Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 21)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 10

Vai trò của phụ nữ trong các cuộc chuyển hóa dân chủ

Georgina Waylen

Chương này xem xét vai trò của các phong trào phụ nữ và những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài sang nền quản trị dân chủ hơn. Chương này cũng xem xét những biện pháp mà họ dùng để ủng hộ và gia tăng việc tham gia chính trị của nhiều nhóm phụ nữ khác nhau và thúc đẩy các chính sách góp phần củng cố các quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Những cuộc chuyển hóa được xem xét trong dự án Chuyển hóa dân chủ được nhiều người cho là “thành công”, nhưng những cuộc chuyển hóa này khác nhau đáng kể, nếu xét về kết quả đối với riêng từng giới, là khía cạnh mà những phân tích dòng chính đã bỏ qua. Sự thành công nói chung của các quá trình chuyển hóa cụ thể có thể được đánh giá khác đi nếu khía cạnh giới tính được đem ra xem xét[1]. Tất cả các nhà lãnh đạo được phỏng vấn cho dự án Chuyển hóa dân chủ của IDEA đều là đàn ông, đấy chủ yếu là vì các cấp chính quyền cao nhất trong quá trình chuyển hóa trong suốt 30 năm qua đã gần như bao giờ cũng là của nam giới. Ngay sau các cuộc chuyển hóa, một vài người phụ nữ trở thành những nhà lãnh đạo nhánh hành pháp, và một vài người đã làm được như thế (như Cory Aquino ở Philippines [đã qua đời] và Megawati Soekarnoputri ở Indonesia) đã không chỉ được bầu trên cơ sở cương lĩnh chính trị hay chức vụ trong đảng của họ (có liên quan tới giới tính hay không) mà còn bởi vì họ có những mối liên kết gia đình gần gũi với các nhà lãnh đạo chính trị cũ.

Tuy nhiên, tương tự như tất cả các quá trình chính trị, các cuộc chuyển hóa cũng mang mầu sắc giới tính – đàn ông và đàn bà có những vai trò khác nhau và những quá trình này có ảnh hưởng khác nhau đối với đàn ông và đàn bà[2]. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc chuyển hóa và tìm cách để đảm bảo rằng kết quả của quá trình sẽ có lợi cho phụ nữ, nhưng mức độ thành công có khác nhau. Những khác biệt này là kết quả của nhiều yếu tố: tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ vào tổ chức, khả năng của các nhà hoạt động nữ giới trong việc xây dựng các liên minh rộng lớn, trong đó có các đồng minh trong bộ máy quản lí hành chính, các đảng chính trị, các cơ quan lập pháp và xã hội dân sự; và khả năng của các nhà hoạt động trong việc trình bày các vấn đề của họ sao cho có hiệu quả. Nhiều người phụ nữ chủ động tìm cách đảm bảo kết quả tích cực cho giới của mình cũng là những người hoạt động tích cực trong các phong trào xã hội, trong bộ máy quản lí hành chính, và trong giới hàn lâm – chứ không chỉ trong các đảng chính trị hay trong nội bộ các nhóm của những người đàn ông, sau này trở thành những vị tổng thống dân chủ, khi cuộc bầu cử được tổ chức (vì phụ nữ thường không vào được những vũ đài này). Ngoài việc dựa vào nhiều tài liệu về chủ đề phụ nữ, công trình nghiên cứu này liên kết những cuộc phỏng vấn một số nhà hoạt động quan trọng, là phụ nữ, nhằm xác định những chiến lược mà họ đã sử dụng và cách thức họ đánh giá hiệu quả công việc của mình.

Hiện nay, mối quan tâm đối với quá trình chuyển hóa – là kết quả của mùa xuân Ả rập và các sự kiện ở Myanmar – lại được xới lên. Thoạt nhìn, nhiều trường hợp mới dường như đang lặp lại những hình thức hoạt động của phụ nữ trước đó và sau đó thì họ bị loại ra. Ví dụ, phụ nữ tham gia vào nhiều cuộc biểu tình làm sụp đổ các chế độ độc tài ở Ai Cập và Tunisia, nhưng, (cũng như hầu hết các cuộc chuyển hóa trước đó) ít người phụ nữ được bầu trong “những cuộc bầu cử đặt nền móng” hay được chỉ định vào nội các hay hội đồng lập hiến. Ở Ai Cập, giai đoạn giữa cuộc bầu cử quốc hội lần thứ nhất và cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và quân đội cách chức vị tổng thống thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, tháng 7 năm 2013, chứng kiến sự phân cực khá cao giữa những nhóm có tính thế tục hơn và những nhóm có tính tôn giáo hơn, các vụ bạo hành tình dục gia tăng và việc thông qua bản hiến pháp không thúc đẩy bình đẳng giới, cho thấy rằng các chính sách có ảnh hưởng mạnh tới phụ nữ – như tuổi kết hôn tối thiểu – có thể đang bị đe dọa và rằng những nỗ lực nhằm áp đặt luật lệ Hồi giáo (sharia law) có thể đặt ra nhiều thách thức hơn là những thách thức mà những nhà hoạt động nữ giới trước kia đã từng gặp.

Chương này khảo sát những trải nghiệm của các nhà hoạt động nữ trong giai đoạn chuyển hóa được nói tới trong dự án này nhằm xác định lí do vì sao một số cuộc chuyển hóa có thể giành được những kết quả (trong đó có thay đổi hiến pháp, thay đổi chính sách và chương trình) thuận lợi hơn cho quyền bình đẳng của phụ nữ, trong khi một số cuộc chuyển hóa khác thì không. Muốn giải thích những kết quả phức tạp, cần những công trình phân tích ở phạm vi rộng, tức là những công trình làm nhiều việc hơn là khảo sát các phong trào của phụ nữ và tương tác của họ với các thiết chế, ngay từ đầu đã là tâm điểm của sách báo viết về giới và các cuộc chuyển hóa. Chúng ta cần đánh giá những cơ hội và những trở ngại phát sinh từ bản chất của chế độ độc tài trước đây (và theo thời gian và động lực học của chính quá trình chuyển hóa) và để xem mức độ ảnh hưởng của thay đổi đối với các nhóm phụ nữ khác nhau, biến thiên theo giai cấp, chủng tộc, dân tộc, và tình dục.

Cuốn sách này phân tích một loạt các cuộc chuyển hóa thuộc “làn sóng thứ ba”, diễn ra từ những năm 1970 đến những năm 1990, một số diễn ra nhanh chóng, còn một số khác thì kéo dài, một số đã kí được hiệp ước và một số khác thì không, một số diễn ra ở những nước đã từng có truyền thống dân chủ, trong khi một số khác thì có ít hay không có kinh nghiệm dân chủ để dựa vào. Một số diễn ra trong bối cảnh nhấn mạnh quyền con người và sự tham gia của các nhóm nằm bên lề xã hội, trong đó có phụ nữ. Những cuộc chuyền hóa này lôi kéo phụ nữ tham gia vào việc huy động xã hội ở những mức độ khác nhau và cho thấy mức độ chống đối chế độ độc tài của các nhà hoạt động phụ nữ. Trong một vài trường hợp, chính phủ dân cử giai đoạn hậu chuyển đổi có cảm tình với các cuộc cải cách nhằm tạo điều kiện cho bình đẳng giới có vai trò quan trọng. Trong một số trường hợp, công cuộc chuyển hóa đã mang lại những lợi ích trực tiếp; trong những trường hợp khác, đôi khi không thấy có lợi ích gì. Cũng thường xảy ra sự kiện là lợi ích ban đầu bị tước mất. Nhiều khi, nhiều nhà hoạt động phụ nữ cảm thấy thất vọng trước kết quả của quá trình chuyển hóa vì không mang lại những lợi ích mà người ta mong muốn cho phụ nữ. Kết quả này dẫn một số người tới kết luận rằng các cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ, nói chung, đã bỏ quên phụ nữ (và bỏ quên một số nhóm phụ nữ đặc biệt) và do đó, những lời hứa hẹn của chế độ dân chủ đã không được thực hiện.

Trường hợp Chile cung cấp cho ta một ví dụ tốt về cả lợi ích lẫn những hạn chế. Các nhóm phụ nữ có tổ chức có vai trò quan trọng trong phong trào phản đối Pinochet rộng khắp trong những năm 1980. Các tổ chức nhân quyền và các tổ chức quần chúng cũng lôi kéo được một số lượng lớn phụ nữ, mặc dù không phải tất cả đều là những người tranh đấu vì nữ quyền hoặc thuộc cánh tả[3]. Trước cuộc bầu cử năm 1989, những người hoạt động là phụ nữ đã tổ chức lại để đảm bảo rằng những đòi hỏi của họ đã được đưa vào bản tuyên ngôn của liên minh trung tả đang giành thắng lợi. Hi vọng dâng cao khi chính phủ mới nhậm chức và Bộ phụ nữ (Servicio Nacional de la Mujer, hay SERNAM) được thành lập. Nhưng trái ngược với một số trường hợp khác, ở đây không có hội nghị lập hiến, và trong mười năm đầu sau chuyển hóa, nhiều cuộc cải cách hóa ra là khó thực hiện hơn là người ta từng kì vọng. Ví dụ, mặc dù ở những nước khác trong khu vực, li hôn là hợp pháp, nhưng ở Chile mãi đến năm 2004 mới được hợp pháp hóa[4]. Chile trái ngược hẳn với Nam Phi, ngay sau giai đoạn chuyển hóa, ở nước này dường như các nhà hoạt động nữ đã giành được nhiều mục tiêu của mình – trong đó có cơ chế chính sách về giới và những cuộc cải cách chính sách có liên quan đến quyền sinh sản của phụ nữ[5]. Ở Nam Phi, khá nhiều phụ nữ được bầu vào Nghị viện, và bản hiến pháp mới có những điều khoản về bình đẳng giới. Nhưng trong mỗi cuộc chuyển hóa, các nhà hoạt động là phụ nữ đều đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức khác nhau, cũng như phải đối mặt với những ràng buộc về cơ cấu và thiết chế; những cơ hội và thách thức này làm cho một số cuộc cải cách trở nên khả thi, còn những cuộc cải cách khác thì không. Chương này khảo sát những chiến lược mà các nhà hoạt động sử dụng để đối phó với những thách thức này và bối cảnh mà họ đang hoạt động và nêu bật tầm quan trọng của những nỗ lực quốc tế rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy dân chủ và bình đẳng giới.

Những thách thức trong những năm 1980 và 1990 khác với những thách thức hiện nay ở một số khía cạnh quan trọng. Những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nhà nước đã làm thay đổi sự chia rẽ mang tính ý thức hệ giữa phái tả và phái hữu. Toàn cầu hoá có ảnh hưởng tới mức độ bất bình đẳng và những cuộc cải cách theo đường lối tân tự do đã thu hẹp vai trò của nhà nước, với những hậu quả khác nhau đối với phụ nữ. “Cuộc chiến chống khủng bố” đã làm thay đổi môi trường an ninh, kết quả là quân sự hóa và an ninh được tăng cường. Trong những công cuộc chuyển hóa trước đó, nhiều nhà hoạt động đã dựa vào những liên kết của họ với cánh tả và các hệ tư tưởng, các đảng và thực hành chính trị theo đường lối dân chủ xã hội. Và một số nhà hoạt động quan trọng là phụ nữ đã trở về nước với những ý tưởng và cách tiếp cận mới về nữ quyền. Ví dụ, đảng viên Đảng Xã hội Tây Ban Nha, Carlota Bustelo, khi sống ở Pháp hồi những năm 1960 đã làm quen với các tác phẩm của Simone de Beauvoir và nhà hoạt động nữ quyền kiêm Phó chủ tịch Đảng Xã hội Chile, Adriana Munoz, đã miêu tả “quá trình chuyển hóa chính trị” của mình trong thời gian sống lưu vong ở Áo. Munoz xuất thân “từ xu hướng Marxist-Leninist trong Đảng Xã hội”, nhưng sau khi tham gia hoạt động trong nhóm nữ quyền và bảo vệ môi trường ở châu Âu, bà “bắt đầu hiểu cách làm chính trị khác trước và từ bỏ chủ nghĩa Marxism-Lenininsm”. Khi trở về Chile, bà bắt đầu tổ chức với “những người khác, những phụ nữ cũng trở về từ nước ngoài với tầm nhìn mới về chính trị và về quan điểm, địa vị và vai trò của phụ nữ trong các tiến trình chính trị”.

Hội nghị Phụ nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, năm 1995, đánh dấu cao trào của phong trào phụ nữ quốc tế[6]. Đầu những năm 1990, các phong trào phụ nữ toàn cầu đã thành công trong việc đưa các quyền của phụ nữ trở thành quyền con người và bạo hành phụ nữ là vi phạm nhân quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối cho nhiều nhà hoạt động nữ trong các công cuộc chuyển hóa, nhấn mạnh rằng những đòi hỏi về giới của họ thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Trong một số chế độ độc tài, các nhà hoạt động nữ quyền là một phần của phe đối lập dân chủ tiến hành vận động nhằm chấm dứt những vụ bạo hành do nhà nước thực hiện. Việc liên kết các quyền của phụ nữ và quyền con người đã đưa các vấn đề về giới vào chương trình nghị sự chính trị của nhiều chế độ dân chủ sau chuyển hóa[7]. Ngược lại, các cuộc chuyển hóa ở Đông và Trung Âu đã bác bỏ nhiều chính sách xã hội chủ nghĩa của nhà nước, tức là những chính sách bảo vệ “quyền bình đẳng” và hạn chế tỉ lệ phụ nữ trong nghị viện và hạn chế một cách nghiêm trọng việc tiếp cận với dịch vụ phá thai. Phụ nữ mất việc làm và mất các khoản tài trợ của nhà nước cho việc chăm sóc trẻ con[8]. Hiện nay, các nhà hoạt động nữ đang đối diện với những trở ngại mới, vì số người chấp nhận diễn ngôn về nhân quyền phổ quát đang suy giảm, trong khi phe phản đối các tiêu chuẩn tiến bộ về giới (ví dụ, cải thiện quyền sinh đẻ) đã tăng lên, đặc biệt là từ phái hữu và một loạt các nhóm tôn giáo. Các vấn đề như trang phục của phụ nữ, đi lại và quyền tự trị về thân thể đã trở thành những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nhiều khu vực của thế giới đương đại, nhất là những khu vực mà các trào lưu tôn giáo chính thống có ảnh hưởng đáng kể.

Các mô hình nhân-quả có thể giải thích nhiều sự chênh lệch trong kết quả về giới của những cuộc chuyển hóa thời kì đầu. Xem xét các tác nhân khác nhau tham gia vào từng trường hợp, cấu trúc của cơ hội chính trị trong những cuộc chuyển hóa khác nhau, và chiến lược mà các nhà hoạt động sử dụng sẽ góp phần giải thích những kết quả khác nhau về giới trong các lĩnh vực hiến pháp, bầu cử, bộ máy quản lí hành chính và chính sách. Những mô hình này sẽ giúp chúng ta đánh giá ý nghĩa của những trải nghiệm về quyền của phụ nữ trong những cuộc chuyển hóa đã qua và sự tham gia của họ trong những cuộc chuyển hóa trong hiện tại và tương lai.

