Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 6)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG X

EL NINO VÀ RẮN THẦN NAGA TRÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng

Dòng sông dài dữ dội bản trường ca

Nguyên Sa

Nơi rồng thiêng đáp xuống. Từ trên trời cao Tây Tạng, nơi rồng thiêng đáp xuống con sông Mekong hoang dã khởi nguồn và bắt đầu cuộc hành trình xuôi dòng, con sông vốn dũng mãnh luôn luôn đúng hẹn hàng năm không bao giờ thiếu những cơn lũ chết người. Nhưng với hơn sáu mươi triệu dân cư sống suốt dọc hai bên bờ con sông có chiều dài hơn bốn ngàn cây số ấy cho dù chọn Rồng Thiêng thay Rắn Thần Naga – thì những con vật linh ấy bấy lâu vẫn ngậm cả khối nước sông Mekong trong mùa lũ và phun ra trong mùa khô khiến nông dân không bị lụt và quanh năm bốn mùa có đủ nước để gieo trồng.

Cũng vì vậy mà hàng năm luôn luôn có những ngày hội lễ truyền thống đầy thanh âm và màu sắc để ăn mừng các Mùa Nước Giựt Mùa Nước Nổi, để vinh danh và cả cầu nguyện con sông thiêng thôi cơn cuồng nộ luôn luôn giúp họ được mùa tôm cá dưới sông và lúa gạo trên khắp ruộng đồng.

Ngày Hội Đua Ghe Mừng Mùa Nước Nổi

Trên Đồng Bằng Sông Cửu Long, họ là nhóm người Khmer tới sớm men xuôi theo dòng sông Mekong chiếm cứ đất Phù Nam vào thế kỷ thứ 7, ban đầu sống rất thưa thớt trong các phum mỗi nơi chỉ có năm mười mái lá. Sau đó họ sống tập trung vào những giồng cao hợp thành những sóc lớn để cùng hợp sức khẩn hoang canh tác. Để rồi mười thế kỷ sau, Vương Quốc Phù Nam cũ lại đổi chủ, Thủy Chân Lạp lại bị Việt Nam xâm chiếm và nay vẫn còn lại khoảng 900 ngàn người Việt gốc Khmer sống ở vùng tây bắc châu thổ. Họ sống khá biệt lập trong những nhà sàn mái gồi đơn sơ tụ tập chung quanh một ngôi Chùa Miên thếp vàng nguy nga với mái cong đỏ.

Cũng bao năm rồi, từ hai bên bờ con sông Mekong từ Cam Bốt xuống tới đồng bằng châu thổ, nơi mỗi ngôi chùa bên trong các Sóc Miên đều có một chiếc ghe ngo được cất giữ trên cao với đôi mắt rắn thần Naga được chạm nổi hai bên mũi ghe trông dữ dằn như lúc nào cũng sắp chực bung mình phóng xuống dòng nước. Đức Phật và rắn thần Naga là hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo hình dân gian Khmer. Tương truyền rằng khi đức Thích Ca đang ngồi tịnh tâm giữa rừng bên bờ hồ, gặp rắn Naga rất linh hiển vốn là hiện thân của thần ác, vậy mà đức Thích Ca đã cảm hóa được rắn thần. Gặp hôm đó là ngày mưa to gió lớn, rắn Naga cuộn tròn mình bảy vòng và đầu ngẩng cao ngậm hết gió mưa để làm thân che cho Đức Phật. Từ đó về sau người Khmer tìm cho được những thân cây gỗ sao dài đục làm Ghe Ngo_ biểu tượng cho rắn thần Naga và hàng năm người Khmer sống nơi Đồng Bằng Châu Thổ Cửu Long có tục lệ đua Ghe Ngo để mừng Mùa Nước Nổi…

Tới Mùa Rước Nước, ghe được đem xuống sơn phết và vẽ lại cho thật sắc hai con mắt rắn thần trước khi đưa tới bến sông mà đua với ghe của các chùa khác.

Trước đó nhà sư đọc kinh làm phép cho Ghe Ngo. Trước mũi ghe có đặt một mâm quả với nải chuối rượu và nhang cúng rắn thần để cầu cho thắng giải. Sáu mươi bốn trai tráng lực lưỡng trong làng được chọn, mỗi người tay cầm một cây dầm lần lượt bước xuống ghe sắp thành hàng hai, chiếc ghe khẳm tưởng chừng như muốn chìm. Người điều khiển ngồi phía mũi ghe gõ nhịp trên một chiếc cồng nhỏ phát ra những âm thanh thúc giục rộn rã. Phải chờ ghe ra tới giữa dòng, cùng một lúc cả 64 mái dầm mới bắt đầu vung lên nhịp nhàng khoát nước bắn ra hai bên trắng xóa. Chiếc ghe nổi dềnh lên nhẹ tênh và dũng mãnh lướt tới như rắn thần lướt bay trên mặt nước.

Trên một Ghe Ngo khác, bày ra một cảnh tượng ngộ nghĩnh lạ mắt – chỉ có trong thời kỳ Đổi Mới: các tay chèo đầu đội mũ lưỡi trai vàng, đồng phục quần xanh áo T-shirt ba màu có in hình Con Sò quảng cáo xăng dầu cho Công Ty Shell.

Nơi bến chợ, Cao như bị thất lạc trong đám đông người chen lấn hò reo, lẫn với mùi thức ăn có cả mùi rượu mùi mồ hôi người và cả rất nhiều bụi bặm. Phải chăng đó cũng là một thứ mùi vị khác của con sông Mekong?

