2000 thuật ngữ Tâm lý học (32)

Hoàng Hưng

321. Counterattitudinal behavior: Hành vi bất nhất

Hành vi không nhất quán với một thái độ. Ví dụ: có thái độ tiêu cực đối với một ứng viên chính trị nhưng lại bằng lòng góp tiền cho quỹ tranh cử của người ấy.

322. Counterfactual thinking: Tư duy phản thực tế

– Tưởng tượng ra những cách mà các sự kiện có thể đã xảy ra khác đi. Điều này thường bao gồm những cảm thức hối tiếc hay thất vọng.

– Bất cứ diễn trình suy nghĩ nào dựa trên phát biểu có điều kiện kiểu “nếu X thì Y” trong đó X trái với thực tế, không thể có hay không thể xác minh bằng trải nghiệm. Tư duy phản thực tế kiểu 1 là phổ biến trong những giả định lịch sử như “nếu Hitler đã bị giết vào tháng 7 năm 1944 thì…”. Tư duy phản thực tế kiểu 2 và 3 có thể đóng vai trò hữu ích trong việc đánh giá các liên can của một lí thuyết HEURISTIC (nghiệm suy) và trong THOUGHT EXPERIMENTS (các thử nghiệm về suy tưởng).

323. Covert negative reinforcement: (sự) Củng cố tiêu cực ngầm

[trong Behavior Therapy – Liệu pháp hành vi]: Một kĩ thuật trong đó người bệnh thoạt tiên tưởng tượng một sự kiện khó chịu sau đó chuyển qua tưởng tượng đi vào hành vi đích. Ví dụ: tưởng tượng mình đơn độc trong một nhà hàng, cảm thấy không an toàn và không vui, sau đó chuyển qua một cảnh tượng trong đó mình đang hẹn hò với một người khác và được chấp thuận.

324. Covert positive reinforcement: (sự) Củng cố tích cực ngầm

[trong Behavior Therapy – Liệu pháp hành vi]: Một kĩ thuật trong đó người bệnh tưởng tượng mình đang thể hiện một hành vi đáng mong muốn dẫn tới một hậu quả vui thú và cuối cùng diễn tập lại hành vi ấy với hy vọng nó sẽ được tuân thủ. Cũng gọi là Covert reinforcement.

325. Creativity test: Đo nghiệm tính sáng tạo

Bất kỳ đo nghiệm Tâm lý học nào được thiết kế nhằm nhận dạng tư duy sáng tạo hay tư duy bất đồng quy. Những đo nghiệm hiện hành tập trung vào nhiều nhân tố đa dạng, như sự thành thục với từ ngữ hay ý tưởng hay năng lực sản sinh những liên tưởng độc đáo; các nhiệm vụ đặt ra có thể bao gồm việc tìm ra những giải pháp cho các vấn đề thực hành, gợi ý những đoạn kết khác nhau cho một câu chuyện, hay liệt lê những ứng dụng khác nhau của đồ vật.

326. Criminological psychology: Tâm lý học tội phạm

Một lĩnh vực của Tâm lý học ứng dụng, chuyên về những vấn đề tâm lí liên kết với hành vi tội phạm, điều tra tội phạm, và xử lí phạm nhân. Đôi khi được dùng (một cách không chuẩn xác) đồng nghĩa với forensic psychology (Tâm lý học toà án).

327. Criterion validity: Tính hiệu lực theo tiêu chí

[trong psychometrics – tâm lí lượng pháp]: Sự đo lường hiệu lực dựa trên việc xác định sự chính xác của mối quan hệ giữa những số điểm đo nghiệm với một tiêu chí độc lập đã được chấp nhận như một chuẩn để phán xét đo nghiệm ấy. Ví dụ: trong việc xác định hiệu lực của một đo nghiệm về trầm cảm, tiêu chí có thể là những chẩn đoán trầm cảm của các nhà Tâm lý học hay nhà điều trị tâm thần; trong việc xác định hiệu lực của một đo nghiệm về năng lực học đường, tiêu chí có thể là những điểm số về đo nghiệm thành tích học ở trường.

328. Critical theory: Thuyết phê phán

Một lí thuyết triết học về văn hoá nói chung và về văn học nói riêng, liên kết đặc biệt với trường phái Frankfurt, bác bỏ khả năng có một môn khoa học xã hội thoát lí khỏi giá trị (value-free) và toan tính hướng đến những nhân tố mang tính lịch sử và ý hệ có ảnh hưởng đến văn hoá và hành vi con người. Những người đề xướng quan niệm thuyết này như một lí thuyết mang tính quy phạm hơn là thực chứng hay mô tả, và tìm cách phơi bày những mâu thuẫn trong các hệ thống niềm tin của con người và những thói quen của xã hội nhằm thay đổi chúng. Khi tập trung về các vấn đề Tâm lý học, cũng gọi là critical psychology – Tâm lý học Phê phán.

329. Cross-adaptation: (sự) Thích nghi giao tạp

Sự tạm thời mất nhạy cảm với một kích thích, đặc biệt là mùi vị, sau khi chịu một kích thích khác (như muối ăn sẽ làm giảm nhạy cảm với các muối khác, đường kính sẽ làm giảm nhạy cảm với những vị ngọt khác).

330. Cross-cultural survey: (sự) Khảo sát xuyên văn hoá

Khảo sát để so sánh các nhóm văn hoá hoặc văn hoá phụ khác nhau.

Comments are closed.