì sau Mỹ là Hàn Quốc và Nga, mỗi nước có ít nhất 17 viện; Canada có 11.) Một lý do là ở Mỹ các Viện Khổng Tử có thể hoạt động theo cách khác nếu như vậy là có lợi về chiến lược cho họ. Thực tế cho thấy là để tăng quyền lực mềm của chính Trung Quốc ngay trong lòng đối thủ lớn nhất cạnh tranh vị thế thống lĩnh thế giới, Bắc Kinh sẵn sàng linh hoạt và điều chỉnh cho thích nghi trong các cuộc đàm phán với một số trường đại học Mỹ. Các trường khác có thể từ chối Viện Khổng Tử do sợ bị Trung Quốc ảnh hưởng, nhưng điều phối viên chương trình đào tạo của Viện Khổng Tử ở Đại học Iowa nói: “theo kinh nghiệm của tôi với Viện Khổng Tử, đó là một nỗi sợ thiếu căn cứ.”

Giới quản lý Đại học Iowa chẳng có gì than phiền về Viện Khổng Tử của họ; cụ thể, họ chẳng phàn nàn về các tập quán tuyển dụng của Trung Quốc – vì các tập quán đó chẳng tồn tại ở Đại học Iowa. Sau khi biết về sự cố Pháp Luân Công ở Đại học McMaster, những nhà quản lý ở Đại học Iowa yêu cầu có những biện pháp bằng hợp đồng để tránh xảy ra chuyện tương tự, và Hán Biện chấp nhận, cho phép Iowa tuyển dụng toàn bộ nhân viên trong nội bộ mà không can thiệp gì. Một nhà quản lý ở Đại học McMaster có liên can trong vụ Sonia Zhao cho biết “hợp đồng của đại học này với Hán Biện không có các quy định giống như vậy”. Sau khi nổ ra vụ Sonia Zhao, Đại học McMaster đã cố gắng đàm phán lại thỏa thuận của mình với Hán Biện với mục đích thay đổi quy định về tuyển dụng; tuy nhiên, khác với Iowa, Đại học McMaster không thuyết phục được Bắc Kinh. Suy cho cùng, vì là một đại học công lập lớn của Mỹ, Iowa có vị thế thuận lợi hơn để buộc Hán Biện nhượng bộ. Tuy vẫn còn nhiều câu hỏi về cách chọn giáo viên Trung Quốc, cách giảng dạy các khóa học và bằng loại chữ viết nào, nhưng rõ ràng Hán Biện rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình.

Hay có lẽ “chính sách buông lỏng” của họ ở Mỹ là phỏng theo hình thức cai trị gián tiếp của đế chế Trung Hoa đối với các dân tộc không phải người Hán ở các vùng biên giới đã bắt đầu từ đời Đường, nếu không phải là sớm hơn. Vào cái thời thiên triều tàn bạo đó, hình thức này được gọi là “lấy man di trị man di” (dĩ di trị di, 以夷治夷). Tương tự, việc chính quyền Trung Quốc xem các Viện Khổng Tử là một thành tố quan trọng trong ý đồ chính trị của họ về xâm lăng văn hóa chẳng khác gì chiến lược thiên triều truyền thống nhằm cảm hóa các dân tộc không phải người Hán bằng cách giúp cho họ biết đến uy danh và đức độ của Ngọc Đế. Một đất nước Trung Quốc tươi đẹp và thanh bình, hòa hợp và rộng lượng: đây là những chủ đề chính của các Viện Khổng Tử.

