Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 16)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XX

TỪ CÂY CẦU KHỈ HAI HUYỆN TỚI CẦU MỸ THUẬN – Y2K

N’attendez pas le jugement dernier. Il a lieu tout les jours.

Albert Camus, La Chute (1956)

CH 20_ Cầu Mỹ Thuận trước ngày giao long

Cầu Mỹ Thuận trước ngày giao long

Sau những ngày ở Thác Khone, Cao hẹn gặp Hộ ở thủ đô Nam Vang trong cuộc Hội Thảo về Môi Sinh Sông Mekong.

Cam Bốt một đất nước đang vực dậy từ tro than. Biển Hồ nay đã trở thành Khu Bảo Tồn Sinh Thái Quốc Tế – International Biosphere Reserve sau những năm bị Khmer Đỏ tàn phá. Cao cũng được một người bạn Pháp làm cho Tổ Chức Lương Nông FAO tặng cuốn sách Fishes of the Cambodian Mekong, Walter J. Rainboth nói về gần 500 loại cá với đầy đủ hình ảnh tên khoa học và cả tên Khmer mà có lẽ Cao sẽ phải dùng để hiểu hơn về những giống cá từ Biển Hồ đi xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long trong cả hai mùa khô lũ.

Hội Nghị đã khai diễn trong một khung cảnh đặc biệt của thủ đô xứ Chùa Tháp 20 năm sau ngày quân đội Cộng Sản Việt Nam tiến chiếm Nam Vang. Trên đường phố trước tòa Đại Sứ Việt Nam và trong các sân trường Đại Học, đông đảo các toán sinh viên Cam Bốt – thế hệ sau Khmer Đỏ liên tục biểu tình đốt cờ Việt Nam với khẩu hiệu bài ngoại đòi lại đất đai. Một hiện tượng được báo chí địa phương đặc biệt tờ Le Courier Phnompenois đề cao như là biểu hiện của một đất nước Cam Bốt hồi sinh đang tiến tới dân chủ.

Chắc chắn là dân chủ hơn Việt Nam – một nhà báo Cam Bốt đã đưa ra một nhận định thách đố như vậy. Ông ta nói tiếp – Có bao giờ các ông thấy có cuộc biểu tình nào của sinh viên Việt Nam trong bấy nhiêu năm ở cả hai miền Nam Bắc hay không?

Khi mà ông Hoàng Sihanouk chỉ còn là một bóng mờ trên sân khấu chánh trị Cam Bốt, Hun Sen gốc gác Khmer Đỏ đã trở thành một người hùng – strongman vững vàng vượt qua bao nhiêu thử thách bão tố để đưa đất nước Cam Bốt đi về tương lai, trong đó có cả tương lai của hai đứa con ông ta tốt nghiệp ở hai học viện quân sự lừng danh thế giới: một West Point ở Mỹ, một Saint-Cyr ở Pháp. Bảo rằng Hun Sen là bù nhìn của Hà Nội là điều quá đáng khi mà ông ta biết dùng con bài Ranariddh con trai Sihanouk và các toán sinh viên như những chất xúc tác tạo áp lực cho những đổi thay cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhận xét của nhà báo Cam Bốt về sinh viên Việt Nam không phải là sai, với Cao thì sự thầm lặng của tuổi trẻ Việt Nam quả thật đáng kinh ngạc.

Bên trong Hội Trường cuộc họp kéo dài suốt hai ngày với các nước thành viên thuộc Lưu Vực Sông Mekong.

Khởi đi từ các đề tài chung chung với bài tham luận của một chuyên viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Nước, như một tiếp nối cuộc Hội Thảo Quốc Tế Cairo ngày 22 tháng 3 năm 1999 với chủ đề “Ngày Nước Thế Giới: Ai Cũng Sống Dưới Nguồn _ World Water Day: Everybody Lives Downstream”.

Thế kỷ 20 đã có những cuộc chiến tranh vì dầu. Thế kỷ 21 sẽ nổ ra những cuộc chiến tranh vì nước. Nước ngọt xuyên biên giới các nước qua 215 dòng sông – trong đó có con sông Mekong chảy qua 7 quốc gia bao gồm cả Tây Tạng. Rằng để có thể sống còn, mỗi người cần có từ 20 tới 40 lít nước mỗi ngày để uống, nấu nướng và vệ sinh. Hiện có đã 22 quốc gia đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn 20 lít nước mỗi ngày cho mỗi đầu người, hơn 80 quốc gia khác đang đương đầu với những vấn đề nan giải về nước và tình trạng còn tiếp tục lan rộng hơn nữa do nguồn nước ngọt ngày càng thêm khan hiếm mà dân số khắp nơi thì tiếp tục tăng theo cấp số nhân.

Sau Trung Đông là một vùng thiếu nước đưa tới nghèo đói và các cuộc chiến tranh vì nước, trong các thập niên tới sẽ là các nước Đông Nam Á.

Và cuộc hội thảo trở nên rất nóng khi có một thuyết trình viên khác đi vào đề tài: Trung Quốc xây đập đổi dòng sông Mekong tàn phá kinh tế 5 nước ASEAN. Khai thác tài nguyên con sông Mekong thay vì đem lại phú cường lại có thể dẫn tới đối đầu và chiến tranh mà nước gây rối lại là một siêu cường phương bắc qua kế hoạch xây một chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam – Mekong Cascades, đe dọa đời sống của 250 triệu cư dân đang sông trong lưu vực.

Tiến sĩ Chamsak thuộc Đại Học Thammasat Bangkok đã đăng đàn phát biểu:

— Quý vị không thể nói tới khai thác và phát triển sông Mekong mà không liên hệ gì tới Trung Quốc, theo cái nghĩa chúng ta phải cảnh giác đối phó với một siêu cường ở phương Bắc. Điều mà ai cũng thấy rõ là các dự án đập khổng lồ mà Trung Quốc đang tiến hành hiện nay tại Vân Nam sẽ gây hủy hoại trên môi sinh vô kể.

