Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (kỳ 9)

Juan Pablo Cardenal

Heriberto Araújo

Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917

8

Hòa bình kiểu Tàu

“Một núi chỉ đủ chỗ cho một cọp.”

Ngạn ngữ Trung Quốc

Mặt trời vừa ló rạng trên đỉnh dãy Himalaya khi những con đại bàng bắt đầu vũ điệu hàng ngày độc đáo của chúng. Điều này luôn diễn ra vào lúc bình minh, khi ánh sáng vừa bắt đầu ùa vào ngôi làng Ấn Độ McLeod Ganj cạnh thị trấn Dharamsala. Chúng dang rộng đôi cánh và lượn tròn như đang tiến hành một nghi lễ, in bóng lên nền trời trong vắt một màu xanh tinh khiết nhất, như hiện ra từ tranh vẽ của trẻ thơ. Thỉnh thoảng, một con trong đàn hướng về mặt đất và đột ngột buông mình rồi lại bay vút lên rộn ràng, một lần nữa cắt đôi bầu trời trên mái nhà thế giới. Đường sá bỗng trở nên sống động đầy màu sắc dưới ánh bình mình ban sơ. Màu vàng áo cà sa nhà sư tràn ngập các con đường chính, cũng là nơi inh tai bởi tiếng còi xe thồ đang luồn lách qua đám đông. Rõ ràng mục đích là bóp còi càng nhiều càng tốt, ngay cả khi không cần – luật ngầm trên đường phố Ấn Độ.

Các quán cà phê và cửa hàng bán đồ lưu niệm bắt đầu mở cửa, tất cả đều treo ảnh của Ngài, danh xưng mọi người trong vùng gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi đó khách du lịch và tín đồ sùng đạo từ khắp nơi trên thế giới đổ về do sức thu hút của nhà lãnh đạo Phật giáo tụ tập trong vùng đất vốn chỉ được xem là điểm nghỉ dưỡng trong thời thuộc địa Anh. Tình trạng đó bất ngờ thay đổi vào năm 1959, khi Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, thoát khỏi Tây Tạng và định cư ở đây với sự chấp thuận của New Delhi, thành lập văn phòng chính quyền Tây Tạng lưu vong.1 Kể từ đó, tầm quan trọng về mặt chính trị của Dharamsala đã biến nó thành cái gai lớn nhất trong mối quan hệ luôn khó khăn giữa Trung Quốc – Ấn Độ. Có thể thấy rõ số phận bi thảm của người dân Tây Tạng ở chốn hẻo lánh này của dãy Himalaya, nơi ẩn náu của 12.000 dân tị nạn Tây Tạng.2

Migmar Tsering biết bất cứ ai nhìn ông leo lên cầu thang đến chỗ cao nhất của làng sẽ xót xa. Vì thế ông luôn cố giữ nụ cười trên môi, như để làm yên lòng những người đồng hành của mình, trấn an họ hai chân giả của ông sẽ không gãy và không cần phải lo lắng: đời ông từng có những lúc khó khăn hơn nhiều. Sau khi lên đến đỉnh ngọn đồi cao phía sau tu viện chính, ở đây có một ngôi chùa lớn và một giá cờ sặc sỡ tung bay trong gió, ông đi thẳng đến các trụ quay cầu nguyện Tây Tạng và xoay lần lượt từng chiếc. Sau một lúc, vị tu sĩ bốn mươi chín tuổi hiện thân của đức tin Phật giáo và cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của Trung Quốc ở Tây Tạng đọc một bài kinh ngắn và bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện của ông.

