Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 11)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XV

CỬU LONG CẠN DÒNG BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Lý Thường Kiệt

Giữa lúc biến cố Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 đang gây xúc động sâu xa cho mọi con tim Việt Nam, Cao bắt liên lạc với Kham để hẹn gặp ở Berkeley trong buổi hội thảo “Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa”. Đang từ mối quan tâm về Đồng Bằng Sông Cửu Long với con sông Mekong_ với tám con đập bậc thềm Vân Nam Trung Hoa gây lo ngại hạn hán và hủy hoại môi sinh nơi các quốc gia hạ nguồn mà Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất và chưa biết phải ứng xử ra sao, nay Cao lại bị cuốn hút ra xa thềm lục địa với các nhóm hải đảo ngoài khơi Biển Đông.

Chuyến đi lên Thung lũng Hoa Vàng lần này sẽ giúp Cao bổ sung phần home work của anh trong cái nhìn thoáng và toàn cảnh về con sông Mekong với Biển Đông và mối liên hệ các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương đặc biệt là với nước lớn Trung Hoa và cũng là quốc gia hung hãn nhất.

Là một đại dương lớn nhất chiếm hết gần một phần ba diện tích của cả hành tinh này, tên Thái Bình Dương – Pacific Ocean do nhà thám hiểm Ferdinand Magellan đặt vào năm 1519 gốc từ chữ Tây Ban Nha “Pacifico” có nghĩa là hòa bình nhưng bước sang đầu thế kỷ 21 vùng biển hòa bình ấy rất có nguy cơ biến thành “Biển Lửa” bằng một trận “Armageddon Đông Phương”.

Hình như trong suốt dòng lịch sử, hai yếu tố vừa phá hủy vừa tạo dựng xã hội Việt Nam đó là: đối đầu với cường địch Phương Bắc và chống chỏi với khắc nghiệt của thiên nhiên. SarDesai khi nghiên cứu về Việt Nam cũng đưa ra ý kiến tương tự như vậy.

CH 15a_ Chiến Hạm Nhật Tảo Hoàng Sa

Giá trị chiến lược của Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông không phải là điều mới mẻ, rất sớm ngay từ thời Pháp thuộc, Gustave Salé trong bài “Les Iles Paracels et la securité d’Extrême-Orient”báo Avenir du Tonkin (1931) đã viết: “Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng có tính cách chiến lược của quần đảo Hoàng Sa … Cho dù trước 1816 thực sự chẳng ai biết tới, năm 1816 vua Gia Long long trọng cho dựng cờ trên đảo, việc này còn ghi rõ trong văn khố triều đình và vì thế cho dù Trung Hoa có muốn tranh giành thì chánh phủ Pháp phải lên tiếng xác định chủ quyền các đảo ấy.”

Chỉ mấy thập niên gần đây thôi, do hứa hẹn về dầu mỏ trên vùng biển quanh các quần đảo này mới là nguyên nhân tranh chấp gay gắt giữa nước lớn Trung Hoa và các nước quanh Biển Đông nhất là với Việt Nam. Hoàng Sa Trường Sa đang có nguy cơ trở thành lò thuốc súng.

Nói về dầu khí trên Biển Đông thì Cao – khi ấy là sinh viên MPC Đại học Khoa học Sài Gòn , anh còn nhớ như in là vào những năm 60, một giáo sư khoa Địa Chất đã quả quyết theo kiến thức chuyên môn của ông thì Việt Nam và Biển Đông không có dầu lửa, cho dù lúc đó đã có những tường trình sơ khởi của các đoàn thăm dò Liên Hiệp Quốc xác nhận về sự hiện hữu các túi dầu khí.

Cho tới cả đầu thập niên 70 , vẫn ông giáo sư Địa Chất ấy quả quyết là ông không tin có dầu lửa như kết quả của các cuộc thăm dò. Ông còn đưa ra hình ảnh ví von: dầu hỏa nếu có thì cũng chỉ như những hạt sương buổi mai đọng trên những ngọn cỏ lá cây ngoài đồng ruộng nên nói tới kỹ nghệ khai thác dầu ở Biển Đông là “chuyện không tưởng” vì làm sao mà thu nhặt được những giọt dầu rải rác ấy mà đem ra thị trường thương mại.

Nhưng rồi chỉ một tháng sau ngày Sài Gòn giải phóng – lúc đó Cao đã đi du học Canada, nhưng sau này nghe Điền anh của Bé Tư kể lại thì tại hội trường số 4 Duy Tân, trong một đại hội bừng bừng khí thế của Hội Trí thức Yêu nước và Tổng hội Sinh viên Giải phóng, cũng lại vẫn ông giáo sư Địa Chất khi được hỏi về tương lai Dầu khí Việt Nam, bằng một giọng giảo hoạt, ông dõng dạc tuyên bố:

— Chúng ta không những có dầu mà có rất nhiều nữa, không những ngoài Biển Đông trên thềm lục địa mà có khả năng có túi dầu khí ngay trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nữa kìa!

Khi được hỏi về ý kiến khác biệt của ông trước đây, ông giáo sư như tự kể công với cách mạng và cười nói thích thú:

— Đúng là tôi đã đưa ra nhận định đó, nhưng cần phải đặt lời tuyên bố ấy trong bối cảnh lịch sử của nó (rất giống với xã luận của báo Nhân Dân). Sở dĩ trước đây tôi nói “dzậy” là để tránh không cho Mỹ Ngụy biết mà khai thác sớm.

Rồi ông giáo sư mau mắn đưa ra ngay lời trích dẫn:

— Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” mà giữ nước là phải bảo vệ cả nguồn tài nguyên thiên nhiên không có chi quý bằng dầu khí ở thời đại công nghiệp… Ngày nay nước nhà thống nhất, thì đây chính là tin vui tôi muốn được chánh thức thông báo cho tất cả anh em và bà con.

Thêm một câu chuyện bên lề, cũng trong buổi hội thảo đầy hưng phấn ấy, một ông giáo sư tiến sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ đã phát biểu về phi thuyền Apollo như sau:

— Không làm gì có chuyện Mỹ có khả năng đưa người lên cung trăng khi mà khoa học không gian của họ còn thua Liên Xô tới hơn một thế hệ.

