CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” ĐƯƠNG ĐẠI (5): VỤ TIỂU THUYẾT “THỜI CỦA THÁNH THẦN” CỦA NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG (1)

Kể từ sau “Đổi mới”, trong số hàng chục vụ đình chỉ phát hành, thu hồi, không cho tái bản… những cuốn sách sau khi đã xuất bản bị phát hiện “có vấn đề”, vụ tiểu thuyết Thời của Thánh thần (TCTT) của nhà văn Hoàng Minh Tường nổi bật vì những ý kiến khác biệt sôi nổi trên cả báo chí chính thống và các trang mạng, và sau đó tác phẩm này đã được đón nhận một cách trân trọng ngoài lãnh thổ Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Văn Việt xin cung cấp cho bạn đọc một hồ sơ về “vụ” này, bao gồm những tư liệu quan trọng nhất trong số những tư liệu sau:

I.- Văn bản về việc xử lý TCTT:

Công văn của Cục XB Bộ TTTT ngừng phát hành TCTT

– Q Đ xử phạt hành chính của Thanh tra bộ TTTT

– Biên bản Thẩm định của Hội Nhà văn VN

II. Bài viết trên báo chính thống, tháng 9/2008, sau khi TCTT phát hành:

1.a) Thời của Thánh thần- Tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008, của tác giả Phương Ngọc, đăng trên Vietnamnet, 24/8/2008. Bài này do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều biên tập, rút TÍT (Khi đó NQThiều đang làm biên tập viên của Tuần VN, Nguyễn Văn Tuấn làm TBT). Bài đăng được 6 tiếng thì bị rút xuống (Hiện còn lưu trên Google, Vietimes và nhiều trang khác).

1.b) Nếu chỉ tâng bốc, tô hồng của Hà Thế, đăng trên Quân Đội ND cuối tuần, số 689, ngày 15/3/2009. (Đăng lại trên trannhuong.com ngày 4/7/2009)

1.c) Không tô hồng nhưng không thể bôi đen của Thái Dương, cũng trên Q Đ N D cuối tuần số 692, ngày 5/4/2009. Đăng lại trên trannhuong.com, 4/7/2009.

(Bài của Hà Thế, tỏ ý khen TCTT, đã tạo ra sự náo loạn trong báo. Lập tức Thái Dương viết bài phản bác lại. Thượng tướng Nguyễn Văn Dũng, chủ nhiệm TCCT phải triệu tập TBT báo Q Đ N D lên, bắt kiểm điểm và ngừng đăng loạt bài về TCTT, để cho tự “chìm xuồng”).

1.d) Sách Đen của Nguyễn Thị Thoa đăng trên Webside ĐCSVN và báo Hà Bắc lớn tiếng phê phán sách của Dương Thu Hương, HMT… là loại sách đen, độc hại.

III. Tin bài trên mạng: (Tìm trên Google- Wikipedia – Thời của Thánh Thần, hoặc Wikipedia – Hoàng Minh Tường)

– Đào Thái Văn: TCTT dưới góc nhìn phản biện xã hội.

– Nguyễn Ngọc Liễm: Về một vài nhân vật trong TT Thời của Thánh Thần.

– Phạm Toàn: Một Saga do Hoàng Minh Tường kể.

– Vũ Nho: Nung nấu và thành công của một đời cầm bút.

– Nguyễn Văn Tuấn (Việt kiều Úc): Đọc Tiểu thuyết TCTT

– Đỗ Trường: Hoàng Minh Tường, người làm sống lại dòng văn học hiện thực nhân đạo.

– Võ Thị Xuân Hà: Người viết dễ trở thành đồng loã với cái ác, nếu chỉ tâng bốc tô hồng cuộc sống (Bài phỏng vấn)

– Các tin: “Thu hồi tiểu thuyết TCTT” trên BBC tiếng Việt ,“Mười ngày xơi 4 án phạt”, “15 phút với Nguyễn Khắc Trường”, “Thời của Thánh thần sẽ được chụp cắt lớp”, “Thời của Thánh thần liệu có phép thánh thần?” (trannhuong.com), “Trở lại 100 ngày xa em…” Blog Tô Hải, 11/1/2009; “Văn chương tiếng Viêt 2008” của Inrasara trên BBC, 3/10/2009 xếp hạng 10 tác phẩm, trong đó có Thời của Thánh Thần vv….

