2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 41)

Hoàng Hưng

411. Disenfranchised grief: (sự, nỗi) Đau buồn không bộc lộ

Sự đau buồn mà xã hội (hoặc một thành phần quan trọng của xã hội) không mong muốn hay có thể không cho phép cá nhân bộc lộ. Chẳng hạn: nỗi đau buồn của cha mẹ đối với đứa bé chết ngay khi mới sinh, của giáo viên đối với học sinh qua đời, của y tá đối với người bệnh tử vong, của người chủ mất thú cưng… Sự đau buồn không bộc lộ có xu hướng cô lập cá nhân có tang khỏi những người khác, do đó cản trở sự phục hồi. Cũng gọi là hidden grief (sự đau buồn giấu kín).

412. Disengagement theory: Thuyết lão an

Thuyết cho rằng tuổi già mặc định sự suy thoái mạnh mẽ trong tương tác xã hội, giảm thiểu không gian sống và mất đi tinh thần xã hội. Theo thuyết này, có sự thoái lui của cá nhân khỏi xã hội và của xã hội khỏi cá nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu duy nghiệm đã cho thấy rằng sự thoái lui hai chiều này không nhất thiết gắn với tuổi già (như được nói trong Activty Theory – Thuyết hoạt động của các nhà Tâm lý học Mĩ TK XX Elaine Cumming và William E. Henry).

413. Dismissive attachment: (sự) Gắn bó mang tính bác bỏ

Một phong cách gắn bó của người lớn kết hợp một hình mẫu gắn bó nội tâm (internal working model of attachment) với bản thân mang tính tích cực, có đặc trưng là nhìn bản thân là có năng lực và đáng yêu, và một mẫu gắn bó nội tâm với người khác mang tính tiêu cực, đặc trưng là nhìn người khác là không đáng tin cậy hay không thể phụ thuộc. Cá nhân có sự gắn bó mang tính bác bỏ được coi là đánh giá thấp tầm quan trọng của các mối quan hệ thân mật và duy trì lòng tự mãn cứng nhắc.

414. Disorders of the self: (các) Rối loạn của cái tự ngã

[trong Self Psychology – Tâm lý học tự ngã]: Những vấn đề của chứng tự si mê (narcissism) kết quả của việc những người khác (như cha mẹ) đáp ứng không đầy đủ các nhu cầu của mình. Theo quan điểm này, sự tự đánh giá, tự gắn bó với bản thân và sức sống của cá nhân xuất phát từ đáp ứng đồng cảm của người khác. Thiếu sự đáp ứng này có thể dẫn đến sự thiếu hụt hay mất khả năng yêu người khác, và tập trung vào bản thân. [được xác định bởi nhà phân tâm học người Áo Heinz Kohut (1913-1981)].

415. Disorganized behavior: Hành vi vô tổ chức

Hành vi tự mâu thuẫn hay không nhất quán. Có thể bao gồm sự e thẹn trẻ con, hành vi vô mục đích, sự náo động không lường trước, hay phản ứng cảm xúc cực đoan (như cười lớn sau một thảm hoạ). Thường thấy ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt.

516. Disorganized thinking: Tư duy vô tổ chức

Trong một số chứng rối loạn tâm trí, nhất là những hình thức tâm thần phân liệt vô tổ chức, là một hình thức rối loạn tư duy biểu hiện ở sự sai trật nhận thức, liên tưởng lỏng lẻo, không ăn nhập với nhau, hay những câu trả lời không liên quan hoặc liên quan gián tiếp đến những câu hỏi đặt ra.

417. Displacement: (sự) Dịch chuyển

[trong phân tâm học]: Một cơ chế phòng vệ chuyển hướng các cảm xúc từ đối tượng gốc sang một đối tượng thay thế chỉ liên quan đến nó nhờ một chuỗi liên tưởng. Mặc dù không mang nghĩa chủ yếu của khái niệm theo quan niệm ban đầu của Sigmund Freud (1856-1939) và sau đó được trình bày chi tiết vào năm 1900 trong sách Diễn giải các giấc mơ và trong những văn bản khác của ông, đối tượng thay thế có thể bớt đe doạ hơn đối tượng gốc, và do đó sự dịch chuyển có thể có hiệu quả tránh được hay giảm bớt lo âu. Dịch chuyển là một cơ chế đặc trưng của tiến trình sơ khai. Trong một bài viết trên tờ La Psychologie (Tâm lý học) vào năm 1957, nhà phân tâm học Jacques Lacan (1901-81) liên hệ sự dịch chuyển với hoán dụ và cơ chế phòng vệ cô đặc với ẩn dụ.

418. Display rule: Qui tắc biểu lộ

Một chuẩn mực hay qui ước văn hoá làm chủ các hoàn cảnh trong đó nét mặt và những biểu lộ tình cảm được phép, bị dồn nén hay cường điệu. Chẳng hạn, trong các nền văn hoá Âu và Bắc Mỹ, cười ngoác miệng khi có người trượt vỏ chuối và ngã sấp mặt bị coi là khiếm nhã, trong khi nên mỉm cười khi chào đón khách dù không thật vui vẻ. Văn hoá Nhật Bản yêu cầu dồn nén biểu lộ tình cảm trong nhiều tình huống mà ở các xứ khác được phép hoặc được khuyến khích, chắc hẳn đó là nguồn gốc của ý niệm phương Đông khó lường.

419. Dissociative identity disorder: Rối loạn căn tính phân li

Một loại rối loạn phân li có đặc trưng là sự hiện diện 2 hay nhiều nhân cách tách rời, mỗi nhân cách có những kí ức riêng và mẫu hành vi riêng, ít nhất 2 trong đó lần lượt trở lại kiểm soát hành vi. Cũng có đặc trưng là chứng mất trí nhớ về thông tin cá nhân ở mức cao hơn tình trạng quên thông thường. Đôi khi được diễn giải như một hình thức hay biến thể của rối loạn stress hậu chấn thương tâm lí, và một số nhà nghiên cứu và thực hành tin rằng nó thường là hậu quả của tình trạng bị lạm dụng thời thơ ấu hay những trải nghiệm chấn thương tâm lí khác, nhưng rối loạn này là chủ đề tranh cãi đáng kể và không được thừa nhận một cách phổ quát. Cũng gọi là multiple personality disorder (rối loạn đa nhân cách) hay split personality (nhân cách phân ly). Thường bị lẫn với (tuy thực tế không liên quan) chứng tâm thần phân liệt.

420. Dissociative movement disorder: Rối loạn vận động phân li

Những hình thức rối loạn phân li trong đó có tình trạng mất một phần hay toàn bộ năng lực thực hiện những động tác cơ thể vốn thông thường được kiểm soát một cách chủ ý, mà không có sự rối loạn rõ ràng của cơ quan. Bao gồm những hình thức phân li của các chứng akinesia (liệt cơ), aphonia (mất tiếng nói), apraxia (mất khả năng điều khiển vận động), ataxia (mất khả năng điều phối cơ), convulsion (co thắt), dysarthria (rối loạn phát âm do mất khả năng điều khiển các cơ phát âm), dyskinesia (mất kiểm soát vận động) và dysstasia (khó đứng). Cũng gọi là dissociative motor disorders hay motor dissociative disorders.

Comments are closed.