Những đổi thay chánh trị và xã hội gần đây cũng làm thay đổi luôn cả những tập tục của cư dân hai bên bờ sông Mekong tưởng như thiêng liêng đã có trước đó cả nhiều thế kỷ. Những điều mất mát ấy được các nhà nhân chủng mĩ miều mệnh danh là “thích nghi văn hóa – acculturation.” Đua Ghe Ngo không còn thuần túy là ngày hội đón Mùa Nước Nổi mà đã trở thành trò mua vui trong trong những dịp lễ lạc như ngày Quatorze Juillet thời Pháp thuộc rồi tới những ngày gọi là Quốc Khánh luôn luôn đổi thay của các chánh quyền Miền Nam sau này…

Năm nay cũng là lần đầu tiên Ghe Ngo của chùa nhà bị thua, lại thua cả chiếc ghe bảo trợ bởi công ty dầu khí Shell. Đám mấy chục thanh niên thì buồn ra mặt, họ đưa ghe ngo về chùa rồi cùng nhau tụ lại uống rượu giải sầu, say quá thì nằm lăn ra ngủ ngay trên bãi. Riêng với nhà sư thì vẫn an nhiên tự tại, chuyện được thua không khiến ông mất đi nụ cười. Trong chùa có cả nước Coca Cola đóng chai, nhưng nhà sư sai chú tiểu Thạch Sary đi lấy nước thốt nốt tươi để mời khách. Gốc ngưới Bắc, chỉ quen với vị ngọt của đường mía, chưa lần nào Cao được thưởng thức nước mật tươi của cây thốt nốt. Theo chân chú tiểu ra khu vườn sau tới bên một gốc cây thốt nốt giống cây dừa nhưng cao hơn mọc thẳng đứng khó trèo nên phải dùng một thang leo buộc vào thân cây.

Thạch Sary đang là một sinh viên khoa học Đại Học Cần Thơ, chú chỉ vào chùa tu một tháng trong năm theo tục lệ của người Khmer, chú nói:

— Trồng ngoài 30 năm thốt nốt mới bắt đầu trổ buồng kết trái. Khi trái còn non trong mo người ta đã dùng nan tre kẹp lại cho tới khi chín mềm mới cắt chót buồng rồi gắn vào một ống tre để hứng mật, mỗi buồng có thể rỉ rả cho mật tới cả tháng nhưng mỗi lần hứng mật là một lần phải cắt thêm vào chót buồng.

Cao hỏi chú về cây thốt nốt đực kế bên, chú giảng tiếp:

— Cây thốt nốt đực không kết trái nhưng vẫn trổ buồng đâm bông và cũng cho nước mật. Ngoài cách uống tươi, nước thốt nốt còn dùng làm đường, khoảng bảy lít nước thốt nốt thì cất ra một kí đường được đúc thành tán. Ở Vĩnh Bình, Châu Đốc người ta có nấu đường thốt nốt. Đậu xanh xát nấu chè với đường thốt nốt không những thơm ngon hơn đường mía mà còn rất mát.

Chú tiểu Thạch Sary đã cho Cao, một kỹ sư môi sinh một bài học thực vật sinh động tại chỗ. Chú đem xuống từ buồng cây một ống tre hứng đầy nước mật thốt nốt. Chú giảng tiếp, mật thốt nốt ngọt trong và thơm hơn nếu lấy qua đêm.

Như mới sực nhớ ra, chú bổ túc thêm:

— À mà tôi quên chưa nói tới công dụng của lá thốt nốt. Theo cổ tục trẻ em vào chùa học chữ Khmer được viết trên lá thốt nốt. Trong một số Chùa Khmer ngày nay còn giữ được những bản văn gọi là Satra viết trên lá thốt nốt…

Tối hôm đó lần đầu tiên trong đời Cao được thưởng thức món ăn quốc túy của người Khmer là thả cốm dẹp vào trong mật thốt nốt, một kết hợp tuyệt diệu như tặng dữ tinh khiết của con sông Mekong.

Cao không được biết mối thâm giao giữa ông Khắc như một nhà báo kỳ cựu với vị Sư Cả đã có trong bao lâu, nhưng qua giới thiệu của ông Khắc ngay lần gặp đầu tiên Cao đã được nhà sư đối xử trong sự chân tình. Vị Sư Cả còn có tên gọi là Chao Athica, được bầu lên để cai quản Chùa trông việc hành đạo. Vị Sư Cả này không chỉ phải tu hành lâu năm, đạo đức cao trọng mà còn phải có học thức uyên bác nữa. Nhà sư tốt nghiệp từ một Viện Phật Học bên Cam Bốt – dĩ nhiên ra rất giỏi tiếng Phạn, ngoài tiếng Khmer tiếng Việt ông còn nói thông thạo tiếng Pháp và còn đang học thêm tiếng Anh.

Nhà sư nói:

— 95% người Khmer theo đạo Phật Tiểu Thừa hay còn gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada chịu ít nhiều ảnh hưởng Bà La Môn.

Như đoán được câu hỏi thắc mắc của Cao, bằng một giọng thanh thản không đượm vẻ hài hước, nhà sư tiếp:

— Chắc anh muốn hỏi 5% còn lại chứ gì? Họ là giới sư sãi tăng lữ như chúng tôi. Theo truyền thống chùa còn là một trường học nên không chùa nào mà không có Sãi Giáo chuyên dạy học cho các em…

Và cũng đêm đó, hòa trong tiếng nước ròng của con sông Mekong, Cao đã được vị sư già giảng cho nghe ý nghĩa sự tích những ngày hội lễ của dân tộc Khmer.

