Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (Kỳ 3)

Ngô Thế Vinh

7 NGHIÊU ĐỀ_ CLCDBDDS 2000CHƯƠNG V

TIẾNG SÔNG MAE NAM KHONG

TRÊN CÁNH ĐỒNG CHUM

Nước Lào đã không được coi là một thực thể địa dư

chủng tộc hay xã hội mà thuần chỉ là một tiện nghi chánh trị

Bernard Fall

Giữa con đường từ Tam Giác Vàng, qua Cartier anh nhà báo người Pháp, Cao có thêm Sơn là người bạn trẻ đồng hành. Đó cũng là lý do Cao đổi lộ trình để hai người cùng đi Xieng Khouang, thăm Cánh Đồng Chum, đối với Cao cũng là một khía cạnh văn hóa khác của con sông Mekong. Sau đó Sơn có chương trình riêng, đi vào các buôn bản người Hmong, Khmu để tiếp tục cuộc khảo sát ngữ học của anh. Với Cao, mỗi lần tới với con sông Mekong luôn luôn là một hành trình mới với cảnh trí khác, những con người khác mà có lần anh gọi đùa là “Những Mekong Dị Nhân” và không bao giờ có hai lần kinh nghiệm giống nhau. Cao tự hỏi anh phải cần bao nhiêu chuyến đi nữa, trong bao nhiêu năm hay là cho đến hết cuộc đời mình để có thể tự hào là biết đủ về một con sông đang dần dần bị hủy hoại nhưng vẫn còn mang trong nó bao nhiêu điều bí nhiệm và vẫn đang còn là mạch sống của toàn vùng Đông Nam Á nhưng còn được bao lâu nữa thì khó mà lạc quan để có lời giải đáp. Phải chăng Cao đã có một ràng buộc định mệnh với con-sông-lịch-sử, con-sông-thời-gian và cũng là con-sông-cuối-cùng ấy.

Cũng qua chuyến đi lần này, Cao được biết rõ thêm cuộc đời Sơn người thanh niên Mỹ gốc Việt ấy, không cần thêm phần hư cấu tự nó đã mở ra một cuốn tiểu thuyết.

Tốt nghiệp trung học với toàn điểm A, rất xuất sắc về khoa học, Sơn có ý định theo môn toán, vì tính hiếu kỳ Sơn học thêm môn cổ ngữ Hebrew, Sơn lại thấy mình rất có năng khiếu về ngôn ngữ học và đã tốt nghiệp double major cả hai môn này. Cũng vì tính hiếu kỳ Sơn gửi bài dự thi học bổng Raoul Wallenberg của quốc hội Do Thái tặng cho 10 sinh viên ngoại quốc không phải gốc Do Thái nhưng thông thạo tiếng Hebrew và văn hóa lịch sử nước Do Thái. Sơn đã viết một luận văn bằng tiếng Hebrew thuật lại chuyến vượt biển của 102 thuyền nhân Việt Nam được tàu Do Thái vớt và đã sang Do Thái định cư. Sơn trúng giải nhất và được học bổng sang học đại học Hebrew Jerusalem một năm và cũng tại đây Sơn được gặp Noam Chomsky khiến cuộc đời người thanh niên ấy hoàn toàn thay đổi và lựa chọn của Sơn có thể ảnh hưởng tới cả hướng đi của ngành ngữ học Việt Nam sau này.

Thêm một chi tiết về khúc rẽ sớm hơn trong cuộc đời Sơn như một “cú sốc” đưa cậu bé trở về nguồn. Mới là sinh viên năm thứ nhất, là phóng viên cho tờ nội san của nhà trường, Sơn chụp hình cảnh biểu tình của các sinh viên da đen chống bất công kỳ thị của xã hội da trắng trong campus, Sơn đã bị một sinh viên da đen hành hung và dùng gậy đập bể máy hình. Ngay lúc đó giữa những cú đánh vô cớ như đòn thù ấy Sơn chợt tỉnh ngộ và nhận thức được thân phận của mình là một người Á Đông trên đất Mỹ không thuộc khối người da trắng cũng chẳng được chấp nhận bởi khối người da đen, thành phần mà lý tưởng Sơn muốn bênh vực. Từ đó Sơn đã quay trở về học hỏi văn hóa cũng như ngôn ngữ Việt và trở lại là một người Việt Nam mà Sơn đã quên mất nguồn gốc kể từ khi theo bố mẹ làm thuyền nhân sang Mỹ lúc mới có 4 tuổi.

Điều hết sức ngạc nhiên với Sơn khi là sinh viên cao học ở MIT là tiếng Việt chưa được biết đến ở MIT trong khi đa số các ngôn ngữ khác kể cả tiếng Lào-Thái và Miên đã được khảo sát từ lâu rồi. Đáng buồn hơn là khi Sơn về Việt Nam thì thấy toàn bộ môn ngữ học Việt Nam cũng như các sách tham khảo đều lạc hậu cũ kỹ còn ở trong thời tiền Chomsky, các giáo sư đều không biết gì về các lý thuyết của Chomsky mà theo Sơn Việt Nam đã tụt hậu đến hơn 30 năm kể cả so sánh với các quốc gia thuộc vùng Á Châu Thái Bình Dương như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương chưa nói chi tới các nước Tây Âu và Mỹ.

Sự thực đám giáo sư Hà Nội được biết tới Chomsky nhiều hơn với tư cách một trí thức Mỹ khuynh tả và phản chiến. Chomsky cũng đã ra thăm Hà Nội ngay giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam, ông cũng thuyết trình về ngữ học, dĩ nhiên bằng tiếng Anh, và theo giai thoại kể lại thì chỉ có Tạ Quang Bửu – lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp trong số cử tọa là người duy nhất có khả năng đứng ra phiên dịch bài nói chuyện của Chomsky.

