Cuộc cách mạng cộng sản của Việt Nam: quyền lực và những giới hạn của ý thức hệ (kỳ 1)

Vũ Tường (2017). Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Trung Kiên dịch

GIỚI THIỆU: CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Các cuộc cách mạng trong bất kỳ xã hội nào cũng đều khó thành công bởi những điều kiện bất lợi. Hầu hết các cuộc cách mạng đều chưa từng có cơ hội sử dụng quyền lực nhà nước bởi ngay cả các chính quyền yếu kém cũng có thể chỉ huy được lực lượng đủ để đánh bại chúng. Ngay cả khi các cuộc cách mạng lật đổ thành công chế độ cũ, các nhà nước cách mạng non trẻ từ Pháp đến Nga vẫn thường xuyên phải đối mặt với những kẻ thù nước ngoài hùng mạnh khiến cho sự tồn tại của chúng càng trở nên hiếm hoi hơn. Cuốn sách này tập trung vào Việt Nam như một trong những ngoại lệ hiếm hoi đó trong lịch sử thế giới hiện đại, khi cuộc cách mạng thành công và trường tồn.

Trong nghiên cứu này, tôi lần theo thế giới quan của các nhà cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kéo dài hơn tám mươi năm, bắt đầu từ thập niên 1920, khi họ là một nhóm sống ngoài vòng pháp luật và đang mơ ước xây dựng một thiên đường cộng sản; trải qua những thập kỷ sau, khi họ đấu tranh giành quyền lực, xây dựng xã hội mới và đánh bại các can thiệp của nước ngoài; và đến cuối thập niên 1980 khi họ cố gắng cứu chủ nghĩa xã hội ở trong và ngoài nước một cách vô ích. Cuộc cách mạng đã kết thúc một cách hiệu quả kể từ đó, nhưng những di sản của nó còn tồn tại dai dẳng đến đáng kinh ngạc: chế độ cộng sản đang chịu áp lực thay đổi to lớn nhưng đã kiên quyết từ chối việc từ bỏ ý thức hệ đã bị mất niềm tin ở khắp nơi của mình. Như vậy, cuốn sách này đặt ý thức hệ vào vị trí trung tâm của gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam hiện đại. Tôi cho rằng ý thức hệ đã giúp những người cộng sản Việt Nam kiên trì chống lại những khó khăn lớn, nhưng không đưa họ đến thành công và để lại những di sản buồn.

Trong quan niệm của quần chúng, các nhà cách mạng Việt Nam hiện lên như những nhà dân tộc chủ nghĩa thực dụng, những người kế thừa các truyền thống yêu nước, và chủ nghĩa anh hùng ở họ thật đáng được khâm phục. Bằng cách thẩm tra kỹ lưỡng về tầm nhìn của họ, cuốn sách này bộc lộ họ ở một góc độ rất khác (nhưng không nhất thiết là tiêu cực) – những người cấp tiến đã cống hiến sự nghiệp của mình cho một xã hội không tưởng. Câu chuyện mà người đọc gặp ở đây ít lạc quan hơn câu chuyện được kể trong rất nhiều tài liệu về cuộc cách mạng này: niềm tin sâu sắc của các nhà cách mạng Việt Nam là nguồn gốc của không chỉ những chiến thắng vẻ vang mà còn là những bi kịch khổng lồ.

Cuốn sách này hướng tới ba mục tiêu. Thứ nhất, mục tiêu của nó là nghiên cứu lịch sử tư tưởng cộng sản Việt Nam, đặc biệt tập trung vào thế giới quan của các nhà cách mạng. Tôi quan tâm đến cách những người Việt Nam này tưởng tượng ra thế giới xung quanh họ như thế nào và các khái niệm chủ nghĩa Marx-Lenin đã truyền cảm hứng cho họ như thế nào. Rất ít nghiên cứu trước đây nghiên cứu về đề tài này. Các học giả về Chiến tranh Việt Nam và cách mạng Việt Nam thường coi chủ nghĩa cộng sản Việt Nam là nông cạn về mặt ý thức hệ.

Thứ hai, cuốn sách này hy vọng sẽ đưa ra những lý giải về quan hệ đối ngoại của nhà nước cộng sản Việt Nam. Không giống như hầu hết các tài liệu hiện có, những diễn giải mà tôi cung cấp ở đây đều tập trung vào ý thức hệ Marx-Lenin của các nhà lãnh đạo nhà nước. Tuyên bố quan trọng nhất của tôi là ý thức hệ chính là nhân tố chủ yếu để hình thành quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Vì Việt Nam là một quốc gia ngày càng có tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, các học giả, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được những di sản mạnh mẽ của ý thức hệ trong nền chính trị Việt Nam hiện nay.

Thứ ba và cuối cùng, cuốn sách này có thể dùng như một nghiên cứu tình huống về tầm quan trọng của cách mạng trong nền chính trị thế giới. Có thời điểm, cuộc cách mạng của Việt Nam đã tác động quan trọng đến trật tự toàn cầu và trở thành một ngọn hải đăng trong mắt hàng triệu người trên thế giới. Ánh sáng từ ngọn hải đăng đó rốt cuộc chẳng dẫn đến đâu, nhưng thực tế đó phản ánh các giới hạn cố hữu của nền chính trị cấp tiến trong việc giải quyết các vấn đề con người, chứ không phải là các giới hạn trong cam kết cách mạng của các lãnh tụ Việt Nam. Cuốn sách này là nghiên cứu đầu tiên theo dõi những cam kết đó trong suốt chiều dài của cuộc cách mạng, cho thấy họ đã từng đưa Việt Nam trở thành đội quân tiên phong của cách mạng thế giới như thế nào.

Đối với tất cả những gì cuốn sách này cố gắng đạt được, tôi không khẳng định sẽ đưa ra một lịch sử toàn diện của cách mạng Việt Nam.[1] Cuốn sách này cũng không nhằm mục đích trở thành sách lịch sử về ngoại giao của nước Việt Nam cộng sản.[2] Đối tượng phân tích chính của tôi không phải là các sự kiện và chính sách cụ thể mà là các tư tưởng đang trên đà tiến hóa của các nhà cách mạng về quan hệ của Việt Nam với thế giới. Các chính sách lớn và các sự kiện lịch sử được thảo luận chỉ khi họ có liên quan đến hoặc được thể hiện đáng kể trong thế giới quan của các nhà cách mạng. Phần mở đầu này trước tiên sẽ giải thích bí ẩn về cách mạng Việt Nam và các nghiên cứu so sánh về vai trò của các cuộc cách mạng cấp tiến trong nền chính trị thế giới. Sau đó, tôi sẽ thảo luận về thế giới quan Marx-Lenin của các nhà cộng sản Việt Nam và vai trò của nó đối với cuộc cách mạng của họ.

BÍ ẨN VỀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG BỊ HIỂU SAI

Hầu như trong suốt thế kỷ XX, nhiều cuộc cách mạng chống phương Tây đã tràn khắp Đông Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh.[3] Mang theo các ý thức hệ từ chủ nghĩa cộng sản tới chủ nghĩa Hồi giáo, những cuộc cách mạng đó đã tìm cách lật đổ hoặc đẩy lùi sự thống trị của phương Tây. Các quốc gia cách mạng, dù lớn (như Nga và Trung Quốc) hay nhỏ (như Cuba và Nicaragua), có thể đã ngăn cản nhưng không bao giờ có thể đánh bại phương Tây. Nhiều cuộc cách mạng đã sụp đổ, bao gồm cả Liên Xô từng một thời hùng mạnh. Trên thực tế, hầu hết những quốc gia sống sót qua các cuộc cách mạng đó đã cầu hòa với những kẻ thù cũ tại phương Tây. Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia cách mạng nhỏ cũng có tác động to lớn đến chính trị thế giới trong thời kỳ hoàng kim của họ. Ví dụ, bây giờ chúng ta biết rằng các cuộc tấn công vào tháng Sáu năm 1950 khởi đầu cuộc Chiến tranh Triều Tiên được phát động theo sáng kiến của Kim Il-sung, người đã thuyết phục Stalin và Mao đồng hành với ông. [4] Kim thất bại trong mục tiêu chinh phục Hàn Quốc, nhưng cuộc chiến đã kéo Hoa Kỳ trở lại lục địa Đông Á và làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Moscow. Chiến tranh Lạnh có thể chỉ giới hạn ở châu Âu nếu Kim không thực hiện động thái này. Sự tham gia của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội trong nước của riêng Trung Quốc, buộc đất nước này phải trì hoãn vô thời hạn kế hoạch xâm lược Đài Loan, và làm sâu sắc xung đột của Trung Quốc với phương Tây.

Trong một nỗ lực thậm chí còn táo bạo hơn cả Bắc Triều Tiên, Bắc Việt Nam cộng sản đã quyết định tổ chức một cuộc nổi dậy ở Nam Việt Nam vào năm 1959 chống lại mong muốn không chỉ của Hoa Kỳ mà còn cả của Liên Xô và Trung Quốc, và cuối cùng lôi kéo cả ba nước này vào cuộc xung đột. Mặc dù có lúc đưa khoảng nửa triệu quân tham gia cuộc xung đột, nhưng Washington đã không đạt được mục tiêu bảo vệ đồng minh Nam Việt Nam của mình. Các mâu thuẫn đối với vấn đề Việt Nam đã khiến các giới tinh hoa tại Hoa Kỳ trở nên mâu thuẫn sâu sắc với nhau, làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, và tạo động lực tinh thần cho nhiều phong trào chấp tiến ở châu Phi và Mỹ La-tinh. Một số nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột đã truyền cảm hứng cho “các phong trào phản hệ thống” trong thập niên 1960 và 1970 ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ La-tinh.[5] Một nguồn tài liệu đã thống kê rằng có ít nhất mười bốn cuộc cách mạng đã xảy ra trong bảy năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973.[6]

Các học giả về chính trị quốc tế đã lập luận rằng cuộc Cách mạng Pháp vĩ đại đã khiến quần chúng nhập ngũ hàng loạt và tiến hành sự can thiệp của nước ngoài vào các quốc gia yếu hơn.[7] Ngược lại, xung đột tại Việt Nam góp phần giúp Hoa Kỳ từ bỏ chế độ cưỡng bách đi lính và trở lại quân đội tình nguyện được trả lương của thế kỷ XVIII (với một số điều chỉnh). Sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam dẫn đến việc nước này rút lui khỏi các sứ mệnh kiến tạo quốc gia tại các nước khác trong hai thập kỷ sau đó. Sự tự kiềm chế này chỉ được dỡ bỏ một phần sau các cuộc tấn công của Al-Qaeda vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, vốn đã đưa chiến tranh đến lục địa Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 1814.[8] Al-Qaeda được tổ chức bởi nhà nước Taliban tại Afghanistan, một quốc gia cách mạng khác mà trước đó đã từng chiến đấu với quân đội Xô-viết và đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô.[9] Nhà nước Taliban không chỉ gây chiến với Hoa Kỳ một cách gián tiếp thông qua việc ủng hộ Al-Qaeda mà còn lôi kéo Washington và các đồng minh của họ vào một cuộc chiến tốn kém mà hiện nay được coi là dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Với khả năng quân sự và kinh tế hạn chế của các quốc gia nhỏ nhưng cực đoan như Bắc Việt Nam và Afghanistan, khả năng và quyết tâm của họ trong việc gây ra sự sỉ nhục như vậy cho các siêu cường đặt ra một câu hỏi khó đầy ý nghĩa cần phải được phân tích. Những hành vi đầy rủi ro của họ không phù hợp với quan niệm bình thường về tính hợp lý. Sự sụp đổ của một số nhà nước (Khmer Đỏ ở Campuchia, Taliban của Afghanistan) và sự nghèo đói khủng khiếp của những người sống sót (Cuba, Triều Tiên, Việt Nam trong thời kỳ trước đây) cho thấy cái giá quá đắt mà họ phải trả khi đứng lên chống lại những kẻ thù hùng mạnh bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là: Những nhà lãnh đạo cách mạng ở các quốc gia đó đã có những suy nghĩ gì? Làm sao họ có thể nghĩ đến việc thách thức những kẻ mạnh hơn họ nhiều?

