2000 thuật ngữ Tâm lý học (66)

Hoàng Hưng

661. Genetic epistemology: Tri thức học sinh-triển

Thuật ngữ được nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) sử dụng để mô tả bản chất nghiên cứu của mình. Ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu với tham vọng đóng góp vào tri thức học, tin rằng nhiều vấn đề tri thức học thực ra là những câu hỏi mang tính quan nghiệm và một cách tiếp cận mang tính sinh-triển (sinh ra và phát triển) sẽ là kết quả nhất. Tác phẩm ba tập của ông đặc biệt dành cho tri thức học sinh-triển là Dẫn nhập vào Tri thức học sinh triển (Introduction à l’Épistémologie Génétique) bao trùm nhiều nhánh kiến thức, như toán học, logic học, vật lí học, sinh học, tâm lý học và xã hội học, tất cả nhìn từ quan điểm tri thức học.

662. Genetic sexual attraction: (sự) Hấp dẫn giới tính di truyền

Tình cảm dâm dục giữa những người bà con gần, thường là giữa anh chị em hay giữa bố mẹ và con cái xa cách nhau từ sớm trong cuộc sống và đoàn tụ trong thời mới lớn hay trưởng thành. Hiện tượng được nhận ra đầu tiên sau khi luật nhận con nuôi được nới lỏng ở Hoa Kì và Anh Quốc vào giữa những năm 1970, cho phép những người con nuôi tìm lại quan hệ máu mủ. Thuật ngữ được giới thiệu trong một lá thư công bố năm 1987 bởi cố vấn về việc nhận con nuôi của Hoa Kì Barbara Gonyo (1937-), bà cảm thấy mình bị thu hút bởi chính con trai mình khi hai mẹ con đoàn tụ vào năm 1979 sau 26 năm cho con đi làm con nuôi. Thuật ngữ trở nên được biết đến rộng rãi sau khi cuốn sách của Gonyo xuất bản năm 1991, The Forbidden Love (Genetic Sexual Attraction) – Tình yêu bị cấm đoán (Sự hấp dẫn giới tính di truyền).

663. Genital stage: Giai đoạn sinh thực khí

(trong Phân tâm học) Giai đoạn cuối của sự phát triển tâm lí giới tính, sau giai đoạn miệng (oral), hậu môn (anal), phallic (dương vật) và thời kỳ tiềm ẩn (latency period). Giai đoạn sinh thực khí có đặc trưng là sự tập trung dục năng (libido) vào địa hạt sinh thực khí, và nổi lên trong tuổi dậy thì, khi phức cảm Oedipus tái hiện và được vượt qua với sự thành công ít hay nhiều thông qua việc lựa chọn đối tượng một cách chín chắn. Khái niệm được phát triển bởi Sigmund Freud (1856-1939) trong một đoạn thêm vào sách Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục (Three Essays on the Theory of Sexuality (1905). Trong đoạn bổ sung năm 1915 này, ông gợi ý rằng nó bắt rễ từ tuổi thơ: “Sự khác nhau duy nhất nằm ở thực kiện là trong tuổi thơ, sự kết hợp giữa các bản năng hợp thành và sự phụ thuộc của chúng vào tính ưu tiên của sinh thực khí đã chỉ xảy ra một cách rất không hoàn chỉnh hay là không hề xảy ra. Do đó sự thiết lập tính ưu tiên này phục cụ cho việc tái sinh sản là kì cuối cùng thông qua đó sự tổ chức tính dục diễn ra”. Cũng gọi là genital phase.

664. Geropsychology: Tâm lý học lão khoa

Một nhánh Tâm lý học nghiên cứu về sức khoẻ tâm trí của người cao tuổi và diễn trình lão hoá.

665. Gerontophilia: (tật) Lão ái

Một tật chứng tà dâm có đặc trưng là lặp đi lặp lại phóng (huyễn) tưởng, thôi thúc hay hành vi tính dục mạnh mẽ liên quan đến hoạt động tính dục với người cao tuổi.