Tạ Quang Bửu gốc người Nghệ An là một tên tuổi rất quen thuộc trong gia đình Hướng Đạo Việt Nam cùng thời với Phạm Biểu Tâm ở trường Vinh – sau này là Khoa Trưởng Y khoa Sài Gòn, Bửu được biết tới nhiều hơn với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Việt Minh, năm 1954 tham dự hội nghị Genève với gợi ý cùng Hà Văn Lâu và Delteil hậu thuẫn cho giải pháp chia cắt Việt Nam với câu nói “Chúng tôi cần một thủ đô – Hà Nội và một hải cảng – Hải Phòng”. Và ông ta được toại nguyện với vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam. Ông chết năm 1986 vì căn bệnh loạn trí !

Cảm tưởng của Sơn trong chuyến về thăm Việt Nam đầu tiên tuy là kinh ngạc nhưng không khắt khe phán đoán, Sơn có một thái độ cởi mở và thông cảm. Theo Sơn thì tiếng Việt hiện nay như một kho tàng mới chưa hề được khai thác, Sơn nuôi tham vọng dùng những kiến thức và kỹ thuật mới nhất của MIT để cùng với các sinh viên bên Việt Nam – như một kho tàng chất xám nhưng lại không có cơ hội, phân tích và soi sáng ngôn ngữ Việt và từ đó tìm ra những lý giải và kiểm chứng các lý thuyết về Ngữ pháp Biến tạo – transformational/generative grammar của Chomsky. Mới đây tại Hội nghị Quốc tế về Ngôn ngữ học Đông Nam Á ở Kuala Lumpur Mã Lai, bản tường trình của Sơn về bước đầu nghiên cứu ngôn ngữ Việt với một nhãn quan mới được đánh giá cao như bước phát hiện những nét đại đồng trong ngôn ngữ Việt. Một điều vốn được coi là xa lạ đối với các nhà ngữ học trong vùng.

Auberge de Plaine de Jarres. Tới Phonsavanh thì trời đã xế chiều. Do Cartier giới thiệu trước và lại được giá discount, hai người thuê xe tới thẳng Lữ Quán Cánh Đồng Chum và được đặc biệt dành cho một căn nhà gỗ đẹp đẽ trong số 16 căn nằm tản ra trên một ngọn đồi nhìn bao quát xuống thị trấn, với phòng khách có lò sưởi, phòng tắm sạch sẽ với nước nóng, có cửa sổ nhìn ra vườn với hoa hồng, hoa dã yên màu tím, hoa phong lữ màu đỏ thắm. Chuẩn bị xong phương tiện di chuyển qua Sodetour cho chuyến đi thăm Cánh Đồng Chum ngày hôm sau; buổi tối hai người được viên quản gia hiếu khách người Pháp dọn cho ăn các món đặc thù Lào cho dù trong thực đơn không thiếu những món ăn Pháp nổi tiếng. Sơn thì rất thích món Tằm Xụm hay gỏi đu đủ, rồi tới Khậu Lám thứ xôi nép nước dừa được ép và nướng trong ống tre sau hết là món bún nước Khao Poun theo Cao thì hương vị hơi giống món ăn Thái.

Tới Xieng Khouang là tới với vùng đất có một lịch sử tang thương và thăng trầm. Xieng Khouang sau thời chiến được khách du lịch biết tới vì di tích lịch sử Cánh Đồng Chum nhưng đây cũng là nơi mang dấu vết tàn phá khủng khiếp nhất trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Các nhà báo Tây Phương đã mệnh danh nơi đây là “Trận Armageddon của Đông Phương”. Sơn thì rất thuộc Kinh Thánh, nhớ ngay tới trận đánh được nhắc tới trong Khải Thư: “And he gathered them together into a place called in Hebrew tongue Armageddon”- Revelation ch.16,v.16.

Thong Hai Hin là tên Lào của Cánh Đồng Chum nhưng được biết tới nhiều hơn với tên Pháp Plaine de Jarres (PDJ) là vùng đất cao nguyên diện tích khoảng 1000 km2 cao trung bình trên 1000m cách thị trấn tân lập Phonsavanh khoảng 10km hướng đông nam. Như tên gọi đó là một cảnh quan kỳ lạ với còn sót lại hàng trăm những chiếc chum đá trống không rải rác trên khắp cánh đồng. Xuống xa hơn nữa về phía nam khoảng 40km, qua khỏi Muong Khoune là hai khu nữa, mỗi khu còn khoảng 70 tới 80 chiếc chum khác. Các chum cao từ 1 tới 2.5m, đường kính khoảng 1m và nặng ghê gớm. Nguồn gốc và công dụng của những cái chum ấy vẫn là những câu hỏi “nhức đầu” đối với các nhà khảo cổ học và chưa dứt khoát có lời giải đáp. Theo giai thoại của người dân Xieng Khouang thì vua Khoon Chuong từ phía nam Trung Hoa và đoàn quân của ông đã ăn mừng chiến thắng quân Chao Angka và họ đã tạo những chiếc chum khổng lồ ấy để cất rượu lau-lao một thứ rượu gạo cung cấp cho các bữa tiệc liên hoan. Một giả thiết khác không kém hấp dẫn thì đó chỉ là những chiếc chum đá đựng di cốt người chết có từ 2000 năm trước (trước xa lịch sử lập quốc của nước Lào) và tùy theo thang bậc xã hội chum lớn được dành cho quý tộc và chum nhỏ dành cho dân thường. Bảo vệ cho thuyết này là một khu hầm đá gần đó được khai thác với đá làm chum và hang là nơi đặt giàn thiêu xác với lỗ thông hơi trổ ra phía trên. Nhưng giả thiết này cũng không đứng vững vì chất liệu đá làm chum lại không cùng loại đá tìm thấy trong hầm đá, nên lại có thêm ý kiến nữa cho rằng chum được làm từ một nơi khác và được vận chuyển tới đây. Nhưng làm thế nào để có thể đưa hàng mấy trăm chiếc chum mỗi chiếc nặng bằng ba chiếc xe tải nhỏ ấy khi chưa có các phương tiện giao thông lại là một câu hỏi nhức đầu khác. Một vài chum khi mới được tìm thấy còn đậy nắp, bên ngoài có nét đục trạm hình nhóm vũ công mặt hướng về phía hang đá, điều lý thú là các dụng cụ bằng đồng bằng sứ tìm thấy trong các chum chứng tỏ xuất phát từ một nền văn minh khá cao nhưng lại có vẻ không liên hệ gì tới các nền văn minh cổ ở vùng Đông Nam Á.