Lễ Vào Năm Mới, Ngày Hội Rước Đầu Lâu

Người Khmer ăn Tết Chôl Chnam Thmây khoảng giữa tháng 4 tính theo lịch thiên văn của họ với ngày giờ thay đổi mỗi năm. Hội lễ Tết được tổ chức trong chùa với lễ rước Đầu Vị Thần Bốn Mặt, ảnh hưởng thần thoại Bà La Môn.

Tương truyền rằng thuở Indra tạo ra Trời Đất, có một vị vua cùng hoàng hậu sanh được một hoàng tử tên là Thommbal vô cùng thông minh. Mới lên bảy mà hoàng tử đã thông thuộc mọi bộ sách thiên văn và kinh điển. Hoàng tử đem điều hiểu biết truyền bá khắp dân gian. Dân chúng vô cùng ngưỡng mộ và tôn vinh hoàng tử là nhà hiền triết tí hon. Danh tiếng hoàng tử bay tới tận thiên đình khiến cho vị thần bốn mặt Kabinh Mahaprum rất ganh tức. Thần bay xuống trần gian gặp hoàng tử mà nói rằng:

— Nghe đồn hoàng tử vô cùng thông thái nhưng ta chưa tin. Ta chỉ hỏi hoàng tử ba câu và cho hẹn trong bảy ngày phải có lời giải đáp. Nếu đáp trúng ta sẽ cắt đầu ta trước mặt hoàng tử còn nếu không hoàng tử phải dâng đầu cho ta. Ba câu hỏi đó là cái duyên con người ở đâu vào buổi sáng, vào buổi trưa, vào buổi tối?

Hỏi xong thần bay ngay về trời. Tuy được tôn vinh là nhà hiền triết thông thái nhưng suốt năm ngày khổ công suy nghĩ từ sáng tới trưa từ trưa tới tối mà vẫn không sao tìm ra lời giải đáp. Sợ hãi bị mất đầu sang ngày thứ sáu hoàng tử trốn khỏi hoàng cung chạy sâu vào trong rừng từ sáng sớm cho đến giữa trưa, thân mệt chân mỏi bụng đói hoàng tử phải tựa mình vào một thân cây nghỉ mệt. Bỗng lúc đó hoàng tử nghe được từ trên ngọn cây cuộc nói chuyện của cặp thần ưng tên là Sat Angry. Chim mái hỏi: Ngày mai mình sẽ ăn ở đâu? Chim đực đáp: Chắc chúng ta sẽ ăn thịt hoàng tử vì mai là ngày hẹn của thần Kabinh Mahaprum, hoàng tử sẽ bị chặt đầu vì thần đố ba câu mà hoàng tử không đáp được. Chim mái ngạc nhiên hỏi: Ba câu hỏi ấy ra sao mà người thông thái như hoàng tử không đáp được, ông có biết không? Chim đực đáp: Thần chỉ hỏi buổi sáng trưa tối cái duyên con người ở đâu. Có gì khó đâu mà không biết. Này nhá buổi sáng cái duyên ở mặt nên khi thức dậy người ra rửa mặt cho sạch, buổi trưa cái duyên ở ngực nên người ta xuống sông tắm mát, còn buổi tối cái duyên ở chân nên người ta mới rửa chân trước khi đi ngủ.

Nghe được như vậy hoàng tử vô cùng mừng rỡ vội vã trở về kinh đô. Sang ngày thứ bảy đúng hẹn thần Kabinh Mahaprum cầm gươm vàng bay xuống. Hoàng tử quỳ lạy thần và trả lời đúng cả ba câu hỏi. Thần thua cuộc, cho gọi bảy Tiên Nữ là con gái của Thần tới và căn dặn:

— Cha đã thua trí hoàng tử, cha phải tự cắt đầu theo lời hứa. Các con hãy đem đầu cha để trong một ngôi tháp và không cho một ai được đụng đến vì nếu để đầu ta trên mặt đất thì đất khô cứng. bỏ xuống biển thì biển cạn khô, quăng lên trời thì trời sẽ hết mưa.

Nói xong thần rút gươm vàng tự chặt đầu rồi cầm trao cho người con gái lớn là Tungsa xong biến thân thành luồng khói xanh bay vút lên trời cao. Tungsa đặt đầu cha trong trên cái mâm vàng rồi đưa vào một ngôi tháp trong khu rừng yên tĩnh trên đỉnh cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Từ đó về sau, mỗi năm một lần đúng vào ngày thần Kabinh Mahaprum tự sát, bảy cô gái xuống trần luân phiên vào tháp bưng đầu vị thần bốn mặt đi theo hướng mặt trời mọc đến núi Meru được coi là trục của ta bà thế giới. Đi xong ba vòng chân núi, Tiên nữ lại đem đầu của cha cất vào trong tháp.

Cứ như vậy cả ngàn năm sau, ngày lễ rước đầu lâu thần bốn mặt Kabinh Mahaprum được kể là ngày “Vào Năm Mới” và người Khmer tin rằng tùy theo tánh tình của mỗi vị Tiên Nữ mà sẽ có một năm hạnh phúc vui buồn ra sao. Và họ cũng tin rằng đây là dịp để mọi người tẩy sạch những bợn nhơ năm cũ để bước vào một năm mới vui tươi hơn năm qua. Trong suốt 4 ngày đầu năm họ chuẩn bị và kiêng cử kỹ lưỡng. Dọn dẹp nhà cửa, đốt nến sáng suốt đêm, thắp nhang thơm, trưng bày hoa tươi, giữ hòa khí để suốt năm gặp được điều lành.

