Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 16)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Ảnh hưởng quốc tế

Ông đã đưa Ba Lan trở thành viên của NATO và EU. Cách đó mấy năm, Felipe Gonzalez [1982-96] đã đưa Tây Ban Nha tham gia Cộng đồng Kinh tế Châu Âu [tiền thân của EU] và vẫn ở lại NATO. Kinh nghiệm của Tây Ban Nha có phải mô hình đối với ông?

Felipe Gonzalez là cố vấn rất hữu ích đối với tôi. Tôi với Rakowski gặp ông lần đầu tiên, trong những ngày cuối cùng của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Chúng tôi tới thăm Gonzalez, tôi nghĩ là, năm 1988 và sau đó là năm 1989 khi ông là người đứng đầu chính phủ, và nói chuyện với ông mang lại cho tôi thật nhiều kiến thức. Sau đó, khi là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội và sau này là tổng thống Ba Lan, tôi còn gặp ông nhiều lần. Tây Ban Nha là tấm gương truyền cảm hứng vì có một số điểm tương đồng với chúng tôi. Cả hai nước chúng tôi đều có chế độ độc tài, sau đó là quá trình chuyển hóa hòa bình, và hiện nay là chế độ dân chủ, và chế độ dân chủ này đang phát triển một cách rất hòa bình, mà không có hiện tượng trả thù. Gonzalez đã giải thích cho chúng tôi cách thức để tiến trình đó trở thành khả thi ở Tây Ban Nha. Ví dụ, ông trình bày Hiệp ước Moncloa [thỏa thuận, năm 1978, giữa các đảng chính trị, công đoàn và các tổ chức kinh doanh nhằm giải quyết nạn lạm phát, thất nghiệp và việc tháo chạy vốn và do đó, tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa]. Tôi nhớ rằng chúng tôi cũng đã thảo luận với Gonzalez vấn đề, vì sao ông không quan tâm tới việc mở cái hộp Pandora của lịch sử, không xem xét lại các cuộc xung đột giữa những người Cộng hòa và những người khác.

Chúng tôi còn thảo luận về việc tham gia EU. Đối với chúng tôi, đó là một lí do quan trọng để chúng tôi kính trọng Tây Ban Nha. Lúc đó, trong những năm 1990, Tây Ban Nha thực sự là nước châu Âu tốt nhất. Gonzalez cho tôi một lời khuyên quan trọng. Chúng tôi thảo luận điều mà EU gọi là “bài tập ở nhà”, tức là những cuộc cải cách mà tất cả các nước ứng viên phải làm thì mới được tham gia. Nghe quá nhiều lần, “bài tập ở nhà, bài tập ở nhà, bài tập ở nhà” đến mức cảm thấy như là trẻ con, và bạn cảm thấy căm ghét cách nói như thế. Một lần tôi nói với Gonzalez: “Felipe, xem này, chúng tôi đã quá mệt mỏi với tất cả những bài tập ở nhà này rồi. Ai cũng nói tới bài tập ở nhà”. Và ông nói cho tôi một chuyện rất quan trọng. “Hoàn toàn đúng, tôi hiểu ông. Ông có thể bị mệt, nhưng nhìn đây, nếu ông làm tốt bài tập ở nhà, thì lợi ích sẽ đến với ông sớm hơn và ông sẽ được nhiều lợi hơn sau khi trở thành thành viên. Nếu ông không làm tốt bài tập ở nhà, ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các quỹ và các khoản trợ cấp, với tất cả mọi thứ mà ông sẽ gặp sau khi trở thành thành viên”. Và ông nói hoàn toàn đúng. Đó là một trong những lí do vì sao hiện nay Ba Lan đang ổn, vì chúng tôi đã làm gần như hoàn hảo bài tập ở nhà. Trong 6 năm đầu, sau khi trở thành thành viên, chúng tôi nhận được khoảng 30 tỉ euro. Hiện nay, chúng tôi đang chờ đợi 30 tỉ euro tiếp theo, đó là một cú tiếp sức tuyệt vời cho chúng tôi, để hiện đại hóa, để làm tất cả những thứ khác. Và đó là lời khuyên tuyệt vời của Gonzalez. Hiện tượng đang xảy ra ở Hi Lạp là kết quả của việc làm bài tập sơ sài và kết quả kém. Nếu không chuẩn bị, thì hệ thống không có khả năng hấp thụ, và không có cơ hội trở thành thành viên hiệu quả của EU.

Việc trở thành thành viên EU ảnh hưởng như thế nào tới quá trình chuyển hóa dân chủ của Ba Lan?

Tư cách thành viên EU rất quan trọng vì mang lại rất nhiều kết quả – đối với kinh tế, đối với quá trình hiện đại hoá Ba Lan, mở cửa biên giới và thương mại. Nhưng, từ quan điểm chính trị, là thành viên EU có nghĩa là cuối cùng, sau biết bao nhiêu năm, Ba Lan đã là một phần của châu Âu. Sau rất nhiều cố gắng. Thỏa thuận được kí năm 1991; năm 2003, chúng tôi tổ chức trưng cầu dân ý, 75% ủng hộ tham gia EU; ngày 1 tháng 5 năm 2004, chúng tôi chính thức trở thành thành viên EU.

Toàn thể hội viên đã giúp củng cố quá trình chuyển hóa dân chủ của chúng tôi. Yếu tố quan trọng là vị trí trong khu vực của chúng tôi, vì mọi thứ xung quanh Ba Lan đã thay đổi. Từ ba lân bang, hiện giờ chúng tôi có chung đường biên giới với bảy lân bang, và có những cuộc xung đột đầy kịch tính ở Balkans, rất gần chúng tôi. Suy nghĩ của chúng tôi là: Làm sao xây dựng được những mối liên hệ tốt nhất với tất cả các lân bang của chúng ta, kí những hiệp ước mới, và nói chung, xây dựng được tinh thần hiểu biết, tình hữu nghị, và hợp tác – láng giềng tốt?

Tôi nghĩ, một trong những thành công của tôi là đã xây dựng được những mối quan hệ tốt với

các lân bang của chúng tôi, trong đó, tất nhiên, có Đức, Lithuania, Ukraine và các nước khác. Chúng tôi vẫn có một số rắc rối với người Nga, nhưng đó là một câu chuyện khác. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là làm sao quản lí được tình hình mới trong khu vực, để tạo ra những mối quan hệ và ổn định trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong giai đoạn đầu sau chuyển hóa, khu vực của chúng tôi là tấm gương tuyệt vời về đối thoại, hợp tác và ổn định. Nhưng không dễ và không phải tự nhiên mà được như thế; nếu bay từ Warsaw đến Belgrade vào đầu thập niên 1990, bạn thấy cuộc chiến ở Balkans với việc thanh lọc sắc tộc và hàng ngàn nạn nhân. Bạn có thể thấy hai khu vực, rất gần nhau, cả hai khu vực trước đây đều là một phần của khối Xô Viết, nhưng tình hình thì hoàn toàn khác nhau. Ở đây là sự ổn định và những mối quan hệ tốt, còn ở kia thì là chiến tranh và bi kịch.

Liên Xô trước đây và nước Nga sau này – vốn là tác nhân quan trọng về mặt lịch sử và có ảnh hưởng ở Ba Lan – vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa của Ba Lan?

Gorbachev có tầm quan trọng chiến lược đối với chúng tôi, vì nhiều lý do. Trước hết là an ninh. Ở Ba Lan, vấn đề an ninh là cực kì nhạy cảm, vì lịch sử của chúng tôi là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Thành thật mà nói, nằm giữa Đức và Nga không phải là điều dễ dàng, trong quá khứ cũng như hiện tại. Đầu những năm 1990, đã có những cuộc thảo luận câu hỏi: Đối với chúng ta, đứng trung lập như Phần Lan hay gia nhập NATO, việc nào tốt hơn? Lúc đó, Liên Xô vẫn còn và cực kì phản đối việc Ba Lan tham gia NATO. Vấn đề thậm chí còn phức tạp hơn, vì, trong cuộc thảo luận của các siêu cường trong những năm 1989-1990 về việc thống nhất nước Đức, Thatcher, Mitterrand, George H. W. Bush và những người khác đã hứa là NATO sẽ không mở rộng thêm. Nhưng tình hình đã thay đổi và lựa chọn giữa trung lập và NATO được quyết định bởi đa số người dân Ba Lan. Chúng tôi quyết định rằng nên đề nghị được trở thành thành viên NATO, vì, đối với chúng tôi, tại khu vực này của thế giới, trung lập có nghĩa là đứng trong một vùng tranh tối tranh sáng, mà không có gì bảo đảm hay đồng minh. Với Phần Lan, trong nhiều năm, đó lại là một câu chuyện khác, vì nước này không nằm ở vị trí chiến lược như thế, Phần Lan trung lập và Áo trung lập là rất có lợi cho cả Liên Xô và người Mỹ. Nhưng trung lập trong những năm 1990 có nghĩa gì?

Khi quyết định gia nhập NATO, chúng tôi cũng bắt đầu các cuộc thảo luận đầy khó khăn với Yeltsin. Chúng tôi khẳng định rằng việc mở rộng NATO khả thi là do Liên Xô đã sụp đổ, tất cả những lời hứa của các siêu cường là với Liên Xô. Bây giờ, Liên Xô không còn, chúng ta có thể nói về việc mở rộng NATO. Đương nhiên là, Nga kịch liệt phản đối. Nhưng Mỹ và châu Âu giữ quan điểm cứng rắn, mở rộng NATO là khả thi và là việc cần làm. Ba Lan nằm trong nhóm các thành viên mới đầu tiên, cùng với Hungary và Cộng hòa Czech.

Năm 1997, tôi có cuộc họp ở Điện Kremlin. Kremlin có các phòng lớn và Yeltsin có giọng nói rất mạnh. Ông nói bằng tiếng Nga: “Tại sao các ông muốn tham gia NATO? Các ông không cần NATO. Tôi có thể cung cấp cho các ông tất cả các bảo đảm cần thiết. Tại sao các ông muốn làm việc này?” Thế là tôi giải thích vì sao, và đó là cuộc thảo luận rất kịch tính. Cuối cùng, tôi nói: “Boris Nikolayevich, xin cho tôi biết. Mối quan hệ của các ông với Đức như thế nào?”

“Rất tốt”.

“Và với nước Ý?”

“Tuyệt vời”

“Còn với Vương quốc Anh?”

“Tuyệt vời”

“Còn với Hà Lan, Đan Mạch, những người khác?”

“Tuyệt quá”.

“Còn với Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Hungary?”

“Không tốt, bởi vì tất cả các ông đều muốn gia nhập NATO. Tại sao các ông lại muốn tham gia NATO?”

