Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 17)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 8

Chế độ dân chủ – sản phẩm phụ: Nam Phi chuyển hóa thông qua đàm phán

Steven Friedman

Hành trình của Nam Phi từ chế độ quả đầu mang tính phân biệt chủng tộc đến chế độ phổ thông đầu phiếu khác hẳn hầu hết (hay tất cả) những cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ khác: Vấn đề không phải là liệu chế độ độc tài có nhường chỗ cho chế độ dân chủ hay không, mà là liệu toàn thể nhân dân có được hưởng những lợi ích từ quyền công dân mà thiểu số thuộc chủng tộc da trắng đã được hưởng hay không.

Có nghĩa là, trong khi cả hai phía đều khẳng định rằng họ đánh giá cao chế độ dân chủ, dân chủ không phải là mục tiêu chính của cả hai bên. Tương tự như người da trắng ở các thuộc địa cũ của Anh, nhóm thiểu số da trắng ở Nam Phi được hưởng chế độ dân chủ đa đảng: cam kết với “dân chủ của người da trắng” là thành tố quan trọng trong tính toán của vị tổng thống da trắng cuối cùng, F. W. de Klerk, và được thể hiện trong cuộc phỏng vấn được đưa vào tác phẩm này. Nhưng mục tiêu chính của ban lãnh đạo da trắng là giữ gìn quyền lợi của người da trắng chứ không phải dân chủ. Cuộc kháng chiến do người da đen tiến hành là nhằm tiêu diệt chính quyền của người da trắng – chế độ dân chủ không phải là điều kiện cần. Nhiều nhà lãnh đạo của Đại hội Dân tộc Phi (ANC), những người lãnh đạo cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, là những người dân chủ tận tâm, nhưng phong trào này có cả những người Leninist và những nhà dân tộc chủ nghĩa, những người quan tâm nhiều tới việc đánh bại chính quyền của người da trắng hơn là giành lấy dân chủ. Các cuộc đàm phán đã tạo ra một hiến pháp dân chủ, vì đấy dường như là kết quả dễ chấp nhất cho cả hai bên. Như vậy là, quá trình chuyển hóa phù hợp với luận đề của Dankwart Rustow, nói rằng chế độ dân chủ xuất hiện từ cuộc mặc cả giữa các đảng không coi nó như là lựa chọn đầu tiên của mình, nhưng chấp nhận nó như là lựa chọn tốt nhất có thể tìm được[1].

Chế độ dân chủ phát triển từ sự cam kết giữa các tổ chức chính trị đại diện cho các nhóm cử tri được xác định một cách rõ ràng: de Klerk, chủ tịch Đảng Quốc gia (NP) thường được người da trắng bầu lại, trong khi ANC (Mbeki làm đại diện trong các cuộc đàm phán) là “phong trào giải phóng” lâu đời nhất thế giới, được hầu hết người Nam Phi da đen tin tưởng trong gần một thế kỉ. Cả hai bên đều cho rằng ANC sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do, đảm bảo rằng công cuộc chuyển hóa cũng giống như vụ tranh chấp về lao động, trong đó khả năng mặc cả của các bên sẽ quyết định kết quả. “Tấm khăn voan của sự mù mờ” – theo John Rawls – trong đó các đảng không biết ai là người chiến thắng, để bảo vệ “bên thua” trong trường hợp họ cần được bảo vệ – đã không có. Điều này làm cho quá trình chuyển hóa trở nên khó khăn, nhưng nó cũng làm cho cử tri ủng hộ thỏa hiệp có thể đạt được. Nó cũng đảm bảo rằng xã hội dân sự, dù không có liên quan gì, không phải là bên trực tiếp tham gia vào những cuộc đàm phán chính thức, tạo ra chế độ dân chủ.

Tiến trình

Quá trình chuyển hóa của Nam Phi là kết quả của cuộc đấu tranh kéo dài giữa những người thực dân da trắng và người da đen bản địa. Cuộc xung đột bắt đầu khi người da trắng tới đây vào năm 1652. Năm 1910, giới tinh hoa da trắng thành lập nhà nước hiện đại Nam Phi, phớt lờ những yêu sách của người da đen. Năm 1948, NP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của người da trắng và áp dụng chế độ phân biệt chủng tộc, phủ nhận quyền công dân của người da đen chiếm 87% dân số của đất nước được mệnh danh là da trắng. ANC, được thành lập nhằm chống lại việc tước quyền của người da đen ngay trong giai đoạn lập quốc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc: Năm 1960, ANC bị cấm hoạt động và sau đó bị buộc phải đi vào bí mật và lưu vong. Một thập kỉ trước đó, Đảng Cộng sản Nam Phi, sau này trở thành đồng minh của ANC, đã bị cấm. Từ năm 1960 đến năm 1990, ANC hoạt động bí mật, với các nhà lãnh đạo bị cầm tù hoặc ở ngoài nước.

Nhà nước có lực lượng quân sự đủ sức đập tan cuộc kháng chiến của người da đen, nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã chứng tỏ là không bền vững. Cuối những năm 1960, chế độ này bắt đầu gặp rắc rối: Không có đủ người lao động da trắng buộc chính phủ phải cho các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động da đen vào các chức vụ đòi hỏi kĩ năng cao hơn. Trong các thành phố, người da đen không còn bị coi là người ngoại quốc nữa, và công nhân có tay nghề được quyền mặc cả. Năm 1973, những cuộc đình công khơi mào cho các cuộc cải cách, mà đỉnh điểm là việc mở rộng quyền thương lượng cho các công đoàn của người da đen vào năm 1980. Năm 1976, học sinh ở Soweto, một thị trấn ngoại vi của Johannesburg, nổi dậy chống lại việc giảng dạy bằng tiếng Afrikaans, ngôn ngữ của phần lớn người da trắng. Sự kiện này đã thúc đẩy quá trình cải cách, trong đó, chính phủ tìm cách từ bỏ những khía cạnh không quan trọng của tệ phân biệt chủng tộc với hi vọng giữ được sự thống trị về chính trị của người da trắng. Nhưng mỗi vụ nhượng bộ lại trở thành một vụ rút lui, mà cuối cùng đã đưa tới nguyên tắc đa số. Cuộc kháng chiến mạnh lên trong những năm 1980, biến thị trấn bị cách li (người da đen bị buộc phải sống ở những khu vực này) thành bãi chiến trường và buộc chính phủ phải hai lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm dập tắt cuộc nổi dậy. Áp lực quốc tế trong cuộc đấu tranh chống phân chế độ phân biệt chủng tộc đã làm cho xã hội của người da trắng bị cô lập: Các doanh nghiệp bắt đầu đặt câu hỏi về sức sống của hệ thống và trong giới quyền uy của người da trắng bắt đầu xuất hiện mối nghi ngờ.

Tổng thống P. W. Botha, lo sợ trước phong trào kháng chiến đang ngày càng gia tăng, để chống lại áp lực, ông này đã chuyển quyền lực từ NP sang cho các lực lượng an ninh. Nhưng việc chính phủ của ông nhượng bộ, cho rằng sự tán thành của người da đen là điều kiện cần cho sự ổn định, đã làm thay đổi các giới hạn môi trường hoạt động của các thiết chế của người da trắng: Người da đen sẽ không tán thành khi còn chế độ phân biệt chủng tộc, muốn người da đen tán thành thì phải rút lui. Không có chính trị gia da đen nào được đông đảo cử tri ủng hộ đồng ý đàm phán cho đến khi ANC và nhà lãnh đạo của tổ chức này, ông Nelson Mandela, được trả tự do để tham gia đàm phán. Và vì vậy, những cuộc cải cách này không củng cố hệ thống – những cuộc cải cách này làm cho giới tinh hoa bị chia rẽ và tạo ra những lỗ hổng mới cho phong trào phản kháng. ANC lên án những cuộc cải cách này trước công luận. Người ta bắt đầu thiết lập – một cách bí mật, không cho dân chúng biết – những mối liên hệ giữa lực lượng an ninh của Botha và các chiến lược gia của ANC.

Kết thúc của sự khởi đầu

Những mối liên hệ ban đầu giữa các quan chức an ninh của chính phủ và các đoàn đại biểu của ANC do Thabo Mbeki lãnh đạo bắt đầu vào giữa những năm 1980 và lan rộng ra trong suốt thập kỉ này. Các cuộc nói chuyện lúc đầu đã trở thành các cuộc thảo luận bí mật, được công ty khai thác mỏ Consolidated Goldfields giúp đỡ. Từ năm 1985, khi đoàn đại biểu da trắng tới Lukasa, thủ đô Zambia để gặp ANC, thì việc giới tinh hoa da trắng Nam Phi gặp gỡ ANC ngày càng trở thành chuyện bình thường. Năm 1986, Frederick van Zyl Slabbert, một nhà xã hội học da trắng người Nam Phi, lãnh đạo phe đối lập da trắng trong Nghị viện, từ chức để lập ra một viện nghiên cứu, cam kết tạo điều kiện cho việc tiếp xúc giữa các nhân vật chính trong xã hội của người da trắng và ANC. Viện này thiết lập được tính hợp pháp cho đàm phán. Năm 1987, ANC tuyên bố đồng ý đàm phán việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc, trong khi chính sách của NP bắt đầu công nhận rằng người da đen phải được hưởng các quyền chính trị – nếu người da trắng nắm quyền phủ quyết. Những lời kêu gọi thả Mandela và các chính trị phạm ngày càng gia tăng.

Botha, đã tiến đến giới hạn của chương trình cải cách của chính ông ta, bắt đầu cản trở những biện pháp giải quyết. Bế tắc bị phá vỡ khi ông ta bị cơn đột quỵ vào năm 1989 và được thay thế bởi de Klerk. Quá trình ra quyết định được chuyển từ lực lượng an ninh sang NP, cơ sở quyền lực của Klerk. Chiến lược bây giờ là lĩnh vực của các nhà tư tưởng theo đường lối dân tộc người da trắng Nam Phi: Vì chủ nghĩa dân tộc được sinh ra từ cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân Anh; nó có đặc điểm là bình đẳng, với giả định rằng các thành viên của một cộng đồng chính trị phải được hưởng quyền bình đẳng, đó là lí do vì sao người da đen không được tham gia vào cộng đồng này. Khi nguyên tắc tương thuộc giữa các chủng tộc đã được xác lập, về mặt lí thuyết, có thể chấp nhận rằng người da đen có quyền đòi quyền công dân. De Klerk có thái độ cởi mở với các lập luận này, vì ông bám chắc hơn vào truyền thống chính trị dân tộc chủ nghĩa của người da trắng Nam Phi hơn là người tiền nhiệm của mình. Ngoài ra, mặc dù có tiếng là người cứng rắn, de Klerk là người thực dụng; giữa những năm 1980, ông đã bắt đầu khẳng định với các thính giả trong chỗ riêng tư mối ác cảm đối với những người không thể thương lượng được: Những vấn đề mà người da trắng không sẵn sàng đàm phán, ông khẳng đinh, sẽ thay đổi nếu hoàn cảnh thay đổi. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là, ông có thái độ cởi mở đối với lập luận nói rằng quan điểm đàm phán của chính phủ da trắng cần phải thay đổi. Hai nhân tố này đảm bảo rằng, trong vòng mấy tháng sau khi nhậm chức, ông đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng, cùng với các nhân vật then chốt trong trong giới quyền uy của người da trắng Nam Phi, trong việc khởi động những cuộc đàm phán để đưa chế độ phân biệt chủng tộc tới chỗ cáo chung.

Khởi đầu của sự kết thúc

Quá trình này bắt đầu vào tháng 2 năm 1990, khi de Klerk chấm dứt chính sách ngăn cản hoạt động chính trị. Mấy tuần sau thông báo này, đã diễn ra “những cuộc họp về thảo luận”. Đảng NP bị các cường quốc phương Tây, nhất là Anh, ép tham gia thảo luận. Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher, đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt chế độ phân biệt chủng tộc. Đại sứ Anh ở Nam Phi, Robin Renwick, có vai trò cực kì quan trọng trong việc thuyết phục NP đẩy nhanh tốc độ thay đổi nhằm tránh những biện pháp trừng phạt tiếp theo. ANC cũng bị Liên Xô cũ – trước đây từng tài trợ cho cuộc chiến tranh du kích, nhưng nay không thể làm như vậy được nữa – đẩy theo hướng đó. ANC dễ dàng thay đổi lập trường hơn, vì có thể dựa vào thiên hướng đàm phán có tính truyền thống, thể hiện rõ trong bài phát biểu của Mandela trước vành móng ngựa phiên tòa xử tội phản quốc – được nhiều người trích dẫn.

