CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (40): “VÀO ĐỜI” (11)

6/7/1963. Báo “Lao động”: Ngọc Lộc (công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội): Tiểu thuyết “Vào đời” đã bôi nhọ sự thật trong các nhà máy, công trường

Có một thời gian, nhà văn Hà Minh Tuân đến nhà máy chúng tôi thâm nhập để sáng tác về đề tài công nghiệp. Chúng tôi rất vui mừng trông chờ, mong được soi lại hình bóng của công nhân trong những năm phục hồi kinh tế, để thêm sức mạnh, niềm tin.

Nhưng sau khi xem cuốn “Vào đời”, chúng tôi rất bực mình. Đây không chỉ là một sự bực mình thông thường của người bị anh họa sĩ vẽ tồi, mà là bị người khác cố bóp méo sự thật.

Sau hai năm hòa bình được lập lại, trong một nước nông nghiệp lạc hậu bị chiến tranh tàn phá, chúng ta đã xây dựng một nhà máy cơ khí hiện đại. Công việc quả là quá sức tưởng tượng. Khi đó chúng ta chưa có lấy một kỹ sư; đồng chí giám đốc chỉ là bác thợ già; công nhân thiếu, đã số là những anh em mới buông tay súng, vừa làm vừa học.

Sự đấu tranh gay gắt và gian khổ nhất lúc bấy giờ là giữa trình độ lạc hậu và khoa học kỹ thuật hiện đại. Cán bộ và công nhân ta dĩ nhiên cũng có mắc khuyết điểm, do non kém về quản lý, về kỹ thuật, v.v. Nhưng có phải vì thế mà công trường xí nghiệp của ta đến nỗi lộn xộn, vô kỷ cương như cuốn “Vào đời” đã miêu tả không? Nhất định không! Nếu có mâu thuẫn giữa cán bộ và công nhân thì trong một nhà máy dưới chế độ ta quyết không thể có đến cái mức “định bắt giám đốc bỏ dọ”, “biểu tình lên Thủ tướng phủ”… Rõ ràng là khi đề cập đến quan hệ giữa cán bộ và công nhân, nhà văn Hà Minh Tuân đã làm mờ đi bản chất tốt đẹp dưới chế độ ta. Ông đã tưởng tượng và cố ý nặn ra sự việc để bóp méo sự thực. Mặc dù tác giả có ý muốn chống quan liêu đi nữa, công nhân chúng tôi cũng không tán thành kiểu mượn cớ chống quan liêu để gây ấn tượng xấu giữa quần chúng và lãnh đạo. Chẳng biết nhà văn Hà Minh Tuân còn nhặt những sự kiện ở đâu nữa không? Tôi là người đã làm việc từ khi công trường khởi công tới nay, cũng thấy rất ngỡ ngàng xa lạ với những việc ông dựng lên trong cuốn sách. Tác giả đã cố tìm tòi một vài vết hoen nhỏ rải rác, tô đậm lên, thêm thắt vào, hệ thống hóa để vẽ thành một bức tranh xám xịt, đầy giả tạo. Sự giả tạo nhiều khi tới mức vô lý: Khu ký túc ở trường kỹ thuật, nhà hẹp người đông; anh em phải nằm giường chồng, Hiếu lại đòi có một phòng riêng để ở. Nhà trường không giải quyết… Thế là tác giả “chụp” cho đó là quan liêu, loại “đeo bài ngà, quần ống sớ”. Tác giả “Vào đời” lẽ đâu không thấy các khó khăn của ta trong đời sống hồi bấy giờ? Tác giả lại cố tình làm mờ nhạt đi bao nhiêu cố gắng của ta trong việc cải thiện đời sống công nhân viên chức mà chính tác giả đã thấy ở nhà máy chúng tôi đó.

Về mặt chính quyền, lối vu khống của tác giả “Vào đời” cũng rất trắng trợn. Làm gì có chuyện giám đốc nhà máy bắt giam một công nhân tới năm sáu ngày rồi đuổi vì tội nói hỗn với cán bộ? Chúng tôi thiết tưởng nếu ở đâu đó mà nhỡ có thật, thì ông giám đốc một xí nghiệp đâu có quyền giam giữ người trái phép. Nhất là xí nghiêp đó lại nằm ngay giữa thủ đô.

