2000 thuật ngữ Tâm lý học (45)

Hoàng Hưng

451. Egocentric speech: Diễn ngôn ngã qui

Diễn ngôn có vẻ không hướng tới người khác hay không có toan tính trao đổi ý nghĩ hay không tính đến quan điểm của người khác. Theo Jean Piaget, việc sử dụng diễn ngôn ngã qui của trẻ là ưu thắng cho đến 7 hay 8 tuổi, và mất đi khi trẻ phát triển SOCIAL SPEECH (DIỄN NGÔN XÃ HỘI) hướng tới các nhu cầu của người khác. Tuy nhiên, theo Lev Vygotsky, diễn ngôn ngã qui là một phần của diễn ngôn xã hội không thành lời, hướng tới việc giải quyết các vấn đề và phát triển thành ngôn ngữ nội tâm. Cũng gọi là private speech (diễn ngôn riêng tư).

452. Ego development: (sự) Phát triển cái tôi

– Sự xuất hiện ở đứa trẻ ý thức mình là một cá nhân riêng rẽ khác hẳn những người khác, nhất là cha mẹ.

– [trong thuyết phân tâm học kinh điển]: Tiến trình một phần của Cái Ấy biến đổi dần thành Cái Tôi như kết quả của các yêu cầu của môi trường. Nó bao gồm một giai đoạn tiền ý thức, trong đó cái tôi phát triển một phần, và một giai đoạn có ý thức sau đó, trong đó những chức năng của cái tôi ấy như suy lý, phán đoán, và kiểm nghiệm thực tế đi đến chỗ kết quả và giúp bảo vệ cá nhân khỏi những đe doạ bên trong và bên ngoài. Cũng gọi là ego formation (sự hình thành cái tôi).

453. Ego psychology: Tâm lý học (về) cái Tôi

Một trường phái phân tâm học dựa trên sự phân tích cái Tôi, sáng lập năm 1939 bởi nhà phân tâm học người Mĩ gốc Áo Heinz Hartmann (1894-1970), bao gồm nhà Tâm lý học Mĩ gốc Đức Ernst Kris (1901-57), nhà Tâm lý học Mĩ gốc Hung David Rapaport (1911-60) và nhà phân tâm học Mĩ gốc Đức (dòng dõi Hà Lan) Erik H. Erikson (1902-94). Đề tài thiết yếu là cái tôi có năng lực vận hành một cách tự trị và không bó hẹp trong những xung đột nội tâm với cái Ấy và cái Siêu Tôi. Hartman biện luận rằng sự hài lòng đạt được từ việc rèn luyện không hạn chế các chức năng của cá nhân, như khi một đứa trẻ vui sướng vì chuyện học đi hay học vẽ, và Rapaport đồng nhất việc tìm kiếm cái mới với một hoạt động tự tưởng thưởng. Các nhà Tâm lý học về cái Tôi bác bỏ lí thuyết phân tâm học kinh điển về động lực chỉ để giảm bớt căng thẳng.

454. Ego-splitting: (sự) Chia tách cái tôi

– [trong thuyết phân tâm học]: Sự phát triển của Cái Tôi thành những thái độ đối lập nhưng cùng tồn tại trước một hiện tượng, trong người bình thường cũng như người bệnh thần kinh hay tâm thần. Trong một hoàn cảnh bình thường, sự chia tách cái Tôi có thể được thấy trong thái độ phê phán của cái bản thể đối với cái bản thể; trong các chứng bệnh thần kinh, căn bản là những thái độ mâu thuẫn đối với những hành vi cụ thể; trong các bệnh tâm thần, sự chia tách cái Tôi có thể sinh ra một phần của cá nhân “đang quan sát”, nhìn thấy và có thể tường trình về những hiện tượng ảo giác.

– [trong OBJECT RELATIONS THEORY (THUYẾT QUAN HỆ VỚI ĐỐI TƯỢNG) của Melanie Klein]: Sự phân mảnh của cái Tôi thành những phần được coi là xấu bị tách khỏi cái Tôi chính yếu.

