BÁO CHÍ CÔNG DÂN VÀ QUYỀN LỰC THỨ 5

(Dành tặng cho các nhà báo công dân mà tôi vẫn hàng ngày được đọc họ- ND )

Internet thường được gọi là thế giới mạng. Dẫu rằng người ta gọi nó là ảo, phải thừa nhận rằng giờ đây nó hiện diện ở tất cả mọi nơi, có mặt ở bên cạnh chúng ta 24h trong một ngày,7 ngày trong một tuần. Đó là một thế giới mà bất cứ ai cũng có thể gia nhập và “ sống” ở đó một “đời sống” tuyệt đối tự do. Không có những luật lệ hay hệ thống quyền lực nào áp đặt ở đây. Dù bạn là một nhà tài chính, một luật gia hay một người làm công ăn lương, trên Internet, chỗ đứng của bạn hoàn toàn ngang hàng với những người khác. Mọi công dân đều có quyền đưa ra ý kiến của cá nhân mình về mọi hiện tượng trong đời sống xã hội, mọi vấn đề thời sự. Đối mặt với những làn sóng truyền thông mới trỗi dậy đó, không ít nhân vật của báo chí chính thống đang bày tỏ sự phẫn nộ, chí ít là sự bực bội khó chịu. Họ lên tiếng cảnh báo về những xì-căng-đan và những mối hiểm nguy. Họ tuyên bố rằng cái gọi là báo chí công dân chẳng qua chỉ là một thứ báo chí nghiệp dư trá hình. Một câu chất vấn thông minh hay là một sự cáo buộc vô lý dựa trên những định kiến sai lầm? Nếu báo chí công dân được kêu gọi, được trao gửi hy vọng để trở thành một quyền lực thứ 5, điều đó gắn với những cơ hội kiến tạo một xã hội dân chủ, tất nhiên với những điều kiện nhất định nào đó.

Từ báo chí đến báo chí công dân

Một nhà báo là một người chuyên nghiệp. Báo chí là một nghề. Không phải bất cứ ai muốn là có thể trở thành nhà báo. Và nhà báo là những người được trả tiền để viết những bài báo liên quan đến các chủ đề mang tính thời sự. Để trở thành nhà báo, họ phải trải qua những khóa đào tạo để có thể dần dần tiếp cận với nghề nghiệp này. Nhìn tổng quan, yêu cầu cao nhất của báo chí là tính khách quan và sự trung thực. Một nhà báo hay còn được gọi là những thông tín viên là một người mang đến những thông tin, thông tin cấp cho độc giả phải là thông tin “nguyên bản”, như nó đã là vậy. Nhà báo phải có khả năng trình bày những thông tin đó một cách đơn giản nhất có thể và không được phép trộn lẫn vào đó các ý kiến chủ quan của mình. Độc giả đọc bài báo là để biết tới các sự kiện chứ không phải để tìm hiểu ý kiến của tác giả bài báo về các sự kiện đó. Cái chức năng này của báo chí giờ đây càng ngày càng tạo ra những xung đột và tranh cãi. Giờ đây người ta luôn ca thán và chỉ trích sự tha hóa và gian dối của các phương tiện truyền thông. Công chúng đọc báo trong một tâm thế đầy ngờ vực. Việc các tập đoàn tài chính hùng mạnh tung tiền để trở thành ông chủ của các phương tiện truyền thông, vươn những chiếc vòi của họ ra để nắm chặt các tờ báo lại càng làm cho dư luận điên tiết hơn.