Tiếp theo là Cao một thành viên của Mekong Forum cũng lên tiếng nhắc nhở với hội nghị rằng:

— Như quý vị ai cũng biết bất đồng về phân chia nước vùng Trung Đông đã dẫn tới những cuộc chiến tranh. Khả năng tương tự có thể lại xảy ra với Lưu Vực Sông Mekong. Do đó để có thể chung sống hòa bình mọi kế hoạch khai thác phải có sự đồng thuận của cả 7 nước trong vùng sao cho có lợi nhất và không gây tác hại cho mọi nước liên hệ.

Điều gì là thiết thân cho Đồng Bằng Sông Cửu Long trước Thế kỷ 21: Nước và Trung Quốc – Middle Kingdom / Middle Power, cả theo cái nghĩa là trung tâm quyền lực không chỉ ở Á Châu mà của cả thế giới nữa. Chỉ mong rằng siêu cường Phương Bắc ấy hành sử một cách trách nhiệm với các nước nhỏ lân bang để có thể chung sống hòa bình trong những bước phát triển bền vững.

Không né tránh, Hộ phát biểu với tính cách thành viên của Phái Đoàn Việt Nam:

— Từ hơn một thập niên qua, việc đơn phương chuyên quyết tiến hành xây chuỗi 8 con đập khổng lồ Vân Nam, trên thực tế Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến với 5 nước hạ nguồn sông Mekong.

Như từ bao giờ Hộ vẫn giữ thái độ trầm tĩnh nhưng dứt khoát:

— Khi mà tương lai chúng ta đang bị đánh cắp và hủy hoại thì nói như Albert Camus “Đừng chờ đợi phán quyết cuối cùng, bởi vì điều ấy đang diễn ra mỗi ngày”.

“Cảnh giác và đoàn kết” là điều nhất trí như một kết luận sau hội nghị. Mà điều đó chỉ có được khi cả 7 nước biết đặt “Tinh Thần Sông Mekong” vượt cao hơn chủ nghĩa bản vị dân tộc hẹp hòi.

Đã có những đám Mây Bão từ Phương Bắc báo hiệu thời tiết sẽ rất xấu.

Hội Nghị Nam Vang kết thúc trong một không khí bi quan. Bi quan gì thì cũng phải hướng về tương lai – nhìn vào phần nửa ly nước đầy thay vì nửa ly vơi. Cao cũng đã có chương trình về thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long, thăm cây cầu Mỹ Thuận như một biểu tượng của tương lai trước năm 2000. Đồng thời đây cũng là dịp để trở lại với những cây cầu lịch sử – những cây cầu thời gian dẫn về quá khứ không xa của thời kỳ Nam Tiến.

Những Cây Cầu Giữa Chiến Tranh. Có thể nói biểu tượng tàn phá rõ nét nhất trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam là những cây cầu và đã không còn cây cầu nào thực sự nguyên vẹn. Thành tích ấy phải vinh danh những người lính Cộng Sản ở khắp Miền Nam bao năm ngày đêm đào đường đắp ụ phá cầu (cầu sắt cầu xi măng, cầu gỗ cho tới cả những cây cầu khỉ) và Không Lực Mỹ không ngừng oanh tạc các trục giao thông chủ yếu là những cây cầu trên khắp Miền Bắc_ đưa vùng đất ấy trở lại Thời Kỳ Đồ Đá (chữ của tướng không quân Mỹ Curtis LeMay, 1965).

Cầu Hàm Rồng và Trái Bom Tinh Khôn. Tên cầu Hàm Rồng – Dragon Jaw Bridge đã rất nổi tiếng trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Cầu bắc qua con Sông Mã cũng rất nổi tiếng với bài thơ Quang Dũng (1948) trong thời Kháng Chiến Chống Pháp.

Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Cầu Hàm Rồng đã từng là điểm giao thông chiến lược nối liền Nam Bắc, được phòng vệ bằng một mạng lưới phòng không dày đặc hết sức kiên cố khiến Mỹ cho dù đã cố gắng dồn hết không lực liên tục đánh phá từ 1965 tới 1972 với hơn 70 máy bay đủ loại bị bắn rơi mà vẫn không sao phá sập được.

Cũng tương tự như vậy với chiếc cầu Long Biên – Paul Doumer ở Hà Nội bắc ngang qua Sông Hồng.

Phải tới năm 1972, gần cuối cuộc chiến tranh khi có được trái bom tinh khôn _ smart bombs điều khiển bằng Laser, Mỹ mới thành công đánh sập được cả hai cây cầu Long Biên và Hàm Rồng mà không phải mất thêm chiếc máy bay nào.

Chỉ có điều là ngay sau đó bên dưới chiếc cầu đổ nát Bắc quân đã lập ngay được một cây cầu ngầm – pontoon bridge và cuộc tải quân và vũ khí từ Bắc vô Nam đã không hề bị gián đoạn.

Cây cầu Hiền Lương. Cây cầu bắc qua sông Bến Hải nối liền hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Chỉ hơn 900 năm trước đây thôi còn là vùng đất của Champa, một vương quốc khá hùng mạnh luôn luôn tràn qua đánh phá khiến Lý Thánh Tông phải giao việc nội chính cho Nguyên Phi tức Ỷ Lan Phu Nhân còn nhà vua thì đích thân dẫn đại quân đi chinh phạt. Vua Chăm là Chế Củ thua trận bị bắt năm Kỷ Dậu 1069 phải dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội – là vùng đất thuộc Quảng Bình Quảng Trị sau này.

Trong cuộc suốt Chiến Tranh Việt Nam thì Quảng Bình từ Đồng Hới tới Vĩnh Linh được coi như Vùng Trắng trong khi Quảng Trị từ Cổ Thành ra tới Cửa Việt là Bãi Chiến Trường, nơi diễn ra những cuộc giao tranh kinh hoàng giữa Nam và Bắc quân để giành nhau từng căn nhà từng tấc đất.