Các nhà ngoại giao có vai trò quan trọng trong việc chuyển thông điệp giữa các bên, và sự can thiệp của quốc tế đã phá vỡ bế tắc thứ nhất, cản trở các cuộc đàm phán: Lời khẳng định của chính phủ NP rằng họ sẽ không nói chuyện với ANC cho đến khi tổ chức này từ bỏ bạo lực và phản ứng của ANC, nói rằng họ sẽ không làm như vậy cho đến khi chính phủ cam kết quy tắc đa số là “không thể đảo ngược”. Bằng việc đơn phương xóa bỏ lệnh cấm ANC hoạt động, Klerk đưa ra tín hiệu về việc sẵn sàng nói chuyện mà không cần ANC từ bỏ bạo lực. ANC đã đáp lại bằng cách đơn phương chấm dứt “cuộc đấu tranh vũ trang”. Sau đó còn có một quyết định thậm chí còn quan trọng hơn – ANC ngưng các biện pháp trừng phạt quốc tế, tức là đưa ra tín hiệu là họ tin rằng quá trình dẫn tới nguyên tắc đa số là không thể đảo ngược. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin có ảnh hưởng mạnh tới de Klerk, vì nỗi sợ Chủ nghĩa Cộng sản có ảnh hưởng quan trọng trong tư duy của NP.

Năm 1991, diễn đàn đàm phán, gọi là Đại hội vì nước Nam Phi Dân chủ (CODESA), nhóm họp. Diễn đàn bao gồm một loạt các đảng chính trị – một sự nhượng bộ đối với lập trường đàm phán của NP. Vì ANC hi vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tổ chức này muốn quốc hội được bầu soạn thảo hiến pháp. NP biết rằng ANC sẽ thắng, vì vậy họ khẳng định rằng quốc hội được bầu sẽ quyết định kết quả đàm phán, vì vấn đề chính là liệu sẽ có quy tắc đa số hay là không. NP nhấn mạnh tính chất chính nghĩa của diễn đàn đàm phán không do dân bầu và nhằm làm giảm ảnh hưởng của ANC, họ kêu gọi các đảng tham gia đàm phán: Làm thế sẽ tạo điều kiện cho NP đưa các đảng từng tham gia các thiết chế chính trị phân biệt chủng tộc – các đồng minh tiềm tàng của ANC là các phong trào “giải phóng” khác, đã từ chối tham gia những cuộc đàm phán này. Thành viên quan trọng nhất là Đảng Tự do Inkatha (IFP), đã gắn bó với các cơ cấu quyền lực truyền thống của sắc dân Zulu và đủ mạnh để đảm bảo cho mình một chỗ ngồi tại bàn đàm phán. Các tổ chức xã hội dân sự không được mời tham gia – đây là thỏa thuận giữa các khối chính trị, chứ không phải là cố gắng mở rộng cửa nhằm thiết lập một khế ước xã hội mới.

Mặc dù CODESA vẫn còn họp vào năm 1992, các đảng đã bị kẹt trong những vấn đề không thể thương lượng được, dường như khả năng thỏa hiệp là bất khả thi: ANC khăng khăng đòi quy tắc đa số, trong khi NP đòi cho người da trắng quyền phủ quyết các thay đổi. Đảng IFP cai trị KwaZulu, “quê hương” của sắc dân thiểu số, dành riêng cho người Zulu, đã giúp làm cho các cuộc đàm phán có thể được tổ chức bằng cách từ chối đàm phán bản hiến pháp cho đến khi ANC và Mandela được trả tự do. IFP bị lôi kéo vào các vụ xung đột đầy bạo lực với ANC: Tổ chức này muốn có giải pháp cho phép họ nắm giữ cơ sở quyền lực trong khu vực của mình, nghĩa là làm loãng quy tắc đa số. Các đảng phải quan tâm tới cử tri của mình, làm cho thỏa hiệp khó có thể xảy ra. Đầu năm 1992, NP thua trong một cuộc bầu cử bổ xung, vốn được coi là cuộc kiểm tra quan trọng nhất về sự ủng hộ của người da trắng đối với các cuộc đàm phán. De Klerk đáp lại bằng cách kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý, trong đó, người da trắng được đề nghị giao cho NP nhiệm vụ vô giới hạn để đàm phán giải pháp. Lo lắng về sự cô lập trên trường quốc tế và cái giá phải trả cho chế độ phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng, người da trắng đã đồng ý với đề nghị của de Clerk. Cuộc trưng cầu dân ý có nghĩa là Klerk và NP có thể tuyên bố rằng họ phát biểu nhân danh người da trắng Nam Phi, nhưng lại gián tiếp làm mất hiệu lực của CODESA. Bây giờ ANC và NP phải tranh giành sự ủng hộ của Mỹ, Vương quốc Anh, và Tây Âu. Các chiến lược gia của NP tin rằng cuộc trưng cầu dân ý cho phương Tây thấy rằng mối đe dọa của cánh hữu là có thật và một mình NP có thể tháo được ngòi nổ, và bằng cách đó, họ kết luận, làm gia tăng sức mạnh của NP trong các cuộc thương lượng. NP khoét sâu vần đề đó và đến giữa năm 1992 thì CODESA lâm vào bế tắc.

Những tháng sau đó là giai đoạn đàm phán quan trọng nhất. Sau khi CODESA sụp đổ, bạo lực diễn ra trong suốt quá trình đàm phát tiếp tục leo thang, vì các đảng phái tiến hành kiểm tra sức mạnh của mình trên đường phố. Cuộc chiến nhằm tranh giành sự ủng hộ của quốc tế vẫn tiếp tục: Thời khắc quan trọng nhất là tuyên bố vào tháng 7 của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, Herman Cohen, trước Tiểu ban châu Phi của Hạ viện, nói rằng người da trắng nên tìm sự bảo vệ trong chế độ liên bang không phân biệt chủng tộc, chứ không phải là quyền phủ quyết của người da trắng. Tháng 9, ANC và NP chấp nhận rằng họ cần trở lại bàn đàm phán: Hai bên kí Biên bản Thỏa thuận, trong đó có những thỏa hiệp tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp tục vào đầu năm 1993. Nhưng người lãnh đạo của IFP, Mangosuthu Buthelezi, không tham gia Biên bản. Trong giai đoạn sau của tiến trình này, nhằm phá hoại tiến trình đàm phán, Buthelezi đã về phe với phái hữu da trắng. Bạo lực tiếp tục, và có khả năng quá trình chuyển hóa có thể bị sự phản đối của cánh hữu đe dọa lúc nào cũng như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu tiến trình đàm phán.

Dàn xếp

Các cuộc đàm phán được nối lại vào đầu năm 1993. Tháng 4, Chris Hani, một nhà lãnh đạo quan trọng của ANC và cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản, đã bị cánh hữu da trắng ám sát, họ hi vọng rằng vụ giết người này sẽ châm ngòi cho bạo lực, dẫn những cuộc đàm phán tới đổ vỡ. Nhưng hóa ra ngược lại: NP sợ rằng bạo lực vượt ra khỏi tầm kiểm soát, nếu họ không đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng quá trình này là không thể đảo ngược được. Do đó, các đảng đồng ý ấn định ngày bầu cử – 27 tháng 4 năm 1994 – buộc họ phải đi đến thỏa thuận trước ngày bầu cử. Các cuộc đàm phán phải có mục đích, và tháng 10 thì đạt được thỏa thuận. Nhưng IFP và cánh hữu da trắng từ chối tham gia vòng đàm phán thứ hai.

Mặc dù các cuộc đàm phán được khởi động lại vẫn là diễn đàn đa đảng, sự đồng ý của ANC và NP là quan trọng nhất. Xã hội dân sự không có ảnh hưởng trực tiếp, mặc dù các tổ chức liên kết với các đảng chính trị có thể tạo được ảnh hưởng. Cuộc vận động hành lang của phụ nữ, thông qua những người phụ nữ, thành viên ANC, đã thu được những thành tích đáng kể, trong khi các công đoàn liên kết với ANC giành được quyền đình công hiến định và làm thất bại những cố gắng của giới doanh nhân, không cho họ có quyền đóng cửa nhà máy để gây áp lực với công nhân. Phần lớn là do sự khéo léo và thỏa hiệp giữa các nhà đàm phán chính – Cyril Ramaphosa, nhà hoạt động công đoàn, thay mặt ANC và Roelf Meyer, bộ trưởng, ủng hộ cải cách (sau này đã gia nhập ANC) đại diện cho NP. Trong khi quan hệ cá nhân của họ là một yếu tố, việc họ cùng thừa nhận rằng phải giải quyết thì mới giữ được ổn định, và sự kiện là đã đồng ý thời hạn chót, đã làm cho người ta tập trung tâm trí để giải quyết.

Trong quá trình đám phán, sự khác biệt giữa đòi hỏi của ANC về quy tắc đa số và đòi hỏi của NP về quyền phủ quyết của thiểu số đã thu hẹp dần. Vấn đề liệu hiến pháp sẽ được bàn bạc tại quốc hội do dân bầu, hay được thỏa thuận tại một diễn đàn không qua bầu cử đã được giải quyết bằng việc thỏa thuận về một bản hiến pháp tạm thời. Nghị viện dân cử sẽ chấp bút dự thảo hiến pháp lâu dài, nhưng nó sẽ được điều chỉnh bởi các nguyên tắc đã được thỏa thận, tức là những nguyên tắc nhằm giới hạn phạm vi của những thay đổi có thể xảy ra: ANC có thể nói rằng hội đồng dân cử soạn tài liệu, còn NP thì có thể nói rằng họ đã giành được những ràng buộc đối với quy tắc đa số. Các nhà đàm phán cũng đồng ý rằng các đảng sẽ được một ghế trong nội các nếu giành được 5% phiếu bầu, 10% phiều bầu thì được hai ghế, v.v. và được chức phó tổng thống nếu giành được 20% phiếu bầu. ANC ủng hộ nhượng bộ này, và ủng hộ các biện pháp bảo vệ tạm thời những quyền lợi của người da trắng – những nhượng bộ mà người da trắng giành được là do người đứng đầu Đảng Cộng sản, Joe Slovo, đã trở thành người ủng hộ quan trọng nhất những biện pháp bảo vệ có giá trị trong năm năm đầu tiên. Vấn đề nổi bật là liệu những người thuộc phe thiểu số trong nội các có quyền phủ quyết hay không: trong những giờ phút cuối cùng, Meyer (được Klerk chấp thuận) đồng ý rằng họ sẽ không được quyền đó và hiến pháp tạm thời được thông qua ngay trong ngày hôm sau. Trong khi một số người trong NP coi đây là sự phản bội, nó là kết quả của sự tiến hóa liên tục của lập trường của đảng này: Trước thực tế là nếu không chấp nhận quy tắc đa số thì không thể nào giải quyết được, các chiến lược gia của NP đi đến kết luận rằng việc họ kiểm soát được quân đội, cảnh sát, và bộ máy hành chính – như cũng như kĩ năng và tiền vốn – sẽ đảm bảo được ảnh hưởng của người da trắng, ngay cả khi quy tắc đa số đã được các bên đồng ý thông qua.

Buthelezi và các đồng minh da trắng của ông ta vẫn không tham gia giải pháp này. Nhưng đây là lần đầu tiên cánh hữu da trắng quyết định tham gia tranh cử. Sau đó, một tuần trước cuộc bầu cử, Buthelezi và đảng IFP của ông ta cũng đồng ý tham gia. Mặc dù không ai biết lí do trực tiếp, nhưng ước mơ của ông ta về một khu vực độc lập trong lòng Nam Phi đã cáo chung, vì giới doanh nhân da trắng và công nhân da đen trong tỉnh nhà của ông ta đã liên kết mật thiết với nền kinh tế Nam Phi, họ không chấp nhận sự chia tách như thế.