“Năm 1993, cảnh sát Trung Quốc tìm đến buộc tôi ký vào bản tuyên bố chống lại Ngài. Tôi từ chối. Họ bắt và tra tấn tôi. Tôi quyết định bỏ trốn.” Việc này đánh dấu sự khởi đầu cuộc phiêu lưu sang phía bên kia dãy Himalaya, một cuộc hành trình lưu vong buồn bã trên một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất trên hành tinh. “Tôi rời Lhasa với hai người Tây Tạng. Chúng tôi không mang theo gì ngoài chăn và một số thực phẩm. Đi được nửa đường chúng tôi thấy mình kẹt giữa một trận bão tuyết lớn. Chúng tôi không thể nhìn thấy được gì. Chúng tôi bị lạc và chân bị đông cứng,” ông nhớ lại. Sắp chết do bị hoại tử tay chân, Tsering cuối cùng đã được một nhóm du mục cứu đưa qua biên giới. Ông được chở đến New Delhi. “Ở đó cả hai chân của tôi được phẫu thuật cắt bỏ, cùng với bốn ngón của một bàn tay.” Khi vừa hồi phục, ông bị pháp luật Ấn Độ xét xử vì không có giấy tờ: sáu tháng tù giam. “Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Sau khi ra tù họ đưa tôi quay lại biên giới với Trung Quốc.” Cuộc hành trình đầy kịch tính của ông rốt cuộc chẳng được gì.

Tuy nhiên, như nhiều Phật tử khác, dấn thân vào hành trình trốn thoát bất khả thi, đức tin của ông đã mạnh hơn nỗi đau và viễn cảnh chết chóc. Lết mình trên đôi chân cụt, chịu đựng gian khổ nhiều hơn và mạo hiểm cả sinh mạng, Tsering cuối cùng cũng đến được Dharamsala, nơi chính phủ Tây Tạng tiếp nhận tất cả những người tị nạn. “Khi ở bệnh viện hồi phục sau phẫu thuật cắt bỏ chân, tôi cứ tự hỏi tại sao tôi phải chạy trốn, tại sao tôi làm điều đó. Nhưng khi tôi đến được Dharamsala, được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và có thể nghiên cứu Phật giáo, tôi rất hạnh phúc. Cuối cùng tôi đã đạt được điều mình mơ ước từ lâu,” ông nói với chúng tôi, đầy xúc động. Như rất nhiều trường hợp khác, quyết tâm của Migmar Tsering phản ánh chân thực lòng trung thành không thể lay chuyển mà người dân Tây Tạng dành cho vị lãnh tụ và tôn giáo của họ.

Mất khoảng một tháng để đi bộ vượt qua dãy Himalaya đến Nepal, hành trình bắt buộc đối với bất kỳ người Tây Tạng nào muốn sang Ấn Độ. Cuộc hành trình đầy nguy hiểm, từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đói khát đến chó rừng, choáng vì độ cao và, tồi tệ nhất, lính Trung Quốc. Người Tây Tạng khẳng định lính sẽ bắn chết nếu chúng phát hiện người tị nạn và họ không tuân theo cảnh báo. Bất chấp nguy hiểm, hàng năm nhiều người như Migmar Tsering chạy trốn đàn áp ở Tây Tạng vì mục tiêu tự do và quyền theo đuổi tín ngưỡng của họ ở Ấn Độ. Chỉ một số ít người ra đi từng trở về Tây Tạng. Đối mặt với viễn cảnh sống dưới sự cai trị tàn bạo của chính quyền Trung Quốc, số còn lại quyết định để lại phía sau gia đình, tài sản, và miền đất chôn nhau cắt rốn.3

Tempa Tsering quá thấm thía nỗi đau này. Ông gặp chúng tôi tại trụ sở chính quyền Tây Tạng lưu vong ở New Delhi, nơi ông là đại diện cấp cao từ năm 2005. Dưới lá cờ Tây Tạng và bức chân dung của vị lãnh tụ tinh thần được treo trong văn phòng của mình, ông mời chúng tôi uống trà và cho chúng tôi biết ông cũng đã đi bộ vượt qua dãy núi giữa mùa đông. “Đó là cuối năm 1959, vài tháng sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Tây Tạng. Chúng tôi đã đi bộ. Lúc đó tôi chừng mười hai tuổi. Phải lìa bỏ quê hương và những người thân yêu của mình là điều không dễ dàng; có rất nhiều tổn thương tinh thần. Ngoài ra còn phải tính đến sự kiệt quệ thể xác: chúng tôi đang nói đến việc đi bộ ở độ cao 5.000 đến 6.000 mét so với mực nước biển, giữa mùa đông. Khi đến Ấn Độ chúng tôi là một gia đình năm người, nhưng vài tháng sau chỉ còn lại hai người,” người đàn ông với phong thái hoàn hảo đã kết hôn với em gái của vị Đạt Lai Lạt Ma hiện tại nói. Nửa thế kỷ sau, 5 triệu người Tây Tạng – phần lớn sống trong nghèo đói – vẫn là nỗi ám ảnh của Trung Quốc.