Một phần tư thế kỷ đã qua, trở lại thăm chiến trường cũ, còn đầy rẫy những mìn, những dấu vết thương tích của bom đạn vẫn chưa lành. Nhà báo Mỹ từng gọi đó là một viện bảo tàng sống của cuộc Chiến Tranh Việt Nam trong đó cây cầu Hiền Lương là một biểu tượng không thể thiếu.

Cây cầu có từ thời Pháp như hàng trăm chiếc cầu khác nhưng đã trở thành nổi tiếng ngay từ khi ký hiệp định Genève 20-07-1954 chia đôi Việt Nam lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17 làm đường ranh và cầu Hiền Lương thì như vật chứng nằm trơ vơ giữa khu đường ranh ấy.

Cầu Hiền Lương, biểu tượng chia đôi đất nước và cũng là nguyên nhân cuộc Chiến Tranh Việt Nam tàn hại nhất thế kỷ. Nếu có một tấm bảng đồng nhỏ để ghi lại thành tích của cây cầu lịch sử ấy thì sau đây là vài con số:

“Chết: thường dân 2 triệu, Bắc quân 1.1 triệu, Nam quân 250 ngàn, Mỹ 57 605. Bom 14 triệu tấn / 700 trái bom nguyên tử Hiroshima. Chất Da Cam khai quang 2.2 triệu hecta…”

Trí nhớ những người sống thì không bền, tất cả mau chóng đi vào quên lãng. Bây giờ đã ngót nửa thế kỷ sau ngày chia đôi đất nước, Hà Nội đang có kế hoạch phá rỡ cây cầu lịch sử ấy, viện lý do đã có một cây cầu mới không xa đó do Nga xây cất và thêm nữa là cây cầu cũ với 10 trụ bêtông đã làm chậm hẳn dòng chảy của con sông Bến Hải ra Cửa Tùng.

Người dân Quảng Trị thì vô cùng bất mãn vì cầu Hiền Lương đang là một tụ điểm du lịch rất nổi tiếng khiến du khách khắp thế giới đổ xô về đây. Chỉ riêng năm qua đã có tới 12 ngàn du khách đa số là ngoại quốc tới đây chỉ để được thăm cây cầu.

Không còn cây cầu Hiền Lương thì Quảng Trị, vùng đất khổ – cái tỉnh nghèo nàn đói kém nhất nước ấy còn gì để mà hấp dẫn du khách?

Nhưng Hà Nội thì vẫn viện dẫn thêm lý do khác để không muốn giữ lại cây cầu ấy: rằng đấy không phải cây cầu nguyên thủy do người Pháp xây trước đây, cây cầu ấy đã bị oanh tạc thiêu hủy từ năm 1967 và cầu hiện nay chỉ là do Bắc quân dựng lại chưa đầy 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ.

Nhưng câu hỏi tiếp theo là tại sao không tái tạo một cây cầu giống như cũ để thay thế cho cây cầu sắp bị phá rỡ mà vẫn không ảnh hưởng tới dòng chảy của con sông.

Đề nghị ấy cũng bị bác bỏ, lần này thì bằng quyền uy chứ không viện dẫn thêm một lý lẽ nào nữa. Rồi ra đất nước sẽ chẳng còn quá khứ mà tương lai thì mù tăm chỉ có toàn là những công trình vá víu lai căng của các công ty liên doanh ngoại quốc đổ xô tới đây chỉ để xâu xé thủ lợi.

Những Cây Cầu Khỉ – Monkey Bridges. Đồng Bằng Sông Cửu Long

Mekong Delta là nơi có chằng chịt sông rạch với những những cây cầu khỉ. Có thể nói cầu khỉ có một lịch sử rất sớm từ những bước chân Nam Tiến cách đây ngót ba thế kỷ, khi đám lưu dân Hai Huyện theo chân quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam khai phá – đi vạch một chân trời, nói theo nhà văn miệt vườn Sơn Nam.

Họ đặt chân tới một vùng châu thổ sình lầy, ngập nước hoang vu trên trời muỗi như sáo thổi dưới nước đỉa lềnh như bánh canh, ngày chim kêu đêm vượn hú với trên bờ cọp beo rắn độc, dưới rạch thì cả bầy cá sấu đói ăn rình chờ.

Lùa được cọp beo thì vẫn còn bầy sấu đông vô số kể. Muốn thoát hiểm qua rạch chỉ có cách bám cây mà đu như khỉ chuyền cành, gặp con kinh rộng thì phải tìm cách cắm cọc gác cây chênh vênh mà leo qua. Đây là thời điểm của nghịch cảnh để cây cầu khỉ đầu tiên xuất hiện.

Từ vượn tới người homo sapiens theo Thuyết Tiến Hóa thì phải cần tới ba triệu năm và những người lưu dân ấy khi gặp lại môi trường nguyên thủy thì vẫn còn nguyên vẹn cái bản năng leo trèo để sinh tồn.

Chỉ với vài thân tràm, năm ba khúc gáo bần cắm sâu vào lòng con rạch, rồi gác thêm lên đó những cây tre cây bần được cột lại bằng những khúc dây mây dây choại để trở thành cây cầu khỉ cho người dân nghèo Đồng Bằng Sông Cửu Long đêm ngày qua lại. Chỉ bằng thân gỗ tạp với lạt buộc mà phải dãi nắng dầm mưa thì những cây cầu khỉ ấy làm sao có tuổi thọ.

Trải qua bao nhiêu thế hệ, cấu trúc cây cầu khỉ vẫn đơn sơ như vậy, luôn luôn ở những nơi sông rạch bùn lầy bên những người dân quê lam lũ, để xóm nối xóm, nối những căn nhà khuất nẻo xơ rơ mất hút trong những lùm cây um tùm. Nơi có những tiếng hò tình tự của gái trai trong mùa gặt, có câu ca vọng cổ mùi mẫn vẳng lại từ ngoài đồng.

Cảnh thì nghèo đến não lòng mà sao vẫn đầy thơ mộng qua ngòi bút trữ tình của nhà văn Lương Thư Trung.