Và tôi nói: “Hãy xem, thưa ông Yeltsin, tôi nhắc tới tất cả các thành viên NATO và các ông đều có mối quan hệ rất tốt, rất tuyệt vời… với các nước đó; các ông chỉ có vấn đề với Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech. Tôi xin hứa, nếu chúng tôi trở thành thành viên NATO, chúng tôi sẽ có quan hệ rất tốt, rất tuyệt vời như thế”. Và ông bắt đầu cười; cuối cùng, ông chấp nhận rằng chúng tôi sẽ theo đuổi để trở thành thành viên NATO. Tôi rất kính trọng Yeltsin. vì ông là một trong số rất ít nhà lãnh đạo Nga có thiên hướng dân chủ đích thực. Ông ở trong tình huống khắc nghiệt, và khi phải lựa chọn có đi theo hướng dân chủ hơn hay không, ông thường chọn hướng dân chủ. Về phần NATO, ông đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Vì vậy, năm 1999, Ba Lan gia nhập NATO, việc này vô cùng quan trọng đối với chúng tôi vì ba lí do. Thứ nhất, về an ninh, là thành viên NATO cũng có nghĩa là những nước mạnh nhất trên thế giới sẽ đảm bảo an ninh tốt nhất cho chúng tôi. Thứ hai, hình ảnh của Ba Lan ở nước ngoài: Thành viên NATO giúp chúng tôi thu hút được nhiều khoản đầu tư nước ngoài hơn. Thứ ba, yếu tố mang tính lịch sử của quyết định này là, lần đầu tiên, sau cả ngàn năm, Ba Lan và Đức đều nằm trong cùng liên minh quân sự và chính trị. Nếu bạn nắm được lịch sử, nắm được các cuộc chiến tranh, xung đột, chiếm đóng, và tất cả những vấn đề khó khăn khác giữa Ba Lan và Đức, thì đây là quyết định cực kì quan trọng.

Vai trò của Mỹ trong công cuộc chuyển hóa của Ba Lan?

Sau khi Liên Xô và Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta có thế giới đơn cực, Mỹ giữ vai trò tiên phong. Tôi biết là có nhiều người phê phán chủ nghĩa đơn phương và những chính sách đầy kiêu ngạo của Hoa Kì, với cuộc can thiệp quân sự ở Iraq và Afghanistan, v.v. nhưng theo quan điểm của vùng Trung và Đông Âu, thì đây là thời kì rất tích cực. Người Mỹ đã giúp chúng tôi ngay từ rất sớm, họ ủng hộ Công đoàn Đoàn kết và những khát vọng dân chủ của chúng tôi. Và sau đó, sau khi chuyển đổi, họ giúp đỡ chúng tôi bằng các khoản đầu tư ở Ba Lan, giúp chúng tôi trở thành thành viên NATO, và ra sức cổ vũ các đối tác châu Âu – các đối tác quan trọng nhất, như Anh, Đức, và Pháp – nhằm mở rộng EU. Đấy là việc không dễ, vì chúng tôi bàn về việc tăng thêm 10 nước, 7 nước trong số đó là từ khối Xô Viết cũ. Tình hình các nước vùng Baltic thậm chí còn phức tạp hơn. Ba Lan là quốc gia hậu Cộng sản, nhưng Lithuania, Latvia và Estonia là các nước cộng hòa hậu-Xô Viết, trước đây không phải là các nước riêng biệt mà nằm trong thành phần của Liên Xô. Việc đề nghị những nước này trở thành thành viên NATO và EU, với sự chống đối quyết liệt của Nga, là thành công tuyệt đối của Mỹ. Với vai trò tổng thống, Bill Clinton rất ủng hộ. Ngoại trưởng Madeleine Albright nằm trong đội hình của ông, bà là người hiểu rõ khu vực này và vai trò của bà là cực kì quan trọng.

Những cuộc chuyển hóa hiện nay

Xin tưởng tượng nếu ông gặp ba nhà lãnh đạo trẻ từ Cuba, Jordan, và Myanmar, và họ đến với ông vì ông được coi là Felipe Gonzalez – một người đã trải qua quá trình chuyển hóa, có nhận thức thấu triệt và trí tuệ. Họ đến gặp ông và nói: “Chúng tôi biết, ông không phải là chuyên gia về Cuba, về Jordan hay Myanmar, nhưng ông là chuyên gia về chuyển hóa và chúng tôi muốn biết, ở mức chung nhất, ông sẽ cho chúng tôi lời khuyên nào về trách nhiệm của chúng tôi khi chúng tôi tiến lên phía trước”. Ông sẽ nói gì với họ và ông có nói với mỗi người cùng một câu chuyện hay không?

Điều đầu tiên tôi sẽ nói là nhắc lại rằng không có con đường duy nhất, không có đơn thuốc duy nhất cho tất cả các tình huống. Tôi nghĩ rằng những người ngoại quốc tới đây và nói: “Đây là những cái đã tỏ ra rất hữu hiệu ở Ba Lan, vì vậy các bạn nên làm như thế và mọi thứ sẽ ổn” – là sai. Không. Nắm được các yếu tố khu vực và tình hình khu vực là cực kì quan trọng. Nhưng tôi hiểu rằng những người thanh niên đến với tôi sẽ biết một số thứ về đất nước họ và họ có trách nhiệm nắm được những việc đang xảy ra ở đấy. Vì vậy, tôi sẽ nói: “OK, chúng ta cùng xem xét hoàn cảnh của bạn. Có những cơ hội nào? Đâu là giới hạn? Có những trở ngại gì?” Thứ hai, tôi sẽ nói với họ: “Bạn phải có chiến lược, vì nếu bạn muốn thay đổi đất nước mình, thì cần phải có tầm nhìn. Và tầm nhìn không thể chỉ là bạn muốn giành quyền hay muốn lãnh đạo đất nước. Có cả cái đó, nhưng đây không phải là tầm nhìn chính. Tầm nhìn phải là tự do, tầm nhìn phải là dân chủ, tầm nhìn phải là công bằng xã hội, chế độ pháp quyền, hòa bình, quan hệ tốt với lân bang, v.v.”. Tầm nhìn và chiến lược là cực kỳ quan trọng. Ba Lan gặp may vì chúng tôi có chiến lược, và đấy không chỉ là chiến lược của một đảng. Đối với đa số người dân thì đấy là tự do, là an ninh, đó là Âu hóa, là hiện đại hóa đất nước, là chế độ dân chủ.

Thứ ba là về phương pháp. Đối thoại là phương pháp hoạt động chính trị tốt nhất. Cần phải đối thoại, ngay cả với đối thủ, thậm chí là với kẻ thù. Tất nhiên, phe đối lập dễ chấp nhận ý tưởng đối thoại hơn, còn những người đang nắm quyền lực trong chính phủ độc tài thì không dễ dàng như thế, nhưng đối thoại là nền tảng tối thượng của hầu hết mọi thứ, bởi vì nếu không đối thoại, thì bạn không có cơ hội tiến lên.

Thứ tư, là hiểu những quan điểm khác nhau của những người mà bạn đang giao thiệp. Bạn cần phải hiểu điều đó, ngay cả trong nhóm của bạn và đặc biệt là, khi bạn bắt đầu nói chuyện với những người khác, bạn sẽ thấy những cách suy nghĩ khác nhau, những trải nghiệm khác nhau, những khả năng nhạy cảm khác nhau. Trong cái thế giới rất đa nguyên này, chúng ta là những người khác nhau, và cần phải công nhận và tôn trọng tất cả những khác biệt này, chứ không ngạc nhiên hay thất vọng vì những khác biệt như thế.

Nói cụ thể hơn, Cuba gần với sự hiểu biết của tôi hơn, vì tôi biết chuyển hóa từ chế độ cộng sản nghĩa là gì. Ở Cuba, tôi nghĩ tình hình cũng tương tự, ở mức độ nào đó, với tình hình mà chúng tôi từng gặp ở nhiều nước châu Âu, vì thách thức đầu tiên là phe đối lập phải thống nhất hơn và xây dựng được chiến lược. Hệ tư tưởng của Castro có sức thuyết phục đến mức nó không chỉ truyền cảm hứng cho hàng triệu người Cuba, mà còn truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Ngày nay, sau nhiều năm như thế, hệ tư tưởng này gần như đã trở thành vô nghĩa. Triển vọng của Cuba phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có những nhóm cải cách bên trong Đảng Cộng sản hay không, vì, theo tôi, mọi thứ xảy ra ở Cuba trong vài năm tới sẽ chủ yếu là kết quả của những sự kiện xảy ra trong đảng, chứ ít có khả năng là kết quả của mối quan hệ giữa đảng và phe đối lập. Kinh nghiệm của khu vực của chúng tôi là cần làm việc với các nhóm cởi mở hơn và sẵn sàng tiến hành một số cải cách và chuyển hóa ở bên trong chính phủ và đảng. Sẽ không phải là bất ngờ lớn nếu người kế nhiệm Castro là một trong những viên tướng trẻ tuổi và người đó có thể là một nhà cải cách mạnh mẽ. Cộng đồng người Cuba ở nước ngoài cũng có thể có vai trò nhất định. Nhưng tôi sẽ rất thận trọng với cộng đồng ở nước ngoài, bởi vì theo tôi, quá trình chuyển hóa phái được quyết định trước hết bởi những người sống ở trong nước. Cộng đồng ở nước ngoài có thể ủng hộ một số quá trình, nhưng không thể thay thế người dân trong nước.

Vai trò của quân đội

Trong hầu hết các trường hợp chuyển hóa, quân đội đều có vai trò quan trọng. Có thể học được gì từ kinh nghiệm của Ba Lan, liên quan đến quân đội và cảnh sát trong quá trình chuyển hóa?

Các cơ cấu quân sự là thành phần đầy sức mạnh của chế độ độc tài. Nếu chế độ ngày càng yếu đi về tư tưởng và kinh tế, thì quyền lực của cơ quan an ninh, đặc biệt là cảnh sát mật, sẽ gia tăng. Đó là lí do vì sao số tướng lĩnh trong tất cả các cơ quan chính trị, như Bộ Chính trị, ngày càng gia tăng. Cũng thường xảy ra trường hợp là tình hình kinh tế yếu kém và người dân tỏ ra thất vọng. Rối loạn trong nhiều lĩnh vực của xã hội, và quân đội hay các cơ cấu an ninh khác được dùng làm tấm gương so sánh: Họ có trật tự, kỷ luật; họ đang tích cực làm việc. Yếu tố tâm lí ở đây thường được sử dụng để cho mọi người thấy rằng quân đội thực sự là trụ cột của hệ thống, trụ cột của nhà nước, trụ cột của mọi thứ. Cảnh sát mật là nguy hiểm nhất, vì được tổ chức rất tốt, lương cao và có động cơ nhằm chống lại thay đổi. Trong tất cả các chế độ độc tài, cảnh sát mật chỉ có tấm vé một chiều, vì bàn tay họ vấy quá nhiều máu; họ chỉ có thể thăng tiến bằng cách ngày càng hung hăng hơn.

