CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (94): “VÀO ĐỜI” (15)

21/7/1963. Báo “Cứu quốc”: Hoàng Thiếu Sơn: “Vào đời” dưới mắt nhà giáo chúng tôi

Thanh niên có quyền đòi hỏi gì ở cuốn “Vào đời”?

Mọi cuốn sách mới xuất bản đều được bạn trẻ chăm đọc. Cuốn “Vào đời” đáng lẽ càng thu hút bạn trẻ vì đề tài của nó. Học sinh, nhất là học sinh lớp bảy, lớp mười đọc nó với cái mong muốn chính đáng, bồi dưỡng nhân sinh quan của mình, trước khi chính bản thân cũng sắp bước chân “vào đời”. Nhân vật chính trong truyện lại là một cô học sinh lớp tám, nạn nhân của một tấn bi kịch ép duyên đã bỏ nhà, giã trường, đi tham gia sản xuất trước ở công trường, sau ở nhà máy.

Thiết tưởng đề tài thanh niên tham gia sản xuất trên các công trường, trong các xí nghiệp, không khư khư đòi hỏi nhất định phải vào đại học để có một địa vị cao và được đãi ngộ nhiều, — thiết tưởng đề tài ấy là tốt nhất và hiện thời là thích hợp nhất với việc giáo dục thanh niên góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, tiến lên CNXH.

Với đề tài ấy, thanh niên có quyền đòi hỏi cuốn truyện phải đem đến cho họ một ấn tượng lạc quan phấn khởi và tự hào: lạc quan ở tương lai của đất nước, phấn khởi ở tiền đồ của thanh niên, và tự hào vì chính bàn tay và khối óc của thanh niên sẽ xây dựng nên tương lai tiền đồ ấy. Thanh niên lại có quyền đòi hỏi ở cuốn truyện những nhân vật điển hình tích cực tốt đẹp và gương mẫu, những Pa-ven Coóc-sa-ghin, Trần Văn Giao, Trương Thị Len… mà họ có thể học tập những đức tính cao quý.

Nhưng đọc hết 330 trang của “Vào đời”, thanh niên đã rút ra được gì từ những cảnh tả trong truyện?

Để tránh một tấn bi kịch gia đình, Sen, người nữ thanh niên ấy bước vào đời và sa ngay vào một tấn bi kịch ghê gớm hơn: ở công trường, đêm tối đi dạy học bổ túc về, Sen bị hai tên lưu manh hiếp dâm, rồi… chửa! Một sĩ quan phục viên, là Hiếu, “hào hiệp” yêu thương Sen và kết hôn với Sen để che đậy cho cái hoang thai, những tưởng rằng cái bước vào đời của Sen đã hết ba đào. Nào ngờ các diễn biến oái oăm của cuốn truyện lại đưa Hiếu đến chỗ câu kết với chính hai tên lưu manh đã hiếp vợ mình để tuột không phanh xuống cái dốc lỗi lầm ghê gớm rồi quay về hành hạ vợ tàn nhẫn, độc ác và cuối cùng thì ly dị nhau.

Mới “vào đời” có hơn bốn năm mà cô nữ sinh ấy đã gặp phải bao nhiêu là biến cố là gian truân: bị ép duyên, bị hãm hiếp, bị tình phụ, bị hắt hủi, phải ly hôn, tựa hồ có một cái số kiếp nghiệt ngã nào đã quyết định như vậy.

Đành rằng tác giả câu chuyện có cho cô Sen vượt mọi đau khổ, vươn lên thành chiến sĩ thi đua, trong một buổi sản xuất mở đầu hội thi đua phá chỉ tiêu giành kiện tướng mà ngực gắn những bốn bông hồng… Nhưng cái phút phấn khởi ấy đánh tan đâu được cái ấn tượng bi quan nặng nề mà các tai biến liên tiếp của Sen đã để lại trong óc người đọc?

