2000 thuật ngữ tâm lí học (kỳ 14)

Hoàng Hưng

141. Attitude similarity hypothesis: Giả thuyết tương tầm

Cho rằng người ta có xu hướng bị hấp dẫn về phía những ai chia sẻ thái độ và các giá trị của mình trong những địa hạt quan trọng. Giả thuyết được nâng đỡ một cách nhất quán từ các khảo sát theo kinh nghiệm. Cũng gọi là similarity-attraction hypothesis (Giả thuyết hấp dẫn bởi thái độ). So sánh với Need complementary hypothesis (Giả thuyết bổ sung theo nhu cầu – thiếu cái gì tìm cái ấy). [Việt Nam có những thành ngữ: ‘ngưu tầm ngưu mã tầm mã’, ‘đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu’- ND]

142. Attribution theory: Thuyết qui kết

Giải thích rằng người ta nhìn nhận, suy diễn hay gán buộc các nguyên nhân cho hành vi của chính mình hay của người khác. Nghiên cứu căn bản về địa hạt này đã thiết định rằng chúng ta có xu hướng qui kết cho hành vi của người khác những nguyên nhân bên trong, có tính sắp đặt hơn là những nguyên nhân bên ngoài, mang tính tình thế, nếu như hành vi ấy dường như khác với hành vi người ta thường có trong cùng tình thế nhưng lại đặc trưng cho người được phán xét trong những tình thế tương tự hay không tương tự trong quá khứ; nhưng nếu hành vi dường như tương tự hành vi của mọi người trong cùng tình thế nhưng không đặc trưng cho hành vi của người ấy trong quá khứ trong những tình thế tương tự hay khác biệt, thì chúng ta dễ qui kết cho nó những nguyên nhân bên ngoài. Thuyết này được phát biểu đầu tiên bởi nhà tâm lý học Mỹ gốc Áo Fritz Heider (1896-1988) trong những bài viết xuất bản năm 1944 và 1946 và trong sách The Psychology of Interpersonal Relations – Tâm lý học của các quan hệ cá nhân (1958), và được phát triển từ thập niên 1960 đặc biệt bởi các nhà tâm lý học Mỹ Edwards Ellsworth Jones (1926-93) và Harold Harding Kelley (1921-2003).

143. Audible thought: Ý nghĩ nghe thấy

Ảo giác nghe thấy ý nghĩ trong đầu như được nói ra.

144. Audience effect: Hiệu ứng khán giả

Hiệu ứng của những người dự khán thụ động đối với việc thực hiện nhiệm vụ của một cá nhân. Tuỳ theo tính chất của nhiệm vụ, hiệu ứng này có thể là tích cực hoặc tiêu cực.

145. Audio-oculogyric reflex: Phản xạ thính-thị

Phản xạ quay đầu và mắt về phía một âm thanh đột ngột hay không trông đợi.

146. Authoritarianism: Óc chuyên chế

Đặc trưng nhân cách liên kết với tiềm năng đi theo chủ nghĩa phát xít, lần đầu tiên được nhận dạng vào năm 1950 bởi nhà triết học-xã hội học-tâm lí học Đức Theodor Weisengrund Adorno (1903-69) và nhiều cộng sự trong công trình đồ sộ The Authoritarian Personality (Nhân cách chuyên chế). Nó tương liên với óc bài Do Thái, lấy sắc tộc làm trung tâm, óc bảo thủ về chính trị và kinh tế, và không bao dung sự mơ hồ.

147. Autism spectrum disorder: Rối loạn phổ tự kỉ

Rối loạn về phát triển thần kinh, đặc trưng là khiếm khuyết hiển nhiên và lâu bền về tương tác và giao tiếp xã hội; các mẫu hạn hẹp và rập khuôn về hành vi, hứng thú và hoạt động; các triệu chứng có từ thuở nhỏ nhưng có thể chưa thể hiện đầy đủ như về sau trong sự phát triển xã hội, thu nhận ngôn ngữ, hay trong lúc chơi đùa; khiếm khuyết đáng kể mang tính bệnh lí trong những địa hạt khác nhau của đời sống như xã hội, nghề nghiệp…; các triệu chứng không thể qui kết cho tình trạng mất trí năng hay chậm phát triển tổng quát. Các triệu chứng có thể bao gồm việc không đáp ứng về cảm xúc, thiếu tương tác xã hội, không phát triển được các quan hệ chúng bạn, chậm hay thất bại trong phát triển lời nói, ngôn ngữ hoặc hành vi phi ngôn ngữ rập khuôn hay đặc dị, sự đơn điệu, kiểu cách riêng biệt trở thành nghi thức. Rối loạn được mô tả lần đầu vào năm 1943 bởi nhà tâm thần học trẻ em người Mỹ gốc Áo Leo Kanner (1894-1981) và năm 1944 bởi nhà tâm thần học người Áo Hans Asperger (1906-80).

148. Auto-erotism: Sự tự thoả tính dục

(Trong phân tâm học): Một hình thức đặc trưng của hành vi trong tuổi ấu nhi, trong đó một bản năng được thoả mãn mà không cần đến một đối tượng bản năng bên ngoài. Từ này lần đầu được dùng bởi nhà tính dục học người Anh Havelock Ellis (1859-1939) trong sách Studies in the Psychology of Sex – Các nghiên cứu về Tâm lý học tính dục, trong đó ông định nghĩa nó như cảm xúc tính dục tự phát mà không có kích thích bên ngoài dù trực tiếp hay gián tiếp từ người khác. Cũng gọi là auto-eroticism.

149. Autogenic training: Sự huấn luyện tự sinh

Một hình thức tâm lí liệu pháp trong đó người bệnh được hướng dẫn tự thôi miên và phản hồi sinh học (biofeedback) như những kĩ thuật quản lý stress. Bao gồm một chuỗi bài tập tâm trí (lần lượt tập trung vào cảm giác nặng ở tứ chi, ấm ở tứ chi, nhịp tim, hơi thở, ấm ở bụng trên, mát ở trán) nhằm thúc đẩy sự thư giãn về thể chất. Được phát triển ở Đức từ thập niên 1930 đến thập niên 1950 và phổ biến bởi nhà tâm thần học và thần kinh học người Đức Johann Heinrich Schultz (1884-1870). Cũng gọi là autogenics.

150. Autogynephilia: Sự tự nữ hoá

Một tâm thức tà dâm, đặc trưng là sự nổi hứng tình dục của người nam khi nghĩ mình là một người nữ.

Comments are closed.