Bộ máy quan liêu (5)

Ludwig von Mises

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 1

Quản lý vì lợi nhuận (2)

3. Quản lí trong hệ thống tìm kiếm lợi nhuận

Tất cả công việc kinh doanh đều được kiểm tra bằng những tính toán sắc sảo về lời và lỗ. Cơ hội mà các dự án mới mang lại phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Mỗi bước đi dẫn tới việc thực hiện dự án đều được thể hiện trên sổ sách kế toán và tài khoản. Tài khoản lỗ, lãi cho biết toàn bộ công việc kinh doanh, hay bộ phận nào đó của nó có lãi hay là không. Số liệu trong sổ cái là kim chỉ nam cho việc thực hiện toàn bộ công việc kinh doanh và từng bộ phận của nó. Bộ phận không có lời bị đóng cửa, còn bộ phận nào có lời thì được mở rộng thêm. Không thể có chuyện giữ lĩnh vực kinh doanh không có lời, nếu không có triển vọng làm cho chúng trở thành có lời trong một tương lai không xa.

Những phương pháp kế toán hiện đại, phức tạp, nghề kế toán và số liệu thống kê trong kinh doanh cung cấp cho doanh nhân bức tranh trung thực về tất cả các hoạt động của mình. Anh ta có thể biết mỗi thương vụ của mình thành công hay không thành công như thế nào. Với những bản cáo cáo này, anh ta có thể kiểm tra hoạt động của tất cả các bộ phận mà mình quan tâm, dù chúng có lớn đến mức nào. Chắc chắn là, ở mức độ nào đó, có thể tùy ý quyết định phân phối những khoản chi phí gián tiếp (overhead cost – chi phí gián tiếp, bao gồm các loại thuế, phí ngoài lương cho nhân viên…v.v. – ND). Ngoài chuyện này ra, các số liệu phản ánh trung thực của tất cả những hiện tượng đang diễn ra trong mỗi chi nhánh hoặc phòng ban của doanh nghiệp. Sổ sách kế toán và bảng cân đối kế toán là lương tâm của doanh nghiệp. Cũng là la bàn của doanh nhân.

Doanh nhân đã quen với các thủ thuật kế toán và báo cáo đến mức anh ta không nhận thấy chúng là những công cụ tuyệt vời trong tay mình. Phải là một nhà thơ và nhà văn vĩ đại thì mới đánh giá đúng được giá trị thực sự của chúng. Goethe gọi kế toán kép là “một trong những phát minh tuyệt với nhất của đầu óc của con người”. Bằng cách này, ông nhận xét, lúc nào doanh nhân cũng có thể khảo sát toàn bộ một cách tổng quát, mà không cần đau đầu với các chi tiết[1].

Mô tả của Goethe đánh trúng cốt lõi của vấn đề. Ưu điểm của quản lý thương mại nằm ở sự kiện là nó đưa vào tay người quản lý một phương pháp khảo sát cái toàn thể và tất cả các bộ phận của nó mà không vướng vào các chi tiết và những chuyện lặt vặt.

Doanh nhân có thể tách các tính toán của từng bộ phận trong doanh nghiệp của anh ta để anh ta có thể xác định vai trò của mỗi bộ phận trong toàn bộ doanh nghiệp của mình. Đối với công chúng, mỗi công ty hay tập đoàn đều là đơn vị không thể phân chia. Nhưng trước con mắt của ban quản lý, doanh nghiệp gồm các bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận được coi là một thực thể riêng biệt và được đánh giá theo đóng góp của nó vào thành công của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hệ thống tính toán kinh doanh, mỗi bộ phận là một thực thể trọn vẹn, được giả định là doanh nghiệp độc lập. Người ta giả định rằng bộ phận này “sở hữu” một phần nhất định trong toàn bộ số vốn được sử dụng trong doanh nghiệp, nó mua bán với các bộ phận khác, nó có các khoản chi phí và doanh thu riêng, giao dịch của nó lời hoặc lỗ được coi là hành vi của nó, tách biệt khỏi kết quả do các bộ phận khác tạo ra. Do đó, tổng giám đốc của toàn bộ doanh nghiệp có thể giao cho ban quản lí từng bộ phận khá nhiều quyền tự chủ. Tổng giám đốc không cần bận tâm về những chi tiết nhỏ của ban quản lí mỗi bộ phận. Những người quản lí các bộ phận khác nhau có thể được tự do trong việc quản trị công việc “nội bộ” của mình. Chỉ thị duy nhất mà tổng giám đốc trao cho những người mà anh ta giao cho quản lí các bộ phận khác nhau, các phòng ban, và các chi nhánh là: Càng nhiều lợi nhuận thì càng tốt. Kiểm tra sổ sách kế toán sẽ cho anh ta biết họ đã thực hiện thành công hay không thành công chỉ thị mà anh ta đã giao.