Nhận xét về lãnh đạo

Những bản báo cáo về quá trình đàm phán thường nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo trong việc đưa Nam Phi thoát khỏi nền chính trị quả đầu mang tính sắc tộc sang chế độ dân chủ hiến định. De Klerk và Mandela được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong việc dẫn dẫn dắt cử tri đoàn của mình tới thỏa hiệp, trong khi sự khéo léo và cam kết của Ramaphosa và Meyer đối với việc giải quyết lại thường được coi là những yếu tố chính. (Mbeki, người có vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược của ANC, hiếm khi được ca ngợi như đáng lẽ ông xứng đáng được hưởng).

Lãnh đạo rõ ràng có vai trò. Cái giá mà người da trắng phải trả cho nạn phân biệt chủng tộc có thể gia tăng, nhưng không có quy luật sắt nào nói rằng de Klerk và các đồng nghiệp của ông ta phải nhìn thấy nó – giới tinh hoa da trắng ở Rhodesia (nay là Zimbabwe) không bao giờ thấy nó. ANC chỉ có thể chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc bằng cách thỏa hiệp, nhưng Mandela và Mbeki (cùng với Slovo và những người khác) đảm bảo rằng họ tham gia các cuộc đàm phán với quan niệm dung hợp hơn về chính thể mới chứ không như các đối tác của họ ở Zimbabwe. Meyer đã làm rất nhiều việc nhằm thúc đẩy NP đang lưỡng lự chấp nhận quy tắc đa số, và kĩ năng đàm phán của Ramaphosa đảm bảo cơ hội tốt để các cơ sở quần chúng của ANC có thể ủng hộ.

Nhưng vai trò của ban lãnh đạo có thể – và thường bị phóng đại. Nam Phi đã không thoát khỏi những trận đổ máu bất tận chỉ vì có một vài nhà lãnh đạo thông thái. Sự pha trộn đầy phức tạp của sự tương thuộc về kinh tế, cũng như ảnh hưởng về văn hoá và chính trị, có nghĩa là sự ủng hộ xã hội của toàn dân, lớn hơn hẳn so với hầu hết các bài phân tích từng kì vọng. Những nhóm lợi ích xã hội quan trọng như giới kinh doanh và lao động có tổ chức, cũng như các tổ chức như nhà thờ, cũng tạo ra áp lực buộc phải thỏa hiệp. Nam Phi, mặc dù bề ngoài, đã chín muồi cho thỏa hiệp. Nhưng chắc chắn là cần phải có kĩ năng chính trị và tầm nhìn để có biến tiềm năng thành hiện thực. Nếu không có những kĩ năng như thế, quá trình chuyển hóa có thể vẫn diễn ra, nhưng có thể có nhiều bạo lực hơn và ít có khả năng tạo được những điều kiện cho một xã hội hoạt động được.

Sau khi đạt thỏa thuận

Việc dàn xếp thỏa thuận và cuộc bầu cử là những thời khắc quan trọng trong quá trình chuyển đổi quy tắc thiểu số của người da trắng sang dân chủ theo quy tắc đa số, vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn trong suốt nhiều thập kỉ. Năm 1994, NP giành được 20% phiếu bầu, làm cho họ có một phó tổng thống – de Klerk và bốn bộ trưởng nội các. IFP giành được 10% và có hai thành viên nội các. Nhưng NP đã rút ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia (Government of National Unity), vào 1995, do chán nản vì không thể gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định: Ba nhóm cử tri da trắng mà ANC cần sự chấp thuận của họ – giới kinh doanh, các quan chức chính quyền và giới quân nhân – đã thương lượng công việc của họ với ANC và không cần NP nữa. Nhưng người da trắng vẫn kiểm soát phần lớn tiền vốn và các kĩ năng, có tác dụng tiếp tục cản trở những lựa chọn của ANC.

Quan niệm lãng mạn cho rằng việc giải quyết có thể tạo ra sự thống nhất quốc gia chứng tỏ không hiểu rõ vấn đề. Mặc dù có sự chia rẽ sâu sắc, tất cả các đảng đều chia sẻ bản sắc Nam Phi. Nhưng, bản sắc của các chủng tộc, vốn là nền tảng của chế độ phân biệt chủng tộc, thì vẫn còn. Ủy ban Sự thật và Hòa giải, được mô phỏng theo mô hình của Chile, được thành lập để điều tra các vụ lạm quyền trong giai đoạn phân biệt chủng tộc và ân xá cho những người phạm tội đã khai báo đầy đủ những việc họ đã làm. Ủy ban này góp phần củng cố tiến trình, trong đó chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, nhưng chỉ có nghĩa là bảo vệ nó một cách công khai thì bị cấm – nhưng thể hiện những định kiến mang tính phân biệt chủng tộc bằng những cách nói gián tiếp thì không bị cấm. Nam Phi vẫn tiếp tục bị chia rẽ theo sắc tộc, và thế thượng phong của người da trắng trong kinh tế và xã hội thì vẫn còn.

Tương tự như tất cả các dự án dân chủ khác, dự án của Nam Phi vẫn chưa hoàn thành. Sự phân chia theo chủng tộc vẫn còn cản trở sự hợp tác giữa lãnh đạo các doanh nghiệp và hội nghề nghiệp chủ yếu là người da trắng và chính phủ phần lớn là người da đen. Nghèo đói và bất bình đẳng, phần lớn vẫn được quyết định bởi thành phần chủng tộc, tiếp tục chia rẽ xã hội. Và mặc dù các cuộc bầu cử được công nhận là tự do và công bằng, sự kiện là chủng tộc vẫn có vai trò quan trọng trong việc định hình sự lựa chọn của cử tri và người da trắng vẫn giữ thế thượng phong trong các khu vực ngoại ô giàu có, trong khi đó, hầu hết người da đen sống trong các thị trấn có thu nhập thấp – có nghĩa là sự cạnh tranh của đảng sẽ không gay gắt. Hầu hết các khu dân cư là những khu vực dành riêng hoặc là của đảng cầm quyền hoặc là của phe đối lập. Và, trong khi mọi người hiện nay đều đi bỏ phiếu, thì hàng triệu người không thể có tiếng nói hiệu quả bởi môi trường xã hội, trong đó, khoảng một phần ba (người da trắng và da đen) sống trong chế độ dân chủ ồn ào, trong khi hai phần ba còn lại (toàn người da đen) phải đấu tranh với những quan hệ quyền lực ở cơ sở, vẫn còn tiếp tục buộc họ phải ngậm miệng.

Đây không phải là phủ nhận thành quả của dân chủ. Các quyền tự do vẫn được duy trì và hiến pháp vẫn không bị sứt mẻ, được thi hành bởi phán quyết của tòa án nói rằng chính phủ chấp nhận vô điều kiện. Các chiến lược gia của chế độ phân biệt chủng tộc hi vọng rằng việc tạo ra tầng lớp trung lưu da đen có thể làm chệch hướng những đòi hỏi về chính trị – giờ đây xuất hiện như là kết quả của quá trình dân chủ hóa cần phải bị ngăn chặn. Nhưng các dàn xếp mang tính dân chủ không chấm dứt hành trình hướng tới chế độ dân chủ; mà mở ra khả năng tiến lên và được thiết chế hoá theo từng bước một. Mặc dù những thách thức mà chế độ dân chủ ở Nam Phi phải đối diện là rất to lớn, quá trình dân chủ hóa chứng tỏ độ bền vững hơn người ta tưởng khi tiến trình mới bắt đầu.

Tiểu sử F. W. de Klerk, Tổng thống Nam Phi, giai đoạn 1989–1994

F. W. de Klerk, con của một chính trị nổi tiếng người da trắng Nam Phi, là luật sư và nhà lãnh đạo chính trị của Đảng Quốc gia (NP), trong những năm 1980, đã từng giữ một số chức vụ trong những nội các khác nhau. Ông kiên trì với cam kết của người da trắng Nam Phi đối với chế độ phân biệt chủng tộc và chính phủ đại nghị của người da trắng, phủ nhận quyền đại diện về mặt chính trị của gần 90% người dân Nam Phi. Sau khi vị tổng thống trước đó, P. W. Botha, bị cơn đột quỵ nặng, Klerk được nhiều người coi là bảo thủ hơn so với những người có thể được bổ nhiệm, nhưng ông đã chống lại những biện pháp nửa vời mà Botha sử dụng nhằm cải cách và bảo vệ chế độ phân biệt chủng tộc, vì ông tin rằng những biện pháp này không có tác dụng. Sau khi giành được chức tổng thống vào năm 1989, de Klerk đã không để chính phủ phụ thuộc vào bộ máy an ninh nội bộ như dưới thời Botha, mà chuyển sang dựa vào một số người trong Đảng Quốc gia, những người ủng hộ những cuộc cải cách mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ những quyền lợi lâu dài của người da trắng Nam Phi; đấy là những người hiểu rằng trong nền kinh tế đã chuyển đổi, trong xã hội đã đô thị hóa và môi trường quốc tế mới, duy trì chế độ phân biệt chủng tộc là việc làm bất khả thi.

Tháng 2 năm 1999, trong một bài phát biểu về chính sách, de Clerk đã làm cho nhân dân cả nước và thế giới bất ngờ, khi ông tuyên bố rằng sẽ hủy bỏ lệnh cấm ANC, thả Mandela và tất cả các chính trị phạm khác, và bắt đầu đàm phán với Mandela và ANC nhằm xây dựng một bản hiến pháp mới và mở đường cho sự tham gia một cách đầy đủ của người da đen chiếm đa số. Mặc dù sáng kiến ​​này có vẻ là bất ngờ, nhưng nó đã được chuẩn bị khá cẩn thận, trong đó có nhiều năm “thảo luận về thảo luận” giữa các quan chức chính phủ và Nelson Mandela, mà nhiều thành viên nội các không biết; cũng như một số người đã rút khỏi nội các để có được sự đồng thuận. De Klerk tìm cách giữ vững cơ sở chính trị của mình, kiểm soát những người theo đường lối cứng rắn và lực lượng an ninh, và có những nhượng bộ kịp thời đối với ANC, trong khi vẫn cho người ta có cảm giác rằng ông tiếp tục giữ được quyền lực, ngay cả khi những nền tảng căn bản của quyền lực của ông đã bị xói mòn và chế độ dân chủ không còn phân biệt chủng tộc đã xuất hiện. Khi Mandela và ANC thắng trong cuộc tổng tuyển cử và nắm được chính quyền vào tháng 4 năm 1994, de Klerk làm phó tổng thống trong chính phủ thống nhất quốc gia dưới quyền Mandela trong một thời gian, nhưng sau đó, ông đã từ chức để lãnh đạo Đảng Quốc gia Mới thuộc phe đối lập.

Phỏng vấn Tổng thống F. W. de Klerk

Những nguyên tắc căn bản

Ông có thể tóm tắt một cách ngắn gọn một số điểm chính về những biện pháp tiến hành chuyển hóa sang chế độ dân chủ, đủ sức bao trọn được những nguyên tắc căn bản mà ông cho là phải hiểu và nhớ hay không?

Bài học rút ra từ kinh nghiệm của Nam Phi có thể thích hợp đối với những bối cảnh khác. Bài học cực kì căn bản thứ nhất, là không thể giải quyết được xung đột nếu các đảng có liên quan không thảo luận với nhau. Đàm phán là con đường duy nhất để có được một nền hòa bình lâu dài.