Cứ mười hay mười lăm năm trong khu vực chắc chắn lại nổ ra bùng phát bạo lực đẫm máu và chết người chống lại sự hiện diện của Trung Quốc ở Tây Tạng, gây ra sự hoài nghi đối với tính hợp pháp của Trung Quốc trong khu vực và cho thấy chính sách của Bắc Kinh không đạt hiệu quả mong muốn. Cảm giác không kiểm soát được hoàn toàn lãnh thổ và không thể đồng hóa toàn bộ người Tây Tạng, và tính chất quốc tế của cuộc xung đột, đang khiến Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, theo nhiều học giả Ấn Độ trao đổi với chúng tôi ở New Delhi. Do đó để tăng cường quyền lực của mình, Bắc Kinh hành động cả bên trong và bên ngoài biên giới – tương đối thành công – để ngăn chặn dòng người tị nạn, với suy nghĩ sự bất đồng này là mối nguy hiểm quân sự tiềm tàng đối với sự ổn định ở Tây Tạng.

Theo Tempa Tsering, trước cuộc nổi dậy năm 2008 ở Lhasa4 mỗi năm có từ 2.500 đến 3.500 người trốn thoát đàn áp bằng cách đi qua các dãy núi Himalaya. Tuy nhiên, sau đó mỗi năm chỉ khoảng 700 người tị nạn thực hiện hành trình này. “Biên giới phía Tây Tạng được tăng cường kiểm soát rất chặt chẽ. Ở phía Nepal, [Trung Quốc] đang đào tạo và trang bị cho lính biên phòng. Khi bắt giữ người Tây Tạng và đưa về lại Tây Tạng, lính biên phòng sẽ được khen thưởng,” đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại thủ đô của Ấn Độ cho biết. Đồng thời, chính sách của Kathmandu đối với những người tị nạn Tây Tạng trở nên khắt khe hơn nhiều, bao gồm ép buộc hồi hương, giám sát biên giới chặt chẽ hơn, đóng cửa văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma và những đối xử khắt khe thái quá của cảnh sát đối với những người mới gia nhập cộng đồng Tây Tạng. Tất cả chuyện này chỉ bắt đầu xảy ra khi Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Nepal. Nước đồng minh truyền thống của Ấn Độ giờ đây nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, và bị ràng buộc vào phe Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại phong trào Tây Tạng lưu vong.

Cuộc bầu cử dân chủ thủ tướng Tây Tạng gần đây, Lobsang Sangay,5 người hiện lãnh đạo chính phủ lưu vong trong các vấn đề thế tục, cũng như tuổi 77 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, là mối bận tâm cả ở Bắc Kinh và ngay tại khu vực, vì có thể phong trào Tây Tạng sẽ trở nên cực đoan sau cái chết của vị lãnh tụ Phật giáo này. Tempa Tsering tin chắc rằng nguyên tắc bất bạo động sẽ chiếm ưu thế, nhưng ông cũng thừa nhận không ai biết được điều gì sẽ xảy ra nếu sự hủy diệt văn hóa và bản sắc Tây Tạng tiếp tục như hiện nay.

“Lúc này mọi người nói rằng Tây Tạng đang sắp chết. Họ nói tốt hơn là làm một cái gì đó cho Tây Tạng rồi chết, hơn là không làm gì cả rồi đằng nào cũng chết,” ông cho biết. Mọi người lo lắng về tương lai, đặc biệt ở New Delhi, khi thế hệ mới các nhà lãnh đạo Tây Tạng ít ôn hòa hơn cộng với sự thiếu vắng Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã dành nhiều thập niên thống nhất các phe phái khác nhau trong cơ cấu chính phủ cân bằng của ông, có thể nhìn thấy quan hệ căng thẳng một lần nữa giữa hai quốc gia châu Á.6

