Các "tai nạn Văn chương" (35): "Vào đời" (6)

26/6/1963: báo “Tiền phong” s. 1054: Thanh Bình: “Vào đời”, một tác phẩm rất xấu

Khi cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của nhà văn Hà Minh Tuân được xuất bản, thì các bạn trẻ là những người đầu tiên hăm hở tìm đọc. Điều đó cũng rất dễ hiểu vì vào đời chính là một vấn đề nóng hổi mà thế hệ trẻ nước ta đang hết sức quan tâm. Thật vậy, hàng vạn nam nữ thanh niên vừa mới lớn lên đang hăng hái chuẩn bị bước vào đời, trong khi ở khắp các nơi và ở khắp các ngành của nền kinh tế quốc dân, cuộc sống lao động sôi nổi, hào hùng đang chờ đón họ. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Đoàn thanh niên, hàng vạn thanh niên đã và đang đi tới làm việc ở những nơi khó khăn gian khổ nhất trong công cuộc xây dựng đất nước. Trong học sinh đang có phong trào về nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ở ngay thủ đô Hà Nội đang có phong trào thanh niên tình nguyện đi lên các miền rừng núi để phát triển kinh tế, v.v.

Do đó, cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của nhà văn Hà Minh Tuân, với cái tên “Vào đời” của nó, có sức hấp dẫn tự nhiên đối với các bạn trẻ. Nhiều nam nữ thanh niên hy vọng tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết này một nguồn cổ vũ đối với họ. Họ cũng hy vọng tìm thấy ở cuốn sách những hiểu biết mới mẻ về cuộc đời mà họ đang muốn tìm hiểu thêm trong khi chuẩn bị bước vào đời. Song, cuốn tiểu thuyết đã làm họ thất vọng. Một vài bạn gái sau khi đọc cuốn sách này cảm thấy như bị nhiễm độc. Một cảm giác lo lắng, hoài nghi bỗng nhiên kéo đến bao phủ lên những hy vọng và những ý định tốt đẹp của họ về cuộc đời. Từ nông trường Nghĩa Đàn (Nghệ An), anh bạn Đặng Minh Hân đã biên thư cho chúng tôi kể lại rằng: “L. là một nữ sinh lớp 7 vừa mới tốt nghiệp. Đưa cho tôi mượn cuốn sách, cô lắc đầu nói: Em sợ cuộc đời của em sau này sẽ như chị Sen trong truyện lắm. Không biểt rồi đây khi vào đời, em có phải trải qua tấn bi kịch đáng sợ như người trong truyện không?”

Thực ra bước vào đời của Sen, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vào đời” cũng đáng làm cho một số bạn gái ngây thơ lo lắng và ghê sợ thật.

***

Là một nữ sinh Hà Nội mới lớn lên, Sen đã bị cha mẹ ép gả cho một ông bác sĩ góa vợ. Chịu không nổi, Sen phải trốn nhà ra đi và tìm đến làm việc ở một công trường ở ngay tại Hà Nội. Ở đây công việc lao động quá vất vả đã đè nặng lên cuộc đời của cô gái, làm cho cô xiêu vẹo tiều tụy và trông thật là tội nghiệp. Sen dao động và nảy ra ý nghĩ bỏ công trường trở về nhà, hy vọng vào lòng thương và sự nghĩ lại của cha mẹ. Song hình ảnh của ông bố khắc nghiệt đã làm cô tuyệt vọng. Biết chuyện này, bí thư chi đoàn Trần Lưu đã đưa cô ra kiểm thảo trước một cuộc họp của chi đoàn. Nhờ có sự giúp đỡ của chị Bổn, một nữ công nhân dày dạn, Sen cố gắng vươn lên làm quen dần với cuộc sống lao động ở công trường. Một hôm sau khi dạy công nhân học văn hóa về khuya, Sen bị hai tên lưu manh là Mai và Song thình lình bắt cóc và hãm hiếp. Cô đau đớn tủi hổ nhưng không dám thổ lộ điều này với ai. Sau đó Sen được cử đi học nghề cơ khí. Ở trường cô gặp Hiếu, một quân nhân phục viên, bạn thân của anh ruột Sen trong quân ngũ trước đây. Hai người yêu nhau. Nhưng Sen có thai sau lần bị hiếp. Cô nói thật với Hiếu và được Hiếu cảm thông an ủi. Để Sen khỏi mang tiếng, hai người cưới nhau. Sau này hai người cùng làm ở nhà máy cơ khí và cuộc sống đầy mâu thuẫn của cặp vợ chồng trẻ này bắt đầu.