Mãi cho đến bây giờ Cao vẫn thấy là mình thật sự may mắn chưa có một ngày học để phải gọi hai ông giáo sư ấy là thầy và anh cũng có ý nghĩ rằng nỗi khổ không ở đâu xa không cần phải chờ tới ngày mở ra hàng ngàn những trại tù lao cải. Châu thổ phù sa sông Cửu Long không phải chỉ sản xuất toàn trái ngọt, hậu duệ của thế hệ tiên phong khai phá ấy cũng không tránh được một hai đứa con với nhiễm sắc thể suy thoái – defective gene, lại vẫn nói theo ngôn từ của bác sĩ Duy.

Để rồi sự thể ngày nay, câu chuyện Biển Đông có những túi dầu không những là hiển nhiên mà còn có dấu hiệu trữ lượng dầu khí có thể lên tới con số bảy tỷ thùng hoặc nhiều hơn nữa.

Chưa một lần gặp mặt, Cao chỉ được biết Kham khi đọc xong cuốn sách mới nhất của anh. Cao nghĩ chắc anh ta là con người đã đạt hoặc nếu không thì cũng cực kỳ khiêm tốn nên trong suốt cả cuốn sách người ta không thấy được cái tôi đáng trân trọng của anh.

Cũng vẫn lại ông Khắc nhà báo – chiếc chìa khóa nhiệm mầu mở ra mọi cánh cửa – qua bộ nhớ của ông về những Kinh Nghiệm Việt Nam, Cao mới được biết chút ít tiểu sử của Kham: anh nguyên là Hạm trưởng của một trong 4 chiến hạm cũ kỹ của Mỹ để lại từ thời Thế chiến Thứ Hai, tham dự trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974 với một hạm đội đông đảo của Trung Quốc với những phóng pháo hạm Kronstadt có trang bị hỏa tiễn tầm xa lại có cả phản lực cơ Mig 21 yểm trợ trên không. Chính anh là nhân chứng máu và nước mắt của những con tàu Việt Nam chiến đấu đơn độc trên Biển Đông, chứng kiến lòng yêu nước vô hạn ý chí quyết tử cũng như sự hy sinh dũng cảm vô bờ của các đồng đội, nhất là của thủy thủ đoàn trên con tàu Nhật Tảo ở những giờ phút cuối cùng ý chí sắt thép vẫn không chịu buông tay súng để rời con tàu đắm. Họ đã là những thủy thủ tận trung với nước mà vị quốc vong thân.

Cho dù đã bao năm rời xa con tàu xa biển nhưng trong ánh mắt Kham như còn vương vấn những áng mây hải đảo những con sóng bạc của trùng dương và trong chiều sâu đáy mắt ấy luôn luôn có ánh lửa của nhiệt tâm với cả nỗi khắc khoải khôn nguôi về tấn thảm kịch đã lùi xa đến gần một phần tư thế kỷ và chắc hẳn Kham đã không bao giờ quên.

Chuyện 25 năm trước mà vẫn như mới hôm qua, Kham và những người lính đã đánh một trận đánh hết sức mình, với nỗi uất hận của cả ngàn năm nô lệ: họ đã trút hết hỏa lực vào đầu địch, đã bắn đến viên đạn cuối cùng cho tới khi tất cả các dàn đại pháo bất khiển dụng. Họ chỉ còn chờ lệnh cho các con tàu hướng về Hoàng Sa chuẩn bị ủi lên đảo, dùng xác tàu và xác mình để làm chứng tích chủ quyền. Nếu có một lệnh như vậy, cho dù đã mang đầy thương tích – riêng con tàu của Kham đã bị nghiêng sang trái 15 độ, các chiến hạm còn lại cũng sẽ mở hết tốc lực hướng về Hoàng Sa hướng về cõi chết tất cả chuẩn bị lên cạn để phơi xác mình. Nhưng rồi cuối cùng là một lệnh khác bắt các chiến hạm phải rời bỏ Hoàng Sa đã rơi vào tay địch, bỏ lại phía sau trận địa là hộ tống hạm Nhật Tảo với hạm trưởng Ngụy Văn Thà và các thủy thủ đã cùng con tàu vùi thân dưới biển sâu, bỏ rơi luôn cả những đồng đội còn sống sót trên những chiếc phao trôi rạt giữa đại dương với ngày nắng cháy da với đêm lạnh cắt thịt trong đói và khát. Mặc cảm phạm tội luôn luôn đeo đẳng Kham cho dù chẳng ai trách cứ anh, lại còn có người choàng hoa cho anh – một vòng hoa cho người chiến bại. Kham chỉ còn một an ủi mình là một quân nhân kỷ luật, anh chỉ biết nghe theo lệnh.

Cũng lại qua ông Khắc Cao mới được biết thêm về Ngụy Văn Thà, từng mang biệt danh “người chiến thắng trên dòng nước nâu Cửu Long” khi anh còn là hạm trưởng pháo hạm HQ331 bởi vì chính ông Khắc khi còn là phóng viên chiến tranh đã từng theo Thà trong chuyến hộ tống đầy bất trắc cho các đoàn voi tiếp tế cứu nguy thủ đô Nam Vang lúc ấy đang bị Khmer Đỏ bao vây.

Sau trận chiến Hoàng Sa, bản thân Kham đã phải qua một chặng đường đau khổ. Trong nhiều tháng như vậy nếu không là những đêm dài mất ngủ thì là sự lặp lại của những cơn ác mộng khác nhau của tấn thảm kịch Hoàng Sa: cũng vẫn anh là cấp chỉ huy của con tàu ấy với thủy thủ đoàn dũng cảm ấy mà anh biết rõ từng người như đường chỉ trên bàn tay của mình… lần nào cũng vậy, còn rất xa trận địa chưa thấy địch quân chưa được nổ một phát súng thì con tàu của anh đã bị rockets tầm xa của Trung Cộng bắn chìm, tiếp theo đó là tấm thảm kịch của chính anh và những thủy thủ trong một con tàu ngập nước. Không mấy xa nơi con tàu đắm anh vẫn thấy rõ dấu hiệu HQ10 của hộ tống hạm Nhật Tảo thấy rõ cả Ngụy Văn Thà và Trí Voi hạm phó và đủ 80 thủy thủ, họ vẫn an nhiên tự tại làm nhiệm vụ tuần tiễu trên Biển Đông nước xanh, trong cơn quẫn bách Kham đưa cánh tay vẫy gọi nhưng họ không thấy anh. Trong giấc mơ đầy lửa đạn và tức tưởi ấy, thì Nhật Tảo như từ bao giờ vẫn là một con tàu vững chãi hiên ngang lừng lững và như không bao giờ có thể bị đánh chìm – unsinkable ship…