Nhưng Quân đội lại hoàn toàn khác. Quân đội là những tổ chức khổng lồ, và trong các đơn vị tốt, có rất nhiều người có tư duy tích cực, ủng hộ nhà nước. Họ không thích tham gia vào các hoạt động quân sự nhằm chống lại phe đối lập, nhưng họ cảm thấy có trách nhiệm trước tương lai và an ninh của đất nước. Ở hầu hết các nước, đa số quân nhân xuất thân từ những gia đình rất bình dị. Họ không phải là con em của tầng lớp quý tộc, họ là con của những gia đình bình thường – công nhân, nông dân, nhân viên. Kết quả là Quân đội gần với đời thường hơn. Quân đội trong các chế độ độc tài có thể đóng vai trò cực kì tiêu cực, nếu các nhà lãnh đạo chính trị quyết định như thế. Kinh nghiệm của Ba Lan là chúng tôi tìm được trong Quân đội rất nhiều người sẵn sàng cải cách và chuyển hóa.

Lời khuyên hữu ích cho các nhà lãnh đạo phe đối lập là ở Ba Lan chúng tôi có hai cách tiếp cận. Nếu một ngày nào đó, đại diện phe đối lập trở thành thủ tướng hay tổng thống, ông ta không thể thay đổi vai trò của Quân đội chỉ sau một đêm. Ông ta không thể nói: “Quân đội cũ đã xong và tôi sẽ tổ chức một quân đội mới”, hay: “Cảnh sát đã tê liệt và tôi sẽ tổ chức lực lượng cảnh sát mới”. Quá trình chuyển hóa có nghĩa là cần phải tìm được sự cân bằng giữa hệ thống cũ và hệ thống mới, nhưng không phải dễ. Cần nói ngay từ đầu: “Điều đầu tiên chúng tôi hi vọng là tất cả các cơ cấu chính quyền đều trung thành với chính phủ mới, trung thành với tổng thống mới được bầu”, và sau đó có thể thay đổi và chuyển hóa các thiết chế này từng bước một. Nếu tìm cách làm cách mạng ngay từ ban đầu, tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Ở Ba Lan, chúng tôi có một nhóm chính khách khá mạnh – ví dụ, Kaczyński và các đồng nghiệp của ông ta – tin tưởng chắc chắn rằng sai lầm của Ba Lan là sau Hội nghị Bàn tròn và bầu cử, đã không có cuộc cách mạng nào. Trong tất cả cuộc chuyển hóa, bao giờ cũng có thành tố cách mạng, thành tố báo thù: Ước muốn trừng phạt những người đại diện của chế độ cũ để cảm thấy rằng đã có thay đổi thực sự. Tôi rất phản đối cách suy nghĩ như thế. Theo tôi, chuyển hóa, thậm chí nếu mất nhiều thời gian và đôi khi phải trả giá đắt, vẫn tốt hơn cách mạng. Đặc biệt là với công nghệ thông tin hiện đại, chuyển hóa có thể khá thành công. Quá trình chuyển hóa có thể quản lí được và cuối cùng, có thể tạo ra những kết quả rất tích cực.

Ý nghĩa và sức hấp dẫn của dân chủ

Ông cho rằng động cơ nào thúc đẩy quá trình chuyển hóa sang dân chủ ở những nước phức tạp như Ba Lan và Chile, Tây Ban Nha, Nam Phi, Indonesia và Brazil?

Tôi đã có mấy cuộc thảo luận với Gorbachev khi ông vẫn tin chắc rằng perestroika là ý tưởng tuyệt vời và Liên Xô phải tiếp tục đứng vững. Trên thực tế, ông là tín đồ cuối cùng ở Liên Xô. Và tôi nói: “Mikhail, cuối cùng ông phải chấp nhận nếu ông đang nói chuyện với nhân dân, vấn đề là về tự do, dân chủ và nhân phẩm. (Perestroika trên thực tế là nói về tất cả những giá trị này). Ông chỉ có thể gặp hai tình huống. Một, tất cả các cánh cửa đều đóng lại; hai, tất cả các cánh cửa đều mở. Nếu ý tưởng của ông là mở cửa cho tất cả các giá trị này, cho tất cả những niềm hi vọng này, cho tất cả những nhu cầu đó của nhân dân, ông sẽ phải mở rộng. Ông không thể chỉ mở một chút. Sau một thời gian, ông sẽ phải mở hoàn toàn hoặc nhân dân nước ông sẽ phá tung cửa, vì đấy là những giá trị cực kì mạnh mẽ. Những giá trị này truyền sinh khí cho nhân dân, nhất là thanh niên”. Sau đó, chúng tôi nói chuyện khá lâu về tất cả các cuộc khủng hoảng của đảng Cộng sản ở Ba Lan. Chúng tôi đồng ý rằng Ba Lan cần phải dân chủ hoá hơn nữa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Năm 1989, người Ba Lan và người dân các nước khác đều nói: “Xin đừng nói về dân chủ hoá – chúng ta muốn có chế độ dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ xã hội chủ nghĩa, không phải là một kiểu dân chủ nào đó, mà là dân chủ thực sự”. Họ biết rất rõ, theo bản năng, ngay cả khi họ không được học hành nhiều, dân chủ có nghĩa là: Chúng ta có thể bỏ phiếu, chúng ta chấp nhận các luật lệ dân chủ, chúng ta có phương tiện truyền thông tự do, tiếp cận với các phương tiện truyền thông, v.v. Bạn có thể hỏi ngay cả một người bình thường trên đường phố, dân chủ nghĩa là gì và người đó sẽ nói thế.

Tiểu sử Tadeusz Mazowiecki, Thủ tướng Ba Lan, giai đoạn 1989–1991

Tadeusz Mazowiecki có vai trò quan trọng trong phe đối lập Công giáo Ba Lan từ những năm 1950 cho đến khi Chế độ Cộng sản chấm dứt vào năm 1989, và sau đó là thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan thời hậu chiến. Mazowiecki học luật, nhưng ông xây dựng sự nghiệp như là một người hoạt động Công giáo và biên tập viên. Sau quá trình tự do hoá Ba Lan vào năm 1956, ông là một trong những người sáng lập tổ chức trí thức Công giáo tại gia, gọi là Znak, và cho đến năm 1981 là biên tập viên tạp chí ra hàng tháng của họ, tờ Wiez. Trong những năm 1960, ông là đại biểu Sejm cho đến khi ông đòi điều tra về các vụ giết hại những công nhân xưởng đóng tàu biểu tình vào năm 1970. Ông còn giúp thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân, đưa trí thức đối lập Công giáo và không Công giáo lại với nhau, nhằm gây sức ép về nhân quyền và quyền của người lao động. Năm 1980, Mazowiecki làm cố vấn cho Lech Wałęsa khi xảy ra các cuộc biểu tình ở xưởng đóng tàu Gdansk, và vẫn tiếp tục làm cố vấn cho Công đoàn Đoàn Kết và biên tập tờ tuần báo của tổ chức này. Tháng 12 năm 1981, khi tướng Jaruzelski tuyên bố thiết quân luật, Mazowiecki bị bắt giam suốt nhiều tháng liền và tờ tuần báo bị đóng cửa.

Tám năm sau, Mazowiecki trở thành người đại diện của Công Đoàn kết và người thương thuyết chính trong nhóm bàn về cải cách chính trị của Hội nghị Bàn tròn. Sau thất bại choáng váng của Cộng sản trong cuộc bầu cử chưa thật sự tự do năm 1989, theo đề nghị của Lech Wałęsa, Mazowiecki được cử làm thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan. Ông giám sát quá trình chuyển hóa từ chế độ Cộng sản sang chế độ dân chủ đa đảng, giám sát những cuộc cải cách kinh tế sang nền kinh tế thị trường, quá trình quay sang phương Tây và NATO, và những cuộc cải cách các thiết chế chính trị. Ông lập ra và lãnh đạo nội các, bao gồm quan điểm của tất cả các nhóm có chân trong Sejm sau cuộc bầu cử năm 1989: Ông cử những người Cộng sản làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nội vụ và Giao thông, cũng như các nhà hoạt động của Công đoàn Đoàn kết và chuyên gia. Phong cách lãnh đạo của ông bao gồm lắng nghe với thái độ tôn trọng những quan điểm khác nhau và sau đó đưa ra những quyết định đầy khó khăn.

Tác động tiêu cực ngay lập tức của việc tự do hoá kinh tế quá nhanh đối với nhiều người Ba Lan đã làm giảm sự ủng hộ của nhân dân đối với Mazowiecki, và ông đã thua Wałęsa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1990. Cam kết cá nhân của ông về việc vạch “một đường kẻ đậm” đối với quá khứ, chứ không trừng phạt những người làm cho chế độ cũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển hóa dân chủ đầu tiên trong khối Xô Viết, mặc dù cách làm như thế có nghĩa là những cáo buộc liên quan tới quá khứ sẽ ám ảnh nền chính trị Ba Lan trong suốt nhiều năm. Mazowiecki tiếp tục giữ chức phó chủ tịch Sejm cho đến năm 2001. Ông là báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Nam Tư cũ, và đã từ chức vào năm 1995 để phản đối việc quốc tế phản ứng quá yếu ớt trước những hành động tàn bạo ở Bosnia.

Phỏng vấn Thủ tướng Tadeusz Mazowiecki

Những nguyên tắc nền tảng

Một nhà lãnh đạo chính trị trẻ tuổi nào đó từ đất nước đang diễn ra quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ có thể học được gì từ kinh nghiệm của ông và của Ba Lan? Các nhà lãnh đạo phải hiểu thế nào về chuyển hóa dân chủ, để có thể đóng vai trò tích cực trong lịch sử của đất nước mình?

Tất nhiên, những người muốn học hỏi từ kinh nghiệm của chúng tôi phải quyết định điều gì là quan trọng đối với họ. Tôi muốn nói rằng, thông điệp quan trọng nhất mà tôi gửi tới nhà lãnh đạo trẻ trong tình huống như vậy là, khi thay đổi, bạn không thể chỉ thay những người mà bạn đang lật đổ, bạn không thể chỉ cầm quyền và tiếp tục làm như họ. Nói cách khác, đấy là dự định thay đổi tiến trình lịch sử, chứ không chỉ là thay chính phủ này bằng chính phủ khác, đấy không phải là giải pháp. Chúng tôi thường nói chuyện với những người đến từ những nước đã trải qua Mùa xuân Arab, và chúng tôi phát hiện ra rằng, ở một số nước chỉ là thay hình thức khủng bố này bằng hình thức khủng bố khác. Tôi không nghĩ rằng có thể gọi cái đó là thay đổi thực sự, và đó là lí do vì sao tôi khuyên không chỉ thay những người mà bạn lật đổ. Nếu muốn tiến hành thay đổi mang tình lịch sử, thay đổi phải có tính nền tảng. Bài học quan trọng thứ hai là chúng tôi đã tiến hành thay đổi ở Ba Lan bằng các phương tiện hòa bình.

Huy động xã hội

Làm sao thực hiện được những thay đổi lớn lao như vậy một cách hòa bình?

