Báo chí, quan chức và người nổi tiếng

Kỳ 3: Báo chí có ‘sứ mệnh’ gì?

clip_image001
Thượng nghị sĩ Mỹ Carl Levin lên tiếng yêu cầu Cục Tình báo trung ương Mỹ giải mật các tài liệu để vạch trần cách mà Chính quyền Bush đã ngụy tạo bằng chứng và lừa gạt mọi người, tiến hành cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Trang web chính thức của Thượng nghị sĩ Mỹ Carl Levin ngày 11.12 (giờ Mỹ) cũng tuyên bố sẽ đăng tải các tài liệu này – Ảnh: Reuters

Là nhà chính trị học và là một triết gia yêu tự do, nhưng Tocqueville thú nhận ông “không có được cái tình yêu trọn vẹn” đối với báo chí. Ông đánh giá cao vai trò của báo chí vì  “tôn trọng việc nó ngăn chặn được những cái xấu hơn là vì những cái tốt đẹp nó tạo ra”. Ông viết :

Cá nhân vào thời dân chủ dễ dàng bị tống ra khỏi bầy đoàn, và anh ta dễ dàng bị xéo dưới chân. Ngày nay, một công dân bị đè nén áp bức chỉ còn có một phương tiện tự vệ, đó là gửi lời kêu gọi tới toàn thể dân tộc; anh ta chỉ có một phương tiện thực thi điều đó, đó là báo chí. Vì thế mà tự do báo chí quý giá vô cùng cho các quốc gia dân chủ hơn là cho các quốc gia khác; riêng báo chí là đủ để chữa chạy vô số điều xấu xa có thể gây ra bởi quyền bình đẳng. Sự bình đẳng làm cho con người xa cách nhau và làm cho con người yếu kém đi; nhưng báo chí đem đặt bên cạnh mỗi con người hèn yếu đó một vũ khí cực mạnh mà kẻ yếu nhất và kẻ bị xa lánh nhất cũng đều có thể đem sử dụng. Quyền bình đẳng tước đi mất của mỗi cá nhân khả năng hỗ trợ những kẻ có chung số phận; nhưng báo chí cho phép kêu gọi tất cả các công dân và đồng loại tới ứng cứu”.

Ta có thể ngạc nhiên khi thấy Tocqueville không tin tự do có thể được bảo vệ bằng các thiết chế dân chủ. Ông viết tiếp : “Để bảo đảm có độc lập cá nhân cho những con người sống ở các quốc gia dân chủ này, tôi chẳng tin cậy vào những cuộc đại hội nghị chính trị, cũng chẳng tin gì vào những quyền hành của nghị viện, và chẳng tin gì hết vào tuyên ngôn về chủ quyền tối thượng của nhân dân. Tất cả những trò đó trong chừng mức nào đó đều có thể dung hợp được với sự nô lệ của cá nhân con người; nhưng có tự do báo chí thì cảnh nô lệ đó sẽ không diễn ra hoàn toàn được. Báo chí là công cụ dân chủ hàng đầu của Tự do” (*).

Nhưng khi các nhà báo nghĩ mình là thứ “quyền lực thứ tư” gì đó, và tự cho mình có những “sứ mệnh” lớn hơn, nhất là những “sứ mệnh” đó không dựa trên sự thật, thì báo chí lập tức có vấn đề

Lời của Tocqueville khiến ta suy tưởng về sứ mệnh của báo chí, nếu chúng ta nghĩ báo chí cũng có những “sứ mệnh”. Nhìn vào thực tế những gì diễn ra trên báo chí Việt Nam mấy chục năm qua, ta có thể thấy vô số những “ứng cứu” hữu ích, từ Cái đêm hôm ấy … đêm gì? nói lên cảnh lầm than cơ cực của người dân quê bị chèn ép khiến cho các nhà lãnh đạo phải thức tỉnh đến việc bảo vệ một Nguyễn Mạnh Huy ba lần đỗ đại học vẫn không được đi học vì bị trói buộc bởi “chủ nghĩa lý lịch” khiến cho Nhà nước phải thay đổi chính sách; từ việc vạch trần hành vi phi pháp của các quan chức cấp cao bảo kê cho “tập đoàn tội ác” Năm Cam đến việc kêu gọi giải oan cho một Nguyễn Thanh Chấn 10 năm bị tù oan; từ những cuộc điều tra báo chí phanh phui các hành vi tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp người dân đến việc nâng niu một bé Bo bị bỏ rơi trên taxi …, và biết bao những cảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa đã nhờ báo chí mà gượng dậy, biết bao cảnh bất công đã nhờ báo chí mới lấy lại được công bằng, biết bao các chính sách “tốt” nhờ báo chí được phát huy, biết bao chính sách “xấu” nhờ báo chí mới được xóa bỏ…