Thứ hai, các đảng chủ chốt trong vụ xung đột phải nhận thức được rằng cần phải thay đổi, rằng cần phải thỏa hiệp. Các cuộc đàm phán phải thực tâm và có tính chính trực, và không được biến thành trò chơi để lừa gạt nhau. Ở Nam Phi, điều đó có nghĩa là chúng ta phải hiểu ý nghĩa của câu: “Chúng ta cần phải thay đổi – đấy không phải do áp lực, không phải là để làm cho người khác hài lòng, mà vì niềm tin trong lòng chúng ta, rằng tình hình hiện nay không thể tiếp tục được nữa”. Đây là sự kiện đã diễn ra trong Đảng Quốc gia, trước khi tôi trở thành tổng thống. Trong những năm 1980, dưới thời người tiền nhiệm của tôi, chúng tôi đã trải qua giai đoạn tự phân tích và đã đi đến kết luận rằng chúng tôi cần phải thay đổi. Trong quá trình tự phân tích đó, chúng tôi đã tự hỏi là cái gì đúng, và chúng tôi kết luận rằng chúng tôi không thể xây dựng tương lai cho người của mình trên nền tảng của sự bất công đối với đa số người dân trong nước. Chúng tôi phải tự thừa nhận rằng những nỗ lực nhằm mang lại công lí, mang lại tất cả các quyền chính trị với chất lượng như nhau cho toàn thể nhân dân Nam Phi thông qua các nhà nước-dân tộc, đã thất bại. Chúng tôi kết luận rằng bám vào nguyên tắc đó sẽ không bao giờ mang lại được sự công bằng cho tất cả mọi người và vì vậy, từ niềm tin ở trong lòng, chúng tôi kết luận rằng cần phải thay đổi một cách căn bản.

Nhưng nhìn vào những nước khác ở châu Phi, chúng tôi lại sợ rằng thay đổi như thế có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ, chứ không phải là chế độ dân chủ lành mạnh, và do đó, chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi phải đạt được một sự dàn xếp qua thương thuyết, để đảm bảo có được chế độ dân chủ thích đáng, đảm bảo an ninh cho tất cả mọi người, đảm bảo những chính sách kinh tế cân đối, và đảm bảo rằng sẽ không còn phân biệt trên cơ sở chủng tộc, màu da hay bất kì lí do nào khác.

Bài học nữa mà chúng tôi rút ra được là, muốn tháo ngòi nổ trong tình huống dường như không thể giải quyết được thì cần có sáng kiến. Tôi nhận thức được rằng nếu tôi thực hiện lộ trình theo từng bước một – nếu tôi chỉ có năm nhượng bộ về năm vấn đề quan trọng, để một số vấn đề không được giải quyết – thì ANC (đảng chính khác tham gia xung đột) sẽ nghĩ rằng, nếu tôi không nhượng bộ về các vấn đề khác, họ sẽ không tham gia thương lượng. Vì vậy, tôi đã đi đến kết luận – sau khi bàn với nội các và ban lãnh đạo đảng – nguyên tắc căn bản là đưa ra cả gói, có thể buộc liên minh ANC chấp nhận lời mời tham gia đàm phán.

Ví dụ, nếu tôi chỉ thả Mandela và sáu người nổi tiếng khác chứ không thả tất cả các chính trị phạm đang bị giam giữ khác, thì họ sẽ nói: “Hết sức cám ơn, nhưng chúng tôi sẽ không đàm phán cho đến khi các ông thả tất cả chính trị phạm”. Vì lí do đó, chúng tôi tung ra cả gói, cố gắng giải quyết tất cả những lo lắng của ANC mà chúng tôi có thể nghĩ tới và có thể được coi là hợp lí.

Để đàm phán thành công, phải đặt mình vào vị trí của bên kia. Phải suy nghĩ toàn bộ hoàn cảnh của họ và xác định đâu là yêu cầu tối thiểu nhằm đảm bảo sự hợp tác, tham gia một cách xây dựng trong quá trình đàm phán. Chúng tôi đã làm như thế, và bài phát biểu ngày 2 tháng 2 năm 1990, bao trọn một gói như vậy. Nó đã giúp chúng tôi đạt được, tại thời điểm đó, một nền tảng đạo đức cao. Sau những tuyên bố như thế mà ANC từ chối đàm phán thì họ sẽ bị coi là quá đáng. Nó có thể làm cho cộng đồng quốc tế quay sang chống lại họ, họ phải chấp nhận.

Một nhà báo Nam Phi, sau khi đọc bài phát biểu của tôi mà anh ta nhận được từ trước, đã thốt lên: “Chúa ơi, ông ấy đã làm tất cả rồi”. Thật vậy, mục đích của gói chính sách trong thông báo là làm tất cả. Chúng tôi chấp nhận rủi ro cực kì to lớn. Chúng tôi không áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Sau đó, sau vòng thảo luận rộng rãi đầu tiên ở Groot Schuur vào tháng 4 năm 1990, ANC đã đưa ra sáng kiến. Chưa thương thảo với chúng tôi, cũng như chúng tôi chưa thương lượng gói chính sách với họ. Họ tung ra sáng kiến đơn phương là đình chỉ cuộc đấu tranh vũ trang. Hai sáng kiến nêu trên là cơ sở cho các cuộc đàm phán, và cuối cùng đã thành công.

Thiết lập cơ sở cho đối thoại và đàm phán

Trước khi tung ra bài phát biểu quan trọng vào đầu năm 1990, đã từng có những cuộc thảo luận với ANC. Những cuộc thảo luận đó đã giúp ông thiết kế chiến lược và tiến lên như thế nào? Ngoài ra, để đàm phán và thu được kết quả, ông cần có đối tác và những người mà ông biết và có thể tin cậy. Chuyện đó xảy ra như thế nào?

Không phải tất cả chúng tôi, trong nội các dưới thời người tiền nhiệm của tôi đều biết những sự kiện đang xảy ra trong hậu trường. Tổng thống Botha giữ kín trong một nhóm nhỏ. Tôi không biết. Tôi là người lãnh đạo Đảng Quốc gia ở tỉnh Transvaal, vì vậy tôi là một nhân vật quan trọng trong đảng và trong nội các, nhưng tôi không thuộc nhóm nội bộ của ông ấy. Ngày 2 tháng 2 năm 1989, khi tôi trở thành lãnh đạo, Kobie Coetsee – Bộ trưởng nội các và từng giữ chức bộ trưởng trong Văn phòng Tổng thống và sau đó là Bộ trưởng Tư pháp – nói lại cho tôi biết. Ông là người chủ trì công việc này, ông tham gia nhóm bốn người thảo luận với Mandela. Coetsee – cùng với Niel Barnard thuộc Cục Tình báo Quốc gia; Tướng Willemse, lãnh đạo Cục trại giam; và Fanie van der Merwe, Bộ trưởng (hiện nay gọi là Tổng giám đốc) Bộ Tư pháp – lúc đó đang thảo luận với Mandela. Mandela được viết thư cho ban điều hành toàn quốc của ANC để giao nhiệm vụ tìm hiểu khả năng đàm phán. Nhưng bản chất của vấn đề không được đem ra thảo luận, đấy là “những cuộc thảo luận về thảo luận”, tức là mới nói về khả năng đàm phán. Chỉ khi trở thành người lãnh đạo, tôi mới được nghe tóm tắt một cách đầy đủ về tất cả những sự kiện này.

Quan điểm chính thức trong các bài diễn văn công khai là: “Chúng ta không đàm phán với những kẻ khủng bố”. Vì vậy, nhìn lại, tất cả những việc này đều góp phần chuẩn bị khung cảnh cho những sáng kiến mà tôi đã tung ra. Nó củng cố quyết tâm của tôi. Công việc chuẩn bị được thực hiện càng làm tôi tin rằng tôi có thể cứng rắn.

Trong những trường hợp khác nhau mà chúng ta đã xem xét, có những người không tham gia một cách toàn tâm toàn ý và có những người tìm cách phá hoại quá trình chuyển hóa. Tháng 2 năm 1990, làm sao ông có thể tự tin để có thể tung ra chương trình thay đổi táo bạo như thế?

Chúng tôi được khuyến khích bởi sự kiện là, do hành động rất mạnh mẽ được thực thi trong giai đoạn năm 1985-1987 – những bước bảo đảm an ninh, với hàng ngàn người bị bắt mà không được xét xử, kiểm soát một cách hiệu quả, đấy là nói nếu nhìn theo quan điểm của quân sự và an ninh – dẫn tới tình hình là ANC nhận thức được rằng họ không thể lật đổ được chính phủ và súng không thể giải quyết được vấn đề. Mặc dù tôi không bảo vệ những cái sai trong biện pháp của chúng tôi, điểm khởi đầu tốt nhất trong quá trình giải quyết xung đột là các bên tham gia chính phải cùng nhau nhận thức được rằng tiếp tục xung đột sẽ dẫn tới hủy họai đất nước, và rằng không thể hi vọng thắng “cuộc chiến tranh này”. Tôi nghĩ, tình hình của chúng tôi là như thế. Chúng tôi nhận thức được rằng cần có giải pháp chính trị, các hoạt động của lực lượng quân sự hay an ninh không phải là giải pháp. Tôi nghĩ ANC cũng đi đến kết luận tương tự. Những bước đi cứng rắn mà chúng tôi đã thực hiện, và cả “những cuộc thảo luận về thảo luận” trước đó, theo tôi, đã thuyết phục họ về thực tế đó.

Tạo đồng thuận cho thay đổi

Làm sao tôi đưa được đội ngũ cùng đi với mình? Tôi không muốn thể hiện mình như một người anh hùng. Người tiền nhiệm của tôi bắt đầu với khái niệm “hội nghị trong bụi rậm”. Hội nghị trong bụi rậm có nghĩa là đưa các nhà lãnh đạo đồng chí hướng với mình, nội các, nhóm điều hành của mình đi xa khỏi thành phố, và đấy là lí do vì sao chúng tôi gọi nó là “đến bụi rậm”, đến nơi mà đôi khi thậm chí điện thoại di động cũng không có sóng. Không ai được miễn, tất cả mọi người đều trong tình trạng bị cách li, họ buộc phải thực sự nói chuyện với nhau trong quá trình tự phân tích đó. Tôi tiếp tục cách làm như thế từ khi tôi trở thành lãnh đạo Đảng Quốc gia, và thậm chí trước khi tôi trở thành tổng thống, chúng tôi đã có những hội nghị như vậy. Trong những tháng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi, đến đầu tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã có mấy cuộc hội nghị bụi rậm với cách tiếp cận là: “Chúng ta đã nhận thức được rằng chúng ta cần thay đổi một cách cơ bản. Câu hỏi là làm việc đó như thế nào? Kế hoạch hành động của chúng ta ra sao? Tầm nhìn của chúng ta là gì?”

Thay đổi chỉ để thay đổi là không tốt. Cần phải xây dựng tầm nhìn. Và tầm nhìn của chúng tôi là một nước Nam Phi thống nhất, tất cả các hình thức phân biệt đối xử đều bị loại bỏ, tất cả mọi người đều có một lá phiếu bầu có giá trị như nhau, và một bản hiến pháp đầy sức mạnh. Nước Nam Phi mới phải có Tòa Bảo hiến mạnh, có cơ chế kiểm soát và cân bằng nhằm ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực hay bất kì sự thống trị của bất kì nhóm người nào đối với nhóm người khác trong tương lai. Đó là tầm nhìn, bắt nguồn từ những cuộc thảo luận cởi mở, chân tình. Trong bất kì nhóm các nhà lãnh đạo tài năng nào, dù đấy là lĩnh vực kinh doanh hay chính trị, bao giờ cũng có nhiều quan điểm, nhưng thông qua quá trình này, chúng tôi đạt được sự đồng thuận trong nội bộ.

Tôi mất nhiều sức lực trong việc xây dựng sự đồng thuận nội bộ trong khi tôi làm bao nhiêu việc khác trong thời gian lãnh đạo đảng và trong nhiệm kì tổng thống. Toàn bộ nội các là đồng sở hữu gói chính sách được chúng tôi công bố. Không phải tất cả mọi người cùng tham gia vào việc xác định chính xác từ ngữ trong mỗi bước đi. Nhưng, về nguyên tắc sâu rộng cho thay đổi căn bản, đưa vào cùng một gói, đưa ra sáng kiến, đã có đồng thuận. Và sau đó, trước khi phát biểu, tôi mời tất cả lại và nói: “Đây là những điều tôi sắp công bố. Chúng ta thống nhất chứ?” Và họ nói: “Vâng”. Tôi cũng bắt họ hứa hẹn là không nói ngay cả với vợ mình. Và tôi không nói với vợ mình một cách chính xác những điều tôi sắp công bố. Tôi chỉ nói: “Nam Phi sẽ không bao giờ còn như trước nữa”. Và bí mật đã được giữ kín.