Chắc chắn là nó không xảy ra chỉ sau một đêm – đó là một quá trình khá phức tạp. Ở Ba Lan, đã có những nỗ lực khác nhau nhằm thay đổi tình hình, nhưng quan trọng nhất việc thành lập Công đoàn Đoàn kết vào năm 1980, không chỉ là công đoàn độc lập, mà còn là phong trào độc lập trên bình diện quốc gia. Chúng tôi là nước đầu tiên ​​trong khối Xô Viết tổ chức được phong trào chống chính quyền Cộng sản trên quy mô lớn. Chúng tôi không thể giành chiến thắng bằng vũ lực, đúng không? Mặc dù có thiết quân luật, Công đoàn Đoàn kết đã chiến đấu với chế độc tài chỉ bằng các phương tiện hòa bình. Hòa bình là con đường duy nhất đưa chúng tôi tới chiến thắng. Công đoàn Đoàn kết được thành lập trong khi Leonid Brezhnev [Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô] vẫn nắm quyền ở Liên Xô và sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào Ba Lan là một nguy cơ thực sự. Tướng Jaruzelski áp đặt thiết quân luật từ tháng 12 năm 1981 đến tháng 7 năm 1983, và sau đó chính quyền Cộng sản không muốn Đoàn kết phục hồi. Nhưng, đối với chúng tôi, điều kiện tiên quyết cơ bản để tham gia Hội nghị Bàn tròn Bàn [1988-1989] là phục hồi Đoàn kết về mặt pháp lí. Đó là điều kiện của chúng tôi – nếu không phục hồi Đoàn kết thì chúng tôi sẽ không tham gia Hội nghị Bàn tròn. Chính phủ thấy khó chấp nhận. Họ đã tìm cách lảng tránh vấn đề này trong một thời gian dài và không muốn chấp nhận nó, nhưng, đối với chúng tôi, đó là điều kiện tiên quyết cơ bản.

Đánh bại hệ thống độc tài ngay từ bên trong

Đoàn kết được phục hồi về mặt pháp lí bằng các biện pháp hòa bình, đấy là kết quả của Hội nghị Bàn tròn. Chúng tôi được quyền tham gia vào đời sống chính trị. Chúng tôi đồng ý với cái gọi là “cuộc bầu cử rút gọn” đại biều của Sejm – tức hạ viện. Đảng cầm quyền và các đảng vệ tinh được đảm bảo sẽ có đa số đại biểu, còn chúng tôi chỉ có thể giành được 35% số ghế. Nhưng, cuộc bầu cử Thượng viện sẽ được tổ chức hoàn toàn tự do, trong chế độ Cộng sản không có Thượng viện, nhưng nay đã được phục hồi. Chúng tôi giả định rằng mình sẽ vẫn còn thuộc phe đối lập, nhưng các sự kiện tăng tốc quá nhanh. Rõ ràng là Đảng Cộng sản không thể thành lập được chính phủ có thể đưa Ba Lan thoát khỏi tình hình kinh tế thảm khốc lúc đó. Lạm phát cao, và tình hình kinh tế xấu. Đảng Cộng sản không thể thành lập được chính phủ, còn hai đảng tay sai của họ thì bỏ chạy. Kết quả là, có thể hình thành đa số trong nghị viện mới.

Khi Lech Wałęsa, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, đề nghị tôi làm thủ tướng, tôi nói rằng ông phải tự mình giữ chức vụ này, nhưng ông phản đối. Tôi nói với ông rằng, tôi hi vọng ông sẽ ủng hộ và Đoàn kết sẽ là chiếc ô bảo vệ chính phủ. Tôi còn nói rằng tôi sẽ là thủ tướng, chứ không phải là con rối. Đấy là vấn đề quan trọng, vì trong hệ thống cộng sản, quyền lực thực tế nằm trong tay Bộ Chính trị, còn Chính phủ chỉ có chức năng hành chính. Tôi nói rằng nếu tôi có vai trò như vậy và trở thành người đứng đầu chính phủ tiến hành thay đổi quan trọng như vậy – đầu tiên trong khối Đông Âu – thì trung tâm quyền lực sẽ phải thuộc về chính phủ. Tôi sẽ không phải là thủ tướng bù nhìn, có nghĩa là không có Bộ Chính trị mới, thậm chí là Bộ Chính trị của chính chúng ta, có thể giật dây. Tôi nói rằng mình sẽ là một thủ tướng thực sự, cũng như chính phủ sẽ là chính phủ thực sự, và đã diễn ra đúng như thế. Tất nhiên, cùng với thời gian, Wałęsa và tôi bắt đầu có những khác biệt, nhưng trong giai đoạn đầu, ông đã ủng hộ tôi rất nhiều.

Trong vài tháng, chúng tôi là nước duy nhất trong khối Đông Âu tiến hành những thay đổi lớn như vậy. Các nước khác sau đó mới đi theo. Tôi biết, những thay đổi của chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến tình hình các nước khác, nhưng tôi không hi vọng là chuyện này xảy ra nhanh đến như thế hay những thay đổi ở các nước khác sẽ sâu sắc đến như thế. Tôi nghĩ rằng, trong một khoảng thời gian nào đó, chúng tôi có thể là nước duy nhất trong khối Đông Âu tiến hành những thay đổi như thế.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng lúc đó ở Ba Lan, Đảng Cộng sản có 2,5 triệu đảng viên và các đảng tay sai của nó có khoảng nửa triệu đảng viên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính phủ phải có người của tất cả các đảng có chân trong nghị viện. Đảng Cộng sản không thể nằm trong phe đối lập. Đấy không phải là lựa chọn bởi vì họ có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với bộ máy an ninh và quân đội. Hãy tưởng tượng, phe đối lập nắm quyền kiểm soát Quân đội – điều chưa bao giờ thấy trước đây. Đó là lí do vì sao tôi tin rằng họ cũng phải tham gia chính phủ. Tất cả các lực lượng có chân trong nghị viện đều phải tham gia chính phủ. Đến một lúc, tôi hiều rằng đấy sẽ là chính phủ của sự thay đổi căn bản trong ba lĩnh vực chính: Xây dựng nhà nước dân chủ, thay đổi hệ thống kinh tế – ở đây chúng tôi gặp vấn đề, có nên duy trì hệ thống kinh tế tập trung kém hiệu quả hay phải chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do (chúng tôi chọn kinh tế thị trường) và chuyển hướng chính sách đối ngoại và mở cửa sang phương Tây.

Thiết lập nền tảng cho đàm phán và đối thoại

Yếu tố thường xuất hiện trong nhiều cuộc chuyển hóa thành công là cơ hội xây dựng niềm tin giữa các phía khác nhau và để hiểu nhau. Làm sao các ông tạo ra được những điều kiện cho sự tin tưởng và đối thoại trước khi diễn ra Hội nghị Bàn tròn?

Yếu tố cực kì cần thiết là chúng tôi biết rằng chỉ có thể tạo được thay đổi nếu chúng tôi liên kết việc khôi phục Công đoàn Đoàn kết với sự thay đổi tình hình kinh tế của đất nước. Đây là yếu tố quyết định. Rất khó nói về sự tin tưởng. Lúc đó chẳng ai tin ai. Có một yếu tố đảm bảo rằng sẽ không có bất kì trò lừa đảo nào, và đó là Giáo hội. Trong trường hợp của chúng tôi, việc một nhân tố như thế có mặt trong các cuộc đàm phán giữa nhà cầm quyền và phe đối lập là rất quan trọng. Cho đến khi Hội nghị Bàn tròn kết thúc, tôi vẫn không tin chắc rằng liệu họ có thể ban hành những quy định cho việc khôi phục Công đoàn Đoàn kết mà chúng tôi sẽ không thể chấp nhận hay không. Khi ngồi xuống nói chuyện, đối tác của bạn biết khả năng của bạn và bạn biết khả năng của họ: Họ có thể làm được gì, và không thể làm được gì. Dần dần, hiểu biết về khả năng của nhau trở thành quan trọng.

Công lí và hòa giải

Đâu là những cuộc cải cách chính trị quan trọng nhất, được ưu tiên ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng của ông? Tầm nhìn của ông là gì, ông và chính phủ của ông đã làm gì?

Tôi phải bắt đầu bằng cách nói rằng tôi muốn tất cả mọi người cùng nắm lấy thời cơ thay đổi, và do đó, tôi nói rằng chúng tôi sẽ vẽ một đường kẻ đậm bên dưới quá khứ, và chúng tôi sẽ chỉ chịu trách nhiệm về những việc chúng tôi làm từ đó trở đi. Chúng tôi biết rằng quá khứ vẫn còn đeo bám chúng tôi trong một thời gian dài nữa, nhưng chúng tôi chỉ muốn chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình. Tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng, ban đầu mọi người đều đồng ý như thế. Sau đó, nó trở thành cái cớ để người ta phê phán tôi, người ta tuyên bố rằng dường như tôi không muốn buộc những người Cộng sản phải chịu trách nhiệm giải trình về những hành động của họ trong quá khứ. Tôi muốn buộc họ phải có trách nhiệm giải trình, nhưng tôi tin rằng đó là một vấn đề dành cho các cuộc tranh luận của giới sử học, và cũng là vấn đề dành cho các tòa án, khi bàn về các tội ác mà người ta đã phạm. Tôi không nghĩ đó là một vấn đề của chính phủ. Tôi tin rằng vai trò của chính phủ là đưa chế độ dân chủ đến với tất cả mọi người.

Như tôi đã nói, kinh nghiệm quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với những người khác là, không được làm như những người tiền nhiệm. Đây là mấu chốt của vấn đề. Trong hệ thống trước đây; so với các đảng viên, chúng tôi, những người Công giáo, những người có Đạo, bị đối xử như những công dân hạng hai. Vì vậy, chúng tôi không muốn bắt đầu đối xử với các đảng viên Cộng sản như những công dân hạng hai, vì chúng tôi tin rằng chế độ dân chủ có nghĩa là dân chủ cho tất cả mọi người, tự do là tự do cho tất cả mọi người, và tiến bộ lịch sử chỉ có thể xảy ra nếu tuân theo những quy tắc này. Đây là giả định cốt yếu và căn bản mà chính phủ tôi dựa vào để tiến hành cải cách – đưa chế độ dân chủ đến với mọi người. Theo nghĩa đen, điều tôi nói có nghĩa là từ lúc đó trở đi sẽ có một khởi đầu mới. Ý nghĩa sâu sắc hơn là tất mọi người đều có tương lai trong chế độ dân chủ. Đó là mảng quan trọng của những chính sách đó, và sau này, nó đã dẫn tới nhiều cuộc tranh luận, nhưng trên hết, nó đảm bảo cho quá trình chuyển đổi mang tính tiến hóa.

Thiết lập những ưu tiên trong chính sách

Liên quan tới những thay đổi thiết yếu, tôi nói rằng hầu như tất cả mọi thứ, trong tất cả các lĩnh vực, đều cần thay đổi. Xin lấy các trường đại học làm ví dụ. Các trường đại học muốn chúng tôi dành cho họ quyền tự trị và tự do. Nhưng chúng tôi cũng cần tạo ra tự do học thuật, để tiền hành những thay đổi quan trọng trong việc giảng dạy lịch sử, ví dụ thế, cái đó có ảnh hưởng tới các trường phổ thông. Thực ra, không có lĩnh vực nào không cần thay đổi. Tôi muốn đưa tất cả mọi người vào.