Một lý do khác khiến Hán Biện sẵn sàng nhượng bộ một số trường đại học Mỹ là các lợi ích của họ khác nhau về mức độ và tính chất. Là một công cụ của chính quyền Trung Quốc, Hán Biện muốn lan truyền ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc trên toàn cầu, cụ thể là ở các vùng có tầm quan trọng chiến lược, nhất là ở Mỹ. Tổn thất mà dường như Hán Biện phải gánh chịu khi nhượng bộ có thể lại là một lợi ích về lâu dài cho một chương trình toàn cầu. Ngược lại, các trường đại học Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của tổ chức học thuật. Do đó, họ có xu hướng phớt lờ hoặc không thừa nhận những khía cạnh chính trị đáng ngại của các Viện Khổng Tử – tức là những tác động lớn hơn do họ tham gia vào chương trình này – miễn là họ có lợi. Song, do những lợi ích riêng này, các trường đại học Mỹ có nhiều lý do hợp lý để không phản đối chương trình Viện Khổng Tử. Các tổ chức giáo dục đại học Mỹ ngày càng lệ thuộc nặng nề, trực tiếp và gián tiếp, vào nguồn tiền của Trung Quốc.

Tính đến niên khóa 2012-2013, ở Đại học Iowa có 2.062 sinh viên từ Trung Quốc. Ở khoa quản trị kinh doanh của đại học này, 21% sinh viên là người Trung Quốc, tăng lên từ mức 8% vào năm 2009. Sinh viên Trung Quốc chiếm hơn một nửa số sinh viên quốc tế trên toàn trường, và hơn 80% trong khoảng 500 sinh viên ngoại quốc ở khoa quản trị kinh doanh. Mà đâu chỉ ở Iowa mới có tình trạng này. Số sinh viên từ Trung Quốc học các trường đại học Mỹ đã tăng đáng kể trong vài năm qua. Trong niên khóa 2011-2012, có 194.029 sinh viên như vậy, phần lớn trong số đó đóng học phí toàn phần, chiếm hơn 25% trong toàn bộ số sinh viên ngoại quốc – gần gấp đôi Ấn Độ, nước có số lượng sinh viên đông thứ nhì. Số sinh viên từ Trung Quốc đại lục đã tăng từ 98.235 trong niên khóa 2008-2009 lên đến 127.628 trong niên khóa 2009-2010 và 157.558 trong niên khóa 2010-2011. Các sinh viên Trung Quốc cũng không phải là nguồn ngân quỹ dồi dào duy nhất cho các tổ chức giáo dục Mỹ. Còn phải kể đến các Viện Khổng Tử. Các viện này trả cho hầu hết trường đại học hợp tác mức lệ phí ban đầu 100.000 hay 150.000 Mỹ kim và các khoản chi trả hàng năm cũng khoảng chừng đó trong suốt thời gian hợp đồng, đồng thời cung cấp giáo viên, sách giáo khoa và tài liệu học tập miễn phí, cấp một số học bổng sang học ở Trung Quốc, tổ chức những chuyến công du tiếp đón trọng thị, chiêu đãi nồng hậu để những nhà quản lý trường đại học Mỹ sang tham quan Trung Quốc. Đây không phải là những khoản lợi lộc nhỏ nhoi, đặc biệt là với các trường nhỏ, và chúng lại càng đáng ao ước hơn do trong những năm gần đây chính phủ Mỹ cắt giảm 47% kinh phí cấp cho các chương trình đào tạo ngôn ngữ và nghiên cứu khu vực.

Hơn nữa, đối với những đại học công lập tiểu bang được nhà nước cấp kinh phí, có thể có một hình thức khác lệ thuộc vào Trung Quốc, tuy gián tiếp nhưng quan trọng, ở chỗ các tiểu bang đó có các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Cộng mà họ chẳng dại phá hoại bằng những lời phàn nàn về tự do trong học thuật hay các lời mời Đạt Lai Lạt Ma sang thăm. Năm 2009, khi Đại học công lập tiểu bang North Carolina (nơi đã thành lập Viện Khổng Tử trước đó hai năm) cương quyết hủy một cuộc viếng thăm đã xếp lịch của Đạt Lai Lạt Ma vì, theo lời hiệu trưởng, không có đủ thời gian chuẩn bị đón tiếp một vị khách đáng kính như vậy, còn hiệu phó Warwick Arden thừa nhận trường có cân nhắc một số điều khác. “Tôi không muốn nói là chúng tôi đã không nghĩ về liệu có ảnh hưởng gì không. Tất nhiên là phải nghĩ chứ. Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của North Carolina.” Viện trưởng Viện Khổng Tử ở đại học này nói với hiệu phó rằng một cuộc viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma có thể gây xáo trộn “một số mối quan hệ mật thiết mà chúng ta đã gầy dựng được với Trung Quốc.” Theo nhận xét của Arden, một Viện Khổng Tử “có nguy cơ gây ra áp lực và mâu thuẫn tinh vi”.

