CÉDRIC VILLANI : « HƠN LÚC NÀO HẾT, TRƯỜNG HỌC PHẢI MỞ CỬA RA THẾ GIỚI »

Nhà Toán học Pháp Cédric Villani được thế giới biết đến với những công trình nghiên cứu các phương trình vật lý thống kê mô tả trạng thái thống kê của các phân tử khí và plasma. Ông được nhận huy chương Toán học Fields năm 2010. Cédric Villani đã từng tới Việt Nam giao lưu với giới trẻ Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái, theo lời mời của Viện Pháp tại Việt Nam.

Trong bài viết đăng trên báo điện tử Le Monde ngày 3/1/2017 mới đây, Cédric Villani chia sẻ với độc giả tầm nhìn của ông về tương lai của giáo dục và các nghề nghiệp.

clip_image002

Nguồn ảnh: PHILIPPE MATSAS/OPALE/LEEMAGE

Đối với một sinh viên Toán học, dữ liệu lớn hay trí thông minh nhân tạo phải chăng là một chốn thần tiên mới?

Có vẻ là như vậy! Trí khôn nhân tạo hay “máy học” là những từ mà người ta nghe nói ở mọi nơi. Người ta hứa hẹn đặt trí khôn nhân tạo trong những chiếc đèn, xe ô tô, tàu điện ngầm… Và thực tế là, mỗi khi người ta định thử làm việc đó, sẽ có một thuật toán xuất hiện phía sau. Đến nỗi mà việc làm quen với văn hóa thuật toán, với sự pha trộn của toán học và lập trình – thứ mà người ta tóm gọn vào một cụm từ “trí khôn nhân tạo” – không còn nghi ngờ gì nữa, là một thứ lợi tức.

Lợi tức trọn đời?

Có thể nói như vậy. Trong 10 năm tới, công nghệ có thể tiến triển đến mức mà những khả năng này trở nên ít cần thiết hơn. Nhưng ngày nay, đó là một đối tượng nghiên cứu đầy lý thú. Nó cũng dẫn tới việc đặt ra câu hỏi: “Trí khôn nghĩa là gì?”. Chúng ta có những thuật toán ngày càng tốt hơn, nhưng chúng ta vẫn không biết thực sự vì sao chúng lại tốt, chúng giải quyết cái gì… Vì thế, đó vẫn là một chủ đề bí ẩn, tinh tế, hỗn độn, luân phiên giữa tiến bộ và những giai đoạn đình trệ.

Vậy là không nên chỉ trích chúng?

Không. Các tiến bộ có ý nghĩa trong thời điểm này và nhiều trong số đó tự đốt cháy và ngoại suy bằng cách hứa hẹn những điều kỳ lạ. Hoặc chúng ta còn xa mới đạt tới nó. Trí khôn nhân tạo trước hết là một chủ đề nghiên cứu. Robot thông minh không tồn tại, chắc chắn chưa tồn tại. Có thể nó sẽ xuất hiện trong vài thập kỷ nữa, nhưng với điều kiện phải có những tiến bộ quan trọng không chỉ về công nghệ mà cả về chất lượng và lý luận. Còn hiện tại, chúng ta chỉ biết tạo ra những con robot rất chuyên dụng.

Tuy nhiên, nó sẽ tác động tới nhiều nghề nghiệp…

Đúng vậy, như bất kỳ sự hủy bỏ công nghệ nào. Các robot là một yếu tố nữa trong trò chơi, chúng làm phong phú và đồng thời phá hủy trò chơi. Chúng sẽ loại bỏ một số nghề nghiệp, làm kịch phát một số căng thẳng, kéo theo những sự hiểu lầm, những trò gian xảo, tạo nên những cơ hội bất an mới, thậm chí cả sự phụ thuộc tâm lý giống như trong phim Nàng (Her – film của Spike Jonze, năm 2013) – tất cả mọi thứ làm xáo trộn các quân bài. Nhưng vẫn luôn là vậy khi có những thay đổi cơ bản trong lịch sử xã hội loài người. Cần đề cập đến điều này với một tâm trí cởi mở và xem nó như một cuộc phiêu lưu đang diễn ra trước mắt chúng ta và thậm chí, chúng ta cũng có thể là những nhân tố trong đó.

Ông có lời khuyên nào với những bạn trẻ đang lo sợ sự cạnh tranh với rô bốt?