Sau đó, tôi đi theo quy trình từ trên xuống. Sau khi đảm bảo được sự ủng hộ và chấp nhận là đồng sở hữu những sáng kiến ​​của chúng tôi từ ban lãnh đạo rộng rãi của đảng – vì nội các bao gồm lãnh đạo của tất cả các tỉnh và tất cả các nhân vật có thế lực trong đảng – nhiệm vụ của họ là phổ biến nó cho ban lãnh đạo tầng thứ hai. Và thông qua tầng thứ hai mà tương tác liên tục với lãnh đạo cơ sở để thuyết phục họ rằng chúng ta cần thay đổi một cách căn bản để tránh thảm hoạ, và chúng ta cần thay đổi theo hướng đúng.

Tôi liên tục phải nhắc lại việc chấp nhận đồng sở hữu những sáng kiến đó. Khi chúng tôi bắt đầu đàm phán, sự chia rẽ đặc trưng mà ta thấy trong bất kì nhóm người thực hiện nào cũng sẽ xuất hiện một lần nữa. Một số người nói: “Chúng ta không thể nhượng bộ”. Một số khác nói: “Chúng ta cần phải nhượng bộ khoản này”. Những người khác lưỡng lự trong việc nhượng bộ, và tại những cuộc họp nội các hàng tuần, chúng tôi mất một hoặc hai giờ để thảo luận chi tiết về quá trình đàm phán đang diễn ra, xây dựng sự đồng thuận, tạo điều kiện để mỗi thành viên nói hết suy nghĩ của mình. Lúc đó, nhiệm vụ của tôi, trong vai trò người lãnh đạo, là nói những việc tôi nghĩ là chúng tôi phải làm, và xem họ có chấp nhận không. Nếu họ nói có, tôi có thể dựa vào sự đồng thuận để đi bước tiếp theo.

Trong một số trường hợp, chắc chắn phải có một người nào đó thấy khó toàn tâm toàn ý. Ông có phải cách chức một số người để có được sự ủng hộ của nội các hay không?

Trong giai đoạn tôi làm tổng thống, tôi đã thực hiện một vài thay đổi trong nội các. Tôi sa thải một bộ trưởng vì ông ta tự làm quá nhiều việc mà không giải thích rõ với nội các. Những vị bộ trưởng khác – vì nạn bạo lực đang diễn ra – sẽ trở thành vấn đề nếu họ tiếp tục nắm những bộ phụ trách về an ninh, và tôi chuyển Bộ trưởng Công an và tướng Malan từ Bộ Quốc phòng sang các bộ trong lĩnh vực dân sự và thay họ bằng các vị bộ trưởng mới. Tôi nghĩ rằng sự đồng thuận mà chúng tôi đạt được không phải lúc nào cũng làm cho mọi người vui vẻ, nhưng cuối cùng, hệ thống nội các làm việc theo cách đó, và đó là hệ thống tốt. Cuối cùng, mỗi người tham gia phải quyết định: “Đây có phải là vấn đề thuộc về nguyên tắc không?” Và rồi lương tâm sẽ nói: “Tôi không thể tiếp tục như thế, đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc, do đó tôi đề nghị được từ chức” hoặc “Tôi sẵn sàng thỏa hiệp”.

Vì vậy, phải thỏa hiệp giữa các đảng liên quan tới xung đột. Mà trong các cuộc thảo luận của từng đảng, trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, phải thường xuyên thỏa hiệp. Nhiều người không hài lòng với tất cả những việc mà chúng tôi làm, nhưng họ đã thỏa hiệp.

Thiết lập cơ sở cho đối thoại và đàm phán

Ông khẳng định rằng việc chuẩn bị để chuyển hóa Nam Phi là một quá trình chứ không phải là thay đổi đột ngột. Khi ông nghĩ về các giải pháp mà không được thông báo về những các cuộc thảo luận với ANC, do đó, đây là quá trình không có đầy đủ thông tin. Botha không phải là người sẵn sàng đi theo hướng mà ông đã đi. Qúa trình này diễn ra trong tâm trí ông như thế nào? Để sẵn sàng hành động khi ông đã nắm được quyền lực, ông biết gì các cuộc đàm phán với Mandela và Mbeki?

Botha là kiểu nhà lãnh đạo có tính độc đoán hơn. Các cuộc nói chuyện của Mbeki, như tôi hiểu, tập trung nhiều hơn vào việc nói với những người bên ngoài giới chính trị của đảng. Ông ta nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hoá. Ông xây dựng được quan hệ với Willie Esterhuyse, giáo sư của Stellenbosch, ông này đã đưa một phái đoàn tới Anh để gặp Mbeki. Anh tôi nằm trong phái đoàn đó. Vì không được thông báo, tôi đã phê phán ông anh tôi vì chuyến đi đó. Quan điểm của tôi vào đầu những năm 1980 là, cơ chế bên trong mà chúng tôi xây dựng được chính là cái làm cho chúng tôi đủ trưởng thành để chấp nhận nhu cầu của sự thay đổi cơ bản sâu rộng. Một là Hội đồng của Tổng thống, một tổ chức xã hội, thường họp trong tòa nhà nằm cạnh Nghị viên. Hội đồng của Tổng thống bao gồm người của tất cả các chủng tộc, và nhiệm vụ của họ là thảo luận về nhu cầu, và nội dung khả dĩ, của những thay đổi trong hiến pháp. Và người của phe đối lập đã được bổ nhiệm, do đó, đây là một cơ quan đại diện công bằng, mặc dù sự tham gia của người da đen, nếu tôi nhớ chính xác, là rất hạn chế.

Tạo đồng thuận cho thay đổi

Một cơ chế nữa là Uỷ ban Hiến pháp trực thuộc nội các đã được bổ nhiệm. Tôi có chân trong Ủy ban này. Chủ tịch là Chris Heunis, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hiến pháp, và nếu tôi nhớ chính xác thì tất cả các luật sư trong nội các đều có chân trong Ủy ban này. Nhiệm vụ của Ủy ban là thảo luận về thay đổi hiến pháp và báo cáo với nội các. Không công khai, đây không phải là quá trình có tính minh bạch. Hội đồng của Tổng thống làm việc minh bạch. Và Ủy ban này xây dựng tầm nhìn, rồi báo cáo lại ở các các cuộc họp nội các và nói ở một hoặc hai hội nghị bụi rậm: “Chúng tôi xác định phải làm việc này. Cần chấp nhận những điểm khởi đầu này, v.v.” Và Ủy ban này của nội các có vai trò rất quan trọng trong việc định hình quá trình tự phân tích và thúc đẩy tư duy.

Tôi bị buộc tội là chướng ngại vật trong ủy ban này vì tôi là người kịch liệt phản đối. Ông Heunis đã quá cố, người mà tôi rất kính trọng về mặt trí tuệ, có khuynh hướng thăm dò và tiến từng bước một. Có nhiều khi ông và tôi bất đồng bởi vì ông thường nói: “Chúng ta phải đề xuất cho nội các, nội các phải quyết định vấn đề A”. Còn tôi thì nói: “Tôi có thể sống với A, nhưng lúc đó chúng ta phải nói với nội các rằng giải quyết A thì sẽ kéo theo B và C và D, và chúng ta phải chỉ rõ B, C và D có nghĩa là gì. Chúng ta phải suy nghĩ tất cả các hậu quả kèm theo và chúng ta không được che giấu chúng”. Và trong quá trình đó tôi bị coi như người gây rối trong Ủy ban.

Vì vậy, cách tiếp cận của tôi là đưa toàn bộ gói chính sách đã phát triển trong đầu và trong tim tôi rất lâu trước khi tôi trở thành tổng thống.

Lúc đó ông có tin rằng ANC đủ mạnh để thay mặt phía bên kia lãnh đạo cuộc đàm phán hay không? Ông có thông tin phản hồi về cách thức họ có thể phản ứng đối với dự án của ông?

Trong những giai đoạn đầu thì không. Và dĩ nhiên là chúng tôi cần phải giữ quyền lực để thực hiện bất cứ việc gì, và do đó chúng tôi phải liên tục xem xét các cử tri da trắng sẽ chấp nhận và bác bỏ cái gì. Bởi vì chúng tôi có phe đối lập cánh hữu khá tích cực và ngày càng phát triển, phe này tách ra từ Đảng Quốc gia vào đầu những năm 1980 và lập ra cái mà họ gọi là Đảng Bảo thủ. Người lãnh đạo đảng là Tiến sĩ Andries Treurnicht, và họ đang xâm nhập vào tiến trình bầu cử. Năm 1987, có cuộc bầu cử của tất cả người da trắng, mặc dù lúc đó đã có Nghị viện gồm ba viện rồi. Chúng tôi vẫn nắm quyền trong giai đoạn đó bằng cách đưa ra tuyên ngôn: “Chúng tôi ủng hộ thay đổi”. Nhưng, Đảng Bảo thủ (Conservative Party) cho thấy sự phát triển quá mạnh của họ. Vì vậy, một thực tế khác, mà lúc nào chúng tôi cũng phải nhớ, là chúng tôi phải giữ được đa số cử tri da trắng ủng hộ chúng tôi.

Quy trình và cơ chế đàm phán

Ông cũng phải đặt mình vào vị trí của phía bên kia, như ông nói, và biết rằng phe đối lập cũng phải làm cho cử tri của họ thỏa mãn.

Chúng tôi nhận thức được vai trò quan trọng của ANC, nhưng niềm tin của chúng tôi bao giờ cũng là, chúng tôi cần một cuộc thương lượng bao gồm tất cả các phe phái. Vì vậy, cuộc họp đầu tiên, tổ chức vào cuối năm 1990, bao gồm tất cả các bên. Ngay cả các đảng nhỏ, không có đại diện ở bất cứ đâu, cũng được mời. Tất cả các thực thể chính trị và các đảng chính trị đều được mời. Đưa tất cả các đảng phái vào là cực kì quan trọng. Nhưng chúng tôi không thể cho phép các đảng rất nhỏ quyền phủ quyết. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khái niệm “đồng thuận vừa đủ”.

Ý tưởng “đồng thuận vừa đủ” có ý nghĩa gì đối với tiến trình này?

Đồng thuận vừa đủ có nghĩa là những người tham gia chủ chốt trong tiến trình đàm phán – chính phủ, Đảng Quốc gia, ANC, và IFP – đạt được đồng thuận. Cách tiếp cận của ANC nói chung là “quên IFP đi”. Họ là kẻ thù của nhau, lúc đó họ đang giết nhau. Đồng thuận vừa đủ trong từ vựng của họ có nghĩa là giữa chính phủ và ANC. Sau đó, tháng 9 năm 1992, khi IFP rút khỏi tiến trình đàm phán, sự đồng thuận vừa đủ trở thành thỏa thuận giữa Đảng Quốc gia, Chính phủ và ANC.

Các quan chức dân sự kiểm soát lực lượng an ninh

Tự truyện của ông nói rõ rằng ông đã thực hiện các biện pháp để giành quyền kiểm soát bộ máy an ninh, nhưng ông chưa hoàn toàn thành công vì đã có các hoạt động mà ông không biết. Ông có lời khuyên nào về biện pháp xử lí lực lượng an ninh cứng đầu cứng cổ?

Có những hành động mà tôi không biết, và có những lần, khi người trong bộ máy an ninh hành động ngược lại các chỉ dẫn của chính phủ và chống lại các chính sách và nguyên tắc của tôi.

Người tiền nhiệm của tôi – trước khi trở thành thủ tướng và sau đó là tổng thống – từng là bộ trưởng quốc phòng, và trong suốt thời gian ông làm thủ tướng, và sau đó là tổng thống, ông dành cho quân đội lợi thế. Ông đã lập ra hệ thống “bảo đảm an ninh” thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia mà ông ta đã chọn tôi vì địa vị lãnh đạo chính trị của tôi, không phải vì hàm bộ trưởng của tôi.