Vốn tính nóng nảy lại mang thêm nỗi căm hận về cái chết của ông bố trong cải cách ruộng đất, Hiếu tỏ ra là một người có tính tình khác thường, luôn luôn tỏ ra hằn học với lãnh đạo. Anh rất yêu vợ nhưng bị hai tên lưu manh Mai, Song (cũng là quân nhân phục viên) dèm pha, Hiếu nghi vợ ngoại tình với bí thư chi đoàn Trần Lưu. Hiếu càng bực dọc vì đứa con mà anh ta không phải là bố. Nhiều lần Hiếu đã làm cho Sen đau khổ vì chuyện này. Sẵn lòng bất mãn, Hiếu cùng với bọn lưu manh và những kẻ chống đối khác trong xí nghiệp tích cực hoạt động chống lại “bọn lãnh đạo quan liêu” của nhà máy. Bị lôi cuốn, anh ta đã cùng Mai, Song giả làm “đại tá” đến lừa gạt một gia đình tư sản.

Cuối cùng hai tên lưu manh bị công an bắt vì đã gây nhiều tội ác. Hiếu vào chuồng tiêu lấy phân viết khẩu hiệu “phản đối khủng bố công nhân”. Sau đến lượt Hiếu bị bắt.

Trong những ngày bị chồng dày vò đau đớn, Sen vẫn yêu chồng, vẫn kiên nhẫn làm việc và nuôi con. Cô trở thành chiến sĩ thi đua của nhà máy, nhưng gia đình của cô bị tan vỡ. Ở đoạn cuối của câu chuyện, tác giả đã gợi lên triển vọng của một cuộc tình duyên mới giữa Sen và Trần Lưu.

***

Dưới ngòi bút của Hà Minh Tuân, bước vào đời của người nữ thanh niên ấy thật là ảm đạm, thật là rủi ro, chua xót. Phải chăng đó là bước vào đời điển hình của thế hệ trẻ nước ta ngày nay? Không, tuyệt nhiên không phải như vậy. Nam nữ thanh niên đã và đang tiếp tục bước vào đời với tất cả lòng tự hào và tinh thần lạc quan cách mạng vì họ hiểu rằng vào đời không phải chỉ là tạo ra điều kiện sinh sống mà còn là đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại xây dựng đất nước. Trong thực tế cũng có nhiều chị em bước vào đời để tìm con đường tự giải phóng khỏi sự kiềm chế phong kiến của gia đình. Song ngay trong trường hợp ấy họ cũng không âu sầu thụ động như cô Sen trong truyện. Trong cuộc sống lao động mới, sôi nổi và đầy lạc quan, họ đã và đang được Đảng, Đoàn thanh niên, được cả tập thể công nhân rộng lớn đầy tình đồng chí giúp đỡ, dìu dắt, đùm bọc. Lao động đối với họ không phải là một gánh nặng khủng khiếp như nhà văn Hà Minh Tuân đã miêu tả. Lao động càng không phải là cái gì đày ải thanh niên và làm cho họ trở thành những con người “tội nghiệp”. Họ không cần một sự thương hại nào, trái lại, họ rất thương hại những người cho đến nay vẫn còn chưa thấy lao động là một sự nghiệp anh hùng, một điều vẻ vang. Ở thời đại ngày nay, thanh niên đã tìm thấy trong lao động khó khăn và gian khổ một trường học lớn để rèn luyện mình và họ đã lớn lên mau chóng trong lao động.