Anh chị em học sinh sắp từ giã nhà trường, theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn, về hợp tác xã, lên công trường, đi khai hoang, đọc “Vào đời” để sống cái không khí phấn khởi của những cuộc xuất quân hòa bình, đi thay da đổi thịt cho đất nước, đã nhiều người, nhất là các nữ sinh, đã không khỏi bồi hồi theo dõi các biến cố xảy ra trong đời cô Sen rất thân thuộc với họ và gấp sách lại, nhiều người đã không khỏi tần ngần liên tưởng đến bước “vào đời” của chính bản thân họ.

Cũng có người hiểu rằng nhiều hiện tượng xấu xa, nhiều hoàn cảnh ngang trái dựng nên trong truyện chỉ là con đẻ của trí tưởng tượng của tác giả, chứ không phải là phản ánh trung thành hiện thực xã hội. Nhưng tác giả đã đưa vào truyện nhiều cảnh ra vẻ như là cảnh thật, nhiều người ra vẻ như là người thật, từ con sông Tân không buồn trôi vì dòng nước bế tắc những “rau muống chen lẫn với cỏ dại và bèo tây”, đến “cuộc mít-tinh mở đầu hội thi đua phá chỉ tiêu giành kiện tướng có cả Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị… về dự”, từ những lời rao vặt tìm con trong báo “Thời mới” đến “mục thơ xướng họa đả đảo ông quan liêu trên báo Văn nghệ của ông Nguyễn Đình Thi”… cho nên không ít bạn đọc đã lầm nghĩ rằng những hành động sai trái, xấu xa, bậy bạ, khốn nạn tả trong truyện cũng đều là việc thật, thật từ việc học sinh trường chuyên nghiệp đánh phó giám đốc “chảy cả máu mồm máu mũi”, đến việc công nhân biểu tình đòi bắt người lãnh đạo “bỏ rọ đưa lên ô tô đem quẳng giả trước cửa Bộ công nghiệp”. Cái xã hội bịa đặt mô tả trong truyện nhiều nét tối tăm, u ám, có khi ghê rợn và chứa đựng những bất trắc có thể thình lình đổ xuống đầu người ta như những cơn giông tố bất ngờ mà tác giả tả đi tả lại nhiều lần trong truyện. Bức tranh xã hội ấy đã gieo bi quan hoài nghi vào đầu óc nhiều thanh niên hăng hái sắp lên đường đi sản xuất, đối với không ít thanh niên còn do dự, nó làm cho ngại ngùng và chùn bước. Nhưng tai hại hơn cả là cuốn “Vào đời” đã cung cấp cho một số bậc làm cha làm mẹ lý lẽ để bài bác, cản trở việc con cái đi tham gia lao động xây dựng đất nước.

Một người bố ở Hà Nội đã ngăn con:

— Ối chào! Nông trường với công trường, cái gương cô Sen tầy liếp chưa đủ làm cho chúng mày sáng mắt ra hay sao?

Người con cãi lại là cô Sen nhờ có đi công trường mới thành chiến sĩ, kiện tướng, thì bố tiếp tục:

— Trước khi thành được chiến sĩ, kiện tướng thì đã “còn gì là thân”.

Rồi bồi thêm một đòn độc ác:

— Tiểu thuyết ngày nay người ta tả là có thật, vì nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực, chứ đâu phải bịa đặt như cái thời “Hồn bướm mơ tiên” của thế hệ chúng tao!

Cô Sen trong truyện là một thiếu nữ đã quả cảm chống lại chế độ hôn nhân ép buộc của gia đình phong kiến. Bước “vào đời” của Sen là do cuộc đấu tranh để thoát ly gia đình, bảo vệ quyền tự do hôn nhân ấy quyết định. Nhưng tình tiết ly kỳ của cuốn truyện ngờ đâu đã tạo cơ hội cho một bà mẹ đang ép duyên con gái ở Hà Nội, đàn áp tinh thần con gái một cách nói có sách mách có chứng bằng những câu mát mẻ như sau:

— Thoát ly gia đình thì có mà tránh cho khỏi tay Nguyễn Mai, Nguyễn Song! Tự do hôn nhân thì làm thế nào để khỏi phải rước lấy một ông Đặng Đình Hiếu, con ạ!

