Câu chuyện thứ chín: Tôi làm nghiên cứu sinh Phó Tiến sĩ Kinh tế Nông nghiệp

Vũ Trọng Khải

 

Năm 1975, nước nhà thống nhất. Tôi đã công tác ở phòng Chính sách – Giá cả, Vụ Kế hoạch được 8 năm, đủ điều kiện để dự thi làm nghiên cứu sinh ngoài nước. Lúc đó, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp do Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng đã ra quyết định đúng đắn và quan trọng là phải thi để chọn người giỏi làm nghiên cứu sinh ngoài nước, không phải cử đi học như trước đây. Nếu thi hành triệt để quyết định này thì nhiều đảng viên thuộc thành phần cơ bản “made in connon” (công nhân, nông dân) sẽ không được đi học. Vì thế, một quy định bổ sung là “cử – thi – cử”. Cơ quan quản lý cử cán bộ đi thi. Bộ Đại học tổ chức thi và báo danh người trúng tuyển (đủ điểm) về cho cơ quan của thí sinh. Cơ quan quản lý cán bộ sẽ nhờ cơ quan công an thẩm tra lý lịch thí sinh trúng tuyển, nếu không có vấn đề gì mới ra quyết định cử người trúng tuyển đi làm nghiên cứu sinh. Cuối cùng, Bộ Đại học sẽ phân bổ những thí sinh đã trúng tuyển và được các cơ quan ra quyết định cử nghiên cứu sinh, đến các cơ sở đào tạo của các nước tiếp nhận, cấp học bổng cho Việt Nam, chủ yếu là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Học bổng và đời sống của nghiên cứu sinh Việt Nam ở các nước này khác nhau. Dân gian có câu “muốn kiến thức thì đi Nga (Liên Xô), muốn giàu thì đi Đức” (sau khi thống nhất đất nước lại có câu: “Ba năm đi Nga không bằng một năm đi Đức, một năm đi Đức không bằng một lúc đi Sài Gòn”). Nói thế nên ai cũng biết là có cuộc chạy đua để được “cử – thi – cử” và chọn nước làm nghiên cứu sinh thời còn phe xã hội chủ nghĩa. Hiển nhiên với cơ chế đó, tôi không có “cửa” đi nghiên cứu sinh ngoài nước. Hai lần ông Nguyễn Duy Hiền, Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, thủ trưởng trực tiếp, cho tôi làm hồ sơ để được cử đi thi nghiên cứu sinh ngoài nước, đều bị cán bộ thụ lý hồ sơ của Vụ Tổ chức – Cán bộ loại bỏ. Đến lần thứ ba thì tôi ngộ ra, không làm hồ sơ nữa vì giá của nó lúc bấy giờ được “thị trường” định bằng một cái quạt “tai voi” do Liên Xô sản xuất (khoảng 10 rúp hay 50 đồng tiền Việt Nam lúc đó). Tôi không chấp nhận “tiêu cực phí”. Vì đó là sự sỉ nhục với tôi. Tôi đi học không phải chỉ cho tôi, mà cho đất nước. Bộ Nông nghiệp cần phải đào tạo cán bộ cho mình chứ. Anh T.D.L cùng công tác với tôi ở Vụ Kế hoạch tốt nghiệp sau tôi một năm, được cử đi thi, thi đỗ, và được học tiếng Đức. Học xong một năm tiếng Đức ở Hà Nội, anh L vẫn không được cử đi nghiên cứu sinh vì bên công an thẩm tra lý lịch và kết luận “Gia đình anh L không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Nhà nước”. Năm sau, Bộ trưởng Võ Thúc Đồng, là đồng hương với anh L. yêu cầu Vụ Kế hoạch cử cán bộ về địa phương thẩm tra lại, té ra là vì bà mẹ anh không chịu bán mấy cây tre, con gà cho nhà nước theo yêu cầu của xã. Nhưng năm ấy không còn chỉ tiêu đi nghiên cứu sinh ở Đức nên anh L không đi học được.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu chủ trương đào tạo Phó Tiến sĩ trong nước, nhưng vẫn theo cơ chế “cử – thi – cử”. Điều đó tạo thuận lợi là số lượng nghiên cứu sinh không còn phụ thuộc vào số học bổng do các nước xã hội chủ nghĩa tài trợ hằng năm cho Việt Nam. Nghiên cứu sinh kinh tế cũng phải học 4 năm và bảo vệ luận án ở các trường đại học đủ khả năng đào tạo theo quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Theo cơ chế này, tôi cũng không được cử đi thi, vì không nằm trong cái gọi là “quy hoạch cán bộ của chi bộ Đảng, Vụ Kế hoạch”, ngoài tầm kiểm soát của ông Q, Vụ trưởng Nguyễn Duy Hiền.

