2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 100)

Hoàng Hưng

1001. Masochistic personality disorder: Rối loạn nhân cách khổ dâm

Một rối loạn nhân cách trong đó cá nhân có được một cách dai dẳng và đặc trưng sự thoả mãn hay thoát khỏi những cảm thức tội lỗi như hậu quả của sự hạ nhục, tự hạ giá, tự hi sinh, đắm mình trong đau đớn, và trong một số trường hợp, phục tùng những hành động ác (bạo) dâm thực hiện trên cơ thể mình.

1002. Mass masochism: (tâm thức) Khổ dâm đại chúng

Sự tự nguyện của dân chúng chịu đựng những hi sinh và đau khổ theo yêu cầu của một nhà lãnh đạo độc tài có sức mê hoặc được dân chúng trao hết quyền lực. [thuật ngữ do nhà phân tâm học Mĩ gốc Áo Theodore Relk (1888-1969) đặt].

1003. Mass polarization: (sự) Cực đoan hoá đại chúng

Sự dao động đến mức cực đoan ở thái độ người tiêu thụ do kết quả của thông tin đại chúng hay những sự kiện khác. Chẳng hạn, các thái độ tiêu cực có thể phát triển đối với một thương hiệu vỏ (lốp) xe hay mẫu xe hơi do bị thu hồi vì lí do an toàn.

1004. Mass psychology: Tâm lí/ Tâm lý học đại chúng

– Tâm lí đại chúng: Những trạng thái và diễn trình tâm trí và cảm xúc diễn ra trong một bộ phận lớn cá nhân được nhìn một cách tổng thể, mặc dù họ không chia sẻ với nhau những đặc trưng chung nào.

– Tâm lý học đại chúng: Nghiên cứu khoa học về những hiện tượng trên, bao gồm nghiên cứu các phong trào đại chúng, chứng hysteria đại chúng, và các hiệu ứng của truyền thông đại chúng.

1005. Mass suicide: (sự) Tự sát đại chúng

Việc chủ ý tự chấm dứt sự sống của tất cả hay phần lớn thành viên của một nhóm hay một kết tập xã hội nguyên vẹn, hoặc trực tiếp thông qua hành vi tự sát thương hay gián tiếp thông qua việc chọn một hướng hành động sẽ dễ đưa đến hoạ chí tử. Các ví dụ bao gồm những sứ mệnh cực kì mạo hiểm của các đơn vị chiến đấu (altruism suicide: tự sát vị tha) và các vụ tự sát của những thành viên giáo phái Peoples’ Temple (Jonestown Mass Suicide), 70 thành viên Order of the Solar Temple (Dòng Đền Mặt trời) ở châu Âu và Canada giữa năm 1994 và 1997, và 39 tín đồ Heaven’s Gate (Cổng Thiên đường) ở San Diego năm 1997. Tự sát đại chúng thường diễn ra theo lệnh của một nhà lãnh đạo có sức mê hoặc và có thể được kích động không phải vì nỗi tuyệt vọng mà bởi ham muốn tìm kiếm một “trạng thái sinh tồn cao hơn” mà nhà lãnh đạo hứa hẹn. Cũng gọi là collective suicide (tự sát tập thể).

1006. Master status: Danh vị chính yếu

Một phương diện được xác định về văn hoá của căn cước một người, như “người mẹ” hay “lực sĩ”, được dùng để hình thành tự quan niệm và chi phối tri kiến của người khác về các nét nổi bật và hành vi của người ấy, do đó có thể ảnh hưởng đến các cơ hội của cuộc đời người ấy. Một danh vị chính yếu mang tính tiêu cực như “cựu tù nhân” thường chứa đựng vết nhơ lâu dài.

1007. Mastery learning: (sự) Học làm chủ (nắm vững)

– Diễn trình đạt được kiến thức trong một môn học hay lĩnh vực, với ý đồ hiểu đầy đủ phạm vi của địa hạt.

– Lí thuyết giáo dục trong đó học liệu được học theo nhiều cách khác nhau qua một loạt buổi, kì học, cho đến khi người học hiểu đủ mức có thể dạy lại cho người khác.

– Sự học được học liệu vượt qua trình độ nhận biết, nhớ lại, và hiểu cơ bản, đến mức tích hợp thức nhận (nhận thức) thấu triệt ở trình độ khái niệm.

1008. Mastery orientaton: (sự) Định hướng làm chủ

Một mẫu thích nghi của hành vi thành đạt trong đó cá nhân vui hưởng và tìm kiếm sự thách thức, kiên gan đối mặt trở ngại, và có xu hướng nhìn thất bại là do thiếu cố gắng hay sử dụng chiến lược sai lầm thay vì thiếu năng lực.

1009. Mastery training: (sự) Huấn luyện làm chủ

Việc huấn luyện mang tính thực nghiệm hay trong đời thực, nhằm chuẩn bị cho cá nhân trước những nghịch cảnh hay xung đột, bằng cách dạy các phương pháp xác quyết và kiểm soát một cách xây dựng các điều kiện môi trường.

1010. Matched-group design: Thiết kế nhóm tương hợp

Một thiết kế thực nghiệm trong đó các nhóm thực nghiệm và kiểm soát tương hợp trên một số biến tố nền tảng trước khi được đưa vào những điều kiện thực nghiệm hay kiểm soát. Các kết quả có được trong những thực nghiêm sử dụng các nhóm tương hợp (hay các nhóm tương đương) như thế có thể được cho là thao túng biến tố độc lập thay vì những khác biệt về đặc trưng của những người tham gia trong các nhóm khác nhau. So sánh với randomized-group design (thiết kế nhóm ngẫu nhiên).

Mục 2000 thuật ngữ Tâm lý học xin phép tạm ngừng ở ki này, sẽ tiếp tục gửi đến quí bạn đọc sau khi hoàn chỉnh phần còn lại. Xin cảm ơn quí bạn đã theo dõi.

Comments are closed.