* * *

ci_flagsTrong nhiều năm, chỉ những trường cao đẳng và đại học nhỏ – cũng như hệ thống Trường Công lập Chicago – ký thỏa thuận lập Viện Khổng Tử. Nhưng gần đây, các trường đại học nghiên cứu lớn như Michigan, Đại học California ở Los Angeles (UCLA), Columbia, Stanford và Chicago đã tham gia chương trình Viện Khổng Tử. (Một ngoại lệ là Đại học Pennsylvania đã từ chối đề nghị của Hán Biện xin mở Viện Khổng Tử tại trường này.) Cũng chẳng có gì lạ là các trường này ký được các thỏa thuận béo bở hơn các trường ít tên tuổi tham gia sớm hơn. Song, do chỉ phải cấp cho Columbia một triệu Mỹ kim trong 5 năm, và một khoản ban đầu 200.000 Mỹ kim cho Đại học Chicago, Trung Quốc có được giá quảng cáo quá hời, nếu không nói là còn lợi ích khác nữa. Thật khó hiểu tại sao các Đại học Chicago và Columbia lại chấp nhận những khoản tiền còm cõi như vậy, ngoại trừ có thể là họ chấp nhận lỗ để dọn đường cho các trung tâm học thuật hải ngoại quan trọng mà họ sắp thành lập ở Bắc Kinh.

Stanford thương lượng giỏi hơn cả hai đại học nói trên và buộc Hán Biện phải trả 4 triệu Mỹ kim: 1 triệu để tổ chức các hội nghị, 1 triệu để cấp học bổng sau đại học, và 2 triệu tài trợ cho một chức danh giáo sư. Một giáo sư Stanford nhận xét rằng “thật thuận tiện cho tất cả các bên liên quan” khi chức danh giáo sư đó được phân cho lĩnh vực thơ ca Trung Hoa cổ điển, “chủ đề chẳng nhạy cảm về bất cứ phương diện chính trị đương đại nào”. Richard Saller, vị trưởng khoa của Stanford đã thương thảo được thỏa thuận này, cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đòi hạn chế thảo luận về Tây Tạng. Saller, một học giả được đánh giá cao về La Mã cổ đại, sau đó trở thành viện trưởng Viện Khổng Tử của Stanford, dù quy chế của Hán Biện quy định rằng viện trưởng Viện Khổng Tử cần “có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề quốc dân hiện tại của Trung Quốc”. Nhưng bằng cách riêng của mình, Saller hiểu rõ về các vấn đề quốc dân hiện tại của Trung Quốc để biết tỏng rằng Hán Biện muốn cư xử hào phóng và thận trọng với Stanford vì rất muốn dùng sự tham gia của một trường đại học có uy tín cho các mục đích lớn hơn của mình; mối quan hệ với Stanford quá quý giá nên Hán Biện không muốn gây sứt mẻ. Saller nói rằng các quan chức Hán Biện “rất mong tạo được chỗ đứng ở Stanford”. Theo ông, sở dĩ như vậy là do Trung Quốc muốn tạo được một Đại học Stanford và Thung lũng Silicon của chính mình.

Ngay cả khi Saller nói đúng, việc gắn kết Viện Khổng Tử với Stanford và các trường cùng tầm cỡ đã mang lại nhiều thuận lợi khác cho chính quyền Trung Quốc: đó là khuyến khích các trường khác tham gia. Theo tờ The GW Hatchet, tờ báo của sinh viên Đại học George Washington, sau khi so sánh một cách vô trách nhiệm Viện Khổng Tử với Hội đồng Anh (không có mặt ở các trường đại học), vị trưởng khoa phụ trách đàm phán việc thành lập một Viện Khổng Tử ở Đại học George Washington đã nhắc đến tinh thần đoàn kết với các trường đại học khác. Bà nói với tờ Hatchet, “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy các trường đại học hàng đầu khác mở Viện Khổng Tử, và nhờ đó chúng ta thấy dễ chịu hơn.” Bà nêu ví dụ Đại học Chicago.

