2000 thuật ngữ Tâm lý học (65)

Hoàng Hưng

651. Gain-loss effect: Hiệu ứng được-mất

Sự khám phá ra rằng mọi người có xu hướng bị thu hút nhiều nhất bởi những người có vẻ ngày càng thích mình, và ít nhất bởi những người có vẻ ngày càng bớt thích mình; những sự gia tăng hay giảm bớt này có tác động nhiều hơn là sự ổn định trong sự thích hay hành vi tưởng thưởng. Hiện tượng này được lưu ý đầu tiên bởi triết gia Hà Lan Baruch Spinoza (1632-77) trong sách Đạo đức học (Ethics) là di cảo xuất bản năm 1677; và được nghiên cứu thông qua quan nghiệm đầu tiên bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Elliot Aronson (1932-) và Darwyn E. Linder (1939-), tường trình trong Tập san Tâm lý học Xã hội thực nghiệm (Journal of Experimental Social Psychology) năm 1965 những kết quả thực nghiệm trong đó một số sinh viên nghe lén cuộc chuyện trò mà một bạn sinh viên khác thảo luận về họ, hoặc là hoàn toàn tích cực, hoặc là hoàn toàn tiêu cực, bắt đầu với những bình luận tiêu cực rồi trở nên tích cực hơn (được), hay ngược lại (mất). Sau đó những sinh viên nghe lén được hỏi ý kiến về bạn sinh viên kia, kết quả cho thấy họ thích nhất khi “được” và không thích nhất khi “mất”.

652. Gambling disorder: Rối loạn cờ bạc

Một rối loạn liên quan đến sự nghiện ngập, đặc trưng là việc cờ bạc liên miên và không thích nghi, tạo ra sự suy yếu hay trầm cảm đau buồn đáng kể, mà các dấu hiệu và triệu chứng là nhu cầu ngày càng có nhiều tiền để đạt đến trình độ kích thích được ham muốn; trở nên bứt rứt không yên khi ngưng cờ bạc, toan tính lặp đi lặp lại và bất thành trong việc chấm dứt cờ bạc; bận tâm thường xuyên với chuyện cờ bạc; sử dụng việc cờ bạc làm lối thoát khỏi lo âu hay bất hạnh; toan tính gỡ những canh bạc thua bằng cách đánh tiếp; hi sinh một công việc tốt, quan hệ cá nhân hay cơ hội học hành vì cờ bạc; và dựa dẫm vào người khác để vượt qua khủng hoảng tài chính do cờ bạc.

653. Gender bias: Thiên kiến giới tính

Bất kỳ cái nào trong nhiều dạng thiên kiến liên quan đến việc xử sự khác biệt với người nữ và người nam. Bao gồm những giả định không có bảo đảm thể hiện trong ngôn ngữ, như “physicians and their wives” (các thầy thuốc và vợ/ phu nhân) thay vì “physicians and their spouses” (các thầy thuốc và người phối ngẫu) (để tránh việc mặc định thầy thuốc phải là nam), “chairman” (ông chủ tịch) thay vì “chairperson” (chủ tịch, không xác định giới tính), hay sử dụng “he” (ông, anh) khi cuộc thảo luận liên quan đến người thuộc cả hai giới…

654. Gender indentity disorder: Rối loạn căn tính giới

Một rối loạn có đặc trưng là đau buồn, trầm cảm hay suy giảm đáng kể về vận hành chức năng do việc nhận dạng xuyên giới tính (ham muốn được hoặc khăng khăng cho rằng mình thuộc giới tính đối lập) và liên miên không thoải mái vì tin rằng giới tính của mình không thích ứng với bản ngã thật của mình. Rối loạn này được phân biệt với sự đơn thuần bất mãn hay không thoải mái với các vai trò của giới. Ở trẻ em, rối loạn thể hiện ở sự ghét bỏ những khía cạnh thể chất của giới tính mình và bác bỏ các vai trò giới tính truyền thống. Ở trẻ mới lớn và người lớn, thể hiện ở niềm tin dai dẳng là mình đã sinh ra sai giới tính và bận tâm về việc thay đổi những đặc trưng sơ cấp và thứ cấp của giới tính. Loại Rối loạn căn tính giới không được chuyên biệt hoá (Gender indentity disorder not otherwise specified) được dùng để phân loại những rối loạn liên quan đến giới tính khác biệt với rối loạn căn tính giới, như gender dysphoria (khó chịu liên quan đến giới tính)liên quan đến congenital intersexuality (liên giới tính bẩm sinh), hành vi ăn vận chuyển giới liên quan đến stress (transvestism: giả trang khác giới), hay bận tâm đến việc thiến hoạn (penectomy).