Một trong những cải cách quan trọng nhất do nội các của tôi thực hiện là cải cách chính quyền địa phương, có nghĩa là áp dụng dân chủ ngay tại cơ sở. Trước hết, các cuộc bầu cử khu vực hoàn toàn dân chủ và tự do, được tổ chức vào mùa xuân năm 1990. Truyền thống dân chủ cơ sở đã bị hệ thống Cộng sản nghiền nát. Không còn tồn tại nữa, vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu.

Các quyền chính trị và xã hội

Vấn đề thứ hai là bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do hội họp. Khi tôi đứng ra thành lập chính phủ, có nhiều tổ chức chính trị khác nhau nằm trong phe đối lập bất hợp pháp, nhưng tôi nói về họ như thể họ là những tổ chức hợp pháp. Theo cách hiểu nào đó, có thể nói rằng tôi đã làm cho họ trở nên hợp pháp, trên thực tế. Chuyện đó không xảy ra cho mãi cho đến năm 1997, khi chúng tôi thay đổi hiến pháp. Trước đó, Nghị viện đã có nhiều nỗ lực. Có lẽ điều đó là sai lầm, nhưng tôi nghĩ thay đổi căn bản là quan trọng nhất và thay đổi hiến pháp sẽ diễn ra sau đó, đấy là kết quả. Tuy nhiên, những thay đổi căn bản mà chúng tôi làm là thay đổi mang tính dân chủ.

Cải cách kinh tế

Lĩnh vực cực kì quan trọng khác là kinh tế. Chúng tôi đã phải giải quyết tình trạng lạm phát phi mã, nhưng đồng thời, phải xây dựng những luật lệ có thể thay đổi một cách căn bản hệ thống kinh tế. Việc này được thực hiện bằng cách thông qua một loạt điều luật. Những thay đổi này được thực hiện từ năm 1989 đến năm 1990.

Ảnh hưởng quốc tế

Chiến lược trong chính sách đối ngoại của ông là gì? Các tác nhân và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng như thế nào đối với công cuộc chuyển hóa của Ba Lan?

Về chính sách đối ngoại, điều quan trọng là phải tái định hướng sang phương Tây, mặc dù chúng tôi buộc phải tính đến lân bang bên phía đông, lúc đó có căn cứ quân sự ở Ba Lan với khoảng 200.000 binh sĩ Liên Xô. Tuy nhiên, đấy là thời đại khác – thời đại của Gorbachev và perestroika. Người đứng đầu KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia – cơ quan an ninh quan trọng nhất của Liên Xô], Vladimir Kryuchkov, bất ngờ tới Warsaw. Tôi đã được bổ nhiệm làm thủ tướng, nhưng chưa thành lập xong nội các. Người ta nói với tôi nếu tôi gặp ông ta thì tốt, rằng chuyến thăm của ông ta là một phần của một số trao đổi trước đó, tạo điều kiện cho ông ta tới và vì vậy, tôi đã tiếp ông ta. Điều quan trọng đối với tôi là nội dung của cuộc trò chuyện của chúng tôi sẽ được chuyển tới Gorbachev: Chúng tôi sẽ là đất nước hữu nghị, nhưng các quyết định sẽ được đưa ra ở đây, ở Warsaw. Đó là thông điệp chính.

Tôi tha thiết muốn rằng chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là tới thăm Giáo hoàng John Paul II ở Rome. Đây là chuyến đi cực kì quan trọng đối với tôi. Dưới thời Cộng sản, các nhà lãnh đạo thường tới Moscow, nhưng tôi đi Rome. Chuyến đi mang tính tượng trưng một phần vì tôi không đi Moscow, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn vì tôi đến thăm Đức Giáo Hoàng. Hơn nữa, cuộc điện thoại đầu tiên của tôi từ trụ sở văn phòng Thủ tướng là gọi cho Đức Giáo Hoàng. Tôi gọi điện ngay khi nghị viện bổ nhiệm tôi làm thủ tướng, trước khi thành lập nội các. Tôi nhờ Đức ông Dziwisz, và tôi lấy làm ngạc nhiên, khi nghe ông nói, “Xin vui lòng đợi một lát”, rồi Đức giáo hoàng đi tới bàn điện thoại. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng Ngài tới bàn điện thoại. Lúc đó Giáo hoàng đã có Twitter, nhưng tôi không quen sử dụng. Đức Hồng Y Wojtyła [Giáo hoàng John Paul II] là người kế nhiệm Hồng y Sapieha, tôi biết rằng Ngài không bao giờ đi tới bàn điện thoại, vì vậy, rôi rất ngạc nhiên khi thấy Hồng y Wojtyła làm như thế. Ngài biết rằng nghị viện đã giao cho tôi thành lập chính phủ, và chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn, nhưng rất chân thành. Giáo hội đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Trong giai đoạn thiết quân luật, chúng tôi đã từng giảng bài trong các tòa nhà của nhà thờ, v.v. Đến Hội nghị Bàn tròn, đại diện của Giáo hội cũng tham gia. Việc họ tham gia là rất quan trọng đối với chúng tôi, vì họ làm cho các cuộc đàm phán trở nên đáng tin hơn. Theo cách hiểu nào đó, sự có mặt của họ là một sự đảm bảo cho chúng tôi. Vì thế, trong công cuộc chuyển hóa của chúng tôi, vai trò của Giáo hội là rất quan trọng.

Giáo hoàng John Paul II đã ủng hộ Công đoàn Đoàn kết khi tổ chức này bị cấm. Ngài nói về khái niệm đoàn kết khi rao giảng ở những nước và những lục địa khác nhau. Vì vậy, vai trò của Ngài là rất quan trọng đối với tôi, đối với chúng tôi, đối với Ba Lan. Các nhà báo nước ngoài thường hỏi tôi, cái gì là tác nhân quan trọng nhất trong công cuộc chuyển hóa của chúng tôi: Đức Giáo hoàng, Reagan, Gorbachev, hay Công đoàn Đoàn kết. Tôi luôn luôn nói rằng tất cả những yếu tố này đều có đóng góp vào thời điểm lịch sử đó, khi sự chuyển hóa trở nên khả thi. Về vai trò của Đức giáo hoàng, xin nhớ câu nói của Stalin: “Giáo hoàng có mấy sư đoàn?” Đức Giáo hoàng không có sư đoàn nào, nhưng ông có sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn. Sự kiện Ngài là người Ba Lan đã tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn cho đất nước này, giữ nó sống động, giữ vững tinh thần của nó, khiến mọi người tin rằng tất cả đều có ý nghĩa. Và Ngài không bao giờ chùn bước. Trong thời gian bị giam giữ, tháng 1 năm 1982, tôi đã bí mật viết thư cho Giáo hoàng. Có một bản sao danh thiếp mà Đức Giáo hoàng đã gửi vào trại giam cho tôi. Ngài viết: “Tôi đã đọc thư của bạn nhiều lần. Tôi chia sẻ những suy nghĩ của bạn”. Tôi đã viết rằng không thể có những thay đổi quan trọng, nếu không phục hồi được những cái mà dân tộc này đã giành được vào năm 1980. Cần phải nhấn mạnh rằng Đức Giáo hoàng, khác với một số vị giám mục, không bao giờ ngưng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết. Chúng tôi biết rằng, chúng tôi có thể dựa vào Ngài, Ngài giống như một tảng đá. Đấy là điều rất quan trọng.

Bạn có thể nói rằng Tổng thống Reagan [1981-1989] đã giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ và Liên Xô không thể theo kịp. Gorbachev rất quan trọng. Đó là thời của những niềm hi vọng và sự thay đổi to lớn, thời của perestroika. Nó không còn là thời của Brezhnev. Perestroika tạo ra bầu không khí mới. Điểm nữa mà tôi có thể đưa thêm vào là ấn tượng của tôi từ chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Liên Xô trong những ngày đó. Tôi thấy lực lượng phản đối perestroika mạnh đến mức nào. Và không thể xảy ra bất cứ chuyện gì nếu không có Công đoàn Đoàn kết, đó là phong trào nâng đỡ và đấu tranh cho những thay đổi như thế ở Ba Lan. Đó là lí do vì sao tôi nói rằng tất cả những yếu tố đều có ảnh hưởng.

Xin quay lại với vấn đề thay đổi. Tôi đã nói với Liên Xô rằng chúng tôi sẽ là đất nước thân thiện, nhưng những quyết định đó sẽ được đưa ra ở đây. Chúng tôi vẫn là thành viên Hiệp ước Warsaw, nhưng lập trường của chúng tôi đã được thể hiện một cách rõ ràng trong bài phát biều đầu tiên của tôi – Hiệp ước Warsaw không thể được sử dụng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Theo nghĩa nào đó, hiệp ước vẫn còn. Chúng tôi tin rằng châu Âu sẽ thay đổi, các sự kiện ở Ba Lan sau đó sẽ thay đổi châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi còn tin rằng đó là quá trình diễn ra theo từng bước một, và đó là lí do vì sao xuất hiện ý tưởng nói rằng quan hệ với lân bang bên phía đông của chúng tôi không được tạo ra rắc rối. Cùng với thời gian, chính sách đối ngoại của Ba Lan đã dẫn đến kết quả là quan hệ ngoại giao được thiết lập không chỉ với Moscow, mà còn với Vilnius [Lithuania], Tallinn [Estonia], Riga [Latvia], và Kiev [Ukraine]. Chúng tôi đã thiết lập được quan hệ với các nước cộng hòa Xô Viết mà sau này trở thành những quốc gia độc lập.

Liên quan tới phương Tây, châu Âu lúc đó đang tiến dần tới quá trình nhất thể hóa, còn chúng tôi thì thấy khả năng mở rộng. Đương nhiên là, lúc đó không ai nói tới việc trở thành thành viên EU. Tuy nhiên, có những khái niệm và ý tưởng khác nhau về cách thức định hình châu Âu. Chúng tôi chỉ đơn giản là xây dựng lại mối quan hệ của chúng tôi với các nước dân chủ ở phương Tây và chứng tỏ cho họ thấy rằng mục tiêu của chúng tôi là tạo ra hệ thống dân chủ hoàn toàn.

Cải cách kinh tế

Suy nghĩ về giai đoạn này, đâu là những quyết định khó khăn nhất mà ông phải ban hành? Tại sao đấy lại là những quyết định khó khăn?

Những quyết định khó, có những cái rất tổng quát cũng như cái rất cụ thể. Khi nói đến các quyết định tổng quát, chắc chắn rất quan trọng và rất khó là đi theo hướng kinh tế thị trường tự do, thay đổi hệ thống một cách triệt để. Niềm tin của tôi thúc đẩy tôi hướng tới những giải pháp xã hội chủ nghĩa mang khuôn mặt con người, nhưng lúc đó tôi phải đối mặt với thách thức khôi phục chủ nghĩa tư bản. Trước đây chưa có ai từng quay trở lại theo con đường này. Nhưng, các cố vấn của tôi thuyết phục tôi rằng chúng tôi phải tiến hành thay đổi cơ bản nhằm tiến tới hệ thống đã được thử thách của nền kinh tế thị trường tự do. Khi thay đổi này được tiến hành, tôi mới hiểu rằng những sáng tạo tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội, những công trình công nghiệp vĩ đại này sẽ bị phá sản vì không có khả năng cạnh tranh. Nhưng đấy lại là nền tảng của Công đoàn Đoàn kết. Vì vậy, đối với tôi, đây là quyết định rất khó khăn về mặt đạo đức. Tôi cho rằng, khi kinh tế phát triển và khi chúng tôi sửa chữa được nó thì chúng tôi sẽ chú ý hơn tới các vấn đề xã hội, nhưng chắc chắn là phải trả giá cho công cuộc chuyển hóa. Đây là ví dụ về quyết định tổng quát, rất khó về mặt đạo đức đối với tôi. Dĩ nhiên là có những quyết định khác, cụ thể hơn. Có lúc, đã nổ ra các cuộc biểu tình và đường ra nước ngoài bị chặn. Tôi phải dùng lực lượng cảnh sát để giải tỏa. Không xảy ra những việc quá xấu, nhưng đối với tôi, đó là quyết định khó khăn.