Thơ mộng hóa cảnh nghèo để sống lạc quan phải chăng cũng là một phản ứng phủ nhận – denial hay chấp nhận qua biện minh / rationalization.

Thương thay cầu khỉ một mình

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi

Chẳng còn bao lâu nữa là đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba, Đồng Bằng Sông Cửu Long thì vẫn còn cả ngàn cây cầu khỉ và vẫn còn là phương tiện duy nhất cho đám hậu duệ thế hệ Nam Tiến 300 năm sau phải bám vào để băng qua những con kinh con rạch, để tới trường thì ít mà để sớm vào trường đời kiếm sống. Chuyện trẻ sẩy chân té xuống rạch và bị dòng nước cuốn phăng đi trong mùa mưa lũ vẫn là điều quá thường – đâu có được kể là tin để đăng báo.

Những Cây Cầu Hữu Nghị Trong Hòa Bình. Tháng Tư 1994 – một thời điểm đáng ghi nhớ – khi chủ tịch nước Lào, vua Thái và thủ tướng Úc đã cùng đến khánh thành cây cầu đầu tiên bắc ngang qua sông Mekong nơi hạ lưu nối liền thủ đô Vạn Tượng và thị trấn Nong Khai đông bắc Thái Lan. Cho dù đã có từ lâu một dự án xây cầu như vậy nhưng do nửa thế kỷ loạn lạc tất cả phải ngưng lại. Nay thì cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã trở thành quá khứ, cả đến chiến tranh lạnh cũng đã chấm dứt và mối bang giao Thái Lào có phần tốt đẹp hơn nên dự án được tiến hành và hoàn tất.

Cây cầu Hữu Nghị Mittaphap dài 1.2km phí khoản 30 triệu đôla do Úc tài trợ là một điểm nối quan trọng của mạng lưới siêu xa lộ Singapore – Bắc Kinh trong một kế hoạch phát triển đầy tham vọng có tên là GMS / Greater Mekong Subregion _ Lưu Vực Lớn sông Mekong ngoài 4 nước vùng hạ lưu nay thêm 2 nước Miến Điện và Trung Hoa.

Cây cầu Mittaphap mang nhiều ý nghĩa khác nhau; với Lào là một nhỏ nước nằm trong góc lục địa bị lãng quên thì đó là cánh cửa mở ra cho Lào đi ra biển qua ngả Thái Lan; với Thái thì đó là cơ hội cho giới đầu tư kinh doanh vào khai thác một đất nước thưa dân nghèo nhất nhưng lại rất giàu nguồn tài nguyên; còn với Úc cây cầu là biểu tượng vùng ảnh hưởng được nới rộng vượt qua quần đảo Nam Dương để vươn tới các quốc gia Đông Nam Á tiến sát tới Hoa Lục.

Đã có thêm ba dự án cầu khác được nói tới trong vùng Hạ Lưu Sông Mekong đó là cây cầu nối liền Savannakhet với Mukhalan, một cây cầu nối liền Thakhet với Nakhon Phanom giữa Thái Lào và cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long Nam Việt Nam.

Sự thực thì đã có dự án về cây cầu Mỹ Thuận sớm hơn nhiều ngay từ những thập niên 50 và 60. Trong khi Nam Việt Nam thì tha thiết sớm xây dựng cho được cây cầu lớn bắc qua Sông Tiền nơi Đồng Bằng Châu Thổ thì Cam Bốt là một trong 4 thành viên của Ủy Ban Sông Mekong lại cực lực phản kháng và dùng quyền phủ quyết, viện lẽ là cây cầu ấy sẽ gây trở ngại cho tàu bè từ Biển Đông lên tới Nam Vang. Rồi bang giao Việt Miên gẫy đổ trong bối cảnh cuộc Chiến Tranh Việt Nam ngày càng lan rộng, dự án cầu Mỹ Thuận đầu tiên ấy hầu như bị rơi vào quên lãng.

Cây Cầu Mỹ Thuận – Y2K.

Kể từ ngày Bộ trưởng Ngoại giao Úc đến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7 năm 1997 để tham dự lễ động thổ xây cây cầu Mỹ Thuận _ nơi mà từ bao lâu nay giao thông vẫn trì trệ chỉ có thể qua lại bằng phà – cho tới tháng 5, 1999 theo giám đốc dự án Richard Magnusson, công trình xây dựng cầu đã hoàn thành 80 phần trăm. Phần cầu dẫn hai bên đã làm xong và đã có 32/128 cáp treo được căng.

Cầu có chiều dài hơn một cây số rưỡi (1535.2m) với độ tĩnh không hay tầm gió _ clearance là 37.5m và là một cầu treo với hai trụ tháp chính “hình chữ H” giữa dòng sông với nền móng hai bên bờ bắc và nam của Sông Tiền, với 4 lằn đường rộng rãi cho xe cộ hai chiều qua lại và cả thêm 2 lề đường cho người đi bộ.

Cầu Mỹ Thuận sẽ hoàn tất sớm hơn hai tháng, vào tháng 4 năm 2000 – đúng 6 năm tròn sau cây cầu Hữu Nghị Mittaphap.

Với Việt Nam, cầu Mỹ Thuận là biểu tượng của tiến bộ và phát triển nơi vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Với Úc một lần nữa là một phô trương thanh thế về trình độ khoa học kỹ thuật cao đồng thời cũng nhắc nhở với các nước Châu Á về sự hiện diện của một Cường Quốc Da Trắng khác phía nam bán cầu.

Cao hiểu rằng chẳng bao lâu nữa cảnh sinh hoạt nhộn nhịp buôn bán hối hả nơi hai đầu bến phà sẽ trở thành quá khứ. Để rồi mỗi lần qua cây cầu mới lại nhớ tới bắc Mỹ Thuận ngày nào. Xe đò chưa kịp dừng thì đám người bán hàng rong đông đảo từ hai bên đường đã túa ra vây quanh, bám bên hông và cả leo vào trong xe. Người lớn trẻ nít tíu tít mời chào bằng nhưng âm thanh ngắn cụt: mía mía mía ! nem nem nem! trà đá trà đá! dừa xiêm dừa xiêm! Những lời rao chẳng thể rút ngắn hơn.