Công tác tổ chức của phụ nữ trong quá trình chuyển hòa

Trong hầu hết các trường hợp được xem xét trong tập sách này, phụ nữ là thành phần năng động và công khai của phong trào phản đối của dân chúng đối với chế độ độc tài và họ tham gia cùng với đàn ông trong các cuộc biểu tình quần chúng (như “quyền lực nhân dân” ở Philippines), góp phần làm sụp đổ các chế độ phi dân chủ[9]. Nhưng số phụ nữ tiến hành tổ chức, với tư cách phụ nữ thì ít hơn và biến đổi trong các giai đoạn khác nhau của mỗi quá trình chuyển hóa. Rất nhiều tổ chức phụ nữ khác nhau tham gia vào tiến trình, từ các nhóm tôn giáo và cộng đồng tập hợp xung quanh các vấn đề của khu phố và sự sống còn về mặt kinh tế của các tổ chức nhân quyền và những tổ chức nữ quyền hoạt động công khai hơn. Ở Mỹ Latin, đàn áp trong lĩnh vực chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho việc phụ nữ tham gia tổ chức, đấy là lúc các phong trào xã hội và xã hội dân sự trở thành nơi chống cự và phản đối[10]. Hoạt động của những người phụ nữ trong các tổ chức nhân quyền đòi trả lại cho họ những thành viên trong gia đình đã bị mất tích và hoạt động của phái nữ quyền như biểu tình trong Ngày Quốc tế Phụ nữ, kêu gọi “dân chủ trong nước và trong nhà” là những ví dụ quan trọng đầu tiên về phong phản đối chế độ độc tài Chile của dân chúng[11]. Và, trong một số trường hợp, ví dụ, Madres of the Plaza de Mayo ở Argentina, phong trào hoạt động của phụ nữ đã tạo được ảnh hưởng chính trị quan trọng, nhưng không cần phải đưa các quan điểm nữ quyền lên hàng đầu.

Nhưng ở Brazil, Chile, Philippines và Nam Phi các tổ chức phụ nữ đã đưa các vấn đề nữ quyền vào chương trình nghị sự trước khi diễn ra quá trình chuyển hóa[12]. Theo Sheila Meintjes, một người Nam Phi hoạt động tích cực trong Tổ chức phụ nữ thống nhất ở thành phố Cape Town hồi cuối những năm 1980,

Vào thời điểm chuyển hóa, phụ nữ đã được tổ chức rất chặt chẽ trong các tổ chức chống phân biệt chủng tộc, cả trong các tổ chức của phụ nữ lẫn trong các tổ chức dân sự trong Mặt trận Dân chủ Thống nhất (UDF). Sự kiện rất có ý nghĩa lả, trong UDF, phụ nữ đã đưa ra những đòi hỏi về bình đẳng giới và chuyển hóa mang tính cá nhân. Đấy không chỉ là vấn đề bình đẳng giới, đấy là sự kiện nói rằng phụ nữ cần phải được đối xử một cách thích hợp – cả ở nơi công cộng lẫn trong chốn riêng tư

Jacqueline Pitanguy, một nhà hoạt động nữ quyền người Brazil từ những năm 1970, khẳng định rằng, “phong trào phụ nữ xuất hiện ở Brazil là một trong những phong trào xã hội đầu tiên thực sự làm việc để đưa ra các cuộc thảo luận về những vấn đề về công bằng xã hội và dân chủ, ví dụ, các vấn đề bất bình đẳng của phụ nữ trước pháp luật, đặc biệt là vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và vấn đề quyền sinh sản – và trong phạm vi của môi trường bất bình đẳng”.

Do đó, trong một số cuộc chuyển hóa có thể sắp xếp các vấn đề về giới sao cho chúng cộng hưởng với các diễn ngôn đầy sức mạnh về quyền con người và quyền bình đẳng. Nhưng ở Đông và Trung Âu thì ngược lại, vì nhiều nhà hoạt động là phụ nữ đã bác bỏ phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ như một “ism” (chủ nghĩa) khác và phản ứng chống lại sự áp đặt “quyền bình đẳng của phụ nữ” từ trên xuống gắn với các chế độ xã hội chủ nghĩa sau Thế chiến II[13].

Ở những nơi mà tổ chức của phụ nữ tồn tại chưa lâu và chưa phổ biến rộng rãi, thì giai đoạn tự do hóa đã diễn ra ngay trước và trong quá trình chuyển hóa thường chứng kiến sự gia tăng rất lớn về số lượng các tổ chức phụ nữ – trong đó có cả các tổ chức nữ quyền – ngay cả khi số lượng các tổ chức đã có trước đây còn ít, ví dụ như ở Ghana. Ở Tây Ban Nha, Carlota Bustelo mô tả tình hình hai tuần sau khi Franco qua đời như sau:

Hội nghị Quốc gia đầu tiên vì Giải phóng phụ nữ đã diễn ra một cách bí mật ở Madrid. Có khoảng 500 phụ nữ đến từ khắp mọi miền của đất nước. Cuối cùng, hai tuyên bố khác nhau – bình đẳng về nữ quyền (bình đẳng với nam giới) và khác biệt nữ quyền – đã được chấp thuận, mặc dù các tuyên bố này phù hợp các đòi hỏi cụ thể. Các tuyên bố này được giới thiệu cho các đảng phái chính trị, rồi sau đó được sắp xếp lại hay viết lại, làm cho các đảng này nhận thức được rằng ở Tây Ban Nha cũng có phong trào nữ quyền, và kết quả là phụ nữ đã đưa ra những đòi hỏi mà người ta cần phải tính đến[14].

Ở Indonesia, Đại hội phụ nữ (Women’s Congress) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998, trong giai đoạn chuyển hóa. Phụ nữ từ 25 tỉnh đã tới dự và kết quả là Liên hiệp Phụ nữ vì Công lí và Dân chủ được thành lập[15]. Người sáng lập, Nursyahbani Katjasungkana, thuật lại diễn biến:

Các cuộc biểu tình bắt đầu hầu như mỗi ngày và rồi sinh viên bắt đầu tham gia, ngày càng đông và đến tháng 5 năm 1998 thì chúng tôi tìm cách buộc Soeharto từ chức. Và rồi ý tưởng phải có một tổ chức quần chúng xuất hiện trong đầu. Một lần nữa, tôi lại thảo luận với các nhà hoạt động khác và chúng tôi thành lập ủy ban, trong đó có 12 nhà hoạt động (tôi nghĩ thế) là phụ nữ ở Jakarta để chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ quần chúng đầu tiên, tập trung vào việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Sau đó, tháng 12, trong khi viết lịch sử phong trào phụ nữ của chúng tôi, chúng tôi đã tổ chức đại hội có gần 600 phụ nữ từ khắp mọi miền Indonesia tham gia.

Ở Ghana, những vụ giết phụ nữ diễn ra tràn lan hồi cuối những năm 1990 đã là chất xúc tác cho việc tổ chức phụ nữ[16], dẫn đến việc thành lập các liên minh có cơ sở rộng lớn, ví dụ, Mạng lưới về Quyền Phụ nữ ở Ghana (NETRIGHT) trong thời gian chuẩn bị cuộc bầu cử năm 2000, trong đó, ứng cử viên của phe đối lập, John Kufuor, cuối cùng đã đánh bại người được Jerry Rawlings chỉ định làm người kế nhiệm[17]. Dzodzi Tsikata, người sáng lập NETRIGHT, cho rằng trên thực tế đã có hai quá trình chuyển hóa ở Ghana: Cuộc chuyển hóa thứ nhất, năm 1992, trong đó phụ nữ đóng vai trò rất nhỏ và cuộc thứ hai, năm 2000, trong đó phụ nữ có vai trò tích cực hơn:

Chế độ hiến định dẫn đến việc nới rộng dần các căn cứ pháp lý và nhiều tổ chức nhỏ bắt đầu được thành lập. Nhân dân nghi ngờ nhiều chính sách hơn và ngày càng tự tin hơn vì đây là chính quyền hiến định và mọi người thử tìm hiểu không gian và mở ra thêm một chút, và tôi nghĩ phụ nữ cũng được lợi từ những việc làm như thế. Vì thế, cùng với những không gian khác, các tổ chức phụ nữ bắt đầu tấn công, nhằm thúc đẩy hơn nữa các quyền của phụ nữ và tăng cường sự chú ý đến những vấn đề cụ thể mà họ quan tâm. Có những cuộc thảo luận về nạn bạo hành đối với phụ nữ, coi đây là vấn đề rất lớn. Tất cả các tổ chức đã ý thức hơn một chút về những yếu kém của mình: Nhỏ bé, không phải là tổ chức có đông thành viên, và họ không có khả năng gây ảnh hưởng nhiều đối với nhà nước, và do đó, họ quyết định thành lập các liên minh với nhau nhằm tăng cường ảnh hưởng.

Những trường hợp này cho thấy, ngay cả khi các tổ chức phụ nữ không có đóng góp đáng kể trong việc tạo ra áp lực của xã hội dân sự đối với công cuộc chuyển hóa, tiến trình chuyển hóa tự nó đã góp phần vào việc xuất hiện các tổ chức phụ nữ, trong đó có các liên minh rộng rãi và các tổ chức bảo trợ.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thời kỳ hậu chuyển hóa, nhiều phong trào xã hội của quần chúng, trong đó có các phong trào phụ nữ, đã không còn hoạt động tích cực như trước nữa. Trong nhiều trường hợp, khi các tổ chức phụ nữ tương đối mạnh, kiểu “chính trị như thường thấy” (có lợi cho các đảng hơn là các phong trào xã hội) đã giành được quyền kiểm soát. Ở Brazil, Chile và Nam Phi, các tổ chức phụ nữ đã đánh mất nhiều khả năng lãnh đạo, đấy là khi các nhà hoạt động nữ chuyển sang các cơ quan của nhà nước (trong đó có các bộ phụ nữ mới thành lập) và các cơ quan lập pháp[18]. Teresa Valdes, một nhà hoạt động nữ quyền ở Chile, nhận xét:

Nhiều phụ nữ chuyển từ phong trào phụ nữ sang chính quyền trung ương, sang các bộ, và chính quyền địa phương. Như vậy là, việc thành lập chính phủ dân chủ có tác động tiêu cực đối với phong trào phụ nữ, vì nhiều tổ chức thuộc phái tả không có người lãnh đạo. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế đã chuyển những nguồn lực trước đó vẫn dành cho xã hội dân sự sang cho nhà nước.

Pregs Govender khẳng định rằng, ở Nam Phi, “chuyện đó đã xảy ra với tất cả các tổ chức cùng với các cuộc bầu cử: Lần đầu tiên người ta tham gia chính phủ vào năm 1994 và một số phong trào chính trị, các tổ chức chính trị và các phong trào cộng đồng tham gia vào chính phủ và Nghị viện. Các tổ chức này không còn người lãnh đạo nữa. Và tôi không nghĩ rằng trước đó người ta đã không có kế hoạch thích hợp nhằm giải quyết vấn đề này – không thể lập kế hoạch cho công việc này”.

Chuyên nghiệp hóa – hay “phi chính phủ hoá” – nhiều tổ chức phụ nữ còn lại (và sự phụ thuộc của họ vào các nguồn tài trợ của nhà nước hay tài trợ quốc tế) cũng làm thay đổi đặc điểm của những tổ chức đó, làm cho họ xa rời cơ sở; một số tổ chức được nhà nước thu nạp để cung cấp dịch vụ, và tất cả đều phải cạnh tranh để giành các khoản trợ giúp quốc tế đang ngày càng ít đi[19]. Valdes khẳng định rằng “quan hệ do chính phủ thiết lập với xã hội dân sự, đặc biệt là với các tổ chức phụ nữ, dựa trên điều kiện là chúng tôi là các chuyên gia, chuyên viên kĩ thuật về chủ đề này và rằng chúng tôi rút nội dung chính trị khỏi những đề xuất của chúng tôi”. Tất cả những yếu tố này đã làm suy giảm năng lực hoạt động của các tổ chức phụ nữ.

Nhưng chỉ huy động phụ nữ thì không thể đảm bảo rằng việc tham gia vào chính trị của phụ nữ sẽ gia tăng hay các tiêu chuẩn tiến bộ về giới sẽ được chấp nhận và thực thi. Công tác tổ chức mang tính chiến lược do các tác nhân chính thực hiện – và bối cảnh mang tính thiết chế thuận lợi – là hai tác nhân quan trọng sống còn nếu muốn có được các kết quả tích cực và ngăn chặn được đà suy thoái. Ở một số nơi, các tổ chức phụ nữ thành lập liên minh trước những cuộc bầu cử quan trọng nhất. Thông thường hơn, họ thành lập liên minh rộng rãi nhằm vận động cho các chính sách mới về các vấn đề cụ thể, ví dụ, nạn bạo hành trong gia đình. Các nhà hoạt động về giới cũng lập ra những liên minh chiến lược với phụ nữ (và đàn ông có cảm tình) hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có các cơ quan lập pháp, các chính phủ, các đảng, các tổ chức phụ nữ và các nhóm bảo trợ. Trừ một số ngoại lệ, những phụ nữ này thường xuất thân từ giới tinh hoa chính trị và kinh tế, hoàn cảnh xuất thân như thế tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các nhà lãnh đạo là đàn ông, nhưng cũng có thể dẫn tới sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo nữ và cơ sở của họ. Công tác tổ chức trên cơ sở rộng rãi, đưa phụ nữ xuống đường phố trong quá trình chuyển hóa, sau giai đoạn chuyển hóa khó có thể được lặp lại nhằm tạo ra sự ủng hộ của quần chúng để gây áp lực cho những bộ luật mới về vấn đề giới hoặc để chống lại những hình thức thụt lùi khác nhau từng xuất hiện. Các phong trào của phụ nữ tham gia vào (hay đang nổi lên từ) những cuộc chuyển hóa thường rất hỗn tạp, trong đó có những người phụ nữ với các căn tính về giai cấp, chủng tộc, tính dục và tôn giáo khác nhau. Ở Indonesia, trong số các nhà hoạt động nữ quyền có cả những người phụ nữ thế tục lẫn người có đạo, còn ở Nam Phi, vấn đề chủng tộc và giai cấp là những vấn đề nổi bật[20]. Thenjiwe Mtintso nhớ lại rằng, đối với các nhà hoạt động nữ, “ngay trong chúng tôi cũng có vấn đề chủng tộc. . . Phụ nữ da trắng và phụ nữ da đen, nhưng ngay cả trong số phụ nữ da đen cũng có phân biệt giai cấp”.

Một phần của sự bất đồng là do nguồn gốc, đức tin và trải nghiệm; thường xảy ra xung đột giữa những nhà hoạt động là phụ nữ và các nhóm trong phong trào của phụ nữ về mục tiêu, chiến thuật và chiến lược. Không phải tất cả phụ nữ từng tham gia các cuộc vận động trong quá trình chuyển hóa đều ủng hộ các mục tiêu của phái nữ quyền (ý nghĩa của phong trào nữ quyền là đối tượng của các cuộc tranh luận), đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền sinh đẻ. Ở một số nơi, phong trào nữ quyền bị coi là khái niệm của phương Tây, chỉ liên quan đến phụ nữ thuộc giới “tinh hoa”. Sheila Meintjes nhận xét rằng “trong số các tổ chức phụ nữ chống phân biệt chủng tộc, cũng có ý kiến cho rằng nữ quyền là món hàng nhập khẩu từ phương Tây, không có tác dụng nhiều đối với phụ nữ châu Phi, khác với phụ nữ phương Tây, phụ nữ ở đây không gặp cùng những vấn đề rắc rối như đàn ông”. Ở những nơi khác, đã xảy ra xung đột giữa những người đòi “quyền tự trị” khỏi hệ thống chính trị hiện hữu, coi nó như là mô hình gia trưởng và do đàn ông thống trị, và những người muốn sự tham gia đầy đủ hơn, những người này thường tự coi mình là những nhà hoạt động nữ quyền và đảng viên tích cực.