455. Eidetic image: Lưu ảnh

Một hình ảnh hay kí ức tâm trí rõ ràng và sống động lạ thường, y như đang được tri nhận, mà một số ít trẻ em và số càng ít hơn trong người lớn có được. Đặc biệt hơn, là một hình ảnh thị giác rõ ràng và sống động thể hiện một kích thích được tri nhận từ trước, kéo dài hơn vài giây và thường là nhiều phút, thậm chí hàng tháng, có vẻ như ở ngay trước mắt, mà người ta có thể hồi tưởng để trường trình về chi tiết và quan hệ của những chi tiết với nhau.

456. Either-or fallacy: Nguỵ lí loại trừ

Một kiểu nguỵ lí hay kĩ thuật thuyết phục trong đó một luận điểm được xây dựng để phải chọn chỉ một trong hai phương án. Nó bỏ qua khả năng (a) hai phương án có thể không loại trừ lẫn nhau (b) có thể có nhiều phương án cũng có giá trị tương đương. Chẳng hạn, luận điểm cho rằng nguyên nhân của hành vi hoặc là bản chất vốn có hoặc là được nuôi dưỡng bỏ qua khả năng cả hai có thể đóng một vai trò nguyên nhân, hay là tác nhân của con người cũng có thể là một phần của lời giải thích.

457. Elaboration likelihood model: Hình mẫu về khả năng phát triển sâu

Một hình mẫu về sự thuyết phục và thay đổi hành vi theo đó những người nhận một thông điệp thuyết phục mà có động lực cao và có năng lực xử lí cẩn thận nội dung của thông điệp thì có xu hướng phát triển sâu và suy nghĩ về những luận điểm thích hợp với vấn đề, và nếu họ thấy những luận điểm trong thông điệp là thuyết phục, họ có thể thể hiện sự thay đổi hành vi lâu bền; trong khi những người nhận thông điệp nhưng động lực và năng lực xử lí thấp, thì dễ bị ảnh hưởng bởi những nhân tố ngoại vi như sự hấp dẫn của nguồn tin, và sự thay đổi hành vi đạt được sẽ có xu hướng yểu mệnh và khó lường. Hình mẫu được phát biểu vào năm 1981 và duyệt lại năm 1986 bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Richard Edward Petty (1951-) và John Terrace Caciopo (1951-).

Viết tắt là ELM.

458. Elan vital: Đà sống

[trong tư tưởng của nhà Tâm lý học Pháp Henri Bergson (1859-1914)]: Một sức sống hay năng lượng sống làm sống động các động vật, con người, và thúc đẩy sự sống về một mục đích thông qua diễn trình tiến hoá. Cũng gọi là life force (sức sống).

459. Elective affinity: Ái lực đặc tuyển

Một cảm nhận thiện cảm, hấp dẫn hay kết nối với một người, một việc, một ý tưởng cụ thể. Thuật ngữ thoạt được dùng để nói về những diễn trình hoá học nhất định nhưng rồi mang một nghĩa bóng sau khi cuốn tiểu thuyết The Elective affinities (Những ái lực đặc tuyển) của Wolfgang von Goethe ra đời. Nó thường được dùng để chỉ những sự ưa thích và cảm nhận thông thường tạo nên một căn tính văn hoá dân tộc phân biệt các nhóm hay phân nhóm người.

460. Electra complex: Phức cảm Electra

[trong phân tâm học]: Liên quan đến tình cảm của con gái yêu cha, ghen với mẹ, và trách cứ mẹ đã làm cho mình không có dương vật. Carl Gustav Jung (1875-1961) giới thiệu thuật ngữ này trong một bài viết năm 1913 trong sách Jahrbuch für psychoanalytische und psychopathologische Forschungen (Niên giám nghiên cứu phân tâm học và tâm bệnh học), mặc dù năm 1920, Sigmund Freud (1856-1939) nói rằng ông không coi thuật ngữ là hữu dụng, và trong bài viết “Tính dục phái nữ” năm 1931 ông còn phủ nhận sự tồn tại của phức cảm này, cho rằng kiểu phức cảm yêu một người trong cha mẹ và coi người kia là đối thủ chỉ có ở bé trai. [tên đặt theo Electra trong thần thoại Hy Lạp, người sắp xếp giết mẹ là Clytemnestra sau khi bà đã giết cha của Electra là Agamemnon].

Comments are closed.