Trên bến thì lúc nào cũng có từng hàng xe đò đậu dài, ai cũng muốn theo xe thơ để được ưu tiên xuống trước – trong thời chiến tranh tới đây mà lại gặp phải đoàn công-voa đi hành quân thì kể như tiêu một nửa ngày. Dưới sông sóng nước thắm đỏ phù sa mênh mông trải rộng, giữa thấp thoáng nổi trôi những giê lục bình trổ bông tím là những chiếc ghe thương hồ ngược xuôi qua lại. Lâu lâu lại gặp một chiếc tàu giòng kéo theo cả mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ chở khẳm những lúa gạo và cây trái ngược dòng đi về hướng Nam Vang. Nhìn sang bên đường là hàng dẫy hàng quán với đủ những món đặc sản. Thức ăn tươi ngon hấp dẫn và bày biện rất bắt mắt, nào là tôm càng nướng, sườn non nướng mỡ hành, chim mía chiên từng sâu thơm lừng. Trái cây thì theo mùa, bưởi cam xoài ổi nhãn chôm chôm chuối mít dừa xiêm… chở tới từ Mỹ Thuận Cái Bè Mỹ Tho Bến Tre, đầy màu sắc và bày ra ê hề.

Khách từ Bắc vào đứng trước rừng trái cây thì mê tơi, mua một chục được bạn hàng trao cho 14 hay 16, chưa quen thì tưởng chừng được đếm dư nhưng khi biết không phải vậy thì lại càng thêm tin vào hình ảnh ước lệ của một Miền Nam với vườn cây xum xuê trĩu trái, ruộng đồng thẳng cánh cò bay với gạo trắng nước trong và tôm cá đầy đồng.

Không còn bến phà nhưng rồi ra có ai cấm khách dừng chân trước khi qua cầu để mua các món quà đặc sản của Mỹ Thuận.

Họ bốn người bạn học cũ gặp nhau, trừ Hộ thuộc Đại học Cần Thơ còn ba người kia Cao Điền Lâm thì từ nước ngoài. Ai cũng mang theo cả một trời tâm sự. Với Điền Cao thì không phải lần đầu tiên nhưng với bác sĩ Lâm thì đây là chuyến về thăm quê hương 20 năm sau kể từ ngày anh là thuyền nhân được má Bảy sắp xếp cho đi. Trong chuyến về thăm quê này Lâm sẽ cố tìm gặp cho được má Bảy, người ân nhân của gia đình anh ngày nào.

Những Bà Mẹ Cửu Long. Hôm đó má Bảy cùng bé Bảy từ trong rạch chèo ghe ra đi từ sáng sớm, lòng thì nóng như lửa đốt chỉ mong sao sớm đem được thằng cháu ngoại tới bệnh viện trước chặp tối. Tới Thủ Thừa chỗ giáp nước thì cũng đã xế trưa, phải chờ tới giờ đổi con nước mới lại đi tiếp, tuy xuôi dòng rồi mà cả hai má con vẫn cố chèo sao cho mau tới. Vậy mà cũng phải xẩm chiều mới vô được bến chợ. Má như kiệt sức giao thằng nhỏ cho bé Bảy ẵm còn má cầm mái chèo tất tưởi theo con đường đất nhanh chân tới bệnh viện. Vô tới sân như được trời độ, hai má con mừng húm khi thấy bác sĩ Hai Lộc áo trắng rốp quần tây giày da tay xách cặp từ văn phòng bước ra.

Không hỏi han má Bảy lấy một câu, Hai Lộc mặt hếch lên giọng nói sẵng như với người chưa hề quen biết:

— Hết giờ làm việc rồi, bà biết không !

Như bị tạt gáo nước lạnh vô mặt, má Bảy như nghẹt thở, tức cành hông nhưng rồi cũng lấy lại được hơi vô đầy buồng phổi và la lớn:

— Đồ dzô phước ! Chứ tao hỏi tụi bay hồi còn sống dở chết dở trong bưng, đầu hôm tối khuya ngay cả nửa đêm má dậy nấu từng nồi cơm lo nuôi bảo bọc tụi bay có bao giờ má nói hết giờ đâu mà nay ăn nên làm ra rồi sao tụi bay bạc bẽo quá vậy !

Không nói dứt câu, bà cầm nguyên chiếc mái chèo bao năm dãi nắng dầm mưa trên sông nước Cửu Long, phang tốt lên đầu Hai Lộc. Đâu có ngờ bị bà má làm dữ, sợ mất mặt với bà con, hắn mặt tái xanh chỉ kịp vội giơ tay lên đỡ rồi bỏ chạy tuốt vô văn phòng đóng chặt cửa lại.

Từ hồi nào tới giờ, má Bảy đâu cần biết hay quan tâm cộng sản quốc gia là cái chi chi. Má không làm quốc sự nhưng vốn chuộng đạo nghĩa, theo gương cha ông lúc nào cũng nghiêng về phía người bị áp bức; hồi còn chiến tranh thấy tụi con cháu như thằng Hai Lộc khi không bị ruồng bắt phải trốn chui trốn nhủi thì bà động lòng thương mà cưu mang vậy thôi. Cũng như nay lại đổi đời rồi bà thấy thương mà cưu mang mấy thằng lính Cộng Hòa bị gọi là lính ngụy đang sống dở chết dở dưới tay mấy thằng Giải Phóng ác ôn như Tám Trí, Mười Nhe bây giờ.

