Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 7)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Tiểu sử Jerry John Rawlings, tổng thống Ghana giai đoạn 1993–2001

Năm 1979, Jerry Rawlings John, phi công, hàm đại úy, cùng với các sĩ quan trẻ khác, đã lật đổ chính phủ dân cử Ghana, dẫn đến những vụ hành hình một số sĩ quan quân sự cao cấp, trong đó có ba cựu lãnh đạo quốc gia. Rawlings tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới vào năm 1979, ba tháng sau khi ông ta giành được quyền lực. Rawlings có thái độ thù địch với chính phủ dân cử do Hilla Limann đứng đầu và việc bảo vệ đặc quyền đặc lợi của giới ăn trên ngồi trốc mà người ta nghi là chính phủ này đang thực hiện, ngày 31 tháng 12 năm 1981, ông lật đổ chính phủ dân cử đương quyền. Ông cai trị như một nhà độc tài quân sự cho tới năm 1992, đấy cũng là lúc ông đồng ý tiến hành cải cách trước những áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự Ghana cũng như cộng đồng quốc tế, và ủng hộ cuộc bầu cử đa đảng mang tính cạnh tranh.

Rawlings giám sát quá trình thông qua bản hiến pháp mới, thành lập nền Đệ tứ Cộng hòa, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý đầu năm 1992. Ông lập ra Đảng Đại hội Dân chủ Quốc gia (NDC) và làm ứng cử viên tổng thống của đảng này trong những cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên vào tháng 11 năm 1992 và năm 1996. Ông giành chiến thắng trong cả hai cuộc tổng tuyển cử này. Hiến pháp của Đệ tứ Cộng hòa lập ra các thiết chế phi đảng phái để giám sát các cuộc bầu cử, giám sát sự nghiệp giáo dục công dân, giám sát các phương tiện truyền thông và bảo vệ quyền con người. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong vai trò tổng thống dân cử (1993-1995), Rawlings đã lập ra các thiết chế này và giao cho chúng khá nhiều quyền lực. Năm 2000, đứng trước giới hạn thời gian nắm quyền, trước sự theo dõi sát sao và và áp lực của quốc tế, Rawlings từ chức sau khi ứng cử viên của đảng của ông thua John Agyekum Kufuor, một nhà lãnh đạo đối lập, và bằng cách đó đã đưa Ghana bước lên con đường dân chủ tự do. Từ đó, Ghana đã tổ chức những cuộc bầu cử cạnh tranh và chuyển giao quyền lực, lần gần đây nhất là cuộc bầu cử tháng 12 năm 2012, mặc dù kết quả thắng thua quá gần nhau.

Mặc dù không phải là nhà dân chủ do có niềm tin hay trải nghiệm về dân chủ, Rawlings đã lật đổ nền dân chủ giả hiệu, thân hữu đã từng tồn tại ở Ghana trước khi ông cướp được quyền lực. Ông ta kết nối với nguyện vọng của đa số quần chúng bằng việc huy động chính trị và các chính sách xã hội mang tính dung hợp, đưa vùng biên giới phía Bắc Ghana, vốn bị coi là ngoại vi, vào quá trình phát triển. Rawlings xây dựng được sự ủng hộ chính trị, trước hết từ giới lao động thành thị và sau đó là nông dân và giúp chuyển nền chính trị Ghana về hướng dung hợp hơn và nền quản trị dân chủ được thiết chế hóa hơn.

Phỏng vấn Tổng thống Jerry John Rawlings

Ông bước vào đời sống chính trị khi còn là một sĩ quan Không quân trẻ, ông đã giúp lật đổ hai chính phủ và cai trị như một nhà lãnh đạo quân sự không được dân bầu trong khoảng một thập kỉ. Nhưng, cuối những năm 1990, ông đã quyết định tiến hành các cuộc bầu cử đa đảng, mang tính cạnh tranh, chấp nhận giới hạn nhiệm kì tổng thống, công nhận chiến thắng của đối thủ chính trị chính của mình trong cuộc bầu cử năm 2000, và chuyển giao quyền lực cho ông ta một cách hòa bình, góp phần rất lớn vào việc thiết chế hóa chế độ dân chủ hiến định ở Ghana. Làm sao giải thích được quá trình tiến hóa của ông và những lựa chọn của ông liên quan đến việc thiết lập và củng cố nền quản trị dân chủ?

Để tôi nói cho bạn nghe những cơ sở dẫn tới chính phủ quân sự của tôi, những thách thức, những sự kiện, và những nỗ lực của tôi mà đỉnh điểm là quá trình thiết chế hóa chế độ dân chủ hiến định ở Ghana.

Những chu kì can thiệp của giới quân nhân

Các cuộc nổi dậy của các sĩ quan trẻ, do tôi lãnh đạo năm 1979, là biểu hiện của sự phẫn nộ; một cái gì đó mà nhân dân tự mình không thể làm được. Năm 1979, Ghana trở thành giống như một nhà bếp quá nóng. Không có người lính nào đi theo bất kì sĩ quan nào để khơi mào cho cuộc đảo chính, bởi vì các quân nhân bình thường căm ghét các sĩ quan sau khi chính quyền quân sự cai trị đã 7 năm rồi. Tôi nhớ, trước năm 1979 hai năm, tôi thường nói với đồng nghiệp: “Chuyển động đi. Chuyển động đi”. Cuối cùng, khi chúng tôi làm, mức độ tham nhũng trong giới lãnh đạo quân sự từng lật đổ Thủ tướng Kofi Busia [1969-1972] vào năm 1972 đã làm dân chúng tức giận đến mức ngay cả việc hành quyết hai người tham nhũng đứng đầu nhà nước trong số các tướng tá cũng chưa thỏa mãn được sự phẫn nộ của đất nước.

Tình hình chính trị vào lúc diễn ra cuộc nổi dậy năm 1979 đã đến mức mà tất cả việc cần làm là bật diêm và ném nó vào trong phòng. Trong các xã hội hiện đại, khi áp lực gia tăng, trong các thiết chế sẽ có những người chính trực và có khả năng để giải quyết. Cho nên áp lực hầu như không bao giờ tích tụ đến mức có thể gây ra vụ nổ. Nỗi sợ về việc tích tụ áp lực và sự bùng nổ không được treo lơ lửng trên không trung, mà khi nó hiện diện, nghĩa là có một cái gì đã sai ở đâu đó trong tiến trình chính trị và trong các thiết chế. Trong trường hợp của chúng tôi, cuối cùng, khi nó phát nổ, chúng tôi đã không điều tra xem cái gì dẫn đến sự tích tụ áp lực và vụ nổ; chúng tôi hỏi: “Ai đã bật diêm?”

Ba tháng sau kỳ tổng tuyển cử, chúng tôi trao quyền lại cho chế độ của Limann [Tổng thống Hilla Limann, 1979-1981], chính phủ này thông báo tôi nghỉ hưu. Lúc đó, tôi đã biết hướng đi của chính phủ Limann. Họ rất giận tôi và muốn làm hại tôi, vì tôi không chịu rời bỏ đất nước. Tất cả những việc mà tôi phải làm là không chấp hành thông báo của họ về việc tôi nghỉ hưu. Tôi đã nghe thấy người ta thông báo trên đài phát thanh; tôi có thể không chấp hành và đi thẳng về doanh trại và tiếp tục làm việc. Nhưng nếu làm thế thì sẽ tạo ra tình huống khủng khiếp đối với chính phủ. Nó có thể là khởi đầu của sự kết thúc, vì cuộc nổi dậy [do Rawlings lãnh đạo chống lại chế độ quân sự trước đó] được lòng dân hơn là chính phủ [Limann]. Nhưng tôi vẫn ở nhà khi chính phủ thông báo rằng tôi nghỉ hưu để cho ngôn từ của chính quyền lấy lại được tín nhiệm và uy quyền, vì ngôn từ đã bị lạm dụng quá nhiều và đã mất tín nhiệm quá lâu rồi. Tôi vẫn muốn giúp chính phủ cho nên tôi ở nhà, vì trong ba tháng đó mọi người đều tức giận lắm rồi [đối với giới ăn trên ngồi trốc trong chính trị, kinh tế và quân sự bị coi là tham nhũng và bóc lột], họ đã không sẵn sàng lắng nghe ý kiến thứ hai.

