Về một vài nhân vật trong “Thời của Thánh Thần”
Nguyễn Ngọc Liễm
Nguyễn Kỳ Khôi – Chiến Thắng Lợi có phải là nguyên nhân tạo nên cái không khí trong cuốn tiểu thuyết Thời của Thánh Thần?
Đọc xong cuốn tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường, gấp cuốn sách lại rồi mà tôi chong chong nhìn lên trần nhà vì trong đầu cứ lởn vởn mãi một câu hỏi ấy!
Nguyễn Kỳ Khôi, một tội đồ hay một giáo chủ? Một tác nhân hay một nạn nhân? Ông ấy là tông đồ hay tội đồ nhỉ? Thật khó giải thích! Nhưng tôi vẫn cho rằng Nguyễn Kỳ Khôi không có tội.
Xuất thân từ một dòng họ Nguyễn Kỳ của làng Động – Dòng họ có truyền thống văn hoá và trí thức, chàng thư sinh Nguyễn Kỳ Khôi thông minh trong sáng như bình minh ấy đang phơi phới tuổi đầu đời được luồng gió mới cách mạng thổi tới, đã hấp thụ, thẩm thấu lý tưởng đến từng tế bào. Và từ ấy trong anh rực lên một mầu đỏ. Anh tự nguyện dấn thân vào con đường gian khổ hiểm nguy với một niềm đam mê đầy nhiệt huyết, rồi tin tưởng đến tuyệt đối vào một con đường – một lý tưởng ngời ngời như chân lý, đến mức, nếu ví cái con đường lý tưởng mà Khôi tự nguyện dấn thân theo đuổi như một tín ngưỡng, thì Khôi là một tông đồ ngoan đạo – ngoan đến cuồng tín.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Khôi đã nghĩ gì và làm gì? Xin chỉ điểm lại những công trình cao cả và trọng đại nhất mà Khôi đã nhận trọng trách thực thi và chỉ đạo:
– Đoàn phó Đoàn cải cách ruộng đất ở Thái Bình.
– Cải tạo tư sản ở miền Bắc sau cải cách ruộng đất.
– Cải tạo công thương nghiệp tại Sài Gòn sau năm 1975.
– Trưởng ban X, nơi theo dõi chỉ đạo khống chế ảnh hưởng của các thành phần xét lại và nhân văn giai phẩm đến công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa của đất nước.
Tiếc thay trong những việc làm ấy đã tạo nên một loạt sai lầm, thành dây chuyền:
– Cuộc cải cách ruộng đất đã đánh “nhầm” vào phần lớn đảng viên ưu tú của Đảng – những nhân tố nòng cốt từng tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa như ông Hội Thiện, Lý Phúc … Và thay thế cho họ bằng lớp người thiếu trí thức để tạo dựng lại một lớp cán bộ từ hạ tầng cơ sở. Những kẻ ngu ngơ vô học ấy nghiễm nhiên trở thành công cụ mẫn cán của chính quyền vô sản. Sai. Đã sửa. Nhưng sửa thế nào? Sửa có triệt để không? Chưa thấy tác phẩm đề cập tới (!)
– Tiếp đến là cuộc cải tạo tư sản ở các tỉnh phía Bắc – nhằm đánh vào các nhà tư sản dân tộc. Cuộc “cách mạng” này làm thui chột, không chỉ thui chột mà thủ tiêu luôn khát vọng tự vươn lên của mỗi thành viên cộng đồng. Trong khi ở các nước phát triển thì “nó” được xem là thành phần ưu đãi số một vì vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế đất nước. Việc làm ấy đã đẩy miền Bắc về vạch số không. Đoạn đường vòng chữ O ấy ta đi hết nhiều năm sau mới lại quay lại cái mốc để làm lại.
