Người Ðức và cuộc cách mạng

Klaus Wiegerefe, Florian Altenhöner, Georg Bönisch, Heiko Buschke, Qladimir Pyljow, Anika Zeller

Dũng Vũ dịch

Trước Cách mạng Tháng 10, người Ðức đã đóng một vai trò quan trọng ở Nga. Cuộc đảo chính của Cộng Sản đã không thể caó nếu không có một liên minh bí mật của hai kẻ tử thù ý thức hệ: Ðế chế Đức của Hoàng đế Wilhelm và chủ nghĩa Bolschewik của Lenin.

Lenin và Hoàng đế

Hai kẻ tử thù ý thức hệ đã liên kết với nhau từ năm 1914 vì một mối quan tâm chung: chấm dứt thế chiến ở phía Ðông.

Có những tài liệu trước nay chưa được biết tới, bây giờ đã phơi bày mức độ hợp tác bí mật: Nhiều năm trời, đế chế Ðức đã giúp Bolschewik tiền bạc, vũ khí và tiếp vận.

clip_image002[6]

Lenin (trái): Nhà cách mạng giả trang một nông dân, với tóc giả, không để râu, trên đường đào tẩu tới Phần Lan, tháng 7 năm 1917. Hoàng đế Wilhelm II (phải) trong quân phục, tranh sơn dầu của họa sĩ Vilma Parlaghy, 1985. Nguồn: Spiegel 2007.

oOo

Ngày 04.11.1918, một câu chuyện bí mật về Thế chiến thứ Nhất được giấu kín đã chấm hết bằng một trò hề.

Thừa lệnh cấp trên, cảnh sát Berlin đã chuyển lậu truyền đơn cách mạng giấu trong hành lý ngoại giao đoàn Xô-viết. Khi viên phát thư trong nhà ga Friedrichstrasse muốn gọi thang máy để chuyển đống đồ trang thiết bị đi, thì một thúng đồ ngụy trang bị bể ra. Một đống tài liệu tuyên truyền với lời lẽ như “đập chết bọn công tử” đã rơi ra khắp thềm ga.

Ngay sau đó, đại sứ Mạc Tư Khoa Adorf Abramowitsch Joffe đã có mặt tại Bộ Ngoại giao để phản đối sự khiêu khích được dàn dựng. Nhưng vô ích, thư ký nhà nước Bộ Ngoại giao – tên gọi ngày xưa của bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ðức – đã lạnh lùng tỏ lời cùng Joffe rằng chậm nhất tối mai, ông và các cộng sự viên của ông phải rời khỏi Ðức. Xô-viết đã như bị sét đánh, theo lời mô tả của một nhân viên.

Hai ngày sau, dinh thự “Dưới gốc sồi (Unter den Linden)” của Cộng hòa Liên bang Xô-viết Xã hội Chủ nghĩa Nga – tiền thân của Liên bang Xô-viết – bị đóng cửa.

Dư luận quốc tế ít ngạc nhiên về sự sứt mẻ quan hệ ngoại giao ấy.

Kể từ sau Cách mạng Tháng 10 năm trước, Wladimir Iljitsch Uljanow, tức Lenin, đã cai trị nước Nga. Nhà lãnh đạo cấp tiến Bolschewik chẳng để ai ngờ vực, mình sẽ tiến hành cuộc cách mạng thế giới, và qua đó đã tính chuyện truất ngôi hoàng đế Wilhelm II (Đức).

Chuyện này – dĩ nhiên chỉ có người trong cuộc mới rõ đầu đuôi – đã âm thầm chấm dứt cùng sự đổ vỡ quan hệ của một liên minh chiến lược chính trị lạ lùng nhất trong thế kỷ 20: một bên, dân cách mạng Nga dưới trướng Lenin, một bên, dân đế quốc Ðức dưới trướng Wilhelm thuộc dòng dõi Hohenzollern.

Ðó là tình đồng bọn của những kẻ tử thù ý thức hệ đầy xảo quyệt và mưu kế tinh vi. Và, cái hậu quả đầy ý nghĩa lịch sử thế giới là: Giả như không có sự giúp đỡ của Hoàng đế Wilhelm II dành cho Lenin, thì đã không có cuộc Cách mạng Tháng 10 cách đây 90 năm về trước.

Còn nữa: Giả như không có sự giúp đỡ của Ðức, đảng Bolschewik của Lenin đã không làm chủ nổi chính quyền trong năm đầu. Và giả như không có Liên Xô, không có sự lên ngôi của chủ nghĩa Cộng Sản, thì đã không có hàng triệu cái chết Gulag.

clip_image005[6]

Sa hoàng NikolaiII Romanow. Nguồn: Spiegel

Hai đồng minh thiếu linh thiêng Ðức-Nga đã bị kẻ thù chung trói chặt bằng cái phương châm cũ rích của chính sách thực dụng: “Kẻ thù của kẻ thù chúng ta là bạn chúng ta”. Một thứ logic thoải mái thường dùng để che giấu sự lỡ trớn của mình, chẳng hạn, trong Thế chiến thứ Nhất: Giả như Ðức xét lại mục tiêu chiến tranh hết sức điên rồ của mình, thì việc làm của Lenin đã không cần thiết.

Nhưng vương quốc Ðức đã xúi giục nhóm lãnh đạo Bolschewik chống lại Sa hoàng Nikolai II Romanow đang đứng về phe đồng minh Anh-Pháp. Cuối cùng Romanow phải ngăn cản một thỏa hiệp hòa bình với Ðức lẫn mưu đồ giành chính quyền của Lenin.

Suốt bốn năm trời, Berlin đã giúp đỡ đảng Bolschewik và nhiều nhà cách mạng khác tại Nga tiền bạc, đạn dược, súng ống, và coi như cũng góp phần kết liễu triều đại Sa hoàng. Tính đến cuối năm 1917, Bộ Ngoại giao đã dành ít nhất 26 triệu Mark (khoảng 75 triệu Euro ngày nay) cho mục đích này.

Cuối cùng Sa hoàng Nikolai bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Tháng 2.1917; Lenin phải sống lưu vong bên Thụy Sĩ. Nhưng nhà chức trách Ðức đã tạo điều kiện cho ông trở về quê hương giữa mùa khói lửa thế chiến.

Ngày 17.04.1917, trưởng ban tình báo Ðức tại Stockholm (Thụy Ðiển) đánh điện tín về bộ tổng tham mưu Berlin: “Lenin đã vào Nga may mắn. Ông làm việc tùy ý”. Công tác tiếp theo là chống chính phủ lâm thời đang nắm quyền tại Petrograd.

Nửa năm sau, Lenin cướp được chính quyền bằng cuộc Cách mạng Tháng 10 và cũng nhờ Ðức giúp đỡ.

Ít lâu sau, nhà nước Xô-viết mới thành lập đã ký hiệp ước hòa bình với Ðức và nhượng bộ một vùng ảnh hưởng khổng lồ tại Ðông Âu. Sứ mạng hoàn tất, ít nhất là bước đầu.

Wilhelm còn mơ ước một “loại quan hệ đồng minh hay tình hữu nghị” cùng nhau chống phương Tây giống như Stalin và Hittler 20 năm sau.

Thực ra bên này muốn bên kia bước lên giá treo cổ, nhưng hai kẻ đồng minh không bao giờ quên điều thỏa hiệp.

Hậu quả nghịch lý là: Nhân vật Lenin được hoàng đế Ðức tài trợ, đã giúp các đồng chí Ðức của mình chuẩn bị cách mạng lật đổ nền quân chủ Ðức. Ngược lại, Wilhelm II, trong nội chiến Nga, không những chỉ giúp Bolschewik, mà còn cả phe thù nghịch Bolschewik.

Hôm nay, cái liên minh đầy tính lịch sử thế giới giữa lưỡi liềm và vương miện gần như đã bị lãng quên.