Đoạn tả phần tử xấu vây quanh cầu thang la hét định “bắt giám đốc bỏ dọ” thì rõ là chuyện bịa không tin được. Phần tử xấu đông tới 20 tên (?!) mà chỉ có 4 người tốt: Biền, Hán, Lưu, Sen, đứng van xin bọn chúng để bảo vệ cán bộ ư? Thế còn tập thể công nhân nữa, thái độ ra sao? Ngả về phía nào? Phần này nhà văn Hà Minh Tuân hình như cố ý lập lờ không cho chúng ta biết. Mà nếu có cuộc bạo động nào đó đi nữa, thì chính quyền của ta, tổ chức bảo vệ của nhà máy, không có chút khả năng gì để ổn định, trấn áp được hay sao? Sao lại chỉ có sự vuốt ve bọn bất mãn? Sự việc này tác giả đã dựng lên không phải do khờ khạo, mà là do một hệ thống quan điểm lệch lạc chỉ đạo.

Tác giả đã tỏ hẳn thái độ hằn học của mình trong đại hội công nhân viên chức. Tác giả cho từ đồng chí bí thư chi bộ, bí thư thanh niên, thậm chí lại được sự đồng tình vô lý của cả vị đại diện nào đó của Chính phủ mà tác giả đã nặn ra, để diễn một trò hề: hạ uy thế một “cán bộ quan liêu”! Chúng tôi không hiểu, nếu đó là một cuộc đấu tranh nội bộ thì làm gì mà phải ghê gớm đến thế? Hay tác giả muốn biến nó thành một cuộc đấu tranh chính trị? Thực ra kẻ quan liêu trong cuộc đấu tranh này không phải là ai cả, mà lại chính là Hà Minh Tuân! Tác giả đã không hiểu nội dung của hội nghị công nhân viên chức. Nhiệm vụ của hội nghị này, ở đâu cũng thế, không phải là để phê bình cá nhân, mà là để bàn về chỉ tiêu sản xuất, thông qua các biện pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất, duyệt các bản kế hoạch nhằm cải thiện đời sống cho công nhân viên chức… Do quan điểm của tác giả đã có những sai lầm nghiêm trọng, cho nên tác giả đã nhìn mọi việc một cách lệch lạc. Chẳng hạn, tác giả đã đánh giá những hình thức đấu tranh trong đời sống, trong sản xuất như: phát thanh, triển lãm hàng hỏng… là để bêu riếu nhau. Riêng phần tả về cuộc đời cô Sen, thì ở nhà máy chúng tôi, giới phụ nữ vừa bực dọc lại vừa buồn cười. Bực mình, vì anh Tuân đã bôi nhọ chị em; buồn cười, vì anh chỉ biết dựng đứng câu chuyện mà không hiểu rõ gì về con người và cuộc đời mới của chị em, mà hiện tại và tương lai của chị em rất tốt đẹp.

Cho nên rất dễ hiểu khi thấy anh chị em công nhân trong nhà máy chúng tôi, sau khi mua “Vào đời” về, xem nửa chừng đã vứt xó tủ; có người còn định viết thư chất vấn tác giả nữa. Chúng tôi cùng thống nhất: tác phẩm này rất xấu và có hại; chúng ta cần nghiêm khắc phê phán. Mong tác giả kiểm điểm lại mình bằng cách nhìn thẳng vào sự thực.

NGỌC LỘC

(công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội)

Nguồn:

Lao động, Hà Nội, s.1233 (6.7.1963), tr.2.

6/7/1962. Báo “Tiền phong”: Thanh Bình: Qua cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Nói về những “nhếch nhác, lệch lạc” của thế giới quan tiểu tư sản

Qua cuốn tiểu thuyết “Vào đời”, nhà văn Hà Minh Tuân đã phê bình “các ông nhà báo” chỉ biết đưa lên mặt báo toàn những chuyện “tròn trĩnh tươi hồng” và nhà văn đã tỏ ra khó chịu về những “nhếch nhác, lệch lạc” mà các nhà báo “cứ phớt lờ đi”. Vậy thì là một nhà báo, tôi cần phải nói rằng hiện nay đang có một thứ nhếch nhác, lệch lạc thực sự, một thứ nhếch nhác, lệch lạc mà nếu không kiên quyết khắc phục thì nó sẽ gây tác hại không nhỏ. Đó là những nhếch nhác, lệch lạc của thế giới quan tiểu tư sản. Chúng tôi cho rằng chính vì phạm phải những nhếch nhác, lệch lạc này và bị tiêm nhiễm những tư tưởng xấu mà nhà văn Hà Minh Tuân đã sa vào lập trường của giai cấp tư sản phản động một cách không tự giác. Vì vậy chúng tôi thấy cần thiết phải vạch rõ bản chất của thế giới quan này và nghiêm khắc phê phán nó. Chúng tôi cho rằng đó là một việc làm rất có ích cho tất cả cán bộ, đoàn viên và thanh niên chúng ta, cho cả các bạn trẻ làm công tác văn học nghệ thuật giữa lúc mà cuộc đấu tranh cách mạng ở nước ta đang bước vào một thời kỳ mới gay go phức tạp và đôi khi quyết liệt nữa.