Người bác sĩ tâm thần giải thích là Kham đang mang nỗi ám ảnh thường xuyên của người đàn ông bị hoạn – castration: trên con tàu anh là cấp chỉ huy bị giải giới, trong gia đình anh đóng vai người đàn ông bất lực… Không chỉ bằng thuốc anh còn được giúp cho trở lại thăm một nơi giống như chiến trường cũ, ném xuống những vòng hoa nơi vùng biển sâu nơi con kình ngư Ngụy Văn Thà và đồng đội đã chọn ở lại. Điều trị bằng catharsis _ cách sổ ấy anh đã ra khỏi cái Hội Chứng Sau Chấn Thương – PTSD, anh tìm lại được sức mạnh tiềm tàng của bản thân, của đời sống gia đình và anh thực sự bắt đầu làm việc trở lại.

Trong suốt bấy nhiêu năm như mệnh lệnh của trái tim anh đã không ngừng thu thập những dữ kiện phong phú về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa mà anh biết rõ là đang tuột dần ra khỏi chủ quyền của Việt Nam không biết tới bao giờ. Anh ngẫu nhiên và cũng là bất đắc dĩ trở thành một học giả – thứ danh xưng quá lớn chạm tới lòng khiêm tốn mà người ta cứ gán cho anh – và anh được coi là tiếng nói có thẩm quyền về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.

Kham cũng biết rất rõ rằng một quốc gia như Việt Nam để được công nhận quyền sở hữu các đảo anh phải trưng ra được các bằng cớ: về vị trí địa dư và tính chất địa chất của đảo, lịch sử và các di tích trên đảo, tổ chức hành chánh và sắc dân chính trên đảo.

Cuốn sách của Kham được kể như bước đầu đáp ứng những yêu cầu ấy. Anh còn nuôi ao ước giới trẻ Việt Nam hải ngoại cũng như trong nước không những chỉ quan tâm mà còn dấn thân vào những cuộc nghiên cứu sâu rộng để tương lai trong các thư viện đại học lớn sẽ có những luận án Tiến sĩ về những đề tài đa dạng liên quan tới Biển Đông_ cũng giống như nỗi ao ước của Cao bấy lâu về con sông Mekong.

Giở tấm bản đồ Asia Pacific mới nhất của National Geographic Society_ một cơ sở mà trước đây Kham vẫn tin là có uy tín với tính khoa học vô tư – nhưng Kham đã không nén được sự bực bội. Khi vẽ vùng Biển Đông, cả khu vực mà họ gọi là South China Sea gần như hoàn toàn giống với ranh giới lịch sử lưỡi rồng của Trung Hoa với ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và Kham cũng đã không ngạc nhiên khi thấy cũng trên tấm bản đồ ấy cả ranh giới xứ Tây Tạng bị xóa nhòa trong cái trật tự mênh mông của lục địa nước Trung Hoa.

Rõ ràng sẽ là một sai lầm về chánh trị – politically incorrect và cả đưa tới những ngộ nhận nếu cứ xử dụng dễ dãi các bản đồ ngoại quốc với cách phân định ranh giới và các địa danh Trung Hoa như Tây Sa, Nam Sa, Nam Hải, biển Trung Hoa như hiện nay.

Bởi vì – theo nhà Trung Hoa học Từ Nguyên, như một bất hạnh lịch sử, cũng là điều bi thảm khi dân tộc Việt Nam đã bị người Tàu đô hộ cả ngàn năm đã chịu ảnh hưởng của họ sâu xa về mọi phương diện ngay cả khi lấy lại được nền tự chủ thì chữ Hán vẫn là văn tự chính thức kết quả là hầu hết các địa danh Việt Nam là những từ Hán. Lại thêm bao nhiêu sách lịch sử địa lý của tiền nhân nếu không bị chiến tranh phá hủy thì cũng bị người Tàu tịch thu đem về Trung Hoa. Phải có hùng tâm khởi sự từ bước đầu để tìm lại những tác phẩm bị thất truyền hay còn lưu trữ đâu đó trong những kho sách xưa của Trung Hoa.

Do đó Kham đã thật chí lý khi nói tới nhu cầu thiết lập một bản đồ về Biển Đông với thềm lục địa và cả xác định rõ các thành phần đâu là đảo, đá, bãi nông hay bãi ngầm với các địa danh thuần Việt. Điều ấy thì Kham đang làm. Đó sẽ là phần tài liệu pháp lý khi Việt Nam lên tiếng xác nhận chủ quyền trên biển Đông.

Là một đất nước vĩ đại với hơn một tỉ dân, vừa ra khỏi những năm tháng đắng cay nhục nhã vì bị liệt cường Tây Phương sâu xé, ngày nay Trung Hoa không những phát triển rất nhanh về kinh tế mà con gia tăng gấp bội về sức mạnh quân sự và cả tham vọng bành trướng – trở thành đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ bước vào thế kỷ 21. Bắc Kinh đã nói không úp mở Á Châu phải là khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa, và chính thức cảnh cáo Mỹ không được phép can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa giữa Hoa Lục và các quốc gia vùng Đông Nam Á. Không những thế Trung Cộng còn công khai kêu gọi sự triệt thoái toàn bộ quân đội Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương – một sự kiện chưa hề có từ trước tới nay – đồng thời Trung Quốc đã thử thành công loại hỏa tiễn tầm xa bắn tới tận Hoa Kỳ. Trường Sa không chỉ là lò thuốc súng mà xa hơn thế nữa theo phóng viên AFP việc lôi kéo Hoa Kỳ can dự vào nỗ lực đi tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp còn có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh nguyên tử. Điều mà chắc chắn Hoa Kỳ không bao giờ muốn và cũng không dám liều lĩnh nếu như chưa đụng tới quyền lợi sinh tử của Mỹ.