Dù rằng trong những thập niên qua, có nhiều khảo cứu xuất sắc về đề tài này đã được công bố, thế nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời, đặc biệt là mức độ trợ giúp của Ðức dành cho Bolschewik. Bởi trong Bộ Ngoại giao có nhiều hóa đơn chi tiền đã bị tiêu hủy sau khi làm kế toán. Nhiều cái chỉ có thể xác minh bằng con đường gián tiếp, và vì thế phải đi tìm ở những nơi đặc biệt.

clip_image009[6]

Một đoạn điện tín của ban lãnh đạo tình báo Đức tại Stockholm đã báo cáo bộ tổng tham mưu Đức tại Berlin đầu năm 1917 sự thành công của mật vụ. Nguồn: Spiegel 2007

Báo Spiegel đã làm chuyện đó, và, qua nhiều lần truy tầm đã chạm tới hơn một chục hồ sơ lưu trữ khắp châu Âu, cho tới nay vẫn chưa được biết tới hoặc chưa được đánh giá: Các phân tích, tài liệu của cơ quan an ninh Thụy Ðiển, Thụy Sĩ, Anh, các hồ sơ của cảnh sát Phổ, các ghi chú trong thư khố của Bộ Ngoại giao và của Nga. Những chi tiết tìm thấy có thể tiếp tục sọi sáng thế giới bóng tối mà dân ngoại giao vương quốc Ðức đã từng đặt chân đến, soạn bài cho cách mạng Nga.

Mọi sự đã khởi đầu từ sự bùng nổ Thế chiến thứ Nhất vào mùa hè năm 1914. Dẫu đại đế Wilhelm II và Sa hoàng Nikolai II là anh em họ nhưng đế quốc của hai người thuộc hai khối khác nhau. Một bên là khối Trung cường (còn gọi là khối trung tâm) gồm Áo, Hung và Ðức, một bên là khối Entente gồm Cộng hòa Pháp, vương quốc Anh quân chủ lập hiến và nước Nga chuyên chính. Cái liên minh lạ lùng ấy đã cùng nhau lo sợ trước một bá quyền Ðức ở Âu Châu.

Từ từ sẽ rõ cuộc chiến này khác hẳn mọi cuộc chiến khác. Hàng triệu lính bộ binh đụng độ nhau; lần đầu tiên, tướng lãnh đã móc toàn sức mạnh vũ khí công nghiệp ra để giết người. Lần này thiếu hẳn lằn ranh cổ điển chia cách tiền tuyến và hậu phương. Chẳng lạ gì, những chiến lược không chỉ nhằm thắng quân thù trong chiến hào mà còn muốn làm suy yếu nó từ trong ra ngoài. Như bộ trưởng bộ tư lệnh Ðức Helmuth von Moltke đã đề ra: Vận dụng “mọi phương tiện thích hợp để làm tổn hại đối phương” là nghĩa vụ.

Bộ ngân khố quốc gia, tên cũ của bộ tài chính, đã chi hàng trăm triệu Mark cho dân Marok, Ấn Ðộ và các dân tộc thuộc địa khác nổi dậy chống Paris và London; còn phía Anh-Pháp thì cho gây rối loạn trong lãnh thổ Habsburger (Áo-Hung) và đế quốc Osmanis (Thổ).

Một nước Sa hoàng lạc hậu cũng đưa ra tiền đề “làm tan nát xứ sở kẻ thù từ bên trong” (Thủ tướng Theobald von Bethmann Hollweg). Trước cuộc chiến, nạn đói thường xuyên tái diễn khiến nhà nông phải cầm súng. Ở thành phố Nga, đời sống người dân thật khốn cùng. Chính sách “Làm việc mỗi tuần 79 tiếng” được cho là một tiến bộ. Năm 1905 một cuộc cách mạng đã nổ ra và Sa hoàng đã cho đàn áp một cách đẫm máu.

Ðế quốc đa dân tộc Sa hoàng tiếp tục sôi sục với hơn 100 sắc dân chính và thiểu số. Dân Ba Lan, Ukraine, Estland, Phần Lan hoặc dân thiểu số khác mơ ước một quốc gia tự trị mà chỉ có dân Ðức mới được quyền.

Wilhelm II theo chiến lược “vỏ cam”: Cái vỏ của loại cây trái miền Nam phải được lột thế nào để tách vùng dân ngoại Nga giáp với vùng dân Nga ở. Kế tiếp ông sẽ đặt các nước mới thành lập dưới quyền bảo hộ của Ðức: Một bước trên đường tiến lên cường quốc.

clip_image011[6]

Biểu dương lực lượng. Dưới những khẩu hiệu Cộng hòa, một cuộc biểu tình của dân Petrograd đã diễn ra vào tháng 2 năm 1917. Đa số vẫn tin rằng, chính phủ lâm thời, nhóm vừa giải thể Sa hoàng, sẽ đại diện cho quyền lợi của người dân. Nguồn: David Kino Collection, Spiegel 2007.

Thế rồi khi chiến tranh bùng nổ, một trận mưa ơn nghĩa bạc tiền đổ ập lên đầu vô số kẻ mạo hiểm chính trị đã kéo nhau ghi danh nơi người Ðức. Mọi đối thủ thật giả của Sa hoàng đều khoe rằng mình có thể xúi giục thủy thủ Nga nổi loạn trên hạm đội Hắc hải, hoặc kêu gọi nổi dậy, chẳng hạn ở Ukraine, hoặc kích động quấy rối trật tự.

Một cơ hội béo bở như vậy cũng dành cho dân phét lác. Ðối với một “cuộc cách mạng chung chung chống Nga”, Bộ Ngoại giao đã chi cho hai người đàn ông dường như có tầm “ảnh hưởng mạnh” một số vàng trị giá 50.000 Mark vào tháng 9.1914, và hứa trả thêm 2 triệu Mark tiền mặt nếu cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Ðến hôm nay không rõ, ai đã nhận tiền. Thậm chí về sau tiền thưởng càng tăng. Dân ngoại giao và điệp viên Ðức đã bỏ ra hàng triệu bạc chỉ cho một cuộc nổi loạn duy nhất trong một tỉnh đế quốc Sa hoàng.

Rồi mọi việc đã trở nên khẩn cấp cho Wilhelm II và cận thần của ông ta: Các tướng quân của ông đã tính tới một trận thắng chớp nhoáng tại mặt trận phía Tây để tiết kiệm cho mình một chiến trường hai chiến tuyến. Khi mộng thắng Pháp không thành, ông hoàng và bộ trưởng của ông đã cố tạo thêm rối loạn cho Sa hoàng; nhưng chuyện lật đổ nền quân chủ Nga đã không nằm trong kế hoạch.

Một sự kiện khác đã xảy ra có lẽ chỉ tình cờ, rằng chiến lược cách mạng của Ðức vào mùa Thu 1914 đã chú ý tới nhà cách mạng chuyên nghiệp (và luật sư) Lenin.

Người đàn ông tướng thấp có viền tóc đỏ trên đầu hói chủ yếu sống lưu vong ở Tây Âu kể từ đầu thế kỷ. Khi chiến tranh bùng nổ, ông ta rời bỏ Áo tản cư về Bern, trung tâm Thụy Sĩ.

Lenin, một nhân vật Marxist miệng lưỡi và hiểu biết rộng, từng đứng đầu nhóm cực tả – gọi là Bolschewik (nhóm đa số) – để tự an ủi với độ lớn của mình. Ai cũng biết trong quốc hội Nga thời đó, số dân biểu nhóm này chỉ đầy một bàn tay, nhưng điều đó không làm Lenin bận tâm. Ông ta không muốn nắm chính quyền bằng bầu cử mà bằng cách mạng.

Nhờ coi mọi thứ nhẹ hơn mục tiêu ấy, Lenin đã trở nên hấp dẫn đối với người Ðức. Nhưng đặc biệt là, trái với những nhà xã hội khác, Lenin không để bị lây nhiễm cái nhiệt cuồng dân tộc đã xâm chiếm lòng người khắp nơi trong mùa hè 1914. Ông đánh trống nhiều hơn trước sự thất bại của Sa hoàng Romanow, và tưởng rằng sau sự sụp đổ Nikolai II, một phong trào cách mạng thế giới (mà ông không muốn nhúng tay vào) sẽ tự động nổ máy.

Tin tức về Lenin bắt nguồn từ Alexander Kesküla, cựu thành viên Bolschewik gốc Estland, một trong những nhân vật xôi đậu nửa cách mạng Nga, nửa Ðức.

Kesküla đề nghị sứ giả Ðức ở Bern để ông làm công tác tuyên truyền cho hoàng đế. Ông hy vọng người Ðức sẽ tạo cầu nối đất nước Estland đang bị Nga đô hộ với Thụy Ðiển.