Tuy là thần thoại nhưng cái cảnh chặt đầu và rước đầu lâu để đón mừng năm mới vẫn gợi cho Cao một cảm giác thật ghê rợn. Rồi tới chuyện Thạch Sanh chém đầu trăn – mà sau này anh được biết gốc là cổ tích Khmer. Người ta nói rằng ngày nào không được nghe chuyện Thạch Sanh chém đầu trăn thì ngày hôm ấy người Khmer ăn cơm không ngon…

Cao tự hỏi những cổ tích và thần thoại máu me đầy giết chóc ấy có liên hệ gì tới bản năng hung dữ thích chém giết của những người Khmer có bề ngoài thường ngày vốn hiền lành và đôn hậu hay không? Những vụ “cáp duồn – chặt đầu” đám người Việt rồi thả trôi trên con sông Mekong luôn luôn xảy ra có phải do ngẫu nhiên hay không? Cao muốn nêu điều thắc mắc đó với ông Khắc ở lần gặp sắp tới. Và ông Khắc cũng sẽ là người đầu tiên được Cao thông báo sự phát hiện của anh về tính biểu tượng của huyền thoại Rồng Thiêng hay Rắn Thần Naga và những khu rừng mưa dọc theo hai bên bờ con sông Mekong.

Tin từ Việt Nam: Hạn hán và ngập mặn khắp nơi đang đe dọa Đồng Bằng Sông Cửu Long. Và cháy Rừng ở Cà Mau.

Năm nay lượng mưa giảm gió to nắng gắt, mực nước sông xuống thấp hơn nửa mét. Chưa qua nỗi khổ cơn bão Linda, bây giờ người dân Cà Mau lại phải chịu cái nắng cháy da. Nước trong các đê bao rừng tràm U Minh Thượng U Minh Hạ đã xuống ở mức thấp nhất. Cà Mau chỉ còn 60 ngàn hecta rừng tràm đang thiếu nước lại thêm cành lá gãy đổ sau cơn bão khiến cháy rừng lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào; trong khi hàng ngàn dân nghèo vẫn không ngưng vào rừng ăn ong, chặt cây tràm và cả đốt đồng để kiếm sống cho dù đã có lệnh cấm.

Cao có cảm tưởng bây giờ thì như chuyện thời thượng – trăm dâu đổ đầu tằm, cái gì cũng đổ cho hiện tượng El Nino là xong. Các chuyên gia khí tượng thủy văn trong nước và cả quốc tế, họ họp ở Singapore, Bangkok dự báo El Nino chưa qua cực điểm, rằng lượng nước mưa còn ít hơn trong vòng hai tháng tới, rằng sẽ có hạn hán trong vùng Đông Nam Á dĩ nhiên trong đó có Việt Nam. Điều rõ ràng là mùa mưa đã dứt sớm hơn so với mọi năm, tiếp theo là nắng hạn khắp vùng Nam Bộ_ và mực nước các nhánh Sông Cửu Long xuống tới mức thấp nhất, tình huống này đã tạo ra một hậu quả dây chuyền làm cho ít nhất 10 ngàn hecta lúa tỉnh Long An bị nhiễm mặn, hơn 6 trăm hecta lúa tỉnh Tiền Giang bị đỏ phèn. Do thiếu nước khiến nước mặn tràn vào sớm hơn; như Sóc Trang vành đai mặn lấn sâu vào hơn mấy chục cây số tràn cả vào các huyện xưa nay vốn là vùng ngọt. Nhiều ao hồ chứa nước ngọt cũng cạn kiệt, dân phải mua nước bằng giá gấp đôi…

Riêng Cao là một kỹ sư môi sinh, anh đã đọc bản tin ấy với cảm xúc và cái nhìn rất khác. Trong bức tranh lớn và toàn cảnh vùng Đông Nam Á, Cao nghĩ rằng El Nino hay hiện tượng gì đi nữa thì vẫn con sông Mekong ấy luôn luôn là nguồn nước chính của Đồng Bằng Châu Thổ.

Những năm gần đây do ảnh hưởng nạn phá rừng tự sát –suicidal deforestation, của các quốc gia trên thượng nguồn: của người Hoa ở Vân Nam, của người Lào người Khmer ở vùng Hạ Lưu Sông Mekong với hai đồng lõa dấu mặt là Thái Lan và Việt Nam, khiến cho người dân Việt nơi đồng bằng châu thổ khốn khổ: tới mùa mưa lũ đổ về sớm hơn, nhanh hơn lại lớn hơn khiến nhà nông trở tay không kịp gây tổn hại nặng mùa màng và cả về nhân mạng. Và tiếp đến mùa khô không còn những khu rừng mưa như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước nên hậu quả là hạn hán. Xa hơn nữa rừng mưa còn có khả năng hấp thu thán khí của bầu khí quyển và chống lại hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Câu chuyện Rắn Thần Naga sau khi được Đức Phật cảm hóa đã giúp cư dân sống hai bên bờ con sông Mekong bằng cách ngậm cả khối nước lũ của con sông trong mùa mưa giúp họ tránh lụt rồi nhả nước ra trong mùa hạn để họ có đủ nước cấy cầy và gieo trồng. Khi đi tìm ý nghĩa của thần thoại, Cao chợt nhận ra rằng hiện thân của rồng thiêng hay Rắn Thần Naga chính những khu rừng mưa – rainforest, rừng lũ – flooded forest, đang bị chính những con người vô ơn hãm hại.