Những câu hỏi này phải được đặt ra cho tất cả các cuộc cách mạng, nhưng chúng có tầm quan trọng đặc biệt đối với trường hợp Việt Nam vì bản chất của cuộc cách mạng này đã bị hiểu sai hầu như ở mọi nơi.[10] Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, các nhà cách mạng Việt Nam thường được miêu tả là con tốt trong cuộc cờ của các cường quốc hoặc là các nhà dân tộc chủ nghĩa kế thừa truyền thống yêu nước và được thúc đẩy một cách đơn giản bởi nền độc lập dân tộc. Hình ảnh các nhà cách mạng Việt Nam như là những kẻ đầu sai cho Moscow hay Bắc Kinh thường xuyên bị các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra làm lý do để tiến hành can thiệp. Trong hình ảnh này, các nhà cộng sản Việt Nam không có niềm tin của riêng mình cũng như không có khả năng hành động độc lập. Dean Rusk, người sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã điều trần trước một ủy ban của Quốc hội vào năm 1951 rằng các nhà cộng sản Việt Nam “chịu sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Moscow và có thể được tin tưởng là… ép buộc Đông Dương vào thế giới cộng sản”.[11] Một thập kỷ sau, khi đưa quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam, Tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ ra rằng Bắc Kinh là thủ phạm thực sự:

"Vượt lên cuộc chiến này – và toàn bộ châu Á – là một thực tế khác: cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc cộng sản. Các nhà cầm quyền ở Hà Nội đang bị Bắc Kinh xúi giục. Đây là một chế độ đã phá hủy nền tự trị của ở Tây Tạng, đã tấn công Ấn Độ và bị Liên Hiệp Quốc lên án vì hành vi gây hấn ở Triều Tiên. Đó là một quốc gia đang giúp đỡ các lực lượng bạo loạn ở hầu hết các châu lục. Cuộc chiến đấu ở Việt Nam là một phần của một mô hình rộng lớn hơn nhằm mục đích gây hấn".[12]

Không phải tất cả người Mỹ đều bị Rusk, Johnson và Humphrey thuyết phục. Để phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ, các nhà phê bình đầu tiên đã lặp lại thái quá về huyền thoại mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với mối thù truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam như thể đó là sự thật.[14] Thượng nghị sĩ William Fulbright cho rằng Hồ Chí Minh không phải là một kẻ tay sai của Trung Quốc cộng sản… Ông là một nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa thuần thành, lãnh tụ của cuộc nổi dậy của đất nước mình chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông cũng là… một nhà cộng sản chuyên nghiệp nhưng luôn luôn là một cộng sản người Việt… Mục đích của chúng tôi ở đây là, ý nghĩa của chủ nghĩa dân tộc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là nó được gắn liền với những gì Bernard Fall đã mô tả là “Việt Nam không tin tưởng vào mọi thứ của Trung Quốc trong suốt 2.000 năm qua”. Do đó, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam là một bức tường thành tiềm năng – có lẽ là bức tường thành tiềm năng duy nhất – để Việt Nam chống lại sự thống trị của Trung Quốc.[15]

Mặc dù thừa nhận rằng “không có nghĩa gì khi nói Việt Minh theo chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa cộng sản nhiều hơn chủ nghĩa dân tộc”, Fulbright đã chỉ rõ rằng niềm tin của Việt Minh vào chủ nghĩa cộng sản sẽ không đủ để vượt qua nỗi sợ hãi bản năng của Hồ và các đồng chí của ông về Trung Quốc.[16] Trong hồi ký năm 1989, Fulbright tiết lộ rằng ngay từ năm 1965, ông đã tin rằng Hồ “là một người yêu nước thực sự, giống như Tito của Nam Tư”.[17] Trong một cuốn sách đầy ảnh hưởng đã được quảng bá như là “kinh thánh cho các phe phản chiến dành cho chiến tranh vào thập niên 1970”,[18] các học giả George Kahin và John Lewis nhắc lại luận điểm của Fulbright và tuyên bố rằng “sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Pháp [vào đầu thập niên 1950] đã buộc Việt Minh của Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng lệ thuộc vốn không được đón đợi vào Trung Quốc và từ chối phong trào tự do hành động phù hợp với khuynh hướng chống Trung Quốc phù hợp với điều kiện lịch sử của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.[19]

Một số nhà phê bình chiến tranh đã thực sự đã nhận thấy, và trên thực tế ngưỡng mộ một số chính sách cách mạng vượt ra khỏi chủ nghĩa dân tộc truyền thống của Việt Nam. Trong bài phát biểu nổi tiếng của mình vào năm 1967, Martin Luther King, Jr. đã bất đồng với chính phủ Hoa Kỳ vì đã từ chối

“một chính quyền cách mạng [Việt Nam] tìm kiếm quyền tự quyết, và một chính quyền được thành lập không phải bởi Trung Quốc (mà người Việt Nam vốn không yêu quý gì) mà rõ ràng bởi các lực lượng bản địa bao gồm một số người cộng sản. Đối với nông dân, chính quyền mới này có nghĩa là cải cách ruộng đất thực sự, một trong những nhu cầu quan trọng nhất trong cuộc sống của họ”.[20]

Mặc dù cả hai bên trong cuộc tranh luận đều có lý, cuốn sách này cho thấy rằng nhiều lập luận của phe phản chiến không đứng vững nếu được xem xét kỹ lưỡng. Về cơ bản, cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng cộng sản, và các nhà cách mạng Việt Nam nói chung là những người theo chủ nghĩa quốc tế không kém gì các đồng chí của họ ở Liên Xô hay Trung Quốc. Mặc dù Tiến sĩ King đã chính xác khi nói rằng chính quyền ở Hà Nội do lực lượng bản xứ lãnh đạo, nhưng ông đã đánh giá thấp những cam kết của họ đối với cuộc cách mạng thế giới. Trong khi dành ưu tiên cho cuộc cách mạng của mình, Hồ và các đồng chí của ông đã không bỏ qua các cuộc cách mạng ở những nơi khác. Là đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Đông Nam Á, Hồ đã chủ trì việc thành lập các đảng cộng sản Đông Dương, Xiêm La và Mã Lai trong thập niên 1930. Vào giữa năm 1949, ông ra lệnh cho các đơn vị quân đội Việt Nam tiến vào miền Nam Trung Quốc để hỗ trợ quân đội của Mao trong việc bảo vệ căn cứ của họ trước các cuộc tấn công của quân đội Tưởng Giới Thạch.[21] Quân đội Việt Nam đã giúp thiết lập các chế độ cộng sản ở Lào và Campuchia vào năm 1975, và cho đến thập niên 1980, Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ các đảng cộng sản ở các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam thời hậu chiến đã đào tạo đặc công và gửi vũ khí dư thừa đến Algeria, Chile và El Salvador để hậu thuẫn cho các cuộc cách mạng ở đó.[22] Điều đáng chú ý là tinh thần quốc tế chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn còn sống động đến ngày nay, một phần tư thế kỷ sau khi chủ nghĩa cộng sản thế giới sụp đổ. Gần đây nhất vào năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vượt nửa vòng Trái Đất đến Cuba, nơi ông thuyết giảng về giá trị của chủ nghĩa xã hội và những thối nát của chủ nghĩa tư bản.[23] Nếu không phải vì các cam kết theo chủ nghĩa quốc tế, tại sao nhà lãnh đạo Việt Nam lại muốn chọc ngoáy Washington? Tại sao ông lại mạo hiểm xa lánh chính phủ Hoa Kỳ và các tập đoàn Hoa Kỳ mà Việt Nam vốn thiếu viện trợ và đầu tư đang phải phụ thuộc vào?

Sự mô tả đặc điểm của Tiến sĩ King rằng người Việt Nam “không có tình yêu lớn” đối với Trung Quốc không thể giải thích được sự kính nể và sùng bái của các nhà cộng sản Việt Nam dành cho các lãnh tụ Trung Quốc trong thập niên 1950 và sự tôn trọng mù quáng mà giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay thể hiện đối với Trung Quốc.[24] Đúng là các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã thực hiện một “cuộc cải cách ruộng đất thực sự” bằng cách phân phối lại một lượng lớn ruộng đất cho những nông dân không có ruộng đất, nhưng họ cũng đã xử tử khoảng 15.000 địa chủ và phú nông trong quá trình này.[25] Vì tất cả sự đổ máu và phô trương đó, chỉ 5 năm sau, hầu hết nông dân đã bị cưỡng chế từ bỏ đất đai của họ và tham gia các hợp tác xã kiểu Mao. Vào thời điểm Tiến sĩ King phát biểu, hầu hết đất nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam đã bị tập thể hóa trong gần một thập kỷ.[26] Bị buộc phải ở lại hợp tác xã và bị hệ thống đăng ký hộ khẩu chặt chẽ ở các thành phố từ chối nhập cư, người nông dân tự do của Bắc Việt Nam bị biến thành một nông nô hiện đại. Họ và gia đình họ đói khát triền miên và thỉnh thoảng bị nạn đói đe dọa.