Và ông ta hi vọng rằng họ sẽ trình các kế hoạch liên quan tới các bộ khác. Cho nên Hội đồng An ninh Quốc gia trở thành nội các bên trong nội các.

Bộ Quốc phòng trình kế hoạch hành động về thay đổi trong lĩnh vực kinh tế xã hội, và tổ chức to lớn này, Ban thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia (Secretariat of the State Security Council), sẽ theo dõi việc thực hiện các chương trình kinh tế xã hội. Quy trình này làm các bộ bình thường, như Bộ Y tế, Bộ Nhà ở, Bộ các vấn đề địa phương, v.v. rất tức giận. Vì các quan chức trong hệ thống “bảo đảm an ninh” can thiệp vào công việc của họ.

Khi trở thành tổng thống, tôi thu gọn Hội đồng An ninh, dành cho nó địa vị hệt như các ủy ban khác của nội các. Tôi giảm quy mô của cơ quan này, để nó trở thành một ban thư kí bình thường cho một ủy ban bình thường của nội các. Và tôi đã bãi bỏ những khoản ưu tiên mà quân đội được hưởng (cảnh sát không có nhiều như thế) dưới thời P. W. Botha. Và nếu Hội đồng An ninh Quốc gia nắm được chuyện gì đó, họ phải tới nội các, không phải tới tôi, không lặng lẽ thông qua Hội đồng An ninh, và trình bày với nội các sự việc đã xảy ra. Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi phải quản lí bằng nội các. Tôi đã tham khảo toàn bộ nội các về tất cả các quyết định quan trọng, các đề xuất có thể đi qua ủy ban, nhưng phải trình nội các, tất cả các quyết định cuối cùng đều được đưa ra ở đây.

Tại sao ông làm những việc này để bảo đảm rằng Quân đội và Hội đồng An ninh nằm dưới quyền nội các và quy trình ra quyết định hợp thức?

Trong suốt thời gian tôi có chân trong nội các (năm 1978, tôi đã là bộ trưởng, và chưa đến một năm sau thì P. W. Botha trở thành thủ tướng và sau đó là tổng thống) tôi đã không thích cách làm như thế. Tôi phê phán quyết liệt những ưu tiên, ưu đãi mà ông giành cho quân đội. Tôi được coi là người lãnh đạo nhóm chống lại xu hướng này. Ngay từ khi còn là bộ trưởng trẻ tuổi tôi đã chống lại cách làm như thế. Khá lâu, trước khi trở thành tổng thống, tôi đã tự nhủ, nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ đưa tình hình trở lại bình thường và sẽ khôi phục sự cai trị của nội các.

Vì vậy, quay trở lại các lực lượng an ninh, Nam Phi chưa bao giờ có đảo chính quân sự. Đấy là do lịch sử của chúng tôi, lực lượng quốc phòng và cảnh sát là để thực những nhiệm vụ cụ thể của họ – Quân đội bảo vệ biên giới Nam Phi và an ninh trên bình diện quốc tế, cảnh sát duy trì luật pháp và trật tự ở trong nước – tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các cấp cao nhất của hai lực lượng này làm đảo chính.

Dưới thời Tổng thống P. W. Botha, lực lượng an ninh luôn luôn có thái độ cho rằng nhiệm vụ của các chính trị gia là tìm ra giải pháp chính trị, còn họ thì tạo ra bầu không khí và tình thế để có chỗ thực hiện và thúc đẩy những giải pháp chính trị đó. Vì vậy, tôi triệu tập hai cuộc họp. Cuộc họp thứ nhất với 400 sĩ quan cảnh sát cao cấp nhất trong cả nước, và cuộc họp thứ hai là với lực lượng quân sự. Tôi nói với họ: “Trước đây các vị bị lôi kéo vào những việc mà đáng lẽ ra các vị không nên bị lôi kéo vào. Các vị sẽ trở lại với nhiệm vụ chính. Tôi đang rút tất cả sự dính líu của các vị vào những vấn đề có thể gây ra hậu quả chính trị ra khỏi nhiệm vụ của các vị. Tôi chấm dứt tất cả những hoạt động bí mật này, trừ khi đấy là những việc cần làm đối với nhà nước”. Tôi bổ nhiệm Ủy ban Cố vấn về những dự án bí mật đặc biệt, nằm dưới quyền Giáo sư Kahn. Tất cả các chương trình bí mật đều phải được báo cáo, và ủy ban này sẽ kiến nghị với nội các, chương trình nào phải tiếp tục, còn chương trình nào thì ngưng. Tôi cũng làm tương tự với Lực lượng Quốc phòng. Và khi có bằng chứng cho thấy một số người trong các lực lượng đó vẫn tiếp tục hành động trái ngược chính sách và chỉ thị này, tôi đã chỉ định Ủy ban Hams [để điều tra các hoạt động của Quân đội Nam Phi và cảnh sát chống nổi dậy ở Nam Phi]. Nhưng Bộ Quốc phòng đã đánh lạc hướng Ủy ban Hams. Thế là tôi bổ nhiệm Ủy ban Goldstone [chính thức gọi là Ủy ban điều tra về phòng chống Bạo lực và Hăm dọa]. Khi Goldstone khám phá ra một số sự kiện, tôi đã hành động rất kiên quyết – ngưng chức một số sĩ quan cấp cao, tiến hành điều tra một số người, buộc một số người khác nghỉ hưu non – nhằm phá vỡ nhóm người có tội trong những vụ việc mà Goldstone phát hiện được.

Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn là có thực, đấy là khi cựu bộ trưởng Quốc phòng, tướng Constand Viljoen, thành lập đảng mới, gọi là Mặt trận Tự do. Vì có nhiều sĩ quan trung cấp trong quân đội trung thành với ông ta, nguy cơ là khá nghiêm trọng. Cuối cùng, Mandela đã tháo được ngòi nổ, ông đã đạt được thỏa thuận với Viljoen, khi hứa với ông này rằng sau cuộc bầu cử lần thứ nhất, sẽ xem xét khả năng thành lập nhà nước của người da trắng. Và chúng tôi đã viết vào bản hiến pháp chuyển tiếp năm 1993 điều khoản nói rằng có thể khảo sát khả năng này. Sau đó Viljoen đã tham gia bầu cử, và việc họ đe dọa làm rối loạn cuộc bầu cử bằng cách tạo ra những khu vực rối loạn – nơi chính phủ không thể duy trì được luật pháp và trật tự – đã được gỡ bỏ. Tôi chúc mừng Mandela vì thành tích này. Nhưng tôi không quen nhiều người lãnh đạo Bộ Quốc phòng, và bây giờ tôi cũng không quen hầu hết các vị cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Huy động xã hội

Người da đen cũng coi cảnh sát là lực lượng đàn áp. Ông tiến hành cải cách lực lượng cảnh sát và sửa chữa quan hệ của họ với nhân dân như thế nào?

Về vấn đề này, sáng kiến ​​của Giáo hội, gọi là Hòa ước Hòa bình Quốc gia (National Peace Accord), đây là một thoả thuận riêng, đã giúp ích khá nhiều. Mandela, Buthelezi, tôi, và những người khác đã tham dự cuộc họp, Hòa ước được công bố tại cuộc họp này. Nó không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, mà nằm dưới sự kiểm soát của xã hội dân sự. Các ủy ban của cộng đồng địa phương được thành lập, cảnh sát tương tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng ở cơ sở. Ở nhiều nơi, nó có tác dụng làm giảm ác cảm và dẫn đến kết quả là hợp tác tốt hơn và thông cảm nhau hơn, và nó đã có vai trò rất tốt và rất hữu ích. Đức Giám mục Tutu có vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Quan trọng là, trong những trường hợp như thế phải đưa lực lượng an ninh và cảnh sát tham gia vào tiến trình. Điều quan trọng là phải phi chính trị hóa các lực lượng an ninh và ngăn chặn, không để cho người ta sử dụng lực lượng này nhằm giành các mục tiêu chính trị, ví dụ như khuất phục ANC.

Công lí và hòa giải

Ông tiếp cận vấn đề ân xá cho những người đã có hành động bạo lực như thế nào?

Tôi ủng hộ các nguyên tắc Norgaard, xử lí những hành động bạo lực cực đoan hay những tội ác có dự mưu từ trước một cách riêng biệt, các nguyên tắc này bác bỏ việc ân xá cho những tội ác như ám sát, hiếp dâm, và những tội ác tương tự như thế. Tôi không chấp nhận những biện pháp này vì chúng nằm bên ngoài các quy tắc của chiến tranh. Nhưng tôi phải thỏa hiệp trong nội bộ đảng của mình, vì bộ trưởng công an và quốc phòng rất quan tâm đến những thứ mà tôi không biết, quan tâm tới những việc mà người của họ đã làm trong những năm trước đó. Tôi miễn cưỡng thỏa hiệp và đồng ý với lệnh ân xá rộng rãi, mà không áp dụng các nguyên tắc Norgaard. Tôi cảm thấy đau khi phải thả Barend Strydom, tay này đã bắn rất nhiều người da đen trên quảng trường Strijdom ở Pretoria chỉ vì họ là người da đen. Tôi cảm thấy đau khi phải thả một người của ANC, tay này đã ném bom vào một quán bar, nơi người ta đang lặng lẽ uống rượu.

Nhưng nếu có đầy đủ thông tin về tội phạm và rõ ràng là tội ác được thực hiện với động cơ chính trị thì không được ân xá. Đó là hai điều kiện tiên quyết. Cuối cùng, việc ân xá trong giai đoạn tôi làm Tổng thống, như nó đã được tiến hành khá tốt. Chưa xong. Rồi đến ân xá theo quyết định của Ủy ban Sự thật và Hoà giải (TRC). Đấy là một trong những việc tốt mà Ủy ban này đã làm được. Tôi phê phán một số việc mà TRC đã làm, nhưng vai trò của họ trong việc cứu xét các đơn xin ân xá và xét xử các đơn đó là tốt, họ thực hiện một cách chính trực và thành công.

Việc nào của TRC bị ông phê phán?

Vâng, họ có thành kiến. Nếu bạn phân tích những việc họ tập trung vào trong các cuộc điều tra thì rõ ràng là họ không bao giờ chú ý tới các vụ bạo lực mà người da đen làm với người da đen. Họ không bao giờ chú ý tới những tội ác chính trị do ANC tiến hành. Hầu hết các hoạt động của họ đều tập trung vào các hành động xấu của lực lượng an ninh. Đó là một trường hợp mà Mandela và tôi không đi đến đồng thuận. Lúc đó tôi là phó tổng thống. Ông phải tham khảo ý kiến của tôi khi lần đầu tiên chúng tôi đàm phán về việc thành lập TRC trong Chính phủ Thống nhất quốc gia. Khởi thủy, nó chỉ là Ủy ban Sự thật, và ban đầu là do bộ trưởng Dullah Omar, bộ trưởng bộ tư pháp, đã quá cố, đề xuất rằng cuộc kiểm tra khác, dễ dàng hơn được áp dụng cho các phe phái thuộc lực lượng giải phóng, và cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn được áp dụng cho nhân viên của lực lượng an ninh. Chúng tôi đã đàm phán một cách thành công điều kiện là tất cả mọi người cùng phải trải qua kì kiểm tra như nhau. Chúng tôi cũng đi đến thỏa thuận rằng đây không chỉ là Ủy ban Sự thật mà là Ủy ban Sự thật và Hoà giải.