Tin Reuters gửi đi từ Nam Vang, “Nhóm Môi Sinh Anh – Global Witness tố cáo các nhà lãnh đạo chánh trị quân sự Việt Nam đã dính líu đến vụ đốn rừng lậu đại quy mô, đe dọa hủy hoại các khu rừng cấm của Cam Bốt. Những cây gỗ quý bị đốn bừa bãi ấy được đưa qua ngả Gia Lai, Sông Bé để chuyển xuống cảng Quy Nhơn hay Sài Gòn trước khi xuất cảng.” Bản tin ấy viết tiếp, “Một vụ làm ăn buôn bán lớn lao như thế, bất chấp luật pháp phải là kết quả của sự tham ô và đồng lõa ở cấp chánh quyền cao nhất của hai nước…” Cao cũng biết rằng một tình huống không kém tệ hại cũng đang diễn ra trong các khu rừng mưa trên đất nước Lào.

Đồng lõa phá rừng mưa, ký những hợp đồng bất bình đẳng cho ngoại quốc thiết lập các nhà máy đổ ra những chất độc phế thải, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đang trực tiếp “tự gây ra một thảm họa môi sinh – self-inflicted ecological disaster,” với hậu quả lâu dài không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà trên khắp ngả sông rạch và nguồn nước của cả nước.

Made in China. Từ Nữu Ước tới California, từ Thái Lan qua Lào Cam Bốt sang đến Việt Nam – xuống tới mũi Cà Mau, đi tới đâu Cao cũng thấy tràn ngập các món hàng Trung Hoa. Có bao nhiêu trong số những món hàng ấy xuất phát từ những khu chế xuất tỉnh Vân Nam dọc hai bờ con sông Mekong? Con sông vốn trinh nguyên trong suốt cả ngàn năm ấy, đang có những đổi thay thật mau chóng. Với 28 khu hầm mỏ đang được triệt để khai thác nơi thượng nguồn con sông Mekong, trong đó có cả những mỏ chì, mỏ kẽm là nguồn gây ô nhiễm nặng nề nhất.

Các khúc sông nơi hạ nguồn không chỉ nhất thời thêm lắm phù sa do nạn phá rừng đất lở mà còn đầy những rác rến và cả những mảng dầu đen do từ các nhà máy trút xuống và cứ thế mà tự do xuôi dòng.

Trong chuyến thăm Trung Hoa thời mở cửa, Cao đã phải chứng kiến hai con Sông Hoàng và Sông Dương Tử ô nhiễm ra sao. Khiến một người bạn cùng chuyến đi đã nói ra một câu mà Cao rất tâm đắc. Một Trung Hoa với Hiện Tại không đuổi kịp được Quá Khứ.

Khi mà chính người Trung Quốc đã không quan tâm gì tới sự tinh khiết của những dòng sông chảy dài trên suốt lãnh thổ Hoa Lục thì kể gì tới khúc sông Mekong chảy ra ngoài lãnh thổ của họ phía dưới hạ nguồn.

Khởi nguồn từ một vùng cao tuyết giá mười lăm ngàn bộ trên cao nguyên Tây Tạng với cuộc hành trình diệu vợi hơn bốn ngàn cây số băng qua bao nhiêu vùng khí hậu và dân cư soi bóng bao nhiêu nền văn minh, xuống xa tới vùng nhiệt đới xích đạo là đồng bằng châu thổ để rồi – Cao tự hỏi, không lẽ những Rồng Thiêng Zjiadujiawangzha biến thành thuồng luồng và Rắn Thần Naga hóa thân thành đàn rắn độc. Con sông Mekong đang mất đi sự tinh khiết, đang đổi thay toàn diện khiến không phải chỉ có những nét đặc thù văn hóa sắc tộc đang mai một mà từng bước rất chậm nhưng cũng rất chắc, chính con người đang tự đầu độc nguồn nước từ con sông thiêng, từng ngày mỗi ngụm nước sông sẽ bớt ngọt hơn và khó uống hơn.

Những cơn đau thắt ngực. Đã tới lúc người nông dân Nam Bộ bắt đầu cảm thấy tác động của những con đập từ xa, tưởng như rất xa. Chỉ riêng Trung Hoa với Man Wan là đập đầu tiên trong chín đập bậc thềm đã chiếm tới 20% nguồn nước trên dòng chính con sông Mekong. Rồi với những con đập phụ bên Thái và Lào cũng đã chiếm thêm 10% nguồn nước. Chưa tính đến chuyện Trung Quốc Thái Lan đổi dòng lấy nước sông Mekong dẫn tưới cho các vùng cao nguyên bao la quanh năm khô hạn của họ. Cho dù chưa có mấy con đập Pamong Cao ở Lào, Sambor và Stung Treng ở Cam Bốt – dự trù chiếm thêm 20% lưu lượng nước nữa và rõ ràng ngay từ bây giờ đã có những cơn đau thắt ngực – angina pectoris nơi đồng bằng châu thổ vì sự khô cạn của các phụ lưu – tributaries, như những mạch phụ collaterals. Từ lưu lượng 40 ngàn mét khối giây mùa lũ xuống chỉ còn 2 ngàn mét khôi giây mùa khô 20 lần thấp hơn, nay còn thấp hơn nữa do hiện tượng El Nino. Làm sao mà Đồng Bằng Cửu Long không bị nạn hạn hán?