Tiến thối lưỡng nan, đường đường nay hắn cũng là bác sĩ giám đốc bệnh viện chứ đâu còn là thằng Hai Lộc y tá khiêng cáng quần xà lỏn trốn chui trốn nhủi trong nhà má Bảy hồi nào; nhưng hắn biết làm gì bây giờ ngoài mấy bịch nước biển và trụ sinh thì chỉ có cây xuyên tâm liên trong khi thằng nhỏ thì ốm tong teo như một con khỉ con đang thoi thóp mà lại sốt nóng như một cục than hồng. Điều mà Hai Lộc không biết – mà hắn cũng chẳng thèm biết là trong kho còn cả mấy chục ngàn viên trụ sinh đủ loại do ngụy để lại cả mấy năm không ai biết sử dụng cũng tới ngày sắp hết hạn.

Nhưng rồi hắn cũng lanh trí tìm ra giải pháp. Hắn cho bảo vệ xuống Khoa Nhi gọi Lâm tên bác sĩ ngụy lên trình diện. Bằng một giọng vừa quyền uy vừa thân thiết, lần đầu tiên hắn gọi bác sĩ Lâm là đồng chí – Bằng mọi giá đồng chí phải cứu cho được thằng nhỏ, nó thuộc gia đình có công với cách mạng thuộc diện chánh sách; nếu cần thêm thuốc men gì cứ cho tôi hay !

Hắn cũng không quên làm thêm một cử chỉ quan tâm chăm sóc:

— À, tôi cũng đã ký thuận cho đồng chí đi phép về thăm gia đình một tuần lễ, giấy tờ thì xuống phòng Tổ Chức lấy.

Hắn không quên nhắc một câu cảnh giác:

— Phép về Sài Gòn (mà hắn không gọi là thành phố Hồ Chí Minh) chứ không phải để xuống ghe đi luôn đâu nhe !

Tiếp theo là một nụ cười lạnh tanh trên một khuôn mặt không lộ chút cảm xúc.

Ngay sau đó, bên trong phòng giám đốc diễn ra buổi hội chẩn để lập phương án điều trị, và kết quả là thằng bé thập tử nhất sinh ấy được Đảng ủy và đồng chí bác sĩ giám đốc cứu sống – như một kết hợp tuyệt hảo giữa chánh sách và chuyên môn.

Nhưng má Bảy thì biết đích ai là người đã cứu sống thằng cháu ngoại của má. Chính bác sĩ Lâm mới là người mà má Bảy đã chịu ơn.

Rồi vẫn với tấm lòng rộng như biển, như bao nhiêu bà mẹ Cửu Long khác, bà lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ và bao dung với những thằng con lạc đường như Hai Lộc. Sau ngày đón thằng cháu ngoại khỏe mạnh về nhà, bao nhiêu cây trái ngon ngọt nhất dưới vườn được bà hái tuốt đem vô bệnh viện phát bằng hết cho mọi người, như trước tới nay có bao giờ bà tiếc gì với đám tụi nó mà bà vẫn coi như con.

Chuyện đáng nói là ít lâu sau đó chính má Bảy tuy tiếc đứt ruột là mất đi người hiền tài nhưng cũng nén lòng mà sắp đặt đưa bác sĩ Lâm xuống ghe từ trong rạch ra cá lớn đi vượt biên một lần trót lọt và chỉ hai ngày sau đã sang được tới đảo Poulo Bidon, sau đó thì Sơn cùng vợ con được đi Pháp.

Vậy mà đã 20 năm rồi 1979-99 mà sao cứ như mới ngày hôm qua. Hai con Sơn khi ra đi còn bé nay đã thành tài, có tương lai của tụi nó và không còn cần tới anh nữa. Sơn hiểu rằng Việt Nam vẫn là quê hương cuối cùng mà anh muốn trở về. Chuyến đi này như chuẩn bị cho một ao ước ấp ủ bấy lâu là có một ngày Sơn được trở lại sống nơi quê nhà với chòm xóm bà con như gia đình má Bảy, tuy nơi đó vẫn còn một chế độ mà Sơn luôn luôn phủ nhận. Khi hỏi về chốn cũ, Hộ cho Lâm biết:

— Bệnh viện nay trực thuộc Trường Y Đại học Cần Thơ. Hai Lộc thì cũng đã về hưu. Giám đốc nay là một bác sĩ cũ sau Sơn chừng hai lớp và đội ngũ chuyên môn bây giờ là đám bác sĩ trẻ mới ra trường được đào tạo chánh quy chứ không là chuyên tu từ y tá khiêng cáng như Hai Lộc ngày nào.

Không biết ý định của Lâm, nhưng Hộ nói ra như một ao ước:

_ Lượng thì có nhưng thiếu chất. Trường Y Cần Thơ đang cần thêm các bác sĩ chuyên khoa cho ban giảng huấn. Phải chi được những người như các anh bên đó trở về, không nhất thiết ở lại luôn nhưng giúp chúng tôi như những giáo sư thỉnh giảng.

Điều Hộ hồn nhiên nói ra nhưng sao lại đúng với ý Lâm, và anh dự định sẽ cụ thể bàn thêm với Hộ trong chuyến về thăm Tây Đô lần này. Lâm tưởng tượng rằng lần tới khi trở về, hai vợ chồng anh không còn phải qua phà và lúc đó Sơn sẽ rủ vợ đôi phút dừng chân nơi giữa cầu Mỹ Thuận nhìn xuống dòng sông nước chảy để thấy rằng “qua bao khổ đau niềm vui cũng sẽ tới”. Đôi lần lạnh lẽo ra đứng bên bờ sông Seine, Lâm có niềm tin sẽ có ngày anh đứng trên cây cầu Mỹ Thuận nơi quê nhà, cũng những vần thơ của Apollinaire ngày nào nhưng là nỗi ngập tràn của hạnh phúc:

Sous le pont Mirabeau / Mỹ Thuận

Coule la Seine / le Mekong

Et nos amours

Faut-il qu’il m’en souvienne

La joie venait toujours après la peine

Cùng ngày, trên Quốc Lộ 1 khi xe tới cây số 1978 thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang thì đang diễn ra “lễ khánh thành thông xe” cho 19 cây cầu đoạn Sài Gòn – Cần Thơ.