Năm 1979, Bộ Nông nghiệp mở lớp tiếng Anh đầu tiên, tôi xin đi học nhưng cũng không được vì không nằm trong “qui hoạch đào tạo cán bộ của chi bộ Đảng”.

Cơ may đến với tôi là cuối những năm 70 và trong những năm 80 của thế kỷ 20, ở các trường đại học, viện nghiên cứu có rất nhiều “cây đa, cây đề”, nhiều thâm niên công tác, nghiên cứu, giảng dạy, nhiều công trình khoa học được công bố, nhưng các tác giả của nó vẫn chỉ là kỹ sư, cử nhân. Lý do chủ yếu là những “cây đa, cây đề” này tuy giỏi, thậm chí rất giỏi, nhưng “lý lịch có vấn đề” nên không được cử đi học. Trừ một số ít người nổi bật, được đích thân Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu biết, can thiệp và bảo lãnh, mới được đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trong khi các Phó Tiến sĩ ở “trời tây” về lại chưa có đóng góp gì trong công tác nghiên cứu. giảng dạy. Vậy là, những tổ trưởng, phó tổ trưởng bộ môn, trưởng, phó khoa chỉ có bằng cử nhân, kỹ sư, lại lãnh đạo các Phó Tiến sĩ Tây học? còn các Phó Tiến sĩ Tây học lại không đủ năng lực lãnh đạo các “cây đa, cây đề” này, vốn đang tồn tại lâu năm “ùn tắc” trên con đường học vấn trong các viện, trường đại học. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Đại học đã nghĩ ra một chiêu: “bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ theo chế độ đặc cách”.

Ứng viên là tất cả kỹ sư, cử nhân đủ các điều kiện cần là: tối thiểu có 10 năm công tác nghiên cứu giảng dạy, và đạt điểm công trình khoa học là 10. Một hội đồng khoa học ở các bộ được lập ra để thẩm định tiêu chuẩn của các ứng cử viên. Nếu đạt điều kiện cần, cơ quan sẽ ra quyết định cử đi làm nghiên cứu sinh. Bộ Đại học qui định điều kiện đủ là các ứng viên phải có hai chứng chỉ tối thiểu là ngoại ngữ và chuyên môn. Bộ Đại học sẽ tổ chức cho các nghiên cứu sinh này học và thi để đạt tiêu chuẩn đó. Sau đó, nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án của mình trước hội đồng cơ sở (bộ môn) do cơ sở đào tạo thành lập, rồi bảo vệ chính thức trước hội đồng cấp nhà nước do Bộ Đại học thành lập. Thế là tôi “đã có cửa”. Tôi làm hồ sơ nộp cho Phòng Đào tạo thuộc Vụ Tuyên giáo của Bộ Nông nghiệp. Năm công tác và điểm công trình khoa học của tôi đều trên mức tối thiểu. Nhưng Vụ phó Vụ Tuyên giáo, phụ trách đào tạo là ông H.S.P, một kỹ sư nông học do Tây đào tạo, không chấp nhận vì ông cho rằng tôi còn “trẻ quá” (năm 1979 tôi mới 34 tuổi), mà chế độ đặc cách bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ chỉ giành cho các “cây đa, cây đề”, xấp xỉ 50 tuổi đời.