Ở Braxin và Chile (và ở mức độ nào đó là Tây Ban Nha), sự khác nhau giữa các đảng phái chính trị làm cho các nhà hoạt động là phụ nữ bị chia rẽ theo đường lối của đảng. Teresa Valdes thuật lại:

Nhóm Phụ nữ vỉ cuộc sống (Mujeres por la Vida – nhóm mà tôi tham gia) đã trải qua thời khắc rất khó khăn, vì Đảng Cộng sản và các đảng khác bên phái tả bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 [cần bỏ phiếu ủng hộ hay chống lại Pinochet] – hay nói chính chính xác hơn, họ không đồng ý chấp nhận đường lối mang tính thiết chế của chế độ độc tài, được nêu ra trong bản hiến pháp năm 1980 [được thông qua dưới chính quyền quân sự]. Cho nên, trong nhóm của chúng tôi, chúng tôi đã phải thực hiện hành động rất đáng buồn và rất khó khăn về mặt chính trị: Chúng tôi có thể giữ sự thống nhất của nhóm hay vận động chính trị nhằm khai trừ Đảng Cấp Tiến và Đảng Cách mạng Cánh tả.

Một số tác nhân khác cũng ảnh hưởng tới đến mức độ và hình thức hoạt động của phụ nữ trong những trường hợp được đem ra phân tích. Di sản mang tính thiết chế của các chế độ phi dân chủ (và giới tính mà mỗi chế độ thể hiện) khác nhau khá nhiều. Ví dụ, các chế độ độc tài ở Chile và Tây Ban Nha (và ở mức độ thấp hơn là ở Braxin) có những quan điểm bảo thủ về quan hệ giới, trong khi một số chế độ phi dân chủ khác (mà cụ thể là các chế độ xã hội chủ nghĩa) đã tiến hành những cuộc cải cách pháp luật có lợi cho phụ nữ[21]. Những chế độ dân chủ khác nhau cũng tạo những điều kiện khác nhau cho công tác tổ chức phụ nữ. Các nước xã hội chủ nghĩa không tạo nhiều cơ hội cho công tác tổ chức một cách tự chủ của phụ nữ[22]. Ví dụ, ở Ba Lan, các tổ chức phụ nữ duy nhất được phép hoạt động, như Liên đoàn Phụ nữ (Women’s League), phải được nhà nước cho phép và là một phần của bộ máy của Đảng Cộng sản. Mặc dù một số chế độ độc tài đã vô tình cung cấp không gian cho công tác tự tổ chức, những chế độ khác đã thu nạp một cách thành công các tổ chức phụ nữ quan trọng, làm giảm các tổ chức tự trị khó có khả năng phát triển[23]. Nursyahbani Katjasungkana khẳng định rằng ở Indonesia, “Kowani, tổ chức phụ nữ tiến bộ nhất, có từ trước khi nước này giành được độc lập, đã bị chế độ của Soeharto thu nạp. Và Soeharto tài trợ cho một phong trào phụ nữ mới, Dharma Wanita, một phong trào thúc đẩy quan điểm gọi là Ibuism – ý thức hệ của nhà nước nói rằng “phụ nữ trước hết phải là người vợ, thứ hai là mẹ, thứ ba là người nuôi dạy trẻ con, thứ tư là nhân viên xã hội, và thứ năm mới là người công dân”.

Chuyện đó cũng xảy ở Ghana, ở đây Phong trào Phụ nữ 31 Tháng 12, được nhà nước tài trợ, giữ vai trò chi phối trong nhiều năm, ngay cả khi quá trình chuyển hóa đã bắt đầu[24]. Tsikata khẳng định rằng, ở Ghana,

những tổ chức trực tiếp ủng hộ chế độ hoạt động dễ dàng hơn những tổ chức đứng cách xa một chút hay độc lập hơn một chút. Đến năm 1984 – 1985, tổ chức phụ nữ duy nhất còn lại là Phong trào Phụ nữ 31 Tháng 12, và nằm dưới sự lãnh đạo của phu nhân tổng thống. Tổ chức này có khả năng tiếp cận rất lớn, được nhà nước hỗ trợ, và hưởng tất cả các loại đặc quyền đặc lợi khác, và do đó, nó giữ thế thượng phong trên vũ đài. Các nhà tài trợ còn cung cấp nguồn lực cho tổ chức này và chẳng bao lâu sau, đây là tổ chức duy nhất được báo chí nhắc tới. Vì vậy, theo nghĩa nào đó, tổ chức này chiếm toàn bộ không gian, và nhiều tổ chức phụ nữ cảm thấy khó đưa những vấn đề của họ tới kết quả hay quảng bá cho những hoạt động của mình. Trong một thời gian dài, dường như đây là tổ chức duy nhất có mặt trên vũ đài, khả năng tiếp cận rất lớn của nó chắc chắn có vai trò chính khiến tổ chức này có địa vị thống trị các phong trào phụ nữ ở nước này.

Không gian để người ta lên tiếng về những quan tâm về giới trong phe đối lập đối với chính quyền phi dân chủ cũng khác nhau rất nhiều. Ví dụ, một số đảng và phong trào đối lập – cánh tả và những tổ chức đấu tranh chống lại những vụ xâm phạm quyền con người – có thái độ cởi mở hơn đối với các vấn đề của phụ nữ, mà họ coi là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn về bình đẳng, các quyền và công lí. Những nhà hoạt động là phụ nữ trong một số đảng chính trị, ví dụ, các đảng viên Đảng Xã hội Tây Ban Nha và Chile và một số đảng cánh tả khác, như Đảng Dân chủ-Xã hội Brazil và Đảng Lao động Brazil và Đại hội Dân tộc Phi (ANC) ở Nam Phi, tổ chức một cách rộng khắp các tổ chức riêng cho phụ nữ cũng như trong nội bộ đảng[25]. Carlota Bustelo mô tả lần trở về Tây Ban Nha của mình như sau:

Tôi liên lạc với Đảng Lao động Xã hội Tây Ban Nha (PSOE), chúng tôi đã tạo ra nhóm “Phụ nữ và chủ nghĩa xã hội” trong đảng này, chúng tôi muốn thông qua đó, tạo ảnh hưởng đối với chính sách của đảng về những vấn đề của phụ nữ. Khi thảo luận và hành động, chúng tôi trở thành những người ủng hộ nữ quyền hơn và năng nổ hơn. Thư kí của đảng về giáo dục, Luis Gomez Llorente, thuộc phái tả của PSOE, cung cấp cho chúng tôi một phần ngân sách của ông và khuyến khích chúng tôi cố gắng định hình những nhóm đang xuất hiện. Chúng tôi có thể làm việc này, bằng cách nói chuyện hay giảng bài một cách bí mật trong những quận khác nhau của Madrid và các thành phố khác, và chúng tôi còn tiền để in các tờ rơi và băng “cassette” để truyền bá những tư tưởng nữ quyền của chúng tôi và tạo điều kiện cho những người khác chia sẻ để gia tăng mức độ phổ biến.

Thenjiwe Mtintso (lúc đó là nhà hoạt động lưu vong của ANC/Umkhonto we Sizwe) tuyên bố rằng, trong những năm 1980, những nhóm phụ nữ tích cực trong ANC là “một bước rất quan trọng trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng giới và đưa những đòi hỏi này vào, vì các nhóm này huy động những người phụ nữ từng tham gia trong phong trào giải phóng, và nâng cao ý thức chung của toàn bộ phong trào giải phóng về vị trí, vai trò và địa vị của phụ nữ, và nhu cầu đảm bảo rằng giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới không phải là một sản phẩm phụ”. Adriana Munoz kể lại những sự kiện đã xảy ra ở Chile:

Một số nhà hoạt động nữ quyền nữ tự tham gia các đảng chính trị, trong khi những người khác thì đứng ngoài. Những người tham các đảng phái chính trị nghĩ rằng chúng tôi phải ở ngay bên trong địa điểm, nơi cuộc đàm phán đang diễn ra, vì nếu để cho đàn ông quyết định chương trình của quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ ở Chile, thì chắc chắn là chương trình nghị sự của phụ nữ sẽ không được đưa vào. Vì vậy, chúng tôi đấu tranh để có đại diện ở tất cả các cấp trong đảng – tôi ở trong Đảng Xã hội và Đảng vì Dân chủ. Cùng với những người phụ nữ khác, chúng tôi đã tham gia vào tất cả các ủy ban về chương trình và ủng hộ chương trình nghị sự của phụ nữ và các quyền của phụ nữ.

Một số nhóm văn hoá và tôn giáo truyền thống, ví dụ, Nhà thờ Công giáo La Mã chống lại chế độ độc tài, nhưng ít cởi mở hơn đối với những đòi hỏi về giới (và nhiều khả năng là sẽ huy động để chống lại những đòi hỏi này), như đã từng xảy ra ở Chile và Brazil.

Tốc độ của quá trình chuyển đổi cũng là một yếu tố. Trừ Indonesia và có thể là Philippines, những nước mà chế độ trước đó đã sụp đổ một cách tương đối nhanh, hầu hết các quá trình chuyển hóa được xem xét trong tác phẩm này diễn ra tương đối chậm, trải qua đàm phán và có kí kết, hoặc được “hướng dẫn”, như ở Brazil, Chile, Ghana, Nam Phi, và Tây Ban Nha. Quá trình chuyển hóa được kí kết bao gồm những cuộc đàm phán trong nhóm tinh hóa tương đối hạn chế, nhưng một số cuộc chuyển hóa lại cởi mở hơn nhằm kết hợp những đòi hỏi của các phong trào xã hội. Ở Chile, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha, trong quá trình chuyển hóa, các chế độ cũ và đồng minh của họ vẫn nắm được khá nhiều quyền kiểm soát và các cuộc đàm phán diễn ra một cách kín đáo (hay thậm chí là bí mật), và do đó, có rất ít phụ nữ được tham gia. Ở Brazil và Nam Phi quá trình đàm phán diễn ra tương đối cởi mở hơn và có nhiều người tham gia hơn, và những tổ chức của phụ nữ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn. Những khác biệt này giúp giải thích vì sao đôi khi các phong trào phụ nữ có thể đưa những vấn đề của phụ nữ vào chương trình nghị sự và dẫn đến những thay đổi về chính sách và cải cách thể chế thuận lợi hơn về giới, ở mức độ nào đó; trong khi ở những nơi khác, những cải cách về giới đã bị chững lại hoặc thụt lùi.

Kết quả

Lĩnh vực hiến pháp

Đưa ra mô hình thiết chế là điểm quan trọng trong nhiều cuộc đàm phán trong những cuộc chuyển hóa thông qua đàm phán và kí kết. Trong một số trường hợp, Nghị viện mới được bầu thực hiện chức năng của hội đồng lập hiến và các bản hiến pháp mới được thiết kế nhằm thực hiện các mục tiêu rộng lớn hơn của quá trình chuyển hóa. Trong các trường hợp khác, bản hiến pháp có từ trước hay phiên bản đã chỉnh sửa vẫn được dùng hoặc không có cuộc cải cách hiến pháp quan trọng nào, ví dụ, Chile, ở đây hệ thống bầu cử vẫn hoạt động theo hiến pháp do quân đội áp đặt vào năm 1980. Mức độ can thiệp của các tổ chức phụ nữ vào các quá trình này cũng rất khác nhau. Ở Brazil và Nam Phi, những người phụ nữ có tổ chức tích cực tham gia vào các tiến trình chính thức và trong Nghị viện lập ra Hội đồng Lập hiến và giúp xây dựng những bản hiến pháp chú ý tới giới tính. Ở Tây Ban Nha và Philippines, các tổ chức phụ nữ và những người đấu tranh đòi nữ quyền vận động hành lang từ bên ngoài, nhưng không có nhiều phụ nữ tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế hiến pháp. Hầu như không có sự tham gia của tổ chức phụ nữ trong các cuộc đàm phán hiến pháp ở Chile, diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý (mặc dù ở nước này phong trào phụ nữ hoạt động rất tích cực), phụ nữ cũng không có đóng góp tích cực vào việc soan thảo bản hiến pháp của Ghana. Và mặc dù hiến pháp ở Ba Lan, Indonesia, Philippines và Tây Ban Nha có một số điều khoản về bình đẳng giới, các tổ chức phụ nữ không gây được nhiều ảnh hưởng.

Ở hai nước Brazil và Nam Phi, hiến pháp đã được soạn thảo như là một phần của quá trình chuyển hóa từng bước một, theo thỏa thuận. Ở Nam Phi, việc soạn thảo bản hiến pháp tạm thời là nội dung chính của các cuộc đàm phán đa đảng trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1994, do ANC và chính phủ phân biệt chủng tộc nắm quyền chi phối. Sau khi một vài người phụ nữ tham gia vào những cuộc đàm phán ban đầu trong Hội nghị vì một nước Nam Phi Dân chủ, phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ trong ANC) đã chiến đấu để đảm bảo rằng họ phải có chân trong tất cả các nhóm đàm phán trong các cuộc đàm phán đa đảng diễn ra sau đó. Liên minh Quốc gia của Phụ nữ (WNC), liên minh độc lập rộng rãi của các tổ chức phụ nữ, đã được thành lập[26]. Điều phối viên của WNC giai đoạn 1992-1994, Pregs Govender, khẳng định:

WNC bắt đầu bằng việc Liên hiệp Phụ nữ ANC khởi động cuộc gặp mặt với phụ nữ của các đảng chính trị và các tổ chức khác trong toàn bộ xã hội, từ những quan điểm khác nhau, để xem xét vấn đề phụ nữ không được tham gia quá trình đàm phán và lo sợ rằng, mặc dù phụ nữ đã tích cực đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới phụ nữ và ảnh hưởng tới đời sống của phụ nữ…trên thực tế sẽ hoàn toàn bị loại ra khỏi chương trình và những vấn đề như phi giới tính, bình đẳng giới,…bình đẳng giới thực sự, các quyền kinh tế-xã hội, tự do thân thể và quyền sinh đẻ sẽ không được ghi vào hiến pháp… Sự phối hợp giữa những người tham gia đàm phán, các luật sư, những nhà nghiên cứu tài giỏi, những người có khả năng huy động và xây dựng các phong trào phụ nữ đã liên kết với nhau một cách rất hiệu quả.

WNC có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, lôi kéo được các nhà lãnh đạo truyền thống về quan hệ giữa luật tục và điều khoản về bình đẳng[27]. Sheila Meintjes, thuộc nhóm theo dõi nghiên cứu của WNC, tuyên bố rằng đây là “thời điểm rất, rất quan trọng trong liên minh và chúng tôi có vai trò cực kì quan trọng trong việc đảm bảo rằng luật tục với những điều mà các thủ lĩnh muốn không đứng cao hơn hiến pháp. Họ muốn giữ luật tục, nhưng luật tục làm cho tất cả phụ nữ [người châu Phi] trở thành vị thành niên trước pháp luật”. Bản hiến pháp tạm thời sau đó được Nghị viện mới được bầu trong vai trò Hội đồng Lập hiến xem xét. Các nữ thành viên của Nghị viện, đặc biệt là các đảng viên ANC, đã thành công trong việc thúc đẩy những điều khoản cụ thể – ví dụ, về bạo lực gia đình – được đưa vào cùng với những cam kết chung chung về bình đẳng giới.