Khi chúng tôi quay lại lần thứ hai, ngày 31 tháng 12 năm 1981 [lật đổ Tổng thống Limann], một phần sự phẫn nộ của nhân dân đã tiêu tan từ trước rồi.

Phân quyền

Phần năng lượng còn lại được chuyển theo hướng mang tính xây dựng, đấy là nét đẹp của quá trình diễn ra từ năm 1981 đến năm 1992 do chính phủ của Hội đồng Quốc phòng Lâm thời lãnh đạo. Chúng tôi cần hướng tất cả sức mạnh chính trị đã được hồi phục ở người công dân bình thường vào cơ cấu chính thức cho các chính quyền địa phương đã được phân cấp. Chúng tôi theo đuổi phân cấp quyền lực chứ không phải là thoái thác vì chúng tôi không muốn chỉ đơn giản là trao quyền cho những người lãnh đạo địa phương; chúng tôi muốn giao quyền ra quyết định cho nhân dân. Đó là lí do vì sao chúng tôi tạo ra hơn 40 hội đồng cấp huyện [Cơ quan chính trị và hành chính cao nhất ở mỗi huyện] thuộc 10 đơn vị hành chính địa phương bên dưới cấp quốc gia, tạo cho nhân dân con đường thể hiện theo lối dân chủ. Quan niệm của hội đồng huyện là không đảng phái; lúc đó chúng tôi không có đảng phái chính trị. Chúng tôi tiến hành các cuộc bầu cử hội đồng cấp huyện phi đảng phái [diễn ra theo từng giai đoạn, trong những giai đoạn khác nhau từ tháng 12 năm 1988 đến tháng 2 năm 1989]. Vì vậy, bao giờ cũng thế, người ta đã được bầu trên cơ sở những giá trị của họ và những giá trị mà họ đại diện, và uy tín cá nhân mà họ có trong cộng đồng của mình.

Tôi dành 30% số ghế trong hội đồng cho những người được bổ nhiệm. Chúng tôi dùng cơ hội đó để tìm kiếm những người tốt, và trong quá trình tham khảo những già làng trưởng bản và những người có uy tín trong công luận, chúng tôi đưa những người tốt từ cơ sở vào các hội đồng bằng cách bổ nhiệm họ. Các ủy viên hội đồng quận có cơ hội bầu chủ tịch hội đồng của mình. Tôi tin rằng khoảng 90% những người được bầu làm chủ tịch là từ những thành viên được bổ nhiệm.

Những nhóm lợi ích thâm căn cố đế thách thức

Năm 1979 và những năm 1980, trong 10 năm đầu dưới quyền lãnh đạo của tôi, chúng tôi có hội đồng mà tôi là chủ tịch. Chúng tôi giải quyết những bất công trong các hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa. Chúng tôi cố gắng sắp xếp nền kinh tế và loại bỏ những hoạt động nhằm thu vén lợi nhuận độc quyền, vì có những người khai thác các thiết chế của nhà nước, các luật lệ và quy định về thương mại để gom góp của cải, trong khi nhân dân phải trả giá. Hội đồng cũng lập ra các tòa án tương tự như các tòa án thông thường ở phương Tây và các toà án công cộng, do những người có uy tín trong dân chúng làm chủ tọa (ủy viên hội đồng từ các già làng trưởng bản, phụ nữ có uy tín..v.v.), còn chủ tịch là luật sư. Những vụ kiện kéo dài 5, 10, 15 năm đã được giải quyết trong một vài tuần lễ.

Ý nghĩa và sức quyến rũ của dân chủ

Khi chúng tôi còn cầm quyền, cuối những năm 1980, chúng tôi bị Bộ Ngoại giao Mỹ ép thiết lập hệ thống đa đảng. Trên thực tế, ở nước này, chúng tôi đã từng trải qua hệ thống đa nguyên, cũng như hệ thống độc đảng dưới thời Kwame Nkrumah [tổng thống đầu tiên của Ghana, 1960-1966], chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, các cuộc đảo chính; không có chế độ nào trong số đó có trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Nhưng bằng cách nào đó, sau cuộc nổi dậy của các sĩ quan trẻ do tôi lãnh đạo năm 1979 nhằm chống lại chính phủ quân sự, lật đổ Tổng thống Busia, ý thức về trách nhiệm giải trình đã xuất hiện, với những biểu hiện mang tính sáng tạo của tự do, cả trong lĩnh vực tinh thần lẫn thể chất. Và chúng tôi cần bảo vệ cái này vì nó làm cho nhân dân chúng tôi hành xử một cách tốt nhất. Các nước phương Tây thường nói hệ thống chính phủ của chúng tôi dưới thời NDC “phi dân chủ” và họ gọi là “dân chủ” khi chúng tôi tiến tới chính quyền hiến định với hệ thống đa đảng vào năm 1992. Nhưng, chế độ dân chủ đã được thực hành trong 10 năm đó [1981-1991]. Chúng tôi chỉ chưa có bản hiến pháp chính thức mà thôi.

Chúng tôi, Đảng Đại hội Dân chủ Quốc gia [thành lập, tháng 7 năm 1992, kế thừa PNDC], giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống đa đảng năm 1992 mà không gặp nhiều vấn đề rắc rối vì sự ủng hộ của nhân dân lúc đó vẫn còn rất cao, mặc dù cái gọi là cuộc cách mạng đã diễn ra cách đấy 10 năm rồi.

Sau khi thực thi chế độ hiến định năm 1992, mọi người nói về tôi: “Ông ấy có quyền lực và ông ấy có thể giữ chặt nói”. Tôi không thể, ngay cả nếu tôi muốn. Bởi vì một khi đã trao quyền cho nhân dân và họ đã được nếm hương vị của tự do và công lí, thật khó có thể tước đoạt được của họ. Đối với chúng tôi, những người sống trong cái gọi là thế giới đang phát triển ở châu Phi, quá trình dân chủ đang tiến lên; quyền lực của nhân dân được tăng cường một cách từ từ, vì vậy các nhà lãnh đạo châu Phi không còn có thể trốn tránh bằng cách “giả ngu” hay cứng đầu bằng cách không chịu lắng nghe nhân dân được nữa. Tôi rất tin tưởng vào những việc mình làm. Tôi chọn phương án dễ hơn, lựa chọn hợp lí hơn, và ít nhất đối với tôi là không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác ngoài những cuộc bầu cử tự do và rút lui sau khi kết thúc nhiệm kì tổng thống thứ hai. Tôi tin vào chế độ dân chủ và tôi tin vào tự do và công lí. Và nói thẳng ra, đó là những thứ mà người trung bình ước muốn và muốn nhìn thấy trong cuộc đời mình. Nền văn hóa dân chủ đã trở thành một phần trong phong cách lãnh đạo của tôi và cách sống của nhân dân trước khi có chế độ hiến định, vì vậy mà quá trình thiết chế hóa diễn ra một cách dễ dàng và tự nhiên.