Nhưng tôi còn được quí nhân phù trợ. Phó Tiến sĩ Trần Đình Miên, Hiệu phó trường Đại học Nông Nghiệp 2 ở Hà Bắc được Bộ điều về thay ông H.S.P. Ông Miên đã chấp nhận để tôi tham gia dự tuyển. Và hội đồng thẩm định của bộ đã đồng ý cho tôi làm nghiên cứu sinh theo chế độ đặc cách. Giáo sư Mai Hữu Khuê, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) (lúc tôi là sinh viên thì giáo sư là Trưởng khoa Kinh tế Nông nghiệp) đã nhận hướng dẫn tôi. Ông xếp tôi dự khóa học tiếng Nga 10 tháng cho khóa đào tạo Phó Tiến sĩ Kinh tế dài hạn 4 năm đầu tiên của trường đại học này (1979-1983). Nhưng làm thế nào để Vụ Tổ chức – Cán bộ của Bộ Nông nghiệp ra quyết định cử tôi đi học tiếng Nga tập trung 10 tháng lấy chứng chỉ ngoại ngữ cho nghiên cứu sinh? Thủ trưởng trực tiếp của tôi là Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Minh ký một công văn gửi Vụ Tổ chức đề nghị cho tôi đi học tiếng Nga ở Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội, mà không nói rõ ràng là học tập trung 10 tháng. Thế là Vụ Tổ chức ra quyết định cử tôi đi học tiếng Nga một cách chung chung. Vậy là đủ cơ sở pháp lý để Giáo sư Mai Hữu Khuê cho tôi dự khóa học này cùng với các nghiên cứu sinh dài hạn chính quy khác của trường. Theo quy chế của Bộ Đại học khi đó, việc học ngoại ngữ của nghiên cứu sinh là để “đọc hiểu” tài liệu chuyên môn, không cần “nghe, nói”. Vì hồi đó, người Việt Nam không được tự do giao tiếp với người nước ngoài, dù là các đồng chí cộng sản Liên Xô hay Đông Âu. Tôi còn nhớ, lần đi nghỉ hè ở Đồ Sơn, trước khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác (1982), đang ngồi hóng mát buổi tối bên bờ biển thì gặp một chuyên gia Nga. Chúng tôi vừa mở miệng chào xã giao, hỏi tên của nhau, chưa kịp nói gì thì, rất nhanh, một cán bộ an ninh mặc thường phục vỗ vào vai tôi: “Yêu cầu đồng chí không được tiếp xúc, nói chuyện với người nước ngoài”. Xa hơn nữa, trong những năm 1959, cán bộ nước Tiệp Khắc sang giúp Hải Phòng xây dựng bệnh viện “Hữu nghị Việt Tiệp”, họ đều nói giỏi tiếng Pháp. Khi đó ba tôi là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng phụ trách văn – xã, nên thường phải làm việc với các chuyên gia Tiệp Khắc. Ông thường xuyên trao đổi bằng tiếng Pháp với họ, nên công việc rất thuận lợi. Nhưng chỉ được ít ngày, Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân yêu cầu ba tôi phải nói bằng tiếng Việt, phải qua phiên dịch để các cán bộ an ninh nghe được (sic!). Đấy, cái sự học ngoại ngữ ở xứ ta đã là như vậy!

Sau 10 tháng học, tôi vượt qua kỳ thi và được cấp giấy chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nga cho nghiên cứu sinh trong nước. Còn phải có chứng chỉ nữa là chính trị, bao gồm các môn triết học, kinh tế chính trị Mác – Lênin, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ Đại học mở một lớp chính trị này cho hơn 150 nghiên cứu sinh theo chế độ đặc cách của khối nông, lâm, sinh, y, tổ chức tại đại học Nông nghiệp Hà Nội (đóng ở Trâu Quỳ, Gia Lâm), trong thời gian ba tháng vào đầu năm 1981. Giảng viên là những “gạo cội” của trường đảng Nguyễn Ái Quốc và một vài giảng viên khoa Mác – Lênin của Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tất cả các nghiên cứu sinh đều nghĩ rằng học chỉ cần đạt điểm chuẩn (5 hoặc 6/10) để có chứng chỉ. Họ đều là những người có chức sắc, trưởng, phó bộ môn, khoa, phòng, trại trưởng trại thực nghiệm… ở các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, tuổi đời khá cao (U50), thậm chí có nhiều người đã U60. Tôi là nghiên cứu sinh trẻ nhất 36 tuổi, chỉ là cán bộ nghiên cứu không có chức vụ gì. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa! Bọn tôi ghét nhất bài “quyền làm chủ tập thể của nhân lao động” do Tổng Bí thư Lê Duẩn sáng tạo nên. Ấy vậy, khi thi cuối khóa để lấy chứng chỉ, tôi bốc phải câu hỏi “Anh hay chị hãy vận dụng quy luật phủ định của phủ định để chứng minh sự ra đời và phát triển của quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc”. Chả hiểu tôi “bốc phét” thế nào mà được hội đồng chấm 9/10 (tôi là một trong số ba người được điểm 9/10 của lớp học gồm hơn 150 nghiên cứu sinh, không ai được điểm 10/10!).