“Tôi thấy một viễn cảnh căng thẳng trong những năm tới [giữa Trung Quốc và Ấn Độ]. Nếu phong trào Tây Tạng trở nên cực đoan, người Trung Quốc sẽ phải phản ứng, và cả thế giới sẽ xem đó là điều tồi tệ. Đồng thời, người Trung Quốc sẽ ngày càng cáo buộc Ấn Độ chứa chấp những phần tử khủng bố, điều đó sẽ thêm dầu vào lửa ở Pakistan.7 Vì vậy, kịch bản tốt nhất cho người Trung Quốc là đàm phán trực tiếp với Đức Đạt Lai Lạt Ma, chứ không phải với thế hệ mới. Không đàm phán với Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội lịch sử,” Madhu Bhalla, trưởng Khoa nghiên cứu Đông Á tại trường University of Delhi lập luận.

Quan hệ xấu đi bắt nguồn từ cuộc xâm lược Tây Tạng vào năm 1950. Không khí nghi ngờ lẫn nhau giữa hai cường quốc châu Á dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1962, là một thử thách đầy nhục nhã đối với chính phủ của thủ tướng Jawaharlal Nehru. Vết thương cuộc chiến này để lại hôm nay vẫn chưa lành. Với ý thức hệ cánh tả rõ rệt của ông, nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ sau khi đất nước độc lập đã tán thành trên nguyên tắc với việc “giải phóng” Tây Tạng của Mao Trạch Đông. Nehru tin rằng chế độ phong kiến ​​lỗi thời tồn tại trong khu vực lúc đó cần phải được phá bỏ và thay thế bằng một hệ thống mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, như là một giải pháp cho hai khối của chiến tranh lạnh, Nehru hy vọng tạo thành một trục châu Á giữa hai nước vừa thoát khỏi quá khứ thuộc địa. Để chứng tỏ tình hữu nghị của mình, Nehru không chỉ công nhận quyền lực của Bắc Kinh ở Tây Tạng mà còn quyết giúp Trung Quốc củng cố quyền lực của nó trong khu vực bằng cách trao cho Bắc Kinh sự ủng hộ ngoại giao vô giá tại Liên hiệp quốc. New Delhi thể hiện ủng hộ rõ ràng với hy vọng Bắc Kinh sẽ trao quyền tự chủ ở một mức độ nhất định cho lãnh thổ bị chinh phục này, vì “lợi ích tình cảm và văn hóa” nhiều thế kỷ của Ấn Độ ở Tây Tạng. Đối với Ấn Độ, đây là một cách để đảm bảo sự hiện diện chính trị và quân sự ít hơn của Trung Quốc trên biên giới mới.

Tuy nhiên, hi vọng của Nehru về tình hữu nghị giữa hai nước sớm tan tành. Không chỉ Mao không tin vào ý định tốt đẹp của thủ tướng Ấn Độ, mà quan hệ cũng xấu đi nhiều trong những năm 1950, và đặc biệt sau cuộc nổi dậy ở Lhasa vào năm 1959 khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong.8 Năm đó, Ấn Độ đã “hoàn thành” phần của mình trong thỏa thuận bằng cách công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Tạng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không tôn trọng cam kết của họ trong thỏa thuận này, như quyền tự chủ của người Tây Tạng đã bị xóa bỏ vĩnh viễn sau cuộc nổi dậy năm 1959. Thực ra, tại thời điểm đó Mao đã tin rằng có một âm mưu của Ấn Độ đằng sau cuộc nổi dậy, với mục đích ngầm phá hoại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng và cuối cùng sáp nhập lãnh thổ này vào “Đại Đế quốc Ấn Độ.” Bắc Kinh cũng hiểu sai sự lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma, xem đó như là bằng chứng của cái được cho là sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ dành cho người Tây Tạng lưu vong và do đó là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc không thể chấp nhận. Chính lúc đó Ấn Độ đã trở thành kẻ thù của Trung Quốc.