Dự án QL 1 đoạn Cần Thơ – Năm Căn với cây cầu bắc qua sông Hậu sẽ chỉ được hợp đồng với công ty Nhật Bản sau khi cầu Mỹ Thuận hoàn tất .

Trên đường Hộ nao nức hỏi Cao và Điền tin tức của người thầy cũ, Giáo sư Thới. Câu hỏi như làm sống dậy một khúc phim. Như từ bao giờ Cao vẫn coi giáo sư Thới như một ông thầy – trước sau Cao vẫn giữ nguyên lòng kính trọng.

Cái ngày cách đây đã một phần tư thế kỷ, khi những chiếc xe tăng T 54 của Bắc quân tới cửa ngõ Sài Gòn, và đài phát thanh quân đội Mỹ cho phát bài White Christmas như tín hiệu bắt đầu cuộc di tản ồ ạt cuối cùng bằng trực thăng trên nóc tòa Đại sứ Mỹ và trong khi hàng ngàn người hoảng loạn bám tường leo rào để tranh cho được một chỗ thoát thì thầy Thới lại rất bình thản từ chối 5 chỗ đi dành sẵn cho toàn gia đình và thầy quyết tâm ở lại với ý nghĩ rằng nước nhà hòa bình thầy sẽ cùng mọi người đồng kham cộng khổ thì chỉ ít năm thôi hoa lại nở trên khắp đường quê hương.

Nhưng rồi cuối cùng thì thầy vỡ mộng. Đất nước đã chẳng tiến lên mà còn thụt lùi thêm vài chục năm nữa. Kinh nghiệm cuối đời người ấy đã làm thầy đắng họng. Để rồi cuối cùng thầy cũng phải ra đi nhưng lần này là cảm giác ê chề.

Ra ngoài được rồi, thầy như một con vật bị thương và chọn cuộc sống như một ẩn tu, khắc khoải với những ước mơ không đạt được, hết còn thiết tha với thời cuộc cộng thêm với nỗi âu lo cô đơn của tuổi già; ở thầy đã có dấu hiệu trí tuệ bị ngưng trệ – thầy nhớ như in những chuyện cũ rất xa – remote memory nhưng lại mất khả năng liên hệ với thực tại, một hiện tượng mà đứa con gái thầy cũng là bác sĩ e ngại đó là biểu hiện của chứng bệnh presenile dementia tuy chưa phải là Alzheimer. Từ một nhà khoa học thực nghiệm nay thầy lại hướng về những suy tưởng siêu hình với ám ảnh về cái chết mà thầy bắt đầu dần dà chấp nhận như một thảm kịch của số phận.

Bao năm sau, gặp lại thầy trong cuộc họp mặt Hội Tiền Giang nơi công viên Mile Square Park mới đây, sau khi nghe Cao đứng ra phát biểu về đề tài “Đồng Bằng Sông Cửu Long trước những nguy cơ” Cao đã được thầy Thới thận trọng nhắc nhở:

— Đã có gì đâu còn quá sớm để các anh phải la hoảng lên như vậy.

Khi mà con sông Mekong nước vẫn chảy băng băng và thầy lại như một chiếc lá suôi dòng, thầy đang có một cuộc sống rất tĩnh thì những gì mỗi ngày đang diễn ra ở thượng nguồn nơi các con đập bậc thềm Vân Nam trở thành chuyện quá xa xôi đâu có đáng phải quan tâm. Cao thấy thương thầy Thới hơn nhưng không tránh được cảm giác mất mát đến sót sa.

Mỹ Tho – được coi như thủ đô Tiền Giang nằm bên bờ một nhánh của sông Tiền cách Sài Gòn hơn 70km hướng đông nam, nơi từng có một lịch sử thăng trầm.

Tới thế kỷ 17 đó vẫn là một vùng đất thuộc Cam Bốt hoang dã xình lầy nhưng rồi dần dà bị sát nhập vào Việt Nam bằng chính sách tàm thực_ tầm ăn dâu của Nguyễn Cư Trinh qua cuộc Nam Tiến. Cuối thế kỷ 17 theo Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định Thành Thông Chí thì đây đã là một khu thương mại sầm uất “với nhà ngói, cột trạm đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển tới đậu đông đúc làm thành một chốn đại đô hội rất phồn hoa huyên náo” nên được mệnh danh là “Mỹ Tho Đại Phố”.

Tới thế kỷ 18, thời kỳ Gia Long tẩu quốc, Nguyễn Vương sang cầu viện quân Xiêm La thì nơi đây lại trở thành bãi chiến trường kết thúc bằng cuộc thắng trận Rạch Gằm và Xoài Mút của Nguyễn Huệ 1784 ở phía trên Mỹ Tho đánh đuổi hết năm vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi.

Tới 1862 cùng với các tỉnh Miền Nam, Mỹ Tho lại rơi vào ách bảo hộ của Pháp nhưng với cái giá đắt mà người Pháp phải trả qua các cuộc khởi nghĩa anh hùng của Trương Định và Thủ Khoa Huân.

Tới thăm Mỹ Tho không thể không nghe tới Cồn Phụng với con thuyền Bát Nhã của ông Đạo Dừa ngày nào. Nơi một thời đã từng được mệnh danh là Ốc Đảo Hòa Bình giữa một chiến tranh Việt Nam đang diễn ra kinh hoàng.

Cũng không thể không nghe tới địa danh Ấp Bắc vào tháng Giêng 1963 ghi dấu thắng lợi đầu tiên của Cộng quân trong vùng Châu Thổ Sông Cửu Long gây tổn thất cho các đơn vị quân đội Nam Việt Nam được trang bị hiện đại, khiến cho viên Trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann phát biểu một cách khinh thị: “… a miserable performance, just like it always.”

Và luận điệu dè bỉu ấy – với người đồng minh bị coi dưới chân nhưng lại ràng buộc với nước Mỹ như một định mệnh – còn được tiếp tục lặp lại trong suốt và sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam. John Paul Vann cũng không ngừng lớn tiếng chỉ trích giới lãnh đạo cao cấp quân sự Mỹ là bọn kiêu căng và cả thối nát.