Tư lệnh Hải quân Trung Hoa đã từng công khai tuyên bố: để sinh tồn Trung Hoa rất cần dầu khí và ngư nghiệp của Nam Hải – cá sẽ là nguồn protein cho hơn một tỷ người Trung Hoa.

Trung Hoa đang có biểu lộ muốn dùng sức mạnh để thực hiện chánh sách bá quyền trong khu vực Đông Nam Á. Điển hình là vụ tranh giành Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong đó Việt Nam và Trung Hoa bề ngoài là hai nước anh em nhưng bên trong lại có nhiều mâu thuẫn tranh tụng nhất và cũng là một cuộc tranh chấp kiểu châu chấu đá xe hoàn toàn không cân sức.

Giữa tình thế cực đoan ấy, hiện nay lại đang manh nha một quan niệm nguy hiểm phát xuất từ chính những người Việt – không ai khác hơn là mấy ông trí thức khoa bảng ở Paris ở Bắc Mỹ như những nhà mộng du uyên bác – cho rằng “có một hiện tượng xuống cấp toàn cầu của ý niệm quốc gia dân tộc”, rồi họ nói tới “sự kết hợp lưu vực, liên minh kinh tế” hứa hẹn một không gian hoạt động lớn hơn vượt biên giới quốc gia, “trong đó bản thể dân tộc không còn một ý nghĩa quan trọng nào nữa” [sic]. Chờ đợi cho được giàu có kiểu sung rụng và chấp nhận một kết hợp kiểu chó sói và cừu thì cái cộng đồng mất bản thể ấy đương nhiên trở thành một thứ công dân hạng hai – second class citizen, không khác chi một hình thái nô lệ tự nguyện cho dù có mang danh xưng mĩ miều như Pax Sinica trong khối thịnh vượng của một nước Trung Hoa.

Tuy không còn trẻ nữa, nhưng mấy năm gần đây Kham lại bắt đầu chuyển trọng tâm nghiên cứu sang các đề tài rộng lớn về nền văn minh nước, về hải dương học và những nét văn hóa đặc thù thiên về hải dương của dân tộc Việt Nam mà theo anh khác hẳn với người Trung Hoa là giống dân lục địa với thói quen và cách suy nghĩ của những người sống trên đất liền và kiến thức của họ về biển thật ít oi.

Như một giấc mơ không thể được – impossible dream trong cuối phần cuộc đời còn lại Kham nuôi hoài bão noi gương tổ tiên trước cả các đời vua Hùng Vương thực hiện một cuộc hải hành bằng bè từ châu thổ sông Hồng băng qua đại dương tới lục địa Mỹ Châu bằng các dòng hải lưu.

Hình như Kham vẫn không ngừng tìm cho được một cơ hội lớn để được chết_ điều mà anh ân hận đã để lỡ trong trận Hoàng Sa. Phải chăng đây là phương cách chọn lựa để cuối cùng thân xác anh cũng được trở về với tịch mịch của lòng biển sâu.

CH 15b_ Hạm Trưởng Nguỵ Văn Thà Hoàng Sa

Kham được mời làm diễn giả chính trong buổi hội thảo với sinh viên ở Berkeley, và điều đáng nói là thành phần tham dự, ngoài đa số là sinh viên Việt Nam còn có cả mấy sinh viên Trung Hoa được mời tới như những quan sát viên. Cao cũng gặp lại người em là bác sĩ Duy từ Đại học Stanford qua và Bé Tư cũng mới từ Việt Nam trở ra. Với tư cách nhà điểu học – Ornithologist, cô vừa bị Nhà nước khước từ lời yêu cầu được ra Trường Sa để nghiên cứu về “Các loại chim Biển Đông – Birds of Paracel, Spratly Archipelagoes” với lý do tình hình quá nguy hiểm và cả không đủ tiện nghi cho cô.

Tuy không phải là nhà hùng biện lại có accent của người ngoại quốc nói tiếng Anh nhưng Kham có lối nói đi thẳng vào trái tim mọi người. Anh đã từng ví von một cách thơ mộng Biển Đông như cái sân trước của căn nhà Việt Nam và những hải đảo thân yêu là những cây cối ở trong vườn với những cánh hải âu ríu rít là đám chim muông.

Vì là một đề tài quá mới lạ đối với các thành phần tham dự nên cuộc hội thảo mang tính chất giải đáp thay vì tranh biện. Đến phần “Làm gì?” Kham đã động viên lớp người trẻ không phải là xung vào đội quân chí nguyện cầm súng ra trấn giữ các hải đảo mà là chuẩn bị một đội ngũ trí tuệ trong mọi lãnh vực khoa học đặc biệt là các ngành hải dương học, địa chất, môi sinh và cả về Luật Biển và Quốc tế Công pháp. Họ sẽ là những thành viên không thể thiếu trên các bàn hội nghị hay trước Tòa án Quốc tế trong tương lai. Với sự kiên nhẫn Kham tin rằng “yếu tố thời gian sẽ đứng về phía chúng ta.”

Cùng với nhiều học giả Việt Nam trong Nhóm Sử Địa, Kham đã không ngừng vận động đem ngay vấn đề Hoàng Sa Trường Sa và Biển Đông vào chương trình giáo dục ngõ hầu mọi người Việt đều có sự hiểu biết cơ bản và mối quan tâm về vùng đất, vùng biển, vùng trời của tổ quốc.

Riêng Kham đã khuyến khích đứa con trai rất xuất sắc của anh thay vì chọn học Y Khoa ở UCSF nay chuyển qua học Luật ở Stanford chuyên về Quốc tế Công pháp và Luật Hàng hải. Anh có niềm tin sắt đá là cho dù vùng biển vùng đảo đã bị Trung Cộng dùng võ lực cưỡng chiếm tới bao lâu và phải mất bao nhiêu năm đi nữa thì sớm muộn cũng “Châu về Hiệp phố”.