Cũng cần xét đến hoạt động bí mật của CIA đã khiến cơ quan tình báo Trung Quốc chú ý, cũng như chính sách tăng cường và quân sự hóa biên giới của Ấn Độ năm 1961 nhằm củng cố biên giới không xác định với niềm tin ngây thơ Bắc Kinh sẽ không phản ứng.9 Tuy nhiên, nước Cộng hòa Nhân dân mới được thành lập – vừa cố gắng để vượt lên thế kỷ bị “đế quốc sỉ nhục” – đã hiểu thái độ của Ấn Độ theo nghĩa thù địch, xem nó là sự thiếu tôn trọng sức mạnh của nước Trung Quốc cộng sản mới. Tháng 10 năm 1962, Mao đã thực hiện một động thái quyết định. Sau khi diễn giải sai lầm lịch sử các hành động của Ấn Độ trong những năm đó,10 ông quyết định dạy cho láng giềng của mình một bài học lớn. Ông đã tung ra một cuộc tấn công chớp nhoáng ở hai khu vực biên giới giáp với Ấn Độ, cách nhau một ngàn cây số. Chỉ trong vài tuần, Trung Quốc đã khiến quân Ấn Độ phải chịu một thất bại quân sự đau đớn.11

Bắc Kinh đạt được cả hai mục tiêu: ổn định biên giới Tây Tạng và giành được sự tôn trọng của lãnh đạo Ấn Độ. Tuy nhiên, tại New Delhi sự xâm lược của Trung Quốc được xem – và cho đến bây giờ vẫn vậy – là một “sự phản bội ghê tởm” để lại vết sẹo sâu sắc trong ký ức dân tộc chung của đất nước này và suốt từ đó đã đầu độc quan hệ giữa hai quốc gia.12

“NẾU CÁC ÔNG TRAO ĐẠT LAI LẠT MA CHO

CHÚNG TÔI, CHÚNG TA CÓ THỂ LÀ BẠN”

Chuyến thăm chính thức của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến Bangalore năm 2005 để lại một thành ngữ cho hậu thế. Tại thánh địa Mecca của ngành công nghệ, Ôn so sánh hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc với “hai ngôi đền, một đền phần cứng và một đền phần mềm. Kết hợp lại, chúng ta có thể nắm lấy vị trí lãnh đạo thế giới. Khi ngày đó đến, sẽ là dấu hiệu xuất hiện thế kỷ châu Á của ngành công nghệ thông tin.” Lời của nhân vật số hai trong chính quyền Trung Quốc hẳn nghe như một lặp lại – về mặt kinh tế – của liên minh xưa cũ mà Nehru từng mong ước nửa thế kỷ trước. Số liệu thương mại song phương nhanh chóng ủng hộ điều dường như là một sự tan băng rõ rệt trong quan hệ: thương mại giữa hai nước chỉ chừng 260 triệu đô-la vào năm 1999, đã tăng vọt lên 74 tỷ đô-la trong năm 2011. Một năm trước đó, Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Ấn Độ, Manmohan Singh, đã đặt mục tiêu còn tham vọng hơn: 100 tỷ đô-la trước năm 2015. Liệu điều này có nghĩa là hai gã khổng lồ rốt cuộc đã gác sự khác biệt của họ sang một bên?13

“Vết thương năm 1962 chưa lành. Chưa lành vì còn đó vấn đề lãnh thổ.14 Biên giới chưa được giải quyết, và Ấn Độ vẫn còn lo lắng. Trên các biên giới [đất liền] khác, Trung Quốc đã có thể giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả và nhanh chóng – trừ biên giới với Ấn Độ và Bhutan. Vì vậy, câu hỏi nảy sinh là: Trung Quốc đang chờ đợi gì?” Lời của giáo sư Madhu Bhalla tổng hợp ý kiến ​​chung của cả hai bên dãy Himalaya: tranh chấp lãnh thổ và, rộng hơn, vấn đề Tây Tạng vẫn là trở ngại chính đối với việc khôi phục trạng thái quan hệ bình thường giữa hai nước. “Chúng tôi đã tổ chức mười bốn vòng đàm phán giữa đại diện của hai thủ tướng. Cho đến nay, chúng tôi đã không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ,” Gurmeet Kanwal, thiếu tướng nghỉ hưu và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Lãnh thổ (CLAWS), một ban cố vấn của quân đội Ấn Độ cho biết. Để phá vỡ thế bế tắc trong tranh chấp biên giới, chính quyền Ấn Độ biết cái giá Bắc Kinh đòi hỏi vừa không nói ra vừa rõ ràng: xóa bỏ chính quyền lưu vong Tây Tạng tại Dharamsala. Lòng trung thành đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma và, rộng hơn, với cơ quan đầu não chính phủ Tây Tạng lưu vong khiến Trung Quốc hậm hực vì các thế lực này được xem là sự thay thế quyền lực của Bắc Kinh ở Tây Tạng.