Làm sao ông hiểu được những thay đổi đang diễn ra ở Ghana hồi cuối năm 1970?

Không phải là phức tạp như người đứng ngoài hay thậm chí là người quan sát bên trong, có thể nói. Nhưng nếu sống với nó, bạn sẽ biết rằng tìm giải pháp không phải là quá khó. Lúc đó Ghana đang khao khát thay đổi. Chúng tôi có thể thay đổi thông qua cải cách, nhưng các nhà lãnh đạo đã không thức tỉnh đúng lúc. Vì vậy, nổi dậy đã trở thành lối thoát [chống lại người đứng đầu chính quyền quân sự, Frederick Akuffo, 1978-1979]; đấy không phải là đảo chính, đấy là phong trào cách mạng đặt dấu chấm hết cho các cuộc đảo chính và loại bỏ những thứ tạo ra việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực. Đấy là lúc xuất hiện câu hỏi có để cho cuộc nổi dậy lấy thêm đà, để nó có đầy đủ sức mạnh hay gò cương nó lại. Chúng tôi chia nó thành từng phần, để xem khu vực nào thì cho cuộc nổi dậy hoạt động hết công suất, còn khu vực nào thì buộc nó phải cải cách. Nhưng điều quan trọng là làm sao để tinh thần của con người có được không khí như thế.

Một số người tuyên bố rằng dân chủ đa đảng là dân chủ thực sự. Không – ở đây có nhiều hình thức dân chủ, trong do có dân chủ tham gia. Trong quá khứ, ở Ghana, dân chủ đa đảng đã thất bại – trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi đã trải qua chế độ dân chủ đa đảng. Chúng tôi đã sống với nó và chúng tôi đã sống dưới hệ thống độc đảng. Triết lí kinh tế xã hội chủ nghĩa, triết lí kinh tế tư bản chủ nghĩa, những cuộc đảo chánh của các viên tướng – không có chế độ nào có trách nhiệm giải trình với nhân dân. Cuối cùng đã dẫn đến cuộc nổi dậy năm 1979.

Làm sao mà đất nước đã giành được độc lập ở châu phi – đất nước như Ghana, nằm dưới sự lãnh đạo đầy cảm hứng của Tiến sĩ Kwame Nkrumah, người đã giành độc lập cho chúng tôi và đưa chúng tôi đi qua 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông sau khi giành được – lại bị lật đổ và sau đó, sau 13 năm hoặc lâu hơn, đất nước lại sẵn sàng bùng nổ, trong đó 3 cựu lãnh đạo quốc gia và 5 viên tướng phải bị tử hình? Thế mà đất nước còn đòi nhiều máu hơn nữa. Xã hội nào cũng phát triển và xây dựng trên cơ sở luân thường đạo lí, đạo đức, ý thức về công lí, tự do..v.v. Vì vậy, tước đoạt nó thì sẽ gây ra căng thẳng. Ví dụ, khi đứa con gái hay con trai tát mẹ, thì đây là tội lỗi nghiêm trọng. Nhưng tội lỗi còn nghiêm trong hơn nếu ông bố đi làm về mà không làm gì khi nghe nói con đã tát mẹ. Đó là khi đạo đức đã bị phá vỡ, khi cơ cấu xã hội bắt đầu sụp đổ; cơ chế khắc phục có thể đã có, nhưng các nhà lãnh đạo lại không chịu làm để khắc phục.

Ngay khi giành được chiến thắng, chúng tôi bắt đầu tìm cách để cho cánh diều tự do bay lên. Không có cánh diều tự do nào có thể bay nếu dây công lí không đủ mạnh để giữ nó. Cho nên ở đây và bây giờ, ở Ghana, chúng tôi được hưởng một số hình thức của tự do, nhưng lại thiếu công lí. Nhân dân biết như thế. Vì vậy, đã đến lúc tiến hành kiểm tra. Và chúng tôi sợ, chúng tôi lo lắng. Ở các nước phương Tây, tự do và công lí được coi là đương nhiên, bởi vì người ta không thể hành xử một cách ngớ ngẩn. Các chính phủ từng bị hạ bệ vì lí do kinh tế. Nhưng ở đây, ở châu Phi, các chính phủ từng bị hạ bệ vì họ cho hay không cho người ta bao nhiêu tự do và công lí.

Chuyển hóa là đỉnh điểm của quá trình

Ông quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới vào năm 1992, tức là bản hiến pháp giao quyền thành lập Ủy ban Nhân quyền và Tòa Hành chính, bảo đảm tính độc lập của Ủy ban Bầu cử, và tiến hành những cuộc cải cách khác nhằm mang lại quá trình chuyển hóa dân chủ. Đã có thay đổi quan trọng ở Ghana, đủ sức làm cho quá trình chuyển hóa trở thành khả thi hay nhất định phải làm?

Năm 1992 không có gì bất thường cả, thông qua hiến pháp và tổ chức bầu cử. Đó là một quá trình; Ủy ban Quốc gia vì Dân chủ tiến hành những cuộc thảo luận về tương lai của chế độ dân chủ ở Ghana, những cuộc thảo luận này đã dẫn tới việc thành lập các hội đồng cấp huyện. Rồi, sau quá trình bầu cử hội đồng cấp huyện mà chúng tôi lập ra và đưa vào hoạt động, NCD tổ chức một loạt những cuộc thảo luận công khai khác. Lúc đó, IMF và WB giúp đỡ chúng tôi về mặt tài chính để xây dựng những con đường giao thông mới, cung cấp nước sạch..v.v.. Vì vậy, phải nói trung thực là, họ không đợi chúng tôi đưa ra công thức thích hợp trong việc duy trì nền văn hóa dân chủ mới [được lòng dân, ở cơ sở] trong nhân dân của chúng tôi. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gây áp lực để tiến tới đa đảng.

Sau 10 năm thực thi quyền lực của nhân dân, vợ tôi và tôi đã không ngồi ở trong lâu đài nữa [Lâu đài Osu Castle, trước đây là dinh tổng thống]. Bà đã đi khắp đất nước, suốt ngày này sang tháng khác. Bằng cách làm như thế, chúng tôi giải tỏa định kiến rằng nguyên thủ chỉ ngồi mát ăn bát vàng trong tháp ngà. Thể hiện rõ việc tổng thống giúp trao quyền hành cho nhân dân. Não trạng đã thay đổi. Và không phải là chúng tôi đưa một cái gì đó mới ra cho nhân dân. Mặt tốt đó của nhân dân đã bị đè nén và phong cách lãnh đạo của chúng tôi đã làm cho nhân dân thể hiện được mặt tốt nhất của mình. Tôi không tạo ra phép lạ. Nhân dân là người làm ra phép lạ. Dù họ thuộc sắc tộc hay địa phương nào thì cũng thế. Giao cho họ quyền lãnh đạo và họ sẽ tạo ra phép lạ, chứ không phải tôi.

Phong trào đối lập xã hội và chính trị

Việc huy động lực lượng công nhân, sinh viên, các đảng phái và Phong trào vì Tự do và Công lí có ảnh hướng như thế nào tới quá trình chuyển hóa chính trị ở Ghana?

Các xã hội dân sự và phe đối lập tương đối yếu; họ không đủ mạnh để được nhân dân công nhận. Trong NDC, chúng tôi đã có những quan điểm và lập trường khác nhau về những vấn đề khác nhau, trong đó có sự chỉ đạo của chính phủ. Thái độ phê phán trong nội bộ NDC đủ mạnh, đủ sức đối phó với những thách thức trong quá trình quàn lí. Chúng tôi không cần công nhận bất kì phe đối lập được thiết chế hóa nhân danh đảng phái đó vì phê bình trong nội bộ và dân chủ nội bộ rất cao. Trong chính phủ có cả các quân nhân có đầu óc dân chủ, và có cả các quan chức dân sự với những lí tưởng tiến bộ và cả những người thuộc các nhóm sắc dân khác. Sức mạnh quân sự được sử dụng nhằm lập ra luật pháp, trật tự và ổn định tình hình, nhưng quyền lực phải đi vào nhân dân.