– Tương tự như ở miền Bắc sau chiến thắng lừng danh 30/4/1975 non sông thu về một mối, Nguyễn Kỳ Khôi lại nhận trọng trách vào chỉ đạo cuộc “cách mạng” cải tạo công thương nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Còn hơn cả miền Bắc lúc trước. Chiến dịch này đã làm phá sản hàng loạt các nhà tư sản nội địa, đẩy đất nước vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế (đen tối nhất) mà phải mất nhiều năm sau mới khôi phục lại được. Điều đáng nói nữa là những con người biết tự làm giàu cho mình, làm lợi cho đất nước bị khống chế, bị bó tay, bị đẩy khỏi thương trường, bị thế chỗ …
– Rồi Khôi làm trưởng ban X – cơ quan được xem là tối mật, có một mạng lưới theo dõi đến từng đối tượng khả nghi. Nhưng rốt cuộc đã làm được những gì? Nếu đem truy xét đến cùng thì những kẻ bị Ban này khống chế cũng chỉ là những con người vô hại, nhưng lại có tư tưởng cấp tiến, biết nhìn nhận ra cái bất hợp lý, dám bày tỏ quan điểm. Nên họ được coi là bất hợp tác.
Dưới sự kiềm chế của Ban này, những kẻ bị khống chế ấy như mắc phải một chứng bệnh “trầm kha”, như bị “giời đày” không sao lý giải nổi. Rồi tới lúc họ biến thành “nửa đàn ông nửa đàn bà” về bản năng về thể chất và lập dị, thối chí, khủng hoảng tinh thần (Nguyễn Kỳ Vỹ). Nhưng thả họ về với cuộc sống để họ được sống, được viết theo nguyện vọng thì họ là những tài năng của đất nước (Đà Giang).
Trước cái chết thê thảm của cha mình là ông Lý Phúc, trước sự tan hoang gia cảnh của Nguyễn Kỳ Viên (hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất), trước sự tàn lụi tài năng và thể chất của Nguyễn Kỳ Vỹ – nạn nhân bị kết tội là nhân văn giai phẩm, rồi gia cảnh, thân phận của Nguyễn Kỳ Vọng bị đẩy vào cuộc”bể dâu”, bị kỳ thị phân hoá vì là người từng ở bên kia chiến tuyến; những đứa em ruột của Khôi, máu mủ ruột rà cả đấy, Khôi cũng xa xót lắm chứ, ông ngầm tuôn rơi nước mắt trước tình cốt nhục, nhưng bên cạnh đó là lý tưởng và chân lý ngời ngời mà mình theo đuổi, cung phụng, Nguyễn Kỳ Khôi đã lạnh lùng, sắt đá, ngoảnh mặt.
Phụng sự tới cùng cho một lý tưởng, trung thành tuyệt đối với một con đường, để giữ cho mình được”trong sạch”, “thánh thiện” – Khôi phải từ bỏ cả người yêu đầu đời mà ông si mê cuồng nhiệt, tự giam mình trong lớp hào quang tự tạo, rồi khi về hưu ông ngỡ ngàng ngơ ngác, choáng ngợp trước cuộc sống hiện thực đang ập đến quanh mình.
Cái gì đã biến Khôi thành con người xa rời thực tế đến khó tin? Buồn lắm thay cái chủ nghĩa vô thần ông tin là sắt đá, rồi cũng tan chảy. Cả cuộc đời mình Khôi không dám nhìn thẳng vào sự thật, hay cuồng tín mà nhìn sự thật thành hoang tưởng?!
Nguyễn Kỳ Vỹ, người cùng thời với Nguyễn Kỳ Khôi, anh trai mình, cũng có nhiệt huyết yêu Tổ quốc, yêu dân tộc, dám xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Nhưng Vỹ cấp tiến hơn, dám nhìn vào thực lực, thực tế, dám “tòi” ra ngoài cái khuôn mẫu được đóng khung như thành trì. Quan điểm của anh được xem là xét lại, là nhân văn giai phẩm, kẻ chống phá chủ trương, đường lối, mà lẽ ra nếu sáng suốt, người ta phải xem anh như loài chim báo bão.
Vỹ đã bị đóng thùng, đã được dán mác “hoang tưởng” của thời đại. Nhưng ngẫm xem, Khôi hay Vỹ mới là người hoang tưởng(?)