Cái nhìn của người chậm tiến đối với xã hội đã được cuốn truyện làm cho lệch lạc, sai lầm thêm, cụ thể qua những trường hợp như thế đấy. Và tất nhiên là không cần phải nói rằng đối với những thanh niên đang hăm hở bước vào tham gia sản xuất của chúng ta, cuốn “Vào đời” là một món quà không những không gây ra phấn khởi mà lại còn đem đến cho họ hoài nghi và chán nản.

… Và những người trong truyện

Trong truyện tác giả đã xây dựng một số nhân vật phản diện rất đậm nét, đặc biệt là Nguyễn Mai, “mười lăm tuổi đã phạm tội hiếp dâm một em gái mười ba”, “trong đám cưới người anh con bác” đã “lẻn vào buồng cô dâu dở trò cưỡng hiếp” và bắn chết chú rể, gặp một thương binh đồng ngũ thì “đánh tráo chứng minh thư và bịt mũi bịt miệng cho người bị cháy tắt thở hẳn”… Nó bước vào truyện bằng một vụ cưỡng hiếp. Trong những tội ác của nó do công an điều tra ra, không kể hết những vụ hiếp dâm, dụ dỗ phụ nữ, giả mạo kỹ sư, bác sĩ, trung tá, đại tá… Nhiều chi tiết ghê gớm như vậy đã làm cho nhân vật có tính cách “quái vật”. Chưa bàn đến vấn đề một quái vật như thế mà ngang nhiên làm loạn trong xã hội hiện nay là có chân thực hay không, ta cũng thấy rằng có người thầy giáo nào là không thấy sự tồn tại một tính cách quái vật như thế trong một tác phẩm văn học, đối với thanh niên, học sinh tránh sao khỏi có tác động kích thích không lành mạnh?

Cả đến những nhân vật như Hiếu, mà tác giả luôn luôn gọi là “anh”, thì cái mức độ bất mãn, hậm hực, cái tính cách bạ ai đánh nấy… cũng không phải là bình thường. Tính cách ấy là một tính cách bệnh hoạn. Đối với việc giáo dục thanh niên, đào tạo con người mới, có ý thức tập thể và ý thức kỷ luật cao, thì những tính cách bệnh hoạn như hình tượng đại đội trưởng đánh tiểu đoàn phó, học sinh đánh phó giám đốc, công nhân muốn tát vào mồm và đòi bắt bỏ rọ cán bộ lãnh đạo, sĩ quan quân đội nhân dân mà lấy đá ném loa phóng thanh, lấy phấn viết bậy vào cửa nhà xí… những hình tượng ấy, không người cán bộ giáo dục nào là không thấy tác hại đối với những tâm hồn bồng bột dễ bắt chước cái hay cũng như cái dở của anh chị em học sinh.

Nhân vật tích cực nhất trong truyện, người bí thư chi đoàn Trần Lưu mà kết thúc cuốn tiểu thuyết, tác giả đã giành cho những lời thật là trân trọng xuất phát từ quả tim của một phụ nữ chiến sĩ và kiện tướng: “suốt đời Sen sẽ vô cùng mến phục và kính trọng anh”, hình tượng người thanh niên gương mẫu về rất nhiều mặt ấy, dưới ngòi bút của tác giả, đã được pha trộn nhiều nét làm cho người đọc khá ngạc nhiên và làm cho cái vai trò gương mẫu của nhân vật tích cực ấy đã bị tổn thương khá trầm trọng. Trả lởi một đồng chí về những việc cần xây dựng trong xã hội hiện nay, anh ta nói một thôi: “Biết bao nhiêu chuyện hả bác? Bán thịt theo phân phối mà tuồn những miếng ngon cho người quen! Bán nước mắm pha nhiều nước muối với nước lá chuối! Nhiều hiệu ăn “tiến bộ giật lùi”, phở vừa đắt vừa nhạt nhẽo! Ngày chủ nhật trong chợ ngoài đường loa phóng thanh oang oang nhức óc mà mấy ai nghe? Có những buổi chiều thứ bảy công an đứng hàng loạt ở đường phố Tràng Tiền cứ một chút một chút cũng huýt còi rinh lên khiến mọi người trên đường phố đều cảm thấy kém vui đi!…”