Ở Brazil, sau cuộc bầu cử tổng thống dân sự năm 1985, trong giai đoạn từ năm 1986 đến 1988, Nghị viện mới được bầu hoạt động như Hội đồng Lập hiến. Đảng viên của các đảng phái chính trị họp kín với nhau và được lobby bởi (và làm việc cùng) những người phụ nữ hoạt động trong xã hội dân sự. Tổ chức phụ nữ mới trên toàn liên bang, Hội đồng Dân tộc vì Quyền Phụ nữ (Conselho Nacional de Direitos da Mulher hay CNDM), bao gồm các đại diện của cả nhà nước và xã hội dân sự và hoạt động như tổ chức vận động hành lang của phụ nữ; Hội đồng này phối hợp các tổ chức phụ nữ và các nhà hoạt động vì nữ quyền nhằm gây sức ép với Quốc hội lúc đó đang hoạt động như Hội đồng Lập hiến[28]. Jacqueline Pitanguy, chủ tịch CNDM, mô tả cách thức “chúng tôi thành lập bộ phận chuyên trách về hiến pháp. Chúng tôi bắt đầu. . . vươn lên đến cấp tiểu bang…, lập danh sách các nhóm phụ nữ ở mỗi bang để chúng tôi có thể cùng nhau tổ chức để khởi động chiến dịch ở mỗi tiểu bang. Mặc dù đó là chiến dịch của CNDM, nhưng diễn ra ở cấp tiểu bang”. Trong những công việc đã làm có Thư của Phụ nữ, đây là tập hợp những đòi hỏi của các tổ chức phụ nữ, được đưa lên Hội đồng Lập hiến (và từng tiểu bang). Các tổ chức này cũng hoạt động để đảm bảo rằng các thành viên của Hội đồng được vận động một cách bài bản ở khu vực bầu cử, tại địa phương và ở cấp liên bang. Pitanguy mô tả cách “làm việc trực tiếp trong Quốc hội”:

Mỗi ngày chúng tôi đều có mặt trong Quốc hội và chúng tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo các đảng chính trị… Và tôi vẫn nhớ mình đã đi qua những hành lang đó. Không có gì thay đổi. Chúng tôi cũng nhận được điện tín từ các tiểu bang. Chúng tôi thường xuyên liên kết với các nhóm phụ nữ địa phương. Đây không chỉ là chiến dịch cấp liên bang, nó là chiến dịch diễn ra trên toàn quốc. Vì vậy, chúng tôi đến thăm ông đại diện nào đó và thấy rằng ông ta tỏ ra miễn cưỡng về vấn đề này, thế là chúng tôi sẽ liên lạc ngay với nhóm phụ nữ ở tiểu bang cụ thể đó.

Những đại biểu là phụ nữ trong cơ quan lập pháp (còn gọi là vận động hành lang bằng son môi) từ một loạt đảng phái trong Hội đồng cũng cùng nhau hành động và cộng tác với CNDM. Kết quả là, Pitanguy nhận xét rằng 80% đòi hỏi của họ đã được đưa vào hiến pháp năm 1988, và những nỗ lực nhằm củng cố “quyền sống” (tức là chống phá thai – ND) đã bị đánh bại. Nhưng bản Hiến pháp này là tài liệu khó áp dụng, muốn có tác dụng thì cần phải có những điều luật hướng dẫn nữa.

Trong quá trình chuyển hóa theo thỏa thuận và thương lượng của Tây Ban Nha, trong hai năm 1977-1978, Hội đồng Lập hiến dân cử đã thiết kế xong bản hiến pháp mới. Rất ít phụ nữ tham gia vào quá trình này, vốn tương đối kín đáo và do giới ưu tú dẫn dắt, được Adolfo Suarez, lãnh tụ Liên minh Trung tâm Dân chủ (UDC) đồng thời là thủ tướng – lãnh đạo[29]. Một nhóm toàn đàn ông được chọn từ Constituent Cortes (Nghị viện Tây Ban Nha trong giai đoạn giữ vai trò của Hội đồng Lập hiến) soạn thảo bản hiến pháp, ba trong số bảy thành viên của Hội đồng là thành viên của phái trung hữu UCD đang nắm quyền, một người là thành viên PSOE. Hiến pháp đã được đưa ra cho ủy ban hiến pháp của nghị viện; gồm 35 thành viên, trong đó chỉ có một phụ nữ, thảo luận và được cả hai viện – chỉ có 27 phụ nữ – chấp nhận. Các tổ chức đấu tranh vì nữ quyền đã vận động hành lang từ bên ngoài, còn một số nữ nghị sĩ thì hoạt động ở bên trong. Bustelo nhận xét rằng bà đã “hợp tác với nhóm chịu trách nhiệm soạn thảo điều 9 và điều 14, nói về bình đẳng”. Chính vì vậy mà những điều khoản về bình đẳng giới và li hôn đã được đưa vào, mặc dù những cố gắng nhằm thúc đẩy quyền sinh sản và luật về quyền thừa kế của người con trai trưởng mang lại ít thành công hơn[30].

Ở Philippines, bà Corazon Aquino mới được bầu đã bổ nhiệm Ủy ban Hiến pháp gồm 50 thành viên (chưa tới 15% thành viên là phụ nữ, nhưng chủ tịch lại là phụ nữ) để soạn thảo bản hiến pháp mới. Một liên minh rộng lớn của các tổ chức phụ nữ, trong đó có nhóm nữ quyền Gabriela, đã cùng nhau tiến hành vận động hành lang, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng được như ý. Mặc dù có điều khoản về bình đẳng giới, nhưng nó không được sâu rộng như đề xuất của các tổ chức phụ nữ. Điều khoản về bảo vệ đời sống [tức cấm phá thai (pro-life) dựa trên lập luận: Giết người vô tội là sai, mà bào thai là người vô tội, do đó phá thai là sai lầm; còn quyền phá thai là pro-choice – ND] cũng đã được thông qua. Điều này được nhóm vận động hành lang của Giáo Hội và các tổ chức phụ nữ pro-life ủng hộ rất mạnh; nhưng để nhượng bộ cho các tổ chức phụ nữ khác, điều này đề cập tới quyền sống của cả người mẹ cũng như thai nhi ngay từ lúc thụ thai[31].

Ở Indonesia, cải cách hiến pháp diễn ra từng bước một. Một số phụ nữ đại diện cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức phụ nữ được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Nhân dân (PCA), Hội đồng này đã bắt đầu thực hiện thay đổi trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2002, còn các nhà hoạt động nữ quyền thì tiến hành những biện pháp nhằm đảm bảo rằng nguyên tắc bình đẳng về cơ hội và không kì thị (affirmative action) được đưa vào cải cách hiến pháp, nhưng có rất ít thành tựu rõ rệt. Nursyahbani Katjasungkana, thành viên của PCA với tư cách là đại diện của các tổ chức luật sư, kể lại rằng, học được từ kinh nghiệm của Nam Phi, họ đã “tìm cách đưa vào hiến pháp một chương đặc biệt nói về nhân quyền, trong đó có nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng về cơ hội, và không kì thị”.

Ở cực bên kia, phụ nữ không được tham gia vào quá trình soạn thảo bản hiến pháp ban đầu, do quân đội Chile đưa ra vào năm 1980; vì vậy, đây không phải là văn kiện có sự thông cảm về giới. Phụ nữ cũng không tham gia vào các cuộc tái đàm phán tối thiểu (họp kín) – sau cuộc trưng cầu dân ý – giữa các đảng chính trị then chốt và chính phủ quân sự, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử nghị viện, năm 1989. Phụ nữ đã bị loại ra, mặc dù nhiều tổ chức phụ nữ đã có vai trò tích cực, trong đó có các tổ chức yểm trợ hoạt động tương đối lâu dài, như tổ chức Mujeres por la Vida và Women’s Concertación, được thành lập nhằm phản ứng trước sự kiện là có rất ít phụ nữ được lựa chọn để cạnh tranh trong các cuộc bầu cử đó, nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình nghị sự của Concertación[32].

Ở Ghana, hiến pháp mới được chấp bút năm 1991 trong Hội đồng Tư vấn do chế độ của Rawlings lập ra ngay từ giai đoạn đầu của quá trình chuyển hóa từ trên xuống. Vì vậy, chỉ có vài tổ chức phụ nữ tìm cách gây ảnh hưởng đối với tiến trình này và các vấn đề giới tính không được đưa vào văn kiện cuối cùng. Dzodzi Tsikata nhớ lại, “chúng tôi không đưa được nhiều vấn đề vào hiến pháp. Chúng tôi không tích cực tham gia vào quá trình xây dựng hiến pháp. Không có đủ các nhà hoạt động là phụ nữ, và tôi không nhớ là đã có những cuộc thảo luận về hiến pháp”.

Ở Ba Lan, quá trình chuyển hóa từ nhà nước xã hội chủ nghĩa diễn ra trong bối cảnh hơi khác một chút, các tổ chức phụ nữ cũng không có tác động đáng kể đến quá trình soạn thảo bản hiến pháp năm 1997, mặc dù một số tổ chức phi chính phủ của phụ nữ – Trung tâm Quyền Phụ nữ (Women’s Rights Center) – đã có những kiến nghị[33]. Văn kiện cuối cùng có các điều khoản đảm bảo quyền bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, nhưng đây là những điều khoản khó thực thi, vì không được những bộ luật cụ thể hay luật dân sự hậu thuẫn; ở một số lĩnh vực, ví dụ như trong luật lao động, luật pháp mâu thuẫn trực tiếp với hiến pháp. Cũng như ở các nước Đông Âu khác, sau nhiều tranh cãi và tranh luận, hiến pháp mới có điều khoản về quyền sống. Giáo hội Công giáo đã thành công trong việc đưa điều khoản về bảo vệ bào thai, tòa bảo hiến sau đó đã ủng hộ[34].

Lĩnh vực bầu cử

Mức độ tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp thời hậu chuyển đổi đã có những thay đổi đáng kể. Thời kì đầu, đại diện là phụ nữ ở Brazil, Chile, Ghana, Indonesia, Ba Lan và Tây Ban Nha là khá thấp (khoảng 10% hoặc ít hơn); Nam Phi là ngoại lệ đáng chú ý với 27,7% đại biểu trong các cơ quan lập pháp là phụ nữ. Như thường thấy trong nhiều cuộc chuyển hóa thuộc sóng thứ ba, cùng với thời gian, số phụ nữ được bầu vào các cơ quan lập pháp quốc gia đã tăng lên, đặc biệt là những nước có quy định tỉ lệ nam nữ. Ví dụ, ở Nam Phi, trong cuộc bầu cử năm 1994, ANC quy định hạn ngạch là 33%. Ở những nước khác, hạn ngạch về bầu cử, thường được đưa vào trong các cuộc cải cách thiết chế quan trọng. Tuy nhiên, ở Brazil, hạn ngạch được thiết kế và thực hiện kém đã tạo được ít ảnh hưởng đến tỉ lệ đại diện của phụ nữ – thực vậy, ở Thượng viện, tỷ lệ phụ nữ cao hơn (không có hạn ngạch về giới) so với Hạ viện (có hạn ngạch)[35]. Tỷ lệ đại diện của phụ nữ còn liên quan đến bản chất của hệ thống bầu cử và mức độ thiết chế hóa các đảng chính trị[36]. Các đảng cánh tả thường đề cử và bầu nhiều phụ nữ hơn các đảng cánh hữu, vì những hệ tư tưởng mang tính cào bằng của họ làm cho họ dễ áp dụng những biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy việc lựa chọn và chấp nhận đại diện của những nhóm từng bị gạt ra ngoài lề và đảm bảo một môi trường có thiện cảm hơn đối với chủ thuyết nữ quyền.

Nhưng chúng ta không được chỉ nhìn vào số đại diện của phụ nữ. Xem xét mức độ mà các nhà lập pháp “hành động vì phụ nữ (đại diện thực sự) trong những quá trình chuyển hóa khác nhau cũng quan trọng không kém. Việc này có thể diễn ra dưới vài hình thức. Những nhà lập pháp là phụ nữ có thể đưa ra các dự luật nhằm củng cố các quyền của phụ nữ và bình đẳng giới hay tìm cách ngăn chặn việc thực hiện các biện pháp phản tiến bộ. Họ cũng có thể tham gia vào việc tổ chức chéo giữ các đảng trong cơ quan lập pháp hay lập ra các liên minh với các tổ chức phụ nữ trong xã hội dân sự. Khả năng đại diện có thực chất cũng thay đổi tùy theo từng nước. Ví dụ, ở Ghana, ít phụ nữ được dân bầu, chẳng mấy người có niềm tin vào nữ quyền và ít người có quan hệ với các tổ chức phụ nữ bên ngoài cơ quan lập pháp, vì vậy, có rất ít hành động về các vấn đề về giới. Dzodzi Tsikata tuyên bố rằng thiếu liên kết vì “đấy là con đường một chiều … Có những nhà hoạt động tìm cách tiếp cận với những phụ nữ trong Nghị viện, nhưng từ phía Nghị viện thì không”.

Ở Brazil, Chile, Indonesia và Tây Ban Nha, ít phụ nữ được dân bầu, nhưng một số nhà hoạt động nữ quyền chủ chốt đã thúc đẩy những đạo luật tiến bộ về giới; thành công của họ phụ thuộc phần lớn vào việc chính phủ nắm quyền có thiện cảm với họ hay không[37]. Nursyahbani Katjasungkana tuyên bố rằng khi bà có chân trong Nghị viện Indonesia, từ năm 2004 đến năm 2009, một nhóm nhỏ những người phụ nữ tiến bộ thuộc đảng của bà và mấy người khác (một số từng là những nhà hoạt động trong xã hội dân sự) đã tìm cách ban hành ít nhất 14 bộ luật. Ở Brazil và Nam Phi, công tác tổ chức của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp đã chứng tỏ vai trò quan trọng ở một số thời điểm nhất định, ví dụ, những người “vận động hành lang bằng son môi” đã giúp định hình bản hiến pháp của Brazil. Trong Nghị viện đa sắc tộc đầu tiên của Nam Phi, các nữ nghị sĩ, nhiều người từng hoạt động trong xã hội dân sự và tổ chức nữ quyền (và những người đã từng biết nhau thông qua quá trình hoạt động trước, ví dụ, trong WNC) đã tiến hành những cuộc họp liên đảng, thời gian đầu đã có hoạt động tích cực về những vấn đề về giới, trong đó có nạn bạo hành[38]. Thenjiwe Mtintso, một nghị sĩ thuộc ANC có chân trong Nghị viện đầu tiên, khẳng định tác động lâu dài của WNC:

Chúng tôi tổ chức cuộc họp kín của phụ nữ từ những đảng chính trị khác nhau để tìm nhau. Và sau đó chúng tôi lập ra tổ chức gọi là Ủy ban Giám sát Chất lượng Sống và Địa vị của phụ nữ (Joint Monitoring Committee on the Quality of Life and Status of Women), mà đây không phải là ủy ban thông thường, nhưng chúng tôi khẳng định rằng đã có Ủy ban đó. Những việc này, diễn ra trong Nghị viện, là nhờ những việc chúng tôi đã làm trước đây: đàm phán, liên minh phụ nữ và bản Tuyên ngôn của phụ nữ.