Cánh Đồng Chum ngày nay đã có nhiều thay đổi, số chum ngày một ít đi do bị đánh cắp và một số khác được trực thăng vận đưa về Viện Bảo Tàng Cách Mạng ở thủ đô Vạn Tượng. Nhưng sự thay đổi khủng khiếp nhất trên cảnh quan của Cánh Đồng Chum vẫn là chằng chịt những hố bom do các trận ném bom trải thảm_ carpet bombing từ các đoàn phi cơ B52 kéo dài trong suốt 5 năm giữa cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam mà Lào là nạn nhân của một cuộc chiến “bí mật” chưa hề có tuyên chiến. Và như một hiện tượng kỳ lạ là dưới những trận mưa bom ấy thì các chum đá vẫn cứ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn là những vật chứng bền bỉ trong suốt 2000 năm của những rạng đông và hoàng hôn của các nền văn minh dọc theo hai bên bờ con sông Mekong. Nhìn sâu vào lòng những chiếc chum đầy rêu phong thời gian ấy chỉ thấy những “black holes” với vang vọng của những cơn địa chấn bom đạn xen lẫn với tiếng sóng gào tiếng gió hú cuồng nộ thổi tới từ con sông Mekong.

Nhìn trên bản đồ, nếu Louang Prabang và Vạn Tượng là cạnh đáy của một tam giác thì Xieng Khouang là đỉnh hướng về phía đông sát với biên giới Việt Nam ngang với tỉnh Nghệ An. Trên diện tích nhỏ hẹp ấy PDJ lại là chiến trường khốc liệt của nhiều phía: một bên là quân đội Hoàng gia Lào và những người Hmong_ hay Mèo với tướng Vang Pao được hỗ trợ bởi CIA, còn một bên là Pathet Lào nhưng chủ yếu là quân Cộng Sản Bắc Việt trong quyết tâm bảo vệ sườn phía Tây của Việt Nam và con Đường Mòn Hồ Chí Minh vô Nam.

PDJ là một địa điểm chiến lược quan trọng nên luôn luôn bị tranh giành và đổi chủ: trong tay quân Hoàng Gia hay đúng hơn quân du kích Hmong vào mùa Khô và bị Pathet Lào hay đúng hơn cộng sản Bắc Việt chiếm lại trong mùa Mưa.

Trong khi chiến sự Việt Nam mỗi tối đều xuất hiện trên màn ảnh nhỏ trong phòng khách mỗi gia đình trên nước Mỹ thì một cuộc chiến khác ngay cạnh đó trên đất Lào lại hoàn toàn bị dấu nhẹm và lãng quên.

Long Tieng với 20-Alternate là nơi đặt bộ chỉ huy của CIA sát Cánh Đồng Chum, cái tên “alternate” tự nó có nghĩa là không quan trọng, chỉ nhằm đánh lạc hướng tò mò của báo giới. Phi trường 20-Alternate không có trên bản đồ ấy nhưng lại là nơi tấp nập các chuyến bay lên xuống gần như mỗi phút khiến nhà báo James Parker cho rằng số phi vụ ở đó nhiều hơn cả ở phi trường O’Hare Chicago.

Trong khi đó Sầm Nứa ngay phía bắc Cánh Đồng Chum trong các hang động kiên cố là nơi đặt bộ chỉ huy của “đồng chí” lãnh tụ Pathet Lào Kaysone Phomvihane, người nói tiếng Việt sõi hơn cả tiếng Lào và cũng là nơi đặt bộ tham mưu của quân Cộng Sản Bắc Việt.

Qua rào – Over the fence. Ravens là bí danh để gọi nhóm chuyên viên chống du kích người Mỹ ở Lào được CIA- SGU (Special Guerrila Units) huấn luyện nhằm ngăn chặn xâm nhập của quân Cộng Sản Bắc Việt vào Cánh Đồng Chum và dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh. Các phi công Mỹ đều mang vỏ bọc dân sự của hãng Air America, máy bay cũng dân sự loại STOL (Short Takeoff and Landing) với đặc điểm có thể đáp và cất cánh trên một phi đạo thô sơ hết sức ngắn chừng hơn 30m và cả ngòng ngoèo thích hợp với địa hình núi non.

Trong khoảng 10 năm (1966-75) Ravens tham dự một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt tổn thất nhân mạng rất cao. Để bù lại họ được đối xử đặc biệt như những lính đánh thuê, sinh hoạt tự do ngay trong cách ăn mặc kể cả với áo pollo quần Jean và nón cowboy, giờ giấc cũng tùy nghi có thể bay cả ngày lẫn đêm nếu còn sức, có khi hơn 200 giờ bay mỗi tháng, lương rất cao từ 50 tới 100 ngàn chưa kể tiền phụ trội. Bất kể gốc gác ra sao, tất cả đều phải mang một căn cước mới như là nhân viên dân sự phục vụ cho cơ quan USAID. Bộ não điều khiển cuộc chiến tranh bí mất ấy là từ một khu nhà trong căn cứ không quân Udon Thani bên Thái. Từ phi trường bên đông bắc Thái Lan bay vào không phận Lào chỉ với một tín hiệu “qua rào”, và địa danh Lào không bao giờ được nhắc tới.

Tàn khốc không phải chỉ trên trận địa nhưng còn từ trên không: mỗi khi quân Hoàng gia Lào hay quân Hmong của tướng Vang Pao bị thua thì không lực Mỹ được kêu tới “blow them all to hell” oanh kích và ném bom không chút thương tiếc, nhằm hư vô hóa hy vọng chiến thắng của địch quân.