Có quyết định hay đánh giá nào mà nếu phải làm lại một lần nữa thì ông sẽ làm khác?

Một trong những quyết định rất khó khăn của chúng tôi là giải thể các nông trường quốc doanh. Các nông trường này không thể sống được, vì họ đã được trợ cấp qua ngân sách nhà nước và không thể giữ mãi các khoản trợ cấp như thế. Chúng tôi phải giải thể. Chúng tôi hi vọng rằng công nhân nông nghiệp sẵn sàng nhận đất. Nhưng, hóa ra là họ không muốn nhận đất, họ không cảm thấy đất đó là của mình, họ cảm thấy mình chỉ là người làm thuê. Họ không có não trạng của người nông dân. Ở Tiệp Khắc cũng tương tự như thế. Kết quả là quá trình chuyển hóa gây ra những khó khăn thực sự cho các gia đình này, các nhóm người này, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Tây Ba Lan, nơi có rất nhiều nông trường như thế. Vì vậy, chắc chắn là, tôi muốn, nếu lúc đó mình có những kiến ​​thức như thế, kiến thức từ kinh nghiệm đó để dựa vào – tôi nghĩ chúng tôi thiếu một số chương trình để khuyến khích những người đó, nhưng tất cả đều rất khó khăn. Vẫn còn một số day dứt vì hối hận.

Chúng tôi có thể học được gì từ kinh nghiệm liên quan đến những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế của Ba Lan?

Nói đến những vấn đề kinh tế và thay đổi hệ thống, trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên, các quyết định phải được đưa ra ngay lập tức. Càng trì hoãn những thay đổi này, thì càng khó làm hơn. Vì vậy, đấy là những quyết định khó, nhưng phải kiên quyết và ngay từ đầu.

Những nguyên tắc căn bản

Một số nhà lãnh đạo làm theo lời khuyên của các cố vấn trong hầu hết các vấn đề vì họ là những người có chuyên môn hơn. Một số người khác không tham khảo nhiều ý kiến người khác khi họ phải ra những quyết định khó khăn. Ông chuẩn bị như thế nào trước khi đưa ra những quyết định khó khăn?

Xin nói rằng ở tôi có hai yếu tố không tách rời nhau: Niềm tin của tôi và sự cởi mở của tôi, tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau. Khi nói đến đức tin tôn giáo, tôi có thể nói rằng trong giáo huấn xã hội của Công giáo, có khái niệm ân sủng. Có nghĩa là nếu người nào đó nhận một trách nhiệm quan trọng, họ sẽ được giúp đỡ. Phải nói rằng tôi cảm thấy sự giúp đỡ đó, mà theo nghĩa thuần túy vật lí. Trước đây, ban ngày, tôi chưa bao giờ có thể ngừng lại, chưa bao giờ tôi có thể thư giãn một lát, rồi sau đó trở lại làm việc – tôi làm việc cho đến khi mệt thì mới thôi. Thế mà, khi làm thủ tướng, tôi có thể ngừng lại trong khoảng nửa giờ, thư giãn và quay lại làm việc với cảm giác sảng khoái. Có lẽ đấy là ví dụ trần tục, nhưng rất quan trọng đối với tôi.

Tôi thường bị chỉ trích vì các cuộc họp nội các kéo dài, có thể đến tận khuya. Bao giờ tôi cũng họp nội các vào thứ hai. Bắt đầu vào buổi chiều và kéo dài đến khuya. Vì ​​tôi để các bộ trưởng phát biểu ý kiến ​​của họ. Tôi thực sự muốn họ nhận thức được trách nhiệm mà mình được giao. Tôi đã có một nhóm nhỏ các cố vấn chính – một cố vấn về kinh tế, một cố vấn về chính trị, và một cố vấn về ngoại giao. Tôi có quan hệ gần gũi với Phó Thủ tướng Balcerowicz và Jacek Kuron, Bộ trưởng Lao động, một người rất quan trọng, vì ông có mối liên hệ tuyệt vời với quần chúng. Tôi tin rằng toàn bộ chính phủ phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Quan trọng đối với tôi là cuộc họp nội các không chỉ là buổi trao đổi ngắn, mà phải tạo được đồng thuận trong chính phủ. Điều đó rất quan trọng. Nhưng dĩ nhiên, tôi, thủ tướng là người phát biểu cuối cùng.

Các đảng chính trị

Công đoàn Đoàn kết, một phong trào đối lập, có vai trò rất quan trọng; nhưng sau đó có vấn đề quản trị. Ban đầu, ông được Wałęsa ủng hộ, và rồi khi ông tranh chức tổng thống thì xảy ra chia rẽ. Sự khác biệt giữa phong trào đối lập hoạt động hữu hiệu và chính phủ hoạt động hữu hiệu là gì? Vì sao Công đoàn Đoàn kết và Wałęsa không thể chuyển từ vai trò đối lập thành nhà lãnh đạo liên minh hữu hiệu để ổn định chính phủ?

Công đoàn Đoàn kết, như tôi đã nói, không chỉ là công đoàn mà còn là phong trào độc lập to lớn trên bình diện quốc gia. Chúng tôi nhận thức được rằng sự khác biệt về ý kiến ​​trong Đoàn kết là rất lớn. Phong trào này có cả phái tả và phái hữu. Chúng tôi biết rằng đấy là một phổ rất rộng. Tôi đã đánh giá thấp nhu cầu hình thành các đảng chính trị ngay từ giai đoạn đầu. Tôi đã không lập ra bất kì chính đảng nào, nhưng các đảng bắt đầu xuất hiện xung quanh tôi. Có lúc chúng tôi nghĩ rằng việc phân chia theo lối truyền thống thành các đảng phái chính trị sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng, và Công đoàn Đoàn kết sẽ tồn tại như một phong trào cố kết trong một thời gian. Tuy nhiên, khác biệt bắt đầu xuất hiện và các phong trào chính trị bắt đầu nổi lên.

Đối với chúng tôi, những cuộc cải cách mà chúng tôi tiến hành là vì lợi ích của cả nước. Chúng tôi đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Ý nghĩ đầu tiên là về nhà nước, chứ không nghĩ về đảng. Không thành lập đảng vừa là điểm mạnh và điểm yếu của chúng tôi. Mạnh là vì quyền lợi của nhà nước được đặt trước quyền lợi của đảng. Là thủ tướng, tôi hiểu rõ đất nước yếu đến mức nào và phải củng cố sức mạnh của nó. Tôi nhận thức được rằng các quyền lợi của nhà nước quan trọng hơn quyền lợi của các đảng khác nhau. Tôi cảm thấy mình phải đi theo hướng đó. Tôi sẽ không bao giờ tranh cử tổng thống với Wałęsa, nếu ông không tấn công cương lĩnh chính trị của chính phủ, và thậm chí lúc đó tôi đã rất lưỡng lự, nhưng tôi sợ ông sẽ phá hoại cương lĩnh của chính phủ. Thế là tôi quyết định tranh chức tổng thống để bảo vệ cương lĩnh của chính phủ vì cả nước chứ không vì phe phái chính trị nào. Hơn nữa, tôi coi Wałęsa là nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân, nhưng không tất yếu là người giỏi nhất để giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước. Nhưng, tất nhiên, vấn đề Wałęsa là có thật. Không ai phủ nhận vai trò cực kì to lớn của ông, nhưng tìm cho ông địa vị phù hợp trong cơ cấu mới đã trở thành vấn đề lớn.

Vai trò của nhà lãnh đạo độc tài trong việc thúc đẩy quá trình chuyển hóa

Xin cho biết đánh giá của ông về những thay đổi trong Đảng Cộng sản, và vai trò của Jaruzelski?

Tướng Jaruzelski, khi làm tổng thống, là đối tác trung thành với tôi. Tôi không bao giờ đồng ý với ông về quyết định áp đặt thiết quân luật ở Ba Lan. Khi chúng tôi gặp nhau – tôi là thủ tướng, còn ông là tổng thống – ông thường nói về vấn đề này. Ông bảo, ông muốn nói về nó vì ông là người áp đặt thiết quân luật, còn tôi là người bị bắt giam. Tôi nói với ông rằng chúng ta có ý kiến ​​khác nhau về việc này, vì tôi vẫn tin rằng ông có thể làm nhiều việc hơn để không phải áp đặt thiết quân luật. Nhưng, đúng là ông sợ Liên Xô can thiệp. Khi làm tổng thống, ông là đối tác trung thành với tôi. Chắc chắn là ông nhận thức được rằng quyền lực nằm trong tay chính phủ chứ không phải trong tay tổng thống. Ông thay đổi quan điểm và hiểu được ý nghĩa của công cuộc chuyển hóa này và khá trung thành. Đảng Cộng sản sụp đổ và một số cựu đảng viên thành lập đảng mới. Những cuộc chuyển hóa sâu sắc hơn diễn ra trong một thời gian dài, nhưng không phải lúc nào cũng được các đảng hậu Cộng sản này thực hiện, nhưng chắc chắn là họ hiểu được tầm quan trọng của quá trình chuyển hóa và đã đóng đúng vai trò của mình.

Cải cách lực lượng an ninh

Trong chế độ độc tài ở Ba Lan, các lực lượng an ninh đóng vai trò cực kì quan trọng. Sau đó, Ba Lan chuyển sang hệ thống chính trị dân chủ, mới, cởi mở, nhưng chế dân chủ cũng cần lực lượng an ninh. Ông chuẩn bị cải cách lực lượng an ninh như thế nào?

Cơ cấu ban đầu của chính phủ vẫn giữ lại Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng [và các vị bộ trưởng của những bộ này, họ vẫn giữ chức cho đến giữa những năm 1990]. Nhưng tôi muốn có tiếng nói trong những bộ này. Ý tưởng ban đầu là thành lập ủy ban chính trị, trong đó có cả các quan chức dân sự, nhưng tôi nhanh chóng nhận thức được rằng như thế chỉ là để trình diễn. Do đó, mùa xuân năm 1990, tôi đã bổ nhiệm các phó thủ trưởng làm bộ trưởng những bộ này: Krzysztof Kozlowski sang Bộ Nội vụ, Janusz Onyszkiewicz và Bronislaw Komorowski (hiện là tổng thống) sang Bộ Quốc phòng. Đó là công việc hoàn toàn mới đối với họ, vì họ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Điều duy nhất tôi có thể giúp họ là những hướng dẫn chung là họ phải tự phát hiện được những sự kiện đang diễn ra và tiến hành thay đổi một cách từ từ.