IV. Sự kiện quanh TCTT:

– Giải thưởng văn chương mạng TRANNHUONG.COM, năm 2011 (cùng với toàn bộ tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải). Buổi trao giải tổ chức tại Nhà văn hoá Hàn Quốc, Hà Nội.

– TCTT được đăng tải trên website Vietnam Thư quán ngay sau khi xuất bản. Tác giả Hoàng Minh Tường có thư phản đối VNTQ vì in lỗi quá nhiều (thư đăng trên Lêthiếunhơn.com, nhưng không có phản hồi). Hiện đã hơn nửa triệu lươt người đọc.

V. Các bản dịch:

– Bản tiếng Pháp: LE TEMPS DES GÉNIES INVINCIBLES , NXB La Fremillerie, Paris, 2014.

– Bản tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật đang chuẩn bị xuất bản.

 

Xin mở đầu bằng bài tường thuật của RFA ngay sau khi có quyết định ngưng phát hành TCTT:

Sách “Thời của Thánh Thần” của Hoàng Minh Tường đang bị thu hồi

Sau Trần Dần Thơ, một vụ thu hồi sách khác đang xảy ra đối với cuốn “Thời của Thánh Thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường do Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản.

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-09-07

clip_image001

Bìa sách Thời của Thánh Thần

Trong chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý thính giả theo dõi những dữ kiện liên quan đến vấn đề này.

Mấy ngày qua, giới sáng tác trong nước lại chứng kiến một vụ tịch thu sách khác do cục xuất bản thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin và Truyền Thông thực hiện đối với cuốn “Thời của Thánh Thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường. 

Tại sao cuốn sách bị ngưng không cho phát hành trong khi Hội Nhà Văn Việt Nam là đơn vị đứng ra in ấn và xuất bản? Liệu những động thái này của Cục Xuất Bản có phải đang lập lại những gì đã từng sử dụng đối với tác phẩm “Trần Dần Thơ” vài tháng trước đây hay không? 

Và tại sao những vụ việc khống chế văn học như vậy vẫn xảy ra tại Việt Nam trong khi nhà nước đang cố tạo cho mình một bề ngoài dân chủ cho phù hợp với đời sống quốc tế hiện nay?

Tiếng nổ của văn xuôi

Nhà văn thì bao giờ cũng phải có bột mới gột nên hồ. Nhà văn viết tiểu thuyết thì anh phải có tư liệu, chất liệu đời sống chứ viết thật trăm phần trăm thì là hồi ký. Tôi viết ra và tôi cảm thấy nó đã thuộc về độc giả rồi…

Hoàng Minh Tường

Nhà văn Hoàng Minh Tường, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, sinh năm 1948 tại Hà Tây. Ông đã sáng tác hơn 10 tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn cùng nhiều tác phẩm bút ký, phóng sự. 

Tiểu thuyết mới nhất của ông vừa được Hội Nhà Văn Việt Nam in và xuất bản là quyển “Thời Của Thánh Thần” đang gây xôn xao dư luận trong nước. Quyển tiểu thuyết này được giới phê bình văn học đánh giá cao, có người còn không ngần ngại nói rằng đây là một tiếng nổ của văn xuôi.

Trang nhà của nhà thơ Trần Nhương là nơi đưa thông tin của cuốn sách cũng như đăng tải những nhận định của nhà phê bình văn học Vũ Nho nói về tác phẩm này. Ông Vũ Nho đã hết lời ca ngợi “Thời của Thánh Thần” và theo ông thì tác phẩm vượt trội này sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi sự bức phá mà ông cho là rất ngoạn mục của nó.

Tác giả Phương Ngọc đăng một bài viết về cuốn sách trên một tờ báo mạng trực thuộc VietnamNet cho rằng tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần” đã chấm dứt những sự kiện của thời cải cách ruộng đất bằng những chi tiết độc đáo đến nỗi các nhà văn khác không thể khai thác gì thêm được nữa trong sự kiện lịch sử này.