Vào giữa tháng 2 năm 1970, tổng thống Nixon lần đầu tiên ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Không Quân Chiến Lược Mỹ – American Strategic Air Command sử dụng B52 thả bom trải thảm trên PDJ, mỗi chiếc pháo đài bay có khả năng thả hàng trăm trái bom 500 kí Anh từ cao độ trên 10 ngàn mét không nghe tiếng phi cơ chỉ có những cơn địa chấn do những trận mưa bom. Cuối cuộc chiến tranh đã có khoảng hơn nửa triệu tấn bom trút xuống chỉ riêng vùng Cánh Đồng Chum, chưa kể tới số bom đạn dư thừa từ những phi vụ oanh kích Bắc Việt trở về được trút xuống như vùng oanh kích tự do để được an toàn đáp xuống các phi trường bên đông bắc Thái. Còn phải kể tới hàng chục ngàn trái bom CBU – Cluster Bomb Units thả xuống Xieng Khouang vào những năm 60 và 70. Mỗi trái bom mẹ CBU ấy chứa khoảng 150 trái bom con mà người Lào Việt gọi là “bom bi” giống như loại mìn chống cá nhân; sau chiến tranh vẫn còn nằm khuất lấp đâu đó trong lùm cây bụi cỏ chỉ chờ có bàn chân người đạp lên sẽ nổ tung, vẫn còn gây chết chóc và què cụt cho các trẻ em và những người thường dân Lào vô tội.

Và rõ ràng khi mà khi mà quân Keo Đèng tức là quân Việt Cộng sẵn sàng chấp nhận bất cứ giá tổn thất nào thì những cơn địa chấn bom đạn en masse ấy đã không ngăn được xâm nhập của bảy sư đoàn quân Bắc Việt và cũng đã không cắt được con Đường Mòn Hồ Chí Minh ngày đêm vận chuyển người và vũ khí vô Nam Việt Nam.

Không phải chỉ có riêng tỉnh Xieng Khouang mà cả nước Lào đã có khoảng hơn 600 ngàn người tỵ nạn – chiếm một phần tư dân số, chủ yếu là các sắc tộc thiểu số Hmong, Lisu, Khmu, Akha và Yao đã phải rời bỏ làng mạc để trốn chạy các cuộc giao tranh. Tình cảnh của họ giống hệt như những người Thượng trên cao nguyên Trung phần Việt Nam: ở lại trong vùng cộng sản kiểm soát họ bị coi như địch, sẽ bị không quân Hoàng Gia Lào hay đúng hơn không quân Mỹ ném bom oanh kích tàn sát, nếu chưa chết vì bom đạn thì họ cũng bị bắt cưỡng bách làm dân công vận tải lương thực vũ khí trên Đường Mòn Hồ Chí Minh và mùa màng nếu có được thì cũng bị xung công.

Đang quen sống trên núi non cao, những người dân bộ lạc này được đưa xuống tạm cư trên các vùng đất thấp tương đối còn an ninh như dọc bên bờ sông Mae Nam Khong_ tên gọi Lào Thái của con sông Mekong, hay bên bờ các phụ lưu khác. Vô phương tới bằng đường bộ, nguồn tiếp tế duy nhất là các bao gạo được thả xuống từ trên không. Đối với đám trẻ Mèo thì coi đó “là gạo từ trên trời rớt xuống”.

Cánh Đồng Chum qua những bức không ảnh giữa những năm chiến tranh là một no-man’s-land với địa hình lỗ rỗ như trên mặt nguyệt cầu. Vẫn còn những chiếc chum đá nằm kế bên chằng chịt những hố bom rộng tới 15m sâu tới 7m, cảnh trí thì trơ trụi; nhưng ngày nay thì cảnh vật trở lại màu xanh, người ta muốn vội vã biến nơi đây thành một tụ điểm du lịch để thu hút đôla từ túi du khách.

Trên đường đi, Cao đã kể lại cho Sơn nghe kinh nghiệm cảm động trong chuyến về thăm Việt Nam 20 năm sau ngày xa cách. Theo quốc lộ 14 qua Đồng Xoài, nơi đã từng xảy ra trận chiến khốc liệt mở màn cho cuộc chiến tranh Việt Nam lan rộng sau đó. Vẫn địa danh đó, trên chiến trường đó nhưng cảnh trí thì đã trở lại màu xanh và trong một ngôi trường tiểu học nghèo nàn mang tên Đồng Xoài một cô giáo trẻ vẫn một tay ẵm con nhỏ còn tay kia thì cầm phấn đứng trước tấm bảng đen dạy học. Xúc cảm đến tụt hẫng về một vẻ đẹp quê hương nghèo tới nẫu lòng và cũng để thấy cái vô nghĩa của một cuộc nội chiến. Cao khép lại cảm tưởng bằng một câu trích dẫn của Goethe: “Mọi lý thuyết đều màu xám, duy có cây đời vẫn mãi xanh tươi”.

Cuộc chiến tranh đã lụi tàn nhưng đất đai và cả con người Lào đã phải mang đầy những vết sẹo hằn. Nounhasone, cô gái 19 tuổi ấy hẳn phải là một thiếu nữ Lào xinh đẹp nếu cô không bị mất bàn chân và hư một mắt trái khi đạp phải bom bi, cùng một lúc giết chết người anh trai và hai đứa bạn nhỏ khác năm cô ta vừa tròn 8 tuổi. Các hố bom B52 thì quá lớn và cùng khắp nếu không được dùng như hồ nuôi cá thì cũng là những ao tù làm ổ sinh sản thêm muỗi giết người với các căn bệnh sốt xuất huyết và sốt rét ác tính.

Như từ bao giờ, người Lào bản chất “xừ xừ” hiền hòa chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Tiểu Thừa như một quốc giáo nên họ đã thản nhiên chấp nhận tai ương kể cả cái chết do chính con người gây ra như an bài của số phận và cả với tấm lòng từ bi độ lượng. Họ luôn luôn tự an ủi “Bò pền nhắng, phỏ khoam xúc ma chạc chày – Không sao cả, hạnh phúc đến tự tâm.”