Nhưng nay theo sự tìm hiểu của Spiegel, nhận xét của Kesküla về Lenin cũng lạng quạng. Lúc thì than phiền Lenin làm quá ít cho cách mạng tại đế quốc Sa hoàng, lúc thì đánh trống kêu gọi “nhảy ngay vào con đường Lenin đã vạch ra cho nước Nga” và ca ngợi Bolschewik trước mặt giới ngoại giao Ðức, rằng họ đã hưởng được sự kính trọng lớn nhất của các nhà cách mạng tại Petrograd và Mạc Tư Khoa. Lúc thì Lenin “bất lương”, sở hữu một “năng lực tàn nhẫn nhất, thô lậu nhất”.

Sau này khi hiểu ra, người Ðức đang đeo đuổi một mục đích riêng tại vùng Baltikum, Kesküla mới ngả qua phe Entente và cảnh báo họ phải coi chừng Lenin cũng với lập luận giống vậy, như tài tiệu mật của Anh tiết lộ.

Kesküla đã nhận tổng cộng 250.000 Mark cho công tác của mình, và chỉ chi một phần nhỏ – chứng minh được – cho nhóm Bolschewik.

Theo tài liệu Ðức, Berlin có lý do không dùng Kesküla để hậu thuẫn Lenin trên bình diện rộng, mặc dầu trong quá khứ ông ta là một bộ não lý thuyết của phe Bolschewik. Ðể hậu thuẫn cuộc cách mạng, người Ðức cần một chuyên gia tầm cỡ khác. Tháng giêng 1915, có người nhận công tác ấy: Alexander Helphand, một trong những nhân vật mạo hiểm chính trị nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.

Người đàn ông với cái đầu đầy năng lực và tướng người nô lệ ngờ nghệch, chân hơi cụt (theo Biograf Winfried Scharlau) sống vào thời chiến tranh vừa bùng nổ, là một thương gia trung lưu của vùng Konstantinopel, đã trở nên giàu có nhờ công lao chuẩn bị chiến tranh cho đế quốc Osman (Thổ). Quốc vương Hồi giáo này vừa mới gia nhập khối Trung cường vào tháng 11.1914.

Quá khứ của Helphand là tiếng nói cho cái phẩm chất cách mạng dân xã hội sa lông.

Từ thời niên thiếu, chàng trai Do Thái ra đời tại Minsk năm 1867 đã kê toa lật đổ Sa hoàng vì chế độ đó đã đàn áp tín đồ Do Thái giáo.

Helphand tìm đến chủ nghĩa Marx tại Thụy Sĩ từ thời còn trong đại học giống như nhiều người khác thuộc thành phần đối lập cùng thế hệ mình.

Năm 1891 ông sang Ðức định cư rồi gia nhập đảng SPD, một đảng chính trị được giới xã hội khắp thế giới yêu mến – ngôn ngữ chung của dân cách mạng là tiếng Ðức.

Với những bài viết cấp tiến, ngôn từ mạnh mẽ, Helphand đã nhanh chóng tạo sự chú ý và nổi tiếng thêm như thể mình có thể trở thành một Karl Marx thứ hai.

Vì cái tướng bệ phệ đáng kể, thiên hạ đã chế giễu gọi ông là Parvus (thằng nhóc).

Những cuộc truy nã chính trị khốc liệt của cảnh sát Ðức đã đẩy ông vào một cuộc sống rày đây mai đó, từng bị trục xuất ra khỏi nhiều tiểu bang, như tài liệu mật của cảnh sát Phổ trong thư khố tiểu bang của Berlin chứng minh.

Ðầu thế kỷ, tại München, lần đầu tiên Helphand gặp chàng trai Lenin nhỏ hơn mình 3 tuổi. Lenin quen với Rosa Luxemburg, bạn học của Helphand, cũng ở chung nhà. Nhà này thỉnh thoảng cũng là nơi đặt máy in báo đảng do Lenin phát hành.

Tuy nhiên viễn tưởng của Lenin về một chính đảng nòng cốt được tổ chức nghiêm ngặt từ những nhà cách mạng chuyên nghiệp có tài thuyết giảng đối với Helphand suốt đời vẫn là điều xa lạ. Ông muốn làm việc chung với Leo Bronstein (Trotzki) hơn, một con người có biệt tài tổ chức và sau này đã trở thành “người cha chiến thắng” của đảng Bolschewik trong cuộc nội chiến Nga. Trotzki học được của Helphand một điều: Việc cướp chính quyền của giai cấp vô sản không phải là “mục tiêu cuối cùng mang tính thiên văn học” mà là một “nhiệm vụ thực tiễn trong thời đại chúng ta”.

Vào năm 1905 tại nước Nga, lúc cuộc cách mạng nổ ra, hai người trở về quê hương; Trotzki đặt mình vào hàng ngũ lãnh đạo Xô-viết Petrograd; Helphand đảm nhận một phần báo chí. Ông muốn cuộc cách mạng vô sản ở Nga đóng vai trò tiên phong để tăng cường sức lực cách mạng của giai cấp vô sản tại phương Tây. Ngày đó trên toàn nước Nga mênh mông chỉ có chừng 2 triệu công nhân nhà máy.

clip_image014[6]

Kẻ mạo hiểm người Đức Helphand (trái) và nhà cách mạng Nga Trotzky. Nguồn: Spiegel

Có một bức ảnh Helphand chụp chung với Trozki trong nhà tù thành Peter & Paul tại Petrograd, nơi cả hai bị giam cầm sau cuộc nổi dậy thất bại. Sau đó, Helphand bị lưu đày nơi vùng Tây Bá Lợi Á, nhưng trốn thoát rồi lại xuất hiện ở Ðức vào giữa mùa Ðông 1906-1907.

Trong đảng SPD, Helphand chẳng bao giờ có nhiều bạn bè.

Những đồng chí Ðức cảm thấy phiền về quan điểm cực đoan của ông, khuyết điểm đối với phụ nữ cũng như đối xử không tốt với con cái mình, lận tiền nuôi con.

Khi ông phải hiện diện trước một vụ xử của Đảng, vì bị nhà văn Maxim Groki trách móc ông biển thủ số tiền lời trả thêm cho tác giả, ông bèn bỏ Ðức trốn sang Konstantinopel. Ở đó ông nghiên cứu về “chế độ đa thê từ những người thành thạo nhất”, như các đồng chí của ông đã chế nhạo vậy.

Sự căm thù của Helphand đối với đế quốc Sa hoàng trong những năm sống lưu vong tại Bosporus (eo biển ở Istanbul, Thổ) hẳn là lớn lắm, bởi mặc dù ở Ðức, ông không được cử làm đại sứ, nhưng lúc chiến tranh bùng nổ vào năm 1914, ông vẫn đứng về khối Trung cường.

Helphand đã đề nghị đại sứ Ðức tại Konstantinopel thành lập một liên minh chiến lược: “Vì lợi ích nhà cầm quyền Ðức đồng nhất với lợi ích những nhà cách mạng Nga”. Ngay sau đó đại sứ Ðức đã mở cửa cho Helphand bước vào Bộ Ngoại giao Berlin.

Không ai rõ quá trình đàm phán cuối tháng 2.1915 thế nào, nhưng chắc chắn một kế hoạch lật đổ Sa hoàng bằng sự đình công rộng rãi đã được soạn ra dày đến 23 trang và được chuyên gia cách mạng Helphand thuyết trình tại đường Wilhelm.

Hephand đã tính toán gần như tất cả: Tuyên truyền giới công nhân ở những vùng kỹ nghệ, liên kết với ủy ban đình công có thế lực, kích động dân tộc thiểu số. Ông muốn cho phá nổ những cây cầu quan trọng và phóng hỏa các mỏ dầu ở Baku, phóng thích tù chính trị ở Tây Bá Lợi Á, cho in truyền đơn, bản tin tại ngoại quốc rồi chuyển về Nga. Helphand còn yêu cầu những “hướng dẫn dễ hiểu về sử dụng chất nổ”.

Bản tường trình chấm dứt với một bảng liệt kê nhiều việc làm quan trọng nhất; đứng đầu là “ủng hộ tài chính cho chính đảng Dân chủ Xã hội Nga” (tức Bolschewik), …, đến thăm người lãnh đạo (tức Lenin) tại Thụy Sĩ.

Chỉ vài tuần sau, Helphand nhận được số chất nổ theo yêu cầu, một sổ thông hành cảnh sát Ðức để tiện đi lại và rất nhiều tiền: 1 triệu Mark.