Các nhà hoạt động phản chiến đã hiểu sai bản chất của cách mạng Việt Nam, nhưng những người ủng hộ sự can thiệp cũng không khá hơn, vì các nhà cộng sản Việt Nam không phải là những tay sai vặt của Moscow hay Bắc Kinh. Vào thời khắc đỉnh điểm của cuộc chiến, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã khinh bỉ cả các đồng chí Liên Xô lẫn các đồng chí Trung Quốc của họ vì không dám đứng lên chống lại đế quốc Mỹ.[27] Sau chiến thắng năm 1975, họ tự cho mình là đội quân tiên phong của cách mạng thế giới và không chỉ làm mất mặt Hoa Kỳ mà còn cả Trung Quốc và Liên Xô.[28] Hà Nội đã cố gắng bảo vệ phe cộng sản quốc tế ngay cả khi những người anh lớn của nó đã từ bỏ nó. Năm 1989, khi các chế độ cộng sản Đông Âu sắp sụp đổ, Tổng bí thư ĐCSVN đã thúc giục nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev triệu tập một hội nghị của tất cả các đảng cộng sản và đảng công nhân để thảo luận về các chiến lược cứu phe xã hội chủ nghĩa khỏi sự sụp đổ sắp xảy ra.[29] Khi Gorbachev đã giả vờ không nghe thấy, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tạo ra một liên minh chống chủ nghĩa đế quốc (và Bắc Kinh cũng từ chối).[30]

Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam ngừng xuất khẩu cách mạng ra ngoài Đông Dương vì tính chất cực đoan của nó đã tạo ra kẻ thù ở khắp mọi nơi xung quanh nó, từ nông dân Việt Nam chống lại tập thể hóa, đến các lãnh tụ Trung Quốc và Campuchia, những người phẫn nộ tuyên bố rằng Việt Nam là đội tiên phong của cách mạng thế giới. Phe ủng hộ can thiệp đã phóng đại tại gần như mọi nơi về mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, mối đe dọa đó không bao giờ trở thành hiện thực, không phải bởi các nhà cộng sản Việt Nam không phải là những người cộng sản thực sự như phe phản chiến tuyên bố, mà vì sự cuồng tín của họ đã tự hủy hoại và tạo ra sự thất bại của chính họ. Với tất cả sự kính trọng đối với trí tuệ và lương tâm của nhau, cả hai bên trong cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam đều hiểu lầm cuộc cách mạng Việt Nam vì họ không nắm được bản chất cộng sản chủ nghĩa của cuộc cách mạng này. Khi cuộc tranh luận này tiếp tục diễn ra hiện này, sự hiểu lầm tương tự vẫn thường diễn ra trong nền học thuật.[31]

CÁC CUỘC CÁCH MẠNG VÀ NỀN CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Một nghiên cứu về ý thức hệ trong cuộc cách mạng Việt Nam không chỉ có giá trị đối với cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam – một cuộc tranh luận vốn đang còn kéo dài, mà còn đối với việc nghiên cứu so sánh về các cuộc cách mạng. Tài liệu nghiên cứu so sánh phong phú về các cuộc cách mạng đều có các yếu tố được nhấn mạnh như các giai cấp xã hội, cấu trúc nhà nước, cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.[32] Tuy nhiên, ý thức hệ có xu hướng bị bỏ quên. Cuộc cách mạng thường được coi là sự kiện bên trong một quốc gia: mặc dù chúng có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố quốc tế, sự xuất hiện của chúng trong nền chính trị quốc tế thường bị gạt ra ngoài các công trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, một số ít các nghiên cứu đề cập đến các khía cạnh quốc tế của các cuộc cách mạng chỉ ra những tác động to lớn của chúng đối với nền chính trị thế giới.[33] Như Robert Jervis gần đây đã nhận xét: “Các nhà cách mạng hiếm khi có những tư tưởng nhỏ hẹp, và những tư tưởng lớn hầu như luôn gây rối trên phạm vi quốc tế”.[34] Martin Wight chỉ ra cụ thể hơn:

“Một cường quốc cách mạng luôn gây chiến tranh với các nước láng giềng về mặt đạo đức và tâm lý, ngay cả khi nền hòa bình hợp pháp chiếm ưu thế, bởi nó tin rằng nó có sứ mệnh biến đổi xã hội quốc tế bằng cách chuyển đổi hoặc cưỡng bức, và không thể thừa nhận rằng các nước láng giềng của mình có quyền tiếp tục như vậy – một sứ mệnh mà nó tự giả định”.[35]

Với những niềm tin về vai trò cứu thế của chúng, các cuộc cách mạng không chỉ gây căng thẳng và gây chiến tranh với các nước láng giềng mà còn mang lại những thay đổi cơ bản trong hệ thống quốc tế.[36] Phân tích sự phát triển của “xã hội quốc tế” kể từ cuộc cách mạng Pháp, J.D Armstrong lập luận rằng mối quan hệ giữa các quốc gia cách mạng và xã hội quốc tế thường rất căng thẳng.[37] Nguồn gốc chính gây ra căng thẳng là ý thức hệ: “Hệ thống niềm tin mà dựa vào đó cuộc cách mạng được thiết lập, và qua đó chính thống hóa giả định về quyền lực nhà nước của giới tinh hoa cách mạng chắc chắn sẽ đi ngược lại với các học thuyết chính trị phổ biến của hầu hết các quốc gia khác, nhiều học thuyết có thể đại diện cho các giá trị của ‘chế độ cũ’ mà cuộc cách mạng nhắm tới”. Từ Hoa Kỳ năm 1776 đến Liên Xô năm 1917, vì những lý do sinh tồn, các nhà nước cách mạng non trẻ đã buộc phải tránh xa một phần niềm tin ý thức hệ của mình để phù hợp với hệ thống nhà nước có toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, Armstrong cho thấy giới tinh hoa cách mạng này đã tìm cách thay đổi hệ thống đó để nó phù hợp với những tầm nhìn của họ”.

Ví dụ, thách thức từ nhà nước cách mạng Pháp đã tạo ra sự chấp nhận tính đặc thù quốc gia và sự ủng hộ của dân chúng như những nguyên tắc mới về tính hợp pháp của các tiểu bang trong hệ thống liên bang.[38] Nhà nước Xô-viết đã thành công trong việc đưa khái niệm về quyền tự quyết trở thành một chuẩn mực quốc tế và đặt các vấn đề xã hội như lao động và phân biệt chủng tộc vào chương trình nghị sự quốc tế. Các nhà nước cách mạng thường kích động sự thay đổi một cách gián tiếp, tức là thông qua phản ứng của các đối thủ và những người ủng hộ họ. Các nhà nước cộng sản cách mạng thuộc “Thế giới thứ ba” khuyến khích Hoa Kỳ thực hiện vai trò bá chủ trong thế giới thời hậu chiến. Mặc dù các nhà nước cách mạng thường bị buộc phải chấp nhận một số luật quốc tế mà họ coi thường, nhưng những thách thức của họ buộc các quốc gia đã thành lập phải bảo vệ và thể hiện cam kết đối với những luật đó nhiều hơn so với những gì họ muốn.

Về lý thuyết, Fred Halliday nói rằng chúng ta nên kỳ vọng các cuộc cách mạng sẽ tác động đến chính trị thế giới chỉ bằng cách xem xét niềm tin của các nhà cách mạng. Halliday chỉ ra rằng không tồn tại sự tách biệt rõ ràng giữa không gian trong nước và không gian quốc tế đối với những tư tưởng cách mạng; bất kể các nguồn gốc quốc gia hay nguồn gốc nội tại cụ thể của chúng, tất cả các ý thức hệ cách mạng trong quá khứ không chỉ kêu gọi một trật tự mới trong nước mà còn khẳng định tầm nhìn của chúng trên phạm vi quốc tế.[39] Những tuyên bố về sự phù hợp toàn cầu của các nhà cách mạng không được đưa ra một cách tùy tiện mà dựa trên một logic chặt chẽ. Các cuộc cách mạng đã chính danh hóa bản thân chúng bằng cách tuân theo các nguyên tắc trừu tượng và phổ quát như tự do, độc lập, phẩm giá của nhân dân và nền công lý vô sản. Những nguyên tắc này rõ ràng không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Từ Cách mạng Hoa Kỳ đến Cách mạng Iran, một phần của các diễn ngôn về cách mạng cũng gợi lên tình huynh đệ và hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc. Kẻ thù của các cuộc cách mạng được nhìn nhận không phải trong biên giới quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu, dù là những tên đế quốc hay những kẻ dị giáo.

Với sự xác định kẻ thù của chúng, người ta có thể đợi các quốc gia cách mạng xuất khẩu cuộc cách mạng ra nước ngoài nếu họ có cơ hội làm như vậy. Như Halliday lập luận: “nhiều khi các quốc gia cách mạng có thể phủ nhận nó và những người bạn tự do [của chúng] coi thường nó, thì cam kết xuất khẩu cách mạng, tức là sử dụng các nguồn lực của nhà nước cách mạng để thúc đẩy thay đổi căn bản trong các xã hội khác, là một hằng số của các chế độ cực đoan”.[40] Không chỉ các quốc gia cách mạng cung cấp trợ giúp vật chất đáng kể cho đồng chí của họ ở nước ngoài mà còn là sự sáng tạo của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Quốc tế Cộng sản của Liên Xô hoặc Tổ chức Đoàn kết với nhân dân châu Á, châu Phi, và Mỹ La-tinh (OSPAAAL) tồn tại ngắn ngủi của Cuba, là những ví dụ về cam kết sâu sắc của các nhà nước cách mạng đối với tình đoàn kết quốc tế.

John Owen gọi các tổ chức như Quốc tế Cộng sản và OSPAAAL là “mạng lưới ý thức hệ xuyên quốc gia” và cho rằng những mạng lưới đó là một đặc điểm nổi bật của nền chính trị thế giới trong nhiều thế kỷ.[40] Những mạng lưới như vậy liên quan đến các ý thức hệ trên khắp các nhà nước có chung niềm tin và lợi ích trong việc thúc đẩy ý thức hệ của họ, cho dù đó là chủ nghĩa Calvin hay nền dân chủ, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Hồi giáo. Các mạng lưới độc lập với các quốc gia, nhưng chúng có thể khuyến khích các nhà cầm quyền can thiệp ra nước ngoài để thúc đẩy ý thức hệ của họ trong thời kỳ phân cực ý thức hệ xuyên quốc gia. Khi các nhà cầm quyền làm như vậy, họ thường không tách lợi ích cá nhân hoặc an ninh quốc gia ra khỏi ý thức hệ. Như Owen giải thích: “những người cai trị nhà nước vốn là thành viên của một phong trào ý thức hệ sẽ có xu hướng coi lợi ích của hệ tư tưởng và của nhà nước cụ thể của họ là bổ sung cho nhau, vì vậy để bảo vệ nhà nước, họ đang phát triển hệ tư tưởng, và ngược lại.”[42] Đối với Owen, hệ tư tưởng và lợi ích cấu thành nên nhau, và các hệ tư tưởng không kém phần quan trọng hơn lợi ích trong việc giải thích chiến tranh và liên minh quốc tế.