Mãi cho tới giữa thập niên 80 không phải chánh phủ Mỹ mà là một Nhóm Cố vấn Mìn Anh tới giúp khai quang vùng đất có những trái bom đầu đạn chưa nổ, ưu tiên cho các khu gần trường học nhà thương và ruộng đồng. Điều khó khăn là do “cuộc chiến tranh được coi là bí mật” nên đã chẳng hề có được những hồ sơ về nơi chốn và các loại bom đã thả. Khi mà người Mỹ đã rút chân ra khỏi chiến trường Việt Nam thì họ hoàn toàn rửa tay, tự cho là không có trách nhiệm gì với những tai ương mà họ đã và còn đang tiếp tục gây ra cho người dân Lào. Cũng may còn vài nhóm nhỏ người Mỹ thuộc giáo phái Quakers từ Philadelphia và Tin Lành Mennonite từ Pennsylvania theo tiếng gọi của lương tâm tình nguyện sang giúp người Lào xây dựng lại mấy ngôi làng đổ nát, giúp thu nhặt và phá hủy một số bom bi và cả tặng những nông cụ thô sơ để họ có thể trở lại tự túc canh tác.

Là một đất nước giàu có nhất, một siêu cường nguyên tử mạnh nhất hành tinh, tự cho quyền lãnh đạo thế giới, hành động kiêu căng chuyên quyết và cũng lại rất thiếu lương tâm trách nhiệm; trong khi đã có hơn 100 quốc gia đồng thuận ký kết cấm sản xuất các loại mìn chống cá nhân chỉ gây què quặt tàn tật cho đám thường dân vô tội thì nước Mỹ không chịu đặt bút ký và chọn đứng ngoài. Mỹ chỉ muốn cấm đoán người khác nhưng lại muốn giữ cho mình tất cả. Lúc nào cũng sẵn sàng dùng hỏa tiễn tầm xa giáng lên đầu các nước khác “cho họ một bài học” dĩ nhiên chỉ với những quốc gia không có khả năng trả đũa. Rõ ràng chỉ có lý lẽ của kẻ mạnh. Hiển nhiên đó chẳng phải là thứ văn hóa hòa bình chuẩn bị cho nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới thứ 3.

Một nhà báo Mỹ 20 năm sau trở lại thăm Cánh Đồng Chum đã phát biểu giọng trịch thượng và châm biếm cay độc: “Tổn thất vì bom đạn chưa nổ đâu có thấm gì khi mà dân Lào thì vẫn cứ chết nhiều hơn do bệnh sốt rét ác tính và trẻ con thì chết vì suy dinh dưỡng.” Cái giá của mỗi sinh mạng đã rất khác nhau do tùy nơi mà người ta được sinh ra.

PDJ do ở trên cao độ hơn 1000m, mùa Đông từ tháng Chạp tới tháng Ba rất lạnh. Trước chiến tranh trong thời thuộc địa Pháp, Xieng Khouang có những đồn điền trà và cà phê của các nhà trồng tỉa người Pháp. Trên các vùng đồi núi chung quanh cao hơn thì người Hmong trồng cây thuốc phiện để hút giải trí và còn là món hàng trao đổi rất có giá với người miền xuôi. Cho dù có chính sách khuyến khích người thiểu số bỏ du canh chuyển sang định cư nhưng thất bại vì chẳng có nguồn lợi tức nào khác hơn có thể nuôi sống họ.

Thị trấn cũ Xieng Khouang trong quá khứ với nhiều ngôi chùa đẹp đẽ đã bị xóa đi trong cuộc chiến tranh nay được xây dựng lại tạm bợ mang một tên mới là Muong Khoune với dân cư thưa thớt. Thị trấn mới của tỉnh Xieng Khouang bây giờ là Phonsavanh. Cho dù chỉ mới được hình thành vội vã từ giữa những năm 70 với 25 ngàn dân nhưng các hãng hàng không và du lịch thì vẫn muốn gọi đó là thị trấn Xieng Khouang để quyến rũ du khách.

Tổng số dân tỉnh Xieng Khouang khoảng 200 ngàn với các nhóm sắc tộc chính chủ yếu là Hmong, Lào và một số ít người Khmu. Xieng Khouang là một tỉnh được coi là nghèo nhất trong một nước Lào đã được xếp trong 10 quốc gia nghèo nhất thế giới.

Phonsavanh thì chẳng có gì là hấp dẫn ngoài ngôi chợ lúc nào cũng đông người với lưa thưa vài món thổ sản nhưng lại tràn ngập các món hàng rẻ tiền nhập lậu từ Trung Quốc. Nơi đây còn có một Bệnh Viện Hữu Nghị với các toán bác sĩ và y tá không phải Mỹ mà đến từ vùng Trung Á, Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ chỉ giàu lòng nhưng cũng còn nghèo nàn và cũng chỉ là một nước đang phát triển. Đối với du khách thì Phonsavan là địa điểm xuất phát để có thể đi thăm Cánh Đồng Chum phía nam và những làng Hmong, Khmu ở phía đông bắc sát biên giới Việt Nam.

Trước khi tiếp xúc với người Tây Phương, giữa Việt Nam và Xiêm La_ Thái Lan luôn luôn có tranh chấp để giành vùng ảnh hưởng. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), quân Xiêm La đánh chiếm xứ Vạn Tượng, vua nước Lào là A Nỗ cầu cứu triều đình Huế. Vua Minh Mạng sai thống chế Phan Văn Thúy làm kinh lược biên vụ đại thần đem binh tượng sang cứu. Mất nước chưa lấy lại được, A Nỗ phải theo quân Nam về Nghệ An chờ ngày báo phục. Một năm sau A Nỗ xin cho được quan quân đưa về nước, vua Minh Mạng lại sai Phan Văn Thúy đem 3000 quân và 24 thớt voi đưa A Nỗ về Trấn Ninh. Từ Trấn Ninh A Nỗ đem quân về Vạn Tượng, đụng trận với quân Xiêm La tổn thất nặng nên lại bỏ chạy về Trấn Ninh và xin thêm viện binh. Vua Minh Mạng thấy A Nỗ không làm được gì nên không giúp và chỉ cho lệnh phòng giữ chốn biên thùy. Sau đó A Nỗ bị thủ lãnh Trấn Ninh là Chiêu Nội (người từng xin đem đất Trấn Ninh về nội thuộc Đại Nam) bắt nộp cho Xiêm La. Do sự phản nghịch này, Chiêu Nội sau đó bị bắt và xử trảm và bêu đầu ở Trấn Ninh.