Trong trung ương chính phủ hình như không ai nghĩ chuyện lật đổ Sa hoàng có thể gây tác dụng ngược tới chế độ quân chủ Ðức mà sự dân chủ hóa của nó đã quá muộn màng. Nếu một khi người ta đã chứng tỏ mình sẽ chiến thắng trong thế chiến, theo nhận định của sứ giả Graf Ulrich von Brockdorff-Rantzau tại Kopenhagen với cái nhìn về giới công nhân, thì người ta đã có thể “mời những phần tử như vậy cùng hợp tác để truất phế Sa hoàng”, những người ấy cho đến nay vẫn đứng bên ngoài. Lenin được xem như một lựa chọn.

Brockdorff-Rantzau là một nhân vật thuộc dòng dõi quý tộc cũ, sau này trở thành bộ trưởng Ngoại giao Cộng Hòa Weimar.

Cuối tháng 5.1915, Helphand gặp Lenin tại Bern. Ông xuất hiện trong một quán ăn Nga, chỗ dân Bolschewik cũng thường lui tới. Ông cho người dẫn Lenin tới bàn mình. Sau đó hai người cùng đi về nhà Lenin. Cả hai đã trò chuyện riêng và hình như có điều gì không hợp ý.

Helphand bảo, ông đã đốc thúc Lenin đẩy mạnh cuộc cách mạng Nga nhưng Lenin lại “mơ ước phát hànnh một tờ báo Cộng Sản và tin rằng nhờ vậy có thể lôi kéo tầng lớp vô sản Âu châu từ hầm ẩn trú vào cuộc cách mạng ngay tức khắc”.

Ngược lại, Lenin muốn chửi người khách xã hội sô-vanh Ðức ngạo mạn, và tống cổ hắn ra khỏi cửa với “cái đuôi kẹp giữa hai chân”.

Nhưng có đúng vậy không ?

Nhân vật Bolschewik (Lenin) kia có lý do để cắt đứt liên lạc với Helphand.

Trong nhóm đồng chí, Helphand bị xem là phần tử cơ hội và lừa đảo; Roxa Luxemburg đã dứt tình bạn với ông ta; cả Trotzki cũng vậy. Thiên hạ đồn, Helphand là một điệp viên Ðức, và nghi vấn này không một chính khách Nga nào cho phép.

clip_image017[6]

Nhà cách mạng chuyên nghiệp Lenin dính liền với tù tội. Tấm ảnh cho thấy năm 1914 ông ta được phóng thích khỏi nhà tù Áo. Hành lý của ông (dưới) ngày nay là báu vật của viện bảo tàng. Ở đây gồm áo Mantel, nón và cặp táp tại cuộc triểm lãm Mạc Tư Khoa 2007. Nguồn: Spiegel

Dẫu sao một ít bằng chứng đã giãi bày giùm Lenin. Sau cuộc gặp gỡ, ông vẫn sống khiêm tốn; túng quẩn luôn là đề tài viết trong thư. Còn Helphand, ngược lại, đã giải thích với người giao công tác cho mình là chính quyền Ðức chỉ giúp đỡ Lenin khi nào “cân bằng được mối quan hệ căng thẳng đang tồn tại”.

Rất có thể Helphand đã dùng một phần tiền của Bộ Ngoại giao để mua cổ phiếu thay vì chi tiêu cho cách mạng. Hồ sơ tài khoản cho phép đi đến kết luận này. Cảnh sát Thụy Sĩ đã tịch thu nó vào năm 1919.

Mặt khác, những chứng cứ ấy cho thấy, Bolschewik cũng nhận tiền của Helphand, tuy chỉ vài ngàn Frank Thụy Sĩ.

Dựa theo hồi ức, Walter Nikolai, trưởng cơ quan tình báo Ðức, viết, Lenin “đã cung cấp cho cơ quan tình báo của tôi những tin tức giá trị về tình hình … tại nước Nga Sa hoàng”.

Ðặc biệt, mạng lưới vừa được dựng nên sau cuộc gặp gỡ giữa Helphand và Lenin đã tỏ dấu hiệu ngược lại giả thuyết vô tội của Bolschewik.

Bởi lẽ, trong mạng lưới luôn luôn tìm thấy tên tuổi một nhân vật lãnh đạo cách mạng thuộc đảng Lenin. Chẳng hạn, Moissej Urizki, sau này trở thành sếp mật vụ (Tscheka) Petrograd, đã làm việc cho Helphand; cả Jakob Fürstenberg, một trong những người thân tín của Lenin, sau Cách mạng Tháng 10 giữ chức giám đốc ngân hàng nhà nước Xô-viết; hoặc vị luật sư bí ẩn Mieczyslaw Koslowski, một đồng sáng lập viên Tscheka.

Mọi người đã quen Parvus, quen nhau từ thời sống lưu vong, và thường thường có họ hàng với nhau, cho nên càng sẵn sàng trung thành và giữ kín.

Helphand đã chọn Kopenhagen, Stockholm làm địa bàn hoạt động, bởi vì trong Thế chiến thứ Nhất, Ðan Mạch và Thụy Ðiển vẫn giữ thế trung hòa; Thụy Ðiển lúc đó còn có chung biên giới với Nga. Từ vị trí này, dễ đẩy mạnh cuộc cách mạng hơn.

Tháng 8 năm 1915, một nhân viên Bộ Ngoại giao Đức phải thán phục một “tuyệt chiêu” của Helphand. Sau khi thỏa thuận với viên chức này, Helphand cho thành lập một công ty xuất cảng kiếm lợi từ sự sụp đổ của ngành thương mại Ðông Âu vì chiến tranh: “Công ty thương mại và xuất cảng A/S”. Người hùn vốn với Helphand là một thương gia Berlin đang làm thuê cho tình báo Ðức. Fürstenberg, người thân cậy của Lenin, một chuyên gia tài chính lão luyện biết nhiều thứ tiếng, rất kín đáo, đảm nhận trách nhiệm điều khiển công ty.

Ðối với giới chuyên gia cách mạng Ðức, đó không phải là lối tổ chức bất thường. Dân làm cách mạng thường che giấu tiền quyên cho đảng đằng sau những hoạt động kinh tài. Người này mua lại bằng sáng chế máy lọc nước của một đồng chí khác để người kia có thể giải thích sự giàu có đột ngột của mình rồi sử dụng nó cho các hoạt động xã hội chủ nghĩa.

Kỳ vọng lớn nhất gắn liền với hoạt động của Helphand, như sứ giả Brockdorff-Rantzau tại Kopenhagen ghi nhận: “Chiến thắng và là cái giá xứng đáng đứng đầu thế giới sẽ thuộc về chúng ta, nếu kịp thời thực hiện thành công cuộc cách mạng tại Nga và qua đó cho nổ tung cái chính phủ liên hiệp”. Lúc này Berlin không những chỉ muốn tạo áp lực với Sa hoàng bằng cách quấy rối mà còn tính đến chuyện lật đổ.

Helphand đã lập đường dây liên lạc với Hoa Kỳ, Hòa Lan, Anh và dĩ nhiên cả với Nga. Nửa hợp pháp, nửa bằng cách khai gian, buôn lậu, Helphand đã nhập cảng từ hoặc xuất cảng qua đế quốc Sa hoàng kim loại màu, hóa chất, xe hơi cũ, xe cộ dùng trong ngư nghiệp, thuốc men, bao cao su, Cognac, trứng cá, bút chì, ngũ cốc, mỡ cá voi, vân vân và vân vân.

Rồi mọi người khắp nước Nga đã tìm đến dân Bolschewik: Công ty chuyên bán chợ đen đủ thứ đồ ngoại được luật sư Koslowski cố vấn pháp luật. Cô kế toán viên phụ trách khâu chuyển doanh thu về Kopenhagen và Stockholm cùng là người họ hàng của Fürstenberg. Ngồi ở những vị trí cao trong các nhà băng chuyên chuyển ngân toàn là dân Bolschewik.

Khó tin được, Lenin đã không sử dụng mạng lưới này để chuyển tiền về Petrograd hoặc để một phần doanh thu chảy vào quỹ Đảng. Sau này người ta đã tìm thấy địa chỉ công ty Helphand trong cuốn sổ điện thoại mỏng của Lenin. Theo tài liệu điều tra của Thụy Ðiển, ông giám đốc Fürstenberg đã về Nga thường xuyên.