Đó là những sứ mệnh chính đáng của báo chí, những điều làm cho dân chúng thấy hài lòng và các nhà báo đang hành nghề không thấy hổ thẹn, còn những bạn trẻ có ý định trở thành nhà báo thấy nghề báo là nghề có tương lai.

clip_image002

Lính Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003 – Ảnh: Reuters

Nhưng khi các nhà báo nghĩ mình là thứ “quyền lực thứ tư” gì đó, và tự cho mình có những “sứ mệnh” lớn hơn, nhất là những “sứ mệnh” đó không dựa trên sự thật, thì báo chí lập tức có vấn đề. Cho nên không thể không nói đến “mặt trái” của báo chí.

Một khảo sát ở Mỹ vào năm 2002 liên quan đến Tu chính án thứ nhất, kết quả có tới 42% số người được hỏi cho rằng báo chí “quá tự do” (**). Điều đó cho thấy không chỉ các quan chức mà một bộ phận khá đông người dân Mỹ cũng không mặn mà lắm với tự do báo chí. Thật khó chịu khi cuộc sống riêng của mình hàng ngày cứ bị truyền thông “chọc ngoáy”. Biết làm sao được, muốn sống trong một xã hội tự do thì phải chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro gây ra bởi tự do báo chí.

Nhưng những “rủi ro” mà báo chí mang lại là… không kể xiết, không chỉ có những “chọc ngoáy” đời tư gây khó chịu, mà còn có những rủi ro gây chết người hàng loạt. Điển hình là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”. Đó là “sự kiện” do chính quyền Johnson ngụy tạo, bịa đặt ra việc Hải quân Bắc Việt tấn công tàu chiến Mỹ USS Maddox (DD-731) tại hải phận quốc tế đêm 4.8.1964, lấy cớ đó để thuyết phục Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cho phép leo thang chiến tranh Việt Nam, bằng việc mở rộng hoạt động quân sự ở miền Nam và ném bom miền Bắc.

Báo chí Mỹ, đầu tiên là các tờ báo lớn, tiếp đó là một loạt đài lớn báo nhỏ, đều khẳng định việc “tấn công” này là có thật. Sự vô trách nhiệm của báo chí Mỹ đã tiếp tay cho chiến tranh, tiếp tay cho việc giết chết hàng triệu người Việt Nam và hàng chục ngàn binh lính Mỹ. Sự kiện báo chí lớn nhất thế kỷ 20 mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước được coi là kết quả của sự thức tỉnh lương tri của các nhà báo Mỹ.

Một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng, nếu hồi năm 1964 báo chí Mỹ có thái độ khách quan và biết đặt ra những nghi vấn khi đưa tin thì chưa chắc Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép mở rộng chiến tranh. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng hồi đó không phải các nhà báo không có những “thông tin khác”, vấn đề là những thông tin đó đã không hề được đăng.

Nhà văn Mỹ Mark Twain nói một câu rất hay: “Lời nói dối có thể đi nửa vòng trái đất trước khi sự thật xỏ chân vào giày”. Trong trường hợp này, lời nói dối đã “phủ sóng” gây bao đau thương chết chóc, còn sự thật thì cho đến mấy chục năm sau chiến tranh mới có thể “xỏ chân vào giày”, khi những tài liệu về sự kiện này được đưa ra ánh sáng.

Rất tiếc, cho đến gần đây báo chí Mỹ và phương Tây vẫn lặp lại sai lầm cũ khi đồng loạt đưa tin ủng hộ những chứng cứ ngụy tạo của chính quyền G. Bush khi tấn công Iraq (***) (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Alexis de Tocqueville, Nền Dân trị Mỹ, NXB Tri Thức.

(**) Dẫn theo Jane E. Kirtley, Cơ sở pháp lý của tự do báo chí Hoa Kỳ, website ĐSQ Mỹ tại VN

(***) Xem thêm: Mỹ đã dựng lên cuộc chiến Iraq như thế nào?, TNO

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141213/bao-chi-quan-chuc-va-nguoi-noi-tieng-ky-3-bao-chi-co-su-menh-gi.aspx

Comments are closed.