Tư Vuông – nhân vật này đem ra bình phẩm và trao đổi với nhau trên văn đàn e bất tiện. Xin chỉ được bộc bạch những nhận thức đã được đọc qua tác phẩm.
Là người vạch ra chủ trương, là kim chỉ nam định hướng cho Khôi vậy những sai phạm theo dây chuyền của Khôi chẳng lẽ Tư Vuông vô can? Ô ! Thì ra cái quyền hành khi đạt đến đỉnh cao ngất ngưởng là người ta tự cho mình cái quyền bất khả và bất chấp?! Và dù sự lệch lạc ấy có dắt cả một quá khứ của lịch sử đi tới đâu cũng chỉ xem là một sai lầm? Sai và lầm thôi chứ không phải là sai và phạm nên chỉ cần “phê” và “tự phê” là đã gột rửa sạch bong, còn cái hậu quả tầy trời cũng phủi tay xếp vào “quá khứ”. Vì vậy về hưu, Tư Vuông vẫn đường bệ là “Thái Thượng hoàng” đóng tiếp vai trò hoạch định chiến lược cho tương lai.
Đọc nhân vật này, cảm như tác giả đang diễu chơi vậy. Chuyện bật cười, làm ta cứ phải liên tưởng đến một ông bố bất tài lại gia trưởng, cuối đời vẫn khư khư với quyền huynh thế phụ, muốn mãi làm “gà trống đứng cửa chuồng”. Chẳng lẽ đợi đến lúc con cháu nó bảo: “Quá khứ oai hùng của bố đã qua đi mà chúng con vẫn nheo nhóc, gia cảnh ta vẫn nghèo nàn. Bố bất lực rồi, hãy ngồi chơi xơi nước. Sao bố không tin để chúng con tự xoay xoả?””Bố an tâm đi. Chúng con rất công bằng. Chẳng ai dám phủ nhận cái vai trò của bố”.
Nhân vật này lại làm cho người đọc trăn trở, về một thời kỳ mà con đường “quá độ” nó cứ phăng phăng tiến vào thênh thang vô định (.)
Đọc đến hết cuốn sách, gấp lại rồi, mà vấn đề đặt ra ngồn ngộn trong tác phẩm về bọn xét lại, đám nhân văn giai phẩm nên xử lý ra sao – thanh minh cho họ hay kết tội? Chẳng thấy tác giả đả động đến (?) Nhà văn “bí” quá không hư cấu nổi hay “bỏ quên” tình tiết hoặc lờ đi (?!). Chí ít thì cũng nên có vài dòng chiếu lệ cho sự việc đỡ bẽ bàng chứ (.)
Nhưng bù lại, Hoàng Minh Tường khắc hoạ khá sâu sắc và đậm nét về nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng. Chạy về phía địch giữa lúc giao thời vì bồng bột, vì giao động. Chạy đi để mong được học tiếp thành tài rồi được phụng sự đất nước. Và cả quãng đời sau này Nguyễn Kỳ Vọng luôn hướng về và gắn bó với cội nguồn. Nhưng trớ trêu và bẽ bàng thay, anh bị kỳ thị, bị nghi ngờ của những định kiến độc quyền thành ra cái quyền được yêu nước của Vọng cũng mất thời cơ để thực hiện. Và Vọng bị chính cái chủ nghĩa độc quyền đẩy bật ra lề cuộc sống cộng đồng. Kết cục anh phải bỏ quê hương đất nước mà chạy trốn, rồi đem tài năng ra phục vụ ngoại bang.