Trong lần gặp chúng tôi, Gurmeet Kanwal chia sẻ một mẩu chuyện tóm tắt hoàn hảo cảm giác chung trong giới cầm quyền Bắc Kinh. “Trong một cuộc họp ở Singapore, một vị tướng Trung Quốc nói với tôi, “Thưa Thiếu tướng, nếu ông giao Đạt Lai Lạt Ma cho chúng tôi quản thúc, chúng ta có thể là bạn.” Tuy nhiên, ở nước Ấn Độ dân chủ, mộ đạo và đa văn hóa, phương án “giao nộp” vị thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng – dù nghĩa đen hay nghĩa bóng – dường như là điều không thể.15 Và nếu vấn đề Tây Tạng không được giải quyết, tranh chấp lãnh thổ sẽ vẫn bế tắc.

Khác xa với ấn tượng tạo ra do gắn bó thương mại phát triển chưa từng có, quan hệ giữa hai nước vẫn bị hạn chế rất lớn do điều mà các học giả mô tả là “mẩu xương mắc trong cổ họng quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc.” Trên thực địa, điều này có nghĩa là một khu vực rộng 138.000 km vuông, lớn hơn tổng diện tích bề mặt của Hy Lạp, vẫn đang tranh chấp và là nơi tiềm ẩn mối thù địch tương lai. Mặc dù sự yên tĩnh tương đối đã ngự trị khu vực này trong những thập niên gần đây, sự không tin cậy lẫn nhau đã dẫn đến việc quân sự hóa khốc liệt trên đường biên giới chung 4.056 km: New Delhi đã triển khai sáu sư đoàn hay 90.000 quân ở phía Ấn Độ, trong khi Bắc Kinh có bốn sư đoàn hay 60.000 quân đóng bên phía Trung Quốc.16 “Hiện nay chúng tôi đã bố trí phòng thủ tốt. Trung Quốc không có được lợi thế lớn nào nữa. Chúng tôi đã học được bài học năm 1962,” Gurmeet Kanwal đoan chắc với chúng tôi.

LÀM ẤN ĐỘ MẤT MÁU VÌ VẠN NHÁT CẮT

Lúc đó chừng 7 giờ sáng khi chúng tôi nghe thấy tiếng bíp báo có tin nhắn. Những tia nắng đầu tiên chiếu qua cửa sổ, và từ con hẻm gần khu Delhi cũ chúng tôi có thể nghe thấy tiếng ồn của đám đông và xe cộ khi bình minh ngày mới bắt đầu. Tin nhắn do nhân viên quan hệ công chúng của Huawei tại thủ đô Ấn Độ gửi. “Xin chào. Tôi rất tiếc thông báo các vị lãnh đạo dự kiến gặp quí vị hôm nay ở Delhi đã rời thành phố do một vấn đề kinh doanh khẩn cấp vừa xảy ra ở Mumbai. Cuộc phỏng vấn bị hủy bỏ. Chúng tôi thành thật xin lỗi.”17 Chưa đầy ba giờ trước cuộc gặp với chúng tôi, Huawei đã hủy bỏ cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo người Trung Quốc tại văn phòng Ấn Độ đã được lên kế hoạch. Chiến thuật né tránh này rất giống với chiến thuật chúng tôi đã trải nghiệm ở Mỹ La-tinh chỉ vài tháng trước. Đối với một công ty vốn luôn nhấn mạnh nó hoàn toàn là một công ty tư nhân và không có quan hệ gì với nhà nước Trung Quốc, Huawei đã hành xử y hệt như một công ty nhà nước Trung Quốc khi lãnh đạo của nó thấy mình phải đối phó với báo chí nước ngoài xấc láo.