Vào giữa Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, John Paul Vann tử nạn trong một chuyến trực thăng bay đêm trên vùng núi non sương mù cao nguyên Trung Phần, đúng thời điểm mà Bắc quân tấn công tràn ngập tỉnh Kontum_ mở màn cho từng bước đi tới sụp đổ của Miền Nam ba năm sau đó.

John Vann được vinh danh như người lính Mỹ biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam, được mai táng trọng thể với tất cả nghi thức dành cho một anh hùng tại nghĩa trang quốc gia Arlington với hiện diện đầy đủ chánh khách và tướng lãnh Mỹ đã từng có những bước chân lún sâu vào vũng lầy Việt Nam.

Và theo ký giả Neil Sheehan, đối với những người sống có mặt lúc ấy, thì chôn Vann vào thời điểm tháng 6 năm 1972 cũng có nghĩa là chôn luôn cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ. Chôn luôn cả những giao ước long trọng của Hoa Thịnh Đốn đối với người bạn đồng minh Nam Việt Nam.

Sau một ngày ở Mỹ Tho, Hộ đưa các bạn về thăm Đại Học Cần Thơ. Trên con phà qua con sông Tiền, Lâm và chắc cả Điền Cao đều có chung một ý nghĩ đây có lẽ là chuyến phà cuối cùng của ba người qua bắc Mỹ Thuận trước năm 2000.

Điền từ nãy giờ vẫn trầm ngâm, quay sang nói với Hộ:

— Một phần tư thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất với bấy nhiêu trí tuệ và cả toàn quyền trong tay mà vẫn chưa làm xong một con đường thông suốt nối liền Bắc Nam. Sau cây cầu Mỹ Thuận còn chờ bao lâu nữa để có thêm được cây cầu Cần Thơ qua Sông Hậu.

Cao nói thêm:

— Bảy mươi triệu đôla cho mỗi cây cầu – có bao nhiêu lần hơn số tiền ấy đã rơi vào quỹ đen quỹ đỏ của những “người đầy tớ nhân dân” trong thời kỳ Đổi Mới.

Hộ không giải thích, chỉ đưa ra một nhận xét:

— Trong suốt những năm chiến tranh, “người Cộng Sản Việt Nam” đã khẩn trương biết bao nhiêu thì tiếp theo một phần tư thế kỷ thống nhất và hòa bình họ đã ù lì là thế nào. Bằng “lôgíc” của chính họ qua cái gọi là “bản chất và hiện tượng” cũng không thể nào giải thích cho được.

Hộ người vẫn được bà con nông dân kêu là “Thầy Hộ Lúa Honda”, nói với các bạn:

— Kể từ ngày có chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ đầu tiên với hai khuông cánh vuông dài bay từ Sài Gòn đáp xuống Gò Công năm 1913 thì nay người ta đang nói tới những chiếc máy bay phản lực Air Mekong từ thủ phủ các nước Á Châu sắp đáp xuống vùng châu thổ sông Cửu này !

Hộ giải thích:

_ Công ty hàng không Air Mekong – liên doanh với General Industry Co. Singapore sẽ nối liền đồng bằng sông Cửu Long và các đô thị lớn Á châu như Hương Cảng, Bangkok, Singapore… chủ yếu để phục vụ Chương Trình Du Lịch Xanh 2000, dự trù chở tới đông đảo du khách ngoại quốc tới thăm sông nước Cửu Long, thăm nền văn minh miệt vườn dĩ nhiên không thể thiếu những cây cầu khỉ cheo leo nơi các con rạch làng quê nối những con đường đất bùn lầy.

Đêm đó tại khu nhà khách vãng lai của Đại Học Cần Thơ, bốn người bạn nói chuyện đến thật khuya. Họ thảo luận nhiều về tương lai của Đồng Bằng Sông Cửu Long và cùng hiểu rằng hai con Sông Tiền Sông Hậu chưa hẳn đã cạn dòng nhưng lưu lượng thì yếu dần nên nước biển tràn sâu vào nội địa gây nhiễm mặn không phải chỉ những con sông lớn mà lan ra khắp mạng lưới kinh rạch không những tàn hại hàng triệu mẫu lúa và hoa màu cây trái mà cả tìm cho được nguồn nước ngọt để dùng uống cũng phải lao đao. Từ là một con sông sâu nước chảy, nếu không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa Cửu Long Chín Cửa Hai Dòng sẽ trở thành một con sông nông nước mặn.

Giấc ngủ trằn trọc cũng đến với Điền lúc về sáng nhưng bị nhận chìm trong một cơn ác mộng, anh nằm mơ thấy cây cầu Mỹ Thuận đẹp đẽ bắc qua con Sông Tiền đã cạn dòng. Không có mưa, các hồ nhỏ ao đầm kinh rạch cũng cạn kiệt. Dân chúng có nơi không có cả nước để uống. Lũ đã không về nữa, thời tiết nắng hạn kéo dài, mặt ruộng trơ trụi nứt nẻ khô cằn.

Đói và khát, từng đoàn người lũ lượt men theo những bờ sông cạn để mò cua lượm ốc bất cứ gì có thể ăn được. Lẫn trong đám người ấy, Điền thấy má ẵm trên tay con Bé Tư thất thểu trên một con đường khô khốc, cứ mỗi bước đi thì đất dưới chân lại vỡ vụn ra theo gió cuốn lên như những cơn bão cát …

Khi không còn thấy má và Bé Tư đâu nữa, Điền bừng tỉnh dậy, miệng khô đắng với trước mắt vẫn còn con Sông Tiền chảy dưới chân cầu Mỹ Thuận. Trong cơn khát Điền úp mặt xuống dòng sông uống một ngụm nước thì nước đã mặn chát nhưng anh tự trấn an ngay: cũng không mặn lắm đâu, chỉ mặn như nước mắt người ta thôi và cứ thế Điền hối hả uống những ngụm nước mắt mà vẫn không sao đã được cơn khát.

Comments are closed.