Chuyển hóa thành nhà lãnh đạo dân cử

Ông và NDC được sự ủng hộ của nhân dân trên cả nước khi ông quyết định tổ chức bầu cử. Ông thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, rồi ông tái đắc cử năm 1996. Tại sao ông lại quyết định tham gia tranh cử tổng thống sau khi nền chính trị đa đảng quay trở lại?

Không giống như phần lớn những người từng ngồi trên ngai vàng và ngủ yên ở trên đó, chúng tôi đã mệt mỏi. Mười năm tìm cách quản lí chính quyền cách mạng, tiến hành những cuộc cải cách nhằm trao quyền lực cho nhân dân và đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng – là công việc bòn rút hết sức lực. Tôi đã quá mệt mỏi. Không chỉ đến khi chúng tôi nghe thấy những nhân vật này – phe đối lập – bắt đầu hát những bài nhạc chế và phỉ báng chúng tôi, chúng tôi mới nhận ra rằng phải thành lập NDC để tiếp tục ở lại. Đó là sự thật sống động. Cho nên việc tiếp tục hoạt động chính trị không phải là điều thích thú đối với chúng tôi. Đây là nhiệm vụ. Tôi quyết định là chúng tôi sẽ tiếp tục, bởi vì chúng tôi không thể để cho người ta ném xuống sông xuống biển thành quả mà mọi người đã làm việc vất vả mới có được.

Vì vậy, tôi hi vọng rằng tôi sẽ bảo vệ được những thành quả mà chúng ta đã tạo ra và những thành quả mà nhân dân đã tạo ra. Đấy là cách tôi nhìn nhận bản thân mình. Chúng tôi xây dựng thêm đường xá. Chúng tôi cung cấp điện và nước. Ví dụ, chúng tôi muốn tiêm phòng thật nhanh cho nhân dân để ngăn ngừa bệnh viêm màng não. Một năm, trước khi đi lên phía bắc để giúp đỡ việc huy động, các bác sĩ đã đến tiêm chủng ngay trước khi tôi lên đường. Lúc đó, vợ tôi và tôi đã giành quá nhiều thời gian để nói về kế hoạch hóa gia đình và AIDS, đúng lúc xảy ra dịch viêm màng não và chúng tôi đã gửi các loại thuốc được làm lạnh và các y tá đều đã sẵn sàng tiêm, quần chúng kéo tới rất đông nhưng không ai đứng ra hướng dẫn mọi người xếp hàng. Không ai đứng ra hướng dẫn xếp hàng. Họ sợ, vì vậy tôi hỏi: “Có chuyện gì xảy thế? Chúng ta phải làm nhanh lên và đi tiếp”. Họ sợ rằng chúng tôi sẽ tiêm và làm cho họ trở thành vô sinh, tôi nghĩ thế, bởi vì tôi đã nói về AIDS và kế hoạch gia đình quá lâu. Vì vậy, tôi đứng ngay vào đầu hàng, xắn tay áo lên để tiêm lần thứ hai. Lúc đó tất cả mọi người mới bước vào hàng và mọi chuyện diễn ra rất nhanh, rất trơn tru.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được chứng kiện việc kế hoạch gia đình. Tôi rất vinh dự khi nhìn thấy chuyện đó. Một trong những tổ chức ghê gớm nhất trong đất nước này là Phong trào Phụ nữ Ngày 31 tháng 12 [một tổ chức thúc đẩy vị trí xã hội và kinh tế của phụ nữ] do vợ tôi lãnh đạo; kế hoạch hóa gia đình là một trong những khu vực quan tâm của họ. Một lần tôi có buổi nói chuyện, và mỗi khi tôi nói, tôi mời những người muốn làm rõ hay đặt câu hỏi lên trên sân khấu. Lần này có một người phụ nữ muốn nói gì đó. Bà ta đi tới và bà ấy động viên tất cả mọi người vì bà đã có hai con và bà ấy cho rằng không cần có nhiều con hơn, bởi vì sáu căn bệnh giết người đã được kiểm soát, đấy là do tiêm chủng.

Tôi không biết khi nào thì có thể ngừng vị tha và trở nên ích kỉ, để tự hạn chế bản thân mình. Tôi nghĩ, tôi đã hiến dâng khá nhiều con người mình và cuộc sống của mình cho môi trường xung quanh, cho nhân dân tôi và bây giờ tôi phải tập trung vào bản thân mình. Tôi muốn dạy cho những người khác bắt đầu trở thành cái họ đang là và vươn lên, lớn lên, vì vậy tôi có thể đi. Tôi nói, trên thực tế, những người cầm quyền và tầng lớp chính trị tận dụng lợi thế vì người dân ngây thơ, người dân thiếu hiểu biết, và lèo lái họ như đã từng làm, hết lần này đến lần khác, hết chính phủ này đến chính phủ khác, là không công bằng. Phải quản lí nhân dân, nhưng không được lèo lái họ. Phải tạo môi trường cho họ để họ thể hiện những mặt tốt nhất của mình.

Có một cách mà chúng tôi đã sử dụng tiếng Anh để đè nén sự nghiệp dân chủ, tự do và công lí ở đất nước này, vì chúng tôi đã áp dụng ngôn ngữ đẹp đẽ này, nhưng lại không sử dụng sự trung thực như nó được dùng ở những nước bản xứ nói tiếng Anh. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không trung thực? Chúng tôi cũng trung thực không kém và bạn sẽ tìm được nó ngay cả trong ngôn ngữ địa phương và khuôn mẫu hành vi của chúng tôi. Nhưng trong khi sử dụng ngôn ngữ thuộc địa này, chúng tôi đã đánh mất tính trung thực trong văn hóa chính trị của mình. Các tầng lớp có học nói tiếng Anh trôi chảy đã nhảy lên bệ cao hơn những người khác và dùng ngôn ngữ để thao túng nhân dân. Một số người nào đó nói tiếng Anh trôi chảy không có nghĩa là họ tự động có trình độ hơn, họ sẽ đưa ra những quyết định tốt, hay sẽ không tư lợi; điều ấy là sai lầm và làm giảm tính trung thực của các chính trị gia.

Bối cảnh quốc tế

Bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn ảnh hưởng tới lựa chọn chính trị của ông như thế nào?

Có lúc, trong quá khứ gần đây của chúng tôi, nước Mỹ đã có sai lầm khủng khiếp, đấy là dưới thời George H. Bush, khi nước này quyết định giải quyết Saddam Hussein bằng cách đưa quân vào Iraq [từ tháng 8 năm 1990 đến tháng 2 năm 1991]. Trong khoảng thời gian đó, cùng với sự sụp đổ của thế giới lưỡng cực, Mỹ trở thành uy quyền và quyền lực đơn cực. Sau đó, Mỹ tiêu diệt chế độ của Saddam; họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Chính hành động đưa quân vào đã gây ra những thiệt hại to lớn, và nó cho họ quyền sử dụng sức mạnh để dày xéo lên tất cả thái độ phản chiến của tất cả những người khác trên thế giới. Chuyện đó xảy ra chẳng khác gì một cái gì đó đã phá vỡ mối liên hệ giữa thể hiện sức mạnh và uy quyền.