***

Trong tiểu thuyết, tác giả đã miêu tả la liệt những mặt tiêu cực khác nhau của đời sống xã hội: hiếp dâm, lừa đảo, những hành vi lưu manh vô đạo đức, tệ quan liêu, những hoạt động chống đối, và cả những tổn thất trong cải cách cũng đã được gợi lại. Những nhân vật tiêu cực đã được tác giả dàn ra khá nhiều: Mai, Song, Hiếu, Mụ Béo, Cư, Chiến, Quang, v.v. Thậm chí là cả những quan niệm thoái hóa, đồi trụy nhất về cuộc đời của giai cấp tư sản cũng đã được thuyết minh tỉ mỉ. Có thể trích một đoạn làm ví dụ. Đây là lời một tên lưu manh:

“Đời người ngắn ngủi… ngắn ngủi lắm. Lại còn bao nhiêu bất trắc rình mò. Phải tận hưởng cuộc đời, phải gấp gáp tạo ra cho mình mọi thứ lạc thú trước khi nhắm mắt. Trời đã sinh ra giống đàn bà để làm hương hoa cho cuộc sống, để nhận giống, thụ thai và nuôi con…” … “Phương châm sống của tao là thế này: Đời là một vườn hoa, ngắt được nhiều hoa là được nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc hơn là ngắt được nhiều bông hoa đẹp mới hé nở” (“Vào đời”, tr. 62-64)

Ai có thể tin rằng đó là lời lẽ của một tên lưu manh? Không, đó là lý luận của nhân sinh quan tư sản đồi trụy nhất được trang điểm bằng những lời lẽ văn hoa mà không hề được phê phán.

Lật hết trang cuối cùng của cuốn sách, người đọc còn giữ lại được gì trong tâm trí? Bước vào đời ảm đạm của một nữ thanh niên, những nét đen xạm của cuộc đời cùng với những thứ triết lý đê tiện nhất, và gì nữa? Sự ly kỳ của những hành vi ghen tuông, lừa đảo, lưu manh, những sự khêu gợi thú tính thấp hèn của con người trong mối quan hệ nam nữ.

Anh bạn Đặng Minh Hân ở nông trường Nghĩa Đàn cho biết: “Sau khi đọc xong, tôi đã cất kỹ cuốn “Vào đời” trong tủ kín, tuyệt đối không cho các bạn trẻ của tôi xem, mặc dù họ biết tôi có quyển “Vào đời”, theo tiếng đồn, “hay lắm”. Nó hay thật, hay với những thị hiếu không lành mạnh của một số người, hay với những tình tiết éo le, ly kỳ, mạo hiểm, nhưng thật không hay cho cuộc sống lành mạnh đang tiến lên trong phong trào xung phong tình nguyện của chúng ta”.

Việc làm của anh Đặng Minh Hân là một việc cần thiết để cách ly cuốn “Vào đời” như cách ly một ổ dịch. Song, cần thiết hơn nữa là phải tiến hành một cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại những tàn dư của tư tưởng Nhân văn – Giai phẩm đang được phục hồi lại trong tác phẩm “Vào đời”.

***

Khi cần đánh giá một tác phẩm văn học, trước hết người ta phải xem tác phẩm đó có phản ánh chân thực cuộc sống mới và con người mới hay không, nó có phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động hay không. Và như vậy tác phẩm văn học bao giờ cũng phản ánh rất rõ quan điểm, lập trường và thế giới quan của tác giả. Quan điểm, lập trường và thế giới quan của nhà văn càng được phơi bày rõ nét khi cần phải mô tả đời sống xã hội trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra một cách gay go và quyết liệt.