Trong doanh nghiệp quy mô lớn, nhiều bộ phận chỉ sản xuất các chi tiết hoặc bán thành phẩm, không bán trực tiếp mà được các bộ phận khác sử dụng để làm ra sản phẩm cuối cùng. Sự kiện này không làm thay đổi các điều kiện đã nói bên trên. Tổng giám đốc so sánh chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất các chi tiết và bán thành phẩm với giá mà anh ta phải trả nếu phải mua ở các nhà máy khác. Anh ta luôn luôn đối mặt với câu hỏi: Sản xuất những thứ này trong các phân xưởng của mình thì có lợi hay không? Mua ở các nhà máy chuyên sản xuất những thứ này thì có lợi hơn hay không?

Do đó, trong khuôn khổ của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận, người ta có thể chia sẻ trách nhiệm cho cấp dưới. Người quản lí cấp dưới chịu trách nhiệm về công việc của bộ phận của mình. Nếu báo cáo chứng tỏ bộ phận có lời thì anh ta được khen, mà lỗ thì bị chê. Lợi ích ích kỉ cá nhân thúc đẩy anh ta quan tâm và để hoàn thành công việc của bộ phận được giao. Anh ta sẽ là nạn nhận nếu thua lỗ. Tổng giám đốc sẽ cử người mà ông ta hi vọng sẽ thành công hơn lên thay hoặc sẽ giải tán bộ phận sản xuất này. Dù thế nào thì người quản lí này cũng bị bãi chức và mất việc. Nếu có lời, thu nhập của anh ta sẽ tăng hoặc ít nhất là không có nguy cơ bị mất. So với sự quan tâm của người lãnh đạo đối với kết quả của bộ phận do mình phụ trách thì được hưởng hay không được hưởng một phần lợi nhuận do bộ phận của mình làm ra không phải là vấn đề quá quan trọng. Dù sao mặc lòng, số phận của anh ta liên quan chặt chẽ với kết quả hoạt động của bộ phận do mình phụ trach. Làm việc cho nó không chỉ là làm vì cấp trên mà còn vì chính mình.

Ngăn chặn quyền tự do hành động của người phụ trách có trách nhiệm bằng những vụ can thiệp lặt vặt là việc làm không hay. Nếu anh ta làm việc hiệu quả, thì can thiệp, trong trường hợp tốt nhất cũng là thừa, nếu không nói là có hại vì đã trói tay trói chân anh ta. Nếu anh ta làm việc không hiệu quả, can thiệp cũng sẽ không làm cho hoạt động của anh ta thành công hơn. Can thiệp chỉ tạo cớ để anh ta nói rằng thất bại là do những chỉ đạo không phù hợp của cấp trên. Chỉ đạo duy nhất là rất rõ ràng và không cần hướng dẫn cụ thể: Kiếm lời. Hơn nữa, có thể và cần phải dành hầu hết các chi tiết cho trưởng mỗi phòng ban tự giải quyết.

Hệ thống này có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp thời hiện đại. Sản xuất quy mô lớn trong tập đoàn sản xuất lớn và thành lập những công ty con ở những vùng khác nhau ở trong nước và nước ngoài, các cửa hàng lớn và các chuỗi cửa hàng bán lẻ đều được xây dựng theo nguyên tắc người quản lý cấp dưới chịu trách nhiệm. Nhưng không có nghĩa là hạn chế trách nhiệm của tổng giám đốc. Cấp dưới chỉ chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc. Họ không thể giúp anh ta giải thoát khỏi nhiệm vụ tìm đúng người cho từng công việc.

