2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 16)

Hoàng Hưng

161. Bathyaesthesia: Nội cảm

Cảm giác từ những cơ quan tiếp nhận bên trong cơ thể.

162. Battered baby syndrome: Hội chứng trẻ thơ bị hành hung

Thuật ngữ do bác sĩ nhi khoa người Mĩ gốc Đức Charles Henry Kempe (1922-84) đặt ra năm 1962 trong một bài báo, để nói về mẫu tổn thương sinh lí và tâm lí của một đứa bé bởi sự chủ ý lơ là hay đánh đập tàn tệ lặp đi lặp lại của cha/mẹ hay người chăm nom.

163. Battered wife syndrome: Hội chứng người vợ bị hành hung

Một thuật ngữ không mang tính kĩ thuật, được sử dụng một cách không chặt chẽ, để nói về những hậu quả việc lạm dụng về sinh lí và tâm lí thường là đối với một phụ nữ, gây ra bởi người chồng hay bạn tình.

164. Bayley scales of infant development: Thước Bayley đo sự phát triển của trẻ thơ

Một dụng cụ phổ biến để đo sự phát triển của trẻ thơ, bao gồm ba loại: thước đo tâm trí đo trí nhớ, tri giác và những chức năng nhận thức khác; thước đo vận động đo phẩm chất thực hiện vận động; thước đo hành vi trẻ thơ đo hành vi ứng xử xã hội, sự bền bỉ và những nhân tố tổng quát khác. Đặt theo tên nhà Tâm lý học Mỹ Nancy Bayley (1899-1994) người đã đưa phiên bản đầu tiên về thước đo vào năm 1924 và một phiên bản sửa đổi vào năm 1965.

165. Beck depression inventory: Bảng danh mục Beck điều tra chứng trầm cảm

Một bảng câu hỏi được sử dụng rộng rãi, gồm 21 mục, mỗi mục mô tả một biểu hiện hành vi của chứng trầm cảm cùng với khoảng 4-6 phát biểu tự đánh giá, trong đó người được khảo sát chọn cái nào phù hợp nhất với mình. Tổng điểm số từ 0 đến 60 cho thấy độ sâu của chứng trầm cảm. Một phiên bản sửa đổi gọi là Beck depression inventory II được công bố năm 1993. Những bảng danh mục Beck khác được soạn thảo để đo ý tưởng tự vẫn, tuyệt vọng, và lo âu. Được đặt theo tên nhà tâm thần học Aaron Temkin Beck (1921-) là người đầu tiên thảo luận về đề tài này trong một bài báo năm 1961. Viết tắt: BDI hoặc BDI II.

166. Behaviour: Hành vi

Hoạt động thể chất của một cơ thể, bao gồm những động tác cơ thể ngoại hiện và những tiến trình ở các tuyến nội tiết và những tiến trình sinh lí khác, tạo thành tổng số những đáp ứng về thể chất của một cơ thể đối với môi trường. Thuật từ cũng nói về những đáp ứng thể chất chuyên biệt của một cơ thể đối với những kích thích cụ thể. Tiếng Mĩ: behavior.

167. Behavioural contagion: Sự lây lan hành vi

Tên gọi khác của social contagion (lây lan xã hội), đặc biệt khi áp dụng cho hành vi rõ rệt như ngáp.

168. Behaviour contrast: Sự tương phản hành vi

Hiện tượng một cơ thể được phần thưởng ít ỏi cho một đáp ứng cụ thể, sau đó phần thưởng tăng lên, thì xu hướng gia tăng đáp ứng sẽ cao hơn so với trường hợp nhận được phần thưởng cao hơn ngay từ ban đầu. Cũng như thế, nếu phần thưởng giảm bớt so với lúc đầu, thì xu hướng giảm bớt đáp ứng sẽ thấp hơn so với trường hợp món thưởng nhỏ hơn ngay từ ban đầu, nhưng điều này ít chắc chắn hơn. Hình thức tích cực của hiện tượng này cũng được gọi là elation effect – hiệu ứng phấn chấn.

169. Behaviour genetics: Di truyền học hành vi

Một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành về những cơ sở gien di truyền của hành vi của động vật và người.

170. Behaviourism: Chủ thuyết hành vi

Một trường phái Tâm lý học được nhà Tâm lý học Mĩ John Broadus Watson tung ra năm 1913 với mục tiêu lí thuyết là dự báo và kiểm soát hành vi, cắt đứt với Tâm lý học thực nghiệm kinh điển của chủ thuyết structuralism (cấu trúc) vốn không nhấn mạnh việc dự báo, kiểm soát hay hành vi. Watson coi những phương pháp nội quan của thuyết cấu trúc là phi khoa học, ông loại trừ khỏi Tâm lý học mọi thứ không phải hành vi và mượn học thuyết operationalism (thao tác) từ thuyết logical positivism (thực chứng logic), định nghĩa các khái niệm Tâm lý học theo nghĩa đen là những thao tác qua đó ta đo được những khái niệm ấy. Theo chủ thuyết hành vi, gần như mọi hành vi có thể được giải thích là sản phẩm của việc học, và mọi việc học đều chủ ở việc điều kiện hoá. Công trình cùng thời của nhà sinh lí học Nga Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936) mà có vẻ như Watson không biết đến, đã thúc đẩy thêm phong trào hành vi luận khi nó được biết đến ở Mỹ. Người có ảnh hưởng nhất trong thuyết neobehaviourism (thuyết hành vi mới) từ thập niên 1940 là nhà Tâm lý học Mĩ Burrhus Frederic Skinner (1904-90), người khởi xướng việc nghiên cứu operant conditioning (điều kiện hoá tác động). Tiếng Mỹ: behaviorism.

Comments are closed.