Nhà văn Hà Minh Tuân đã lấy tình hình xã hội ở miền Bắc nước ta trong những năm 1957-1960 làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết của mình. 1957-1960 là những năm gay go nhất, quyết liệt nhất của cuộc đấu tranh giai cấp trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và tư tưởng. Lợi dụng lúc tình thế khó khăn, bọn phái hữu của giai cấp tư sản mà đại biểu là nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đã điên cuồng chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại nền chuyên chính nhân dân. Dưới chiêu bài “chống quan liêu”, chúng mưu đồ lôi kéo một bộ phận lạc hậu trong quần chúng để chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Đồng minh của chúng là những phần tử lưu manh, bọn đầu cơ, bọn cơ hội chủ nghĩa, những kẻ bất mãn bị kích động. Bọn này được dịp hoành hành phá hoại trật tự xã hội và gây ra những hoạt động chống đối ở khắp nơi. Nhưng Đảng ta được quần chúng nhân dân lao động ủng hộ đã đập tan được sự phá phách điên cuồng của chúng và đã làm thất bại các mưu đồ xấu xa của bọn người này.

Đó là hiện thực khách quan của những năm 1957-1958. Nhưng hiện thực khách quan ấy đã không được phản ánh một cách trung thực trong tác phẩm “Vào đời”. Hà Minh Tuân đã miêu tả những mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ không phải là mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp công nhân, người lãnh đạo Nhà nước, và phái hữu của giai cấp tư sản, mà là mâu thuẫn đối kháng giữa “quần chúng” với “bọn quan liêu chỉ tay năm ngón, hống hách, tác hại, ăn lương cao”. Trong tác phẩm của mình, ở khắp nơi công trường, trường học, nhà máy, nơi các nhân vật của tiểu thuyết hoạt động, Hà Minh Tuân luôn luôn cường điệu mối “mâu thuẫn đối kháng” này.

Ai cũng có thể thấy rất rõ qua cuốn tiểu thuyết nhà văn Hà Minh Tuân đã đứng trên lập trường của giai cấp nào để sáng tác. Những tư tưởng của bọn Nhân văn-Giai phẩm đã được nhà văn phục hồi lại một cách công khai không úp mở. Theo quan điểm cũ của bọn Nhân văn-Giai phẩm, tác giả cuốn “Vào đời” đã miêu tả một cách “sắc sảo” những cán bộ gọi là “quan liêu” như sau:

“Quản trị trưởng to cao, cặp mắt trợn trừng đỏ đọc như hai cục tiết. Râu đen tua tủa quanh mồm cùng hai khóm lông mũi dài và cặp mày rộng nhảy múa lộn xộn trên khuôn mặt đỏ bóng những mỡ và mồ hôi”…

“Trong giây lát, Bân, phó giám đốc, trước mặt Hiếu bỗng biến thành một ông quan đội khăn xếp mặc áo gấm dài, đeo bài ngà, quần ống sớ…” (“Vào đời”, tr. 136)

Những lời lẽ mà Hà Minh Tuân, thông qua một nhân vật chính trong truyện là Hiếu, dùng để phê phán bọn “cán bộ quan liêu” cũng rất sắc bén:

“Cái thói chúng nó vẫn quan liêu hách dịch thế! Phải vả vào cái mồm nó chỉ quen ăn của nhân dân và chỉnh người. Ngoài ra sống chết mặc bay…” (“Vào đời”, tr. 133)

Ngay đối với nhân vật Bình, một cán bộ lãnh đạo tốt được cử tới nhà máy làm việc, tác giả cũng cố tìm ra cái khía cạnh quan liêu của nhân vật để đưa lên:

“ Nhiều anh em… chép miệng cho Bình cùng một duộc với Cư, Chiến, chỉ khác một đằng quan liêu giấy tờ hách dịch, một đằng quan liêu vất vả mà thôi”. (“Vào đời”, tr. 206)

Và như thế, dưới ngòi bút của nhà văn, các cán bộ của Đảng và chính quyền ở công trường, trường học, xí nghiệp, đều hiện lên như những kẻ “quan liêu” thế cả. Những khi cần phải mô tả những sự việc cụ thể chứng minh sự quan liêu hách dịch thì nhà văn lại không sao làm rõ nét lên được, ngoài những sự phỏng đoán vu vơ. Người ta lên án viên giám đốc nhà máy Cư về tội đuổi công nhân hàng loạt, nhưng trường hợp nào đuổi là sai và sai như thế nào? Không ai có thể hiểu được. Nếu như cần phải đuổi những bọn lưu manh côn đồ, những phần tử phá rối trật tự xí nghiệp thì đó lại là điều cần thiết. Pháp luật nhà nước không loại trừ trường hợp này.