Để tôi nói một chút lực lượng an ninh. Những thay đổi do tướng Kiszczak [bộ trưởng nội vụ giai đoạn 1981-1990] chỉ là để trình diễn và không làm chúng tôi thỏa mãn. Nội các bác bỏ những đề xuất này. Giữa năm 1990, Tướng Kiszczak ra đi và Krzysztof Kozlowski trở thành bộ trưởng nội vụ, đây là thay đổi căn bản. Khi Kozlowski nhậm chức, chúng tôi đổi tên lực lượng an ninh thành Cục Bảo vệ Nhà nước (Urząd Ochrony Państwa – UOP) và kiểm tra các sĩ quan. Khoảng 16.000 nhân viên phải ra đi, một số nghỉ hưu, số còn lại thôi việc vì họ không vượt qua được kì kiểm tra. Đội ngũ của UOP bao gồm một số nhân viên an ninh thời Cộng sản và những người mới – trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhưng họ đã nhanh chóng tiếp thu được kinh nghiệm. Và đó là cách chúng tôi khởi động quá trình thay đổi trong bộ này.

Nói về quân đội, chúng tôi cho thôi việc các chính ủy, đặc trưng của hệ thống Xô Viết. Chúng tôi phục hồi các yếu tố truyền thống khác nhau, và bằng cách tham khảo những truyền thống của Quân đội Ba Lan, có liên quan mật thiết với dân tộc, tinh thần của Quân đội đã dần dần thay đổi. Từng bước một, chúng tôi đưa các quan chức dân sự kiểm soát Quân đội, chúng tôi không chỉ thay quân nhân này bằng quân nhân khác. Đưa kiểm soát dân sự vào là quá trình đầy khó khăn, vì trước đây chưa bao giờ có. Giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, các quan chức dân sự cũng chưa kiểm soát Quân đội. Lúc đó, các sĩ quan quân đội tham gia chính trường chứ không phải ngược lại. Và vì thế mà quá trình diễn ra lâu hơn.

Nói chung, chúng tôi đã kiểm tra lực lượng an ninh và loại bỏ những người tự làm mất danh giá của mình, mà trước hết là đánh phá phe đối lập và Giáo hội. Chúng tôi đưa những người mới vào.

Ông có sợ sự can thiệp của giới quân nhân vào chính quyền của mình hay không?

Không. Cái tôi sợ, khi làm thủ tướng lúc đó, là những hành động có tính khiêu khích. Trong chế độ cũ, đã xảy ra một vụ giết người tàn độc. Linh mục Jerzy Popieluszko bị bắt cóc và bị hai sĩ quan an ninh giết hại một cách dã man. Tôi sợ những vụ khiêu khích kiểu này, có thể là nhằm hoặc là vào tôi hoặc là vào những nhà lãnh đạo của họ, tức là những người đã tham gia Hội nghị Bàn tròn với chúng tôi. Vì vậy, tôi để tướng Kiszczak làm người đứng đầu Bộ Nội vụ, vì tôi nghĩ rằng ông có thể chống được những vụ khiêu khích. Bây giờ có thể nói: “Vâng, đúng thế, nhưng Đảng Cộng sản đã sụp đổ rồi”. Vâng, Cộng sản đã sụp đổ, nhưng ảnh hưởng của họ trong quân đội vẫn rất mạnh, và chúng tôi phải tính. Ông ta là người đại diện cho họ trước những thỏa thuận của Hội nghị Bàn tròn. Tuy nhiên, tôi không hi vọng là ông sẽ cải cách bộ của mình. Tôi biết rằng đại diện của tôi, người của tôi sẽ phải làm việc đó. Và đã diễn ra đúng như thế.

Cải cách hiến pháp

Xin cho biết cách tiếp cận của ông với cải cách hiến pháp?

Các cuộc cải cách hiến pháp được thực hiện từ năm 1989 đến 1990. Tất cả các điều khoản của nhà nước toàn trị đều được đưa ra khỏi hiến pháp. Bạn phải hiểu một điều – trên giấy tờ, hiến pháp của tất cả các nước thuộc khối Xô Viết đều rất tuyệt vời, rất dân chủ, nhưng thực tiễn là vấn đề hoàn toàn khác, vì có những lực lượng cao hơn: Đảng Cộng Sản và trên nó là “anh lớn”, Liên Xô. Vì vậy, chúng tôi bỏ những quy định phi dân chủ. Cuối tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã xóa bỏ tất cả các quy định mang tính đặc thù của tình trạng chư hầu hoặc có tính phi dân chủ. Chúng tôi cải cách hiến pháp hiện có, và, do đó, cải cách hiến pháp đã được thực hiện ngay lập tức. Nhưng, chúng tôi không thông qua một bản hiến pháp mới, mặc dù đã có kế hoạch làm việc đó. Hơn nữa, tôi không vội vàng với hiến pháp, vì tôi sợ rằng nếu bản hiến pháp được thông qua bởi nghị viện được bầu lên một cách chưa hoàn toàn dân chủ thì bao giờ cũng có những lời phàn nàn rằng đấy không phải là bản hiến pháp phù hợp. Vì vậy, tôi nghĩ, chúng tôi chưa thể soạn thảo và thông qua một hiến pháp mới cho đến sau cuộc bầu cử nghị viện hoàn toàn dân chủ.

Hệ thống chính quyền

Ông có đánh giá khác về quyết định lựa chọn hệ thống bán tổng thống chứ không phải hệ thống đại nghị hay tổng thống không?

Hệ thống của chúng tôi tạo ra cho chính phủ một số lợi thế, nhưng vẫn có sự cân bằng giữa chức năng của tổng thống và chức năng của chính phủ. Mặc dù một số người hay phê phán nó, nhưng tôi nghĩ, hệ thống này có tác dụng tốt, với điều kiện là người ta phải có tinh thần hợp tác. Nếu không có tinh thần hợp tác, thì không có pháp luật nào có thể thay thế được. Tôi xin nói rằng tất cả các hệ thống tổng thống được áp dụng trong những nước hậu Cộng sản đều nhanh chóng rơi vào tình trạng quả đầu mà không gặp mấy khó khăn. Chúng tôi tránh được cái đó. Nền tảng dân chủ của chúng tôi ở đây đã được xây dựng một cách thành công. Tôi còn nghĩ rằng, chúng tôi tham gia một cách thành công vào các cơ cấu dân chủ phương Tây như EU và NATO. Việc đó diễn ra sau này, nhưng trong thời gian tôi làm thủ tướng, đã có ý tưởng là mở cửa về hướng các nước dân chủ phương Tây và thiết lập hệ thống dân chủ. Lúc đó, các nhà lãnh đạo phương Tây sợ rằng chúng tôi có thể cản trở quá trình chuyển hóa ở Liên Xô và perestroika của Gorbachev. Đó là một trong số những lo lắng chính. Chúng tôi hoan nghênh những cuộc cải cách của Gorbachev. Chúng tôi không muốn cản trở họ, nhưng hóa ra quá trình chuyển hóa quá lớn, ông không đủ sức quản lí.

Những mốc chính

Tháng 12 năm 1970: Công nhân xưởng đóng tàu phản đối việc tăng giá đối với nhu yếu phẩm. Cảnh sát, theo lệnh của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình của công nhân.

Tháng 6 năm 1976: Công nhân biểu tình phản đối việc tăng giá đối với lương thực, thực phẩm. Các nhà trí thức Warsaw thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân nhằm giúp đỡ những người hoạt động bị bắt giữ và sau đó thì chuyển sang xuất bản bí mật.

Tháng 10 năm 1978: Hồng y Karol Wojtyła, người Ba Lan, trở thành Giáo hoàng Johl Paul II, Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý trong vòng 455 năm. Ngài phản đối việc đàn áp ở Ba Lan và ở những nước khác.

Tháng 6 năm 1979: Giáo hoàng Johl Paul II tới thăm Ba Lan lần đầu tiên, sau khi được bầu, chuyến thăm do Giáo hội và những người ủng hộ họ tổ chức. Ngài lôi kéo được đông đảo quần chúng và khán giả truyền hình, làm cho nhiều người tin vào khả năng tổ chức bên ngoài chính quyền.

Tháng Tám năm 1980: Chính phủ tăng giá, gây ra cuộc đình công tại nhà máy đóng tàu mang tên Lenin ở Gdansk, do Lech Wałęsa, một người nhân công lãnh đạo. Công nhân trong các nhà máy lân cận cùng tham gia đình công. Những người bãi công và các cố vấn đòi giảm giá, dành cho công nhân nhiều quyền lợi hơn, đòi quyền đình công và thành lập công đoàn (Công đoàn Đoàn kết), và đòi cho các phương tiện truyền thông quyền tự do hơn. Chế độ đàm phán Thoả thuận Gdansk với các những người đình công và các cố vấn, trong đó có Thủ tướng trong tương lai, Tadeusz Mazowiecki, nhà trí thức Công giáo và biên tập viên tạp chí Công giáo – công nhận đòi hỏi của người biểu tình,

Tháng 9 năm 1980: Các chi nhánh của Công đoàn Đoàn kết lan ra khắp Ba Lan. Thành viên công đoàn gia tăng nhanh chóng, đến mùa thu đã có trên 10 triệu người. Xuất hiện các ấn phẩm của Công đoàn Đàn kết, và các phương tiện thông tin đại chúng của chính phủ mở rộng phạm vi đề tài. Xung đột nảy sinh về việc hợp pháp hoá các hiệp hội sinh viên và hiệp hội nông dân, gây ra những cuộc đình công và biểu tình do Công đoàn Đoàn kết lãnh đạo. Người đứng đầu đảng PZPR, Edward Gierek, bị lật đổ.

Tháng 10 năm 1981: Tướng Wojciech Jaruzelski, thủ tướng và cựu chỉ huy quân đội, được bổ nhiệm làm người đứng đầu đảng PZPR trong khi cuộc đình công vẫn tiếp tục và Liên Xô áp lực đòi cấm Công đoàn Đoàn kết. Jaruzelski đã gặp các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết và Giáo hội, nhưng cuộc đình công vẫn tiếp tục.

Tháng 12 năm 1981: Do áp lực của Liên Xô, Jaruzelski áp đặt thiết quân luật. Công đoàn Đoàn kết bị cấm, các nhà lãnh đạo Công đoàn này bị bắt giam, và thông tin liên lạc trong nước và ra nước ngoài bị cắt. Đáp lại, Mỹ ban hành các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Ba Lan.

Tháng 6 năm 1983: Giáo hoàng thăm Ba Lan, Ngài kêu gọi bình tĩnh và gặp các nhà lãnh đạo chính phủ và Wałęsa.

Tháng 7 năm 1983: Thiết quân luật chấm dứt, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo phe đối lập vẫn bị giam giữ. PZPR bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, trong đó có việc nới lỏng các hạn chế đối với Giáo hội.