Với cái giá của bao nhiêu sinh mạng đồng đội, và của cả những người bạn chí thân như Thà như Trí, Kham luôn luôn khắc khoải với những câu hỏi: học được gì sau biến cố máu và nước mắt Hoàng Sa? Xa hơn nữa là học được gì qua kinh nghiệm giữ nước của tiền nhân khi mà địch có trường trận lại dùng cả kế tàm thực như tầm ăn dâu?

Am tường lịch sử, Kham hiểu rằng không còn cái dễ dàng của chín năm kháng chiến chống Pháp hay hai mươi năm chống Mỹ, một khi để mất chủ quyền vào tay Trung Hoa có nghĩa là phải chấp nhận cuộc chiến cả trăm năm với một đối thủ đầy mưu lược thâm hiểm kiểu Đông Phương lại có thêm cả biển người và chưa bao giờ có mối quan tâm về những tổn thất nhân mạng – như trong trận chiến tranh Triều Tiên và trận chiến biên giới Việt Hoa 1979 mới đây.

Đã không có sức mạnh kháng địch thì phải dùng kế sách, phải lập kế sao cho sâu rễ bền gốc. Không có hỏa tiễn tầm xa thì ta có vũ khí trí tuệ có tầm xa thời gian của “tam bách dư niện hậu” thì sớm hay muộn đất ta cũng lại trở về với tổ quốc ta.

Nhưng Kham cũng không hoàn toàn là con người viễn mơ, anh vẫn kêu gọi mọi người Việt bên trong cũng như ngoài tiết kiệm để có tiền xây dựng một lực lượng quốc phòng nhất là hải quân hùng mạnh đủ sức bảo vệ vùng biển vùng trời khi cần đến chứ đâu có bó tay nhục nhã như hiện nay để hàng ngày phải chứng kiến các hạm đội Trung Quốc nghênh ngang ra vào các vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người.

Thúc đẩy bởi lòng yêu nước nồng nàn nhưng Kham lại rất tiết chế và chừng mực. Anh chưa hề có mảy may biểu lộ tinh thần bài ngoại, theo đuổi chủ nghĩa yêu nước cực đoan bài Hoa. Mà bảo anh bài Hoa sao được khi chính bản thân anh vẫn cứ mãi yêu mến vẻ đẹp của một bài thơ Đường Đỗ Phủ hay nét thanh thoát thủy mặc của những bức tranh Hạ Khuê – Hsia Kuei đời Tống và chính anh cũng đã chấp nhận với không một định kiến cho đứa con gái út của anh chọn lấy một người chồng Trung Hoa – một nhà vật lý trẻ ở Cornell cũng là nơi con gái anh đang theo học. Ở Kham là sự dứt khoát khẳng định về quyền tự chủ trong đó có chủ quyền về lãnh thổ lãnh hải với Hoàng Sa và Trường Sa là điều bất khả tương nhượng.

Suy luận thì như vậy nhưng với cái tâm lành, Kham vẫn tin ở một trật tự toàn cầu khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới trong đó các siêu cường sẽ biết hành sử một cách có trách nhiệm chứ không thuần chỉ dựa trên sức mạnh như hiện nay. Thêm vào đó, Kham còn tin vào những nhà trí thức Trung Hoa chân chính có công tâm, khi họ hiểu được thực trạng éo le của lịch sử họ sẽ cảm thông với người Việt chúng ta và cũng để thấy rằng hạnh phúc của cả hai dân tộc Hoa Việt là sống chung hòa bình để cùng khai thác và chia xẻ hợp lý các nguồn tài nguyên trên Biển Đông cũng như trên con sông Mekong.

Chỉ bằng cuốn sách của Kham, Cao đã hiểu biết được khá rõ những vấn đề cơ bản liên quan tới Biển Đông. So với diện tích chỉ có 340 ngàn km2 nhưng Việt Nam lại có một bờ biển trải dài hơn 2500km, thoải ra là một thềm lục địa không sâu với trên 2500 hải đảo hoặc họp thành quần đảo hoặc là những hòn đảo đơn độc. Trên cái nền chưa hoàn toàn ổn định ấy thỉnh thoảng vẫn còn những xáo trộn địa chấn: điển hình là vào năm 1923, ngoài khơi Phan Rí phía nam đảo Phú Quý 22 dặm, đột nhiên xuất hiện đảo Hòn Tro cao tới 30m và cạnh đó có thêm một hòn đảo nhỏ khác – nhưng chỉ vài tháng sau cả hai đều biến mất, giả thiết rằng hai hòn đảo ấy vừa được tạo bởi dung nham và tro bụi – nên có tên Hòn Tro, do núi lửa phun lên từ đáy biển nhưng rồi sau đó bị sóng gió và các luồng hải lưu cuốn trôi đi không còn để lại dấu tích nào.

Nói về sự hình thành thềm lục địa trên Biển Đông qua các thời kỳ địa chất, phải kể tới sự góp phần của hai con sông Hồng và sông Mekong cùng phát nguyên từ nóc cao trái đất trên cao nguyên Tây Tạng chảy qua các quốc gia cuối cùng đổ ra biển Đông bằng các cửa sông Việt Nam.

Với sông Hồng, có lẽ từ mấy triệu năm trước thời địa chất Pleistocene, con sông ấy đã liên tục đổ ra biển lượng phù sa khổng lồ, góp phần tạo thành một bình nguyên biển trải dài ra tới cồn Cát Vàng hay Hoàng Sa – Paracels.

Với sông Mekong, chỉ mới chục ngàn năm trước thôi, con sông hoang dã ấy mới bắt đầu tạo hình vùng đồng bằng châu thổ từ đáy biển – khoảng từ nguyên đại đệ tam, do hợp chất pyrite có chất sắt từ trầm tích phù sa kết hợp với chất sulphur trong nước biển khiến đáy biển nhô dần lên và để rồi hàng năm vẫn được các con nước lũ đổ về bồi đắp thêm tầng tầng lớp lớp phù sa ngày một dày thêm. Con sông Mekong dũng mãnh ấy không ngừng trút ra Biển Đông một khối lượng phù sa lớn lao tạo nên một thềm lục địa với hai thung lũng biển tạo bởi dòng chảy của hai con Sông Tiền Sông Hậu trải dài hơn 400km ra tới bãi Tứ Chính thuộc quần đảo Trường Sa – Spratly’s.