Đến với Nhóm Bạn Cửu Long. Như một đam mê không mỏi mệt khi tìm đến với con sông Mekong, Cao không biết mình đã khởi hành từ đâu đi xa tới đâu nhưng biết chắc rằng sẽ chẳng bao giờ có điểm kết thúc.

Với Cao, sinh đẻ ở Bắc lớn lên từ trong Nam, quê hương thứ hai của anh bây giờ là cả một dòng sông – không phải con Sông Hồng mà là con sông Mekong và con sông ấy luôn luôn như một sợi chỉ đỏ nối kết tương lai hiện tại với cả quá khứ hoang sơ của thời khai thiên lập địa khi chưa có rặng Hy Mã lạp Sơn, chưa có Cao nguyên Tây Tạng và chưa có cả giọt nước đầu tiên cho con sông Mekong.

Giữa cái khoảng vô thủy vô chung ấy, Cao đang là một hạt bụi đi tìm về cội nguồn: của lịch sử địa chất với những địa tầng Việt Nam từ các vùng đất nền cổ, các vùng kết tầng tam điệp và các lớp phù sa mới ở đồng bằng Bắc Phần, chuỗi đồng bằng Trung Phần và phần lớn đồng bằng Nam Phần.

Cũng trong khoảng thời gian hàng triệu năm ấy, Việt Nam cũng đã chịu sức địa động hình phay xảy ra liên tiếp qua nhiều thời kỳ chồng chất lên nhau với hiện tượng tạo phay và uốn nếp làm thay đổi hình dạng lục địa để tạo nên địa thế phức tạp của Việt Nam ngày nay.

Từ lịch sử địa chất ấy đã khai sinh ra những rặng núi hùng vĩ từ trung tâm lục địa Á Châu chạy dài xuống bán đảo Đông Dương tạo nên một địa hình ba miền rất đặc biệt.

Từ Trung Hoa đổ vào Bắc Việt Nam là dãy núi hình nan quạt cao trung bình trên 2 ngàn mét cùng với hai con Sông Hồng và Sông Thái Bình tạo nên vùng tam giác châu.

Qua tới miền Trung phía tả ngạn con sông Mekong là dải Trường Sơn trùng điệp ngăn vùng duyên hải thành những thung lũng hẹp.

Đến Miền Nam dãy Trường Sơn như lặn xuống để chỉ còn chỏm núi lẻ loi Bà Đen ở Tây Ninh; riêng rặng Thất sơn ở Châu Đốc, núi Ba Thê núi Sập ở Long Xuyên là phần cuối của rặng Đậu Khấu – Cardamoms nổi bật trên một vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bát ngát chỉ mới được tạo hình từ đáy biển từ Nguyên Đại Đệ Tam.

Tới bờ vịnh Thái Lan, những vách đá nhô ra biển là phần cao nguyên bị sụt xuống nay còn sót lại. Còn nhiều đảo nhỏ cũng là phần của rặng núi Đậu Khấu từ phía tây Cam Bốt. Phú Quốc là hòn đảo có núi cao như núi Bãi Dội núi Chùa, rồi tới hòn Phú Dự hòn Nân, quần đảo Hải Tặc, xa nhất là quần đảo Thổ Châu.

Lãnh hải và các đảo trong vịnh Thái Lan luôn luôn đã là nguyên nhân tranh chấp có khi đẫm máu giữa Việt Nam và Cam Bốt. Năm 1957, Cam Bốt tự ý nới rộng hải phận tới 6 hải lý bao gồm luôn cả đảo Phú Quốc. Năm 1958 phái đoàn thường trực Cam Bốt ở Liên Hiệp Quốc đã phổ biến cuốn bạch thư khẳng định “Nam Phần Việt Nam là Lãnh thổ của Cam Bốt” đòi thu hồi các tỉnh Nam Phần, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Châu sát nhập trở lại vào Cam Bốt.

Trên dải đất định mệnh hình chữ S, chỉ riêng khúc từ Đèo Ngang trở vào, đã mang trong nó quá khứ của hai quốc gia hoàn toàn bị xóa tên. Một nước Lâm Ấp còn có tên Champa bị Việt Nam từng bước xâm lấn và cuối cùng tiêu diệt vào đầu thế kỷ 19 (1832). Một nước Phù Nam với nền văn minh Óc Eo bao gồm Tây Nam Phần và Tây Nam Cam Bốt bị Đế Quốc Angkor Khmer tiêu diệt vào thế kỷ thứ 7, lập nên xứ Thủy Chân Lạp, để rồi mười thế kỷ sau đó, Việt Nam xâm chiếm Thủy Chân Lạp và mở mang thành vùng đất Nam Bộ ngày nay.

Bao nhiêu nước mắt và máu me trong suốt cả ngàn năm ấy tính ra thì cũng chưa là một cái chớp mắt trong cái hỗn mang của trời và đất ấy.

Tìm về thời gian đã mất, một Vương Quốc Phù Nam tiêu vong. Việt Nam có sự tích Trăm Trứng Trăm Con, xứ Phù Nam cũng có cội nguồn từ huyền thoại.