Ðiều chắn chắn là: Bolschewik đã cần tiền cho hoạt động cách mạng. Như một cái vết thẹo xấu xí, chiến tuyến phía Ðông hồi đó chạy dài từ vùng Baltikum xuyên qua châu Âu cho tới Ðịa Trung Hải. Dân cách mạng phải di chuyển ngót 1000 cây số từ Stockholm lên phía Bắc, tới Haparanda, một tỉnh lẻ bên biên giới Thụy Ðiển-Nga gần Bắc cực. Cái tổ chim nhàm chán ngày nay, ngày xưa, trong thời Thế chiến thứ Nhất, là cung đường cho dân buôn lậu và mật thám, một cửa mở duy nhất từ Nga dẫn ra ngoài phương Tây và là địa điểm trung chuyển chính cho hàng hóa, thông tin.

Một cây cầu gỗ được canh gác kỹ, thỉnh thoảng được nối qua giòng sông biên giới Torneälv, tàu di chuyển được, chỉ có ban ngày mới cho phép khách bộ hành qua lại. Phải hối lộ viên chức Nga, hoặc dùng giấy tờ giả, hoặc phải lừa bịp bằng cách nào đó. Thư từ của Lenin được giấu trong giầy hay trong áo ngực. Dân Bolschewik rất tin tưởng một ông thợ đóng giày ở Haparanda và nhờ gửi hàng đống tài liệu tuyên truyền. Ông này cùng đồng chí trong vùng cũng chuyển lậu sách báo qua sông vùng tam giác. Trong mùa đông, con tàu cách mạng trượt trên băng giá: “Tôi chuyển lời thăm hỏi từ Olga”, một mật mã trong hàng ngũ nội bộ. Ngoài biên giới, con đường dài 1000 cây số xuyên qua Phần Lan-Nga theo huớng Nam về Petrograd.

Sau này ban tuyên truyền Xô-viết đã ca ngợi Bolschewik là những nhà cách mạng siêu đẳng và giới quân sự lạnh lùng Tây phương cũng thích tin là thế.

Nhưng những người quan sát trung thực đã tường thuật về nạn tham ô trong nội bộ đồng chí với nhau. Truyền đơn, sách báo cần chuyển vận bị mất cắp. Một trong những người đưa thư đã tự lọc lựa ra hết những tài liệu gì ông xem là bí mật quân sự, với lý do để người thân đảng về phía Phần Lan-Nga đừng bị liên lụy.

Ðáng ngạc nhiên là mật thám Sa hoàng cũng nắm được thông tin, theo như tài liệu nhà chính luận Elisabeth Heresch đã khám phá và phổ biến với nhan đề “Tài liệu mật Parvus. Cuộc cách mạnh được mua chuộc”. Về vấn đề này, giới sử gia vẫn chưa rõ mức độ tài trợ Ðức dành cho Bolschewik để làm suy yếu Sa hoàng.

Bản thân Helphand cũng bị phản đòn. Ông thương gia phốp pháp, lúc này đã cuối 40, mắc bệnh suyễn, đã thông báo với nhà tài trợ mình rằng, tháng Giêng 1916, tức khoảng 10 năm sau ngày nổ bùng cuộc cách mạng 1905, cơn bão táp sẽ bắt đầu. Tổ chức cách mạng của ông có khả năng quy động “200.000 công nhân trong vòng 24 tiếng đồng hồ” tại Petrograd. Tiền cho một cuộc cách mạng hoàn hảo, Helphand ước tính 20 triệu Mark (khoảng 134 triệu Euro) và phải nhờ quân cảnh vệ chuyển trước qua Kopenhagen một triệu Mark tiền mặt. Ðã quá thời hạn, quân khởi nghĩa vẫn chưa động tĩnh.

Nhưng khi Sa hoàng, cuối cùng, đã thoái vị sau cuộc Cách mạng Tháng hai 1917, ông sứ giả Brockdorff-Rantzau đã tỏ lời khen ngợi “sự thành công bước đầu của Helphand”.

Tuy nhiên nỗ lực lớn nhất của Ðức nhằm chấm dứt thể chế Nikolai II không phải của mật thám mà của quân đội.

Mùa thu 1916, bộ binh Ðức tiến sâu vào lãnh thổ Sa hoàng. Hàng trăm ngàn binh lính Nga gục ngã. Dưới áp lực của chiến tranh, nền kinh tế Nga đổ sụp.

Cuối năm 1916, các xưởng sản xuất phải ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Thôn quê thiếu hẳn nông dân và ngựa. Petrograd và Mạc Tư Khoa thiếu bột mì.

Trước hết công nhân đã biểu tình; ngày 8 tháng 3, 1917, ngày phụ nữ quốc tế, hàng ngàn phụ nữ cùng tham gia, xếp hàng dài trước các cửa hàng lương thực. Sự kiện đó, theo sử gia Heiko Haumann, là “sự đột phá dẫn đến cách mạng”. Giống một đồng cỏ cháy, làn sóng phản đối đã lan tràn khắp nước. Sa hoàng bị áp lực nặng nề phải thoái vị.

Thế chỗ Sa hoàng Romanow là hai chính phủ; một bên là chính phủ lâm thời bảo thủ nắm bộ máy nhà nước, một bên là hội đồng (Xô-viết) khuynh tả Petrograd đại diện cho công nhân và binh sĩ. Trong đó người của Bolschewik lúc bấy giờ chỉ nắm vai trò phụ.

Những chủ nhân chính quyền mới đã thiết lập một chế độ tự do nhất trong lịch sử Nga: tự do liên minh, tự do hội họp, tự do báo chí. Sử gia Manfred Hildermeier đánh giá: Ðế quốc Nga đang “bước trên con đường tốt nhất tiến tới một hình thức chính phủ dân chủ”. Tuy vậy không bên nào muốn chấm dứt chiến tranh, bởi vì vẫn còn phải trả giá cho mộng bá quyền Ðức tại Ðông Âu.

clip_image020[6]

Tháng Bảy 1917, quân đội chính quyền lâm thời đã đập tan cuộc nổi dậy của một phần dân Bolschewik. Nhưng sau đó vài tháng, đa số binh sĩ lại đứng về phe họ. Nguồn: David Kino Collection Spiegel 2007.

Lenin rất ngạc nhiên về biến cố đã xảy ra. Ðầu năm 1917, người đàn ông 46 tuổi từng tuyên bố, có lẽ thế hệ của ông không còn nhìn thấy mặt mũi cách mạng. Giờ đây – sau sụp đổ của Sa hoàng – ông ngồi tù ở Thụy Sĩ, “bị bó chân như ngồi trong chai” (Helphand).

Ngày trở về băng qua Pháp hay Anh là điều không tưởng. Phe quyền lực Entente không muốn lo cho ai về Nga, hơn nữa lại là Lenin, người đòi hỏi đất nước mình phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Ngoài chuyện đó, Lenin và các đồng chí lại sợ bị tàu ngầm Ðức có thể bắn nhầm trên đường qua Bắc hải và Ðông hải. Lúc thì Lenin cân nhắc cố sức đi băng qua Ðức bằng cách giả làm một người Thụy Ðiển câm điếc, lúc thì bí mật đi máy bay ngang qua mặt trận miền Ðông. Cuối cùng ông cũng nhập chung với đoàn dân di cư khuynh tả Nga và Ba Lan. Họ đề nghị đi xe lửa xuyên qua Ðức tới Thụy Ðiển. Thật là mạo hiểm, vì nếu không có sự cho phép của nhà chức trách Ðức, Lenin và những người khác e rằng sẽ làm tổn hại thanh danh họ.

Lenin đã lên đường với 31 người gồm nhiều thành viên thuộc nhóm ly khai khuynh tả khác và thân nhân họ.

Lẽ ra cuộc khởi hành – theo quan sát của tùy viên quân sự Ðức – không nên gây chú ý nhưng lại ồn ào tại nhà ga Zürich.

Khoảng 100 người Nga đã tụ họp ở đó chửi bới ầm ĩ. Họ rống lên rằng cả đoàn lữ hành là “bọn khiêu khích, mật thám Ðức”, hoặc “người ta sẽ treo cổ bọn mày, “lũ bài khích người Do Thái”. Một thanh niên Nga cứ nhào ra, hô lớn “bọn khiêu khích, bọn rách rưới, bọn súc vật”. Nhưng khi đoàn tàu chuyển bánh, một nhóm thân đảng Lenin đứng bên thềm ga đã đồng thanh hát bài “Quốc tế ca”.