Bên dưới sâu thềm lục địa ấy quanh Hoàng Sa và Trường Sa là những kết tầng thủy tra thạch nơi hình thành những túi dầu rất lớn, tạo thèm muốn nhất là với Trung Hoa.

Về phương diện địa chất, các cuộc khảo sát khoa học đã cho biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông và cũng rất xa đối với Trung Hoa.

Giả thiết mực nước biển hạ xuống tới khi bình nguyên biển trồi lên thì Hoàng Sa là một dải đất liền dính vào Việt Nam và cách biệt hẳn với Trung Hoa bằng một vùng biển sâu.

Krempf (1925) thuộc Hải Học Viện Đông Dương, khi khảo sát về đáy biển Hoàng Sa đã nhận xét rằng quần đảo này là một bình nguyên biển nối dài ra từ rặng Trường Sơn Trung Phần Việt Nam và ông đã đi tới kết luận “Về phương diện địa chất, quần đảo Hoàng Sa là thuộc Việt Nam.”

Còn với quần đảo Trường Sa, theo Vũ Hữu San nếu quan sát các đường đồng thâm – depth contour trên hải đồ người ta thấy các đảo ấy cách biệt hẳn với Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan bằng rãnh biển sâu hơn 3000m về phía bắc và đông bắc và cũng ngăn cách với Phi Luật Tân, Brunei và Mã Lai bằng Rãnh Sâu Đông Palawan – East Palawan Trough.

Trong khi chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam không những quan tâm bảo vệ mà còn rất chú ý tới các cuộc khảo sát nghiên cứu phát triển Biển Đông, thềm lục địa, các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa với Hải Học Viện Nha Trang, các Phân khoa Địa Chất và Sinh Vật của Đại Học Khoa Học Sài Gòn… Công trình Nghiên cứu NAGA được kể là quy mô nhất: trong suốt 2 năm 59-61 các nhà khoa học Việt Nam, Mỹ và Thái Lan đã khảo sát hành lang thềm lục địa dọc theo bờ biển Việt Nam qua tới vịnh Thái Lan với thu thập rất nhiều hiểu biết về địa chất, sinh vật và hải dương học của Biển Đông. Khi còn là một sĩ quan hải quân rất trẻ mới ra trường Kham đã may mắn có cơ hội được phục vụ trên con tàu NAGA đó.

Riêng tại miền Bắc, cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những không có một tiếng nói đòi chủ quyền còn tự nguyện dâng cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Bắc Kinh. Bức công hàm ngoại giao 14-09-58 gửi Trung Hoa của chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký với nội dung “tán thành bản tuyên bố ngày 04 tháng 9 năm 1958 của chánh phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.”

Mười tám năm sau báo Sài Gòn Giải phóng 05-76 vẫn tiếp tục bênh vực cho nội dung kỳ quái của bức công hàm ấy: “ Việt Nam Trung Quốc là hai nước anh em sông liền sông núi liền núi. Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn nhận lại quần đảo này Trung Quốc sẽ sẵn sàng giao lại.”

Nhưng chính người đồng chí và người thầy tín cẩn ấy 14 năm sau (14-03-1988) không những đã không trả Hoàng Sa mà còn dùng võ lực cưỡng chiếm luôn các đảo Trường Sa của người đồng chí Việt Nam anh em. Chỉ trong một trận hải chiến ngắn họ đã bắn chìm tàu hải quân Việt Nam tàn sát không nương tay ngót 100 thủy thủ Việt trên Biển Đông thuộc vùng lãnh hải Việt Nam.

Bấy giờ mới thực sự tỉnh giấc chiêm bao, trong văn kiện phổ biến 25-04-88, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã phải lấy tất cả quá khứ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam ra làm lý lẽ: “Nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 theo quy định hiệp định Geneve về Đông Dương 1954, là do chánh quyền Miền Nam tạm thời quản lý trong khi chờ đợi thống nhất. Chánh quyền Sài Gòn đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1956 từ Pháp khi họ rút khỏi Đông Dương. Từ đó cho đến năm 1975, họ đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chánh, tổ chức khảo sát và khai thác kinh tế…”

Và cũng để cứu vãn cho một sai lầm lịch sử, người cộng sản Việt Nam bào chữa : “Đúng là đã có những tuyên bố đó. Cần phải đặt các tuyên bố này đúng trong bối cảnh lịch sử của nó…Trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự lớn hơn mình rất nhiều, Việt Nam tranh thủ được Trung Quốc gắn chặt với cuộc chiến đấu của Việt Nam càng nhiều bao nhiêu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai quần đảo cũng như vùng Biển Đông chống Việt Nam thì càng tốt bấy nhiêu. Phải đứng trên tinh thần đó và trong bối cảnh đó để hiểu các tuyên bố nói trên.”

Lý luận thì như vậy, nhưng thật ra chính những người Cộng Sản Việt Nam cũng hiểu rằng trong lãnh vực quốc tế công pháp đã chẳng có một thứ “luân lý của hoàn cảnh” và đây hiển nhiên là một thất thế cho Việt Nam trên bàn hội nghị trong hiện tại và cả về tương lai.

Căn cứ theo Luật Quốc tế về Biển – Law of Sea Convention đã được 159 quốc gia ký kết ngày 10-12-82 tại Montejo Bay, Jamaica và đã được hơn 60 nước chuẩn y để trở thành luật kể từ 16-11-94 với ý nghĩa cao đẹp “Biển cả là tài sản chung của nhân loại” và các quốc gia Đông Nam Á đã ký kết đồng thuận thi hành thì chỉ riêng Trung Cộng đã cản trở bằng cách ban hành Luật Lãnh hải 1992 với lý luận rằng Biển Đông là nội hải của Trung Hoa, theo đó họ đòi hỏi tàu bè kể cả tiềm thủy đĩnh và phi cơ chuyển vận trên hải và không phận ấy phải xin phép và tuân theo luật lệ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tự cho quyền hành xử như một siêu cường độc đoán và chuyên quyết, Trung Quốc trong bước đầu “Chinh phục trái đất” nói theo chủ tịch Mao Trạch Đông, họ chủ trương khống chế toàn Biển Đông mà không cần che dấu tham vọng bành trướng ấy. Ai cũng biết Mekong là một con sông quốc tế nhưng với tám con đập bậc thềm Vân Nam có bao giờ Trung Quốc quan tâm gì tới những điều khoản quy định trong quốc tế công pháp đâu. Đối với cộng đồng thế giới Trung Cộng chưa hề chứng tỏ là có một hồ sơ theo dõi tốt – good track records.