Giáo sư Mai Hữu Khuê vừa là người hướng dẫn khoa học cho tôi, vừa là Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội, cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh săn sàng tiếp nhận tôi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ở trường này. Nhưng, lúc đó Đại học Nông nghiệp Hà Nội còn trực thuộc Bộ Nông nghiệp, tuy được phép đào tạo nghiên cứu sinh, nhưng chủ yếu là các chuyên ngành kỹ thuật, còn chuyên ngành kinh tế nông nghiệp có rất ít giảng viên có bằng Phó Tiến sĩ. Nhưng Thứ thưởng Bộ Nông nghiệp phụ trách đào tạo lúc đó là Giáo sư Đường Hồng Dật quyết tôi phải làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội để lấy thành tích cho Bộ và trường thuộc Bộ!

Thế là tôi lại phải lóc cóc đạp xe từ Hà Nội qua cầu Long Biên đến trường Đại học Nông nghiệp hàng chục lần để làm các thủ tục hành chính, “hành là chính” mà.

Vấn đề còn lại là viết luận án. Theo quy chế tôi được nghỉ 10 tháng có hưởng lương để viết luận án.

Chọn đề tài nào để tốn ít công sức, tiền bạc cho việc sưu tầm tư liệu? Đó là câu hỏi lớn đầu tiên đặt ra cho tôi và thầy hướng dẫn. Theo thông lệ, các đề tài phải sưu tầm nhiều tư liệu trên diện rộng, đủ lớn để khái quát hóa thực tiễn thành lý luận hay chứng minh cho những lý thuyết đã biết bằng thực tiễn Việt Nam. Tôi không đủ sức và tiền bạc đi theo hướng này. Trong khi đó tôi đã có cái “mớ” thực tiễn mà không một nghiên cứu sinh kinh tế nào lúc đó có được. Đó là việc thiết kế và thực hiện rất thành công một hệ thống quản lý mới ở Hợp tác xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh (bây giờ là tỉnh Hà Nam). Kết quả đã được tôi công bố bằng một báo cáo khoa học đăng b số liên tiếp trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế trong năm 1975. Nhưng đó chỉ là tư liệu ở một điểm, không thể làm đề tài theo hướng thông lệ được, phải chọn con đường đi khác. Giáo sư Mai Hữu Khuê gợi ý tôi nghiên cứu lý thuyết hệ thống. Ông cho tôi một cuốn sách tiếng Nga của một nữ Phó Tiến sĩ người Nga viết về lý thuyết hệ thống ứng dụng trong quản lý ngành công nghiệp nhẹ của Liên Xô và một vài tư liệu tóm tắt kết quả nghiên cứu của các nước về lý thuyết hệ thống.

Mặt khác tôi may mắn được dự vài buổi hội thảo (seminar) của giáo sư Tạ Quang Bửu giảng về lý thuyết hệ thống. Nhưng, những điều tôi học được về lý thuyết hệ thống từ các bài giảng của Giáo sư Tạ Quang Bửu và vài bài viết của Tiến sĩ Phan Đình Diệu không liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, mà chủ yếu liên quan đến toán học. Tôi phải mất ba tháng “đánh vật” với cuốn sách tiếng Nga do Giáo sư Khuê đưa cho, để hiểu lý thuyết hệ thống đã được ứng dụng trong quản lý ngành công nghiệp nhẹ ở Liên Xô bấy giờ.

Mặt khác, lúc đó “khoa học quản lý” mà bây giờ thường gọi là “quản trị học”, đã du nhập từ Liên Xô vào Việt Nam. Có một vài cuốn sách mỏng được dịch sang tiếng Việt như “kinh tế trưởng”, “kỹ sư trưởng”, “kế toán trưởng” trong kinh tế công nghiệp ở Liên Xô. Tôi lại còn được đọc các bài giảng về khoa học quản lý do các giáo sư Liên Xô giảng cho cán bộ cao cấp ở Hà Nội đầu những năm 1980. Giáo sư Mai Hữu Khuê là người sáng lập và trực tiếp làm trưởng bộ môn Khoa học Quản lý ở trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội.

Dựa vào những hiểu biết lý luận vốn rất ít ỏi đó và nhất là dựa vào thực tiễn ở Hợp tác xã Mỹ Thọ, tôi đã xác lập hướng đi ngược lại thông lệ trong việc làm luận án Phó Tiến sĩ của mình. Đó là ứng dụng lý thuyết để thiết kế và thực nghiệm một mô hình quản lý cụ thể ở Hợp tác xã Mỹ Thọ. Trên thực tế, hệ thống quản lý mới ở Hợp tác xã Mỹ Thọ đã được thực hiện từ 1973-1974.