***

Trước khi nói đến thế giới quan tiểu tư sản, cần phải nói rằng tuyệt đại bộ phận tầng lớp tiểu tư sản thành thị ở miền Bắc nước ta đã tự giác đi vào con đường làm ăn tập thể. Họ đã tự nguyện đem vận mệnh của mình gắn liền với vận mệnh của Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng XHCN của Đảng. Thông qua cuộc vận động cải tạo XHCN và trong quá trình củng cố quan hệ sản xuất mới, tầng lớp tiểu tư sản thành thị đã tiếp thu được với mức độ khác nhau tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân, người lãnh đạo Nhà nước và cũng là người đang tích cực dìu dắt giúp đỡ họ đi lên. Vì vậy mà tầng lớp xã hội này đã và đang chung lưng đấu cật với giai cấp công nhân, đem hết sức mình vào việc phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, một cuộc sống muôn ngàn lần tốt đẹp hơn xưa.

Cũng cần nói thêm rằng từ lâu, một bộ phận khá đông của tầng lớp tiểu tư sản trí thức thành thị, trong đó đại bộ phận là thanh niên, đã sớm giác ngộ cách mạng. Họ đã hăng hái đi theo Đảng tham gia tích cực vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Có nhiều người đã gia nhập quân đội nhân dân, đã chiến đấu rất anh dũng trong kháng chiến, một số đã hy sinh cho cách mạng một cách rất vẻ vang. Nhiều người được rèn luyện trong chiến đấu, cách mạng, đã trở thành những đảng viên, những cán bộ ưu tú của Đảng.

Từ ngày hòa bình lập lại, một số khá đông thanh niên của tầng lớp xã hội này đã gia nhập đội ngũ của giai cấp công nhân, một số khác được đào tạo thành cán bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên môn thuộc khắp các ngành kinh tế, văn hóa và xã hội.

Những điều trên đây chứng tỏ rằng, sau giai cấp nông dân lao động, tầng lớp tiểu tư sản thành thị là một động lực cách mạng thực sự, là bạn đồng minh đáng tin cậy của giai cấp công nhân, không những trong cách mạng dân tộc dân chủ, mà cả trong cách mạng XHCN nữa.

Tuy nhiên, sự tồn tại lâu đời của nền sản xuất hàng hóa nhỏ cá thể ở nước ta (mặc dầu cho tới nay nó đã được cải tạo) vẫn còn để lại trong đầu óc con người ta những ý thức tư tưởng mà nền sản xuất này đã sản sinh ra. Đó là ý thứ tư tưởng tiểu tư sản cùng một hệ với ý thức tư tưởng tư sản, mà nhân lõi của nó là chủ nghĩa cá nhân. Ý thức tư tưởng đó đang gây ra những trở ngại không nhỏ cho việc quán triệt hơn nữa đường lối chung của Đảng, cho việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đã đề ra. Nó còn gây ra những ảnh hưởng xấu khác nữa. Chính vì vậy mà Đảng ta, trong cuộc cách mạng tư tưởng to lớn đang tiến hành song song với cuộc cách mạng kỹ thuật và cách mạng về quan hệ sản xuất, đã không ngừng đề cao nhiệm vụ khắc phục ý thứ tư tưởng này cùng với các loại tư tưởng phi vô sản khác, đồng thời làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân bắt rễ ngày càng sâu trong nhân dân lao động, đặc biệt là trong thanh niên.

Trong bài báo này, trước hết chúng tôi muốn nói đến thế giới quan tiểu tư sản là thứ thế giới quan rất sai lầm và độc hại mà chúng ta đã thấy thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Vào đời” của nhà văn Hà Minh Tuân, và trong nhiều trường hợp của đời sống hàng ngày nữa.

Đặc điểm nổi bật của thế giới quan tiểu tư sản là sự mơ hồ về giai cấp. Những người có thế giới quan này không nhìn thấy hoặc không muốn nhìn thấy tính chất gay go quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp đã diễn ra và đang còn tiếp diễn phức tạp trong quá trình tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc nước ta. Sau khi miền Bắc được giải phóng và nhất là sau khi đã căn bản xóa bỏ được chế độ người bóc lột người, họ cảm thấy hình như mọi việc đều ổn thỏa cả, không còn đấu tranh giai cấp nữa, không còn kẻ thù giai cấp ở bên trong nữa.