***

Hà Minh Tuân đã phản ánh vào tác phẩm của mình tất cả thái độ hằn học của những giai cấp bóc lột đối với Đảng và nền chuyên chính của nhân dân.

Qua cuốn tiểu thuyết, người ta cũng thấy rõ tác giả mô tả những nét của “sinh hoạt dân chủ” trong nhà máy khá sinh động; nhưng sinh hoạt dân chủ được nhấn mạnh ở đây lại không phải là thứ sinh hoạt dân chủ của giai cấp công nhân nhằm bàn bạc tham gia ý kiến vào công việc quản lý sản xuất mà là thứ sinh hoạt dân chủ kiểu tư sản để chống lại “lãnh đạo quan liêu”. Ở đây, nhà văn đã thay thế sự phê bình có tính chất đồng chí trong nội bộ công nhân bằng một cuộc “đấu tố lãnh đạo” đầy căm hận (xem từ trang 211 đến 223). Có một điều mà người đọc không thể không ngạc nhiên là tác giả đã kéo cả phái viên của Trung ương Đảng, đại diện thành ủy, bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn, các công nhân tốt vào cùng một phe với bọn lưu manh côn đồ, bọn chống đối, để đả kích lại cán bộ lãnh đạo xí nghiệp đã được miêu tả thành những kẻ quan liêu ghê gớm. Phải nói rằng đó là một sự xuyên tạc trắng trợn hiện thực khách quan.

Không phải Đảng ta và nhân dân ta không tỏ ra nghiêm khắc với bệnh quan liêu còn tồn tại ở một số cán bộ lãnh đạo, nhưng bệnh quan liêu thực sự lại không giống chút nào với cái “tệ quan liêu” mà bọn Nhân văn-Giai phẩm trước đây đã từng lớn tiếng lên án và không ngừng đả kích. Cái mà chúng gọi là “tệ quan liêu” thực chất chỉ là sự vu cáo đối với chính quyền Nhà nước. Chúng điên cuồng đả kích vào cái gọi là “tệ quan liêu”, song thực chất là đả kích vào nền chuyên chính vô sản tức là nền dân chủ rộng rãi nhất của nhân dân lao động do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong tác phẩm “Vào đời” chính nhà văn Hà Minh Tuân đã chống lại cái “tệ quan liêu” ấy một cách hăng hái không kém gì bọn Nhân văn-Giai phẩm trước đây đã làm.

***

Trật tự mới của thủ đô Hà Nội cũng đã được miêu tả như sau:

“Bán thịt theo phiếu mà ưu tiên những miếng ngon cho người quen. Bán nước mắm thì pha nhiều nước muối và nước lá chuối. Nhiều hiệu ăn “tiến bộ giật lùi”, phở vừa đắt vừa nhạt nhẽo. Ngày chủ nhật trong chợ, ngoài đường, loa phóng thanh nhức óc mà mấy ai nghe? Có những buổi chiều thứ bảy, công an đứng hàng loạt ở đường phố Tràng Tiền cứ một chút một chút lại huýt còi rinh lên, khiến mọi người trên đường phố cảm thấy kém vui” (tr. 327).

Phải chăng đó là cảm giác chung của mọi người lao động đối với trật tự xã hội mới? Không, đó chỉ là những cảm giác của những người tiểu tư hữu rất quan tâm đến những lợi ích cá nhân tầm thường nhỏ nhặt hàng ngày, và luôn luôn đứng trên những lợi ích nhỏ nhặt ấy để xem xét và đánh giá trật tự xã hội mới, chứ không đứng trên lợi ích của tập thể, của cách mạng.