Theo Quang Minh Nhật báo của tỉnh Quảng Đông Trung Quốc 05-12-94 thì : “Sau một thập niên dài khảo cứu, 400 học giả và chuyên viên nổi tiếng Trung Quốc đã chứng minh rằng hiển nhiên từ thời xa xưa Trung Quốc đã nắm chủ quyền trên toàn thể quần đảo Trường Sa. Và theo lý lẽ đó Trung Quốc chẳng còn gì để phải tranh cãi trên bàn thương thảo.”

Chỉ trong hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 1994, 10 học giả Trung Hoa Lục địa đến Đài Loan dự buổi Hội thảo với hàng trăm học giả địa phương, họ đưa ra bản tuyên cáo chung rằng: “Trung Hoa có chủ quyền lịch sử về vùng tranh chấp này.”

Chi tiết nổi bật cần ghi nhận là – khác xa với những người Quốc Gia hay Cộng Sản Việt Nam – cho dù Quốc hay Cộng, Đài Loan tỏ ra rất mau lẹ luôn luôn thống nhất với lập trường của Hoa Lục “nhân danh dân tộc Trung Hoa” về vấn đề Biển Đông cho dù hai bên còn khác biệt về thể chế chánh trị và chưa thống nhất.

Nếu chỉ kể nửa thế kỷ trở lại đây thôi chúng ta đã thấy có một tiến trình liên tục trong lịch sử cận đại nước Trung Hoa nhằm xâm chiếm các vùng hải đảo và lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngay sau Thế chiến thứ Hai, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, 06-1946 Pháp gửi chiến hạm Savorgnan de Brazza chiếm lại các đảo Hoàng Sa nhưng do trận chiến Việt Pháp bùng nổ dữ dội 09-1946 Pháp tạm thời rút khỏi Hoàng Sa. Trung Hoa Dân Quốc thì lấy ngay cớ giải giới quân Nhật để đổ quân chiếm đảo Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trong nhóm Tuyên Đức – Amphitrite Group phía đông Hoàng Sa, Pháp chỉ phản đối chiếu lệ.

Khi Trung Cộng toàn chiếm Hoa Lục 1949, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan thì quân Trung Hoa Dân Quốc rút ra khỏi đảo Phú Lâm.

Năm 1956, khi quân Pháp bắt đầu rút khỏi Việt Nam, Trung Cộng đã mau chóng cho hải quân tái chiếm đảo Phú Lâm và các đảo khác thuộc nhóm Tuyên Đức và đặt bộ chỉ huy toàn thể lực lượng trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm và cũng là căn cứ quân sự kiên cố nhất trên biển Đông. Bằng chứng là mới đây vệ tinh Nhật Bản đã chụp được không ảnh về căn cứ quân sự Trung Cộng đã xây trên đảo Phú Lâm trên đó có cả một phi đạo dài tới 2500m.

Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam 1974, Trung Cộng đã xua quân chiếm luôn nhóm Nguyệt Thiềm – Crescent Group phía tây Hoàng Sa, đang thuộc quyền kiểm soát của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau một trận hải chiến ngắn với lực lượng Hải quân Nam Việt Nam. Hoàn toàn làm chủ quần đảo Hoàng Sa, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân, cả xây dựng phi trường và đồng thời tung các con tàu ra khơi tìm kiếm dầu hỏa.

Vẫn không dừng ở đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng xa hơn về phương nam, 14 năm sau 1988 Trung Cộng lại dùng võ lực bắn chìm tàu Việt Nam và cưỡng chiếm thêm 8 đảo của Trường Sa và dựng ngay bảng chủ quyền trên mỗi đảo – nơi mà Việt Nam thực sự có chủ quyền về mọi phương diện lịch sử địa dư và công pháp quốc tế. Tình hình lại càng phức tạp hơn – ngoài mâu thuẫn giữa Việt Nam Trung Hoa – còn có thêm sự tranh chấp với các nước Mã Lai, Brunei, Nam Dương và Phi Luật Tân để giành giật những mỏ khí đốt cũng trên thềm Biển Đông ấy.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, không phải chỉ có Trung Cộng mà Đài Loan cũng đã hiện diện xen kẽ ở Trường Sa. Đài Loan đã kiểm soát một hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa đó là đảo Ba Bình – Itu Aba, nơi mà trước Thế chiến thứ Hai Việt Nam và Pháp đã từng đặt đài khí tượng và hoạt động rất hữu hiệu. Ba Bình ngày nay trở thành một công sự vô cùng kiên cố của Đài loan với cả hải cảng, sân bay, đài kiểm thám, các ụ súng lớn với cả một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến là lực lượng trú phòng thường trực có trang bị cả các đoàn xe lội nước.

Hai lần hải quân Trung Quốc ra tay hai lần họ tàn sát người Việt trên Biển Đông trước con mắt thờ ơ của những đồng minh và cả quốc tế.

Chiến trận Hoàng Sa 1974, có sự hiện diện Đệ Thất Hạm Đội Mỹ trên Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ không những cho biết sẽ dứt khoát đứng ngoài cuộc tranh chấp mà còn cô lập Hải quân Việt Nam bằng cách phong tỏa việc sử dụng ngư lôi đĩnh, rút Đệ Thất Hạm đội ra khỏi khu vực Biển Đông và còn quyết liệt từ chối cả nghĩa vụ nhân đạo là việc cấp cứu những thủy thủ Việt Nam bị trôi dạt trên biển sau trận hải chiến với hạm đội Trung Cộng.

Trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, lúc đó có cả một hạm đội Liên xô đóng ở Cam Ranh và họ cũng án binh bất động.

Thế giới đã bỏ mặc cho Việt Nam phải đương đầu đơn độc với một siêu cường Trung Cộng khổng lồ có cả võ khí nguyên tử.