Trong cuốn tiểu thuyết “Vào đời”, nhà văn Hà Minh Tuân đã không nhận rõ những thái độ và hành vi chống đối trước đây của bọn Nhân văn-Giai phẩm thực chất là thái độ thù địch, và hành vi chống đối của những phần tử phái hữu trong giai cấp tư sản chống lại nền chuyên chính dân chủ nhân dân (thực chất là chuyên chính vô sản) do Đảng ta lãnh đạo. Do đó nhà văn đã đứng trên lập trường của giai cấp tư sản phản động phản ánh vào tác phẩm của mình không phải là một cuộc đấu tranh giai cấp gay go quyết liệt giữa giai cấp công nhân và phái hữu của giai cấp tư sản, mà là cuộc đấu tranh giữa cái gọi là “bọn quan liêu” với “quần chúng bất bình”.

Do sự mơ hồ về giai cấp, nhiều khi những người tiểu tư sản không nhận rõ bản chất của giai cấp bóc lột và cũng không nhận rõ cơ sở xã hội nào đã sản sinh ra hệ tư tưởng phản động của các giai cấp này. Chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy nhà văn Hà Minh Tuân miêu tả một nhân vật chống đối, liều lĩnh, thù địch với chế độ xã hội mới như Hiếu mà không thấy bản chất giai cấp của nhân vật này ở đâu cả. Hình như tất cả những hành vi gây gổ, đối lập với lãnh đạo của nhân vật này chỉ là do tại bố anh ta bị chết (tự tử) trong cải cách ruộng đất [CCRĐ] mà thôi. Và như vậy nhà văn muốn người đọc nhẹ dạ có thể hiểu như thế nào? Tại sai lầm của lãnh đạo mà ra cả hay sao? Thật là nguy hiểm.

Cũng do mơ hồ về giai cấp nên những người tiểu tư sản thấy ai vạch ra sự đối kháng giai cấp trong một hiện tượng xã hội nào đó hoặc nghe ai vạch ra tính chất giai cấp của một quan điểm hay một trạng thái ý thức nào đó, thì họ cảm thấy hình như là người ta cường điệu, người ta chụp mũ. Khi họ đứng giữa một cuộc đấu tranh giai cấp gay go và quyết liệt họ thường tỏ ra bấp bênh. Có thể họ ngả về phía cách mạng, nhưng có thể họ ngả về phía bọn tư bản chống đối. Trong những trường hợp khác họ tỏ ra mất phương hướng, không phân biệt được ai là thù, ai là bạn, không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai nữa. Họ hoang mang dao động. Trong lúc cách mạng gặp những bước khó khăn, họ là những người dễ bị kẻ thù của CNXH lừa bịp bởi những khẩu hiệu mị dân hoặc bị phỉnh nịnh bởi những lời lẽ kích thích tính tự kiêu tự đại tiểu tư sản và cuối cùng dễ sa vào lập trường của giai cấp tư sản phản động một cách không tự giác.

Trong những năm 1957-1958, giữa lúc Đảng và Nhà nước đang gặp những khó khăn lớn trong việc quản lý kinh tế và đối phó với bọn đầu cơ tích trữ, bên cạnh đó lại phát hiện một số sai lầm trong CCRĐ, chính bọn Nhân văn-Giai phẩm đã thừa cơ hội thổi phồng những thiếu thốn về các mặt hàng tiêu dùng, cường điệu lên những khuyết điểm này, khuyết điểm khác của lãnh đạo, và dưới khẩu hiệu “chống quan liêu”, đòi “tự do dân chủ” (kiểu tư sản), v.v. chúng đã lôi kéo được một số phần tử tiểu tư sản thoái hóa chỉ nhìn thấy những lợi ích thiển cận trước mắt ngả theo chúng, chống lại lãnh đạo. Chúng cũng đã bơm cho họ những tư tưởng tư sản phản động mà họ cứ tưởng là chân lý.

Rất tiếc rằng cho đến nay, nhà văn Hà Minh Tuân qua tác phẩm “Vào đời” vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những tư tưởng phản động ấy. Nhưng điều này cũng làm cho chúng ta thấy rõ tính chất nguy hiểm của những tư tưởng phản động khi nó được truyền bá dù chỉ là trong một phạm vi không rộng. Điều này cũng đã làm cho chúng ta thấy rõ sự cần thiết phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản như thế nào, thấy rõ sự cần thiết phải làm cho hệ tư tưởng của giai cấp vô sản ăn sâu hơn nữa trong nhân dân lao động và đặc biệt là trong thanh niên như thế nào?