Từ những kiến thức ít ỏi thu được về lý thuyết hệ thống, tôi đã xây dựng được khung lý thuyết làm cơ sở cho việc phân tích đánh giá, chuẩn hóa lại mô hình quản lý đã có, được thiết lập ở Hợp tác xã Mỹ Thọ, tôi đã có định nghĩa về hệ thống của riêng mình, không giống bất cứ định nghĩa của các tác giả khác mà tôi được biết. “Hệ thống là một chỉnh thể bao gồm các yếu tố được cấu trúc theo một kiểu nào đó và vận hành theo một cơ chế tương thích với cấu trúc đó, sao cho tạo ra được những thuộc tính mới về chất, không thể tìm thấy ở các yếu tố cấu thành riêng biệt”. Thuộc tính mới về chất ấy chính là tính bội sinh (tính trội) của hệ thống (emerzenost, emergence). Một ví dụ đơn giản trong thế giới vô cơ là muối ăn (NaCl). Hai yếu tố cấu thành của muối ăn là nguyên tố Na và Cl2 không tồn tại trong tự nhiên dưới dạng đơn chất, và nếu chiết xuất được thì các đơn chất này rất độc hại đối với sự sống. Nhưng chúng kết hợp lại theo cấu trúc NaCl thì rất cần thiết cho con người. Trong hệ thống quản lý vĩ mô hay vi mô cũng vậy. Tôi đã xác lập được các nội dung cơ bản của lý thuyết hệ thống để có thể thiết kế chúng một cách hợp lý trong những điều kiện cụ thể. Nhờ đó, mô hình quản lý ở Hợp tác xã Mỹ Thọ được làm sáng tỏ những ưu, khuyết điểm, cách nó tự điều chỉnh, dưới góc nhìn của lý thuyết hệ thống. Vì thế, tôi đã xác định được tên đề tài là: “Quan điểm hệ thống đổi mới một mô hình cụ thể về tổ chức – quản lý sản xuất – kinh doanh ở một hợp tác xã nông nghiệp, qua thực tiễn của Hợp tác xã Mỹ Thọ”.

Mặt khác, nhờ thực tiễn mách bảo và nhờ lý thuyết hệ thống, tôi đã nhận ra vài điều mới chưa được đề cập trong khoa học quản lý khi thiết kế hệ thống quản lý vi mô cũng như vĩ mô. Cấu trúc và cơ chế vận hành của bất kỳ hệ thống kinh tế – xã hội nào dù ở cấp vi mô hay vĩ mô, đều phải được thể chế hóa thành điều lệ, quy chế quản lý, trả lời sáu câu hỏi: Làm gì? Ai làm? Làm như thế nào (cả về kinh tế, kỹ thuật và tâm lý xã hội)? Làm ở đâu? Làm lúc nào? Làm tốt hoặc không tốt thì sao? Và phải biến quy chế ấy thành văn hóa của tổ chức. Lúc đó, nhà nước chủ trương đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính như trồng trọt, với khẩu hiện 5 tấn thóc/ 1 ha và 2 con lợn/ 1 ha canh tác. Các hợp tác xã nông nghiệp đều lập đội chuyên chăn nuôi lợn, dành 5% đất canh tác trồng cây thức ăn gia súc…, nhưng chăn nuôi vẫn không tăng trưởng. Vì thế nhiều hợp tác xã cử hẳn một Phó Chủ nhiệm chuyên trách chăn nuôi trực tiếp làm đội trưởng đội chăn nuôi. Ở cấp vĩ mô, nhiều Thứ trưởng kiêm Tổng Cục trưởng, Tổng Giám đốc các tổng công ty lớn, có trường hợp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật.