Ở một vài đoạn khác, nhà văn Hà Minh Tuân đã đột ngột đưa vào câu chuyện những nhận xét khác của nhân vật Trần Lưu nhằm công kích báo chí cách mạng, coi báo chí, vũ khí tư tưởng của Đảng, chằng ra gì, tựa hồ như báo chí của chúng ta chỉ chú ý tô hồng chứ không dám phê phán mặt tích cực của xã hội. Phải chăng thực tế là như vậy? Hay đó chỉ là một lời vu khống? Có lẽ điều mà Hà Minh Tuân không hài lòng là báo chí cách mạng của chúng ta không đứng trên cùng một lập trường với nhà văn để công kích trật tự xã hội mới.

Có người cho rằng nhà văn Hà Minh Tuân đã “bôi đen chế độ” khi miêu tả một cách la liệt những mặt tiêu cực của đời sống xã hội, đến nỗi làm mất hút cả những nhân tố tích cực mà nhà văn muốn nêu lên. Song vấn đề ở đây lại không phải là vấn đề “bôi đen” hay “tô hồng” mà là vấn đề thế giới quan của nhà văn như thế nào?

Chúng ta không phải là những người trốn tránh không dám nói lên những mặt tiêu cực của đời sống xã hội vì chúng ta hiểu rõ đó không phải là con đẻ của xã hội XHCN mà là những tàn dư của quá khứ.

Hồ Chủ tịch đã dạy rằng: “Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v. Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn” (Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III).

Việc miêu tả như thế nào mặt tiêu cực của đời sống xã hội có liên quan đến lập trường và thế giới quan của nhà văn. Đông đảo văn nghệ sĩ nước ta khi nói đến cái xấu, cái hư hỏng còn rớt lại trong xã hội là để nghiêm khắc phê phán nó, đồng thời để làm nổi bật lên cái đẹp, cái lành mạnh đang giữ địa vị ưu thắng trong đời sống xã hội. Song, những người có thế giới quan của giai cấp tư sản thì lại miêu tả những cái xấu xa đó bằng nhiều màu vẻ ly kỳ, không phải để phê phán nó mà để làm cho nó có tính hấp dẫn hơn và do đó làm cho nó gây ảnh hưởng xấu trong quần chúng độc giả. Và đó cũng là điều mà người đọc thấy rất rõ trong tiểu thuyết “Vào đời”.

Đồng chí Đặng Thai Mai, chủ tịch hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đã nói rất đúng rằng: “Chủ nghĩa hiện thực XHCN khi có nói đến cái xấu, cái hư hỏng, không phải là để tìm thấy cái cảm giác khoái trá trong đó mà cốt để làm cho rõ ràng cái hay cái đẹp và để chỉ rõ sự thắng lợi của cái hay cái đẹp, cái chân lý”. Chúng ta hoàn toàn tán thành ý kiến đó, ý kiến phản ánh thế giới quan mác-xít của nhà văn đối với hiện thực xã hội đồng thời phản ánh cả ý thứ trách nhiệm cao của người cầm bút đối với sự nghiệp cách mạng XHCN ở nước ta.

***

Vào đời – đó là một đề tài rất lớn của thời đại. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà văn, nhà nghệ sĩ của chúng ta sẽ viết nhiều hơn nữa về đề tài này để cổ vũ và giúp đỡ thanh niên tiến lên hăng hái hơn, lạc quan hơn và tin tưởng hơn vào cuộc sống lao động vĩ đại vì sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN nước nhà. Cuộc sống phong phú của hàng vạn nam nữ thanh niên đã bước vào đời là cả một thiên anh hùng ca không bao giờ dứt. Chúng tôi chờ mong cả ở các bạn thanh niên viết nhiều hơn nữa về bước vào đời của chính mình và của bạn bè mình, để làm nổi bật hơn nữa, âm vang hơn nữa thiên anh hùng ca vào đời của tuổi trẻ ở thời đại chúng ta ngày nay, và để cho điệu kèn bi ai của tiểu thuyết “Vào đời” không còn rên rỉ nữa.

THANH BÌNH

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s.1054 (26.6.1963), tr. 3, 4.

Comments are closed.