Ngày nay việc nhớ lại lời dạy sau đây của Lê-nin thật là bổ ích: “Mọi việc coi thường hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi việc xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có ý nghĩa tăng cường cho hệ tư tưởng tư sản” (Làm gì? Nxb. Sự thật, tr. 220).

***

Không phải là giai cấp tiểu tư sản với thế giới quan của họ chỉ là mơ hồ về giai cấp. Ngay khi họ đã nhận rõ là có đấu tranh giai cấp đấy, nhưng họ lại tỏ ra ghê sợ đấu tranh giai cấp và muốn trốn tránh nó hoặc xoa dịu nó. Đúng như Lê-nin đã nhận định: “Bản chất của phái dân chủ tiểu tư sản là ghê sợ đấu tranh giai cấp, là mơ tưởng có thể tránh khỏi được đấu tranh giai cấp, là xu hướng san bằng và hòa giải, xu hướng làm dịu các mũi nhọn đấu tranh”. (Lê-nin, Tuyển tập, quyển 2, phần 2, tr. 256)

Ngày nay chính xu hướng này đang là một nguy cơ thực sự trong phong trào cách mạng trên thế giới. Những người có xu hướng đó muốn lấy việc thỏa hiệp với chủ nghĩa đến quốc kể cả đế quốc Mỹ, để giữ gìn hòa bình chứ không muốn lấy đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp để từng bước tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc nhằm loại trừ dần dần nguy cơ của chiến tranh.

Xu hướng đó ở trong nước ta hiện nay không phải là không có ít nhiều. Thái độ thiếu kiên quyết, không triệt để trong việc phê phán quan điểm lập trường tư sản của nhà văn Hà Minh Tuân thể hiện trong tiểu thuyết “Vào đời”, đứng về mặt nào đó mà nói, chính là xu hướng muốn làm dịu mũi nhọn của dấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng. Đã có ý kiến cho rằng một vài bài báo “đã phê phán nặng quá”, “Cuốn sách nhỏ bé và xoàng xĩnh ấy không đáng phê bình đến mức ấy”. Chúng tôi cho rằng phê bình như vậy chưa đủ mà cần phải phê phán nhiều hơn nữa, phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, không những trên báo chí mà còn phải phát động quần chúng đông đảo lên tiếng phê bình nó nữa. Cuốn tiểu thuyết “Vào đời” thật là nhỏ bé, nó chỉ có vẻn vẹn 329 trang, nhưng tư tưởng phản động mà cuốn sách đó chứa đựng lại không nhỏ bé chút nào. Đánh thật mạnh vào quan điểm và lập trường tư sản của tác giả chính là tấn công mạnh vào hệ tư tưởng của giai cấp tư sản và tiểu tư sản đang gây tác hại trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, đang cản trở việc quán triệt đường lối chung của Đảng về cách mạng XHCN ở miền Bắc.

Chúng tôi cho rằng chỉ có làm như thế thì chân lý mới có thể ngời sáng lên được, đường lối chung và các chính sách của Đảng mới có dịp ăn sâu vào quần chúng nhân dân và thanh niên được. Chỉ có làm như thế thì những tình cảm cách mạng của nhân dân ta mới sâu sắc thêm và mới làm bốc lên được dũng khí cách mạng của quần chúng ở khắp mọi nơi. Và cũng chỉ có làm như thế thì nền văn học nghệ thuật của miền Bắc nước ta mới có thể vươn lên được đỉnh cao của tính hiện thực XHCN và tính đảng, mới tăng cường được sức chiến đấu cách mạng thực sự của nó và mới loại trừ được những rác rưởi đôi khi sớm xuất hiện giữa dòng văn học nghệ thuật XHCN của chúng ta.

