2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 79)

Hoàng Hưng

791. Incidental learning: (sự) Học tình cờ

Sự học không có dự kiến, cố ý hay chủ ý, và học được như kết quả của một hoạt động tâm trí khác, có thể không liên quan. Một số lí thuyết gia tin rằng việc học nhiều khi diễn ra mà không hề do chủ ý học, xảy ra tình cờ với việc xử lí thức nhận (nhận thức) thông tin khác.

792. Incident process: Diễn trình tình cờ

Một hệ thống trong đó người học bắt đầu với các dữ kiện bất cập và hỏi những câu hỏi để có được thông tin bổ sung. Người dạy có mọi dữ liệu nhưng chỉ bộc lộ một ít vào lúc bắt đầu, rồi bộc lộ thêm khi trả lời những câu hỏi cụ thể, để cho nhóm người học có thể đi đến quyết định. Hệ thống được thiết kế để dạy kĩ năng phân tích, tổng hợp, và phát vấn, thích hợp với việc giải quyểt vấn đề và các kĩ thuật khảo sát.

793. Inclusion: (sự) Học gộp

(trong giáo dục) Phương pháp dạy các học sinh thiểu năng, bao gồm mọi bậc trí khôn, chỉ trừ những người ở dưới một trình độ tối thiểu, gộp vào chung một lớp với những học sinh khác, theo một cách đáp ứng nhu cầu của mọi học sinh.

794. Incongruity theory of humor: Thuyết tréo ngoe trong hài hước

Một cách giải thích khả năng hài hước gây cười, nhấn mạnh việc đặt kề nhau những yếu tố không tương thích hay mâu thuẫn. Những lí thuyết như thế có nguồn trong công trình của triết gia người Đức Immanuel Kant (1724-1804) và Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia người Anh Herbert Spencer (1820-1903), và Sigmund Freud.

795. Incorporation: (sự) Nội nhập

(trong thuyết phân tâm) Hoang tưởng rằng mình đã tiêu hoá một vật bên ngoài, vật ấy được cảm thấy hiện diện một cách vật lí bên trong cơ thể. Theo thuyết này, hiện tượng xảy ra đầu tiên trong giai đoạn Miệng, khi đứa trẻ hoang tưởng rằng mình đã tiêu hoá vú mẹ. Incorporation (nội nhập) thường bị lẫn với Identification (đồng nhất hoá)Introjection (tiếp nhập).

796. Incorporation dream: Giấc mộng nội nhập

Một giấc mộng có nội dung hoàn toàn hay một phần lấy từ kích thích giác cảm (cảm giác) xảy ra cùng trong lúc ấy.

797. Incubation of anxiety: (sự) Ấp ủ lo âu

Sự gia tăng một lo âu có điều kiện xảy ra với sự trình hiện một kích thích có điều kiện nhưng không được củng cố. Chẳng hạn, một người mắc chứng ám sợ nhện có thể trở nên sợ nhện hơn mỗi khi gặp một con nhện, ngay cả khi không có lần nào đi kèm với một sự cố chấn thương như bị nhện cắn. Lần đầu được đề xướng bởi Hans Eysenck như nền tảng của thuyết điều kiện hoá của bệnh thần kinh.

798. Independent living: (sự) Sống độc lập

Một phong trào cải cách triết học và dân sự cổ vũ các quyền của những người thiểu năng được tự quyết cuộc sống của mình và là thành viên đầy đủ, năng sản của xã hội, có được những quyền tự do và cơ hội giống như những cá nhân không bị thiểu năng. Trung tâm của triết lí này là các khái niệm về tự quyết và tự trọng, sự hỗ trợ đồng đẳng, và các cải cách chính trị xã hội. Các Centers for Independent Living (CIL) (Trung tâm Sống độc lập) là những tổ chức vô vị lợi có nhân viên điều hành là những cá nhân thiểu năng, khuyến khích sự tự túc và tự quyết bằng cách cung cấp thông tin và các dịch vụ tham vấn, tư vấn đồng đẳng và huấn luyện sống độc lập. CIL cũng nhân danh các cá nhân thiểu năng bênh vực pháp lí và đấu tranh cho sự thay đổi về xã hội của họ.

799. Independent phenomena: Hiện tượng độc lập

(trong Parapsychology – Cận tâm lí học) Bất kì hiện tượng bất bình thường nào có vẻ như xảy ra độc lập với mọi nhân tố con người, không thể gọi là Telepathy (thần giao cách cảm) hay Psychokinesis (tâm vận). Có thể bao gồm những dữ kiện ghi lại hình và âm thanh của hoạt động poltergeist (ma hiện) trong các nhà trống.

800. Independent self-construal: (sự) Chủ quan độc lập về bản thân

Một cái nhìn chủ quan về bản thân nhấn mạnh những nét nổi bật và thành tích độc đáo của bản thân và hạ thấp sự gắn vào một mạng lưới các quan hệ xã hội.

Comments are closed.