“Thời của Thánh Thần” có nội dung kể về một giai đoạn đen tối nhất của miền Bắc trong thời gian từ thời cải cách ruộng đất đến nay. 

Tác phẩm vẽ lại những đổ vỡ bi thảm của cả một giòng họ kéo dài hơn nửa thế kỷ. Những sự việc xảy ra trong cuốn sách là chân dung trung thực đến kinh ngạc miêu tả những thất bại cay đắng của chế độ cộng sản mà nhiều người đọc cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. 

Có phải vì những yếu tố này mà quyển sách bị ngưng phát hành mặc dù nó đã được tung ra thị trường cách nay chỉ vài ngày hay không?

Lý do bị thu hồi?

Nhà thơ Trần Nhương, người đưa thông tin sớm nhất về quyển sách cho biết:

Theo luật ở bên này là cứ nộp lưu chiểu mười ngày là phát hành nhưng quyển này chỉ có 8 ngày rưỡi nên mấy ông ấy làm khó phạt hết một mớ. Nhưng thật ra còn những việc khác nữa đấy là cái cớ thôi nhưng mình nghĩ chính là cái nội dung. Đây là một tác phẩm rất trung thực và nhân hậu mà anh Tường đã dồn hết sức lực mình ra để viết.

Nhà văn Tạ Duy Anh, người chịu trách nhiệm biên tập cho cuốn sách đã có những nhận xét:

Bọn tôi phụ thuộc vào các quyết định của cục xuất bản. Họ cho rằng vi phạm luật vì phát hành sớm nhưng thật ra là vì vấn đề nội dung của cuốn sách…

Bọn tôi phụ thuộc vào các quyết định của cục xuất bản. Họ cho rằng vi phạm luật vì phát hành sớm nhưng thật ra là vì vấn đề nội dung của cuốn sách…

Nhà văn Tạ Duy Anh

Tác phẩm “Thời Của Thánh Thần” dày 648 trang kể lại những câu chuyện xảy ra trong giòng họ Nguyễn Kỳ kéo dài hơn nửa thế kỷ. Bắt đầu từ những ngày đầu Cách mạng tháng tam, trải qua kháng chiến chống Pháp, rồi cải cách ruộng đất cho đến đời cuối cùng của người con mang tên Nguyễn Kỳ Vọng đã vượt biên sang Mỹ. 

Nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng điển hình cho hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam, sinh cơ lập nghiệp, thành công trên con đường công danh và cuối cùng tháo chạy một lần nữa ra nước ngoài trong những năm đầu thập niên tám mươi. 

Một nhân vật khác, con nuôi của dòng họ Nguyễn Kỳ được tác giả dựng lên vừa là phản diện vừa là chính diện. Nhân vật này không ngại ngùng gì bán đứng bố mẹ của mình nhưng cuối cùng thì vượt lên được những nhỏ mọn đời thường để trở về bản năng gốc của con người là tính thiện.

Nhà văn Hoàng Minh Tường rất dè dặt khi trả lời chúng tôi về những vấn đề xoay chung quanh cuốn sách. Khi được hỏi ông xây dựng nhân vật trên dữ kiện thật hay chỉ là hư cấu, ông cho biết:

Nhà văn thì bao giờ cũng phải có bột mới gột nên hồ. Nhà văn viết tiểu thuyết thì anh phải có tư liệu, chất liệu đời sống chứ viết thật trăm phần trăm thì là hồi ký. Tôi viết ra và tôi cảm thấy nó đã thuộc về độc giả rồi…

Khi thính giả đang nghe bài này là lúc mà Hội Nhà Văn Việt Nam đã có một buổi họp nội bộ đánh giá lại cuốn sách theo đề nghị của Cục Xuất Bản.
Giới yêu sách và yêu sự thật hy vọng tác phẩm “Thời Của Thánh Thần” sẽ đến tay người đọc bằng con đường công khai, bất kể nội dung của nó chứa đựng những gì. Người đọc hôm nay khước từ những ấn phẩm viết theo đơn đặt hàng, cho dù người viết có tài năng đến cỡ nào chăng nữa.

Comments are closed.