***

Với thế giới quan tiểu tư sản, cách xem xét sự vật bao giờ cũng phiến diện chủ quan, vì nó không đứng trên quan điểm duy vật biện chứng để phân tích tình hình mà chỉ dựa vào sự suy luận chủ quan, mà sự suy luận chủ quan ấy lại luôn luôn xuất phát từ những lợi ích cá nhân hẹp hòi ích kỷ. Tiêu chuẩn duy nhất mà người có thế giới quan tiểu tư sản thường dùng để đánh giá cái tốt cái xấu, cái đúng cái sai, cái hay cái dở, là lợi ích của cá nhân tầm thường và thiển cận của họ chứ không phải là lợi ích của cách mạng, của toàn cục. Vì vậy, cái gì có lợi cho họ thì đều là cái tốt, cái đúng, cái hay. Cái gì động chạm đến lợi ích cá nhân của họ dù chỉ bằng móng tay thì đều là cái xấu, cái sai, cái dở. Họ thường đánh giá cái tốt cái xấu của trật tự xã hội mới, đánh giá sự đúng sai của một chính sách nào đó của Đảng qua những nhu cầu vật chất nhỏ nhặt hàng ngày của họ có được thỏa mãn đầy đủ hay không đầy đủ. Khi chén nước mắm trên mâm cơm của họ không ngon họ cũng tỏ ra khó chịu và đổ lỗi cho các “ông mậu dịch”. Khi nghe tiếng còi của các đồng chí công an giữ gìn trật tự giao thông tránh tai nạn xe cộ cho nhân dân, họ cũng thấy “kém vui”. Khi tiếng loa phóng thanh hàng ngày báo cho đồng bào những tin tức đấu tranh của nhân dân miền Nam hoặc những thành tựu của công cuộc xây dựng kinh tế trên miền Bắc, họ cho là “nhức óc”, v.v. Và như vậy cách xem xét mọi sự vật của họ bao giờ cũng xuất phát từ quan điểm và lập trường của giai cấp tiểu tư hữu chỉ biết có mình và chỉ nghĩ đến mình.

Dưới cặp kính méo mó của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, họ không nhìn thấy thắng lợi to lớn mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được trong những năm qua. Đứng trước những khó khăn tất yếu do nền kinh tế lạc hậu từ xưa để lại, những khó khăn mà toàn dân đang phải nỗ lực vượt qua trong quá trình xây dựng đất nước, họ không hài lòng, không muốn tìm rõ nguyên nhân, mà chỉ tỏ ra bực bội, xem đó như là một biểu hiện tiêu cực của chế độ xã hội mới.

Như vậy cách xem xét của họ bao giờ cũng chủ quan phiến diện, linh binh xích đế, tốt xấu, đúng sai, hay dở lộn nhoèo một cục.

***

Hồ Chủ tịch đã nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc ra, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Lợi ích của giai cấp vô sản luôn luôn nhất trí với lợi ích của dân tộc và của nhân dân lao động, cho nên chỉ có giai cấp vô sản mới là người duy nhất có thể đại biểu cho lợi ích chung. Do chỗ giai cấp vô sản không có lợi ích riêng biệt nào khác cho nên cách xem xét và giải quyết mọi vấn đề của giai cấp vô sản đều xuất phát từ lợi ích của cách mạng, đều phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động.

Chúng ta thường nói: “Đảng rất sáng suốt, Đảng là trí tuệ của chúng ta”, như thế có nghĩa là nói Đảng ta, đảng của giai cấp vô sản luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm giai cấp, dùng thế giới quan duy vật biện chứng là thế giới quan khoa học nhất, chính xác nhất để xem xét mọi tình hình, có thể nắm được bản chất của mọi vấn đề do cách mạng đã đề ra và giải quyết mọi vấn đề một cách đúng đắn. Do đó những kết luận của Đảng ta là những kết luận đáng tin cậy nhất. Đường lối chung và các chính sách của Đảng đề ra đều là những đường lối và chính sách đúng dắn. Chúng ta có thể đặt vào đó tất cả lòng tin tưởng tuyệt đối của chúng ta. Nói như thế không có nghĩa là nói chúng ta không cần suy nghĩ gì nữa, Đảng là người suy nghĩ mọi việc cho chúng ta cả. Không phải như vậy. Đảng cũng không bao giờ muốn chúng ta trở thành những người thụ động như vậy. Vì rằng theo quan điểm mác-xít, nhân dân là người làm ra lịch sử, và như Lê-nin đã nói: “Khi lý luận đã ăn sâu vào quần chúng, nó tác động như một lực lượng vật chất”. Lực lượng vật chất ấy, không có gì khác, là sức chiến đấu cách mạng không gì lay chuyển được của nhân dân khi đã được thấm nhuần lý luận cách mạng, thấm nhuần đường lối chính sách của Đảng. Bởi thế cho nên Đảng luôn luôn bồi dưỡng cho giai cấp công nhân, cho nhân dân lao động, và đặc biết là cho thanh niên tư tưởng bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Đảng yêu cầu chúng ta luôn luôn vũ trang cho mình thế giới quan mác-xít, tức là thế giới quan duy vật biện chứng. Có như vậy thì trong cuộc đấu tranh cách mạng gay go phức tạp hiện nay cũng như sau này, khi cuộc đấu tranh còn có thể gay go hơn nữa, chúng ta vẫn có thể đứng vững trên lập trường của Đảng, luôn luôn nhận rõ bộ mặt độc ác của kẻ thù để kiên quyết chống lại nó. Có như thế chúng ta mới có thể trong bất kỳ trường hợp nào phân biệt được một cách rõ ràng cái tốt với cái xấu, cái đúng với cái sai, cái hay với cái dở để đem hết sức mình ủng hộ cái tốt, cái đúng, cái hay và đấu tranh để loại trừ và bác bỏ tất cả những cái xấu, cái sai, cái dở, có hại cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta, cho cuộc sống lành mạnh của nhân dân và thanh niên ta. Có như thế chúng ta mới phát huy được cao độ tinh thần chiến đấu cách mạng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vượt qua mọi thác ghềnh tiến tới đích thắng lợi.