Nếu bản chất của cách mạng Việt Nam được xác định bởi ý thức hệ cộng sản, như tôi khẳng định, thì Việt Nam lại thành một trường hợp khác để đưa vào nghiên cứu so sánh, chứng tỏ sự nổi bật của ý thức hệ cách mạng trong nền chính trị thế giới. Trong trường hợp này, quy mô hoặc khả năng vật chất của đất nước không dự đoán được tác động tiềm tàng của một cuộc cách mạng trong nước đối với các vấn đề thế giới. Giải thích rằng sự không phù hợp giữa khả năng trong nước và ảnh hưởng quốc tế đòi hỏi một nhận thức sâu sắc đối với thế giới quan cấp tiến của các nhà cách mạng Việt Nam sẽ được thảo luận ở phần tiếp theo.

THẾ GIỚI QUAN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ý thức hệ và thế giới quan là những khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu này. Ý thức hệ có thể được định nghĩa khái quát là một tập hợp các niềm tin và giả định có hệ thống về bản chất và động lực của nền chính trị, trong khi thế giới quan là những niềm tin và giả định cụ thể hơn về bản chất và động lực của nền chính trị thế giới.[43] Mặc dù ý thức hệ có thể bị ảnh hưởng bởi các lợi ích vật chất, nó thường xác định những lợi ích đó là gì.[44]

Phong trào cộng sản Việt Nam nổi lên vào thập niên 1920 như một nhánh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Ý thức dân tộc hiện đại xuất hiện ở Việt Nam thuộc địa vào khoảng đầu thế kỷ XX.[45] Chủ nghĩa dân tộc chống thực dân không phải là một hiện tượng riêng của Việt Nam mà là một xu hướng toàn cầu trên khắp châu Á vào thời điểm đó.[46] Hầu hết các nhà cộng sản Việt Nam bắt đầu sự nghiệp chính trị của họ đơn giản là vì họ được thúc đẩy bởi mong muốn giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, giống như bất kỳ nhà hoạt động chống thực dân nào khác. Theo thời gian, họ trở thành các nhà cộng sản bằng cách tham gia các mạng lưới này ở nước ngoài hoặc bên trong Việt Nam. Karl Marx, Vladimir Lenin, Josef Stalin và Mao Trạch Đông tạo ra ảnh hưởng vĩ đại nhất đến thế giới quan của các nhà cộng sản Việt Nam. Về bản chất, thế giới quan này mô tả nền chính trị quốc tế về cơ bản là cuộc đấu tranh sinh tử của giai cấp vô sản bị áp bức chống lại những kẻ áp bức tư bản chủ nghĩa của họ, bất kể quốc tịch nào. Giai cấp vô sản đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh lịch sử này vì họ đang đứng trên đỉnh cao của một xu thế lịch sử. Xu thế này sẽ mang lại cho loài người một xã hội tiến bộ về vật chất và đạo đức nhất mà nó có thể từng mong đợi.

Trong thập niên 1920, chủ nghĩa Marx-Lenin không phải là một lý thuyết giáo điều như sau này. Vào thời điểm đó, lý thuyết này vẫn đang nằm dưới ánh hào quang được tạo ra bởi những tuyên bố khoa học và tầm nhìn tiến bộ của nó. Tầm nhìn đó vẫn còn là một thực tế mới và đang diễn ra ở Liên bang Xô-viết non trẻ, nơi có nhiều hứa hẹn đối với những người cộng sản trên toàn thế giới. Như Odd Arne Westad mô tả trong trường hợp của Trung Quốc: “tư tưởng về chủ nghĩa xã hội tại châu Âu thời tiền Xô-viết đã hấp dẫn một số người Trung Quốc bởi sự phản đối chủ nghĩa đế quốc, nhưng chính thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã khiến tâm trí họ trở nên sôi sục”.[47] Người ta có thể cảm nhận được sự phấn khích trong những lời của Trường Chinh, một nhà lãnh đạo và nhà lý thuyết chính của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, người đã mô tả ý nghĩa chủ nghĩa Marx-Lenin đối với ông như sau:

“Chủ nghĩa Marx-Lenin trang bị cho chúng ta một thế giới quan cách mạng, soi sáng trái tim và khối óc của chúng ta, giúp chúng ta tìm ra sứ mệnh và ý nghĩa của cuộc đời mình. Nó giúp chúng ta nắm bắt các quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và của tư duy. Nó đặt chúng ta vào trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập để chúng ta có thể nhìn thấy mọi khía cạnh của sự vật, hiện tượng và tìm ra chân lý. Nó giúp chúng ta nắm bắt được những điều thiết yếu, quan trọng và có ý nghĩa nhất trong thế giới phức tạp này… Nó giúp chúng ta hiểu không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai, giúp chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình đối với cuộc sống. Như vậy, chủ nghĩa Marx-Lenin không làm cho trái tim ta cằn cỗi, không đáp ứng được những điều tốt đẹp ở đời như một số người vẫn nghĩ; ngược lại, nó làm cho chúng ta yêu cuộc sống và yêu con người hơn. Nó nâng đỡ tâm hồn chúng ta và chắp cánh cho những giấc mơ của chúng ta. Nó khiến trái tim của chúng ta trào dâng các lý tưởng cộng sản vĩ đại.”[48]

Trường Chinh, một cái bút danh với nghĩa “cuộc hành quân dài” trong tiếng Việt, đã chỉ rõ xuất thân và sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Ông sinh năm 1906 với tên Đặng Xuân Khu trong một gia đình quý tộc địa phương nhỏ ở miền Bắc Việt Nam, bị đuổi khỏi trường trung học dạy nghề vì tham gia biểu tình tưởng nhớ nhà chí sĩ dân tộc Phan Châu Trinh, và trở thành người cộng sản khi mới ngoài hai mươi tuổi, khi đang bị giam nhà tù thuộc địa.

Như tiểu sử của Trường Chinh gợi ý, chủ nghĩa Marx-Lenin được xây dựng dựa trên những thất vọng về chủ nghĩa dân tộc khi nó xâm nhập vào Việt Nam. Không giống như sự lầm tưởng thông thường về mối quan hệ nhất thiết mang tính đối kháng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin với tư cách là một lý thuyết không chống lại tính dân tộc.[49] Marx và Engels lập luận rằng giai cấp vô sản “phải vươn lên trở thành giai cấp lãnh đạo của quốc gia và tự kiến tạo nên quốc gia”.[50] Trong bối cảnh đó, Lenin hỏi: “Có phải ý thức tự hào dân tộc Đại-Nga xa lạ đối với chúng ta, những nhà vô sản có nhận thức giai cấp? Chắc chắn không! Chúng ta yêu ngôn ngữ của chúng ta và đất nước của chúng ta, chúng ta đang làm hết sức để nâng cao nhận thức về dân chủ và xã hội chủ nghĩa cho khối quần chúng đang làm việc cực nhọc của nó (ví dụ, chín phần mười dân số của nó)”.[49]

Cam kết ủng hộ các phong trào chống thực dân của Moscow chắc chắn đã giúp chuyển đổi chàng tuổi trẻ Hồ Chí Minh và nhiều người Việt Nam khác sang chủ nghĩa cộng sản. Việc chuyển đổi của họ đến lượt mình lại bắt đầu một quá trình suy nghĩ kéo dài, hỗn độn và đầy căng thẳng cho mỗi cá nhân và cho cả phong trào nói chung. Một câu hỏi quan trọng mà người Việt Nam phải đối mặt từ rất sớm liên quan đến mối quan hệ giữa họ và cách mạng thế giới. Cuối cùng, họ đã hình thành được một thế giới quan trong đó cách mạng Việt Nam được hình dung như một bộ phận cấu thành của cách mạng thế giới. Cuộc cách mạng vô sản thành công ở Việt Nam là một bước tiến của cách mạng thế giới, vốn sẽ diễn ra trong từng quốc gia, từng khu vực.

Là một thành tố của cách mạng thế giới chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, cách mạng Việt Nam không chỉ quan tâm đến độc lập dân tộc. Các nhà cộng sản Việt Nam không hy sinh lợi ích quốc gia như đối thủ của họ đã cáo buộc, mà đồng nhất lợi ích đó với các tầng lớp lao động tại Việt Nam và ở những nơi khác. Đối với họ, giải phóng dân tộc là quan trọng nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tình trạng áp bức và bóc lột giai cấp vẫn tiếp diễn. Các nhà cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng cuộc cách mạng của họ có thể thúc đẩy cả hai nhóm lợi ích, và đó là cách tiếp cận duy nhất để có thể thực hiện điều đó. Câu hỏi chính mà họ phải đối mặt trong suốt cuộc cách mạng không phải để hy sinh các lợi ích cho người khác, mà là làm thế nào để phân chia nhiệm vụ cách mạng vào các mục tiêu nhỏ hơn để đạt được lợi thế chiến thuật tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào.

Do đó, thuật ngữ “quốc gia” đối với các nhà cộng sản Việt Nam đã có thêm một nội dung cụ thể. Định nghĩa về quốc gia của họ dựa trên lợi ích giai cấp cũng chung như ngôn ngữ hoặc dân tộc chung. Chẳng hạn, theo quan điểm của họ về lịch sử dân tộc, các nhà cộng sản Việt Nam không tự hào về mọi thứ thuộc về người Việt Nam; thay vào đó, họ tiếp nhận những truyền thống có thể được coi là được tạo ra và duy trì bởi “các tầng lớp lao động” (chẳng hạn như “các cuộc nổi dậy của nông dân”), và phủ nhận những truyền thống được quy cho “các giai cấp thống trị” (chẳng hạn như văn hóa Nho giáo và sự áp bức phụ nữ).

Về chính trị, các nhà cộng sản Việt Nam coi những người Việt Nam thuộc “giai cấp bóc lột” là một nhóm thiểu số trong cộng đồng quốc gia Việt Nam. Những giai cấp này không đại diện cho quốc gia và cần phải bị loại bỏ mặc dù họ là người thuộc dân tộc Việt. Đồng thời, mặc dù các công nhân Pháp mang quốc tịch Pháp nhưng họ có chung quyền lợi với quần chúng Việt Nam vì cả hai đều bị thực dân và đế quốc Pháp bóc lột, áp bức. Đối với các nhà cộng sản Việt Nam, những người mà chỉ nhìn thấy sự chia rẽ dân tộc Pháp-Việt và mà không nhận thấy sự đoàn kết liên quốc gia giữa các giai cấp công nhân Pháp và Việt Nam đã trở thành nạn nhân của một hình thức chủ nghĩa dân tộc “tư sản” và “hẹp hòi ”.