Uy quyền có thẩm quyền đạo đức để làm việc. Còn khi sức mạnh thiếu tính chính danh được sử dụng ở Iraq, một số người đang cầm quyền ở châu Phi phải thận trọng, nhưng trong trường hợp của tôi là thực thi uy quyền, đấy là quyền lực chính đáng: quyền lực có đạo lí và tính chính danh. Là người đứng đầu nhà nước, tôi có thể sử dụng lực lượng quân sự – “Quyền của kẻ mạnh” – tùy theo ý mình, nhưng tôi đã tạo điều kiện cho quyền lực của nhân dân – “sức mạnh của chân lí”. Tôi lắng nghe tiếng nói của nhân dân và bằng cách làm như thế, tôi đã thực hiện uy quyền cùng với đạo đức.

Cùng với việc thực thi quyền lực chính trị mà không có đạo đức, như Mỹ đã làm ở Iraq, một cái gì đó đã xảy ra với châu Phi: sự dã man của chủ nghĩa tư bản. Trong những nền kinh tế tiên tiến, chủ nghĩa tư bản có đối trọng, và chủ nghĩa tư bản có tính cạnh tranh. Ở Mỹ, bạn kiếm tiền nhờ công lao, nhờ khả năng. Ở đây bạn kiếm tiền nhờ ảnh hưởng.

Khi tôi còn đi học, có một nhà văn, ông Ayi Kwei Armah, tác giả cuốn sách nhan đề The Ones beautiful Are Not Yet Born (tạm dịch: Những người đẹp đẽ chưa ra đời). Đó là cuốn sách mà tôi thực sự thích. Nhiều năm sau, khi đã lớn hơn và có ý thức chính trị hơn, tôi nhận thức được rằng, không, nhan đề cuốn sách của ông sai. Không, những người đẹp, theo tôi, đã được sinh ra rồi. Họ đang ở đây. Thách thức chính là tình hình chính trị không tạo không gian cho những con người với những phẩm chất đúng đắn bước lên vũ đài. Tình hình [chính trị] ngăn cản họ. Những người có ý thức về công lí, những người có những phẩm chất như thế, lúc nào cũng sợ bước lên sân khấu chính trị bởi vì những người nắm độc quyền là những kẻ bẩn thỉu và sẽ gán ghép tên tuổi của họ với những điều sai trái, còn họ thì không muốn như thế, do đó, họ tiếp tục tránh xa. Vì vậy, chỉ còn lại những tên tội phạm, những tên tội phạm về kinh tế, những kẻ nắm lợi thế về chính trị và kinh doanh, vì vậy mới có sự coi thường công lao trong xã hội, và nó phá hoại ngầm nền tảng của quá trình phát triển.

Sau chế độ của PNDC, các cường quốc phương Tây và các phương tiện truyền thông tiếp tục đánh bóng hình ảnh của chính phủ vì Ghana đã trở thành cái gọi là ngôi sao của nền dân chủ, và đặc biệt là khi John Kufuor và Đảng Ái Quốc Mới nắm quyền, như phương Tây cần một nước có thể nêu gương cho những nước còn lại của châu Phi và thế giới, như là câu chuyện thành công. Cho nên, mặc dù tham nhũng vẫn tiếp tục, các phương tiện truyền thông phương Tây tiếp tục đánh bóng hình ảnh chính phủ Kufuor. Không phải hoàn toàn như những gì mà người ta làm cho người bên ngoài tin đâu.

Nền quản trị truyền thống

Khi ông nói về Ghana của ngày hôm nay, nghe như thể nền văn hóa chính trị hiện nay không tương đồng với những giá trị và thói quen mà ông gán cho người Ghana. Ông cho rằng cái gì tạo ra khác biệt như thế?

Một số có thể không đồng ý như thế, nhưng tôi tin rằng hành động phi pháp hay có hại trong xã hội hiện ít bị ngăn chặn hơn. Tôi nghĩ rằng trước đây, trong xã hội đã có sự tôn trọng. Bạn có thể dễ dàng bị người dân lôi tới những người cai trị truyền thống vì những việc làm sai trái, và bạn có thể bị phạt. Nhưng khi chúng tôi trở thành nước độc lập, tôi nghĩ rằng một trong những sai lầm đáng tiếc mà Nkrumah đã làm khi tìm cách khẳng định bản sắc quốc gia, quyền hạn và cơ cấu của nhà nước, là ông đã làm mất dần quyền lực của những người cai trị truyền thống và khả năng của họ trong việc trừng phạt những hành vi sai trái. Trong các làng mạc, chúng tôi không có cảnh sát mặc đồng phục ăn lương của nhà nước và mọi người đều thừa nhận là uy quyền truyền thống đã giảm. Chỉ một chút sai lầm mà chúng ta đã phá hủy ý thức xã hội về trách nhiệm và kỷ luật. Trong khi đó, chúng tôi làm xong một vòng và quay sang đánh giá lại uy quyền truyền thống, cái truyền thống không cần cảnh sát và binh lính để buộc người ta phải tôn trọng nó.

Khi chúng tôi tiến hành cải cách hệ thống quản trị, đã xảy ra xung đột giữa hai trường phái tư tưởng về hệ thống quản trị truyền thống. Một bên nói rằng chúng tôi có thể học được những bài học từ các hệ thống ở cơ sở về cách thức thực thi thẩm quyền theo lối phi chính trị, phi đảng phái và sử dụng kiến ​​thức đó để thúc đẩy quá trình phát triển. Bên kia, ngả sang phái tả hơn, nói rằng, những người đứng đầu các thiết chế phong kiến ​​lỗi thời không còn phù hợp trong môi trường, khi quyền lực của nhân dân được xác định một cách phù hợp. Do có cuộc đụng độ này, cho nên, khi tiến hành phân cấp, chúng tôi đã không sử dụng một cách hiệu quả lực lượng động viên và uy quyền đạo đức của những người lãnh đạo ở cơ sở. Vì vậy, vai trò của họ trong cơ cấu quản trị cơ sở đã không được qui định và sử dụng một cách phù hợp. Chúng ta không thể xóa sổ những hiện tượng mà chúng ta nghĩ là tiêu cực trong hệ thống truyền thống và đưa được giá trị thực sự của quá trình hội nhập vào hệ thống quản trị, ngay cả khi những giá trị này sẽ không thế chỗ chính quyền hành pháp ở địa phương.

Để minh họa mức độ quan trọng của những niềm tin mang tính truyền thống, tôi xin kể một chuyện vui. Trong năm cầm quyền cuối cùng của tôi, phe đối lập tiến hành quấy rối chúng tôi. Đó là năm bầu cử, và họ đã buộc tội một trong những bộ trưởng khu vực của chúng tôi là ông ta làm chuyện gì đó mà tôi nghĩ rằng ông ta không bao giờ làm. Vì vậy, tôi mời này ông này tới Accra (thủ đô Ghana – ND) và hỏi ông ta có làm những chuyện mà họ cáo buộc hay không, ông nói không. Thế là, tôi buộc ông phải thề trước các vị thần truyền thống của mình. Không có nhiều người dám thề trước các vị thần và cư xử không ra gì. Ngôn ngữ truyền thống và hành vi của chúng tôi có tính chính trực. Ông nói rằng sẵn sàng làm chuyện đó. Thế là ông ta thách những vị lãnh đạo kia và mọi người cũng thề và nhắc lại những lời cáo buộc. Không ai còn cáo buộc ông ta nữa.

Giúp đỡ quốc tế

Nói về vai trò của cộng đồng quốc tế ở Ghana, ông đã nhắc tới, ví dụ, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã gây áp lực, buộc Ghana quay trở lại với những cuộc bầu cử đa đảng. Các tổ chức quốc tế và các nước dân chủ khác có thể thúc đẩy một cách hiệu quả các thiết chế quản trị dân chủ hay không?

Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế thực sự muốn thấy nền văn hóa dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ cách tiếp cận một số vấn đề lại đang phá hoại ngầm chính mục tiêu mà họ đang nhắm tới.

Ví dụ, vấn đề của Palestine với Israel và tệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi là hai hiện tượng chướng ta gai mắt trên màn hình TV toàn thế giới. Tệ phân biệt chúng tộc bị xóa sổ rồi. Cho nên, bây giờ thế giới chú ý tới vấn đề giữa Palestine và Israel, vì những thứ chúng ta thấy thật là khủng khiếp. Khi người dân bị tước đoạt tất cả các cơ hội tự bảo vệ mình thì cũng đừng ngạc nhiên nếu họ liều mạng trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù của mình.

Chất lượng lãnh đạo

Trải qua 30 kinh nghiệm hoạt động trong nền chính trị quốc gia, điều gì khiến ông ngạc nhiên? Nếu làm lại thì ông sẽ làm theo cách khác những việc gì?

Mọi người thường hỏi: “Nếu làm lại thì ông sẽ làm theo cách khác những việc gì?” Tôi trả lời chẳng thể làm khác bất cứ việc gì. Tất cả những thứ chúng tôi làm là những thứ chúng tôi có thể làm trong những hoàn cảnh đó. Nhưng khi tôi buộc phải quay trở lại [năm 1981], các quân nhân bình thường trong quân đội muốn như thế vì sự bức hại mà chế độ của Tổng thống Limann đã bắt đầu chống lại họ. Chính phủ Limann đã tuyên truyền những thông tin sai lạc trong quân đội và xúi giục những căng thẳng trên cơ sở sắc tộc. Điều đó có thể dẫn đến sự bùng nổ trong lực lượng vũ trang. Tôi là người mà họ mong đợi, họ muốn tôi bước vào và ngăn chặn quá trình suy thoái mà người ta đang gây ra cho đất nước.

Tôi không thể chấp nhận chuyện vô lí như thế trong xã hội của chúng tôi. Khi tôi vào học viện quân sự, chắc tôi khoảng 19 tuổi hay hơn một chút. Nhà tôi không phải giàu có gì, nhưng tôi có người hầu. Trong nhà chúng tôi những ngày đó, đầy tớ hay không không phải đầy tớ, mọi người cùng làm công việc trong nhà. Vì vậy, thực ra, chúng tôi giống như gia đình của những người đầy tớ vậy. Tôi cũng thường làm việc trong những ngày nghỉ. Tôi cùng làm việc với người lao động, với những người được gọi là dân thường, và với người từ những bộ lạc khác. Trong bộ lạc của tôi, chúng tôi không có vàng và chúng tôi không có dừa. Vì vậy, rất nhiều người trong khu vực của tôi phục vụ trong quân đội hay cảnh sát. Nhưng quân đội là nơi mà xung đột sắc tộc hay tư tưởng bộ lạc ít khi xảy ra. Quân đội thực sự là nơi tuyệt vời để cống hiến.

Bài học quan trọng mà tôi đã áp dụng trong cuộc sống của tôi là tin vào tất cả những việc mình làm, nhưng đừng có quá tin, vì như thế có thể nguy hiểm. Khi bạn giảm sút niềm tin thì phải đi và học lại. Tự học cho đến khi cảm thấy đủ tự tin. Tôi đã mắc một vài sai lầm suýt nữa thì nguy và tôi bị sốc nặng. Một số người nói rằng tôi phải từ chức và ra khỏi lực lượng Không quân. Tôi phải bắt đầu lại một lần nữa cho đến khi tôi có thể tạo được sự tự tin. Tôi không để cho cái tôi mê hoặc mình. Phải đối mặt với thực tế của bản thân mình và biết những hạn chế của mình. Bạn có biết bao nhiêu viên tướng đã khăng khăng đòi tôi tự đưa mình lên không? Họ nghĩ rằng tôi là thằng ngốc? Không có gì lớn hơn và tốt hơn là chân thật với chính mình.

Khi ngồi vào ghế tổng thống, tự mình phải rất trung thực và đảm bảo rằng tất cả những người dưới quyền cũng phải rất trung thực – trung thực mang lại rất nhiều sáng tạo, rất nhiều phát triển, và rất nhiều năng lượng sáng tạo. Nhưng bây giờ, tất cả những thứ đó đều đang được thay thế bằng tiền. Sự tôn trọng đang được thay thế bằng tiền.

Vai trò của phụ nữ

Ông có thể mô tả vai trò của phụ nữ Ghana trong sự nghiệp xây dựng dân chủ?

Phụ nữ của quốc gia này là cột trụ chúng tôi. Phụ nữ là những người tự đưa mình vào hàng ngũ và bao vây các pháo đài thuộc địa theo đúng nghĩa đen của từ này và bảo đảm rằng Nkrumah được phóng thích. Đàn ông chúng tôi chưa đánh giá và chưa tôn trọng đúng mức sức mạnh và giá trị của phụ nữ của chúng tôi. Ba mươi tư người phụ nữ đã bị sát hại trong nhiệm kì cuối cùng của tôi và tôi tin rằng người ta cố tình gây ra bất an vì động cơ chính trị.

Phụ nữ không đòi hỏi tiền bạc thì mới tham gia chiến dịch tranh cử, thì mới lên đường. Năm giờ sáng, họ đã sẵn sàng vì cuộc cách mạng là dành cho những người bị tước đoạt, dành cho những người bị thiệt thòi, dành cho những người bị áp bức, và, nói thực, dành cho những người theo Hồi giáo, người miền Bắc, phụ nữ và trẻ em, những người nằm dưới đáy xã hội. Vì vậy, chúng tôi giành được tự do cho chính mình, và phụ nữ đi cùng chúng tôi.

Tôi không nhớ rõ đấy là bầu cử năm 1992 hay năm 1996, nhưng tôi đã đến một ngôi làng và, khi tôi kết thúc bài nói chuyện, tôi hỏi trưởng làng và dân chúng xem có ai muốn nói, hay nhận xét hoặc hỏi gì không. Không ai lên tiếng. Rồi, một phụ nữ trẻ đưa tay lên. Ngay lập tức, tôi ra hiệu cho cô lại gần microphone. Cô chỉ vào một tháp xi măng phía sau họ và hỏi liệu chính phủ có thể sửa chữa cái tháp này hay không. Lúc đó, tôi tự nhủ: “Cái gì làm cho người phụ nữ này đi lên phía trước? Tại sao bà ta lại nêu ra vấn đề này? Tại sao không có người đàn ông nào nói về nó? Tại sao các ủy viên hội đồng hay trưởng làng không nói về nó?” Bởi vì họ không phải dậy vào lúc bốn năm giờ sáng, rồi đi suốt hai dặm để lấy nước vì cái tháp nước này không hoạt động. Các bà phải đi lấy nước.