Với thế giới quan mác-xít, cán bộ, đoàn viên và thanh niên chúng ta không thể không nhận rõ bản chất độc ác và xảo quyệt của đế quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế đứng đầu bọn đế quốc thế giới, và là kẻ thù độc ác và nguy hiểm nhất của nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới. Chúng đang điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, đang cùng với bè lũ Ngô Đình Diệm đàn áp dã man phong trào yêu nước của đồng bào ta và đã gây ra không biết bao nhiêu là tội ác đẫm máu. Hiện nay 1/3 quân số của Mỹ tức là 70 vạn quân đang được rải khắp thế giới, trên 200 căn cứ quân sự và tên lửa Mỹ bao gồm 2.000 cứ điểm khác nhau. Chúng đang tích cực chuẩn bị chiến tranh xâm lược, chúng cũng đã không ngừng giúp đỡ các thế lực phản động để đàn áp phong trào giải phóng của nhân dân các nước. Vì vậy chúng ta không bao giờ có thể tin được rằng đế quốc Mỹ có thể có “thiện chí hòa bình” khi bàn tay của chúng đã và còn đang vấy máu nhân dân ta ở miền Nam, nhân dân Lào và nhân dân nhiều nước khác. Chúng ta chỉ có thể tin vào sức chiến đấu của đồng bào ta ở miền Nam, tin tưởng rằng mặc dầu cuộc chiến đấu ấy tuy còn phải kéo dài và còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng cuối cùng nhất định sẽ thắng lợi. Chúng ta cũng tin tưởng rằng chỉ có cuộc đấu tranh cách mạng kiên quyết của nhân dân thế giới chống đế quốc, để từng bước ngăn chặn các âm mưu xâm lược của chúng và tiêu diệt chúng dần dần thì mới có thể gìn giữ được hoà bình trên trái đất.

Với thế giới quan mác-xít, chúng ta có thể thấy rất rõ cuộc đấu tranh giai cấp ở miền Bắc nước ta đã diễn ra và còn diễn ra khá gay go và phức tạp. Cuộc đấu tranh sẽ càng gay go phức tạp hơn khi mà nhân dân ta gặp những khó khăn nhiều hơn trong công cuộc công nghiệp hóa XHCN. Bọn biệt kích gián điệp của Mỹ-Diệm, bọn bóc lột và những phần tử không chịu cải tạo không ngừng chống lại cuộc cách mạng của chúng ta. Những quan điểm cơ hội chủ nghĩa, những tư tưởng phi vô sản thuộc đủ các loại đang len lỏi đây đó và làm trở ngại cho việc quán triệt hơn nữa đường lối của Đảng và làm trở ngại cho việc thực hiện đường lối ấy. Chúng ta cần phải đề cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của đến quốc, sẵn sàng trấn áp và tiêu diệt kẻ thù của chúng ta. Chúng ta cần phải đứng vững trên lập trường của Đảng đấu tranh với mọi quan điểm và tư tưởng sai lầm có hại cho sự nghiệp cách mạng XHCN ở miền Bắc nước ta.