* * *

Việc thành lập Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago được đánh dấu, đúng như mong đợi, bằng chủ trương “tự do kinh doanh” về cả sự hình thành lẫn nội dung học thuật. Gần đây [cựu bộ trưởng tài chính Mỹ] Henry Paulson đóng góp mấy triệu Mỹ kim cho một viện mang tên ông [Viện Paulson], nằm trong một tòa nhà của riêng viện trên lô đất vàng gần cơ sở chính của trường. Hiện nay gần cơ sở này đang có công trình sửa chữa một khu nhà thờ lớn để thành trụ sở mới của Khoa Kinh tế nổi tiếng của Đại học Chicago và Viện Becker Friedman, do vậy khiến các kiến trúc đau đầu nhức óc vì phải thay đổi cách bố trí chức năng hoạt động của tòa nhà này trong khi vẫn bảo tồn đặc trưng tôn giáo của nó. Ngoài việc cung cấp giáo viên Hán ngữ từ Trung Quốc, Viện Khổng Tử từ trước đến nay cũng đã tài trợ cho rất nhiều nghiên cứu về các khía cạnh của phát triển kinh tế – thực ra nghiên cứu kinh tế nhiều hơn dạy ngôn ngữ. Cũng giống như các viện khác ở Đại học Chicago, nguồn gốc của Viện Khổng Tử ở đó gắn liền với một người: đó là nhà chính trị học Dali Yang; lúc soạn đề án cho Viện Khổng Tử, ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á. Trong khoảng một năm, ông Yang đã giúp đề án này lọt qua các cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc, các nhà quản lý Đại học Chicago, và các giáo sư đồng nghiệp.

Yang không chỉ tự mình xây dựng viện này; nỗ lực của ông đã thành công vì nó vận dụng các hoàn cảnh của trường lớn để có sức thuyết phục và sự hậu thuẫn hiệu quả. Một mặt là sự sẵn sàng thông đồng của giới quản lý đại học này, mà cũng giống như ở nhiều nơi khác có chiều hướng khao khát tiền tài và danh vọng đến khó coi. Đại học Chicago rất tự hào về các truyền thống của mình. (Theo lời kể của Thorstein Veblen trong cuốn Giáo dục đại học ở Mỹ [The Higher Learning in America, 1918], đầu thế kỷ 20, những học giả hàng đầu đã có tinh thần cạnh tranh về uy danh của trường và sự kính trọng của công chúng dành cho trường.) Mặt khác, Yang biết cách thay đổi cho thích nghi với trọng tâm mới của Hán Biện nhắm vào “nghiên cứu cốt lõi”, và đặc biệt là việc phía Trung Quốc dường như mê mẩn Trường phái kinh tế học Chicago. Theo Ted Foss, Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thường nhận được những cuộc gọi dồn dập từ Lãnh sự quán Trung Quốc xin sắp xếp để một phái đoàn quan chức cao cấp sang tham quan được chụp ảnh với Gary Becker [người được giải Nobel Kinh tế năm 1992].

Ở Chicago, Hán Biện cầu được ước thấy: không chỉ có được nhiều đề án nghiên cứu về phát triển kinh tế Trung Quốc, mà hàng năm còn tổ chức được một Hội thảo Đại học Chicago-Đại học Nhân Dân về Kinh tế học Gia đình và Lao động, hiện nay đã bước sang năm thứ tư. Là trường đối tác của các Viện Khổng Tử ở hơn một chục trường khác ngoài Đại học Chicago, Đại học Nhân Dân, hơn bất cứ đại học nào khác ở Trung Quốc, có tiếng là hai mặt. Ở Chicago, nó được khoe là trường đại học hàng đầu Trung Quốc về khoa học xã hội và nhân văn, trong khi ở Trung Quốc nó được mọi người gọi là trường đại học của đảng, vì nó do Đảng Cộng sản thành lập, và là một trung tâm chính để đào tạo cán bộ nhà nước. Viện Khổng Tử ở Chicago tạo ra hình ảnh lố bịch của Trung Cộng dùng tên của Khổng Tử để truyền bá ý thức hệ tư bản chủ nghĩa thuần túy cổ xúy sự lựa chọn duy lý.