Làm gì để phụ nữ ở đất nước này, lục địa này không còn bị khổ? Cái ngày, khi hoàn cảnh của phụ nữ ở lục địa này bắt đầu thay đổi theo hướng tốt lên nghĩa là châu Phi đã sẵn sàng tiến lên. Tôi dạy con gái tôi, mới 13 tuổi lái máy bay, và tôi làm như thế vì lí do chính trị. Tôi cố ý làm thế, bởi vì tôi muốn nói với mọi người: “Đừng đánh giá thấp tiềm năng, tinh thần, trí tuệ của thanh nữ và trẻ em gái”. Khi bác sĩ Kwame Nkrumah muốn thành lập Lực lượng Không quân, đàn ông chúng ta nghĩ, “Ồ không, chỉ là cho đàn ông da trắng thôi. Chỉ đàn ông da trắng mới có thể lái máy bay thôi”. Vì vậy, ông phải chỉnh chúng tôi. Bởi vì lúc chúng tôi coi thường phụ nữ, ông đã chỉnh chúng tôi và chọn ra hai người phụ nữ và họ đã được huấn luyện bay trước khi bọn đàn ông tỉnh ngộ. Lúc đó đàn ông mới nghĩ: “Nếu đàn bà có thể làm được thì chúng ta cũng có thể làm được”.

Tỉ lệ phụ nữ trong Nghị viện Ghana có cao không?

Đáng tiếc là, ban lãnh đạo các đảng phái chính trị yếu kém đến mức chúng tôi không dành cho phụ nữ đủ ghế, ngay cả ở những nơi chúng tôi có cơ sở vững chắc. Chúng tôi đẩy họ ra ngoài một cách ích kỉ, nhưng lúc có chiến dịch tranh cử, nếu phụ nữ không lên đường vận động và hỗ trợ các ứng cử viên, thì họ sẽ không thắng được. Khi đàn ông tiến hành chiến dịch tranh cử, nó hung hãn như một chiếc xe tải, một chiếc xe kéo, một chiếc ô tô hay xe đạp. Còn khi mà phụ nữ tham gia thì nó giống như đoàn tàu. Mọi người cùng nhảy trên tàu.

Những mốc chính

Tháng 3 năm 1957: Ghana giành được độc lập từ tay đế quốc Anh. Kwame Nkrumah, nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp thuộc địa và phong trào đòi độc lập, trở thành Thủ tướng, được đảng cánh tả, Đảng Nhân dân Hội nghị ủng hộ. Trong những năm sau đó, Nkrumah củng cố quyền lực, hạn chế tự do ngôn luận và cấm đối lập.

Tháng 2 năm 1966: Nkrumah bị quân đội lật đổ; ông phải lưu vong và cuối cùng chết ở nước ngoài nhưng vẫn được nhân dân ủng hộ.

Tháng 8 năm 1969: Chính phủ tổ chức cuộc bầu cử mới. Kofi Abrefa Busia của Đảng Tiến bộ, đối thủ của Nkrumah thắng, nhưng ba năm sau đó cũng bị lật đổ. Trong thập kỉ sau đó, nền kinh tế do nhà nước kiểm soát và phụ thuộc vào xuất khẩu suy thoái.

Tháng 6 năm 1979: Đại uý Không quân Jerry Rawlings lãnh đạo cuộc đảo chính chống lại chính phủ quân sự, nhưng cho phép tiến hành cuộc bầu cử đã dự định từ trước, trong khi cảnh báo chống lại thói vô trách nhiệm của các chính trị gia dân sự. Ông vẫn là sĩ quan không quân và giữ cấp bậc đó cho đến năm 1992.

Tháng 9 năm 1979: Đảng Quốc đại của Nkrumah, do Hilla Limann lãnh đạo, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ, nhưng sau đó phải chiến đấu với nạn lạm phát và thâm hụt ngân sách.

Tháng 12 năm 1981: Rawlings lãnh đạo cuộc đảo chính, lập ra Hội đồng Quốc phòng Lâm thời (PNDC), cấm các đảng phái và các phương tiện truyền thông độc lập. PNDC tuyên bố “cuộc cách mạng của nhân dân” do cán bộ địa phương, lực lượng bán quân sự, và tòa án công cộng không nằm trong hệ thống tư pháp tiến hành..

Tháng 4 năm 1983: Trước những khó khăn về kinh tế, PNDC đột ngột chấp nhận các chính sách kinh tế do Ngân hàng Thế giới đưa ra; trong thập kỷ tiếp theo, họ giành được tín nhiệm vì tăng trưởng kinh tế và Rawlings được nhân dân ủng hộ. Các tổ chức tài chính quốc tế trở thành nguồn cung cấp tài chính chủ yếu của chính phủ.

Tháng 1 năm 1985: Rawlings lập ra Ủy ban Quốc gia về Dân chủ (NCD) để nghiên cứu quá trình trở về với chính phủ hiến định. NCD hầu như không lên tiếng trong suốt năm năm sau đó.

Tháng 7 năm 1987: Rawlings đề nghị bầu một số thành viên các hội đồng địa phương phi đảng phái, còn một số thì được chỉ định, đồng thời phê phán chế độ dân chủ tự do là có tính tinh hoa và dựa trên xung đột. Các hội đồng địa phương đã được thành lập và những cuộc bầu cử “phi đảng phái” đã được tổ chức trong vòng hai năm sau đó, mặc cho những lời chỉ trích của phe đối lập.

Tháng 7 năm 1990: Rawlings, dưới áp lực của Mỹ và của các thiết chế tài chính quốc tế đòi dân chủ hoá, đề nghị chuyển hội đồng địa phương thành cử tri đoàn.

Tháng 8 năm 1990: Lực lượng đối lập “Nkrumahist” (tả khuynh-dân túy) và “Busiahist” (tự do) thành lập Phong trào vì Tự do và Công lý (MFJ), do Albert Adu Boahen lãnh đạo, nhằm phê phán “Chế độ dân chủ phi đảng phái”. MFJ làm gia tăng những cuộc biểu tình phản đối trong các thành phố, nhưng không có nhiều người đi theo.

Tháng 3 năm 1991: NCD tổ chức các cuộc mít tinh công cộng theo kế hoạch của chế độ dân chủ “phi đảng phái”. Phe đối lập đã phá vỡ được sự kiểm soát của chính phủ đối với những cuộc mít tinh đó, để phê phán đề xuất này là không dân chủ.

Tháng 5 năm 1991: Sau các cuộc điều tra cho thấy Rawlings có khả năng thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tự do (một phần do nền kinh tế đầy sức mạnh), ông bỏ đề xuất “phi đảng phái”, và đề xuất tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng, trực tiếp, và bổ nhiệm ủy bản soạn thảo hiến pháp.

Tháng 4 năm 1992: Hơn 90% cử tri ủng hộ bản hiến pháp mới, mặc dù vận động trong quá trình trưng cầu dân ý đã bị hạn chế. Hiến pháp chính thức hóa tổng thống và nghị viện dân cử.

Tháng 5 năm 1992: PNDC bỏ lệnh cấm các đảng phái. Các đảng mới, trong đó có Đảng của những người ủng hộ Busiah, gọi là Đảng Nhân dân Quốc gia (NPP), Đảng theo phe Nkrumah, và Đại hội Dân chủ Quốc gia (NDC) của Rawlings, bắt đầu vận động. Đảng NPP ủng hộ các chính sách kinh tế tự do, trong khi đảng của Nkrumah phản đối những chính sách đó.

Tháng 11 năm 1992: Rawlings được bầu làm tổng thống; NPP là đảng đối lập chính, đảng của những người ủng hộ Busiah yếu kém hơn. NDC được các nguồn lực của chính phủ hỗ trợ, nhưng cuộc bầu cử nói chung là trong sạch. Phe đối lập phản đối kết quả và đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử cơ quan lập pháp.

Tháng 12 năm 1992: NDC giành được 189 trong số 200 ghế trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, trong khi Đảng NPP tẩy chay. Các nhà quan sát quốc tế mô tả cuộc bầu cử là công bằng, nhưng Đảng NPP công bố báo cáo về gian lận, nhưng các chuyên gia quốc tế coi là thổi phồng.