Các nữ nghị sĩ theo phái nữ quyền thường có quan hệ rộng rãi hơn với các tổ chức phụ nữ bên ngoài cơ quan lập pháp và có nhiều khả năng là họ là đảng viên của các đảng cánh tả. Kỉ luật đảng và cách thức hoạt động của hệ thống đảng cũng có thể có ảnh hưởng: Công tác tổ chức thành nhóm những người từ các đảng khác nhau có thể thuận lợi hơn nếu hệ thống có sự rạn nứt và kỉ luật đảng lỏng lẻo. Ví dụ, việc thành lập nhóm phụ nữ từ thành viên các đảng khác nhau ở Brazil là tương đối dễ dàng, nhưng ở Nam Phi thì khó hơn, đặc biệt là sau mấy năm đầu tiên, khi kỷ luật đảng và lòng trung thành trở nên mạnh mẽ hơn. Cũng còn vài ví dụ về những nhóm phụ nữ hoạt động hiệu quả bên trong các đảng, trừ ANC ở Nam Phi. Ủy ban chính thức, tên là Uỷ ban giám sát Chất lượng Đời sống và Địa vị của Phụ nữ cũng được lợi do công tác lãnh đạo hiệu quả của những nhà hoạt động nữ quyền chủ chốt, như Pregs Govender trong Nghị viện phi sắc tộc đầu tiên; kết quả là, Govender tin rằng 80% các đạo luật về giới trong chương trình nghị sự đã được thông qua trước năm 1999.

Tổ chức các nhóm liên đảng cũng dễ dàng hơn khi bàn về số một số vấn đề nhất định, như bạo lực trong gia đình, nhưng các vấn đề khác như quyền sinh sản – phụ nữ (và cả nam giới) lâm vào tình trạng chia rẽ. Ví dụ: Ở Chile, phụ nữ, cả phái tả lẫn phái hữu, có thể lập ra các liên minh nhằm ủng hộ những biện pháp cưu mang trẻ em, mặc dù giữa họ có những khác biệt sâu sắc về quyền sinh sản. Ở Indonesia, các nữ nghị sĩ nữ có thể liên kết với nhau về nhiều vấn đề, nhưng về dự luật chống phim ảnh khiêu dâm thì lại có sự chia rẽ giữa các nữ chính trị gia thế tục hay Hồi giáo ôn hòa với những người bảo thủ hơn[39]. Đảng của Nursyahbani Katjasungkana cũng chia rẽ về dự luật này, chính bà cũng không chấp nhận dự luật; đối với bà, “thời kì khó khăn nhất mà tôi trải qua trong nghị viện là giai đoạn thảo luận dự luật đó”.

Lĩnh vực quản lí hành chính

Hình thức và mức độ thay đổi về giới trong lĩnh vực quản lí hành chính trong giai đoạn hậu chuyển đổi ở những nước khác nhau cũng khác nhau. Ở một số nước, một số Cơ quan phụ trách chính sách cho phụ nữ (women’s policy agencies – WPA) hay, theo cách nói của Liên Hiệp Quốc, “cơ chế dành cho phụ nữ”) đã được các chế độ cũ thành lập nhằm để đáp ứng trước đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc, trong những năm 1970. Ghana và Philippines đã làm như thế; ở Philippines, Imelda Marcos lãnh đạo cơ quan này [Ủy ban Quốc gia về vai trò của phụ nữ Philippines]. Sau một thời gian, tất cả các nước đều thành lập các WPA, đều thiết kế lại hay thay thế các cơ quan đã có, việc này được thực hiện một cách dễ dành hơn vì môi trường quốc tế thuận lợi, nhất là sau hội nghị do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, năm 1995. Nhưng các WPA được thiết lập vì những lí do khác nhau, khác về cơ cấu, quyền hạn và nguồn lực – và do đó, có khả năng khác nhau trong việc đại diện cho quyền lợi của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách. Ví dụ, ở Đông Âu, một số chính phủ thành lập WPA, một phần là để tạo điều kiện cho họ tham gia vào EU. Muốn đánh giá lợi ích và tính hiệu quả mà các cơ quan này mang đến cho phụ nữ, chúng ta phải xem xét những cơ quan được lập ra như thế nào (và vì sao), các nguồn lực được phân bổ, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các nhóm bên ngoài nhà nước, cũng như bối cảnh mà các cơ quan này đang hoạt động.

Ở Brazil, Chile và Nam Phi, các WPA được thành lập, đấy là kết quả trực tiếp của các hoạt động của phụ nữ có tổ chức trong và trước khi diễn ra quá trình chuyển hóa; trong khi đó, ở Tây Ban Nha, cơ quan này được thành lập năm 1983 (do Carlota Bustelo lãnh đạo), sau khi chính phủ xã hội được bầu. Các chính phủ mới được bầu có thiện cảm với phụ nữ lập ra những cơ chế này, đấy là kết quả của chiến dịch vận động của các nhà hoạt động là phụ nữ trong các đảng phái chính trị, trong các cơ quan lập pháp và các tổ chức phụ nữ. Ở Chile, trước khi tiến hành tổ chức tổng tuyển cử thành lập nước Chile mới, tổ chức Women’s Concertación đã kêu gọi thành lập Bộ Phụ nữ[40]. Teresa Valdes, nhà hoạt động nữ quyền và cũng là nhà nghiên cứu, nhớ lại một trong những ủy ban phụ trách việc chuẩn bị chương trình của phụ nữ trong khuôn khổ Women’s Concertación: “xây dựng đề xuất nhằm tạo ra khuôn khổ mang tính thiết chế cho phụ nữ – được hiểu là một bộ hay một cơ quan. Chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm của Instituto de la Mujer ở Tây Ban Nha, Hội đồng Phụ nữ ở Brazil và những người bạn khác, lưu vong từ nước ngoài trở về, bài học này là cực kì quan trọng”. Ở Nam Phi, kinh nghiệm của các nước khác được xem xét một cách chi tiết, kết quả là đã đưa ra được một gói các đầu mối trong các cơ quan nhà nước và Nghị viện.

Ở Ghana, Tổng thống Kufuor thành lập Bộ Phụ nữ mới (Bộ Phụ nữ và Trẻ em – MOWAC) trái ngược với mong muốn của các tổ chức phụ nữ[41]. Tsikata nhận xét rằng sau những cuộc vận động của phụ nữ chống chính phủ, trước cuộc bầu cử năm 2000:

Chính phủ mới nhậm chức và nói rằng họ sẽ thưởng cho phụ nữ bằng cách lập ra bộ này, và phản ứng của chúng tôi gây ra căng thẳng vì các nhóm phụ nữ, dựa vào kinh nghiệm của các bộ khác trên khắp lục địa này, nói rằng cái chúng tôi cần không phải là một bộ và các bộ thường yếu kém vì không có ngân sách. Chúng tôi đưa ra tất cả những lập luận này, và tôi nghĩ người sẽ được được chỉ định làm bộ trưởng không đánh giá cao nỗ lực của chúng tôi, nhằm giải tán bộ này ngay trước khi nó được thành lập. Vì vậy, tình hình tiếp tục căng thẳng và trong một thời gian dài mọi việc diễn ra rất dở.

MOWAC, do một bộ trưởng có thái độ bài nữ quyền lãnh đạo, đã vật lộn với các tổ chức phụ nữ trong suốt nhiệm kì của mình, từ năm 2001 đến năm 2005. Nhưng ngay cả những cơ quan được các nhà hoạt động là phụ nữ ủng hộ cũng đã gặp một số vấn đề. Với ít nguồn lực và ít quyền, WPA thường xuyên phải đối mặt với những kì vọng quá cao và đôi khi với những quan hệ rắc rối với các nhóm bên ngoài nhà nước, trong khi việc kiểm soát các nguồn lực của họ lại đóng góp cho quá trình phi chính phủ hoá các tổ chức phụ nữ, vốn dựa dẫm nhiều vào ngân sách của chính phủ và tài trợ quốc tế hơn là vận động ở cấp cơ sở. Bối cảnh chính trị cho các hoạt động của WPA cũng quan trọng. Trong những hệ thống chính trị mới được thiết chế hóa ở mức thấp, những thay đổi của chính phủ và các xu hướng tư tưởng rộng lớn hơn có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực. Các chính phủ mới, hay ít có thiện cảm có thể không cung cấp hay rút ​​bớt các khoản tài trợ, hoặc hạ cấp WPA. Cắt giảm ngân sách, lờ đi và đẩy ra ngoài lề làm suy yếu cơ chế về giới ở Nam Phi (theo quan điểm của Thenjiwe Mtintso, người lãnh đạo đầu tiên của Ủy ban Bình đẳng giới). Tình hình đó cũng diễn ra ở Brazil, hồi cuối những năm 1980, dẫn đến sự kiện là Pitanguy và các đồng nghiệp của bà đã từ chức; và cũng diễn ra nhiều lần ở Ba Lan với những vụ thay đổi thường xuyên trong chính phủ, đặc biệt sau khi Liên minh Bầu cử Đoàn kết đánh bại Liên minh Dân chủ cánh tả vào năm 1997[42]. Vì vậy, WPA có nhiều khả năng trở nên có hiệu quả nếu nó là một phần của một chính phủ tương đối có thiện cảm với chương trình nghị sự về bình đẳng giới, ví dụ, ở Chile, Tây Ban Nha và Nam Phi; thậm chí dù lúc đó có thể nó đang phải đối mặt với một số vấn đề quan trọng.

Cải cách chính sách về giới

Các quyền của giới không phải là phạm trù thuần nhất. Có thể dễ dàng thực hiện cải cách chính sách tại một số khu vực ít tranh cãi về quyền của giới hơn các khu vực khác[43]. Nói chung, bạo lực trên cơ sở giới tính, li hôn, hạn ngạch trong bầu cử và quyền sở hữu dễ giải quyết hơn là quyền sinh đẻ. Một số quyền của giới bị phản đối mạnh mẽ, đặc biệt từ những người tự coi mình là phái hữu hay từ các tổ chức tôn giáo, coi cải cách như là mối đe dọa tính thiêng liêng của gia đình. Cải cách phá thai đã chứng tỏ là công việc gây chia rẽ trong cộng đồng chính trị thời hậu chuyển hóa và không thể thực hiện được, mặc dù đã tiến hành vận động và vận động hành lang. Trong số các nước được phân tích trong cuốn sách này, chỉ có Nam Phi thực hiện được cuộc cải cách này ngay sau giai đoạn chuyển hóa, còn Tây Ban Nha thì làm được sau đó một thập kỉ (sau chiến thắng của chính phủ xã hội). Cũng có những ví dụ về sự thụt lùi. Ở Đông Âu, như đã nói, phụ nữ mất nhiều quyền mà họ đã được hưởng, it nhất là trên giấy tờ, dưới thời xã hội chủ nghĩa. Ở Ba Lan, khả năng tiếp cận với phá thai – từng được phổ biến tương đối rộng – năm 1993, đã bị hạn chế nghiêm trọng[44]. Và mặc dù có một số nỗ lực tự do hóa vào năm 1996, tỷ lệ nạo thai vẫn ở mức thấp. Ở Indonesia, chương trình phân quyền làm gia tăng những hạn chế đối với phụ nữ ở một số địa phương, nơi mà những biện pháp có tính địa phương (thường là có tính Hồi giáo) được áp dụng[45]. Nursyahbani Katjasungkana, người sáng lập tổ chức của phụ nữ gọi là Hội Phụ nữ Indonesia vì Công lí (Asosiasi Perempuan Indonesia for Keadilan – APIK), tuyên bố rằng “theo Ủy ban Quốc gia về Bạo hành Phụ nữ, có khoảng 250 luật lệ địa phương cứng nhắc, phân biệt đối xử với con người và 78 luật lệ phân biệt đối xử với phụ nữ; ví dụ, về quần áo, mạng che mặt, hay phụ nữ không được đi ra khỏi nhà mà không có người họ hàng là nam giới hộ tống, hay nhận giấy tờ về đất đai hay căn cước nếu họ không có mạng che mặt”. Thậm chí thay đổi về quyền sở hữu và các biện pháp để chống lại bạo lực gia đình đôi khi cũng bị phản đối quyết liệt.

Ở những nơi mà cải cách được thực hiện, những sáng kiến ​​của những người phụ nữ có vai trò chính trong việc tạo ra các liên minh trong bộ máy quản lí hành chính, trong các cơ quan lập pháp, xã hội dân sự, cũng như bối cảnh chính trị thuận lợi – đặc biệt là chính phủ có thiện cảm đang nắm quyền lực – là những yếu tố quan trọng[46]. Luật về bạo hành gia gia đình minh họa cho luận điểm này. Đó là vấn đề tìm được tiếng nói chung với những nhà hoạt động nữ quyền và có sự ủng rộng rãi của phụ nữ từ các giai cấp và các hệ tư tưởng khác nhau. Từ đầu thập kỉ dành cho Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc, 1976-1985, quốc tế ngày càng đồng thuận về việc cần phải đương đầu với vấn đề này và cần các cơ chế để làm việc này. Nhưng các chính phủ khác nhau thời hậu chuyển hóa áp dụng luật chống bạo hành gia đình và thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn và cải thiện hiện tượng này với mức độ và tốc độ khác nhau. Trong hầu như tất cả các trường hợp, người ta đã lập ra liên minh các nhà hoạt động, nhưng một số liên minh hoạt động hiệu quả hơn một số khác. Ở Ghana, năm 2002, một loạt các tổ chức đã lập ra liên minh các nhà hoạt động chống bạo hành gia đình. Chiến dịch đã ngưng trệ, mặc dù được sự ủng hộ của Bộ trưởng tư pháp, nhưng một trong những người phản đối chính lại là người lãnh đạo, bị nhiều người phản đối của MOWAC, Bộ trưởng các vấn đề của phụ nữ. Mãi đến năm 2007 bộ luật này mới được thông qua, sau khi vị bộ trưởng trẻ hơn (tiến bộ hơn) lên thay cho bà này[47]. Tsikata nhận xét rằng quan hệ với MOWAC:

đã trở nên xấu hơn xung quanh cuộc đấu tranh liên quan đến luật về bạo hành gia đình, bởi vì chuyện bộ trưởng lại là người yêu cầu phải để ý tới những điều khoản không tốt cho đàn ông trong bộ luật này là chuyện kì lạ. Phải mất 7 năm, liên minh mới làm cho người ta thông qua bộ luật này. Tất cả các nhóm đều rất kiên trì và liên tục thúc đẩy, nhưng chính phủ không cảm thấy nao núng trước sức mạnh và đòi hỏi của liên minh, và phải một thời gian sau họ mới thông qua bộ luật này.

