2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 36)

Hoàng Hưng

361. Death taboo: Huý kị về chết chóc

Niềm tin rằng cái chết là chủ đề quá nguy hiểm và phiền não, khiến cho ta không chỉ không nên tránh tiếp xúc với người chết, người đang hấp hối, và những người có người thân vừa qua đời, mà còn phải tránh nói về hay thậm chí tránh nghĩ về cái chết. Năm 1959, nhà Tâm lý học người Mĩ Herman Feifel (1915-) nêu lên nhận xét rằng nước Mĩ có thái độ khước từ và tránh né đối với sự chết chóc có thể so sánh với những mẫu khắc nghiệt và cực đoan mà các nhà nhân học quan sát thấy ở nhiều xã hội thị tộc-làng xã (band-and-village societies).

362. Décalage: (sự) Chênh

Một thuật từ được nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) đưa vào để nói về tình trạng đạt được không đồng bộ những năng lực thao tác khác nhau nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau. Horizontal décalage (chênh theo chiều ngang) là sự đạt được không đồng bộ những khía cạnh khác nhau của một thao tác nhận thức trong cùng giai đoạn phát triển, như khi nhận thức về bảo toàn dung tích được dẫn trước bởi bảo toàn khối lượng, và trước nữa là bảo toàn số lượng và chất liệu, tất cả diễn ra trong giai đoạn các thao tác cụ thể; vertical décalage (chênh theo chiều dọc) nói đến những sự thay đổi diễn ra khi đứa trẻ tiến từ giai đoạn phát triển này lên giai đoạn phát triển khác; và oblique décalage (chênh xiên) nói về những sự tinh chỉnh các năng lực ở một giai đoạn phát triển vốn dọn đường cho những sự đạt được ở giai đoạn sau đó.

363. Decentering: (sự) Giải tập trung

một trong các kĩ thuật nhằm thay đổi tư duy tập trung thành tư duy cởi mở. Một người có tư duy tập trung chỉ tập trung chú ý vào một điểm nổi bật trong một thời điểm, bỏ qua những đặc trưng quan trọng khác.

– sự mất thống nhất giữa cái tự thân và căn tính.

364. Deception clue: Dấu hiệu dối trá

Một chỉ dấu về hành vi cho thấy một cá nhân không nói sự thật. Bao gồm những sự bất nhất giữa hành vi tự nguyện và không tự nguyện và những đáp ứng bất bình thường hay quá khoa trương về sinh lí hay cực đoan chỉ có ở người có tội lỗi. Cho đến nay, các nhà khoa học hành vi chưa tìm ra một đáp ứng về hành vi hay sinh lí nào bản thân nó cho thấy liên quan 1/1 với sự dối trá.

365. Defense mechanism: Cơ chế phòng vệ

[trong thuyết phân tâm cổ điển]: Một mẫu phản ứng vô thức mà Cái Tôi sử dụng để tự che chở khỏi nỗi lo âu dấy lên từ xung đột tâm lí. Những cơ chế này đi từ chín chắn đến non nớt, tuỳ theo mức bóp méo thực tế của chúng: DENIAL (CHỐI BỎ) là rất non nớt vì nó phủ nhận thực tế; trong khi SUBLIMATION (THĂNG HOA) là một trong những hình thức phòng vệ chín chắn nhất vì nó cho phép thoả mãn một cách gián tiếp một ước muốn thật sự. Trong những lí thuyết Tâm lý học gần đây, cơ chế phòng vệ được xem như cách thức thông thường để thích ứng với các vấn đề hằng ngày, nhưng việc sử dụng quá mức bất kì cơ chế nào, hay sử dụng những cơ chế non nớt (như DISPLACEMENT – CHUYỂN DỊCH hay REPRESSION – ĐÈ NÉN) vẫn bị coi là có tính bệnh lí. Cũng gọi là escape mechanism (cơ chế đào thoát).

366. Defensive behavior: Hành vi phòng vệ

– Hành vi hung hăng hay chịu khuất phục đáp ứng lại những mối đe doạ có thật hay tưởng tượng làm hại về thể xác hay tâm thần (nhất là về cảm xúc). Con người có thể cắt đứt một cách vô thức sự phê phán của người khác bằng cách đưa ra những lời tự biện bạch hay biểu lộ một phản ứng cảm xúc (như khóc lóc) để hạn chế sự không tán thành hay giận dữ của người khác.

– [trong phân tâm học]: Hành vi có đặc trưng là sử dụng hay lạm dụng các cơ chế phòng vệ ở trình độ vô thức.

367. Deferred imitation: (sự) Bắt chước hoãn lại

Bắt chước một hành động sau khi nhìn thấy nó một thời gian (phút, giờ hay ngày). Jean Piaget đề xướng rằng sự bắt chước hoãn lại được thấy bắt đầu vào khoảng 18 tháng tuổi và phản ánh SYMBOLIC FUNCTION (CHỨC NĂNG TƯỢNG TRƯNG). Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc bắt chước hoãn lại những nhiệm vụ đơn giản có thể quan sát thấy ở trẻ vào cuối năm 1 tuổi.

368. Deficiency love (D-love): Tình yêu khiếm khuyết

[trong Tâm lý học nhân văn của Abraham Maslow]: Một kiểu tình yêu hướng về sự chu toàn (dựa trên nhu cầu thuộc về, tự đề cao, an toàn hay quyền lực) và có đặc trưng là sự phụ thuộc, chiếm hữu, thiếu tương hỗ, và ít quan tâm đến phúc lợi thực của đối tác.

369. Deindividuation: (sự) Giải cá nhân

Một trạng thái tâm lí có đặc trưng là mất đi tinh thần cá nhân và dìm căn cước và tính giải trình của cá nhân trong một nhóm. Trong một số hoàn cảnh, nó có thể dẫn đến sự thư giãn khỏi những ức chế và xả giải hành vi phản xã hội, và đã được dùng để giải thích một số hình thức của hành vi băng nhóm.

370. Déjà vu: (chứng) Đã thấy

Một hình thức rối loạn trí nhớ (paramnesia), nguỵ tín hay hoang tưởng là đã nhìn thấy hoặc đã trải nghiệm một điều trước khi gặp điều ấy thực sự. Những biến dạng ít phổ biến của thuật từ: déjà entendu (đã nghe), déjà éprouvé (đã trải nghiệm), déjà fait (đã làm), déjà pensé (đã nghĩ), déjà raconté (đã kể), déjà voulu (đã muốn). Thuật từ lần đầu xuất hiện trong lá thư gửi ban biên tập tập san Revue Philosophique (Tạp chí Triết học) năm 1876, và trở nên phổ biến sau khi nhà thần kinh học John Hughlings Jackson (1835-1911) sử dụng nó trong một bài báo trên tập san Brain (Não bộ) năm 1888. Hình thức rối loạn trí nhớ này phổ biến nhất ở lứa tuổi 20-25 (75-80%) và càng nhiều tuổi hơn càng ít xảy ra.

Comments are closed.