Nhưng sau đó, khi ủy ban được bổ nhiệm – sau khi tham khảo ý kiến – tôi được người ta đưa tờ giấy liệt kê các thành viên; không có người ủng hộ Đảng Quốc gia nào nằm trong danh sách đó. Có một người đã bỏ Đảng Quốc gia. Tất cả những người còn đều là những cảm tình viên của ANC. Tôi lập ra một nhóm nhỏ và chúng tôi tiến hành nghiên cứu, rồi tôi đến gặp Mandela và nói, danh sách các thành viên ủy ban được đề xuất chỉ có người của một phía. Tôi đưa ra tên một số người tốt và đề nghị ông xem xét để đưa những người này vào, thay cho danh sách ngắn những người trong danh sách ban đầu. Ông nói sẽ không làm điều đó, và nếu tôi nhất quyết đòi ông làm điều đó thì ông sẽ nhất quyết đòi làm những thứ khác. Thế là tôi nói với ông: “Xin thông báo đi. Tôi không muốn ngăn cản ông thông báo thành phần ủy ban, nhưng tôi sẽ tuyên bố công khai rằng tôi không đồng ý với thành phần của ủy ban, rằng chúng tôi không đi đến đồng thuận về thành phần ủy ban. Và theo ý nghĩa của ngôn từ, đấy sẽ là ủy ban của ông, chứ không phải là ủy ban với sự ủng hộ hoàn toàn của tất cả các thành viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia”. Nó đã diễn ra như thế. Vì vậy, ngay từ đầu đã có thiên vị.

Tôi thường nói, tấm gương Chile về cách thức xử lí tổ chức tương đương với TRC là có tính đại diện hơn của các đảng dính líu vào cuộc xung đột trước đây. Họ có sự thông cảm về những sự kiện đã diễn ra ở tất cả các phía, và phương pháp của họ tốt hơn phương pháp của chúng tôi.

Những vụ vi phạm nhân quyền và tham nhũng là di sản từ chế độ độc tài và các chính phủ độc đoán cần phải được giải quyết, nếu không, nhân dân sẽ không coi hệ thống dân chủ là có tính chính danh. Có thể rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của các ông?

Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi đạt được những thỏa thuận rõ ràng hơn về cách giải quyết các tội ác chính trị trước khi tổ chức cuộc bầu cử năm 1994. Nó là một trong số những vấn đề thường xuyên bị chậm trễ và tạo ra căng thẳng giữa Mandela và tôi, những cuộc đàm phán về vấn đề này không đưa đến được kết luận đầy đủ, trước khi chúng tôi nhất trí về bản hiến pháp chuyển tiếp, năm 1993. Bản hiến pháp bỏ ngỏ vấn đề tội phạm chính trị, nó sẽ phải được giải quyết sau cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1994. Cần phải có các thỏa thuận dứt khoát về biện pháp xử lí các tội phạm chính trị và biện pháp giải quyết vấn đề ân xá trước khi áp dụng hình thức xét xử mới.

Quy trình và cơ chế đàm phán

Nhưng trong một số tình huống sự mơ hồ mang tính sáng tạo có thể tốt hơn là rõ ràng vội vã, ông có đồng ý không?

Để tôi giải thích rõ những điều tôi vừa nói. Đấy là lí do vì sao tôi sử dụng từ thỏa thuận “vừa đủ”. Toàn bộ bản hiến pháp chuyển tiếp phù hợp với khái niệm mơ hồ mang tính sáng tạo. Đây không phải là thỏa thuận cuối cùng và nó gồm 34 nguyên tắc mà bản hiến pháp cuối cùng sẽ phải tuân theo. Nó chứa đựng thỏa thuận rằng Toà bảo hiến mới sẽ phải chứng thực rằng bản hiến pháp cuối cùng tuân thủ 34 nguyên tắc đó. Chúng tôi đã không tìm cách làm rõ hoàn toàn tất cả các vấn đề.

Cải cách hiến pháp

Hiến pháp là viên ngọc quý trên vương miện của quá trình chuyển hóa. Câu hỏi luôn luôn là làm sao cải cách được hiến pháp. ANC muốn có Hội đồng Lập hiến, còn ông muốn có ủy ban. Bài học về cách soạn thảo hiến pháp của Nam Phi là gì?

Đây là một sáng kiến ​​mà tôi tung ra trong cuộc họp lớn, có mặt tất cả các đảng. Quan điểm ban đầu của ANC là hệ thống hiện hành phải bị đình chỉ, chúng tôi sẽ thành lập Chính phủ Quốc gia Thống nhất không do dân bầu, và chính phủ sẽ tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến – một cách tự do – Hội đồng này sẽ soạn thảo bản hiến pháp mới. Xuất phát điểm của chúng tôi là phải đàm phán bản hiến pháp mới và sau đó mới tổ chức bầu cử. Sáng kiến ​​của tôi và của chính phủ tôi là đưa ra bản hiến pháp chuyển tiếp, bản hiến pháp này sẽ dẫn tới cuộc bầu cử Nghị viện mới. Mọi người sẽ bầu cử Nghị viện. Và Nghị viện mới cũng sẽ soạn thảo bản hiến pháp cuối cùng. Và chuyện đó đã diễn ta trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1996. Đối với tôi, điều quan trọng mang tính nguyên tắc và tôi thấy vui với nó là gói chính sách cuối cùng. Tôi nhấn mạnh rằng không được có khoảng trống hiến định. Chính phủ Nam Phi, với tất cả những sai lầm trong hệ thống cũ – nói theo hiến pháp – là một chính phủ chính danh được thế giới công nhận.

Và tôi nhấn mạnh rằng bất kì bản hiến pháp mới nào cũng phải được nghị viện chấp nhận, như nó được viết ra vào lúc đó, và chúng tôi đã đạt được kết quả như thế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi có chính phủ hợp pháp, không bao giờ được có khoảng trống hiến pháp, nếu đình chỉ bản hiến pháp hiện tại thì phải thay thế nó bằng bản hiến pháp mới, do thương lượng mà có.

Và Hội đồng Lập hiến không tuân thủ những yêu cầu như thế?

Hội đồng Lập hiến có thể có vai trò, nhưng một lần nữa, tôi nghĩ rằng có một bài học mang tính tích cực phải học từ kinh nghiệm của chúng tôi: Hội đồngLập hiến đó phải có một số giới hạn, những giới hạn này được bao bọc trong 34 nguyên tắc bất di bất dịch, và những nguyên tắc bất di bất dịch này được thương lượng trên cơ sở dung hợp (nghĩa là trong cuộc đàm phán có mặt tất cả các bên – ND). Sau đó, Hội đồngLập hiến có thể thêm da thịt vào bộ xương đó. Mục đích của 34 nguyên tắc là thỏa thuận trang trọng về các tham số của bất kì bản hiến pháp mới nào.

Vai trò của khu vực tư nhân

Giới kinh doanh có vai trò gì trong quá trình chuyển hóa ở Nam Phi? Xin cho chúng tôi biết về Diễn đàn Kinh tế Quốc gia.

Chúng tôi không thể cho giới kinh doanh vai trò chính thức trong quá trình đàm phán, vì sẽ khó xác định đưa ai vào, không đưa ai vào quá trình đàm phán chính thức. Lúc đó cũng sẽ xuất hiện những câu hỏi, vì sao không cho Giáo hội vai trò chính thức? Vì sao không giao cho các tổ chức từ thiện vai trò chính thức? Vì sao chỉ giao cho giới kinh doanh? Vì vậy, chúng tôi chỉ cho các đảng tham gia vào cơ cấu của quá trình đàm phán chính trị. Nhưng từng đảng chính trị phải xây dựng biện pháp tương tác với các nhóm lợi ích bên ngoài, và chúng tôi đã làm việc sát sao với giới kinh doanh. Giới kinh doanh được đưa vào quá trình đàm phán bằng cách cung cấp Ban Thư ký cho CODESA, họ trả tiền cho tổ chức này. Họ giúp toàn bộ công tác hậu cần, họ quản lí công việc này.

Tôi đã giao cho giới kinh doanh vai trò bằng cách bổ nhiệm một trong những nhà công nghiệp hàng đầu, Derek Keys, làm bộ trưởng tài chính trong chính phủ của tôi. Ông phải chuẩn bị dự thảo ngân sách mà chúng tôi biết là Nghị viện mà ANC nắm đa số sẽ phải thông qua trong vòng sáu tuần lễ, sau cuộc bầu cử. Trước đó, ông phải thuyết phục ANC chấp nhận dự thảo ngân sách và những nguyên tắc kinh tế trong dự thảo đó, và ông đã làm đúng như thế.

Có giai thoại nói rằng ông đã thảo luận với Trevor Manuel [thành viên ANC, lúc đó là người đứng đầu Bộ Kế hoạch Kinh tế] và những người khác trong một ngôi nhà tư nhân cũ ở Cape thuộc Nhóm Rembrandt, và chỉ một ngày sau thì Keys đã đưa cho nội các một bài thuyết trình bằng PowerPoint. Ngay khi ông ta và Manuel đi vào ô tô, ông liền nói: “Ông biết đấy, trong xe tôi có bài thuyết trình bằng PowerPoint này mà hôm qua tôi đã trình bày với nội các. Mời ông quay lại. Tôi muốn cho ông xem”. Và ông đã cho chiếu bài thuyết trình ở bên ngoài những cuộc đàm phán được cơ cấu một cách bình thường, và cách làm này có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ANC chuyển từ quốc hữu hóa sang tư nhân hoá, từ kinh tế tập trung sang công nhận vai trò của thị trường tự do.

Cho nên bằng biện pháp không chính thức (nhưng không lập ra cơ cấu), chính sách của tôi là đưa giới kinh doanh tham gia.

Xã hội dân sự

Xã hội dân sự của Nam Phi hoạt động rất tích cực, ví dụ, ông đã nhắc tới giám mục Tutu. Nhà thờ hay lĩnh vực tôn giáo có quan trọng không?

Có, với Hiệp ước Hòa bình Quốc gia. Nhà thờ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp duy trì quan hệ sắc tộc và thúc đẩy thiện chí, nhưng giới kinh doanh và các tổ chức, như nghề tư pháp, v.v. có vai trò quan trọng hơn, vì vai trò của họ liên quan nhiều hơn tới các vấn đề có thể được đưa vào bản hiến pháp, hình thành trong quá trình đàm phán. Tôi đưa giới kinh doanh vào xã hội dân sự. Và trong trường hợp của ANC, các nghiệp đoàn (có thể coi là xã hội dân sự) có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp tài liệu cho ANC và trong việc đại diện cho ANC trong các cuộc đàm phán.

Ủng hộ quốc tế

Khi ông trở thành tổng thống, bức tường Berlin đã sụp đổ rồi. Bối cảnh quốc tế và các tác nhân mới trên trường quốc tế đã có ảnh hưởng như thế nào đối với tầm nhìn và hành động của ông?

Sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô, một cường quốc bành trướng trên thế giới, từng tìm cách kiểm soát miền Nam châu Phi, thực sự mở ra cơ hội mới. Tôi không nghĩ rằng mình có thể đưa tất cả mọi thứ vào gói chính sách mà mình công bố ngày 2 tháng 2 năm 1990, nếu bức tường Berlin chưa bị đổ. Đấy là điều vô cùng quan trọng, vì lúc đó mối đe dọa của Cộng sản đối với Nam Phi là có thật. Hàng ngàn lính Cuba ở sát ngay biên giới của chúng tôi. Chúng tôi đã chiến đấu chống lại họ. Đảng Cộng sản đã trao vũ khí và huấn luyện quân sự cho các phong trào giải phóng. Họ đã thâm nhập vào các phong trào giải phóng. Hầu hết đều là thành viên hai mang, của ANC và của Đảng Cộng sản. Vì vậy, lúc đó có mối đe dọa, và khi mối đe dọa bị mất nọc độc, thì nó mở ra cơ hội mà chúng tôi đã nhận diện được và sử dụng nhằm tung ra cả gói chính sách cải cách.

Trước khi trở thành tổng thống, theo một nghĩa nào đó, đã là tổng thống được bầu, theo truyền thống của Nam Phi, khi tôi trở thành người lãnh đạo đảng. Tôi có chuyến đi vòng quanh thế giới. Tôi tóm tắt tình hình với Margaret Thatcher, Francois Mitterrand và Helmut Kohl. Tôi tóm tắt tình hình với Thủ tướng Bồ Đào Nha, Cavaco Silva, một người bạn tốt của tôi, và tôi cũng xây dựng được mối quan hệ rất tốt với George H. W. Bush ngay trong giai đoạn đầu. ANC khăng khăng nói rằng các biện pháp trừng phạt phải được tiếp tục cho đến khi họ giành được quyền lực. Tôi nói: “Không. Chúng tôi đã chứng minh sự trung thực của chúng tôi. Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ mà người ta có thể đòi hỏi một cách hợp lí. Các biện pháp trừng phạt phải được dỡ bỏ ngay bây giờ”.