Tháng 6 năm 1993: Rawlings bổ nhiệm một ủy viên độc lập về nhân quyền và tòa án hành chính, sau khi có những cuộc biểu tình phản đối chống lại người được đề cử trước đó.

Tháng 7 năm 1993: Tòa án tối cao quy định rằng các phương tiện truyền thông của nhà nước phải cho phe đối lập thời lượng bằng phe ủng hộ chính phủ, và các cuộc biểu tình có thể được tổ chức mà không cần xin phép.

Tháng 11 năm 1993: Đảng NPP chấm dứt tẩy chay và bắt đầu “giao tiếp với chính phủ” bằng cách giải quyết các tranh chấp trong hệ thống pháp luật và tham gia cuộc bầu cử trong tương lai.

Tháng 2 năm 1994: Đảng NPP đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử vì thủ tục đăng kí cử tri. Đại sứ quán Mỹ giải quyết vấn đề này bằng cách trả tiền cho các thẻ cử tri đã được hoàn thiện.

Tháng 3 năm 1994: Ủy ban Bầu cử thành lập Ủy ban tư vấn liên đảng phái (IPAC) bao gồm viên chức của các đảng và xã hội dân sự. IPAC xây dựng lòng tin giữa các đảng và tăng cường sự tín nhiệm của Ủy ban bầu cử do Rawlings bổ nhiệm.

Tháng 4 năm 1995: Phe đối lập lại tổ chức các cuộc biểu tình nhằm chống lại đề xuất về thuế giá trị gia tăng. Các cán bộ từng làm việc dưới thời PNDC đụng độ với người biểu tình; bốn người chết, chính phủ phải hủy bỏ kế hoạch.

Tháng 12 năm 1996: Rawlings và NDC giành chiến thắng trong cuộc cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và bầu cử tổng thống. NPP củng cố được vai trò như là đảng đối lập chính. Các nhà quan sát viên quốc tế và trong nước tuyên bố các cuộc bầu cử là công bằng; phe đối lập thừa nhận.

Tháng 6 năm 1998: Rawlings, cho biết ông sẽ tôn trọng những giới hạn cầm quyền do hiến pháp quy định, và ủng hộ vị luật sư và cũng là cựu cao úy hải quan, John Atta-Mills, làm ứng cử viên tổng thống tiếp theo của đảng NDC.

Tháng 12 năm 2000: John Kufuor của đảng NPP thắng Atta-Mills trong cuộc bầu cử tổng thống. Bầu cử nói chung là công bằng, mặc dù đã xảy ra lạm dụng các nguồn lực của chính phủ và NDC bóng gió về can thiệp quân sự. Khi cầm quyền, Kufuor tăng cường các thiết chế dân chủ, tăng cường chính sách kinh tế theo thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và giám sát tăng trưởng kinh tế.

Tháng 7 năm 2001: Nghị viện do NPP dẫn dắt bãi bỏ Luật hình sự về tội phỉ báng, khuyến khích các phương tiện truyền thông độc lập.

Tháng 12 năm 2001: Nghị viện thành lập Ủy ban Hòa giải Quốc gia để điều tra những vụ lạm quyền hồi chế độ quân sự. Ủy ban n ày có thể đề nghị bồi thường nhưng không thể truy tố.

Tháng 12 năm 2004: Kufuor và đảng NPP được tái đắc cử trong cuộc bầu cử dân chủ nói chung là trong sạch.

Tháng 6 năm 2007: Những mỏ dầu mới được phát hiện trong vùng lãnh hải của Ghana, cải thiện được triển vọng kinh tế của đất nước nhưng lại tạo ra những mối lo ngại rằng doanh thu dầu mỏ sẽ làm gia tăng nạn tham nhũng.

Tháng 12 năm 2008: Cuộc bầu cử mới được tổ chức; Kufuor không đủ điều kiện tham gia vì giới hạn nhiệm kỳ. Atta-Mills và đảng NDC thắng. Ban đầu, Đảng NPP không chịu thừa nhận, nhưng đã rút lui trước áp lực của xã hội dân sự.

Tháng 7 năm 2012: Atta-Mills chết khi đang nắm quyền; phó tổng thống John Dramani Mahama thay ông cầm quyền cho đến hết nhiệm kỳ.

Tháng 12 năm 2012: Mahama đắc cử nhiệm kì mới. Ban đầu Đảng NPP không thừa nhận, nhưng các nhà quan sát bầu cử và xã hội dân sự thuyết phục NPP đưa vụ này ra toà chứ không tổ chức các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố.

Đọc thêm

Agyeman-Duah, Ivor. Between Faith and History: A Biography of J. A. Kufuor. Trenton, N.J.: Africa World Press, 2003.

Boafo-Arthur, Kwame. “Ghana: Structural Adjustment, Democratization, and the Politics of Continuity.” African Studies Review 42, no. 2 (1999): 4172.

———, ed. Ghana: One Decade of the Liberal State. Dakar: Council for the Development of Social Science Research in Africa, 2007.

Bratton, Michael, Peter Lewis, and E. Gyimah-Boadi. “Constituencies for Reform in Ghana.” Journal of Modern African Studies 39, no. 2 (2001): 23159.

Chazan, Naomi. An Anatomy of Ghanaian Politics: Managing Political Recession, 1969–1972. Boulder, Colo.: Westview Press, 1983.

Crawford, Gordon. “The European Union and Democracy Promotion in Africa: The Case of Ghana.” European Journal of Development Research 17, no. 4 (2005): 571–600.

Crook, Richard C. “‘No-Party’ Politics and Local Democracy in Africa: Rawlings’ Ghana in the 1990s and the ‘Ugandan Model.’” Democratization 6, no. 4 (1999): 114–38.

Frempong, Alex K. D. Electoral Politics in Ghana’s Fourth Republic: In the Context of Post Cold War Africa. Accra: A. K. D. Frempong, 2012.

Gyimah-Boadi, E. “Another Step Forward for Ghana.” Journal of Democracy 20, no. 2 (2009): 138–52.

———, ed. Ghana under PNDC Rule. Dakar: Council for the Development of Social Science Research in Africa, 1993.

Handley, Antoinette. “Ghana: Democratic Transition, Presidential Power, and the World Bank.” In Transitions to Democracy: A Comparative Perspective, edited by Kathryn Stoner and Michael McFaul, 221–43. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2013.

Hearn, Julie. “The US Democratic Experiment in Ghana.” In Africa in Crisis: New Challenges and Possibilities, edited by Tunde Zack-Williams, Diane Frost, and Alex Thomson. London: Pluto Press, 2002.

Herbst, Jeff rey. The Politics of Reform in Ghana, 1982–1991. Berkeley: University of California Press, 1993.

Hutchful, Eboe. “Pulling Back from the Brink: Ghana’s Experience.” In Governing Insecurity:

Democratic Control of Military and Security Establishments in Transitional Democracies, edited by Gavin Cawthra and Robin Luckham. London: Zed Books, 2003.

Morrison, Minion K. C. “Political Parties in Ghana through Four Republics: A Path to Democratic Consolidation.” Comparative Politics 36, no. 4 (2004): 42142.

Ninsin, Kwame, ed. Ghana: Transition to Democracy. Dakar: Council for the Development of Social Science Research in Africa, 1998.

Quarshigah, Edward Kofi . “Constitutional Reform and Democratic Governance in Ghana: An IDEG 10th Anniversary Lecture.” Accra: Institute for Democratic Governance,

2010.

Sandbrook, Richard, and Jay Oelbaum. “Reforming Dysfunctional Institutions through Democratization? Refl ections on Ghana.” Journal of Modern Africa Studies 35, no. 4 (2007): 60346.

Comments are closed.