Với ngòi bút sắc ngọt, bằng giọng văn điêu luyện, Hoàng Minh Tường đã thông qua những nhân vật này xé toạc ra vấn đề mà bấy lâu ít nhà văn nào dám đụng đến. Nó cũng là những vùng “cấm” đất “thiêng” tựa vấn đề nhân văn giai phẩm – Cuộc đối thoại Đông Tây. Vấn đề được nhà văn bóc trắng phớ ra trên văn đàn. Đọc “nó” làm tôi nhớ đến câu chuyện mình được nghe giữa hai ông bạn vong niên, một vị là đại tá, một là trung tá, cách nay ba bốn năm, trong một bàn trà. Vị đại tá bảo: “Tôi vừa sang thăm con ở Cộng hoà Ai-len về. Cái nước tư bản trong khối quốc tế đệ nhị ấy đang áp dụng tính ưu việt của chủ nghĩa Mác vào thể chế của đất nước. Còn ở ta một đất nước X• hội chủ nghĩa nhưng ta đang làm gì?” Từ trước tới nay chỉ nghe nói chủ nghĩa tư bản bóc lột, chủ nghĩa tư bản đang giãy chết giờ nghe nói vậy nó nghịch nhĩ và ngược đời quá khiến ông bạn trung tá bất bình. Ông đặt mạnh chén trà xuống bàn làm nước bắn ra tung toé, và nói: “Ông phát biểu ở đây thì được chứ ở chỗ khác coi như ông đã mất hết lập trường quan điểm, ông nói vậy với tư cách gì?”.Ông đại tá đứng phắt dậy tuyên bố hùng hồn: “Tôi không cần ông khuyên. Nếu gặp Trung ương tôi cũng nói. Tôi nói với tư cách đại tá QĐNDVN, tôi nói với tư cách đảng viên cộng sản. Đa đến lúc ta phải nhảy lên mà nhìn bầu trời ở ngoài đáy giếng. Phải mở tầm nhìn ra mà suy diễn, phải nhìn xem thế giới họ đang làm gì.”
Thật thú vị. Đọc “Thời của thánh thần” vấn đề này nay mới được Hoàng Minh Tường đề cập tới. Chủ nghĩa xã hội – Chủ nghĩa công bằng là mơ ước của toàn nhân loại. Nhưng để đến được cái đích ấy thì không phải bằng hô khẩu hiệu – không xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng mồm được. Sự giáo điều chỉ dẫn dắt con đường quá độ vào vô định. Còn trớ trêu thay cái chủ nghĩa đang dãy chết ấy nó lại đang cân bằng xã hội bằng phúc lợi.
Nhân vật Cam – Con người này chịu nhiều thiệt thòi, chịu nhiều đau khổ, được cách mạng giải thoát rồi trở thành người có quyền lực mà được nể trọng. Thì đúng rồi. Song còn một bà Cam lừa dối, giả tạo, vị kỷ từng đứng trước bao bà mẹ diễn thuyết về đức hy sinh về lòng yêu nước để những bà mẹ này động viên con em họ cầm súng ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lấy lý tưởng mà mình theo đuổi. Còn phần mình lại mưu mô – dùng ảnh hưởng của quyền lực cho con được B quay mà ở lại đất thánh, giữ lấy mạng sống. Thử hỏi ở thời điểm ấy tất cả những bà mẹ Việt Nam ai cũng như bà thì cái ghế quyền lực bà từng ngồi ngất ngưởng sẽ đặt ở đâu? Bà Cam đại diện cho ai vậy?
Sự việc cuối đời bà làm tưởng là cao thượng: Nhận mọi trách nhiệm về sự sa đoạ lừa dối tổ chức về mình, chịu kỷ luật bằng cách xin về hưu. Trả lại bằng khen, giấy khen, huân huy chương – toàn thứ phù phiếm chứ thực ra bà chẳng mất cái gì. Còn cái được? Cứu Nguyễn Kỳ Khôi – cha đẻ của con mình vô can, vẫn trong sạch để tại vị. Cho con trai được nhận bố, một người bố có cương vị như Khôi là tiếp tục rải thảm, kích cầu cho thế hệ kế cận của mình tiếp tục nắm giữ quyền lực. Không thâm hậu được như L• Bất Vi bên Tàu nhưng xem ra tham vọng của bà Cam cũng không nhỏ. Nhưng những thế hệ kế cận của Khôi và Cam như: Chiến Thống Nhất, Nguyễn Kỳ Chu…chúng cấp tiến hơn hẳn cha mẹ mình vì rất thực dụng. Liệu chúng có chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ?!