Quân Xiêm La được thể cho quân sang đánh phá các châu gần Quảng Trị. Vua Minh Mạng phải sai thống chế Phạm Văn Điển dẫn ba đạo quân đi tiễu trừ đồng thời gửi thư thống trách nước Xiêm La là gây hấn. Tướng Xiêm La phúc đáp với lời lẽ hòa hiếu và chịu rút quân về nhưng bên trong thì vẫn tìm cách quấy nhiễu, phía bắc vẫn không ngừng hà hiếp Vạn Tượng, phía nam thì dung túng phe Chân Lạp chống phá lại triều đình Huế. Tới cuối năm Quý Tỵ (1833), nhân Lê Văn Khôi nổi loạn sang cầu cứu Xiêm La, lấy cớ này vua Xiêm sai 5 đạo quân thủy bộ hùng mạnh sang đánh nước Nam. Được tin cấp báo, vua Minh Mạng sai quan quân trấn giữ khắp nơi. Trương Minh Giảng đã đại phá quân Xiêm ở sông Cổ Cắng, lấy lại Hà Tiên Châu Đốc, đánh lên tới Nam Vang. Tướng Xiêm là Phi Nhã Trất Tri_ Chakri (thuộc dòng họ vua Thái Lan bây giờ) phải đem bại binh chạy về nước, thừa thắng quân Nam tiến chiếm luôn thành Phú Túc_ Pursat rồi giao cho quân Chân Lạp trấn giữ. Riêng cánh quân Xiêm tiến vào Quảng Trị Nghệ An và Trấn Ninh_ Xieng Khouang đều bị đẩy lui. Chỉ trong chưa đầy 5 tháng, đại quân Xiêm La đã bị đánh bại và quan quân giữ nguyên được bờ cõi.

Vòng Đai Mandalas. Khi nói tới các quốc gia Đông Nam Á ngày trước, người ta – nhất là người Tây Phương thường quan niệm biên giới lãnh thổ rõ ràng như trên bản đồ hiện nay. Chỉ mới cách đây hơn 130 năm, khi Doudart De Lagrée / Francis Garnier cầm đầu đoàn thám hiểm Pháp ngược dòng sông Mekong thì chính họ cũng không biết dòng chảy con sông ấy ra sao và bắt nguồn từ đâu. Họ đã đi qua các vương quốc qua những bộ lạc tự trị với các lãnh chúa đầy quyền uy khác nhau. Và chỉ trong hai năm (1866-68) của cuộc hành trình ngắn ngủi vừa hào hùng vừa bi thảm ấy, riêng Francis Garnier đã vẽ bản đồ của hơn ba ngàn dặm lãnh thổ, tuy có đó nhưng chưa hề được thế giới bên ngoài biết đến. Điều ấy chứng tỏ biên giới chỉ mới rõ ràng từ cuối thế kỷ 19 hay đúng hơn là đầu thế kỷ 20 khi thực dân Anh Pháp bắt đầu đô hộ các nước Đông Nam Á và đường lằn biên giới trên các tấm bản đồ ấy là để phân ranh vùng ảnh hưởng và chia chác nguồn tài nguyên.

Đồng ý hay không thì vẫn có một số người cho rằng chưa hề thực sự có một quốc gia Lào cho tới khi người Pháp muốn như vậy.

Theo O.W. Wolters thì từ ngữ “mandalas” đã phản ánh đúng nhất hình thái các vương quốc Đông Nam Á. Theo từ nguyên thì mandalas là hệ thống biểu tượng vũ trụ quan của Ấn Độ Giáo gồm những vòng đồng tâm trong đó chứa đựng ảnh tượng của các vị tiên thánh; một ý nghĩa khác theo hệ thống Tâm lý học Jung thì đó là biểu tượng cố gắng để tái thống nhất bản ngã.

Sự hình thành mỗi vương quốc cũng vậy, bắt đầu bằng một bộ lạc mạnh như một trung tâm quyền lực với vòng đai ảnh hưởng lan rộng bao trùm các bộ lạc yếu kém hơn bắt khuất phục phải chịu sát nhập và thống nhất với mình. Nhưng cũng tùy theo sự thịnh suy của vương triều ấy mà vùng ảnh hưởng có thể lớn nhỏ khác nhau và đường biên giới hay đúng hơn “vòng đai quyền lực” ấy cũng co rãn giống như vòng rào kẽm gai – concertina-like fashion, nói theo ngôn từ của Wolters. Các vùng đất với ranh giới địa dư không bao giờ cố định, phản ánh hoàn cảnh chính trị của mỗi giai đoạn, luôn luôn bất ổn do các bộ lạc bị chinh phục lúc nào cũng tìm cơ hội tách ra và lập một vương quốc mới cho riêng mình. Do đó đã có không phải một mà những xứ Lào những xứ Chân Lạp với các lãnh địa khác nhau.

Điển hình như bộ lạc sắc tộc Khmu, tổ tiên họ là nhóm người tới Lào định cư sớm nhất nhưng sau đó bị các đám di dân khác cũng từ miền nam Trung Hoa tới sau tức là người Lào Lum bây giờ, hùng mạnh hơn khuất phục và trải qua nhiều thế kỷ bị các vua Lào bắt làm nô lệ, tổ tiên người Khmu còn để lại những vần thơ rất bi ai:

“Cây còi cỗi nhất trong rừng

Vẫn tươi tốt hơn người nô lệ Khmu

Măng tre đắng nhất trong rừng

Cũng ít đắng cay hơn người nô lệ Khmu.”