Ở Chile, năm 1994, một liên minh đôi khi gặp rắc rối của những người hoạt động nữ quyền bên trong và bên ngoài Nghị viện và Bộ phụ nữ SERNAM đã giành được thành công trong việc thông qua luật bạo hành gia đình[48]. Nhưng các tổ chức phụ nữ và các nhà lập pháp là những người hoạt động nữ quyền tin rằng dự luật cuối cùng đã bị SERNAM làm cho nhẹ bớt đi, vì SERNAM hoạt động trong môi trường chính trị bảo thủ và nắm dưới ảnh hưởng của các đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo trong liên minh Concertación cầm quyền, những người này lại bị Giáo hội Công giáo áp lực. Adriana Munoz, phó chủ tịch Đảng xã hội, người đề xuất dự thảo ban đầu, khẳng định:

Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là tình hình của liên minh trung tả. Chúng tôi đã thông qua luật về “bạo hành gia đình”. Luật mà tôi trình bày là cấm bạo hành phụ nữ (nghĩa là bạo lực đối với phụ nữ vì giới tính của họ). Chúng tôi không thể làm được vì những người phụ nữ Dân chủ Thiên chúa giáo cảm thấy cần nhấn mạnh vấn đề với tư cách một vấn đề gia đình. Chúng tôi phải nhượng bộ. Đây là nhượng bộ, chúng tôi không thể tiến lên được vì đơn giản là chúng tôi không có đủ phiếu trong Nghị viện. Phái hữu là rào cản – phe đối lập vĩnh viễn – và những người phụ nữ trong phong trào nữ quyền và cánh tả lo lắng để có phiếu của các đảng viên Dân chủ Thiên Chúa giáo, để ít nhất thì cũng đạt được thành quả cao nhất trong khả năng.

Theo Nursyahbani Katjasungkana,

ở Indonesia, thật may là Luật Bạo hành Gia đình được APIK chấp bút. Tôi và những người khác (tất nhiên, chúng tôi đã hỏi các nhóm khác và các nhà nghiên cứu) đã sử dụng “tam giác trao quyền” – những người phụ nữ làm công tác nghiên cứu, các nhà hoạt động và các nữ chính trị gia phải cộng tác với nhau vì thay đổi. Và chúng tôi đã thành lập liên minh nhằm quảng bá Luật Bạo hành Gia đình. Nhưng ngay từ đầu, thách thức xuất phát từ các nhóm tôn giáo vì họ nói rằng luật này sẽ phá hoại sự hòa hợp trong gia đình và khái niệm về gia đình. Từ dự thảo, năm 1997, cho đến khi được ban hành, năm 2004, là 7 năm.

Trong giai đoạn chuyển hóa, Nam Phi và Brazil thông qua các biện pháp chống bạo hành gia đình tương đối dễ dàng hơn. Ở hai nước này, trước và trong quá trình chuyển hóa, các nhà hoạt động đã đưa bạo lực gia đình vào chương trình nghị sự. Ở Nam Phi chương trình nghị sự do WNC, tức là nhóm các phụ nữ tích cực trong ANC và Liên đoàn Phụ nữ ANC soạn thảo và theo dõi. Một tài liệu về đề tài này đã được ANC đệ trình cho các cuộc đàm phán về hiến pháp và, như một phần của quá trình chuẩn bị Hội nghị Phụ nữ ở Bắc Kinh; chính phủ ANC cam kết hành động cùng với mạng lưới quốc gia. Ủy ban Nghị viện phụ trách các vấn đề của phụ nữ khẳng định rằng, phải thông qua biện pháp ngay trong Nghị viện đầu tiên và nhóm phụ nữ ANC trong Nghị viện đệ trình kiến nghị của mình[49]. Ở Brazil, điều khoản chống bạo hành gia đình đã được đưa vào hiến pháp và một số sáng kiến ​​cấp liên bang và cấp bang, ví dụ, trạm cảnh sát của phụ nữ ở Sao Paulo, được thành lập; đấy là kết quả của hoạt động của phái nữ quyền cả bên trong lẫn bên ngoài các đảng chính trị và nhà nước; những người hoạt động nữ quyền ở Brazil cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa vấn đề lên bình diện quốc tế[50]. Nhưng sự suy yếu của Hội đồng Quốc gia về Quyền Phụ nữ trong giai đoạn cuối những năm 1980 có tác động tiêu cực đối với hiệu quả của những biện pháp này. Tương tự như các đạo luật khác và các biện pháp được ghi trong hiến pháp, các đạo luật liên quan tới quyền của phụ nữ phụ thuộc vào việc chúng có được thực thi một cách hiệu quả hay không; những trường hợp được xem xét trong tác phẩm này có mức độ hiệu quả rất khác nhau.

Kết luận: Những bài học đã được học?

Tất cả những trường hợp này đều cho thấy tầm quan trọng của công tác tổ chức phụ nữ. Valdes khẳng định rằng, ở Chilê, “nếu không có sự thể hiện sức mạnh như thế trên đường phố và trong những tình huống khác nhau, thì không thể có cơ hội gặt hái được những thành quả mà chúng tôi đã gặt hái được từ quá trình chuyển hóa… Sự liên kết giữa xã hội dân sự và thế giới chính trị tạo ra sức mạnh và khả năng để cho các đề xuất của phụ nữ về dân chủ trở thành một phần của chương trình của chính phủ Patricio Aylwin”. Pitanguy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tổ chức các phong trào phụ nữ quần chúng trong xã hội dân sự Brazil. Nhưng nhiều người trong số những người được phỏng vấn còn nhấn mạnh nguy cơ đánh mất liên lạc với cơ sở quần chúng của các phong trào phụ nữ, và đánh mất động lực và cam kết khi các nhà lãnh đạo là phụ nữ giữ các chức vụ trong chính phủ. Tiếp tục động viên phụ nữ, một trong những thách thức khó khăn nhất, đã chứng tỏ là tác nhân quan trọng nếu muốn có những kết quả tích cực về giới tính trong dài hạn.

Việc xây dựng liên minh rộng lớn, liên kết hàng loạt tác nhân khác nhau – trong đó có giới hàn lâm, các nhà hoạt động phong trào và các chính trị gia (“Liên minh tay ba” ở Nam Phi) – cũng rất quan trọng, nhằm tập hợp những kiến thức đa dạng lại với nhau (ngay cả khi, như ở Nam Phi và Indonesia, quá trình này đã hoàn thành). Nhưng Nursyahbani Katjasungkana nhấn mạnh rằng, mặc dù có những khác biệt, những người đấu tranh cho nữ quyền thế tục và Hồi giáo đã làm việc cùng nhau. Pregs Govender khẳng định sức mạnh của WNC và nhấn mạnh tầm quan trọng “của khả năng bổ sung kĩ năng, kinh nghiệm, và kiến thức chuyên môn – và đánh giá tất cả những đóng góp khác nhau và cùng nhau làm việc dù có những chia rẽ” của liên minh này. “Nhiều người được phỏng vấn (ví dụ, từ Nam Phi) nhấn mạnh rằng, có cơ hội làm việc cùng nhau trước giai đoạn chuyển hóa làm cho việc hợp tác trở nên dễ dàng hơn, ngay cả giữa những người phụ nữ có nguồn gốc xuất thân và quan điểm khác nhau.

Một việc làm quan trọng nữa của các liên minh rộng là xây dựng chương trình nghị sự chung có sức lôi cuốn (và động viên) phụ nữ thuộc các giới khác nhau. Lí tưởng là, các liên minh có nền tảng rộng rãi và các tổ chức bảo trợ bao gồm cả những nhà hoạt động nữ quyền và những người phụ nữ không tham gia phong trào nữ quyền và những người phụ nữ có quan điểm chính trị và tôn giáo khác nhau – đây là cơ sở của các chiến dịch có hiệu quả xung quanh các vấn đề cụ thể ở Chile, Indonesia, và Nam Phi. Meintjes nhận xét rằng, bên trong WNC, “chúng tôi nhận ra rằng quyền bình đẳng giới đã liên kết chúng tôi lại với nhau. Có những điểm khác biệt mà tất cả chúng ta có thể sống chung, và chúng tôi phải sống với chúng vì đó là chính trị. Nhưng nếu chúng tôi không đưa được bình đẳng giới vào hiến pháp thì chúng tôi sẽ chìm”. Munoz chỉ ra rằng, ngay cả trong Concertación của phụ nữ ở Chile cũng có những quan điểm chính trị khác nhau:

Chắc chắn là, chúng tôi, những đảng viên Đảng Xã hội hoạt động trong phong trào nữ quyền muốn có những biện pháp triệt để hơn, như phá thai và li hôn. Tuy nhiên, vì đây là liên minh trung tả và các nữ đảng viên Dân chủ Thiên chúa giáo có quan điểm khác, cho nên chúng tôi lập ra cương lĩnh chung. Vì điều quan trọng lúc đó là xây dựng cho được liên minh các đảng vì dân chủ và Concertación của phụ nữ vì dân chủ, với mục đích là nhận được nhiều sức mạnh và thúc đẩy dân chủ cho phụ nữ trong mỗi đảng của chúng tôi. Cho nên từ quan điểm đó thì chúng tôi là những người thực dụng, chúng tôi nói, “quan trọng là thống nhất, có cương lĩnh thống nhất. Và chúng ta sẽ bỏ qua những vấn đề chia rẽ chúng ta”, vì vậy chúng tôi đã bỏ qua nhiều vấn đề, như ly hôn, quyền hoạt động tình dục, sinh đẻ và phá thai. Chúng tôi đặt sang một bên tất cả các vấn đề gây tranh cãi giữa Concertación và các nhóm cánh tả và có xu hướng nữ quyền hơn, nhằm đưa ra một chương trình thống nhất, nó sẽ cho chúng tôi đủ sức mạnh để mỗi đảng chính trị sẽ thúc đẩy những mục tiêu của chúng tôi trong các cuộc đàm phán về chương trình chuyển hóa.

Chile là trường hợp cụ thể cho thấy rằng các vấn đề có tính định hình như bạo hành và quyền của trẻ em theo nghĩa củng cố gia đình giúp xây dựng thái độ ủng hộ cải cách dù có những chia rẽ về chính trị, thậm chí nếu điều này có nghĩa là nhiều nhà hoạt động nữ quyền tin rằng những vấn đề như thay đổi về kinh tế-xã hội, tái phân phối, và chuyển đổi sâu sắc hơn nữa trong quan hệ giữa các giới (trong đó có việc trao quyền cho cả phụ nữ nam giới) không được giải quyết.

Các tổ chức của phụ nữ cũng có hiệu quả hơn nếu cương lĩnh, các đề xuất, và đòi hỏi của họ được nêu ra trước khi có bất kì sự can thiệp nào vào tiến trình chính trị. Pitanguy nhấn mạnh rằng các tổ chức phụ nữ:

phải xây dựng được liên minh giữa các tổ chức của chính họ, và họ phải tiến tới những cuộc thảo luận về hiến pháp, sẵn sàng đưa ra một tập hợp các đề xuất không thể thỏa hiệp và một tập hợp các đề xuất có thể thỏa hiệp… điều quan trọng nhất cho bất kì phong trào phụ nữ nào trong các nước đang trải qua giai đoạn chuyển hóa dân chủ là phải có cơ sở đồng thuận giữa họ với nhau. Họ không thể lãng phí thời gian, năng lượng, và sức mạnh cho việc giải quyết các xung đột nội bộ. Họ phải tham gia vào lĩnh vực chính trị như là một nhóm cố kết.

Pitanguy nhấn mạnh rằng các nhà hoạt động là phụ nữ “phải tham gia vào quá trình soạn thảo hiến pháp”. Tham gia tích cực trong phe đối lập và trong quá trình chuyển tiếp hậu chuyển hóa là điều kiện cực kì quan trọng nhằm bảo vệ một cách thành công những đòi hỏi về giới tính; ở những nước mà phụ nữ không tham gia tích cực, như ở Ghana và Ba Lan, thì sẽ thu được ít kết quả tích cực. Mặc dù có những lo ngại về việc bị nhà nước thâu tóm, một số nhà hoạt động cảm thấy rằng phụ nữ phải can thiệp ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình chuyển hóa. Mtintso khẳng định rằng, ngay từ đầu, vấn đề chuyển hóa quan hệ quyền lực giữa các giới trong xã hội phải được xem xét về lí thuyết, cũng như bằng thực tiễn và tổ chức, vì nếu “không làm ở giai đoạn chuẩn bị, thì trong giai đoạn chuyển hóa sẽ rất khó đưa chúng vào…. Bạn phải chuẩn bị, và trong ANC chúng tôi đã chuẩn bị. Không được như ý, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị và việc này đã gây được rất nhiều ảnh hưởng tới kết quả: hiến pháp, luật pháp, và các thiết chế”. Pitanguy còn tin rằng “cực kì quan trọng là không được để cho thời khắc đó trôi qua. Bạn cần lập ra thời khóa biểu về chính trị, và bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm đó, nhưng bạn phải bắt đầu tổ chức từ trước”.

Muốn can thiệp thành công thì cần phải có một số điều kiện. Trước hết, phải có những chiến lược và chiến thuật thích hợp. Ví dụ, những người tham gia cảm thấy rằng những cố gắng nhằm định hình bản hiến pháp của Brazil và Nam Phi tương đối thành công, vì công tác vận động hành lang, giám sát và xây dựng liên minh với những người và tổ chức quan trọng khác là có mục tiêu. Pitanguy nói, “Chúng tôi có sứ mệnh, nhưng chúng tôi biết cách đàm phán. Chúng tôi biết cách thành lập liên minh. Theo nghĩa nào đó, chúng tôi là các chính trị gia. Chúng tôi làm chính trị. Bạn biết đấy, chúng tôi đã làm việc với các công cụ của chính trị, nhưng không phải với các công cụ của chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa cực đoan; chúng tôi phản đối cách làm như thế. Chúng tôi biết cách đàm phán và cách xây dựng liên minh ngay bên trong chính phủ”.

Cần phải có chiến lược xây dựng liên minh và can thiệp nhằm ngăn chặn những bước thụt lùi và những biện pháp đe dọa các quyền của phụ nữ, ví dụ, những điều khoản về “quyền được sống” (ý nói cấm phá thai – ND). Ở những nước như Indonesia – cũng như ở Đông và Trung Âu và Mỹ Latin, tức là những nước mà Giáo hội Công giáo trong phe đối lập hoạt động tích cực – các đảng tôn giáo bảo thủ được nhiều người ủng hộ và khó tránh khỏi những bước thụt lùi. Vì vậy, tìm kiếm đồng minh trong những lĩnh vực khác – ví dụ như các đảng chính trị có nhiều ảnh hưởng, trong các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lí hành chính hay các bộ then chốt – là rất quan trọng. Cực kì quan trọng là các nhà hoạt động về giới phải tham gia vào các đảng chính trị, vận động và thách thức các đảng này từ bên trong, ở mọi cấp. Sẽ dễ dàng thay đổi chính sách hơn, nếu chính phủ và các đảng đang cầm quyền tương đối có thiện cảm với những biện pháp tiến bộ về giới. Một số quá trình chuyển hóa tỏ ra cởi mở hơn những quá trình khác, có nhiều khả năng là công tác tổ chức của phụ nữ đã có hiệu quả tích cực. Vì vậy, các đảng chính trị có vai trò quan trọng trong tiến trình này. Trong các nước khác nhau, thái độ cởi mở đối với các nhà hoạt động là phụ nữ và các vấn đề giới cũng khác nhau rất xa. Một số đảng đã tạo ra được môi trường hoạt động tích cực hơn các đảng khác, giúp phụ nữ dễ dàng tiến hành tổ chức nhằm mục đích thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài đảng – và trong một số trường hợp đã giành được những kết quả có ý nghĩa quan trọng.