Và cộng đồng quốc tế đã ủng hộ tôi về vấn đề này và dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt, chấp nhận thiện chí của chúng tôi và bắt đầu ủng hộ quá trình này, đó là điều rất quan trọng đối với chúng tôi.

Chúng tôi và ANC chưa bao giờ nghĩ đến việc đưa các trọng tài quốc tế vào tiến trình đàm phán. Chúng tôi đã đồng ý ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ đàm phán như những người Nam Phi với nhau. Tuy nhiên, vai trò nền tảng của các chính phủ khác là quan trọng. Theo tôi, nhiều chính phủ châu Âu và Mỹ đã ủng hộ bằng tất cả mọi cách. Một số đại sứ của họ đóng vai trò quan trọng đằng sau hậu trường khi CODESA đã đến giai đoạn chót, và sau đó, ở diễn đàn đàm phán được tái lập, họ đã giúp đưa các bên lại với nhau. Một số người đòi được tin cậy nhiều hơn thẩm quyền của họ trong lĩnh vực này, nhưng tôi công nhận vai trò của họ. Nhưng đấy là vai trò bên lề và đằng sau những cánh cửa đóng kín, chứ không phải vai trò được cơ cấu từ trước.

Những nguyên tắc nền tảng

Ông nhận xét trong tự truyện rằng Mandela là người không có thái độ tự trách mình. Chúng tôi đã phỏng vấn một số nhà lãnh đạo chính trị, và chắc chắn là một trong những phẩm chất xuyên suốt là muốn có vai trò trong quá trình chuyển hóa có tính lịch sử mà các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp – trong đó có ông – từng giữ, là khả năng đưa ra quyết định mà không suy nghĩ lại từng quyết định là một phẩm chất rất quan trọng. Đó là phẩm chất bẩm sinh mà chỉ một số người mới có? Hay đấy là phẩm chất tiếp thu được thông qua quá trình chính trị?

Tôi nghĩ rằng tất cả các yếu tố mà bạn nhắc tới đều có vai trò của nó. Trong trường hợp cụ thể của tôi, tôi nghĩ rằng việc tôi được đào tạo như một luật sư có vai trò, và cụ thế, trường đại học mà tôi theo học có vai trò. Trường này có tên là Đại học Kitô giáo Nâng cao Potchefstroom (Potchefstroom University for Christian Higher Education), và tâm điểm của khoa luật của nó là khi anh phải giải quyết vấn đề, trước hết hãy tự hỏi trường hợp này phải áp dụng những nguyên tắc nào. Khi khách hàng đến và nói: “Vấn đề của tôi là thế này”, đừng chạy ngay đến thư viện và nói: “Trước đây tòa án đã quyết định về vấn đề này như thế nào?” Trước hết, trước khi đi kiểm tra, hãy tự trả với tư cách là một luật sư: “Áp dụng những nguyên tắc nào? Luật pháp nói gì về chuyện này?”. Nó dạy tôi logic. Tôi không bao giờ đưa ra những quyết định có ảnh hưởng sâu rộng, mà trước đó chưa thảo luận một cách cặn kẽ, mà không nghĩ thật kĩ. Tôi không bao giờ vội vàng ra quyết định về những vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng. Tôi nghĩ kĩ, rồi sau đó – sau khi thảo luận, sau nghĩ kĩ, sau khi hỏi: “Cái gì đúng và cái gì sai? Trường hợp này phải áp dụng những nguyên tắc nào?” – rồi tôi đưa ra kết luận, và sau đó tôi không còn trách móc mình về kết luận đó nữa.

Chia sẻ quyền lực

Ông đã áp dụng các tiêu chí mà ông nêu ra như thế nào, khi ông quyết định rút ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia? Ông nghĩ gì vào thời điểm đó và ảnh hưởng của nói đối với tương lai của Nam Phi?

Trong 18 tháng đầu, Chính phủ Thống nhất quốc gia đã hoạt động tốt. ANC nhận thức được rằng họ không có kinh nghiệm quản lí, cho nên họ đã dựa nhiều vào kinh nghiệm của tôi và kinh nghiệm của những người như Pik Botha và những người khác cùng làm việc với tôi trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia trong nội các. Nhưng, đến lúc họ cảm thấy là đã học xong rồi và không cần kinh nghiệm của chúng tôi như trước nữa.

Tôi đóng một lúc hai vai. Tôi là phó Tống thống và là thành viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, đồng thời là người lãnh đạo đảng đối lập chủ chốt. Họ muốn bịt miệng tôi và nói rằng tôi có thể phê bình các đề xuất bên trong nội các, nhưng vì tôi là phó tổng thống, một khi quyết định được thông qua thì dù có phản đối, tôi cũng không thể tấn công quyết định đó một cách công khai. Điều này không phù hợp với nguyên tắc nói về cách thức mà Chính phủ Thống nhất Quốc gia phải hoạt động.

Thứ hai, trong cuộc bầu cử năm 1994, tôi đã hứa với cử tri rằng trong cuộc đàm phán về bản hiến pháp cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và đàm phán để tạo ra hệ thống sẽ áp dụng nguyên tắc tìm kiếm đồng thuận sau khi đã trải qua 5 năm đầu tiên. Mặc dù chúng tôi đồng ý rằng sẽ có Chính phủ Thống nhất Quốc gia trong vòng năm năm đầu tiên, tôi đã hứa với cử tri về mô hình tìm kiếm đồng thuận trong hiến pháp cuối cùng, cho tương lai sau năm 1999.

Tôi đã nói hai lần với ông Mandela: “Nếu ông không nhượng bộ tôi về vấn đề này thì tôi sẽ rút khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia”. Và Roelf Meyer, nhà thương thuyết chính của chúng tôi, đảm bảo với tôi rằng ông đã thực hiện tất cả các chỉ đạo của tôi và ông đã nói nhiều lần với Cyril Ramaphosa (lãnh đạo nhóm đàm phán của ANC và là chủ tịch Hội đồng Lập hiến]. Đề xuất cuối cùng của chúng tôi là đề xuất rất nhẹ nhàng. Nói rằng sau năm năm đầu tiên dưới quyền Chính phủ Thống nhất Quốc gia, chúng ta sẽ bình thường hóa tình hình. Sẽ không còn Chính phủ Thống nhất Quốc gia nữa. Đảng nào nhận được 50% phiếu bầu, thì đảng đó sẽ thành lập chính phủ, tương tự như tất cả các chế độ dân chủ bình thường nào khác. Nhưng chúng tôi đề nghị là trong bản hiến pháp cuối cùng phải lập ra Hội đồng Tư vấn Quốc gia bên cạnh nội các, và bất kì chính phủ nào trong tương lai cũng phải có trách nhiệm, được ghi vào hiến pháp, tham vấn Hội đồng này khi có những vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Hội đồng này sẽ đại diện cho tất cả các đảng chính trong cố gắng tìm kiếm nhằm đạt được đồng thuận về chính sách của đất nước về vấn đề đó. Khuôn khổ của ngân sách, ví dụ thế.

Chúng tôi đã đi xa hơn và đưa ra đề nghị là nếu Hội đồng Tư vấn đạt được đồng thuận thì đảng cầm quyền phải thông qua, phải coi đó là chính sách của chính phủ. Nếu không đạt được đồng thuận, thì chính phủ tiến hành như trong tất cả các chế độ dân chủ bình thường khác, Hội đồng Tư vấn không có quyền phủ quyết. Vì vậy, tôi nói rằng nếu ANC không chấp nhận đề xuất này, tôi sẽ buộc phải nghĩ tới việc rút ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Và họ nói không. Đối với tôi, đấy là vấn đề lương tâm. Tôi đã hứa với cử tri. Tôi đã thất bại trong việc đưa ra mô hình tìm kiếm đồng thuận trong hành pháp về vấn đề cụ thế đó, và do đó, tôi đã từ chức.

Ông có suy nghĩ lại về việc rút ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia?

Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề mà nhiều người ủng hộ tôi nghĩ rằng chúng tôi nên ở lại. Nhưng tôi xin kể cho bạn nghe một giai thoại. Khi ANC nói không, tôi triệu tập ban chấp hành đảng tôi. Bây giờ đã khác với nội các của tôi. Tôi không còn nắm toàn bộ nội các nữa. Và tôi nói: “Bây giờ chúng ta phải quyết định, chúng ta sẽ ở lại hay ra đi?” Và có hai luồng tư tưởng. Một luồng tư tưởng do Pik Botha và Roelf Meyer cầm đầu. Họ nói chúng ta nên ở lại. Luồng tư tưởng khác nói rằng chúng ta phải ra đi.

Tôi đề nghị rút ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia và lãnh đạo phe đối lập, Đảng Quốc gia, từ trong Nghị viên. Một trong những nhà lãnh đạo khác có thể trở thành phó tổng thống. Đảng của chúng tôi sẽ vẫn tham gia Chính phủ Thống nhất Quốc gia, nhưng tôi sẽ ra đi. Lúc đó Pik Botha nói: Không.

Ủng hộ quốc tế

Trách nhiệm chính và đòn bẩy chính bao giờ cũng là các tác nhân ở trong nước. Trong khi suy nghĩ về điều đó, ông có lời khuyên nào về những việc có ích mà các tác nhân quốc tế có thể làm, chứ không gây ra những hậu quả có hại trong việc giúp đỡ quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ trong những tình huống khác nhau?

Đó là câu hỏi tôi sẽ phải suy nghĩ thêm một chút nữa. Tôi nghĩ rằng các nước đã thành công nên kiềm chế trong việc tìm cách áp đặt mô hình của họ cho những nước bị tàn phá bởi các vụ xung đột. Nên để cho người dân của những nước đang tìm cách giải quyết xung đột tự tìm ra các giải pháp phù hợp với truyền thống của họ và với tôn giáo ở những nơi tôn giáo có vai trò. Các nước thành công không nên coi mô hình hiến pháp của mình là món hàng xuất khẩu và tìm cách áp đặt nó cho những nước khác. Tôi nghĩ, đôi khi Mỹ cũng mắc sai lầm đó.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế và những nước có lịch sử liên kết lâu dài với những nước bị tàn phá bởi xung đột có thể có vai trò ở đây. Ví dụ điển hình là Israel và Palestine. Tôi nghĩ rằng các nước Ả Rập phải làm nhiều hơn nữa để đưa người Palestine tới quan điểm dễ chấp nhận hơn về vấn đề quyền sống của nhà nước Israel và liên quan đến việc tất cả người Palestine trở về. Tôi nghĩ, Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Mỹ với quá trình liên kết lâu dài của họ, phải làm nhiều hơn nữa để làm cho người Israel đưa ra các sáng kiến. Họ có quyền lực, họ đang có điều kiện, như tôi từng có, để tung ra sáng kiến, và Mỹ phải làm nhiều hơn để gây áp lực với chính phủ Israel để họ thực thi các biện pháp nhằm chấm dứt việc mở rộng các khu định cư. Họ phải đi đến chỗ nhận thức được rằng họ có thể đề nghị cho người Palestine một đất nước, mà người Palestine có thể tự hào, chứ không phải một số thành phố được kết nối với nhau bằng những con đường trải nhựa. Tôi nghĩ rằng các chính phủ có liên hệ với chính phủ Israel có nhiệm vụ sử dụng ảnh hưởng của mình để tạo ra kết quả như thế.

Tôi nghĩ rằng các nước như Syria và những nước tương tự như Syria có thể theo mô hình này. Các nước láng giềng quan tâm nhiều tới những sự kiện đang xảy ra ở đất nước nằm sát biên giới của họ mà đang gặp khó khăn phải cố gắng tìm được vai trò mang tính xây dựng, chứ không phải là vai trò mang tính chỉ đạo.


[1] Dankwart A. Rustow, “Transitions to Democracy: Toward a Dynamic Model,” Comparative Politics 2, no. 3 (1970): 337–63.

Comments are closed.