666. Gestalt: Dạng thức

Một dạng thức giác tri (tri giác) (Gestalt tiếng Đức nghĩa là hình dáng, cấu hình, dạng thức, toàn bộ, hình thái) tạo bởi các yếu tố tích hợp và tương tác theo cách để chuyên chở các thuộc tính trong dạng thức toàn bộ mà các yếu tố cá thể không có được. Một dạng thức hay cấu trúc giác tri có những phẩm chất vượt lên trên tổng của các yếu tố hay bộ phận tạo thành và không thể mô tả một cách đơn giản theo từng bộ phận. Một ví dụ kinh điển là sự không đổi của giai điệu âm nhạc, một giai điệu gồm chuỗi nốt nhạc có thể chơi ở bất kỳ nhạc cụ nào và theo khoá nhạc nào, âm vực nào, nhưng đều có một dạng thức mà ai cũng nhận ra ngay, không phụ thuộc vào từng nốt nhạc cụ thể.

667. Gestalt psychology: Tâm lý học dạng thức

Một trường phái Tâm lý học quan tâm phần lớn đến hiện tượng Gestalt nổi lên trong giác tri (tri giác). Những nhà tiên phong là nhà thơ Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), nhà vật lí, triết học và Tâm lý học Áo Ernst Mach (1838-1916) và đặc biệt nhà triết học Đức Christian von Ehrenfels (1859-1932), nhưng dấu vết của trường phái được thấy rõ từ năm 1912 và với bài viết có ảnh hưởng mạnh mẽ về chuyển động biểu kiến (apparent movement) của nhà Tâm lý học Đức Max Wertheimer (1880-1943). Ông chứng minh rằng hai luồng đèn flash liên tiếp chứ không phải từng luồng sáng riêng rẽ cho ta ảo ảnh về chuyển động. Nó là cuộc nổi dậy chống lại thuyết Cấu trúc (Structuralism) vốn phân tích trải nghiệm thành những cảm giác tĩnh, riêng rẽ từng yếu tố (atomistic), và cũng chống lại cách tiếp cận như thế của thuyết Hành vi (Behaviorism) vốn toan tính phân tách hành vi phức hợp thành những phản xạ có điều kiện sơ đẳng. Thay vì thế, Tâm lý học Gestalt cho rằng trải nghiệm là một tổng thể có tổ chức mà các mảnh là bộ phận tích hợp với nhau. Trường phái này chuyển qua Mĩ khi chủ nghĩa Quốc xã đi lên ở Đức và Wertheimer nhập cư vào Mĩ cùng với những nhà Tâm lý học người Đức Kurt Koffka (1886-1941), Wolfgang Kohler (1887-1967) và Kurt Lewin (1890-1947).

668. Gestalt therapy: Liệu pháp Gestalt

Một hình thức tư vấn hay tâm lí liệu pháp, không liên quan đến Tâm lý học Gestalt, được phát triển ở Mĩ trong những năm 1960 bởi nhà tâm thần học gốc Đức Friedrich Salomon Fritz Perls (1893-1970), trong đó người bệnh được khuyến khích tập trung vào hiện tại tức thời và bộc lộ cảm nhận của mình một cách cởi mở và trung thực.

669. Gesture-postural language: Ngôn ngữ cử chỉ-tư thế

Ngôn ngữ không lời trong đó sự truyền thông hạn chế ở các cử chỉ và tư thế.

670. Ghost in the machine: Bóng ma trong cỗ máy

Một ngữ đoạn dùng để nhấn mạnh các vấn đề liên kết với thuyết nhị nguyên Descartes, trong đó tâm trí được coi như một thực thể phi vật lí (một “bóng ma”) trú ngụ và tương tác với một cơ thể máy móc (“cỗ máy”) [thuật ngữ do triết gia Anh Gilbert Ryle (1900-1976) đặt ra].

Comments are closed.