655. General adaptation syndrome (GAS): Hội chứng thích nghi tổng quát

Những hậu quả sinh lí của các stress nghiêm trọng. Hội chứng có ba giai đoạn: báo động, kháng cự và kiệt quệ. Giai đoạn 1, phản ứng báo động gồm hai phân kì: Kì sốc (shock phase), đánh dấu bằng sự giảm thân nhiệt, giảm huyết áp, giảm trương lực cơ và mất dung dịch từ các mô; kì phản sốc (countershock phase) trong đó hệ thần kinh giao cảm được khởi động và có sự gia tăng các adrenocortical hormone, kích hoạt phản ứng phòng vệ như trong “phản ứng chiến-chạy” (Fight-flight reaction). Kì kháng cự (resistance phase) hay thích nghi (adaptation phase) là sự ổn định hoá ở các trình độ gia tăng về sinh lí. Huyết áp cao có thể phát triển thành huyết áp thấp, với nguy cơ rối loạn tim mạch. Các nguồn lực có thể được rút ra và sinh ra những thay đổi thường trực về cơ quan. Kì kiệt quệ (exhaustion phase) có đặc trưng là mất những thích nghi đã có được đối với tình huống stress kéo dài; chứng cứ là những rối loạn về giấc ngủ, bứt rứt, mất tập trung nghiêm trọng, không yên, run rảy làm rối loạn sự điều phối vận động, mệt mỏi, giật mình, dễ lo âu, tâm trạng trầm uất, và khóc lóc không dứt. [được mô tả lần đầu bởi thầy thuốc Canada gốc Áo Hans Seyle (1907-1982)].

656. General factor of personality: Nhân tố tổng quát của nhân cách

Một nhân tố bao trùm của nhân cách được gợi ra bởi nhà Tâm lý học Slovenia Janek Musek (1945-) trong một bài viết trên Tập san Nghiên cứu về nhân cách (Journal of Research in Personality) năm 1977. Nó tích nhập Năm nhân tố lớn của nhân cách (Big Five personality factors) như các nhân tố cấp dưới, và một người có số điểm cao về nhân tố tổng quát sẽ có tính hướng ngoại, dễ chịu, chu đáo, ổn định về cảm xúc (hơn là dễ bị kích thích), và cởi mở cho trải nghiệm, hay thông minh. Cũng gọi là the Big One.

657. General psychology: Tâm lý học tổng quát

Nghiên cứu những nguyên lí, vấn đề và phương pháp cơ sở làm nền móng của khoa Tâm lý học, bao gồm những địa hạt như cơ sở sinh lí của hành vi, sự lớn lên và phát triển của con người, cảm xúc, động cơ, việc học, giác quan, tri giác, các tiến trình tư duy, trí nhớ, trí khôn, lý thuyết nhân cách, đo nghiệm tâm lí, rối loạn hành vi, hành vi xã hội, và sức khoẻ tâm trí. Nghiên cứu được nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau, bao gồm Tâm lý học, sử học, lý thuyết, triết học, và thực hành.

658. Generalized anxiety disorder: Rối loạn lo âu tổng quát

Một rối loạn lo âu, đặc trưng là lo âu cực độ và phần lớn không kiểm soát được, không tập trung vào một hoàn cảnh cụ thể mà liên quan đến các sự kiện hay hoạt động hằng ngày như những vấn đề ở nơi làm việc hay trường học, với những triệu chứng bất an, mệt mỏi, khó tập trung, bứt rứt, căng cơ, hay mất ngủ, tạo ra suy yếu trong các chức năng hằng ngày. Cũng gọi là anxiety neurosis, free-floating anxiety.

659. Generalized imitation: (sự) Bắt chước tổng quát

Sự bắt chước các hình thức hay hành vi chưa từng thấy trước khi chúng được một hình mẫu trưng ra. Có thể là kết quả của một tiền sử bắt chước hay củng cố.

560. Generic knowledge: Kiến thức thông dụng

Kiến thức về những thực kiện ngoài trải nghiệm cá nhân hay ngoài cuộc sống của bản thân. Một kiểu thông tin được lưu trữ trong kiến thức ngữ nghĩa (semantic knowledge).

Comments are closed.