Khi trở thành những người cộng sản, các nhà cách mạng Việt Nam không phải từ bỏ dân tộc tính của mình mà vẫn có được tư cách thành viên trong tình đồng chí với các nhà cộng sản, các đảng cộng sản và các phong trào cộng sản quốc tế. Theo quan điểm của họ, tình đồng chí không chỉ là một liên minh an ninh hay kinh tế, mặc dù đó là một phần quan trọng.[50] Về mặt khái niệm, tình đồng chí được hiểu là một hình thái vật chất của một hiện tượng lịch sử được gọi là “Thời đại của Cách mạng Tháng Mười [Nga] ”. Nền tảng đạo đức của nó là tinh thần quốc tế vô sản được định nghĩa như là sự đoàn kết giữa các đảng chính trị của giai cấp công nhân trên nhiều cộng đồng quốc gia. Trong điều kiện lý tưởng, các thành viên của tình đồng chí có chung tinh thần vô sản và quyền lợi của giai cấp công nhân không bị rào cản địa lý cản trở và không bị uế tạp bởi tình cảm dân tộc hẹp hòi.

Mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác là nền tảng của chính sách đối ngoại Việt Nam xuyên suốt và sau cuộc cách mạng. Cho đến cuối thập niên 1950, các nhà cộng sản Việt Nam đã tưởng tượng ra tình đồng chí trong điều kiện lý tưởng của nó và bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc và hoàn toàn tin tưởng vào Liên Xô. Họ coi sự lãnh đạo của Liên Xô đối với cách mạng thế giới là một điều kiện lịch sử tất định, không phải là một sự mâu thuẫn với các nguyên tắc bình đẳng thể hiện trong tình đồng chí. Giới lãnh đạo Liên Xô không bắt buộc các quốc gia nhỏ hơn phải phục tùng Moscow, cũng như không coi các quốc gia nhỏ hơn này ở vị trí thấp kém hơn. Tuy nhiên, thái độ của các nhà lãnh đạo cộng sản chủ chốt của Việt Nam đối với Mátxcơva đã thay đổi sau cuộc xung đột Trung-Xô vào đầu thập niên 1960. Họ liên minh với Mao và lên án chính sách chung sống hòa bình của Khrushchev là đi chệch khỏi sứ mệnh của cách mạng thế giới. Tuy nhiên, họ cũng không tán thành những nỗ lực của Mao trong việc thành lập một Quốc tế Cộng sản mới vốn có thể báo hiệu sự chia rẽ chính thức trong khối Xô-viết. Vượt lên quan điểm lý tưởng hóa, họ trở nên thực tế hơn trong thái độ của mình trong khi vẫn trung thành với chủ nghĩa quốc tế.

Mặc dù mối quan hệ giữa quốc gia Việt Nam cộng sản và những người anh em của nó không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nhưng điều đáng chú ý là lòng trung thành kiên định với chủ nghĩa quốc tế. Cho dù mang tính hoang tưởng, thực tế, hoặc tự lấy mình làm trung tâm, trong toàn bộ quá trình này, những các nhà cộng sản cách mạng Việt Nam không bao giờ tưởng tượng đến việc phá bỏ tình anh em. Mặc dù họ mong được các nước anh em giúp đỡ, nhưng nói rằng họ liên minh với các nước anh em chỉ để mong được giúp đỡ về vật chất sẽ là một sự sỉ nhục đối với họ.

Mức độ sâu sắc của cam kết của họ đối với tình anh em là rất rõ ràng bởi sự đối lập với thái độ dành cho các nước đang phát triển không phải là quốc gia cộng sản. Một mặt, các nhà cách mạng Việt Nam thể hiện tình đoàn kết và duy trì các mối quan hệ với các dân tộc và phong trào ở các nước bị đô hộ và lệ thuộc. Trong tư tưởng của họ, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân châu Âu và chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã tạo thành một mặt trận lớn của cách mạng thế giới. Họ kiên quyết ủng hộ tiến trình phi thực dân hóa và xây dựng các mối quan hệ thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau với các thuộc địa cũ, bao gồm cả những nước như Ấn Độ, nơi phong trào dân tộc chủ nghĩa “tư sản” dẫn đầu quá trình phi thực dân hóa. Đổi lại, sự ủng hộ cách mạng từ các dân tộc bị áp bức khác trên khắp thế giới đã tạo động lực rất lớn cho người Việt Nam.

Mặt khác, các mối quan hệ của nước Việt Nam cách mạng với các nước được gọi là thuộc “Thế giới thứ Ba” không sâu rộng như với các nước anh em trong khối cộng sản. Người Việt thấy ít có lợi ích khi học hỏi từ các nước kém tinh thần cách mạng hơn họ. Trung Quốc và các nước trong khối Xô-viết, chứ không phải các quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba khác, là nơi họ cử hàng nghìn sinh viên và cán bộ đến học tập. Trong thập kỷ đầu tiên sau khi lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã sao chép khá trung thực các thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế của Liên Xô và Trung Quốc – từ Hiến pháp năm 1936 của Stalin đến sự sùng bái cá nhân của ông, từ cải cách ruộng đất đến tập thể hóa, và từ kế hoạch hóa tập trung đến mối bận tâm xây dựng công nghiệp nặng – dưới tên gọi của các tổ chức cụ thể như báo ‘Sự thật’ [‘Pravda’ trong tiếng Nga], báo ‘Nhân dân’ [‘Nhân dân nhật báo’ của Trung Quốc], Đoàn Thanh Niên Công Sản [Komsomol hay Liên đoàn Cộng sản Thanh niên của Liên Xô], và hộ khẩu [từ Trung Quốc]. Những sự vay mượn này không nên được hiểu là cho thấy tiếng Việt không có khả năng tư duy độc lập và nguyên gốc. Thay vào đó, họ truyền tải sự nhiệt tình của mình về những ý tưởng cách mạng tiên tiến nhất vào thời điểm đó và tham vọng hiện thực hóa những ý tưởng đó trong bối cảnh lịch sử ít có lợi cho những ý tưởng đó hơn nhiều so với Liên Xô hay Trung Quốc.

Nếu không ghi nhận đầy đủ nhân tố Việt Nam, sẽ khó đánh giá được sự phong phú trong tư tưởng và trí tưởng tượng của họ bao hàm ý nghĩa cuộc sống, lịch sử xã hội loài người, những quan niệm mới về dân tộc và thế giới, và vị trí của Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng toàn cầu. Thế giới quan của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam không hoàn thiện ngay từ đầu mà phát triển theo thời gian khi lý tưởng của họ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Về mặt cá nhân, họ không thông thạo lý thuyết Marx-Lenin một cách đồng nhất, và họ cũng không luôn đạt được sự đồng thuận về cách giải thích các khái niệm cách mạng cụ thể. Là một nhóm cách mạng, thế giới quan có hệ thống và cấp tiến của họ đã phân biệt sâu sắc họ với những người khác trong phong trào chống thực dân, cũng như định hình một cách mạnh mẽ quỹ đạo của cách mạng Việt Nam.

VAI TRÒ CỦA Ý THỨC HỆ TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ý thức hệ đóng ba vai trò lớn trong cách mạng Việt Nam. Vai trò đầu tiên của ý thức hệ là nó được sử dụng như một tài liệu hướng dẫn hoặc như một chiếc la bàn. Ý thức hệ xác định nhiệm vụ của cách mạng không chỉ là độc lập dân tộc mà còn là những sự biến đổi xã hội và những đóng góp cho cách mạng thế giới. Ý thức hệ đã cung cấp cho các nhà cách mạng Việt Nam một tầm nhìn rõ ràng về tương lai dưới dạng một xã hội theo mô hình của hệ thống Xô-viết. Tầm nhìn đó đã giúp họ kiên định với viễn cảnh dài hạn và vượt qua những thử thách ngắn hạn. Ý thức hệ cung cấp cho họ chiếc ống nhòm để giải thích và diễn giải các sự kiện thế giới cách xa hàng ngàn dặm và ít tác động trực tiếp đến Việt Nam. Trong suốt cuộc cách mạng của họ, ý thức hệ đã giúp các nhà cộng sản Việt Nam nhận định về bản chất và xu hướng của chính trị thế giới và về hành vi của các quốc gia nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Ngoài ra, ý thức hệ Lênin-nít coi chiến tranh như là sự bành trướng của cách mạng. Trong một số tình huống, điều này gợi ý các chiến lược chiến tranh đặc biệt chú trọng đến việc huy động quần chúng trong việc triển khai các đơn vị chủ lực. Nếu không có khái niệm Lênin-nít về tương quan lực lượng, Hà Nội có thể đã bị tấn công bởi hỏa lực khổng lồ của Hoa Kỳ.

Không phải lúc nào ý thức hệ cũng giúp các nhà cách mạng Việt Nam đi đúng hướng, và thậm chí người ta có thể cho rằng nó thường xuyên khiến họ hiểu sai về các sự kiện thế giới. Ví dụ, cách giải thích của họ về hành vi của Hoa Kỳ thường quá giáo điều và tiêu cực. Việc họ sử dụng các khái niệm Lênin-nít trong việc vạch ra các chiến lược chiến tranh đã gây ra những tính toán sai lầm và tổn thất nghiêm trọng cho các lực lượng cách mạng trong Tết Mậu Thân (1968). Trong giai đoạn sau 1975, họ hoàn toàn hiểu sai về tình hình thế giới. Sự trung thành về ý thức hệ đã tạo ra kẻ thù ở khắp nơi một cách không cần thiết. Niềm tin của họ vào mô hình Stalin-nít đã gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế Việt Nam. Chế độ ngày nay đã mất tính chính danh vì Đảng Cộng sản vẫn bám vào một học thuyết lỗi thời. Vấn đề là: Ý thức hệ đã gây ảnh hưởng và giúp các nhà cách mạng Việt Nam giải thích nhiều quyết định của mình, nhưng không giúp xác định thành công hay thất bại của chúng trong bất kỳ nỗ lực cụ thể nào. Niềm tin ý thức hệ mãnh liệt rằng lịch sử và công lý đứng về phía họ chỉ đơn giản là mang lại cho các nhà cách mạng sự can đảm (hoặc sự liều lĩnh vô ích, từ một góc độ khác) để chống lại những kẻ thù trong và ngoài nước đầy hùng mạnh – dù là kẻ thù thực sự hay kẻ thù tưởng tượng – trong khi các khái niệm do ý thức hệ hình thành tạo cho họ một số công cụ để hoạt động nhưng kết quả lại được hình thành bởi nhiều yếu tố khác.