Mâu thuẫn còn lớn hơn nữa là Viện Khổng Tử vận dụng các truyền thống được trân trọng của Đại học Chicago về tư tưởng thả nổi tự do, trên cả khía cạnh tự do học thuật lẫn khía cạnh triết lý kinh tế, trong một công cuộc toàn cầu nhằm tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự kết hợp đối chọi này giữa tinh thần tự do kinh doanh và sự kiềm chế của chính phủ đã có hồi tháng 4/2008, khi Dali Yang và Ted Foss tham khảo ý kiến của một viên lãnh sự giáo dục Trung Quốc ở Chicago về các điều kiện bắt buộc tổng quát cho một Viện Khổng Tử. Theo lời kể của hai vị này – trong đó có một phác thảo lịch sử của Viện Khổng Tử Chicago do Yang viết – quá trình tham vấn sau đó có “phần thông báo” sớm cho các vị trưởng khoa nhân văn và khoa học xã hội. Sau đó, Yang trình bày đề án về một Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago với các học giả về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, và sau khi thảo luận đôi chút các học giả này nhất trí chấp thuận cho thành lập viện. Đây là nhóm duy nhất được bỏ phiếu (các học giả về Triều Tiên và Nhật hoàn toàn không được hỏi ý kiến), và họ nằm trong số những giáo sư duy nhất của Đại học Chicago biết về viện này trước khi nó được khánh thành.

Về sau, vào năm 2010, sau khi tin tức về thỏa thuận này được công bố, 174 giáo sư Đại học Chicago ký đơn phản đối việc giới quản lý của trường đã dại dột chấp nhận cho mở Viện Khổng Tử mà không được sự đồng ý của ban quản trị có quyền đại diện cho họ. Theo Dali Yang, ủy ban điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á đã bàn bạc về Viện Khổng Tử trong năm trước khi viện này được thành lập, nhưng ít nhất một ủy viên trong ủy ban nhỏ này – Bruce Cumings, nhà sử học nổi tiếng chuyên về Triều Tiên – mãi đến sáu tháng sau khi thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh mới biết về sự tồn tại của Viện Khổng Tử. (Theo Foss, ủy ban điều hành của trung tâm này rất ít hội họp, thậm chí chưa đến một lần mỗi năm.) Ngoài ra, chỉ có một lần tham khảo ý kiến khác; đó là một cuộc họp vào lúc rất trễ trong ngày với một “nhóm công tác nhỏ gồm các giáo sư, các trưởng khoa và các nhà quản lý”. Tháng 9/20009, đề án mở Viện Khổng Tử được nộp cho Hán Biện. Ngày 29/9/2009, thỏa thuận thành lập Viện Khổng Tử được một hiệu phó của Đại học Chicago và giám đốc điều hành của tổng bộ Hán Biện ký. Ngày 1/6/2010, viện chính thức mở cửa trong buổi lễ linh đình có mặt hiệu trưởng Đại học Chicago và các quan chức Hán Biện.