Vương quốc Lào – Lan Xang xứ triệu thớt voi được hình thành từ giữa thế kỷ 14. Xieng Khouang được vua Fa Ngoum sát nhập vào nước Lào hùng mạnh trong thời kỳ này. Lan Xang bao gồm 69 sắc tộc gồm ba nhóm chính: Lao Lum sống dưới đồng bằng chiếm đa số (phải kể tới số người Lao Lum 5 lần đông hơn sống bên kia bờ sông Mekong nay thuộc vùng đông bắc Thái do quyết định oan nghiệt của người Pháp cắt đất Lào cho Xiêm La năm 1907), thứ đến là Lao Theung sống trên cao nguyên và cuối cùng Lao Soung sống trên vùng núi non gồm những bộ lạc rải rác. Lan Xang vững mạnh được khoảng hơn 300 năm. Trong giai đoạn này sử đã ghi lại những cuộc giao hiếu cưới gả giữa các vua chúa Lào với công chúa Việt; như đời vua Lê Thần Tông (1649-1662) đã gả công chúa cho vua Lào Souligna Vongsa tức Vua Mặt Trời được kể là vị vua hiền và tài trí vì trong hơn 60 năm trị vì được coi là thời kỳ hoàng kim của vương quốc Lào với vòng đai ảnh hưởng phía bắc lan rộng tới tỉnh Vân Nam Trung Hoa, phía tây gồm vùng cao nguyên Isan đông bắc Thái Lan và ra xa tới tận bang Shan của Miến Điện, phía đông nam gồm một số vùng thuộc Việt Nam và Cam Bốt. Chính vị vua này đã ký kết với Việt Nam việc phân định dân số và biên giới giữa hai nước một cách đầy tượng trưng và hữu nghị như sau: “nơi nào người ở nhà sàn ăn xôi nếp bốc tay là thuộc Lào , nơi nào có người ở nhà trệt ăn cơm tẻ cầm đũa là thuộc Việt Nam ”.

Nhưng sau khi vị vua tài ba này mất đi không có nối dõi thì nước Lào bị suy yếu luôn luôn có loạn lạc tranh đất giành dân và chia cắt làm ba xứ: Louang Prabang, Vạn Tượng và Champassak. Cũng kể từ đó nước Lào bắt đầu bị các quốc gia lân bang mạnh hơn lấn cõi và đồng thời trở thành trái độn cho các cuộc tranh chấp giữa các nước lớn Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.

Và cũng theo mô hình “vòng đai quyền lực mandalas” ấy khi thì Xiêm La khi Việt Nam thu hút các xứ Lào vào vòng đai ảnh hưởng.

Cuối cùng để khỏi bị một cổ hai tròng, để không còn bị Xiêm La xâm lấn, lần lượt các vua xứ Lào và cả các xứ Chân Lạp trước sau xin được nội thuộc vào triều đình Huế khiến lãnh thổ Việt Nam đời Minh Mạng rộng lớn hơn bao giờ hết: với tây nam thêm một phần đất Chân Lạp với Trấn Tây Thành, tây bắc là phần lãnh thổ nước Lào với các đất Sầm Nứa, Trấn Ninh (Xieng Khouang bây giờ), Cam Môn và Savanakhet đều thuộc về Đại Nam cả.

Theo hiệp định Genève 1954 thì Lào là một quốc gia trung lập. Để tránh tiếng vi phạm cộng sản Bắc Việt luôn luôn phủ nhận sự hiện hữu của quân đội và con Đường Mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào nhưng vẫn không ngừng mở rộng và kéo dài xa lộ chiến lược ấy để chuyển quân và vũ khí vào Nam Việt Nam.

Trước tình thế lưỡng nan đó, tổng thống Kennedy đã phải quyết định tung vào Lào những toán lính Mũ Xanh – Green Beret và CIA để mở ra một trận chiến bí mật ngay trên lãnh thổ Lào để chống lại sự tràn ngập của quân Cộng Sản Bắc Việt đồng thời để bảo vệ những căn cứ Lima là những đài kiểm thính radar bí mật trên vùng rừng núi trong lãnh thổ nước Lào với chức năng vô cùng quan trọng là hướng dẫn máy bay oanh tạc Bắc Việt và đồng thời ngăn ngừa máy bay Mỹ có thể vi phạm không phận Trung Quốc.

Được thỏa thuận ngầm của ông Hoàng trung lập Souvanna Phouma, CIA đã xử dụng hãng hàng không thương mại Air America để chuyển người và vũ khí từ Thái Lan vào Lào và dĩ nhiên cả chở thuốc phiện từ Lào ra. Các cấp chỉ huy CIA có toàn quyền hành xử như những lãnh chúa. Apocalypse Now – Cơn Hồng Thủy Bây Giờ của đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola là cuốn phim hiện thực cực tả được tính vô nghĩa của tàn bạo và cả tính hỗn loạn của cuộc chiến tranh ấy. Tài tử Marlon Brando trong vai viên đại tá Kurtz chính là một nhân viên CIA có thật ngoài đời với biệt danh Tony Poe, ban đầu chỉ là sĩ quan phụ tá cho tướng Vang Pao nhưng sau đó thì tách ra tự tuyển mộ các sắc dân bộ lạc và điều khiển một cuộc chiến tranh riêng theo ý mình trên vùng bắc Lào và đã từng “treo thưởng một đôla cho bất cứ ai đem về nộp cặp tai sẻo từ một tên lính cộng sản”.

Christopher Robbins trong cuốn sách The Ravens (1987) cũng đã nhận xét: “Rõ ràng có một cuộc chiến tranh khác tệ hại hơn cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng lại bị dấu nhẹm và giới am tường tình hình thì chỉ đơn giản gọi đó là [một tuồng hát khác_ the other theater], và người Mỹ nào tình nguyện cho chuyến công vụ ấy thì chẳng có ngả ra và bỗng nhiên như bị mất hút khỏi mặt đất này.”

Ngoài việc huấn luyện và trang bị vũ khí cho 9000 lính Hoàng gia Lào nhưng mũi nhọn chính của Mỹ là lực lượng Mike Forces (Mobile Strikes Forces) với 30 ngàn lính du kích Hmong dưới quyền chỉ huy của viên tướng người Mèo Vang Pao. Tên tuổi Vang Pao được nhắc tới như một huyền thoại trong cuộc chiến tranh bí mật ở Lào. Người Hmong thì tuyệt đối thần phục và nghe theo ông. Giới chức quân sự Mỹ am hiểu tình hình thì cho rằng Vang Pao là “một trong số rất ít tướng lãnh mà chúng ta có được trong cả vùng Đông Nam Á”. Rằng ông ta có thể đoán được ý nghĩ của địch quân và cả gài bẫy để điều động họ sa vào một trận địa theo ý mình. Do vũ khí thì thô sơ, lực lượng tướng Vang Pao chỉ có khả năng “hit-and-run” nghĩa là chiến thuật đánh rồi chạy và đã từng làm điêu đứng Bắc quân. Nhưng khi cuộc chiến trở thành quy ước thì lực lượng Hmong của tướng Vang Pao phải chịu những tổn thất nặng nề. Các căn cứ Lima lần lượt bị quân cộng sản Bắc Việt tràn ngập.