Vai trò thứ hai của ý thức hệ là đóng vai trò như một sợi dây liên kết các thành viên trong phong trào cộng sản trong nước và quốc tế. Ở trong nước, đó là chất keo ràng buộc các Đảng viên với nhau, rõ ràng nhất là trong giai đoạn trước khi nắm quyền. Chỉ cần họ thực sự tin tưởng vào ý thức hệ, công tác truyền bá ý thức hệ đã làm say mê các Đảng viên và giúp họ kiên trì đối mặt với khó khăn, gian khổ. Các nguyên lý ý thức hệ bộc lộ rõ ràng về tổ chức của Đảng, chính sách về đảng viên, các quy trình hoạt động tiêu chuẩn của Đảng và cách truyền đạt của Đảng tới quần chúng (tuyên truyền). Về đối ngoại, ý thức hệ đã liên kết các nhà cách mạng Việt Nam với một mạng lưới xuyên quốc gia gồm các nhà nước và phong trào có chung niềm tin vào cùng một ý thức hệ. Trong giai đoạn trước khi nắm quyền lực, mạng lưới này đã cung cấp thông tin, đào tạo, hỗ trợ và sự bảo vệ khỏi các mật thám Pháp. Mạng lưới này đã giải cứu phong trào Việt Nam sau khi nó gần như bị tiêu diệt bởi sự đàn áp của thực dân vào năm 1931 và năm 1940. Mạng lưới này tạo động lực cho các nhà cách mạng phối hợp chiến lược của họ với phong trào cộng sản và công nhân thế giới để tận dụng các nguồn lực sẵn có.

Một lần nữa, ý thức hệ không phải lúc nào cũng hữu ích, và tạo ra nhiều vấn đề cho cách mạng Việt Nam cũng nhiều như những lần nó giúp ích. Trong suốt thập niên 1940, các nhà cộng sản Việt Nam nhận được ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới xuyên quốc gia của các phong trào công nhân và cộng sản. Mạng lưới này chỉ đơn giản là phớt lờ Đông Dương và để mặc nó cho chủ nghĩa đế quốc. Nếu Liên Xô thua Đức thì cách mạng Việt Nam sẽ thất bại. Tương tự như vậy, nó sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn nếu những người cộng sản Trung Quốc thua trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc đại lục. Sự sụp đổ của hệ thống mạng vào cuối thập niên 1980 đã góp phần kết thúc hiệu quả cách mạng Việt Nam.

Suốt thập niên 1960, ý thức hệ là nguồn gốc của xung đột phe phái gay gắt tại Hà Nội và giữa Bắc Việt Nam và các đồng minh của nó. Ý thức hệ đã cổ vũ cho chủ nghĩa bè phái bởi vì chủ nghĩa Marx-Lenin đủ rộng lớn để được giải thích theo nhiều cách. Sự bất đồng ý thức hệ với Matxcơva và Bắc Kinh đã tạo ra một khó khăn đáng kể cho Hà Nội, bởi cuộc cách mạng cần sự ủng hộ của cả hai đảng anh em này. Sự bất đồng ý thức hệ khủng khiếp trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam suốt thập niên 1960 có thể đã phá hủy cuộc cách mạng. Một lần nữa, điểm đáng chú hơn là: ý thức hệ được gắn trong sự tổ chức của Đảng Cộng sản và trong mạng lưới xuyên quốc gia đã có ích cho các nhà cách mạng Việt Nam ở một số khía cạnh, nhưng cuối cùng đã không giúp họ thành công.

Vai trò thứ ba của ý thức hệ trong cách mạng Việt Nam là trở thành công cụ cốt yếu để xây dựng một nhà nước liên kết chặt chẽ. ”Chuyên chính vô sản” đã biện minh cho việc tập trung quyền lực trong các cơ quan nhà nước, đồng thời bạo lực không ngừng và có hệ thống đã được thực hiện để chống lại những kẻ phản cách mạng. Các nguyên lý ý thức hệ được triển khai nhằm tái cấu trúc xã hội theo tầm nhìn Stalin-nít mà các nhà cách mạng Việt Nam ấp ủ. Chẳng hạn, cải cách ruộng đất đã sử dụng các nguyên lý ý thức hệ để phân loại dân cư nông thôn và khiến người dân trong cùng một làng chống lại nhau; trong quá trình này, Đảng có thể mở rộng quyền kiểm soát của mình xuống cấp thôn làng. Ý thức hệ đã tạo ra những biện minh để nhà nước kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế. Các luận điểm ý thức hệ mạnh mẽ hoặc có tính sáng tạo, dù được hình thành tại địa phương hay vay mượn từ mạng lưới xuyên quốc gia của các phong trào cộng sản và công nhân, đều cung cấp nội dung cho việc tuyên truyền hiệu quả của nhà nước. Sự truyền bá ý thức hệ là một công cụ có hệ thống để tạo ra sự tuân phục nhà nước trong dài hạn.

Tuy nhiên, ý thức hệ đã hỗ trợ xây dựng nhà nước với sự tốn kém về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Khi nhà nước mở rộng sự kiểm soát quan liêu, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng. Mỗi làn sóng cải cách nông nghiệp và cải cách nền kinh tế theo hướng xóa bỏ tư bản chủ nghĩa diễn ra triệt để (1953-1956, 1958-1960, 1976-1978) đều dẫn tới các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Những nỗ lực có hệ thống và kiên trì của các cấp chính quyền cách mạng nhằm thúc đẩy và thực thi niềm tin giáo điều vào chủ nghĩa Marx-Lenin đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển của khoa học, tư tưởng và văn hóa. Khi giới lãnh đạo miễn cưỡng từ bỏ kế hoạch hóa tập trung và hợp tác xã nông thôn vào cuối thập niên 1980, Việt Nam là nước nghèo thứ ba và là một trong những nước bị áp bức nhất ở Đông Nam Á.

Xét về đường lối cụ thể và định hướng chung về đối ngoại của Việt Nam, ý thức hệ đóng vai trò trung tâm trong quyết định quyết định gia nhập khối Xô-viết năm 1948 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Nếu các nhà cách mạng Việt Nam không phải là những người cộng sản, thì họ đã không đã đưa ra quyết định đó. Những cân nhắc về mặt ý thức hệ sau đó đã góp phần vào quyết định của VNDCCH về việc chấp nhận các Hiệp định Geneva. Hơn nữa, các nguyên nhân ý thức hệ giải thích tại sao VNDCCH đứng về phía Trung Quốc trong xung đột Trung-Xô, nhưng lại không ủng hộ đề xuất của Bắc Kinh hình thành một Quốc tế Cộng sản mới trong những năm 1963-1964, bất chấp lời đề nghị viện trợ đáng kể của Bắc Kinh. Niềm tin mang tính ý thức hệ vào sự thống nhất của phe xã hội chủ nghĩa đã khiến Hà Nội lên án những nỗ lực của Nam Tư, Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc vào nhiều thời điểm khác nhau trong việc theo đuổi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của riêng họ. Chính niềm tin này đã thúc đẩy Hà Nội nỗ lực cứu khối Xô-viết khi nó đang hấp hối. Ý thức hệ là nhân tố chính trong việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1990 và sự tôn trọng của Việt Nam đối với Trung Quốc kể từ đó. Do đó, những bằng chứng có nguồn gốc rõ ràng và mang tính quy nạp cho thấy ý thức hệ là rất quan trọng trong suốt cuộc cách mạng Việt Nam và là không thể thiếu cho việc giải thích chính sách đối ngoại quan trọng và định hướng chung của quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Những chính sách này có thể mang tính nhìn xa trông rộng hoặc bị nhầm lẫn, và các mối quan hệ đối ngoại có thể có lợi hoặc bị bất lợi đối với lợi ích quốc gia của Việt Nam, nhưng sự ảnh hưởng của ý thức hệ là không thể phủ nhận.

Tất nhiên, ảnh hưởng đó tăng giảm theo thời gian. Trong toàn bộ tiến trình cách mạng, các thập niên 1940 và thập niên 1980 là hai giai đoạn khi mà ảnh hưởng này đã đã giảm xuống. Trong cả hai thời kỳ này, cuộc cách mạng đều mong manh ở trong nước và bị cô lập trên trường quốc tế. Trong thập niên 1940, Đảng đã tan rã sau cuộc nổi dậy thất bại vào năm 1940. Trong thập kỷ đó, Đảng đã bị cô lập phần lớn khỏi cuộc cách mạng thế giới. Trong thập niên 1980, Việt Nam trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nghiêm trọng, bị phương Tây cấm vận kinh tế và bị hầu hết các nước trong Liên Hợp Quốc cô lập về mặt ngoại giao. Nếu các sự kiện quốc tế và trong nước tạo động lực cho chủ nghĩa thực dụng, thì những thay đổi trong sự lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tiết ý thức hệ trong cả hai thời kỳ. Một sự lãnh đạo mới từ ương của Đảng đã được thành lập ở Bắc Việt Nam vào năm 1941, với sự trở lại của Hồ Chí Minh. Tương tự, thập niên 1980 chứng kiến sự chuyển đổi dần dần từ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ sang Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh. Cần lưu ý rằng, trong cả hai thời kỳ, cách mạng Việt Nam hoàn toàn không tách rời khỏi chủ nghĩa chính thống giáo điều do Moscow chỉ đạo. Trong thập niên 1940, Hồ và Trường Chinh đã tuân theo chính sách của Quốc tế Cộng sản rằng những người cộng sản phải hợp tác với các nhà dân tộc chủ nghĩa để đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát-xít. Trong thập niên 1980, những nhà cải cách Việt Nam như Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh đã đi theo Gorbachev cho đến năm 1988. Tuy nhiên, khi họ nhận ra rằng Gorbachev đã đi chệch khỏi đường lối chính thống, họ cho rằng ông là kẻ phản bội và ủng hộ cuộc đảo chính (thất bại) chống lại ông.

ĐỀ CƯƠNG CỦA CUỐN SÁCH

Trong Chương 1, tôi trình bày cách chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam và các nhà cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu đã phát triển hiểu biết của họ về khái niệm cách mạng như thế nào. Chương 2 lần theo những bước phát triển của phong trào cộng sản Việt Nam qua thập niên 1930, chặng cuối của sự kết tinh một tầm nhìn cách mạng. Việc đạt được sự thống nhất về tầm nhìn cấp tiến trong giới lãnh đạo phong trào cho thấy mâu thuẫn ý thức hệ, đặc biệt là giữa Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của ông, đã bị phóng đại nhiều trong các nghiên cứu hiện có.