Băng qua Berlin, con đường dẫn đến Sassnitz (Rügen), nơi phà đi Trellborg, một hải cảng Thụy Ðiển, đã đậu sẵn. Cuộc hành trình tới đảo Ðông Hải kéo dài 2 ngày trời.

Như sau này được biết, đoàn tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới trên đường đi đã bị đóng dấu chì niêm phong, khiến Winson Churchill đã phỉ báng, Lenin bị vận chuyển như “trực khuẩn dịch hạch”.

Thế nhưng không đúng vậy. Chỉ có ba toa, cửa bị niêm phong; toa thứ tư vẫn mở dành cho “ông đầu hói” (Lenin) và hai sĩ quan Ðức tháp tùng lo tiếp nhận sữa cho trẻ nhỏ hay là mua báo. Có một làn phấn đánh dấu dưới sàn phân cách các khoang tàu của Nga và Ðức được hưởng đặc quyền ngoại giao.

Ðoàn người đã hát những bài ca cách mạng Pháp để xua đuổi cuộc hành trình nhàm chán, nhưng Lenin không cho phép vì sợ làm người Ðức tức giận. Lúc này Lenin đang nghiên cứu về kinh tế kế hoạch. Người hút thuốc thường xuyên chiếm phòng vệ sinh, khiến ông phải cắt giấy làm phiếu; ai được phiếu mới được vào nhà cầu nhả khói.

Sự kiện nhà chức trách triều đình Wilhelm II tạo điều kiện cho sự di chuyển ấy vẫn còn là điều đáng bàn. Theo luận điểm cổ điển của mình, sử gia Fritz Fischer cho rằng, để “với tới mức cường quốc”, người Ðức cũng có thể thỏa hiệp hòa bình với chính phủ lâm thời Nga.

Từ mối quan tâm riêng đã tính toán kỹ lưỡng: Hoa Kỳ chuẩn bị tham chiến; một nền hòa bình cho mặt trận phía Ðông đang cần thiết ngay lập tức. Dẫu là một nền hòa bình chưa cần được đảm bảo bằng giải pháp quân sự, bởi nó đã hứa hẹn trao cho người Ðức gần hết châu Âu. Nhưng đối với một nền hòa bình như thế – không chiếm thêm được đất – giới lãnh đạo Ðức phải bỏ mộng trở thành cường quốc và họ không muốn vậy. Thay vì vậy, Berlin chọn một giải pháp thoải mái hơn: bắt tay với kẻ thù của kẻ thù của chúng ta.

clip_image023[6]

Nhóm dân di cư Nga từ Thụy Sĩ cùng với Lenin (khoanh tròn) vội vã đi băng qua đường tại Stockholm. Đó là vào ngày 13.04.1917, vài ngày trước khi Lenin chuẩn bị tiến hành cuộc cách mạng tại Petrograd. Nguồn: Spiegel 2007.

Jakob Fürstenberg, đối tác thương mại của Helphand và là người tín cậy của Lenin, đã đón tiếp đoàn lữ khách tại Trellborg. Nghỉ ngơi vài ngày tại Stockholm, cuộc hành trình theo đường sắt lại tiếp tục băng qua địa danh Haparanda bên bờ biên giới rồi tiến về Nga; ngược với mọi lo ngại, chính phủ lâm thời cho phép chuyện ấy. Chiều ngày 16 tháng tư, khoảng 23 giờ, Lenin đặt chân tới Petrograd.

Hội đồng công nhân, binh sĩ Petrograd và người ủng hộ đảng đã chuẩn bị đón tiếp ông: Cờ đỏ, ban nhạc, và bên thềm ga được trang trí còn có một hàng rào danh dự gồm công nhân và binh sĩ.

Trên cuộc hành trình, Lenin đã đọc được tin tức từ tờ báo Sự Thật (Prawda), rằng quân Bolschewik tại Petrograd vẫn muốn tiếp tục tham dự cuộc Thế chiến thứ Nhất và chính phủ lâm thời đã ủng hộ vì họ nghĩ nước Nga chưa đủ chín mùi cho Chủ nghĩa Xã hội.

Cùng đêm đó, Lenin đã bênh vực con đường riêng của mình: Bảo vệ tổ quốc là “chuyện công dân nhỏ nhặt”, một “sự lừa đảo của bọn tư bản đối với đại chúng”. Chấm dứt chiến tranh, chấm dứt chính phủ lâm thời, tiếp tục cuộc cách mạng.

Lenin tin rằng, giả như đã thiết lập một nền chuyên chế vô sản trước hết ở Nga, thì cách mạng thế giới sẽ theo sau. Một tháng sau, ông đã đặt Ðảng mình vào con đường đó.

Ðối với Helphand, sự chuyển hướng ấy chẳng qua là một thắng lợi trễ tràng, bởi vì đòi hỏi của Lenin, chuyển giao chính quyền ngay lập tức “vào tay giai cấp vô sản” để Lenin sẽ giữ vị trí lãnh đạo là chuyện ngày xưa Helphand cũng sắp đem lại được cho Trotzki.

Theo cái nhìn từ phía Ðức, cuộc quá cảnh của Lenin đã tự chứng minh đó là giải pháp cách mạng quan trọng nhất. Chỉ một mình nó đã đủ biện luận cho giả thuyết, không có sự giúp đỡ của Ðức, người Bolschewik đã không thể giành được chính quyền. Bởi Lenin – người cầm đầu đảng – đã hiểu nhanh hơn mọi đối thủ rằng không thể ngăn chặn sự tan rã của xã hội Nga nếu vẫn chần chừ giải quyết các vấn đề lớn: vấn đề cải cái ruộng đất, vấn đề đa chủng tộc, vấn đề hòa bình.

Dấu hiệu vô chính phủ đã rõ ràng. Ðiện tín Bộ Ngoại giao thông báo thường xuyên về những vụ tàn sát địa chủ, đấu tố giết người dã man. Ðầu tháng 6, nhân viên ngoại giao Ðức tại Stockholm đã ghi nhận hiện tình biết đuợc tại Petrograd: “Doanh nghiệp đang trong tình trạng nguy kịch, thành phố sắp phá sản, tình hình lương thực ngày càng trở nên tồi tệ, người tụ tập trước các cửa hàng ngày càng đông”.

Khẩu phần bánh mì mỗi ngày cho mỗi đầu người còn 200 gr; cùng lúc, kỹ nghệ sản xuất đang sụp đổ; giá cả tăng vùn vụt. Binh sĩ nơi tiền tuyến – đa số là nông nhân – tự quyết định số phận mình. Kiệt sức vì đói và trận chiến hầm hố, hàng trăm ngàn quân đã đào ngũ, chủ yếu chỉ vì những tin tức hấp dẫn: ở miền quê, đất đai sẽ được phân chia.

Chính phủ Berlin phấn khởi ghi nhận, đòi hỏi của Lenin về hòa bình và phân chia ruộng đất đã tìm được nhiều khách hàng. “Nghệ thuật tuyên truyền của Lenin đã chứng tỏ được sức tác dụng quần chúng mạnh mẽ nhất”, một bản báo cáo ngày 5 tháng 7.1917 đã viết vậy.

Ít ngày sau, sứ giả tại Stochkolm ghi chú lời báo cáo từ Nga như sau: “Chẳng còn bao lâu, nhóm Lenin sẽ nắm được tay chèo và kể như hòa bình đã tới”.

Không lâu trước ngày Lenin trở về, bộ ngân khố Ðức đã cấp thêm 5 triệu Mark. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Richard von Kühlmann đã bày tỏ niềm kiêu hãnh trước thống soái Hindenburg và hoàng đế, rằng không có sự giúp đỡ liên tục và rộng rãi của Bộ Ngoại giao, phong trào Bolschewik không bao giờ có thể đạt được mức độ và ảnh hưởng mà họ có ngày hôm nay.

Hai giờ sáng đêm mùng 7 tháng 11 – tính theo lịch cũ của Nga là 25 tháng 10 – trung đoàn đồn trú và vệ binh đỏ, tổng cộng không đến 20.000 người đã chiếm đóng những vị trí chiến lược quan trọng; sức kháng cự yếu ớt đã quyết định câu hỏi chính quyền. Cuộc bắt giam các bộ trưởng chính phủ lâm thời tại cung điện mùa Ðông vào ngày hôm sau đã chấm dứt cùng với biến cố gọi là Cách mạng Tháng 10. Lenin lên nắm chính quyền gọi là “hội đồng ủy viên nhân dân”.

