2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 50)

Hoàng Hưng

501. Erotic feminism: Chủ nghĩa nữ quyền tính dục

Một kiểu chủ nghĩa nữ quyền nhấn mạnh tính dục nữ và sự biểu đạt của nó như một cách phản đối sự bóc lột phụ nữ và thoát khỏi sự thống trị của nam giới. Tương phản với một số xu hướng khác trong chủ nghĩa nữ quyền dòng chính, những xu hướng này có thể tỏ ra đề phòng, thậm chí đánh giá thấp sự biểu đạt tính dục.

502. Eroticism: Dâm tính, tính khiêu dâm

– Năng lực hứng tình hay khoái cảm khi được kích hứng

– Bận tâm với hay nhạy cảm với kích thích tính dục

– Việc sử dụng những đề tài, hình ảnh, hay khêu gợi gây cảm hứng tính dục trong giải trí hay nghệ thuật

– [trong thuyết phân tâm]: Những cảm giác tính dục liên kết không chỉ với việc kích thích bộ phận sinh dục mà cả với những bộ phận khác của cơ thể như miệng và hậu môn. Cũng gọi là erotism.

503. Erotic plasticity: Mức chịu tác động về tính dục

Mức độ định hình ham muốn và hành vi tính dục của các nhân tố xã hội, văn hoá và tình huống đối với con người. Có giả thuyết cho rằng phụ nữ dễ bị tác động của các nhân tố này hơn nam giới.

504. Erotization: Tính dục hoá 

Sự tham gia của các cơ quan trong cơ thể và các chức năng sinh học hay những hoạt động không chuyên biệt về tính dục vào khoái cảm và thoả mãn tính dục. Ví dụ như sự tính dục hoá một số vùng của cơ thể như miệng hay hậu môn; những cơ quan như núm vú hay da; những chức năng như mút, đại tiểu tiện, hay những hoạt động thị dâm như xem người khoả thân/làm tình; và những khứu cảm liên kết với tính dục. Về mặt lí thuyết, gần như bất kì sự thích thú hay hoạt động nào cũng có thể được tính dục hoá bởi cá nhân, như nhảy múa, ăn… thường không được xem là gợi tình hay chứa những thành phần gợi tình. Cũng gọi là eroticization, libidinization, sexualization.

505. Erotogenic zone: Vùng kích dục

[trong phân tâm học]: Tên khác của erogenous zone, đặc biệt là các vùng miệng, hậu môn và cơ quan sinh dục. Sigmund Freud (1856-1939) vạch ra những ý tưởng đầu tiên của ông về các vùng kích dục trong năm 1896 và 1897 trong những lá thư gửi bạn mình là thầy thuốc người Đức Wilhelm Fliess (1858-1926) rồi công bố lí thuyết vào năm 1905 trong sách Three Essays on the Theory of Sexuality (Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục). Năm 1938, khi xuất bản sách An Outline of Psycho-Analysis (Một đề cương phân tích tâm lý), ông quyết định rằng “thực ra, tất cả cơ thể là vùng kích dục”. Cũng gọi là primary zone (vùng nguyên thuỷ).

506. Erotomania: Chứng cuồng yêu/ cuồng tính dục

– Ảo tưởng được yêu, người yêu thường là người nổi tiếng, có danh giá. Người mắc chứng này thường không có hoặc rất ít liên lạc trực tiếp với người ấy nhưng thường tin rằng người tình bí mật của mình tỏ tình bằng cử chỉ, bằng cách chọn quần áo hay những tín hiệu tế nhị khác. Cũng gọi là Clerambaul’s syndrome.

Luôn bận tâm với những ý nghĩ, hoạt động hay phóng tưởng tính dục

-Hoạt động tính dục thôi thúc, không thoả.

Cũng gọi là aidoiomania.

507. Escape coditioning: (sự) Điều kiện hoá vượt thoát

Một hình thức điều kiện hoá tác động (operant conditioning) trong đó một con vật/người học tránh một kích thích có hại. Điển hình là một con chuột đặt trong một lối đi hẹp và dài có sàn lưới nhiễm điện và có thể vượt thoát khỏi sự kích thích làm đau, bằng cách chạy đến cuối đường và đi vào một hộp đích không nhiễm điện; việc học của nó được chứng tỏ bởi tốc độ chạy ngày càng tăng. Cũng gọi là escape learning (học vượt thoát).

508. E-therapy: Liệu pháp điện tử

Liệu pháp tâm lí thực hiện qua internet, bằng email hay điện thoại. cũng gọi là online counselling/ counseling (tư vấn trên mạng).

509. Eudaimonic well-being: Phúc lạc nội tâm

Một khái niệm cổ đại được đưa vào Tâm lý học hiện đại trong một bai viết trên tờ Journal of Personality and Social Psychology (Tập san nhân cách và Tâm lý học xã hội) năm 1989 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Carol D. Riff (1950-) và nhập vào Tâm lý học thực chứng sau năm 2000. Theo Riff, đó là một kiểu phúc lạc có 6 chiều kích: tự chấp nhận, quan hệ tích cực với người khác, tự chủ, làm chủ môi trường, sống có mục đích, và trưởng thành cá nhân. Ý nghĩa chủ yếu của nó vượt lên trên phúc lạc hưởng lạc (hedonic well-being) ngắn hạn; nó phản ánh cảm nhận của ta về đời sống khi nghĩ về đời sống hơn là cảm nhận khi sống đời sống thực.

510: Eureka moment: Thời điểm eureka

Thời điểm một khám phá được nhà khoa học hoàn tất hay một thấu thị xảy ra. Nhìn chung, là một thời điểm hứng khởi, một trải nghiệm kích động/ có ý nghĩa. [tiếng Hi Lạp: heureka = tôi đã tìm thấy nó].

Comments are closed.