Cuối cùng, rõ ràng là, bối cảnh quốc tế thuận lợi là rất quan trọng. Nhiều nhà hoạt động là phụ nữ nói rằng họ đã học tập từ kinh nghiệm ở những nước khác, ví dụ, làm sao thiết kế được các WPA hiệu quả. Họ nhấn mạnh rằng tương tác với các nhà hoạt động từ các nước khác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế đã tiếp thêm sinh lực cho họ, tạo điều kiện cho họ chia sẻ chiến lược và đưa ra những mục tiêu khả thi, phù hợp với tình hình chính trị và văn hoá trong khu vực của họ. Pitanguy nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh xuyên quốc gia, những liên minh này “củng cố lẫn nhau… Ngay cả khi các nhóm quốc gia đang soạn thảo các bản hiến pháp quốc gia”. Các tổ chức phụ nữ ở Ghana có quan hệ chặt chẽ với các nhóm khác ở châu Phi và trông sang Botswana, Nigeria và Nam Phi để tìm những mô hình thích hợp. Tsikata khẳng định vai trò quan trọng của tấm gương Botswana, vì đã tạo cảm hứng cho họ chấp bút bản tuyên ngôn của phụ nữ, mà sau này được giới thiệu cho các đảng phái chính trị. Và theo Nursyahbani Katjasungkana, các nhà hoạt động ở Indonesia đã chịu tác động bởi các cuộc Hội nghị của Thập kỉ Phụ nữ, bởi Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ Phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, cũng như phong trào nữ quyền và các tư tưởng của Ấn Độ, trong khi những nhà hoạt động nữ quyền của Chile lại dựa vào kinh nghiệm của Brazil và Tây Ban Nha. Hầu hết đều khẳng định tầm quan trọng của tất cả những sự giúp đỡ quốc tế, tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến ​​thức, chứ không đơn giản là giúp đỡ về tài chính. Cả Concertación của phụ nữ Chile và WNC ở Nam Phi đều nhận được những khoản tài trợ và giúp đỡ kĩ thuật có ý nghĩa quan trọng. Những người được phỏng vấn ở Ghana, Indonesia và Nam Phi nói rằng, sau giai đoạn chuyển hóa, việc cắt giảm các khoản tài trợ quốc tế đã làm cho các tổ chức phi chính phủ của phụ nữ gặp nhiều khó khăn, chuyện này thường xảy ra vì những nước này đã không còn được các nhà tài trợ quốc tế ưu tiên nữa, vì họ đã chuyển sự quan tâm sang những khu vực khác hay những nước này được coi là đã giàu đến mức không cần trợ giúp nữa. Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995 – khi diễn ra những cuộc chuyển hóa đầu tiên – bối cảnh quốc tế dường như tương đối thuận lợi hơn đối với các vấn đề của phụ nữ. Từ đó trở đi, những yếu tố như lập trường bảo thủ về các vấn đề xã hội của Giáo hội Công giáo và sự ngóc đầu dậy của nền chính trị mang tính tôn giáo và sắc tộc gợi ý rằng bối cảnh quốc tế có thể sẽ không giúp đỡ những người đang đấu tranh vì quyền bình đẳng giới như trước nữa.

Những nhân vật chủ chốt, can thiệp vào quá trình chuyển hóa ngay từ những giai đoạn đầu có thể giúp thu được những kết quả tích cực về giới. Các tổ chức phụ nữ cần có những chương trình nghị sự rõ ràng, được nhiều nhà hoạt động chung tay lập ra và được các liên minh lớn trong xã hội dân sự ủng hộ. Họ phải cố gắng làm việc cùng với các đồng minh chiến lược – ví dụ, trong các đảng chính trị có thể có thiện cảm, trong chính phủ, và bộ máy quản lí hành chính – và, nếu có thể, điều chính những vấn đề sao cho phù hợp với những tư tưởng chính của quá trình chuyển hóa. Những quá trình chuyển hóa từ chế độ phi dân chủ có thể cung cấp cho người ta những cơ hội quan trọng cho các phong trào xã hội đang tìm cách tái định hình luật chơi. Mặc dù có những bước thụt lùi và thất bại, vẫn có thể rút những bài học về các chiến lược có thể mang lại hiệu quả. Những cuộc chuyển hóa hiện nay cho thấy những thách thức khác và mới mẻ hơn, nhưng những cuộc chuyển hóa này cũng có thể cung cấp cho ta một số cơ hội quan trọng cho những can thiệp và hành động mang tính chiến lược.

Những lựa chọn để hành động

Những người hoạt động và những người ủng hộ

Tổ chức càng sớm càng tốt ngay trong quá trình chuyển hóa. Phụ nữ càng bắt đầu tổ chức sớm bao nhiêu thì họ càng có nhiều cơ hội tạo được ảnh hưởng tích cực đối với quá trình chuyển hóa bấy nhiêu. Lí tưởng nhất là, phụ nữ bắt đầu tổ chức trước khi tiến trình được bắt đầu một cách “chính thức”, sao cho họ có thể sẵn sàng tham gia vào giai đoạn “trước đàm phán” (“đàm phán về đàm phán”). Làm như thế sẽ có thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng của tổ chức, thành lập liên minh, xây dựng lòng tin và xác định chương trình nghị sự và chiến lược chung.

Thành lập một loạt liên minh. Các phong trào lập ra những liên minh với một loạt những tổ chức khác nhau có thể sử dụng những mạng lưới lớn hơn, huy động được nhiều người hơn cho hành động, tạo áp lực lên những thiết chế và cá nhân quan trọng và có chỗ dựa là nhiều người có tài và có nhiều nguồn lực. Những liên minh mở rộng bao gồm nhiều nhóm phụ nữ và nhà hoạt động khác nhau (trong xã hội dân sự, càng rộng càng tốt, trong đó có các nhóm có thể giúp đỡ về chiến lược, như công bằng xã hội và các nhóm hoạt động trong lĩnh vực môi trường); các chính trị gia theo phái nữ quyền, các nhà nghiên cứu và luật sư; những đồng minh có thiện cảm trong các đảng chính trị; và các nhà quản lí như các bộ trưởng trong chính phủ và các quan chức quản lí hành chính.

Can thiệp vào tất cả các tiến trình chính trị. Tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình chuyển hóa – soạn thảo hiến pháp, thiết kế và xây dựng thiết chế – làm thành viên của các ủy ban duyệt lại hiến pháp, ủy ban kĩ thuật và ủy ban soạn thảo, Hội đồng Lập hiến và Nghị viện, vận động hành lang và những người ủng hộ. Hoạt động trong các đảng phái chính trị có khả năng có thiện cảm với các quan tâm về giới, có thể thúc đẩy việc lựa chọn phụ nữ làm ứng cử viên và người được bổ nhiệm. Tuy nhiên, nhiều cuộc đàm phán quan trọng diễn ra bên ngoài các cơ cấu và thủ tục chính thức. Việc tiếp cận của phụ nữ với những cơ quan ban hành quyết định không chính thức sẽ phụ thuộc một phần vào độ rộng của những liên minh mà họ đã xây dựng được.

Xây dựng cương lĩnh có thể liên kết các nhóm phụ nữ khác nhau. Có nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế, và không thể nào có sự đồng thuận về tất cả các mục đích. Nhưng muốn giữ liên minh rộng rãi – và can thiệp một cách chiến lược trong quá trình chuyển hóa – thì cần xác định cương lĩnh chung về các quan điểm và mục tiêu nhằm liên kết những tác nhân khác nhau và định hướng các hoạt động tuyên truyền.

Duy trì động lực trong những giai đoạn thực hiện và củng cố. Vì các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các học giả là phụ nữ được đưa vào chính phủ; việc hoạch định vai trò, người kế nhiệm thích hợp và chuyển giao giữa các thế hệ trong các tổ chức là cực kì quan trọng, nhằm đảm bảo rằng các phong trào không trở thành “rắn không đầu” và động lực đó phải được duy trì trong giai đoạn hậu chuyển đổi. Vì các tổ chức ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, những mối liên kết với những phong trào ở cơ sở phải được duy trì nhằm đảm bảo rằng họ tiếp tục quan tâm tới nhu cầu của phụ nữ ở tất cả các cấp.

Các nhà lãnh đạo và các đảng phái chính trị

Đảm bảo rằng các quá trình chuyển hóa được mở rộng tối đa trong khả năng cho những nhà hoạt động là phụ nữ. Cụ thể là, các nhà lãnh đạo và các đảng phái chính trị phải đảm bảo rằng phụ nữ được kết nạp vào đảng, được tham gia các cuộc đàm phán và có chân trong chính phủ, và tham gia một cách bình đẳng với đàn ông ở tất cả các cấp. Ở những nơi mà quyền bình đẳng khó thực hiện thì phải xem xét việc áp dụng hạn ngạch bắt buộc với những biện pháp trừng phạt hiệu quả – ví dụ, đối với các nhóm đàm phán – phải đảm bảo sự hiện diện của phụ nữ với những vai trò có thể hành động hoặc phát biểu ý kiến.

Đảm bảo rằng những bản hiến pháp, chính sách, và thiết chế giai đoạn hậu chuyển đổi phản ánh được những mối quan tâm về bình đẳng. Những điều khoản này cũng phải được soạn thảo và phải được đảm bảo sao cho có thể tồn tại trong thời gian dài, không có tính nước đôi và có thể thi hành được.

Tác nhân quốc tế

Ủng hộ các nhà hoạt động đang làm việc để đảm bảo rằng các mối quan tâm về giới được đưa vào tiến trình chuyển hóa. Sự ủng hộ này bao gồm ủng hộ về tài chính, tạo điều kiện cho việc trao đổi và chia sẻ kiến thức giữa các nhà hoạt động (cả khu vực và quốc tế) và các sáng kiến xây dựng năng lực.

Tách riêng phần ủng hộ cho các nhà hoạt động về giới khỏi gói hỗ trợ cho quốc gia. Sự ủng cho các nhà hoạt động về giới không nên phụ thuộc vào điều kiện để quốc gia nhận các khoản trợ giúp của quốc tế (ví dụ: tổng sản phẩm quốc nội (GDP)..v.v.). Sự hỗ trợ như vậy có thể giảm nhẹ rủi ro các nhà hoạt động về giới bị tổn thương trước những thay đổi về ưu tiên ưu đãi của các nhà tài trợ và giúp củng cố các thành tựu và ngăn ngừa được nguy cơ thụt lùi.

Tạo áp lực lên các tác nhân khác. Các tác nhân quốc tế có thể gây áp lực lên các tác nhân chính trị để đảm bảo rằng các mối quan tâm về giới và những nhà hoạt động là phụ nữ được tham gia vào quá trình chuyển hóa và được hưởng kết quả.

Tiểu sử tóm tắt của những người được phỏng vấn

Carlota Bustelo là chính trị gia Tây Ban Nha và là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ. Bà là nhân vật hàng đầu trong phong trào nữ quyền cánh tả ở Tây Ban Nha kể từ những năm 1970 và từng tham gia vào việc thành lập Mặt trận Giải phóng Phụ nữ Tây Ban Nha. Năm 1974, bà trở thành thành viên PSOE. Từ năm 1977 đến năm 1979, Bustelo là một thành viên của Cortes Constituyentes, tức là Hội đồng Lập hiến, soạn thảo bản hiến pháp mới của Tây Ban Nha; bà cũng tham gia cuộc tranh luận về quyền hoạt động tình dục và sinh đẻ của phụ nữ. Khi tham gia Quốc hội, bà là người ủng hộ mạnh mẽ hạn ngạch về giới (tỉ lệ nam và nữ trong các cơ quan dân cử – ND) và bình đẳng trong các đảng chính trị, và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Đạo luật về li dị trong năm 1981. Từ năm 1983 đến năm 1988, Bustelo từng là Tổng giám đốc đầu tiên của Viện De la Mujer, cơ quan tự trị của chính phủ có nhiệm vụ thúc đẩy những cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Bustelo là một thành viên của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ.

Pregaluxmi (Pregs) Govender là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Nam Phi từ năm 2009 và lãnh đạo công việc của tổ chức này về những quyền kinh tế-xã hội, CEDAW, và Đạo luật về Tiếp cận Thông tin. Là nhà hoạt động chính trị chống phân biệt chủng tộc từ năm 1974, trong những năm 1980, Govender tham gia phong trào công đoàn và là người lãnh đạo Trường Cao đẳng Lao động đầu tiên của Nam Phi. Trong quá trình chuyển hóa, Govender lãnh đạo Liên minh Phụ nữ Quốc gia, tức là tổ chức liên kết tất cả phụ nữ Nam Phi để đảm bảo rằng bản hiến pháp đề cập đến những đòi hỏi của phụ nữ. Bà cũng làm việc trong văn phòng của Chương trình Tái thiết và Phát triển (RDP), góp phần đưa những mối quan tâm của phụ nữ vào RDP. Là thành viên Đảng Đại hội Dân tộc Phi, năm 1994, Govender được bầu vào Nghị viện. Bà là chủ tịch Ủy ban Nghị viện về Phụ nữ và khởi xướng Ngân sách của Phụ nữ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mbeki, bà chủ trì những cuộc điều trần công khai về HIV/AIDS và là nghị sĩ duy nhất đăng kí phản đối thỏa thuận vũ khí trong 2001, trước khi từ chức.

Nursyahbani Katjasungkana là luật sư nhân quyền người Indonesia, cựu nghị sĩ và nhà hoạt động về giới. Bà đã làm việc trong suốt 30 năm với các tổ chức phi chính phủ, tập trung vào vấn đề nhân quyền và quyền của phụ nữ, cũng như các vấn đề về môi trường. Bà là Tổng thư kí đầu tiên của Liên minh Phụ nữ vì Công lí và Dân chủ (Women’s Coalition for Justice and Democracy) của Indonesia, tổ chức quần chúng đầu tiên ở Indonesia từ năm 1965. Katjasungkana là đồng sáng lập Hiệp hội Phụ nữ Indonesia vì Công lí, chuyên cung cấp trợ giúp pháp lí trực tiếp cho những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực và phân biệt đối xử. Bà cũng là đồng sáng lập Mạng lưới Kartini để thực hiện các chương trình nghiên cứu về Phụ nữ/Giới ở Châu Á và là thành viên của Ban Cố vấn của Uỷ ban Quốc gia về Nhân quyền. Bà còn đồng tổ chức Mạng lưới NGO của phụ nữ nhằm theo dõi việc chính phủ Indonesia thực hiện Công ước CEDAW. Từ năm 1998 đến năm 2005, bà là ủy viên Ủy ban về Bạo lực đối với phụ nữ. Bà được bầu làm Ủy viên Hội đồng Tư vấn nhân dân (1999-2009), và đã tham gia soạn thảo Đạo luật Bạo lực Gia đình khi là thành viên của Hội đồng này.

Sheila Meintjes là học giả và là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Nam Phi. Meintjes là nhà hoạt động tích cực trong phong trào nữ quyền và chính trị của phụ nữ từ những năm 1970. Trong những năm 1980, bà là một thành viên của Tổ chức Phụ nữ Thống nhất, tổ chức cộng đồng có cơ sở trong quần chúng liên kết với Mặt trận Dân chủ Thống nhất, một trong những tổ chức chống phân biệt chủng tộc quan trọng nhất. Từ năm 1989, bà là giảng viên tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg. Bà là điều phối viên trong lĩnh vực nghiên cứu cho Liên minh Phụ nữ Quốc gia, một tổ chức có vai trò quan trọng những cuộc đàm phán vốn là một phần của quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ ở Nam Phi. Meintjes được bổ nhiệm làm ủy viên Ủy ban về Bình đẳng giới (2001-2004). Bà lãnh đạo chương trình quản trị của Ủy ban này và chịu trách nhiệm về hoạt động của Ủy ban trong tỉnh Gauteng. Là giáo sư ở Đại học Wits, bà quan tâm nghiên cứu các vấn đề như chế độ dân chủ trong những xã hội đa văn hóa, lí thuyết về nữ quyền, chính trị về giới, chuyển hóa bạo lực và xung đột.