Có một sự công nhận rộng rãi trong giới sử gia rằng, Bolschewik lật đổ chính phủ lâm thời dễ dàng hơn nắm chính quyền sau đó và nắm toàn nước Nga.

Sau Cách mạng Tháng 10, hệ thống quản lý nhà nước sụp đổ, khắp nơi đều thiếu hụt mọi thứ cần thiết: ngũ cốc, than, quần áo. Miền Bắc Nga, vùng Tây Bá Lợi Á và một phần miền Nam của đế quốc Sa hoàng cũ là nơi tụ họp người chống chế độ mới. Chẳng bao lâu, cả nước chìm trong tình trạng vô chính phủ và nội chiến.

Ðế quốc Ðức của Wilhelm II hẳn đã góp phần vào sự hỗn loạn ấy, vì quân đội Ðức đang chiếm đóng một phần lãnh thổ rất lớn của đế quốc Sa hoàng cũ. Nhưng đồng thời giới ngoại giao triều đình đã đầu tư hàng triệu Mark cho Bolschewik để giữ vững chính quyền, bởi chỉ có họ mới chấp nhận giải pháp “hòa bình với thắng lợi” của Ðức, và hơn nữa không ai ở Berlin tin rằng một Chủ nghĩa Xã hội thực sự tồn tại sẽ thành hình.

“Bolschewik là những tay tuyệt vời, đến giờ đã làm việc rất giỏi và ngoan ngoãn”, đầu tháng 12.1917, viên ngoại giao Kurt Riezler, là người xưa kia từng quyết định chính sách Nga của Ðức, đã ghi chú vậy.

Có lẽ chẳng bao giờ làm rõ được số tiền vương quốc Ðức đã chuyển cho Bolschewik năm 1917. Một số tiền rất lớn, điều ấy không có gì đáng ngờ.

Một tài liệu đáng ngạc nhiên có liên quan đến vụ này đã được tìm thấy trong thư khố Bộ Ngoại giao. Ngày 15 tháng 11.1917, một liên lạc viên trong bộ tổng tham mưu tại Bad Kreuznach đã đánh điện về Bộ Ngoại giao Berlin:

“Chính phủ Peterburg lúc này đang gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng từ chối mọi tài trợ dành cho chính phủ để mua lương thực cho dân và binh lính đang cần gấp. … Nếu được khoản tài chính đang cần gấp để khắc phục khó khăn và tiền thu nhập mỗi ngày trong dân chúng và binh lính, họ có thể chịu đựng được cho tới khi ký hiệp ước đình chiến. Lenin đã nhận thấy điều này và đã tìm đến chúng ta … Bộ tổng tham mưu rất mong mỏi, nếu được, xin cho chính phủ Lenin thêm tiền”.

Bộ Ngoại giao đánh điện lại: “Bởi vì là việc tài trợ cho Bolschewik, cho nên phải tiếp tục”. Ít ngày sau, Riezler được biết, Bolschewik “đã có thêm tiền”.

Bên cạnh đó Ðức đang đeo đuổi mục đích của mình nhưng bằng một cách khác rất đau đớn cho Bolschewik.

Trong những cuộc đàm phán hòa bình tại Brest-Litowsk, Ðức đã tước đoạt tiếng nói từ quyền dân tộc tự quyết của Lenin, và đề nghị tách cả Ba Lan cũng như vùng Baltikum (ra khỏi Nga). Trên thực tế những vùng này đã được cộng thêm vào vùng ảnh hưởng của Ðức.

Phái đoàn đàm phán Nga như bị búa bổ vào đầu và xin cho thời gian suy nghĩ. Trotzki đề nghị các đồng chí đơn giản là tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ngoài ra từ chối ký tên chấp nhận một thỏa ước hòa bình “mất đất”. Trước hết, sự việc đã xảy ra như vậy.

Hoàng đế Ðức không còn muốn nghe nói gì nữa về cái liên minh với ông Lenin ngày càng làm tới. “Bọn Bolschewik muốn làm cách mạng, muốn “nấu cháo công nhân””, ông hoàng chửi bới và ra lệnh “đập chết chúng nó”.

Ngày 18.02.1918, thống soái Paul von Hindenburg mở chiến dịch “Cú đấm”. Chưa đầy hai tuần quân Ðức đã tiến chiếm một vòng cung rộng mênh mông, từ Baltikum phía Bắc trên vùng Bạch Nga và Ukraine chạy mãi xuống Don. Chiến dịch dùng khoảng một triệu quân mà lẽ ra nên dành cho mặt trận phía Tây đang cần gấp. Nhưng Hindenburg đã chiến thắng. Ngày 3 tháng 3, Bolschewik phải ký thỏa ước hòa bình Brest-Litowsk.

Nước Nga mất một vùng rộng lớn gần bằng Argentina, một phần ba dân số, gần hết mỏ than, mỏ dầu, và một nửa khu kỹ nghệ. Mặc dù đã hòa bình, Hindenburg vẫn để quân Ðức tràn tới Krim và lòng chảo Donez để bào vệ nguồn tài nguyên.

Ðối với cái nhìn của Lenin, không còn lựa chọn nào khác, như ông đã nhồi sọ các đồng chí còn chống cãi: “Tụi bay phải ký tên chấp nhận cái hòa bình nhục nhã này để cứu cuộc cách mạng thế giới, để bảo vệ cái đầu cầu duy nhất của nó: Cộng hòa Xô-viết”.

Sau thỏa ước hòa bình, Ðức mở tòa Ðại sứ tại Mạc Tư Khoa được xem như trụ sở chính kể từ năm 1918. Bây giờ Ðức có thể thu thập tin tức ngay tại chỗ. Họ ghi nhận với sự lo lắng về tình trạng giảm sút của Lenin vào tháng 5.1918. Người đứng đầu chính phủ không còn giữ quyền lực vô giới hạn trong những năm sau này. Vẫn còn các đảng đối lập khuynh tả như Xã hội Cách mạng. Tức giận về hiệp ước hòa bình Brest-Litowsk cũng như sự bành trướng của quân đội Ðức, Lenin đòi đứng về phe Entente và tái chiến như xưa hoặc ít nhất là một cuộc kháng chiến chống Ðức.

clip_image026[6]

Điện tín của đại sứ Đức Graf Mirbach tại Mạc Tư Khoa gửi Bộ Ngoại Giao Đức tài trợ cho Bolschewik 3 triệu Mark mỗi tháng. Nguồn: Spiegel 2007.

Theo tài liệu Ðức, tiền hối lộ từ ngân quỹ nhà nước đã góp phần đáng kể để mọi chuyện vẫn giữ nguyên như vậy.

Vào ngày 05.06.1918 tại Berlin, bộ trưởng Kühlmann thông báo đã giữ được chân Bolschewik để đừng bẻ lái sang khối Entente. Phải tốn “một số lớn” cho công việc đó.

Wilhelm Graf von Birbach, một nhà quý tộc bảo thủ, lúc ấy là đại sứ Ðức tại Mạc Tư Khoa. Ông biết quân đồng minh cũng chi bạc triệu cho nhiều nhân vật ngầm khác nhau để kéo Nga trở lại cuộc chiến chống Ðức. Phần ông, ông ghi ra con số mình dùng để hối lộ, trung bình 3 triệu Mark mỗi tháng. “Chưa bao giờ nước Nga được mua nhiều như thế này”, ông nói vậy.

Tháng 6.1918, hai nhà cách mạng xã hội đến cổng tòa đại sứ Ðức xin gặp nhà quý tộc để nói chuỵên riêng. Họ đưa ra giấy giới thiệu. Birbach mời hai vị khách vào phòng làm việc của mình và cùng với họ ngồi vào cái bàn cẩm thạch to lớn. Sau vài câu hỏi thăm ngài đại sứ, chắc là chúng ta có họ hàng với nhau, hai vị khách cùng móc súng giấu trong cặp táp ra khai hỏa. Nhà ngoại giao nhẩy lên, bỏ chạy, nhưng sau vài thước đã bị trúng đạn phía sau đầu.

Cùng ngày xảy ra án mạng, Lenin đã có mặt tại hiện trường. Sự chia buồn của Lenin lộ vẻ, người Ðức cho là, “lạnh như mõm chó”.