Đem bà Cam ra làm biểu tượng cho bà mẹ Việt Nam liệu có thất thố với các mẹ Suốt – Quảng Bình, mẹ Rành – Quảng Nam … những bà mẹ đã dang tay che chở đạn bom cho những đứa con chung của Tổ quốc, đã hy sinh cả một đàn con cháu của mình cho cách mạng?
“Thời của thánh thần” còn một tuyến nhân vật hơi mờ nhạt không nổi trội tưởng không có nhiều để nói như Nguyễn Kỳ Quặc – Cục, như Là, Khiêm, bà Ba Yên, Bính, Nhi … nhưng họ lại là những mắt xích quan trọng gắn kết các nhân vật của tác phẩm lại với nhau. Họ là ai? Chính họ mới là đại diện cho bản thể cố hữu ngàn đời. ấy vậy mà những con người thanh khiết chân thực như cái cây ngọn lá nơi núi rừng (Là), mộc mạc chân chất như rơm như rạ giữa làng quê như Cục, gặp được thời thế đổi thay bỗng nhiên cơ hội.
Xây dựng những nhân vật này phải chăng Hoàng Minh Tường còn muốn gợi mở thêm ra một hiện thực?! Cái cơ chế kinh tế một thời được đổ dồn đánh đống (kinh tế tập thể) nó là vậy. Những người trực tiếp làm ra của cải chỉ như con kiến, con ong thợ. Kẻ đứng ra quản lý mới là người định đoạt. Dẫu mới ở tầm hạ tầng sơ đẳng như Là và Cục, mới có một chút quyền hành đã có quyền “chấm mút”. Cứ vậy mà suy diễn đến những người ở cương vị cao hơn.
Nhưng đấy chỉ là một khía cạnh của tác phẩm chứ cùng với Cục và Là là những Khiêm, bà Lý Phúc … nhờ có họ mà những đảo lộn của thời cuộc vẫn còn riêng một góc lặng! Qua sự rung chấn nhất thời, sự giao động thời cuộc họ lại là nguồn cội gốc rễ của bản sắc muôn thủa.
Còn một tuyến nhân vật khác đó là Trương Phiên mà “Thời của thánh thần” đề cập đến. Họ đại diện cho những người theo đuổi riêng một lý tưởng được xem là đối lập. Trong cuộc giành giật quyền lực của giai đoạn lịch sử vừa qua họ đã bị thất sủng. Nhưng Hoàng Minh Tường lại chưa cho họ cái quyền được thanh minh, bày tỏ hoặc tranh luận, anh chỉ “dĩ hoà vi quý” lặp theo lối mòn đã sẵn là “bắt” họ tự ân hận liệu có thiên lệch? Mà thôi, người đọc cũng thông cảm đây là cái “khó” của nhà văn. Phải chờ rồi thời gian sẽ công minh nhìn nhận mà phán xét tội họ ở những điểm nào? Đem so ra nó lớn đến đâu?
Qua “Thời của Thánh Thần” Hoàng Minh Tường đã đề cập đến một thời kỳ biến động lịch sử rất trọng đại của dân tộc, của đất nước qua suốt 1/2 thế kỷ. Tác phẩm đẫ gói gọn cả các sự kiện lịch sử từng xẩy ra. Vấn đề đặt ra là quá lớn, buộc nhà văn phải lược thuật nhiều để ép vào khuôn khổ 645 trang tiểu thuyết. Sự khái quát làm người đọc chưa thoả mãn nên thấy … tiếc. Và nữa: hình như còn những điều tác giả vẫn “băn khoăn”, “bỏ ngỏ” chưa phóng bút (?!). Rồi anh cũng vo tròn gói gọn để kết thúc vội tác phẩm cho xong, cho có hậu (?) (!) (…).
Đọc “Thời của Thánh Thần” ta không khỏi liên tưởng đến “Dưới chín tầng trời” của Dương Hướng. Trong thời khoảng một năm hai tác phẩm văn học của hai nhà văn ở hai cương vị khác nhau ra đời cùng mang một tầm tư tưởng và cùng phản ánh một hiện thực lịch sử. Đề tài không mới. Vì ai cũng đã biết. Bởi nó đã xảy ra. Nhưng dám bứt phá qua khuôn khổ để viết được như các anh hỏi có mấy người?