Thuở rất xa xưa có một ông hoàng Ấn tên Kaudinya nằm mơ thấy vị thần ban cho một cây cung và khuyên đi lập nghiệp ở một vùng đất Phương Đông. Tin điềm báo mộng, sáng hôm sau Kaudinya tới đền thờ thần và quả nhiên bắt gặp một cây cung dựng bên một thân cây quý. Ông hoàng đóng thuyền vượt biển đi về hướng mặt trời mọc tới vương quốc tương lai. Khi tới Phù Nam thì tại đây đã có một bộ lạc do một nữ chúa đang trị vì. Bị đoàn chiến thuyền của nữ chúa xông ra nghênh chiến, ông đã dùng cây cung thần bắn ra những mũi tên thiêng khiến nữ chúa phải đầu hàng và sau đó còn chịu kết hôn với ông và lập nên Vương Quốc Phù Nam.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 5, Jayavarman được kể là vị vua dũng mãnh nhất của Triều Đại Kaudinya với các đội thương thuyền và cũng là những đội hải tặc hung hãn luôn luôn đánh phá các đoàn tàu buôn và các nước lân bang trong đó có Việt Nam.

Cao tự hỏi phải chăng là ngẫu nhiên hay có mối liên hệ nào đó, trong cách tống táng người dân Phù Nam cũng có tục lệ để cho chim chóc ăn thây người chết_ giống như tục điểu táng của xứ Tây Tạng nơi đầu nguồn con sông Mekong ngày nay?

Trước cả Đế Quốc Angkor Khmer, Phù Nam đã có liên hệ giao thương bằng đường biển với các quốc gia lân bang về phía bắc sang tới tận Trung Hoa. Óc Eo là một hải cảng quan trọng nằm trên thủy lộ giao thông giữa Ấn Độ và Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất, nay di tích còn lại chỉ là những nền nhà và các cổ vật chìm sâu dưới mặt đất. Di chỉ Óc Eo với cả vô số vỏ sò hến tìm thấy ở chân núi Ba Thê Long Xuyên nay đã cách xa bờ biển khiến các nhà khảo cổ cho rằng từ nhiều thế kỷ trước Óc Eo đã từng là một hải cảng do bị phù sa bồi mà nay lùi sâu vào trong đất liền.

Nếu đã có sự tích người Chăm bị mất nước do nhà vua say mê nàng công chúa người Việt thì cũng có huyền sử về một nước Phù Nam suy vi chỉ vì công chúa say mê chàng dũng sĩ đến từ vương quốc Champa. Tương truyền rằng giữa cảnh thái hòa và cực thịnh của vương quốc Phù Nam, vua Kaudinya và hoàng hậu sanh hạ được một công chúa xinh đẹp. Do vị vua gốc Ấn thờ thần Vishnou nên vua cho xây một ngôi đền ngoài hoàng cung với một cây cầu đá ngang qua ngọn suối. Nơi được coi là hết sức linh thiêng ngoài vua và vị tu sĩ ra, tuyệt đối không ai được phép bước qua cầu_ nếu phạm lời nguyền thì vương quốc Phù Nam sẽ bị tiêu diệt.

Nhưng rồi một hôm có chàng dũng sĩ Chăm tên Sarrida lái thuyền vượt biển tới được đất Phù Nam, chàng bị binh lính bắt và giải vào trình vua. Bị nghi là do thám cho vua Champa nên chàng bị tra tấn với bao nhiêu cực hình nhưng vẫn một mực kêu oan. Sarrida được hoàng hậu thương tình xin vua tha cho tội chết. Vốn là một dũng sĩ võ nghệ cao cường lại có biệt tài bắn cung nên chàng được tuyển dụng vào đội ngự lâm bảo vệ hoàng gia. Do một hôm hộ tống công chúa ra ngoài hoàng cung, chàng đã cứu sống công chúa thoát khỏi một con trăn lớn đang quấn nàng. Công chúa đem lòng yêu Sarrida. Nhưng chàng dũng sĩ Chăm thì lại quá nhớ nhà chỉ mong sao có ngày “quy cố hương.”Sarrida đóng một chiếc thuyền lấy cớ là để du ngoạn trên dòng sông nhưng thực sự là muốn dùng đường thủy để thoát thân. Biết ý đồ của Sarrida, vua truyền lệnh cho dân Phù Nam phải lăn đá núi xuống làm bảy bậc thềm ngăn ngang con sông.

Vô vọng vì chẳng còn lối về, chàng ngày đêm sống trong một túp lều nhỏ và làm một cây sáo trúc để mỗi đêm thanh vắng thổi lên những điệu nhạc Chăm bi ai áo não. Tuy vậy Sarrida cũng không ngừng dò hỏi và chàng vô cùng mừng rỡ khi biết được rằng từ ngôi đền thần Vishnu nếu băng qua cây cầu đá thiêng sẽ có một con đường bộ xuyên rừng giúp chàng trở về đất Champa. Chuẩn bị hành trang nửa đêm chàng băng mình chạy qua cầu nhưng chẳng may bị toán lính canh Phù Nam bắt lại. Được tin này, vua Kaundinya vô cùng tức giận vì cho đây là một điềm đại họa, nên bất chấp lời khóc lóc van xin của công chúa, vua truyền lệnh cho giải Sarrida lên bực đá cao giữa giòng sông và dùng cung tên xử tử chàng. Do hết lòng thương nhớ người yêu, công chúa ban đêm vẫn ra ngồi ngoài bực đá mà than khóc khiến cả dân chúng vô cùng phẫn nộ kéo tới hoàng cung để xin nhà vua phân xử. Trước điềm họa quá to lớn là vương quốc Phù Nam có thể bị tiêu tan, vua buộc lòng phải xử tử công chúa con gái mình ngay nơi bậc đá mà Sarrida từng bị thọ hình.