Thập niên 1940 là một thời kỳ quan trọng khi các nhà cộng sản Việt Nam giành chính quyền, tổ chức nhà nước và trở thành một thành viên của khối Xô-viết. Chương 3 sẽ cho thấy rằng, ngay cả khi đang theo đuổi sự nhìn nhận về ngoại giao từ Hoa Kỳ và đàm phán hòa bình với Pháp, họ vẫn cố gắng thu hút sự chú ý và ủng hộ của các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc vốn không quan tâm đến họ. Bằng chứng được trình bày trong chương này bác bỏ rõ ràng giả thuyết “cơ hội bị bỏ lỡ” vốn phổ biến trong các tài liệu về Chiến tranh Việt Nam.

Trong Chương 4, tôi chuyển sang thập niên 1950 và thảo luận về việc lòng trung thành đối với ý thức hệ có thể đã định hình các quyết định quan trọng của Đảng như thế nào. Chương 5 tập trung vào cuộc tranh luận ý thức hệ giữa các lãnh tụ Việt Nam vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 để đối phó với sự chia rẽ Trung-Xô. Các sự kiện từ cuối thập niên 1960 đến cuối Chiến tranh Việt Nam được phân tích trong Chương 6. Trong giai đoạn này, các tư tưởng và chính sách của Việt Nam bắt đầu phản ánh cái mà tôi gọi là “chủ nghĩa quốc tế tiên phong”. Các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn cam kết sâu sắc đối với chủ nghĩa quốc tế trong khi ngày càng trở nên tự mãn và thể hiện một niềm tự hào quốc gia đầy tự tin rằng Việt Nam là đội tiên phong của cách mạng thế giới.

Trong suốt thời kỳ hậu chiến, các chiến thắng tàn lụi và những bi kịch được tích tụ. Trong Chương 7, tôi lập luận rằng chủ nghĩa quốc tế tiên phong là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam không tận dụng được trật tự thế giới thuận lợi sau chiến thắng của những người cộng sản năm 1975. Chương 8 nghiên cứu thập niên 1980, thập niên đã chứng kiến sự phát triển của quan hệ Xô-Việt. Việc Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô vào giữa thập niên 1980 đã giúp phe do Trường Chinh đứng đầu kích động sự ủng hộ đối v cải cách kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn và sự sụp đổ sắp xảy ra của các chế độ cộng sản Đông Âu vào năm 1989 đã làm cho các lãnh tụ Việt Nam hoảng sợ. Họ tố cáo Gorbachev và tìm cách liên minh với Trung Quốc để cứu chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Cách mạng Việt Nam đã kết thúc một cách hiệu quả vào cuối thập niên 1980 khi mô hình chủ nghĩa Stalin bị từ bỏ ở trong nước, khối Liên Xô tan rã và một số lãnh đạo cao nhất của Đảng qua đời trong vòng vài năm. Tuy nhiên, các di sản của ý thức hệ đã tỏ ra khá lâu bền. Như đã thảo luận trong Chương 9, quan điểm về ‘sự đấu tranh giữa hai khối’ đối với nền chính trị thế giới vẫn còn mạnh mẽ trong nền chính trị Việt Nam ngày nay bất chấp sự xuất hiện của các thế giới quan khác. Vai trò trung tâm của ý thức hệ xuyên suốt cuộc cách mạng Việt Nam mang lại nhiều ý nghĩa cho các cuộc tranh luận học thuật sẽ được thảo luận trong phần kết. Những cuộc tranh luận này liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, và chính trị thời kỳ cách mạng và hậu cách mạng.

LƯU Ý VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ CÁC NGUỒN TÀI LIỆU

Trong cuốn sách này, tôi sử dụng phương pháp quy nạp và phân tích diễn ngôn để luận giải thế giới quan của các nhà cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ chính mà tôi đặt ra là theo dõi các tư tưởng của họ theo thời gian thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt chú ý đến cách sử dụng các khái niệm chính để giải thích thực tế và khẳng định lập trường chính sách đối ngoại. Trong suốt nghiên cứu này, tôi liên kết ý thức hệ với các chính sách cụ thể, nhưng trọng tâm thực sự là quan hệ đối ngoại rộng lớn. Không phải tất cả các chính sách đối ngoại đều có thể được giải thích trực tiếp bằng lòng trung thành với ý thức hệ, cũng như không thể liên kết chúng với các cuộc tranh luận về ý thức hệ.[53] Khi có thể, tôi tìm cách chứng minh những vấn đề ý thức hệ nào đang bị đe dọa và chúng đã được tranh luận như thế nào trước khi đưa ra các chính sách. Theo thời gian, có thể nhận thấy một khuôn mẫu rõ ràng cho thấy các nhà cộng sản Việt Nam không chỉ trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin mà còn hành động dưới sự hướng dẫn của chủ nghĩa này, bất chấp và bên cạnh đó họ còn quan tâm đến các yếu tố khác.

Tôi sống tại nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những năm 1975-1990 và được tiếp xúc với rất nhiều tuyên truyền của nhà nước suốt thời kỳ từ trung học đến đại học. Tuyên truyền đã thâm nhập vào đời sống của giới trẻ và người già tại Việt Nam không chỉ ở trường học, tại nơi làm việc mà còn thông qua hệ thống truyền thông công cộng phổ biến khắp nơi, tin tức và bài hát cách mạng phát hàng ngày từ sớm đến khuya. Mặc dù hồi đó tôi không có lựa chọn nào khác, nhưng sự tiếp xúc này đã khiến tôi đắm chìm trong diễn ngôn chính trị rằng Việt Nam đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng, dạy tôi những quy tắc và cấu trúc của nó, đồng thời rèn luyện đôi tai của tôi để nhạy cảm với những thay đổi tinh vi trong đó. Kinh nghiệm cũng có giá trị ở chỗ tôi đã trực tiếp trải nghiệm diễn ngôn đó khi nó được sử dụng trực tiếp cùng với hàng triệu người Việt Nam khác, thay vì chỉ tiếp cận nó thông qua các văn bản lưu trữ. Nếu diễn ngôn đó nghe có vẻ cổ hủ đối với hầu hết những người nói tiếng Việt ngày nay, thì vào thời điểm đó, diễn ngôn này vẫn còn sống động, vẫn còn sôi sục những đam mê đầy thô sơ và uy quyền đầy mạnh mẽ. Sống, hay thậm chí người ta có thể nói là thở trong diễn ngôn cách mạng hàng ngày một cách liên tục và ngày càng mạnh mẽ trong suốt mười lăm năm đã giúp tôi tự tin về khả năng đánh giá đúng sức mạnh của nó cũng như những giới hạn của nó trong nền chính trị Việt Nam.

Tất nhiên, kinh nghiệm không thể thay thế cho bằng chứng dựa trên văn bản. Khi mối quan tâm của tôi đối với chủ đề này tăng lên trong thập kỷ qua, tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, mỗi lần vài tuần, để thực hiện các cuộc phỏng vấn và thu thập tài liệu cho dự án này. Cụ thể, tôi đã tiến hành nghiên cứu tại Cục Lưu trữ Quốc gia III ở Hà Nội trong vòng một năm từ năm 2002 đến năm 2003 và một lần nữa vào năm 2013. Tôi cũng đã đọc nhiều loại báo được xuất bản từ thập niên 1920 đến 2000 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội.

Nếu không có các nguồn tài liệu mới xuất hiện từ Việt Nam kể từ thập niên 1990, nghiên cứu này sẽ không thể thực hiện được. Nguồn tài liệu quan trọng nhất của cuốn sách này là năm mươi tư tập ‘Văn Kiện Đảng Toàn tập’ do Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trong thời kỳ 1998-2007. Nguồn này bao gồm khoảng 40.000 trang tài liệu do các Đảng bộ trung ương và địa phương biên soạn và bao trùm bảy mươi năm lịch sử Đảng, từ năm 1924 đến nm 1995. Mặc dù một số tài liệu trong các tập này đã được phát hành trước đó dưới dạng ít hoàn chỉnh hơn, nhưng hầu hết các tài liệu lần đầu tiên được cung cấp cho các nhà nghiên cứu. Điểm mạnh chính của nguồn tài liệu này là phạm vi rộng và sự đa dạng của các loại văn bản, không chỉ bao gồm các phân tích và chính sách của Đảng ở trung ương mà còn cả việc thực hiện ở địa phương, không chỉ về chính trị mà còn cả kinh tế, tuyên truyền và văn hóa. Một điểm mạnh khác của bộ sưu tập này là độ rộng của phạm vi mà nó đề cập đến; các bộ tuyển tập trước đó thường bao gồm một giai đoạn cụ thể của cuộc cách mạng. Các nghị quyết và báo cáo chính trị của hầu hết các cuộc họp của Ủy ban Trung ương trước thập niên 1980 đều được đưa vào, cho phép tôi theo dõi tư tưởng của các nhà lãnh đạo Đảng xuyên thời gian mà không bị ngắt quãng. Đối với thời kỳ thuộc địa khi Đảng hoạt động bí mật, bộ sưu tập bao gồm nhiều tài liệu có được từ các kho lưu trữ của Nga và Pháp.

Không nghi ngờ gì nữa, bộ sưu tập này chỉ đại diện cho một phần nhỏ của kho lưu trữ của Đảng, vốn vẫn bị hạn chế đối với hầu hết các nhà nghiên cứu. Một giới hạn khác của nguồn tài liệu này là thuộc tính được ban hành chính thức của các tài liệu mà nó công bố. Nói chung, đây không phải là nơi để tìm kiếm thông tin về sự tương tác không chính thức trong nội bộ lãnh đạo cao nhất, cũng như không nói nhiều về sự khác biệt trong quan điểm của từng cá nhân lãnh đạo về các chính sách cụ thể. Tuy nhiên, ý định của tôi không phải là viết một lịch sử theo sự kiện về cách mạng Việt Nam. Chúng tôi quan tâm chủ yếu đến những suy nghĩ chính thức và tập thể của các nhà lãnh đạo Đảng về thế giới, bao gồm hình ảnh về bản thân họ và hình ảnh của họ về các quốc gia khác, giới hạn của mối quan tâm đó không bị hạn chế bởi nguồn tài liệu này.

