Báo chí, quan chức và người nổi tiếng – Kỳ 2: Cuộc chiến lịch sử giữa báo chí và chính phủ Mỹ

Hoàng Hải Vân

(TNO) Ben Bradlee, nhà báo lừng danh nước Mỹ, nguyên Chủ bút tờ Washington Post vừa qua đời ngày 21-10-2014 ở tuổi 93. Người Việt Nam chúng ta phải chịu ơn ông, vì chính ông và tờ báo của mình cùng tờ New York Times, đã tạo ra một sự kiện báo chí lớn nhất thế kỷ 20, góp phần ngăn chặn các mưu đồ mở rộng chiến tranh Việt Nam.

>> Báo chí, quan chức và người nổi tiếng – Kỳ 1: Từ hai vụ án lịch sửclip_image001

Chủ tịch Washington Post Katharine Graham (trái) và Chủ bút Ben Bradlee (phải) tươi cười sau khi thắng kiện – Ảnh: aticle.wn.com

Nhân vật trung tâm của sự kiện báo chí này là tiến sĩ Daniel Ellsberg, một chuyên viên cao cấp của tập đoàn nghiên cứu chiến lược Rand và là sĩ quan cao cấp của Lầu Năm Góc, người đã xóa bỏ lời thề trung thành với cấp trên để trung thành với đất nước, khi công bố toàn bộ 47 tập với 7.000 trang tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam – những tài liệu nói lên sự dối trá của 5 đời Tổng thống Mỹ.

Ellsberg không tin mình sẽ được tòa án bảo vệ, nhưng ông chấp nhận tất cả. Đầu tiên ông chưa nghĩ là sẽ công bố những tài liệu đó trên báo chí, mà tìm cách đưa cho Quốc hội. Ông đã lần lượt tiếp xúc với 3 nghị sĩ danh giá và nổi tiếng chống chiến tranh lúc đó là Fullbright, McGovern và Mathias, nhưng những người này, mặc dù ủng hộ ông, nhưng đã từ chối, vì họ không đủ tầm cỡ đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích đảng phái của họ. Không còn cách nào khác, ông phải thông qua một nhà báo ông quen biết, là ký giả Neil Sheehan, để bí mật chuyển tài liệu đến tờ New York Times.

Ngày 13.6.1971, New York Times khởi đăng tài liệu trên trang nhất. Nước Mỹ chấn động. Ngày 15.6, khi đăng đến kỳ thứ 3, Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell gửi một bức thư đến tòa soạn yêu cầu ngừng đăng và giao lại bản sao tài liệu. New York Times từ chối. Ngay trong chiều hôm đó, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, tòa án quận cấp liên bang tại New York ra lệnh cấm New York Times đăng tiếp tài liệu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một lệnh cấm của tòa án liên bang ngăn cản một tờ báo in một câu chuyện nhiều kỳ. New York Times kháng án.

Theo đề nghị của một người bạn, Ellsberg liên lạc với Washington Post, hỏi họ có cần tài liệu đó không và nếu có họ có đăng được không, chủ bút Ben Bradlee nói : “Trong trường hợp tôi có được những tài liệu đó và nếu chúng không được đăng trên số báo ngày hôm sau, thì tờ Washington Post sẽ có một chủ bút mới”.

Ngày 18.6, Washington Post khởi đăng loạt bài đầu tiên. Lập tức Bộ Tư pháp yêu cầu ngừng đăng. Washington Post từ chối. Chính phủ Mỹ đưa Washington Post ra tòa, nhưng tòa bác yêu cầu của Chính phủ. Ngay trong đêm, Chính phủ Mỹ kháng cáo. Tòa trên bác phán quyết của tòa dưới, yêu cầu xử lại. Ngày 21.6, Tòa dưới xử lại và lại bác yêu cầu của Chính phủ, Washington Post được đăng tiếp. Ngày 22.6, New York Times cũng thắng, tiếp tục đăng Hồ sơ. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, mà phải đưa lên tòa tối cao.

Trong thời gian này, Washington Post chuyển một bộ tài liệu đến Thượng nghĩ sĩ Mike Gravel. Gravel là thượng nghị sĩ duy nhất dám nhận Hồ sơ và làm tất cả những gì ông có thể để đưa ra Quốc hội và phân phát cho báo chí. Ông dũng cảm làm điều đó mà không có bất cứ sự bảo đảm nào về quyền miễn trừ cho hành động của mình, ông có nguy cơ mất chức. Nhưng nhờ đó mà sau khi New York TimesWashington Post đăng tải tài liệu và bị cấm, 17 tờ báo khác đồng loạt vào cuộc. Các đài truyền hình và phát thanh cũng vào cuộc, thách thức chính quyền Mỹ. Ngay cả tạp chí TIME, là tờ luôn ủng hộ chính quyền Mỹ tiến hành chiến tranh, vẫn không đứng ngoài cuộc. Toàn giới truyền thông Mỹ nhập vào dàn đồng ca.