Ngày nay di tích Thất Thạch Thang vẫn còn đâu đó trên sông Phước Long và nơi thác Trị An còn một mỏm đá mà người ta cho rằng đó là bóng dáng nàng công chúa ngồi khóc chàng dũng sĩ Chăm.

Phù Nam đã từng là một vương quốc cường thịnh trong vùng Đông Nam Á suốt bảy thế kỷ, đã phải đương đầu với nước Champa hiếu chiến tràn xuống từ phương bắc và với Đế Quốc Angkor Khmer hùng mạnh từ phía tây. Phù Nam đã không còn, cũng không còn cả những công trình kiến trúc như di tích của các triều đại, nhưng ảnh hưởng văn hóa của họ vẫn cứ còn bàng bạc đâu đó trên các nét kiến trúc của đền đài Angkor , các chùa chiền và tượng Phật, trên cả những phong tục tập quán như thờ Rắn thần Naga của người Khmer ngày nay.

Những di dân không tới trễ. Đợt di dân Hai Huyện vào cuối thế kỷ 17 do Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy đã đặt nền móng đầu tiên cho những cộng đồng thuần Việt tới vùng đồng bằng châu thổ sau này. Sau khi hoàn tất giai đoạn chót cuộc thôn tính Vương Quốc Champa, Chưởng Cơ Cảnh là người có công đầu trong việc khai phá miền Nam trước cả Thoại Ngọc Hầu, mở đường cho việc thống lãnh đất Thủy Chân Lạp. Khi những lưu dân Việt đầu tiên khi tới vùng Đồng Bằng Châu Thổ Sông Cửu Long thì họ gặp những người Khmer đang sống trên những giồng đất cao canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ hẹp có sẵn tự bao đời. Đất đai tưởng như mênh mông nhưng các vùng khô ráo ở được thì người Khmer đã chiếm cả rồi, chỉ còn lại những khu rừng trầm thủy các vùng đất thấp ngập nước và đẫm phèn. Đám người Việt mới tới chỉ còn một chọn lựa là phải tạm cư trên bờ những vàm rạch còn hoang vu với trên bờ muỗi kêu như thổi sáo dưới nước đỉa lềnh như bánh canh chưa có bóng người. Họ bắt đầu chặt cây giết cọp bắt sấu, trị thủy lên liếp, chế ngự thiên nhiên – nói như nhà văn miệt vườn Sơn Nam, thì họ đã biến những “vùng bùn lầy không chưn thành những mặt nền vững chắc” để có đất đai canh tác. Những di dân ra đi từ vùng đất khổ quê nghèo chỉ có một giấc mơ dựng nghiệp với đôi bàn tay không. Không có trâu bò chỉ có sức người. Dụng cụ thì tự chế chỉ có cây rựa để chặt cây, cây phảng để phát cỏ. Cây chặt rồi, cỏ phát ngã xuống chỉ có việc dọn sạch rồi cấy ngay lên đó, gặp đất cứng thì dùng những cây nọc xom lỗ rồi cắm mạ. Bằng phương thức nghèo ấy họ đã canh tác được ngay trên đất phèn. Bởi vì họ biết càng cầy sâu cuốc bẫm thì chỉ có đem thêm phèn lên mặt đất và chỉ đổ hại thêm cho mùa màng. Điều mà ba thế kỷ sau, các nhà nông học Hòa Lan khi tới Việt Nam nghiên cứu cũng không đưa ra được khuyến cáo nào mới mẻ hơn là chọn chung sống với đất phèn.

Chưa có đường xá, giao thông di chuyển chủ yếu bằng xuồng giữa một mạng lưới chằng chịt sông rạch. Hành trang cá nhân là chiếc nóp dễ dàng cuộn lại mang theo thay cho cả chiếu và mùng mền. Trên bờ hay dưới ghe chỉ cần lật nóp mà chun vô là qua được một đêm lạnh lẽo nơi rừng hoang hay rạch vắng với cả dày đặc những muỗi mòng. Nấu nướng thì chỉ có chiếc cà ràng – chiếc lò đất nung thấp để vừa đặt nồi nấu cơm vừa có chỗ khươi than lùi khoai hay nướng cá, lại còn có cho khói để un muỗi nữa. Bước khởi đầu chỉ có vậy mà họ đã ngang nhiên tồn tại và phát triển, đã biến những khu rừng trầm thủy những đầm lầy hoang vu của Đồng Bằng Sông Cửu Long thành đất đai ruộng vườn trù phú như hiện nay.

Có một nền Văn Minh Sông Mekong.

Người ta nói tới nền Văn Minh Sông Nil, Văn Minh Sông Hằng và phủ nhận sự hiện hữu của một nền văn minh thuần nhất của con sông Mekong. Nhưng thế nào là thuần nhất – thực sự có riêng từng nền văn minh mà người gọi là văn minh Đông Á Cầm Đũa, Nam Á Ăn Bốc hay không? Cao thì muốn chứng minh ngược lại là trên vùng đất định mệnh ấy, dọc theo suốt chiều dài của con sông Mekong dũng mãnh chảy qua bảy quốc gia thực sự đã có dòng chảy của một nền văn minh khá thuần nhất, họ có chung một nền Văn Minh Lúa Gạo – Civilisation du Riz và đã từng có chung nụ cười thanh thoát với cả rất nhiều nước mắt của Đức Phật Thích Ca.

Comments are closed.