Chắc hẳn các tài liệu trong bộ sưu tập này đã được chỉnh sửa trước khi xuất bản. Mức độ chỉnh sửa rất đa dạng: các tài liệu trước 1975 dường như chỉ được chỉnh sửa nhẹ; những vấn đề trước năm 1945 hầu như không bị chỉnh sửa. Như tôi đã giải thích ở những chỗ khác, việc xuất bản những tập sách này là chưa từng có trong lịch sử Việt Nam cộng sản.[54] Quyết định xuất bản chúng phản ánh nỗi sợ hãi và lo lắng của thế hệ lãnh đạo thứ hai của Việt Nam, những người không tham gia nhiều vào cuộc cách mạng và những người cần mượn tính chính danh của những người tiền nhiệm bằng cách tiết lộ, càng nhiều càng tốt, bảy thập kỷ hồ sơ của Đảng để công chúng xem. Việc xuất bản các tập sách, như Bộ Chính trị đã giải thích trong quyết định của mình, không chỉ để chứng minh quá khứ cách mạng của Đảng mà còn cả những đóng góp của Đảng đối với dân tộc, không chỉ những thành công của Đảng mà còn cả (một số) thất bại của nó. Ví dụ, khối lượng tài liệu được công bố trong giai đoạn 1940-1945, bao gồm một phần đặc biệt với nhiều tài liệu về việc huy động đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, chứ không phải để tiến hành đấu tranh giai cấp. Tập năm 1948 có một tài liệu lần đầu tiên cho thấy Bộ Chính trị đã cho phép thực hiện một tỷ lệ quy địa chủ (1 trên 1.000 người) cho chiến dịch giảm tô. [55] Tài liệu này rất có ý nghĩa vì nó nói rõ rằng các vụ giết người hàng loạt đã được tính trước. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng biết điều gì đang xảy ra, và nói chung không thể đổ lỗi về sự thái quá cho những người nông dân địa phương nhiệt thành. Những ví dụ này cho thấy rằng, ít nhất ở một mức độ nào đó, những người biên tập các tập sách đã cam kết thực hiện nhiều mục tiêu của dự án và không biên tập chúng chỉ đơn thuần để phóng đại các niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và tư cách lãnh đạo của Đảng.

Loại nguồn thứ hai cung cấp thông tin trực tiếp cho nghiên cứu này bao gồm rất nhiều tờ báo, tạp chí, sách, nhật ký cá nhân và hồi ký của Việt Nam được xuất bản trong bảy thập kỷ qua ở Việt Nam.[56] Các ấn phẩm này phong phú về mọi loại thông tin, từ chính trị cao cấp đến đời thường. Những tờ báo được xuất bản vào thập niên 1930 hoặc trước đó rất hữu ích để hiểu được chủ nghĩa cộng sản được miêu tả và tiếp nhận như thế nào ở Đông Dương thuộc Pháp. Từ năm 1945 đến năm 1946, những người cộng sản vẫn chưa kiểm soát các phương tiện truyền thông và tôi đã có thể tiếp cận hàng chục tờ báo được xuất bản bởi các nhóm có mối quan hệ chính trị khác nhau. Các học giả hiếm khi sử dụng một số tờ báo của những cộng sản, chẳng hạn như ‘Việt Nam Độc Lập’ và ‘Sự Thật’, mặc dù đây là những tờ báo chính trong thập kỷ quan trọng 1942-1950. Trong thập kỷ này, khi mục đích trọng tâm trong chính sách của những người cộng sản là để hỗ trợ Đồng minh (1942-1945) và huy động đoàn kết dân tộc và giành độc lập (toàn bộ thời kỳ), sự cổ xúy cho những lý tưởng cộng sản được tìm thấy trong những tờ báo này ở cả hai hình thức tinh vi và công khai, với bằng chứng về các cam kết sâu sắc.

Nhiều cuốn nhật ký cá nhân của những người đương thời, từ các nhà lãnh đạo cộng sản đến các nhà văn và các chiến sĩ, đã được xuất bản trong vòng một thập kỷ qua và đặc biệt tiết lộ về suy nghĩ của người dân thời đó. Nhật ký của các chiến sĩ cộng sản đã hi sinh ở miền Nam Việt Nam nói lên những cam kết về ý thức hệ của họ, bên cạnh lòng yêu nước.[57] Đáng chú ý, một số tác giả của những cuốn nhật ký này như Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc xuất thân từ những giai cấp bị nghi ngờ ở miền Bắc Việt Nam cộng sản, và niềm tin ý thức hệ và sự hy sinh cá nhân của họ cho một chế độ thường xuyên coi thường sự phục vụ của họ là minh chứng xác thực không thể nghi ngờ về sức mạnh của ý thức hệ trong xã hội.[58] Nhật ký của họ không thảo luận về bất kỳ quyết định chính sách đối ngoại nào, nhưng quan hệ đối ngoại của Việt Nam cộng sản không phải do các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nó tạo ra. Ở cấp độ rộng hơn, những mối quan hệ liên quan đến các cuộc chiến tranh đẫm máu trong nhiều thập kỷ được hình thành trên mồ hôi và máu của hàng triệu người.

Hồi ký của những người tham gia các sự kiện lớn là một nguồn quan trọng khác cho nghiên cứu này. Một số hồi ký của các quan chức cao cấp, ví dụ như của Trần Quỳnh và Trần Quang Cơ đã hầu như không được sử dụng bởi các học giả trước đây, mặc dù chúng đã tồn tại trên mạng Internet trong nhiều năm. Những hồi ký này cung cấp thông tin có giá trị về các chính sách cụ thể mặc dù chúng cần được đánh giá cẩn thận để giảm bớt các lý do biện minh có thể có của các tác giả về các chính sách trước đây. Phần lớn các hồi ký cung cấp thông tin về nghiên cứu này thuộc một loại khác: chúng thuộc về các quan chức cấp trung và các nhà cách mạng cũ, những người chưa bao giờ nắm quyền hoặc từ lâu đã không được chế độ ủng hộ. Những ví dụ như Trần Đình Long, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Kiến Giang, Trần Đĩnh, Nguyễn Văn Trân, Trần Thư, Bùi Tín, Hoàng Hữu Yên, và những người khác. Một lần nữa, mục đích chính không phải để tìm kiếm thông tin về các quyết định chính sách đối ngoại cụ thể mặc dù một số hồi ký có chứa thông tin như vậy. Thay vào đó, các cuốn hồi ký rất hữu ích để hiểu được những người khác ngoài các nhà lãnh đạo cao nhất đã suy nghĩ và nói chuyện một cách thân mật về ý thức hệ và chính trị như thế nào.

Mặc dù không hữu ích trực tiếp cho cuốn sách này, nhưng một nguồn tài liệu mới có ý nghĩa từ Việt Nam đáng được đề cập đến. Đây là hàng triệu trang tài liệu lưu trữ của các cơ quan chính phủ thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1975 được đặt tại Cục Lưu trữ Quốc gia III ở Hà Nội. Các tài liệu cụ thể về chính sách đối ngoại thường không có trong kho lưu trữ này, mặc dù các tài liệu về quan hệ đối ngoại thì có. Tuy nhiên, bộ sưu tập hiện có cho thấy sự không thể tranh cãi đối với những cam kết của lãnh tụ Việt Nam đối với việc phát triển chủ nghĩa xã hội ở trong nước, mặc dù nhiều lần thất bại.[59] Riêng bộ sưu tập này cho thấy rằng họ là những nhà cách mạng thực sự với cam kết dành cho việc xây dựng xã hội không tưởng không ít hơn so với Stalin và Mao. Toàn bộ tài liệu lưu trữ này đã được xác thực và củng cố những gì tôi tìm thấy trong các nguồn tài liệu khác.

Hầu hết các lập luận trong nghiên cứu này được tạo ra bằng cách kết hợp các nguồn tài liệu khác nhau. Một ví dụ hữu ích ở đây để cho thấy cách các nguồn kết hợp giúp đánh giá các tuyên bố hoặc vấn đề gây tranh cãi nhất định. Năm 1958, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm cho người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai, trong đó về cơ bản đồng ý với yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ các ghi chép này, không rõ liệu Đồng đã hành động theo ý mình và không chịu áp lực của Trung Quốc hay không.[60] Tuy nhiên, ý định thực sự của Đồng có thể được thăm dò bằng cách kiểm tra chéo ba nguồn khác. Thứ nhất, báo ‘Nhân Dân’, tờ báo của Đảng, dịch và xuất bản thông báo đầy đủ Chu Ân Lai về tuyên bố của Trung Quốc hai ngày sau khi nó đã được thực hiện, trong khi thông báo của Đồng được xuất bản tám ngày sau đó, cùng với tin tức về cuộc biểu tình khổng lồ tại Hà Nội để ủng hộ Trung Quốc.[61] Sẽ khó để lập luận rằng những động thái mang tính xúi giục và công khai đó đã được thực hiện dưới áp lực. Nguồn tài liệu thứ hai cung cấp bối cảnh hữu ích cho ghi chú của Đồng là cuốn nhật ký cá nhân được xuất bản gần đây của Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính và một lãnh đạo cấp cao của Đảng cho đến thập niên 1950. Trong nhật ký của mình, Hiến bày tỏ sự vui mừng khi nghe tin quân cộng sản Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ tay người Pháp vào tháng 5 năm 1950 (Hoàng Sa cũng đã được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền). Hiến nghĩ rằng việc Trung Quốc tiếp quản sẽ giúp cách mạng Việt Nam tiến lên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; ông không nêu ra bất kỳ vấn đề chủ quyền nào. [62] Vẫn còn một nguồn khác: sách giáo khoa ‘Địa lý Thế giới’ được sử dụng ở VNDCCH trong thập niên 1950 được dịch nguyên văn từ sách giáo khoa của Trung Quốc bao gồm các bản đồ thể hiện đầy đủ đường chín đoạn về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. [63] Ba nguồn tài liệu không loại trừ hoàn toàn khả năng Đồng hành động đơn thuần vì tình đoàn kết hoặc một áp lực ngoại giao tinh vi nào đó đã được tạo ra. Tuy nhiên, chúng cùng chỉ ra khả năng lớn hơn là Đồng và các đồng chí của ông tin tưởng coi Trung Quốc là anh em và chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc mà không có bất kỳ điều kiện hạn chế nào.

VỀ TÁC GIẢ

Vũ Tường là Trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Oregon (Hoa Kỳ) từ năm 2008. Ông cũng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore. Nghiên cứu của ông tập trung vào các đề tài: chính trị học so sánh về sự hình thành nhà nước, các vấn đề về phát triển, chủ nghĩa dân tộc, và các cuộc cách mạng, đặc biệt là tại vùng Đông Á. Ông cũng là tác giả của cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ [Các con đường phát triển ở châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia] (Cambridge University Press, 2010).

Comments are closed.