Tháng 3 năm 1985: Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô. Ông tiến hành tự do hóa hệ thống chính trị và kinh tế của Liên Xô và nới lỏng sự kiểm soát của Liên Xô đối với Trung và Đông Âu.

Tháng 9 năm 1986: Jaruzelski tuyên bố đại xá cho các chính trị phạm. Các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết tái xuất hiện, mặc dù tổ chức vẫn ở trong tình trạng bất hợp pháp. Chính phủ thực thi các cải cách kinh tế theo định hướng thị trường.

Tháng 5 năm 1988: Làn sóng đình công và phản đối lớn nhất kể từ năm 1981 bắt đầu và tiếp tục trong suốt mùa hè. Các cuộc biểu tình có ít mục tiêu hay nhà lãnh đạo rõ ràng.

Tháng 8 năm 1988: Chính phủ bắt đầu đàm phán với Công đoàn Đoàn kết, Giáo hội làm trung gian. Jaruzelski gặp Wałęsa. Bộ trưởng Nội vụ Czesław Kiszczak tổ chức các cuộc thảo luận về thể thức đàm phán.

Tháng 1 năm 1989: Jaruzelski, Kiszczak, và các bộ trưởng quan trọng khác của PZPR buộc các nhà lãnh đạo PZPR ủng hộ đàm phán, họ đe doạ sẽ từ chức nếu không được ủng hộ.

Tháng 2 năm 1989: Hội nghị Bàn tròn giữa các đại diện của chính quyền và Công đoàn Đoàn kết bắt đầu. Ngay trong tuyên bố đầu tiên, chính phủ nói rằng họ đã hợp pháp hoá Công đoàn Đoàn kết.

Tháng 4 năm 1989: Hội nghị Bàn tròn kết thúc bằng thỏa thuận bao quát để đưa các đại diện của Công đoàn Đoàn vào kết bằng cách cho phép những ứng viên không thuộc các đảng thời Cộng sản tranh nhau 35% ghế của Sejm (Hạ viện), 65% còn lại dành cho đảng viên PZPR và các đảng tay sai của nó; lập ra Thượng viện, tất cả các ứng cử viên đều có quyền tự do ứng cử vào Viện này; và lập ra chức tổng thống, do nghị sĩ hai Viện bầu. Hầu hết các vấn đề kinh tế và xã hội được thảo luận trong Hội nghị Bàn tròn được giao cho cơ quan lập pháp và chính phủ sắp được bầu giải quyết.

Tháng 6 năm 1989: Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử cơ quan lập pháp kiểu bán tự do. Các ứng viên được Công đoàn Đoàn kết ủng hộ giành chiến thắng long trời lở đất, họ giành được 99 trong số 100 ghế ở Thượng viện và tất cả 35% ghế ở Sejm (hạ viện), dành cho những ứng cử viên không phải là đảng viên các đảng thời Cộng sản.

Tháng Tám năm 1989: Các đảng tay sai của PZPR bỏ PZPR và liên kết với Công đoàn Đoàn kết. Sau khi PZPR không thành lập được liên minh lớn, Tadeusz Mazowiecki, cố vấn của Wałęsa và Công đoàn Đoàn kết, đồng thời là nhà lãnh đạo trong Hội nghị Bàn tròn, được bầu làm thủ tướng phi cộng sản đầu tiên của các nước tham gia Hiệp ước Warsaw. Giữ lời hứa ban đầu, Công đoàn Đoàn kết để Jaruzelski trở thành tổng thống. Dưới thời chính phủ Maziowecki, công cuộc cải cách chính trị và kinh tế rộng lớn được thực thi.

Tháng 11 năm 1989: Bức tường Berlin sụp đổ, Mikhail Gorbachev nói rõ rằng Liên Xô sẽ không can thiệp nhằm giúp các chế độ cộng sản đồng minh. Cuối năm đó, chế độ Cộng sản ở tất cả các nước Đông Âu chấm dứt.

Tháng 1 năm 1990: “Liệu pháp sốc” (gọi là Kế hoạch Balcerowicz) – do Bộ trưởng Tài chính Leszek Balcerowicz dẫn dắt – tự do hoá kinh tế theo hướng thị trường nhằm ổn định nền kinh tế và chuẩn bị cho quá trình tư nhân hóa, bắt đầu làm giảm đáng kể giá trị đồng tiền Ba Lan và tiền lương của các cá nhân. PZPR giải thể. Nhiều chính trị gia ủng hộ cải cách của PZPR gia nhập Liên minh Dân chủ Cánh Tả (SLD), do người từng đứng đầu một nhóm trong Hội nghị Bàn tròn, Aleksander Kwaśniewski, lãnh đạo.

Tháng 5 năm 1990: Các ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tự do ở các địa phương. Ban lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết bắt đầu rạn nứt, quan hệ giữa Mazowiecki và Wałęsa ngày càng căng thẳng.

Tháng 12 năm 1990: Cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp được tổ chức sau khi Jaruzelski từ chức.

Công đoàn Đoàn kết phân liệt, Wałęsa thắng một cách dễ dàng Mazowiecki và những người khác và giành được chức Tổng thống.

Tháng 10 năm 1991: Cuộc bầu cử nghị viện tự do đầu tiên được tổ chức. Hai mươi chín đảng có chân trong nghị viện, cả những người dân túy bảo thủ lẫn những cựu đảng viên Cộng sản đều có chân trong nghị viện.

Tháng 12 năm 1991: Tiếp sau bầu cử nghị viện, Jan Olszewski được bầu làm Thủ tướng. Wałęsa và Olszewski xung đột về những vụ bổ nhiệm các sĩ quan quân sự và biện pháp xử lí những vụ lạm quyền trong quá khứ cho đến khi Olszewski ra đi vào năm sau. Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) kí Hiệp định về Hiệp hội, một bước quan trọng để trở thành thành viên.

Tháng 8 năm 1992: Sau khi Olszewski bị hất cẳng, Sejm thông qua Hiến pháp Nhỏ, xác định quyền hạn của tổng thống và thủ tướng và tăng ngưỡng tham gia Sejm của các đảng.

Tháng 9 năm 1993: SLD và Đảng Nông dân Ba Lan (PSL), tay sai trước đây của Cộng sản, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử nghị viện đột xuất, một phần do sự phân liệt của phái hữu của Công đoàn Đoàn kết giai đoạn sau. Người đứng đầu PSL, một nhóm nhỏ hơn (nhưng ít gây tranh cãi hơn) trở thành thủ tướng.

Tháng 11 năm 1995: Kwaśniewski của SLD thắng sát nút Wałęsa trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tháng 4 năm 1997: Bản hiến pháp mới được thông qua. Bản hiến pháp này giữ nguyên thiết chế chính trị hiện có, nhưng xóa sổ các ghế đại biểu trong cơ quan lập pháp mà trước đây được bầu trên phạm vi toàn quốc và giới hạn quyền lực của tổng thống.

Tháng 7 năm 1997: Ba Lan được mời tham gia NATO. Kwaśniewski ủng hộ mạnh mẽ việc Ba Lan trở thành thành viên NATO. Ba Lan chấp nhận lời mời và gia nhập, sau hai năm đàm phán.

Tháng 10 năm 2000: Kwaśniewski tái đắc cử, sau khi đánh bại phe đối lập quá phân tán.

Tháng 5 năm 2004: Ba Lan gia nhập EU, một năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc tham gia. Ba Lan là nền kinh tế duy nhất thuộc EU phát triển ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.

Tháng 9 năm 2005: SLD, gặp tai họa do mấy vụ xì căng đan và sụp đổ. Cánh trung hữu và các đảng cánh hữu xuất thân từ Công đoàn Đoàn kết được dân chúng ủng hộ.

Tháng 10 năm 2005: Lech Kaczyński, cựu thị trưởng Warsaw, được bầu làm tổng thống. Kwaśniewski không thể tranh cử, vì đã giữ chức hai nhiệm kì.

Tháng 4 năm 2010: Kaczyński, các quan chức cấp cao khác và 15 nghị sĩ Nghị viện bị giết trong một vụ tai nạn máy bay. Những người kế nhiệm được đưa lên một cách êm ả, và người ta đã lập kế hoạch cho cuộc bầu cử tổng thống mới.

Đọc thêm

Ash, Timothy Garton. The Polish Revolution: Solidarity. New Haven, Conn.: Yale University Press, 1983.

Bernhard, Michael. The Origins of Democratization in Poland. New York: Columbia University

Press, 1993.

Blejer, Mario I., and Fabrizio Coricelli. The Making of Economic Reform in Eastern Europe: Conversations with Leading Reformers in Poland, Hungary, and the Czech Republic. Brookfield, Vt.: Aldershot, 1995.

Castle, Marjorie. Triggering Communism’s Collapse: Perception and Power in Poland’s Transition. Lanham, Md.: Rowman & Littlefi eld, 2003.

Coughlan, Elizabeth P. “Democratizing Civilian Control: The Polish Case.” Armed Forces

and Society 24, no. 4 (1998): 519–33.

Curry, Jane, and Luba Ja9 er, eds. Poland’s Permanent Revolution: People vs. Elites, 1956 to

the Present. Washington, D.C.: American University Press, 1996.

Domber, Gregory F. “International Pressures for a Negotiated Transition, 1981–1989.” In Transitions to Democracy: A Comparative Perspective, edited by Kathryn Stoner and Michael McFaul. Baltimore, Md.: Johns Hopkins University Press.

Ekiert, Grzegorz, and Jan Kubik. Rebellious Civil Society: Popular Protest and Democratic Consolidation in Poland, 1989–1993. Ann Arbor: University of Michigan Press, 1999.

Fitzmaurice, John. “General Wojciech Jaruzelski: Hardline Patriot.” In Leaders of Transition, edited by Martin Westlake. New York: St. Martin’s Press, 2000.

Goodwyn, Lawrence. Breaking the Barrier: The Rise of Solidarity in Poland. New York: Oxford University Press, 1991.

Kubik, Jan. “Who Done It: Workers, Intellectuals, or Someone Else? Controversy over Solidarity’s Origins and Social Composition.” Theory and Society 23, no. 3 (1994): 441–66.

Lewis, Paul G. “Political Institutionalisation and Party Development in Post-Communist Poland.” Europe-Asia Studies 46, no. 3 (1994): 779–99.

Michnik, Adam. The Church and the Left . Chicago, Ill.: University of Chicago Press, 1993.

Ost, David. Solidarity and the Politics of Anti-Politics: Opposition and Reform in Poland since 1968. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1990.

Sachs, Jeff rey. Poland’s Jump to the Market Economy. Cambridge: Massachusetts Institute of Technology Press, 1994.

Szczerbiak, Aleks. “Dealing with the Communist Past or the Politics of the Present? Lustration in Post-Communist Poland.” Europe-Asia Studies 54, no. 4 (2002): 553–72.

Taras, Raymond. Consolidating Democracy in Poland. Boulder, Colo.: Westview, 1995. On events from the 1970s onward.

Wałęsa, Lech. The Struggle and Triumph: An Autobiography. New York: Arcade, 1994.

Comments are closed.