Ellsberg phải hoạt động bí mật để tránh sự truy tìm của FBI, không phải ông sợ bị bắt, mà để tranh thủ thời gian phân phát thêm tài liệu. Ngày 25.6, người ta ký lệnh bắt giam ông nhằm đưa vào hồ sơ trước khi Tòa tối cao họp về vụ New York TimesWashington Post. Ông đã chủ động đến tòa án liên bang, không để cho FBI bắt dọc đường và được tại ngoại sau khi nộp 50.000 đô la bảo lãnh.

clip_image003

clip_image004

clip_image002

clip_image005

Các số báo New York Times, Washington Post và Time đăng tài liệu mật Lầu Năm Góc

Chiều 30.6.1971, Tối cao pháp viện với 6 phiếu thuận, 3 phiếu chống, đã hủy bỏ tất cả các lệnh cấm và gạt bỏ mọi trở ngại cho việc đăng tải Hồ sơ Lầu Năm góc. New York TimesWashington Post thắng kiện. Tòa phán rằng, “không có đủ cơ sở để Tổng thống có thể nói rằng an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng do việc xuất bản thông tin đó. Tòa cho rằng, Hiến pháp đã có một sự dự liệu quan trọng nhằm chống lại sự can thiệp quyền tự do báo chí. Trong khi có thể thuyết phục Tòa rằng việc báo chí xuất bản các tài liệu mật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thì Chính phủ đã thất bại trong việc chứng minh điều đó trong trường hợp cụ thể này”. “Sự dự liệu quan trọng” đó là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Nhưng người ta không tha cho Ellsberg. Một bản cáo trạng quy cho ông 12 tội danh và ông phải đối mặt với 115 năm tù.

Chính quyền Nixon đã cho tiến hành nhiều hoạt động bẩn thỉu nhằm bôi nhọ thanh danh của Ellsberg, trong đó có việc đột nhập văn phòng bác sĩ tâm lý đánh cắp hồ sơ để cải sửa bệnh án nhằm quy cho ông bị bệnh tâm thần…Tất cả những hoạt động trái pháp luật đó đều được đưa ra công khai tại tòa án. Và ngày 11.5.1973, Tối cao pháp viện tuyên bố hủy bỏ phiên tòa và yêu cầu “dưới chính quyền đương nhiệm, các bị cáo sẽ không bị xét xử thêm một lần nữa về cùng những cáo buộc này”. Khi ấy Daniel Ellsberg mới vô tội.

Các hoạt động phi pháp nhằm bôi nhọ thanh danh của Daniel nằm trong chuỗi scandal tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ – vụ Watergate. Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell, người đứng ra khởi tố Ellsberg, bị truy tố. Một tuần sau, Quốc hội tiến hành điều trần vụ Watergate. Nixon từ chức. Quốc hội nắm quyền kiểm soát. Người thay thế Nixon là Gerald Ford tuân thủ quyết định của Quốc hội chấm dứt chiến tranh Đông Dương. (*)

Cuộc chiến lịch sử này giữa báo chí và chính quyền Nixon, đã gây tác động mạnh mẽ đưa phong trào phản chiến dâng cao, góp phần giảm biết bao xương máu của người Việt và người Mỹ. Chính tự do báo chí ở Mỹ đã tham gia thúc đẩy hòa bình cho Việt Nam.

Bài học về tự do báo chí ở Mỹ là bài học Hiến định, nó không dành cho các nhà báo. Nhưng Hiến pháp tự nó không làm cho tự do báo chí được thực thi. Jane E. Kirtley, giáo sư Đại học Minnesota, trong bài viết  Cơ sở pháp lý của tự do báo chí Hoa Kỳ đã dẫn lời Đại thẩm phán Potter Stewart trong một lần phát biểu với một nhóm luật sư, quan tòa và các nhà báo: “Các bạn hãy nghĩ xem các quyền này từ đâu tới ? Không phải con cò đã mang nó đến, mà chính là các quan tòa”. (*) (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Nguồn của những trích dẫn lấy từ:

+ Daniel Ellsberg, Secrets : A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers
– Bản tiếng Việt (Những bí mật về chiến tranh Việt Nam), NXB CAND, Hà Nội, 2006;
+ Website Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141212/bao-chi-quan-chuc-va-nguoi-noi-tieng-ky-2-cuoc-chien-lich-su-giua-bao-chi-va-chinh-phu-my.aspx

Comments are closed.