Giờ đây các phương tiện truyền thông không những bị chỉ trích vì đã tìm cách gây ảnh hưởng lên xã hội bằng lối thông tin thiếu khách quan về những vấn đề thời sự, công chúng thậm chí còn đi đến chỗ nghi ngờ rằng những thông tin mà  báo chí nhồi nhét cho họ, những cảnh trên truyền hình trình chiếu cho họ xem chỉ là những thứ “sự thật” được các tòa báo “chế tác” tại tòa soạn hay dàn dựng tại trường quay mà thôi! Các phương tiện truyền thông cũng không ít lần cao giọng phê phán chỉ trích hiện tượng này, tất nhiên đối tượng bị chỉ trích là những đồng nghiệp của họ, làm việc ở những tờ báo khác chứ không phải là tờ báo của họ. Kết quả rất rõ ràng, không một tờ báo nào là đáng tin cậy nữa. Nhưng thay vì trở thành một vấn đề nan giải của báo chí, những vụ xì – căn – đan như vậy lại trở thành những con át chủ bài! Chúng trở thành những vấn đề thời sự nóng hổi. Báo chí không ngớt bàn tán về những khủng hoảng , tha hóa xuống cấp của báo chí, những vụ dối lừa, những phóng sự bịa đặt của báo X, truyền hình Y… Đọc những tin tức ấy, người đọc tưởng chừng như đang có một cuộc tự sát tập thể của các tờ báo. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, những người đọc lại tiếp tục xếp hàng mua báo để được biết về những câu chuyện đó, người cung cấp thông tin chẳng ai khác ngoài những nhà báo đó. Kết quả: Báo chí lại thắng đậm.

Vào những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, gió đã đổi chiều. Thời hoàng kim của báo giấy đã lụi tàn. Những tờ báo giấy, trong quá khứ đầy vẻ kiêu ngạo và tự tôn, giờ đây dường như đã bị những người đọc vứt qua một bên. Người ta không ra quầy báo để mua thông tin nữa, tất cả đều có thể đọc ở “ trên mạng”. Những phương thức truyền tải thông tin vô cùng đơn giản và phong phú. Tất cả các tập đoàn truyền thông, các tờ báo lớn đều chen chúc ở đó, “ trên mạng”. Thế giới của ngày mai, nhưng đã là bá chủ từ ngày hôm nay. Nếu như báo giấy ngày xưa đã tạo cho độc giả của nó khi cầm tờ báo một dáng vẻ sang trọng lịch lãm thì ngày nay cái thứ “mạng” này, cái hệ thông truyền tin này len lỏi đến tận ngóc ngách của mỗi gia đình, trong buồng ngủ, trong toilet, 24h trong ngày, 7 ngày trong tuần và trở nên một nhu cầu không thể thiếu cho mỗi cá nhân ở mọi lứa tuổi. Tất cả mọi thông tin giờ đây muốn được biết đến sẽ phải bước qua cánh cửa Internet, đó là một sự thật không thể chối cãi. Hơn thế nữa, bất cứ người đọc nào nếu muốn, cũng có thể trở thành tác giả. Những độc giả khó tính, không bằng lòng với những thông tin mình được tiếp nhận, giờ đây có thể tự mình chỉnh sửa nó. Họ có thể tự coi mình là một nhà báo và tung bài lên mạng. Ngay lập tức cả thế giới, về nguyên tắc, có thể đọc chúng, và như thế, một người đọc bình thường trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cũng có thể chiếm giữ một vị trí ngang bằng của một nhà báo. Anh ta không chỉ là người tiêu thụ sản phẩm của các nhà báo, anh ta đã trở thành một địch thủ của chính các nhà báo.

Sự khác biệt giữa nhà báo nghiệp dư và nhà báo công dân

Một câu hỏi được đặt ra: viết để làm gì? Tại sao lại phải gánh vác cái công việc của một nhà báo khi mà đã có quá nhiều người được đào tạo chuyên nghiệp, được trả tiền để làm việc này.Với đa phần những người tung bài lên mạng, mục đích của họ rất rõ ràng: Được cộng đồng biết đến bằng mọi giá.  Cách nào để được biết đến không quan trọng, miễn là được biết đến, được thừa nhận. Người viết bài dạng đó chỉ có một mục đích: có được sự quan tâm, thừa nhận, tán thưởng của cộng đồng cư dân mạng. Nhưmột đứa trẻ, những người đó đắm chìm trong thế giới mạng để trốn tránh thực tại và mơ tới những hào quang của niềm vinh quang.

Thứ báo chí mà những cư dân mạng kiểu như trên đeo đuổi thực chất đó là một thứ báo chí nghiệp dư. Những nhà báo nghiệp dư đó vào buổi sáng hối hả đến chỗ làm, buổi chiều mệt mỏi trở về nhà, đôi lúc họ tranh thủ giữa giờ làm việc viết một vài bài báo về những chuyện thời sự mà họ quan tâm. Là người làm công hay kẻ thất nghiệp, những người này, thông qua Internet, đều có thể tham gia vào trò chơi báo chí.Trở thành người viết báo nghiệp dư. Dù đam mê đến đâu, họ vẫn chỉ là một người viết nghiệp dư.