Tiếng là cuộc chiến của nước Lào nhưng đội quân Hoàng Gia Lào thì lại quá hiếu hòa chẳng hề muốn cầm súng đánh nhau nên chỉ có người Hmong luôn luôn ở tuyến đầu và hứng chịu mọi tổn thất. Đang giữa cuộc chiến mà đã có tới hơn 100 ngàn người Hmong chết vì bom đạn thảm sát cả vì đói khát và bệnh tật nữa. Chết nhiều quá thiếu tay súng người Mỹ không ngần ngại tuyển cả những bé trai 12-13 tuổi với cây súng carbine cao gần bằng người. Đám lính càng ngày càng trẻ hơn ấy chưa biết sợ là gì nên cứ xông tới như những con thiêu thân chết như rạ và được cố vấn Mỹ cảm phục đánh giá là “dũng cảm”. Phụ nữ Hmong thật khó khăn kiếm cho ra một tấm chồng, có chồng rồi thì cũng rất mau trở thành góa phụ.

Cũng dối trá giống như Hà Nội, Hoa Thịnh Đốn không ngừng tuyên bố là không hề có một lực lượng quân sự Mỹ nào trên đất Lào. Chiến sự Lào vẫn diễn ra nhưng vẫn để một khoảng trống không trên các trang báo Mỹ, khiến ông Hoàng Phouma phải gọi đó là “một cuộc chiến tranh bị lãng quên”. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk lại còn đưa ra hình ảnh ví von bệnh hoạn “Lào như thứ mụt cóc trên con heo Việt Nam_ a wart on the hog of Vietnam”. Nước Lào Trung Lập đã bị hai bên sử dụng “như một đấu trường” khiến ký giả Bernard Fall tác giả “Street without Joy” phải đưa ra nhận xét: “nước Lào đã không được coi là một thực thể địa dư, chủng tộc hay xã hội mà thuần chỉ là một tiện nghi chánh trị – merely a political convenience”.

Và khi mà giới lãnh đạo Hoa Thịnh Đốn không còn tin vào thuyết Dominos nữa, Nixon đã sang được Bắc Kinh bắt tay Mao Trạch Đông (1972) và dự dạ yến cung đình với hơn 80 món cao lương mỹ vị đồng thời đã ngầm thỏa thuận đổi nền độc lập của Đài Loan để được Trung Quốc nương tay không can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì Mỹ dễ dàng bỏ rơi cho các đồng minh “Tiền Đồn Đông Nam Á” của họ lần lượt sụp đổ cũng theo “thuyết Dominos nhưng kiểu Mỹ”: Việt Nam, Cam Bốt rồi tới Lào. Mỹ cũng bỏ rơi luôn những người Hmong đồng minh sống chết và tuyệt đối trung thành trên những “Núi đồi Bi thảm – Tragic Mountains” mặc cho số phận họ ra sao; đó cũng là tựa đề cuốn sách của Jane Hamilton-Merrit nhằm báo động với thế giới về tấn thảm kịch hiện nay của người Hmong trước nguy cơ “ethnic cleansing – tẩy sạch chủng tộc” không thua gì ở Bosnia nhưng lại không được ai biết đến. Chung quy bởi vì cuộc chiến ở Lào là bí mật nên đã không được đả động tới. Với những chiến sĩ Hmong đã từng sát cánh với người Mỹ họ chỉ có một đường sống là thoát sang Thái Lan nhưng lại bị con sông Mekong cách trở với luôn luôn có tàu vũ trang tuần thám bắn chết bất cứ ai muốn vượt qua. Sống sót qua được Thái Lan rồi, nhưng trước sự thờ ơ của đồng minh Hoa Kỳ, Bangkok đang có kế hoạch cưỡng bức hồi hương những người Hmong này trở về Lào, giao vào tay kẻ thù không đội trời chung của họ với chính sách rõ ràng là “diệt sạch – Wipe Out” bọn phản động Hmong tay sai đế quốc Mỹ.

Trong khi đó thì lãnh tụ của họ tướng Vang Pao đang sống vất vưởng ở Mỹ, lập mặt trận kháng chiến ma, rao bán công khố phiếu bắt người Hmong và cả người Lào “đóng hụi chết” cho giấc mơ phục quốc và nội vụ đang bị FBI điều tra.

Khi nói về cách đối xử của Mỹ với những người đồng minh Hmong ở Lào, thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan thuộc bang Nữu Ước đã mỉa mai nhận định: “Làm kẻ thù của Mỹ chẳng vui gì nhưng làm bạn của Mỹ thì có thể thác”.

Cách đối xử của Mỹ đối với những người Thượng ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam không không khác gì.

Sirik Matak phó thủ tướng Cam Bốt người đóng vai trò then chốt trong cuộc đảo chánh 1970, một đồng minh thân thiết của Hoa Thịnh Đốn, trong lá thư tuyệt mệnh gửi cho đại sứ Mỹ ông viết: “…Tôi không tưởng tượng được rằng một nước lớn như Hoa Kỳ mà lại có lúc đang tâm bỏ rơi một dân tộc chọn tự do. Riêng tôi chỉ phạm lỗi lầm là đã đặt tin tưởng vào người Mỹ các ông…” Sirik Matak cùng với Long Boret đã quyết định không chịu bỏ chạy hèn nhát, cả hai đã bị Khmer Đỏ hành quyết ở Olympic Stadium trong thủ đô Nam Vang.

Và hiện tại vẫn là những “Lessons Unlearned” không phải không có những người Việt bên trong cũng như bên ngoài còn nuôi tin tưởng rằng bước vào thế kỷ 21 sẽ lại có những người bạn Đồng Minh Mỹ bảo vệ họ chống lại với Cường Địch từ Phương Bắc.

Comments are closed.