Nước Nga Xô-viết lúc này trông giống một thành lũy bao quanh: Ở miền Bắc, quân Anh và Mỹ đang đổ bộ vào Murmansk. Ở miền Nam, Hồng quân đang tự vệ chống lại quân phản cách mạng Kosak; ở Samara bên Wolga, một chính phủ đối lập vừa được thành lập đã gửi binh sĩ lên đường; quân Thổ tiến quân chống Baku.

Hiện giờ Hoàng đế Wilhelm II đang gõ trống đổi hướng. “Thật là nguy hiểm nếu chúng ta vẫn tiếp tục gắn liền số phận mình với bọn Bolschewik đang giãy chết!”. Trong Bộ Ngoại giao cũng nảy sinh sự nghi ngờ, không biết người Bolschewik còn chịu đựng nổi hay không.

Lúc này, kẻ thù của Bolschewik, chẳng hạn nhóm Don-Kosak hay phe quân chủ cũng nhận hằng triệu Mark của Ðức, như sử gia Winfried Baumgart, trong một khảo cứu ngoạn mục cách đây vài thập niên, đã chứng minh. Berlin ưa chuộng người nối nghiệp Lenin có tiềm năng hơn nhưng sự chọn lựa vẫn còn bỏ ngỏ.

Cuối cùng phe ủng hộ Bolschewik hãy tiếp tục làm đồng minh chiến lược (với Ðức) đã thuyết phục được mọi người. Người Ðức hứa với Lenin, sẽ không tiến quân vào Petrograd để trong thế cùng vẫn có thể rút quân về phòng tuyến phía Ðông.

Sự kiện Bolschewik tiến hành cuộc khủng bố kinh hoàng khắp nước sau vụ ám sát Lenin đã không qua mặt nổi người đồng minh Ðức. Ngày 13.09.1918, một viên chỉ huy Ðức ở Petrograd đã đưa tin: “Tình hình tại Petrograd và nhiều nơi khác khắp nước Nga đã vượt khỏi những gì mô tả … Con người bị giết bằng cách thô bạo nhất, hoàn toàn không qua tòa án”. Vệ binh đỏ say rượu “lấy người tù làm bia” tập bắn; phụ nữ lẫn trẻ em cũng không tha.

clip_image029[6]

Hình ảnh cuộc sát hại gia đình Sa hoàng dưới tầng hầm một căn nhà tại Jekaterinburg (17.07.1918) được vẽ lại theo nhân chứng. Nguồn: Spiegel.

Làn sóng Khủng bố đỏ mùa hè 1918 còn biến cựu Sa hoàng và gia đình ông đang sống lưu vong tại Jekaterinburg cách Mạc Tư Khoa 1700 cây số thành nạn nhân. Lenin không muốn họ được đối phương cứu thoát trong trường hợp mình bị lật đổ. Vào tháng 7, một đội Tscheka đã bắn chết Sa hoàng Nikolai II, hoàng hậu, năm người con, người bác sĩ gia đình và ba người giúp việc dưới tầng hầm một căn nhà ở.

Ðến nay các học giả vẫn còn tranh luận, không biết Wilhelm II có thể cứu người em họ được không. Chuyện hai người không còn gì với nhau không phải là điều bí mật. Nhưng vào tháng 3.1917, Wilhelm đã hăm dọa thủ tướng chính phủ lâm thời Nga rằng cá nhân ông ta phải chịu trách nhiệm, nếu để một cọng tóc của gia đình Sa hoàng bị uốn cong.

Ðối với Bolschewik, Wilhelm lại không tỏ thái độ dứt khoát. Lời khẩn cầu cho phép Sa hoàng tị nạn bị Wilhelm bác bỏ với lý do, người Nga có thể tìm cách khôi phục nền quân chủ tại Nga. Ông chỉ cho Bolschewik thấy sự “cảnh cáo mạnh” là không được giết Sa hoàng. Không thấy có dấu hiệu yêu cầu dai dẳng hoặc biện pháp gắn liền với vấn đề chính trị.

Wilhelm đã bình luận một cách tượng trưng về vụ thảm sát họ hàng mình với một cái nhìn lạnh lùng vào tình thế chính trị. Trong tường thuật của Werner Freiherr von Grünau – cố vấn ngoại giao đoàn – có một trích đoạn của Wilhelm: “Trẫm cảm thấy, … đối diện trước nước Nga còn lại, chúng ta đang nằm trong tình huống khó khăn. Phải làm sao để khối Entente không đổ trách nhiệm cho chúng ta về vụ thảm sát; chắc chắn họ sẽ làm chuyện đó”.

Ðối với trường hợp hoàng hậu Alexandra, nhũ danh Alice von Hessen-Darmstadt, và người chị của bà, ngoại giao đoàn Ðức đã sử dụng áp lực. Họ yêu cầu Bolschewik “phải cẩn thận tối đa khi tiếp xúc với phụ nữ”. Bởi về phía Ðức không có nguồn tin riêng, người ta chỉ còn cách tin vào tin tức từ phe Bolschewik: tất cả đều tốt đẹp.

Câu truyện ngụ ngôn vẫn còn truyền tụng nhiều năm sau vụ thảm sát: mặc dù Sa hoàng đã chết, nhưng gia đình ông vẫn sống. Một tay môi giới của Lenin đã trâng tráo trình bày với phía Ðức, có thể bàn chuyện trả tự do cho hoàng hậu và các con với điều kiện Ðức chấp nhận một “lợi ích tương ứng của người Nga” dành cho những “nhân vật nhậy cảm tại Ðức”. Lenin muốn ám chỉ những nhân vật như Karl Liebknecht, người sau này là đồng sáng lập viên đảng KPD (đảng Cộng Sản Ðức) đang ngồi tù ở Luckau.

Lúc đó là vào tháng 9.1918, hoàng hậu đã chết hai tháng rồi, và chiến lược của Ðức đã mờ dần đến độ họ cảm thấy mình đã thành kẻ chiến bại của cái liên minh chiến lược giữa Lenin và đế chế Hohenzollern.

Rốt cuộc tướng lĩnh của Wilhelm không còn dám rút quân từ Ukraine hay Baltikum về phòng tuyến phía Ðông vì lính tráng lúc này không còn đáng tin cậy: Họ đã có cảm tình với cuộc cách mạng của Lenin.

Bolschewik dọ hỏi người Ðức, có thể cung cấp cho họ 20.000 súng liên thanh, 200.000 súng trường, 500 triệu viên đạn được không, nhưng vị tham mưu trưởng đã từ chối với lời giải thích, “e rằng số vũ khí ấy có thể được dùng sau này để chống lại chúng tôi”.

Lenin cũng tính toán lạnh lùng như Bộ Ngoại giao Ðức. Trong khi đang hợp tác với vương quốc Ðức, ông không ngần ngại dành sự giúp đỡ tiền bạc, công sức cho các đồng chí có ý tưởng hướng tới một kiểu Cộng hòa Xô-viết tại Ðức.

Lẽ ra người Ðức phải được cảnh báo trước – đó là đường lối chính trị cách mạng giống như cái họ đã ủng hộ để chống lại Sa hoàng.

Ngày 5 tháng 11.1918, Wilhelm II cắt đứt quan hệ ngoại giao với Xô-viết Nga vì không cần nữa. Sáu ngày sau, một phái đoàn Ðức đã ký thỏa thuận ngưng bắn của phe đồng minh, theo đó thỏa ước hòa bình Brest-Litowsk bị hủy bỏ. Thay vì chiếm thêm được đất, Ðức bị mất một phần bảy lãnh thổ của mình từ thỏa ước hòa bình Versailles. Wilhelm không còn đứng nổi, đã bỏ trốn sang Doorn, Hòa Lan và sống lưu vong ở đó. Năm 1941, Wilhelm thế hệ cuối cùng tạ thế.

Từ Mạc Tư Khoa, Lenin đã cất lời phỉ báng, cái chủ nghĩa đế quốc của Ðức đã phồng to không thể tưởng rồi nổ tung, “để lại mùi hôi thối khủng khiếp”.

Thiết tưởng cũng cần nhìn nhận sự công bình lịch sử: nói thế cũng giống như nói về sự tan rã của đế quốc Xô-viết do Lenin thành lập. Ðiều đó đã xảy ra dù sau mấy chục năm.

Nguồn: Lenin und der Kaiser. Spiegel Special Geschichte, 4.2007

Comments are closed.