Một số lời dự báo rất hãi hùng, như là lời dự báo của Martin Ford, tác giả của cuốn sách best-seller Sự lên ngôi của Robots, xuất bản năm 2015 ở Mỹ. Ông này cho rằng một tỉ lệ lớn nghề nghiệp sẽ bị rô bốt hóa. Và thực tế là, một số doanh nghiệp lớn ngay từ bây giờ đã thay thế một nửa số nhân sự của mình bằng người máy.

Ông ta chắc chắn rằng ít nhất trong thời gian đầu, chúng ta sẽ tham gia vào một sự thay thế hàng loạt công việc bởi rô bốt. Nếu chúng ta muốn tránh điều đó, cách tốt nhất là tập trung vào các lĩnh vực mà rô bốt chưa đụng đến, nghĩa là những việc cần tối đa đến nơ ron thần kinh của chúng ta, hay một công việc chính xác, hay một kỹ năng mà trí tưởng tượng, sự thông minh, cảm xúc nghệ thuật đóng vai trò quan trọng.

Làm sao học cách để trở nên sáng tạo?

Để bắt đầu, hãy tránh tạo ra sự ám ảnh! “Sáng tạo” là một từ mà giờ đây người ta nghe thấy ở khắp nơi, dưới dạng một mệnh lệnh. Cần phải sáng tạo. Mà sáng tạo, theo tôi, đến trước hết từ khả năng tích hợp nhiều yếu tố toát ra từ môi trường quanh mình, từ những cuộc tranh luận… Đó là chuyện liên quan tới môi trường, đến sự tương tác với những người khác. Trong nghiên cứu, đó là cái mà người ta nắm rõ. Giám đốc đề tài phải truyền cho học sinh của anh ta khả năng tìm thấy một giải pháp mà chưa ai nghĩ tới. Làm thế nào để truyền tải khả năng này? Tôi nhớ tới lời khuyên của Bartabas, nghệ sỹ xiếc ngựa nổi tiếng, được biết đến bởi khả năng sáng tạo phi thường của mình: “Tôi chỉ có thể truyền được hai điều, năng lượng và sự nghi ngờ.”

Tự đào tạo ở đâu là tốt nhất cho thế giới trong tương lai?

Lời khuyên của tôi là, nếu người ta muốn có một bóng ma lớn và có thể ôm hết những tiến hóa đang diễn ra: hãy bắt đầu bằng một mũi nhọn, bằng sự chuyên môn hóa, để đạt tới một sự khả năng nào đó – bí mật của sự lập trình trình độ cao hay các thuật toán ngụy biện. Một khi bạn đạt được nó, hãy trao đổi với người khác, mở ra một diễn đàn. Và nhất là, hãy đi đây đi đó, đi nhiều vào.

Ngôi trường của tương lai sẽ như thế nào?

Trường học của ngày mai, trước hết vẫn là nơi để giáo dục. Mặc dù có nhiều lời hứa hẹn về các khóa học trực tuyến mang tính cách mạng, ảnh hưởng của hình thức giáo dục này trên thế giới vẫn còn khiêm tốn. Hiện tại, những mưu toan lớn muốn số hóa sự giảng dạy đều ít nhiều thất bại. Người ta thấy rõ rằng, rốt cuộc thì, điều quan trọng không phải là đoạn giữa, công nghệ, mà là mối quan hệ nhân văn giữa thầy giáo và học sinh hay sinh viên. Nó sẽ là như vậy. Tôi tin tưởng sâu sắc vào điều này.

Ngược lại, hơn lúc nào hết, trường học phải mở cửa ra thế giới, phải tạo cơ hội cho các bạn trẻ cọ sát với những dự án khác nhau, và đi đây đó. Cần phải phổ biến những sáng kiến kiểu Erasmus, gửi sinh viên đi thực tập hoặc đi học một cách có hệ thống tại các môi trường khác với môi trường mà họ đã quen thuộc. Tôi thường nói rằng châu Âu là một ngôi trường,  một cơ hội đào tạo tuyệt vời và chỉ cần đến với các nền văn hóa, các hệ thống khác nhau đã là một sự học tập không gì sánh nổi.

Theo LE MONDE

Để có thêm thông tin về các ngành học liên quan đến dữ liệu lớn, rô bốt hay tất cả các lĩnh vực nghiên cứu tại Pháp, bạn có thể truy cập trang web của Campus France Vietnam hoặc đến một trong các văn phòng của Campus France Vietnam tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế.

Nguồn: http://www.phap.fr/giao-duc/2017/01/09/cedric-villani-hon-luc-nao-het-truong-hoc-phai-mo-cua-ra-the-gioi/

Comments are closed.