Ý thức xây dựng chả biết có chân thành, nhưng lời ăn giọng nói rõ ràng là của kẻ bất mãn. Chủ nghĩa tự nhiên có tác dụng của nó, nhưng tác dụng với phản tác dụng đi liền với nhau như hình với bóng và thường là bóng trùm lên che khuất hết hình. Ở những trường hợp khác nó đã biến anh bí thư chi đoàn của chúng ta thành một cái đề tài để cười cợt, với những cái “thộn” và cái “hố” của anh ta. Tôi đã được nghe một học sinh bảo người bạn cũng là bí thư chi đoàn rằng:

— Này mày làm “cây xây dựng” vừa vừa, không chúng nó “cầm dao bầu” nó rượt cho như cái thằng Trần Lưu đấy!

Được tiếp xúc với anh chị em thanh niên học sinh trong những buổi nói chuyện về cuốn “Thép đã tôi…” phục vụ cho sinh hoạt tinh thần của họ, đã có nhiều lần tôi được nghe các bạn trẻ nói rằng:

— Hình tượng Pa-ven dù có những nét du kích, vô kỷ luật đấy, nhưng có tác dụng gương mẫu lôi cuốn chúng em mãnh liệt vì làm chúng em xúc động và khâm phục; hình tượng Trần Lưu đáng lẽ phải gần gũi với chúng em hơn lại làm cho chúng em buồn cười chẳng có mấy tác dụng.

Cũng có bạn đã phát biểu rất đúng rằng:

— “Thép đã tôi…” là câu chuyện “vào đời” của thanh niên Xô-viết trong hoàn cảnh đại loạn của thời nội chiến và Tân kinh tế chính sách, khó khăn không thể kể hết được, thế mà câu chuyện “vào đời” của họ để lại cho chúng ta một ấn tượng say sưa, lạc quan, hùng tráng. Cô Sen “vào đời” giữa thời thái bình trong cảnh an ninh trật tự của thủ đô chúng ta, sao mà câu chuyện “vào đời” của cô chỉ để lại cho người đọc cùng lứa tuổi với cô những dư vị chua chát như vậy?

Trong xã hội ta, nhà văn là người kỹ sư tâm hồn, người cán bộ giáo dục đào tạo thanh niên với những của cải tinh thần mà nhà văn, nhà nghệ sĩ sáng tạo ra. Một tác phẩm có giá trị ra đời trong xã hội là một niềm vui lớn cho người dạy học chúng tôi vì đó là một thức ăn tinh thần bổ, quý cho mọi người, nhất là cho thế hệ trẻ. Nhưng một tác phẩm không tốt ném ra trong xã hội không những làm mọi người bất mãn, mà riêng những người dạy học chúng tôi lại càng xót xa lo lắng vì tác dụng của nó không thể tránh được đối với thế hệ trẻ mà họ có trách nhiệm trực tiếp đào tạo. Cuốn “Vào đời” chính là một tác phẩm gây tác hại xấu đối với học sinh, phá hoại công phu của cán bộ giáo dục chúng tôi đang ngày đêm lo lắng đào tạo những lớp người ngùn ngụt chí khí xây dựng đất nước XHCN của chúng ta.

HOÀNG THIẾU SƠN

Nguồn:

Cứu quốc, Hà Nội, s. 3129 (21.7.1963), tr.12-13.

Comments are closed.