Thenjiwe Mtintso là một nhà lãnh đạo một đảng chính trị ở Nam Phi, cựu nhân viên ngoại giao và là người bảo vệ các quyền của phụ nữ. Sinh ra ở Soweto, Mtintso đã trở thành nhà hoạt động trong Tổ chức Sinh viên Nam Phi và Phong trào Thức tỉnh người Da đen, ngay từ khi còn là sinh viên. Vì những hoạt động chính trị của mình, bà bị đuổi học và trong những năm 1970 đã bị cơ quan an ninh bắt giam và tra tấn. Năm 1978, Mtintso phải sống lưu vong ở nước ngoài, bà tham gia ANC và Umkhonto weSizwe, và trở thành chỉ huy trong tổ chức này. Năm 1992, Mtintso trở lại Nam Phi và được bổ nhiệm vào Ban Chấp hành Chuyển tiếp. Bà tham gia Hội nghị về những cuộc đàm phán vì nước Nam Phi dân chủ, và trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, năm 1994, bà được bầu làm nghị sĩ. Năm 1997, bà là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Bình đẳng giới. Năm 1998, bà là Phó tổng thư ký ANC. Bà là thành viên Ban Chấp hành Toàn quốc của ANC và đã từng giữ chức đại sứ Nam Phi ở Cuba và Italy.

Adriana Muñoz là chính trị gia, nhà xã hội học và người bảo vệ quyền phụ nữ ở Chile. Năm 1967, Muñoz gia nhập Đảng Xã hội Chile. Sau cuộc đảo chính năm 1974, bà sống lưu vong ở Áo, và trở lại Chile vào năm 1982. Năm 1986, bà tham gia Ủy ban Chính trị của Đảng Xã hội Chile; năm 1987, bà tham gia thành lập Đảng vì Dân chủ (PPD). Từ 1988 đến 1990, bà là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa, và từ năm 1991 đến năm 1992 là phó Chủ tịch PPD. Từ năm 1990 đến năm 1994, và một lần nữa từ năm 1997, Muñoz đại diện cho PPD làm Phó chủ tịch Hạ viện Chile. Bà là nữ chủ tịch đầu tiên của hạ viện Chile (giai đoạn 2002-2003). Là người bênh vực quyền lợi của phụ nữ ở Hạ viện, bà đã đề xuất luật về các vấn đề như li hôn, phá thai và bạo lực gia đình. Tháng 11 năm 2013, bà được bầu vào Thượng viện, đại diện cho khu vực Coquimbo. Muñoz còn là nhà nghiên cứu và đã tham gia vào nhiều dự án liên quan đến những vấn đề về giới.

Jacqueline Pitanguy là học giả, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động về giới ở Brazil. Là một trong những nhà hoạt động quyền nữ nổi tiếng nhất ở Brazil, Pitanguy là kẻ thù của chính quyền quân sự Brazil; bà đã đấu tranh vì tiến trình dân chủ hóa đất nước, đồng thời đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Sau khi nền quản trị dân chủ quay trở lại vào năm 1985, Pitanguy đã làm việc nhằm đảm bảo rằng những vấn đề quan tâm của phụ nữ được đưa vào hiến pháp mới. Bà là chủ tịch của Hội đồng Quốc gia về các quyền của phụ nữ, giữ chức trong nội các, từ năm 1986 đến năm 1989. Khi giữ chức vụ này, bà đã thiết kế và thực hiện các chính sách nhằm cải thiện điều kiện cho phụ nữ. Pitanguy là đồng giám đốc điều hành của CEPIA (Quyền công dân, Nghiên cứu, Thông tin và Hành động), tổ chức phi chính phủ mà bà thành lập vào năm 1990, tập trung vào các vấn đề về sức khoẻ, quyền hoạt động tình dục và sinh đẻ, bạo lực và tiếp cận công lí, nạn nghèo đói và việc làm từ góc độ giới.

Dzodzi Tsikata là học giả và người bảo vệ các quyền về giới người Ghana. Tsikata hoạt động tích cực trong phong trào phụ nữ Ghana từ những những năm 1980. Bà là một trong những sáng lập viên Mạng lưới Quyền Phụ nữ ở Ghana, là người triệu tập mạng lưới này và hiện là thành viên của ban chỉ đạo. Tsikata là phó giáo sư tại Viện Thống kê, Nghiên cứu Xã hội và Nghiên cứu kinh tế và là cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ giới ở Đại học Ghana. Bà quan tâm nghiên cứu các vấn đề như giới và sinh kế, chính sách về giới và phát triển, điều kiện sống ở nông thôn và đô thị, và chính sách sở hữu đất đai.

Teresa Valdés là nhà xã hội học, người bảo vệ nhân quyền và quyền của phụ nữ ở Chile. Valdés bị chính quyền Pinochet cầm tù vì hoạt động chính trị. Sau khi ra tù, bà trở thành nhà lãnh đạo phong trào phụ nữ và năm 1983, bà là đồng sáng lập tổ chức Mujeres por la Vida (Phụ nữ vì cuộc sống). Phong trào này đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chế độ độc tài. Bà từng là nhà nghiên cứu và Giáo sư Khoa Xã hội học Mỹ Latin trong suốt 25 năm, bà vừa là người sáng lập vừa là điều phối viên Lĩnh vực Nghiên cứu Giới của khoa này. Valdés là nhà nghiên cứu cao cấp và thành viên của Hội đồng Quản trị tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển phụ nữ Chile. Hiện nay bà là điều phối viên tại Observatorio de Genero y Equidad (Tổ chức quan sát bình đẳng giới) – một quỹ nghiên cứu độc lập.

Những cuộc trao đổi và phỏng vấn do tác giả thực hiện:

Trao đổi với Carlota Bustelo, tháng 4 năm 2013

Phỏng vấn Pregaluxmi Govender, tháng 1 năm 2013

Phỏng vấn Nursyahbani Katjasungkana, tháng 1 năm 2013

Phỏng vấn Sheila Meintjes, tháng 1 năm 2013

Phỏng vấn Thenjiwe Mtintso, tháng 1 năm 2013

Phỏng vấn Adriana Munoz, tháng 12 năm 2012

Phỏng vấn Jacqueline Pitanguy, tháng 12 năm 2012

Phỏng vấn Dzodzi Tsikata, tháng 12 năm 2012

Phỏng vấn Teresa Valdes, tháng 12 năm 2012

Tài liệu tham khảo và đọc thêm

Abao, Carmel, and Elizabeth Yang. Women in Politics, Limits and Possibilities: The Philippines Case. Manila: Friedrich Ebert Stift ung, 2001.

Albertyn, Cathi. “Women and the Transition to Democracy in South Africa.” In Gender and the New South African Legal Order, edited by Felicity Kaganas and Christina Murray, 39–63. Cape Town: Juta, 1994.

Alvarez, Sonia. Engendering Democracy in Brazil. Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1990.

———. “Advocating Feminism: The Latin American Feminist NGO Boom.” International Feminist Journal of Politics 1, no. 2 (1999): 181–209.

Aquino, Belinda. “Philippine Feminism in Historical Perspective.” In Women and Politics Worldwide, edited by Barbara Nelson and Najma Chowdhury, 591–604. New Haven, Conn.: Yale University Press, 1994.

Baldez, Lisa. Why Women Protest: Women’s Movements in Chile. Cambridge: Cambridge

University Press, 2002.

Blackburn, Susan. “Gender Violence and the Indonesian Political Transition.” Asian Studies Review 23, no. 4 (1999): 433–48.

———. “Feminism and the Women’s Movement in the World’s Largest Islamic Nation.” In Women’s Movements in Asia, edited by Mina Roces and Louise Edwards, 21–33. London: Routledge, 2010.

Bonime-Blanc, Andrea. Spain’s Transition to Democracy: The Politics of Constitution Making. Boulder, Colo.: Westview Press, 1987.

Brenner, Susanne. “Private Moralities in the Public Sphere: Democratization, Islam and Gender in Indonesia.” American Anthropologist 113, no. 3 (2011): 478–90.

Duran, Maria Angeles, and Maria Teresa Gallego. “The Women’s Movement and the New Spanish Democracy.” In The New Women’s Movement, edited by Drude Dahlerup, 200–216. London: Sage, 1986.

Einhorn, Barbara. Cinderella Goes to Market: Citizenship, Gender and Women’s Movements in East Central Europe. London: Verso, 1993.

Fallon, Kathleen M. “Transforming Women’s Citizenship Rights within an Emerging Democratic State: The Case of Ghana.” Gender and Society 17, no. 4 (2003): 525–43.

Franceschet, Susan. Women and Politics in Chile. Boulder, Colo.: Lynn Rienner, 2005.

Gal, Susan, and Gail Kligman, eds. Reproducing Gender: Politics, Publics, and Everyday Life after Socialism. Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2000.

Geisler, Gisela. “‘Parliament Is Another Terrain of Struggle’: Women, Men and Politics in South Africa.” Journal of Modern African Studies 38, no. 4 (2000): 616–19.

Haas, Liesl. Feminist Policymaking in Chile. University Park: Pennsylvania State University Press, 2010.

Hassim, Shireen, Women’s Organizations and Democracy in South Africa: Contesting Authority. Madison: University of Wisconsin Press, 2006.

Htun, Mala. Sex and the State: Abortion, Divorce, and the Family under Latin American Dictatorships and Democracy. Cambridge: Cambridge University Press, 2003.

Htun, Mala, and Laurel Weldon. “When Do Governments Promote Women’s Rights: A Framework for the Comparative Analysis of Sex Equality Policy.” Perspectives on Politics 8, no. 1 (2010): 210–17.

Jaquette, Jane, ed. The Women’s Movement in Latin America: Participation and Democracy.

Boulder, Colo.: Westview Press, 1994.

Jaquette, Jane, and Sharon Wolchik, eds. Women and Democracy: Latin America and Central

and Eastern Europe. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1998.

Mama, Amina. “In Conversation: The Ghanaian Women’s Manifesto Movement.” Feminist

Africa 4 (2005).

Marx, Jutta, Jutta Borner, and Maria Caminiotti. “Gender Quotas, Candidate Selection and Electoral Campaigns.” In Feminist Agendas and Democracy in Latin America, edited by Jane Jaquette, 45–64. Durham, N.C.: Duke University Press, 2009.

Matynia, Elizabieta. “Provincializing Global Feminism the Polish Case.” Social Research 70, no. 2 (2003): 454–71.

Molyneux, Maxine, and Shahra Razavi. “Beijing plus Ten: An Ambivalent Record on Gender Justice.” Development and Change 36, no. 6 (2005): 983–1010.

Paxton, Pamela. “Women’s Suff rage in the Measurement of Democracy: Problems of Operationalization.” Studies in Comparative International Development 35 (2000).

Quindoza Santiago, Lilia. “Rebirthing Babaye: The Women’s Movement in the Philippines.” In The Challenge of Local Feminisms, edited by Amrita Basu, 110–30. Boulder, Colo.: Westview Press, 1995.

Roces, Mina. “Century of Women’s Activism in the Philippines.” In Women’s Movements in Asia: Feminisms and Transnational Activism, edited by Mina Roces and Louise Edwards. London: Routledge, 2010.

Threlfall, Monica. “Gendering the Transition to Democracy: Reassessing the Impact of Women’s Activism.” In Gendering Spanish Democracy, edited by Monica Threlfall, Christine Cousins, and Celia Valiente. London: Routledge, 2004.

Tripp, Aili Mari. “Political Systems and Gender.” In Oxford Handbook of Gender and Politics, edited by Georgina Waylen, Karen Celis, Johanna Kantola, and Laurel Weldon, 514–29. Oxford: Oxford University Press, 2013.

Tsikata, D. “Women’s Organizing in Ghana since the 1990s: From Individual Organizations to Three Coalitions.” Development 52, no. 2 (2009): 185–92.

Valiente, Celia. “The Feminist Movement and the Reconfi gured State in Spain.” In Women’s Movements Facing the Reconfi gured State, edited by Lee Ann Banaszak, Karen Beckwith, and Dieter Rucht, 30–47. Cambridge: Cambridge University Press.

Waylen, Georgina. “Women and Democratization: Conceptualizing Gender Relations in Transition Politics.” World Politics 46, no. 3 (1994): 327–54.

———. Engendering Transitions: Women’s Mobilization, Institutions and Gender Outcomes. Oxford: Oxford University Press, 2007, esp. 163.

———. “Gendering Policy and Politics in Transitions to Democracy: Chile and South Africa Compared.” Policy and Politics 38, no. 3 (2010): 337–52.

Wieringa, Saskia. “Islamization in Indonesia: Women Activists’ Discourses.” Signs 32, no. 1 (2006): 1–8.

Zielinska, E. “Between Ideology, Politics and Commonsense: The Discourse of Reproductive Rights in Poland.” In Reproducing Gender: Politics, Publics, and Everyday Life aft er Socialism, edited by Susan Gal and Gail Kligman. Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2000.


[1] Paxton (2000). Milovan Djilas New Class

[2] Waylen (2007).

[3] Baldez (2002).

[4] Haas (2010).

[5] Waylen (2010).

[6] Molyneux and Razavi (2005).

[7] Waylen (1994).

[8] Jaquette and Wolchik (1998).

[9] Roces (2010).

[10] Jaquette (1994).

[11] Waylen (1994).

[12]Alvarez (1990); Aquino (1994); Baldez (2002); Hassim (2006); Quindoza Santiago (1995).

[13] Einhorn (1993); Gal and Kligman (2000).

[14] Xem thêm Duran and Gallego (1986).

[15] Blackburn (1999).

[16] Fallon (2003).

[17] Mama (2005).

[18] Alvarez (1990); Franceschet (2005); Hassim (2006).

[19] Alvarez (1999).

[20] Blackburn (2010).

[21] Htun (2003); Threlfall (2004).

[22] Einhorn (1993).

[23] Xem Blackburn (2010).

[24] Mama (2005).

[25]Valiente (2003); Waylen (2007).

[26] Albertyn (1994).

[27] Thượng dẫn.

[28] Alvarez (1990); Htun (2003).

[29] Threlfall (2004).

[30] Bonime-Blanc (1987, 95).

[31] Abao and Yang (2001).

[32]Baldez (2002).

[33] Waylen (2007).

[34] Thượng dẫn.

[35] Marx, Borner, and Caminiotti (2009).

[36] Waylen (2007).

[37] Blackburn (2010); Haas (2010); Valiente (2003).

[38] Geisler (2000).

[39] Brenner (2011); Wieringa (2006).

[40] Franceschet (2005).

[41] Mama (2005).

[42] Matynia (2003).

[43] Htun and Weldon (2010).

[44] Zielinska (2000).

[45] Brenner (2011); Wieringa (2006).

[46] Tripp (2013).

[47] Tsikata (2009).

[48] Haas (2010).

[49] Hassim (2006).

[50] Alvarez (1990).

Comments are closed.