* * *

Trong những nhượng bộ của Hán Biện đối với Chicago có việc loại bỏ khỏi thỏa thuận Viện Khổng Tử điều khoản giữ bí mật. Hình như chẳng cần điều khoản như vậy, vì Viện Khổng Tử vẫn còn bí ẩn về những khía cạnh quan trọng đối với chủ tịch hội đồng giáo sư giám sát hoạt động của viện. Hội đồng này do Martha Roth, trưởng khoa nhân văn, đứng đầu và gồm có hai giáo sư Chicago khác và hai ủy viên do Đại học Nhân Dân bổ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Roth nói bà không biết về các điều khoản của hiến chương và quy chế về các Viện Khổng Tử: “Tôi không nhớ là có xem nó.” Bà cũng không nhớ các điều khoản của thỏa thuận mà trường đại học này đã ký với Hán Biện. Bà nghĩ (sai) rằng Hán Biện “chịu sự quản lý và hỗ trợ của Bộ Giáo dục” – một cảm nhận mà Hán Biện chính thức truyền đạt trong các văn bản bằng tiếng Anh với từ “trực thuộc” (affiliation) Bộ Giáo dục, thay vì hội đồng các quan chức chính phủ mà thực ra Hán Biện phải báo cáo lên. Khi được hỏi về yêu cầu bắt buộc nộp đề án nghiên cứu cho Bắc Kinh để xét duyệt và cấp kinh phí, bà Roth cảm thấy thủ tục này không có gì đáng phản đối, so sánh nó với tập quán nộp đề án lên Bộ Giáo dục Mỹ. Bà cũng chẳng quan ngại về những vấn đề đã phát sinh với các Viện Khổng Tử ở các trường đại học khác, tỏ vẻ hài lòng là Đại học Chicago tuân theo những nguyên tắc của chính mình về tự do học thuật. Khi được yêu cầu bình luận về các điều khoản quy định về Viện Khổng Tử trong hiến chương và quy chế Hán Biện và thỏa thuận [thành lập viện], bà Roth trả lời rằng những câu hỏi như vậy “tốt nhất là chuyển sang phòng pháp lý” của trường.

Tuy nhiên bà Roth khẳng định rằng Bắc Kinh không cung cấp giáo viên Hán ngữ cho Chicago, và không trả lương và vé máy bay cho họ, như quy định trong các văn bản chính thức này. Bà nói người ta cứ nghĩ Hán Biện đã làm vậy cách đây vài năm, nhưng “chuyện đó chẳng hề diễn ra. Bà nói: “Điều này thật chẳng may vì chúng tôi cần nhiều lớp dạy Hán ngữ hơn.” Có lẽ có sai nhầm hiển nhiên này là do các giáo viên do Hán Biện cung cấp dạy các lớp trong chương trình cử nhân chính khóa, chứ không phải trong chương trình giảng dạy của chính Viện Khổng Tử. Từ năm 2006 Hán Biện đã cung cấp ít nhất hai giảng viên Hán ngữ cho Đại học Chicago, ngay cả trước khi có thỏa thuận chính thức; từ khi thỏa thuận được ký, việc cung cấp tiếp tục theo các điều khoản của thỏa thuận. Như đã nói ở trên, đề án của chính Chicago về mở Viện Khổng Tử có một phần quan trọng về giảng dạy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngộ nhận về cách chọn lựa giáo viên.

Nhắc đến một nhượng bộ khác đối với Chicago, cả Dali Yang và Ted Foss đều nói rằng trường đại học này kiểm soát phần lớn việc tuyển dụng giáo viên ngôn ngữ từ Trung Quốc. Theo lời của ông Yang, “Trường tham gia trọn vẹn vào quá trình tuyển dụng giáo viên Trung Quốc, chứ không chỉ có quyền từ chối.” Ông Foss nói, “Chúng tôi kiểm soát việc ai được cử sang.” Tuy nhiên, giám đốc chương trình Hán ngữ tại đại học này, người tuyển dụng các giáo viên Hán ngữ, lại có ý kiến khác về quy trình này. Bà nói rằng theo bà biết, tất cả các giáo viên Hán ngữ có thể dự tuyển cho công việc này, nhưng họ phải có bằng cao học về Hán ngữ và đã dạy sinh viên nước ngoài tại trường đại học của họ. “Sau đó họ cần phải làm một số bài kiểm tra, ví dụ như kiểm tra tiếng Anh và tâm lý. Nếu được Hán Biện chọn, họ cần phải dự một một buổi tập huấn. Họ nói họ học những vấn đề như nghệ thuật dân gian.” Khi được hỏi về vai trò của Đại học Chicago trong việc chọn giáo viên, vị giám đốc, lúc đó đang ở Bắc Kinh, đáp: “Chúng tôi không chọn. Họ giới thiệu, và chúng tôi chấp nhận.” Sáu tuần sau, khi được liên hệ trở lại ở Chicago, bà nói trường đại học này có thể từ chối người được Hán Biện giới thiệu khi duyệt lý lịch của ứng viên, và Hán Biện khi đó sẽ giới thiệu một giáo viên khác, nhưng điều đó không xảy ra. Dù gì đi nữa, vì Hán Biện hoạt động theo luật pháp Trung Quốc – chẳng hạn các luật quy định Pháp Luân Công là tổ chức tội phạm – Đại học Chicago, dùng có vô tình đến đâu đi nữa, có nguy cơ phạm phải lối tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử đã khiến Đại học McMaster bị kiện ra tòa nhân quyền. Đại học Chicago có thể càng có nguy cơ cao hơn vì trường trả cho các giáo viên do Hán Biện một khoản phụ cấp bổ sung cho mức lương Trung Quốc của họ.