Nếu một công ty ở New York thành lập các cửa hàng hoặc nhà máy ở Los Angeles, ở Buenos Aires, ở Budapest và ở Calcutta, tổng giám đốc công ty chỉ thiết lập quan hệ của những cơ sở đó với trụ sở chính hoặc công ty mẹ trên những điều kiện chung chung mà thôi. Tất cả những vấn đề thứ yếu đều thuộc trách nhiệm của người quản lí khu vực. Bộ phận kiểm toán ở trụ sở chính sẽ kiểm tra cẩn thận các giao dịch tài chính của chi nhánh và báo cáo với tổng giám đốc ngay khi có sự cố. Những biện pháp phòng ngừa sẽ được áp dụng – nhằm ngăn chặn những khoản mất mát không thể khắc phục được trong số vốn đầu tư vào chi nhánh, không làm mất thiện chí của khách hàng và danh tiếng của công ty và mâu thuẫn giữa chính sách của chi nhánh và trụ sở chính. Nhưng, ban quản lý khu vực vẫn được tự do hành động trong tất cả những vấn đề khác. Có thể tin tưởng được người đứng đầu công ty con, phòng ban, hoặc bộ phận bởi vì lợi ích của người đó trùng hợp với lợi ích của toàn bộ công ty. Nếu anh ta chi quá nhiều cho các hoạt động đang diễn ra hoặc bỏ qua cơ hội thực hiện các giao dịch có lời, anh ta không chỉ gây nguy hiểm cho lợi nhuận của toàn công ty mà còn gây nguy hiểm cho địa vị của chính mình. Anh ta không chỉ là người làm thuê, với nhiệm vụ duy nhất là thực hiện một cách tự giác nhiệm vụ xác định, được giao cho mình. Anh là chính là một doanh nhân, có thể nói là một đối tác đàn em của doanh nhân, tài chính và điều khoản của hợp đồng thuê mướn không phải là vấn đề quan trọng. Anh ta phải làm hết sức mình nhằm đóng góp cho thành công của công ty mà mình đang làm.

Thực tế là như vậy, cho nên sẽ không nguy hiểm gì khi để cho lãnh đạo các phòng ban tự quyết định theo ý mình. Anh ta sẽ không lãng phí tiền khi mua sắm sản phẩm và dịch vụ. Anh ta sẽ không thuê các trợ lý và công nhân bất tài; anh ta sẽ không cho các cộng tác viên có năng lực nghỉ việc và thay họ bằng những bạn bè hoặc người thân bất tài. Hành vi của anh ta chịu sự phát xét không thiên vị của tòa án không thể nào đút lót được: Hạch toán lỗ và lãi. Trong kinh doanh, chỉ có một vấn đề quan trọng: Thành công. Lãnh đạo bộ phận không thành công sẽ bị bãi chức, dù thất bại có phải do lỗi của anh hay không, hoặc anh ta đã có thể giành được kết quả tốt hơn. Chi nhánh không có lời thì sớm hay muộn cũng sẽ phải ngừng hoạt động và người quản lý chi nhánh đó sẽ mất việc.

Người tiêu dùng là thượng đế và hoạt động theo lối dân chủ của thị trường không dừng lại ở cửa các công ty kinh doanh lớn. Tinh thần này thấm vào tất cả các phòng ban và chi nhánh của nó. Trách nhiệm với người tiêu dùng là nguồn sống của kinh doanh và doanh nghiệp trong xã hội thị trường tự do. Động cơ lợi nhuận thúc đẩy các doanh nhân phục vụ người tiêu dùng với tất cả khả năng của mình, cũng là nguyên tắc quan trọng nhất của mọi tổ chức buôn bán và sản xuất công nghiệp. Nguyên tắc này liên kết các bộ phận gần như tự chủ hoàn toàn thành công ty tập trung hóa tối đa; nó làm cho trách nhiệm của ban quản lý công ty hòa hợp với quyền lợi và động cơ của người quản lí các bộ phận, phòng ban, chi nhánh bên dưới. Nó tạo cho hệ thống doanh nghiệp kinh doanh tự do tính linh hoạt và khả năng thích ứng, dẫn đến xu hướng thường xuyên và liên tục cải tiến.

