2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 53)

Hoàng Hưng

531. Existential anxiety: (nỗi) Khắc khoải hiện sinh

– Cảm nhận lo âu sợ hãi nói chung vì thấy cuộc đời cuối cùng là vô nghĩa và phù phiếm, con người mình bị cô đơn lạc lõng không chỉ với người khác mà còn với chính mình.

– Cảm nhận nỗi sợ, thậm chí kinh hãi, có thể đi theo việc chọn lựa một điều chứa đựng những cái chưa biết rõ. Cũng gọi là existential anguish.

532. Existential living: (việc) Sống hiện sinh

Khả năng/ tiềm năng sống hết mình trong hiện tại và đáp ứng một cách tự do và uyển chuyển đối với trải nghiệm mới mà không sợ hãi. Được coi là đặc điểm trung tâm của FULLY FUNCTIONING PERSON (con người vận hành hoàn toàn đầy đủ) [định nghĩa trong Tâm lý học của Carl Roger].

533. Existential psychology: Tâm lý học hiện sinh

Một cách tiếp cận tổng quát với lí thuyết và thực hành Tâm lý học phái sinh từ thuyết hiện sinh. Nhấn mạnh nghĩa chủ quan của trải nghiệm nhân sinh, sự độc nhất của cái cá nhân, và trách nhiệm cá nhân phản ánh trong việc chọn lựa. Cách tiếp cận được tiên phong bởi nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Ludwig Binswanger (1881-1966).

534. Existential psychotherapy: Liệu pháp tâm lí hiện sinh

Một hình thức liệu pháp tâm lí xử sự với cái tình huống toàn thể BÂY GIỜ, Ở ĐÂY của người bệnh hơn là những động lực quá khứ hay nằm bên dưới. Nhấn mạnh việc khai thác và phát triển ý nghĩa cuộc sống, tập trung vào các trải nghiệm cảm xúc và ra quyết định, nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân đối với sự sinh tồn của chính mình.

535. Existential vacuum: (sự) Trống rỗng hiện sinh

Không có năng lực tìm ra hay tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống, dẫn đến cảm nhận trống rỗng, xa lạ lạc lõng, phù phiếm và vô mục đích. Phần lớn triết gia hiện sinh đã coi sự vô mục đích là triệu chứng hay căn bệnh cốt yếu của thời hiện đại.

536. Experimental psychology: Tâm lý học thực nghiệm

Nghiên cứu các tiến trình tâm lí như thức nhận (bao gồm tri nhận, ký ức, suy nghĩ và ngôn ngữ), học và kĩ năng, thông qua các thí nghiệm được kiểm soát. Thuật ngữ này nguyên dược áp dụng cho bất kì việc nghiên cứu Tâm lý học nào sử dụng các phương pháp thực nghiệm, nhưng sau đã mang những hàm nghĩa chuyên biệt.

537. Explicit memory: Kí ức hiển lộ

Kí ức được bộc lộ khi thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi nhớ lại một cách ý thức những thông tin đã được học. Thuật ngữ được giới thiệu bởi nhà Tâm lý học Canada Peter Graf (1951-) và nhà Tâm lý học Mĩ Daniel I. Schacter (1952-) trong một bài viết trên tờ Journal of Experimental Psychology: Learning, Memory and Cognition – Tập san Tâm lý học Thực nghiệm: Học, Kí ức và Thức nhận

538. Exploitation orientation: (tật) Định hướng lợi dụng

[trong thuyết Tân Freud]: thuật ngữ được sử dụng bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Đức Erich Fromm (1900-80) để chỉ một kiểu tính cách chuyên tìm cách lấy đồ vật của người khác bằng vũ lực hay lừa lọc, một ví dụ cực đoan là người mắc chứng tật ăn cắp vặt (táy máy).

539. Exploratory research: (sự) Tìm tòi khai phá

Sự tìm tòi không rõ ràng là có ý định kiểm chứng các giả thuyết (như trong các nghiên cứu cơ bản) hoặc giải quyết những vấn đề thực hành (như trong các nghiên cứu ứng dụng) mà được sử dụng để đột nhập vào những lãnh thổ chưa quen biết khi nghiên cứu những hiện tượng mới hoặc được hiểu sơ, nông.

540. Expressive behaviour: Hành vi biểu đạt

Hành vi cho thấy các cảm xúc hay nhân cách. Ở con người, hành vi này đặc biệt diễn ra thông qua vẻ mặt, mặc dù cũng có thể thông qua những kiểu thể hiện tình cảm khác, cách ăn mặc, tuồng chữ, v.v.

Comments are closed.