Rõ ràng là Trung Cộng , bằng vô số phương cách trước sau vẫn quyết tâm đi hết tiến trình đã vạch sẵn, khi thì ngang nhiên dùng võ lực khi thì lợi dụng danh nghĩa khảo sát khoa học – cả mạo nhận danh nghĩa Liên Hiệp Quốc để âm thầm lấn chiếm các đảo cho đến khi hoàn toàn nuốt trọn Trường Sa.

Do không đủ sức đương cự với Trung Cộng, các nước nhỏ quanh Biển Đông vận động tìm cách đưa nội vụ ra Tòa án Quốc tế nhưng Trung Cộng thì luôn luôn rêu rao cho rằng Tòa án La Haye chỉ là trò chơi của đế quốc tư bản nên hoàn toàn đứng ngoài như một vô can. Khi mà lẽ phải chỉ dành cho kẻ mạnh với tiềm thủy đĩnh, phóng pháo cơ và chiến hạm thì rõ ràng tình hình Biển Đông cực kỳ căng thẳng và sẽ chẳng có một nước nào được yên – nhất là với Việt Nam – nếu không chịu khuất phục trong trật tự nước Trung Hoa. “Bởi vậy lấy sức mạnh mà nói thì lẽ phải ở về phía Trung Quốc.”

Trong một phòng hội thuộc Khu Nghiên cứu Đông Nam Á Đại Học Berkeley – nơi từng nổi tiếng về các phong trào phản chiến trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam; Kham dáng đứng vững chãi trước một màn ảnh lớn với tấm bản đồ Biển Đông và các địa danh thuần Việt do chính anh đã dầy công sưu tầm và thiết kế trên máy điện toán. Kham giọng phân tích:

— Do nằm ngay trên ngã tư đường hải hành của Thái Bình Dương, từ bắc xuống nam và từ tây sang đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nghiễm nhiên trở thành những địa điểm chiến lược trọng yếu của toàn vùng Đông Nam Á. Trong tình huống cho dù Việt Nam có bị phong tỏa hết biên giới lục địa phía bắc và phía tây, quốc gia ta cũng không bị bóp nghẹt về kinh tế. Nhưng nếu bị phong tỏa hết bờ biển phía đông thì chẳng những không còn ngoại thương mà ngay cả chuyển vận đường biển bắc nam để điều hòa nhu yếu phẩm trong cả nước cũng hết.

Và Kham đưa ra tiếp một cái nhìn tiên tri:

— Trung cộng ngày nay dư khả năng thực hiện một cuộc phong tỏa như vậy khi mà họ đã sở hữu được hỏa tiễn tầm xa, các đội oanh tạc cơ chiến lược và lực lượng hải quân với hàng không mẫu hạm và các hạm đội viễn duyên để khống chế toàn Biển Đông, lúc đó kẻ thù truyền kiếp của chúng ta lại hiện nguyên hình lừng lững trở lại, áp đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam nhưng với những thủ đoạn ngàn lần tinh vi hơn.

Giọng Kham càng trở nên thiết tha:

— Thà rằng chúng ta sống tiết kiệm để tăng cường quốc phòng nhất là hải quân với đầy đủ khả năng hải chiến không chiến ngoài khơi còn hơn chờ đợi tới cái ngày không tránh được – the inevitable day khi đó cả nước ta chịu chết ngạt một cách nhục nhã vì bị bao vây.

Hướng về phía Cao, Kham tiếp:

— Rồi còn phải kể tới trận chiến về môi sinh như gây ô nhiễm và chặn nguồn nước của con sông Mekong gây hạn hán và nạn ngập mặn khắp vùng đồng bằng châu thổ, điều mà Nhóm Bạn Cửu Long rất sớm lên tiếng báo động trong những năm qua. Chặn đầu nguồn ở Vân Nam, chặn cuối nguồn con sông Mekong bằng chiếm đoạt các quần đảo sát ngoài khơi Biển Đông, quả thật cho đến nay Việt Nam bị bó tay và chưa biết phải ứng xử ra sao!

Hoàn toàn làm chủ kỹ thuật thính thị qua máy điện toán, Kham đã linh hoạt kết thúc bài nói chuyện. Anh cho chiếu cùng lúc hai tấm slides trải dài trên hai màn ảnh lớn: một bức không ảnh chụp từ vệ tinh hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông bên một dải đất Việt Nam hình chữ S. Màn ảnh bên là trích dẫn một đoạn viết của giáo sư Hoàng Xuân Hãn trên tạp chí Sử Địa 1974: “Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi … Ngày nay vụ Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hòa của dân ta… tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt.”

Rồi bất chợt nổi lên từ xa tiếng sóng Biển Đông vỗ rạt rào xen lẫn với muôn ngàn tiếng chim hải âu làm nền cho bản tin mới phát đi của đài RFI:

… Theo tin hãng thông tấn Kyodo, Hà Nội 19-09-98. Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã hoàn tất việc xây dựng và trùng tu nhiều cơ sở dân sự trên đá San Hô Tây_ West Reef trong quần đảo Trường Sa, gồm có bồn chứa nước ngọt, trạm máy phát điện, khu nhà ở và cả sân bay trực thăng với tổn phí lên tới 4 triệu đôla là những công trình xây dựng có tính cách lâu dài.

Tưởng cũng nên nhắc lại là chỉ mới hai tuần lễ trước đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa đã lên tiếng phản đối và đòi hỏi phía Việt Nam phải lập tức rút quân khỏi hai đảo đá ngầm thuộc bãi Tư Chính trong vùng Trường Sa mà Trung Hoa cho là lực lượng Hải Quân Việt Nam đã chiếm đóng trái phép. Phía Việt Nam đã khước từ thảo luận với Trung Quốc vì cho rằng Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm cả những đảo đã bị Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm…

Có điều mà Kham chưa nói ra – là cho dù hiện nay Việt Nam còn hiện diện trên một số đảo ngoài Trường Sa nhưng nếu bị phong tỏa vùng hải phận quanh quần đảo – điều mà Hải Quân Trung Quốc dư sức làm mà không cần nổ thêm một phát súng nào, thì bất chiến tự nhiên thành, tất cả chủ quyền quần đảo Trường Sa hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc.

Comments are closed.