Sai sót này dường như càng nghiêm trọng hơn vì không chỉ những người trực tiếp giám sát Viện Khổng Tử mà cả các cấp quản lý cao hơn cũng lãng quên về viện này. Ngày 4/6/2010, ba ngày sau khi Viện Khổng Tử của Đại học Chicago được khai trương trọng thể, hiệu trưởng và hiệu phó có cuộc họp với các đại diện của một tổ chức tự lập của các giáo sư gọi là CORES, và thảo luận về Viện Khổng Tử. CORES đã tổ chức lấy được chữ ký của 174 giáo sư phản đối điều mà họ gọi là “việc công ty hóa” trường đại học này, mà ví dụ điển hình là Viện Khổng Tử và Viện Milton Friedman. Biên bản của cuộc họp này được phát cho tất cả mọi người tham dự, mà không chỉnh sửa gì về bất cứ nội dung nào. Biên bản này cho biết hai học giả uy tín về Đông Á, Bruce Cumings và Norma Field, đã phản đối đặc trưng chính trị của Viện Khổng Tử, vai trò của viện trong việc quyết định chủ đề nào về Trung Quốc được dạy ở Đại học Chicago, và cách “họ và các giáo sư khác chuyên về Đông Á đã bị loại ra khỏi các cuộc thảo luận và quá trình ra quyết định.” Đâu phải chỉ có mình họ: biên bản cũng ghi nhận rằng hiệu trưởng Robert Zimmer và hiệu phó Thomas Rosenbaum “thừa nhận họ thiếu thông tin về vấn đề này và tỏ ra bối rối và hối tiếc vì chuyện này đã xảy ra.”

Vậy thì điều gì khiến hiệu trưởng Zimmer không cắt đứt quan hệ của Đại học Chicago với Viện Khổng Tử, hay khiến Columbia và Trường Kinh tế London không hành xử tương tự? Những trường tiếng tăm đã thành lậpViện Khổng Tử nên đi đầu trong việc chia tay với Viện Khổng Tử, nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan lớn hơn các lợi ích cụ thể của chính họ: khi mở Viện Khổng Tử, họ can dự vào các nỗ lực chính trị và tuyên truyền của một chính phủ nước ngoài theo cách mâu thuẫn với các giá trị tự do tìm tòi học hỏi và an sinh của con người mà họ đã cam kết tuân theo. Không chỉ đơn thuần là các tổ chức cục bộ, mỗi một trường đại học cũng là công cuộc toàn cầu: lý tưởng phổ quát về tự do tìm tòi học hỏi vì lợi ích của toàn nhân loại là nền tảng xây dựng các trường đại học, và lý tưởng đó đúng ra phải khiến họ ở một tầm cao hơn mà Viện Khổng Tử không thể sánh ngang được. Đã đến lúc Đại học Chicago hành xử cho xứng đáng với phương châm của mình, Crescat scientia; vita excolatur. Hãy để tri thức ngày càng sinh sôi, để nhân sinh phồn thịnh.

HẾT

Nguồn: Marshall Sahlins, China U., The Nation, 18/11/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

http://phamvuluaha.wordpress.com/2013/11/19/vkt-1/

Comments are closed.