Tính nghiệp dư trong công việc viết lách của những con người này đặt ra một số vấn đề, thậm chí là một số nguy cơ.Thực vậy, những nhà báo nghiệp dư này thường là những người đã từng nuôi một mơ ước trở thành nhà báo chuyên nghiệp và đã không đạt được. Tình trạng này giống như một người bắt đầu bằng việc chơi thể thao nghiệp dư và nuôi một mơ ước dành được các kỷ lục quốc gia hay thế giới. Nhưng truyền thông là một hoạt động xã hội có mục đích thông tin tới công chúng về những sự kiện trong thế giới mà họ đang sống. Điều đó giải thích vì sao báo chí là một nghề nghiệp. Thông tin dược truyền tải tới công chúng là thành quả lao động của một người chuyên nghiệp. Nó phải được kiểm soát. Không phải bất cứ chuyện gì cũng đem kể cho công chúng nghe. Nhà báo cũng không phải là người kể về một câu chuyện nào đó mà là người truyền tải thông tin tới cho công chúng bằng một phương cách đơn giản và ngắn gọn nhất có thể. Họ phải giữ mình ở một khoảng cách nhất định với các sự kiện. Việc đưa ra đánh giá là của người đọc. Đó là cái chúng ta gọi là tính khách quan của báo chí. Báo chí không được phép gây ảnh hưởng lên những đánh giá nhận định của người đọc. Chức năng của báo chí là cung cấp thông tin, tạo điều kiện tốt nhất giúp người đọc có thể đưa ra được những nhận định của riêng mình.

Sự tồn tại của báo chí tự do và khách quan thể hiện sự có mặt của nền dân chủ trong đời sống, là bệ đỡ vững chắc cho nền dân chủ. Điều đó giải thích vì sao báo chí phải gánh vác trách nhiệm là quyền lực thứ 4 trong đời sống xã hội. Chính vì thế báo chí thể hiện quyền năng đặc thù của mình trong một lĩnh vực: phóng sự điều tra. Phóng viên, như tên gọi của mình, phải mang tới sự thật cho công chúng sau một cuộc điều tra lâu dài và kỹ lưỡng, cẩn thận chu đáo. Báo chí phóng sự điều tra vì thế lấy mục đích tồn tại của mình là bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ những cá nhân nhỏ bé, dễ bị áp bức và tổn thương trong xã hội. Vì thế mọi tờ báo, mọi phương tiện truyền thông, dù được công ty hay tập đoàn hùng mạnh nào đầu tư hay tài trợ, không bao giờ được phép biến thành nơi che giấu hay chứa chấp những xảo ngôn, những hoạt động thao túng hay “dắt mũi” dư luận để đạt tới một mục đích nào đó. Trong trường hợp nếu điều đó xẩy ra, nền dân chủ thực sự bị đe dọa. Lý do rất dễ hiểu, trong một xã hội dân chủ, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi công dân phải được tôn trọng như nhau, có cơ hội phát triển như nhau. Dân chủ, đó là con đường duy nhất đúng để kiến tạo một xã hội hài hòa và ổn định. Chính vì thế báo chí, quyền lực thứ 4 trong xã hội cũng phải được kiểm soát và có đối trọng. Với sự xuất hiện của Internet, việc đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Đó là lí do giải thích cho sự ra đời của nền báo chí công dân. Nếu dòng báo chí nghiệp dư trên Internet khởi nguồn từ niềm đam mê thì nền báo chí công dân trên Internet lại khởi nguồn từ tinh thần trách nhiệm.

(còn tiếp)

Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp: Richard Patrosso. Journalisme citoyen et cinquième pouvoir

https://www.facebook.com/notes/duong-thang/b%C3%A1o-ch%C3%AD-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-v%C3%A0-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-th%E1%BB%A9-5/10153111547676137?notif_t=note_tag

Comments are closed.