Với thế giới quan mác-xít, chúng ta nhìn thấy rất rõ những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta, dưới sự lãnh dạo của Đảng, đã giành được trong những năm qua: chế độ người áp bức bóc lột người đã vĩnh viễn xóa bỏ, chế độ sở hữu XHCN đã được thiết lập và đang được củng cố. Tình hình đó tạo ra một sự thay đổi về chất ở xã hội miền Bắc nước ta vào tạo ra những thuận lợi rất lớn để phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế quốc dân. Có một thắng lợi to lớn nữa là hiện nay chúng ta đã tự sản xuất lấy được nhiều mặt hàng cần thiết cho đời sống của nhân dân. Những mặt hàng đó tuy chưa đủ và chưa đẹp bằng hàng nước ngoài nhưng chúng ta rất tự hào về những hàng hóa này. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó tinh thần tự cường tự lập của dân tộc ta. Mặt khác chúng ta cũng đã bắt đầu sản xuất được một số máy móc và thiết bị cần thiết để trang bị kỹ thuật mới cho công nghiệp và nông nghiệp. Điều này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Đó là dấu hiệu lành mạnh của một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ theo tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lê-nin để đạt tới một nền kinh tế tự chủ thực sự, với công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại và khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Để xây dựng một nền kinh tế tự chủ mà toàn Đảng toàn dân ta đang mong muốn thì nhất định chúng ta phải quyết tâm thực hiện phương châm “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý” như Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng đã đề ra, phải quyết tâm tập trung sức người sức của để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho CNXH. Mặt khác lại phải không ngừng củng cố lực lượng quốc phòng. Do đó mà chúng ta có thể và cần phải chịu đựng một số khó khăn và thiếu thốn tạm thời nào đó, thậm chí còn phải chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng chờ đón những thiếu thốn khó khăn hơn bây giờ nữa do thiên tai hoặc những yếu tố bất ngờ khác gây ra. Tinh thần đó chính là biểu hiện của lập trường giai cấp và ý chí cách mạng kiên cường của chúng ta.

Tuy nhiên không phải là không có một số người nào đó mang thế giới quan của giai cấp tiểu tư sản còn tỏ ra do dự, hoài nghi, thậm chí dao động khi đứng trước những khó khăn và thiếu thốn tạm thời. Họ muốn gấp gáp thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu vật chất cảu nhân dân. Và như vậy có khác nào họ muốn thôi không cần xây dựng công nghiệp nặng nữa, thôi không cần xây dựng một nền kinh tế tự chủ nữa, để cho nền kinh tế nước nhà vĩnh viễn phụ thuộc vào nước ngoài, như vậy có khác nào họ muốn thôi đừng củng cố lực lượng quốc phòng nữa, để cho đế quốc Mỹ tha hồ đe dọa xâm lược? Đó chính là tư tưởng cơ hội hữu khuynh, là tinh thần sợ khó, sợ gian khổ, không muốn tiến hành cách mạng đến cùng. Tư tưởng đó rất nguy hiểm; chúng ta kiên quyết bác bỏ quan điểm và tư tưởng đó và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh phấn đấu đến cùng để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 8.

***

Trong công cuộc cách mạng tư tưởng, việc đấu tranh kiên quyết và triệt để chống lại ý thức tư tưởng tiểu tư sản và các loại ý thức phi vô sản khác có ý nghĩa rất lớn. Nếu chúng ta không kiên quyết chống lại những loại tư tưởng đó để khắc phục nó từng bước, thì việc quán triệt đường lối chính sách của Đảng cũng bị hạn chế, việc động viên lực lượng cách mạng của quần chúng để thực hiện những đường lối chính sách đó cũng có nhiều trở ngại.

Vì vậy, việc phê phán nghiêm khắc cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của nhà văn Hà Minh Tuân là một việc làm rất cần thiết và rất có ý nghĩa. Khi chúng ta phê phán cuốn tiểu thuyết này thì chủ yếu là nhằm vào quan điểm lập trường tư sản và nhằm vào thế giới quan chủ quan phiến diện và mơ hồ về giai cấp của nhà văn. Vấn đề ở đây không phải chỉ là vạch ra cái sai của tác giả “Vào đời” mà còn là củng cố hơn nữa lập trường giai cấp, tăng cường tư tưởng vô sản cho cán bộ, đoàn viên và thanh niên chúng ta. Và điều đó cũng có nghĩa là làm cho đường lối chung của Đảng ngời sáng hơn nữa, quán triệt hơn nữa trong quần chúng nhân dân ta, biến đường lối đó thanh một lực lượng cách mạng thực sự trong quần chúng nhân dân.

Để kết thúc, xin ghi lại lời nói sau đây của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng: “Lúc này hơn lúc nào hết, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động càng phải thấm nhuần lý tưởng cao cả của người cộng sản là phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng một đời sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, càng phải nâng cao vai trò tiên phong chiến đấu, nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, quyết không để cho những vướng mắc trong tư tưởng làm lu mờ tình cảm cách mạng, làm giảm sút ý chí chiến đấu của chúng ta”.

THANH BÌNH

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1058 (6.7.1963), tr. 3, 4.

 

Comments are closed.