4. Quản lí nhân sự trong thị trường lao động tự do

Doanh nghiệp quy mô lớn thời nay đôi khi có tới hàng trăm ngàn nhân viên và công nhân. Họ tạo ra tổ chức với mức độ phân hóa cao, từ tổng giám đốc hay chủ tịch công ty xuống tới tạp vụ, nhân viên chạy giấy và người học việc. Quản lí tổ chức lớn như thế tạo ra nhiều vấn đề. Nhưng, đấy là những vấn đề có thể giải quyết được.

Dù tập đoàn có lớn đến mức nào, bộ máy điều hành trung tâm cũng chỉ làm việc với các bộ phận, phòng ban, chi nhánh, và các công ty con, vai trò của những tổ chức bên dưới có thể được xác định chính xác trên số sách kế toán và số liệu thống kê. Tất nhiên, sổ sách kế toán không phải lúc nào cũng chứng minh bộ phận bên dưới sai ở chỗ nào. Chúng chỉ thể hiện rằng đã có sai sót, rằng không hòa vốn, phải cải cách hoặc đóng cửa. Không được quyền kháng cáo bản án mà chúng đã tuyên. Số sách kế toán cho biết giá trị bằng tiền của từng bộ phận.

Và, trên thị trường, chỉ có giá trị bằng tiền mới có ý nghĩa. Người tiêu dùng là những kẻ nhẫn tâm. Họ không bao giờ mua hàng với mục đích làm lợi cho người sản xuất kém hiệu quả hơn và bảo vệ anh ta trước hậu quả của sự thất bại của mình để giúp anh ta quản lý tốt hơn. Họ muốn được người ta phục vụ hết mình. Và hoạt động của hệ thống tư bản buộc doanh nhân phải tuân theo đơn hàng của người tiêu dùng. Anh ta không có quyền tỏ ra hào phóng bằng tiền của người tiêu dùng. Anh ta sẽ mất, nếu dùng tiền cho mục đích như vậy. Chỉ đơn giả là anh ta không thể trả cho bất cứ người nào nhiều hơn khoản tiền có thể thu được khi bán sản phẩm.

Mối quan hệ tương tự tồn tại như thế giữa tổng giám đốc và cấp dưới trực tiếp của mình, với người đứng đầu các bộ phận khác nhau, cũng lan vào toàn bộ hệ thống thang bậc của doanh nghiệp. Người lãnh đạo từng bộ phận đánh giá cấp dưới trực tiếp của mình theo cùng nguyên tắc mà giám đốc điều hành đánh giá anh ta và quản đốc cũng áp dụng những phương pháp tương tự khi đánh giá cấp dưới của mình. Khác biệt duy nhất là các đơn vị thấp hơn thì điều kiện cũng đơn giả hơn, không cần hệ thống kế toán phức tạp mới có thể xác định được giá trị bằng tiền mà mỗi người đã làm ra. Trả công theo sản phẩm hay theo giờ không phải là quan trọng. Trong dài hạn, công nhân không bao giờ có thể nhận nhiều hơn số tiền mà người tiêu dùng trả cho họ.

Không có người nào không bao giờ sai. Cấp trên thường sai khi đánh giá cấp dưới. Một trong những phẩm chất của cấp trên là khả năng đánh giá đúng người. Người không có khả năng này thì khó thành công. Anh ta làm hại lợi ích của chính mình chẳng khác gì làm hại những người bị anh ta đánh giá thấp. Vấn đề là như thế, không cần phải tìm kiếm những biện pháp bảo vệ người lao động trước sự độc đoán của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền. Trong hệ thống thị trường tự do, độc đoán trong vấn đề nhân sự là sai lầm đánh thẳng vào tác giả của nó.