Theo lý thuyết hệ thống, cấu trúc như vậy là không tách biệt chủ thể quản lý và khách thể quản lý (đối tượng bị quản lý) trong hệ thống, dẫn đến những quyết định đem lại lợi ích cục bộ. Phó Chủ nhiệm hợp tác xã kiêm đội trưởng sẽ sử dụng quyền lực của chủ thể quản lý (thay mặt chủ nhiệm) ra các quyết định có lợi cho đội chăn nuôi mà không có lợi cho các đội sản xuất khác, nhất là khi nguồn lực tài chính, vật tư, nhân sự có hạn. Khi Phó Thủ tướng Đỗ Mười kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông đã ra quyết định tăng phụ cấp độc hại cho công nhân xây dựng trên công trường từ 15%  lên 18% tiền lương chính, bằng với công nhân khai mỏ (như mỏ than Quảng Ninh). Ông làm được điều này, không bị Bộ Tài chính, Bộ Lao động phản đối, vì ông là Phó Thủ tướng – thuộc chủ thể quản lý. Trong khi đó, ông Nguyễn Chấn, Bộ trưởng Bộ Điện – Than lúc đó không thể đòi tăng phụ cấp cho công nhân mỏ cao hơn công nhân xây dựng, mặc dù công nhân chui xuống hầm than bị nhiễm độc hơn công nhân trên công trường xây dựng. Vì lẽ đơn giản, ông Chấn chỉ là Bộ trưởng quản lý ngành điện – than, một khách thể quản lý trong hệ thống quản lý vĩ mô. Do đó, tôi đã đưa ra một nguyên tắc khi thiết kế hệ thống quản lý là “không được song trùng vai trò quản lý (chủ thể) và vai trò bị quản lý (khách thể) trên cùng một người thuộc hai cấp có quan hệ quản lý trực tiếp trong hệ thống”. Điều đó tương tự như trong luật bóng đá: “không được vừa thổi còi vừa đá bóng”.

Khi viết xong luận án, trong buổi bảo vệ cấp cơ sở, một thành viên hội đồng phản đối luận án vì nó đã không đề cập đến nội dung rất nóng hổi lúc đó là “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” theo chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (1/1981). May mắn là Phó Giáo sư Chu Hữu Quý, đang là Phó Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Đảng, người phản biện 1 đã bác lại: Đây là luận án khoa học nên phải xem xét theo tiêu chí khoa học, không phải minh họa cho nghị quyết của Đảng hay Nhà nước. Tôi đã bảo vệ chính thức luận án Phó Tiến sĩ Kinh tế Nông nghiệp ngày 5/10/1982 tại hội đồng cấp nhà nước tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội do Giáo sư Hiệu trưởng Lê Duy Thước làm chủ tịch, Phó Giáo sư, Phó Tiến sĩ Chu Hữu Quý, Phó Ban Nông nghiệp TW Đảng, Giáo sư Nguyễn Đình Nam Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội (ông cũng là người hướng dẫn luận án tốt nghiệp đại học của tôi năm 1967), Phó Tiến sĩ Nguyễn Lâm Toàn, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp) là những người phản biện khoa học, đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của tôi và đề nghị với Bộ Nông nghiệp cho tôi được đi nước ngoài để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Nhưng tất nhiên điều đó không bao giờ xảy ra. Cần nói rõ thêm, theo hệ thống giáo dục của Liên Xô lúc đó, bằng cấp sau đại học là Phó Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ Khoa học, không có thạc sĩ. Sau này, Việt Nam đổi qua hệ giáo dục của Hoa Kỳ nên có cấp học thạc sĩ (cao học) và tiến sĩ, rồi hô biến một đêm, Phó Tiến sĩ thành tiến sĩ (không khoa học!) và tiến sĩ khoa học. Thế là bây giờ người gọi tôi là tiến sĩ, còn trên bằng cấp do Bộ trưởng Bộ Đại học Nguyễn Đình Tứ ký cho tôi là “Phó Tiến sĩ Kinh tế”. Khi phát biểu trước khi hội đồng chấm luận án họp riêng, Giáo sư hướng dẫn khoa học Mai Hữu Khuê đã phát biểu, đại ý: Các luận án khác thường thành công nhờ vào chương 3 – các giải pháp được đề xuất, còn luận án này lại thành công ở chương 1, cơ sở lý luận. Bởi các giải pháp không phải là đề xuất mà đã thực hiện có hiệu quả trong quản lý của Hợp tác xã Mỹ Thọ từ 1973, nay được phân tích, đánh giá, nhìn nhận dưới quan điểm hệ thống.

Tôi trở thành người đầu tiên vận dụng lý thuyết hệ thống thành công trong cả việc thiết kế lẫn việc thực thi mô hình quản lí mới ở một hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh thể chế quản lý vĩ mô đang vi phạm nghiêm trọng những nguyên lý của lý thuyết hệ thống và không tuân thủ quy luật kinh tế thị trường.

 

1/2014

Comments are closed.