2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 75)

Hoàng Hưng

751. Identity diffusion: (sự) Khuếch tán căn tính

– Sự thiếu ổn định hay tập trung trong cái nhìn về bản thân hay trong bất kì yếu tố nào của căn tính cá nhân.

– (trong tác phẩm Ego Psychology (Tâm lý học Cái Tôi) của Erik Erikson) Thành quả có thể có của giai đoạn IDENTITY VERSUS ROLE CONFUSION (Căn tính đối đầu với sự bối rối về vai trò) trong đó cá nhân xuất hiện với một ý thức không chắc chắn về căn tính và bối rối về ước muốn, thái độ và mục tiêu của mình.

752. Identity disorder: (sự) Rối loạn căn tính

Một rối loạn kinh niên, thường vào cuối tuổi thiếu niên, trong đó các cảm thức không chắc chắn và trầm cảm sinh ra bởi những vấn đề căn tính như các mục tiêu dài hạn, định hướng tính dục và hành vi, sự trung thành với nhóm, các giá trị đạo đức, và sự đồng nhất về tôn giáo.

753. Identity foreclosure: (sự) Chấp nhận căn tính được cho

Trong sự phát triển căn tính, là sự chấp nhận không thắc mắc (thường ở thiếu niên) vai trò, các giá trị, và mục tiêu mà người khác (như cha mẹ, bạn thân, thầy giáo, huấn luyện viên…) đã chọn cho mình. Sự cam kết của cá nhân với căn tính được cho xảy ra khi không có sự tìm hiểu giá trị của nó hay không nghiền ngẫm những vai trò có thể lựa chọn mà có thể thích hợp hơn với mình.

754. Identity, negation, reciprocal, and correlative operations: (các) Thao tác nhận diện, phủ định, tương hỗ và tương liên

(trong lí thuyết Jean Piaget về phát triển nhận thức) Nhóm bốn thao tác hình thức logic áp dụng vào những mẩu thông tin mới trước khi biến thành kiến thức. Những thao tác này có thể được minh hoạ bằng việc xem xét một đồng xu và một đồng chinh cả hai có hình đầu người. Thao tác nhận diện (I) không làm cho tình thế thay đổi. Thao tác phủ định (N) tình thế: nếu đồng xu đã được quay mặt ngửa, thì thao tác N lật lại mặt xấp. Thao tác tương hỗ (R) đáp lại thao tác trước đó: nếu thao tác trước quay đồng xu ngửa lên, thì thao tác R sẽ quay đồng chinh ngửa lên. Thao tác tương liên (C) đảo lại thao tác tương hỗ: nếu thao tác R quay đồng xu ngửa lên, thì thao tác C sẽ quay cả hai đồng xu và đồng chinh ngửa lên. Piaget cho rằng những thao tác logic này thực ra là các thao tác thức nhận (nhận thức) mà người có tư duy thao tác hình thức áp dụng để giải quyết các vấn đề.

755. Identity theory: Thuyết căn tính

Thuyết cho rằng các tâm trạng đồng nhất với các não trạng. Trong token identity theory (thuyết căn tính qua dấu hiệu), các trạng thái căn tính của tâm trí và các trạng thái căn tính của bộ não xảy ra bên trong cái cá nhân. Type identity theory (thuyết căn tính kiểu loại) mở rộng thuyết này tới thuyết cho rằng khi hai hay nhiều người chia sẻ một tâm trạng (như niềm tin là băng thì lạnh) thì họ cũng có cùng não trạng. Cũng gọi là central state theory (thuyết trạng thái trung tâm), identity theory of the mind (thuyết căn tính của tâm trí).

756. Identity versus role confusion: Căn tính đối đầu với sự bối rối về vai trò

Giai đoạn thứ 5 trong 8 giai đoạn phát triển của Erikson, đánh dấu bằng khủng hoảng căn tính trong tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn này, cá nhân có thể trải nghiệm một MORATORIUM (thời kì tạm ngưng) về tâm lí xã hội, cho phép thực nghiệm với các vai trò xã hội. Cá nhân có thể “thử” những vai trò khác nhau và đồng nhất mình với những nhóm khác nhau trước khi hình thành một căn tính cố kết, tích cực cho phép mình đóng góp cho xã hội; xen kẽ với diễn trình ấy, cá nhân có thể đồng nhất mình với những nhóm dị biệt để hình thành một căn tính tiêu cực, hay có thể vẫn bối rối về căn tính của mình, một trạng thái mà Erikson gọi là IDENTITY DIFFUSION (sự khuếch tán căn tính).

757. Ideomotor activity: Hoạt động ý vận

Vận động, trong một số trường hợp là công phu kĩ lưỡng, liên quan đến những ý tưởng đang diễn ra, nhưng sản sinh ra kết quả không tuân theo ý chí. Hoạt động ý vận giải thích nhiều hiện tượng đa dạng, bao gồm các cử chỉ không lời trong khi trò chuyện và những hiện tượng tâm linh khác nhau. Cũng gọi là ideomotor action (hành động ý vận)

758. Ideomotor theory: Thuyết ý vận

Giả thuyết cho rằng các hành động được khơi gợi một cách xung động bởi những hình ảnh tâm trí và được thực hiện một cách tự phát không có sự ức chế. Do đó, nó tuyên bố là các hình ảnh có quyền lực tạo động lực. Do Williams James đề xuất.

759. Idiogamist: Người đặc giao

Một người chỉ có thể đáp ứng tính dục đầy đủ với chồng/ vợ mình, không thể hoặc không đáp ứng thích đáng với những đối tác khác. Thường là người đàn ông không thể hoặc không duy trì được sự cương dương với ai khác ngoài vợ mình (hay, đôi khi, ngoài những phụ nữ giống vợ mình).

760. Idiographic: (tính) Cá biệt

Liên quan đến việc mô tả và hiểu một trường hợp cá biệt, đối lập với việc phát biểu những luật tổng quát NOMOTHETIC. Các nhà Tâm lý học Mĩ Kenneth MacCorquadale (1919-86) và Paul Meehl nhận diện đó là hai truyền thống tương phản trong việc giải thích các hiện tượng tâm lí. Một phương pháp idiographic liên can đến việc nghiên cứu thấu đáo, kĩ lưỡng một con người hay trường hợp đơn lẻ nhằm có được sự hiểu sâu về con người hay trường hợp ấy, tương phản với việc nghiên cứu các phương diện phổ quát của các nhóm người hay trường hợp. Trong những địa hạt Tâm lý học mà con người cá nhân là đơn vị phân tích (như Tâm lý học nhân cách, phát triển hay lâm sàng), phương pháp cá biệt có sự lôi cuốn, vì nó tìm kiếm đặc trưng của một cá nhân riêng biệt, nhấn mạnh các nét nổi bật đặc trưng của cá nhân ấy và tính độc nhất của hành vi và sự hiệu chỉnh của cá nhân, hơn là sản sinh một bộ kiến trúc Tâm lý học phổ quát có thể áp dụng cho một tập thể dân chúng.

Comments are closed.