Bằng lối miêu tả thực, đôi khi bỗ bã, những nhân vật trong “Dưới chín tầng trời” được Dương Hướng khắc hoạ đến trần trụi để hiện thực phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật, như những: Trần Tăng, Măng, Thu Cúc, Tuyết, Hoàng Kỳ Trung, Đào Kinh .v.v… Còn trong “Thời của Thánh Thần” thì Hoàng Minh Tường bằng giọng văn lịch lãm, nhẹ nhàng êm ái mà lại khúc chiết thâm trầm đủ cho người đọc ngẫm và suy ngẫm về một quá khứ mông muội. Những nhân vật được anh miêu tả như Lý Phúc, Vỹ, Vọng… cứ ám ảnh mãi người đọc, họ cứ như bị tác động từ một cõi vô hình…
Cũng như Dương Hướng, viết về một quá khứ lịch sử có nhiều cái phải phê phán nhưng Hoàng Minh Tường cũng không phán xét. Anh không hề có ý áp đặt “buộc” người đọc vào ý tưởng mà để cho nhân vật tự toát lên, cho dòng tiểu thuyết tự trôi, trôi với dòng đời hiện thực. Để người đọc tự soi vào đó rồi nhận ra chân dung của chính mình mà tự phán xét. Nên người đọc càng trân trọng ghi nhận sự trung thực của tác phẩm trước lịch sử.
Tuy phê phán một thời mông muội nhưng cả hai nhà văn này không hề phủ định. Họ đều ghi nhận lịch sử một cách trung thực.Tôn vinh một quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc trường chinh vệ quốc! Cùng với một vài nhà văn nhiều trăn trở trong thời kỳ đổi mới…, sự bứt phá của các anh chắc là sẽ báo hiệu một thời kỳ đổi thay – Người cầm bút – Người sáng tác văn học nghệ thuật chấm dứt giai đoạn chỉ biết “thuyết trình” và “minh hoạ”. Thật mừng thay!
Nhân đây người viết xin bày tỏ:
Tháng 12/2008 vừa qua tôi có đọc một bài phê bình văn học trên tờ báo của Hội Nhà văn. Tác giả bài báo viết rằng: “… Phần lớn những tác phẩm văn học vi phạm vùng cấm suy cho cùng đâu có hay. Xét cả về giá trị thông điệp nhân sinh lẫn cấu trúc nghệ thuật. Những tác phẩm này phần lớn công kích những chủ trương biện pháp quản lý xã hội… khi… đã tự phê và sửa đổi thì những tác phẩm này liệu còn giá trị về nhân sinh cho đời sau?… Nó chẳng dạy con người được cái gì về cái đạo ở đời. Những con thuyền văn ấy chở đạo gì mà gọi là hay”.
Đọc vậy tôi nghĩ: Hình như đoạn văn nhằm ám chỉ tới hai tác phẩm này nên cứ băn khoăn mà tự hỏi: Vậy cái vai trò của văn học trước lịch sử là gì? Những sự vụ xảy ra từ quá khứ như vụ án “Chi Lệ Viên” chẳng hạn có cần phải nhắc đến và lưu lại (vì sau đó Nguyễn Trãi đã được nhà Lê minh oan)? Sau hơn sáu trăm năm mà sao còn nhiều người vẫn muốn dẫm lên vết xe đổ Lệ Chi Viên?
Những gì sai trong quá khứ cần phải chôn vùi. Vâng! Nhưng văn học không lẽ không được quyền ghi lại? Ghi lại là bới móc quá khứ? Ta sợ nó (…) hay vì lẽ gì? Không nhìn nhận lại cái sai cho thấu đáo thì làm sao nhận ra cái hay, cái mới cho con đường phía trước trong sáng hơn?
Xin đừng sợ. Bạn đọc là nơi sàng lọc cặn kẽ nhất. Họ vĩ đại hơn ta tưởng đấy (!)
Cẩm Phả, ngày 20 tháng 01 năm 2009