Trong nền kinh tế thị trường tự do, việc đánh giá nỗ lực của mỗi cá nhân độc lập với đánh giá tính cách cá nhân và do đó, có thể thoát khỏi thái độ yêu ghét. Thị trường đánh giá sản phẩm, không đánh giá người sản xuất. Đánh giá sản phẩm là tự động đánh giá người sản xuất. Mỗi người tham gia sản xuất được đánh giá theo giá trị của những đóng góp của người đó vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Tiền lương và tiền công không phụ thuộc vào các quyết định độc đoán. Trên thị trường lao động, số lượng và chất lượng công việc được đánh giá theo số tiền người tiêu dùng sẵn sàng trả cho các sản phẩm. Tiền công và tiền lương không phải là lòng tốt của người sử dụng lao động mà là một giao dịch thương mại, là mua yếu tố sản xuất. Giá lao động là hiện tượng thị trường, được xác định bởi nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ. Hầu như tất cả những người sử dụng lao động đều luôn tìm kiếm lao động rẻ hơn và tất cả người lao động đều tìm kiếm việc làm với thù lao cao hơn.

Chính sự kiện là lao động – trong chủ nghĩa tư bản – là một loại hàng hóa và được mua và bán như hàng hóa, làm cho người làm công ăn lương hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Giống như nhà tư sản, doanh nhân và nông dân, người làm công ăn lương phụ thuộc vào ý kiến độc đoán của người tiêu dùng. Nhưng lựa chọn của người tiêu dùng không liên quan gì tới người tham gia trong quá trình sản xuất; nó chỉ liên quan tới đồ vật, không liên quan tới người. Người sử dụng lao động không thể thiên vị hoặc thành kiến với nhân viên của mình. Thiên vị hoặc thành kiến là tự làm hại mình.

Sự kiện này chứ không chỉ hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền làm cho người làm công ăn lương trong hệ thống chủ nghĩa tư bản tự do trở thành người tự do. Trong vai người tiêu dùng, họ là thượng đế; nhưng trong vai người sản xuất, họ, tương tự như tất cả các công dân khác, phải chấp nhận vô điều kiện quy luật của thị trường. Khi bán yếu tố sản xuất, mà cụ thể là, sức lao động và mồ hôi, trên thị trường với giá thị trường cho tất cả những người sẵn sàng mua, họ không gây nguy hiểm cho địa vị của mình. Họ không phải cám ơn hay quỵ lụy người sử dụng lao động, họ phải hoàn thành công việc xác định với chất lượng xác định. Mặt khác, người sử dụng lao động không tìm kiếm người mà anh ta thích, mà tìm người làm việc hiệu quả, xứng đáng với đồng tiền mà anh ta bỏ ra.

Quan hệ duy lí lạnh lùng và khách quan của quan hệ tư bản chủ nghĩa, tất nhiên, không được thể hiện ở cùng mức độ trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Người càng làm việc gần người tiêu dùng thì các yếu tố cá nhân càng có ảnh hưởng lớn hơn. Trong lĩnh vực dịch vụ, đồng cảm và ác cảm có vai trò quan trọng; quan hệ ở đây mang tính “chủ quan” hơn. Những lí thuyết gia ngoan cố và những người phê phán kiên cường chủ nghĩa tư bản sẵn sàng gọi đây là ưu việt. Trên thực tế, nó làm giảm quyền tự do của doanh nhân và người lao động của anh ta. Chủ cửa hàng nhỏ, thợ cắt tóc, chủ quán trọ và diễn viên không được tự do thể hiện quan điểm chính trị hay đức tin tôn giáo như chủ sở hữu của một nhà máy bông hay công nhân làm ở nhà máy cán thép.

Nhưng, những sự kiện này không làm lu mờ những đặc điểm chung của hệ thống thị trường. Đây là một hệ thống tự động đánh giá mỗi người phù hợp với công việc mà người đó làm được cho đồng bào của mình.

[1] Wilhelm Meister’s Apprenticeship (Học việc của Wilhelm Meister), Cuốn 1, Chương X.

Comments are closed.