Chúng tôi bay trong sáu giờ qua 3.700 km từ Hồng Kông lần theo dấu vết của Huawei – công ty hàng đầu Trung Quốc – tại một trong những thị trường công nghệ quan trọng nhất trên thế giới. Hơn hẳn các công ty khác, Huawei là hiện thân của cả sức mạnh của nước Trung Quốc mới và của cả nỗi sợ hãi do sự xuất hiện của nó gây ra. Bất ngờ được thành lập vào năm 1988, Huawei hiện đang có mặt tại 140 quốc gia, sử dụng 140.000 nhân viên và đã trở thành một đối thủ cạnh tranh hùng mạnh đối với các công ty lớn trong ngành viễn thông như Alcatel-Lucent, Nokia, Siemens, Ericsson và Cisco Systems. Giữa những cáo buộc vi phạm bản quyền và được chính phủ Trung Quốc thiên vị, công ty đã bùng phát trong lĩnh vực này như một cơn lốc. Công thức chiến thắng của công ty không chỉ cho phép nó rất thành công trên thị trường mà còn buộc các đối thủ khác giảm đáng kể lợi nhuận để cạnh tranh. Trong khi đó, Huawei tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ, không chỉ do quan hệ bị cáo buộc giữa người sáng lập nó, Ren Zhengfei – cựu kỹ sư của Quân đội Giải phóng Nhân dân – với cơ quan mật vụ Trung Quốc, mà còn vì công ty từ chối niêm yết trên thị trường chứng khoán, gây ra chỉ trích liên tục vì sự thiếu minh bạch bao quanh nó. Năm 2011, doanh thu của Huawei vượt 32 tỷ đô-la.18

Sau thất bại ở Delhi, chúng tôi đáp xuống Bangalore với hi vọng tìm hiểu thêm về những thách thức đặt ra trước viên ngọc quý trên vương miện công nghệ Trung Quốc ở Thung lũng Silicon của Ấn Độ. Huawei đưa một chiếc Mercedes cực sang đón chúng tôi, chiếc xe bò qua đám đông xe cộ đã biến cái nôi tài năng Ấn Độ thành cơn ác mộng hạ tầng. Tại khách sạn Leela Palace sang trọng, công ty đã bố trí đầy kín chiều dài và chiều rộng của bảy tầng lầu với 1.200 đến 2.200 kỹ sư làm việc cho công ty ở Bangalore. Hầu hết là công dân Ấn Độ trẻ tuổi ngồi thành nhóm xung quanh máy tính, động não đưa ra ý tưởng trong các cuộc họp mười lăm phút hoặc làm việc trên các ứng dụng mới cho Google Android. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ở Bangalore là trung tâm lớn nhất của Huawei bên ngoài Trung Quốc, là bằng chứng niềm hi vọng của công ty đối với thị trường nó có kế hoạch đầu tư 2 tỷ đô-la trong vòng năm năm tới. Năm 2013 công ty sẽ di chuyển đến một khuôn viên hiện đại ở ngoại ô thành phố đủ chỗ cho 3.500 nhân tài, một trung tâm thần kinh nhằm mục đích thống trị thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2010 chính phủ Ấn Độ đã tiến rất gần đến việc chấm dứt đột ngột các kế hoạch tham vọng của Huawei. Trong gần chín tháng, một thông tư chính phủ cấm các nhà khai thác điện thoại tự mua sắm thiết bị Trung Quốc với lý do không thể bác bỏ vì an ninh quốc gia.19 Giữa không khí ngờ vực và xung đột tiềm tàng chi phối quan hệ giữa hai nước, nỗi hoài nghi thiết bị của Huawei hoặc ZTE – một nhà cung cấp công nghệ lớn khác của Trung Quốc – có thể mang virut hoặc có thể bị thao túng đã rung chuông báo động ở New Delhi. Do đó các công ty Trung Quốc không được tham gia dự thầu, làm doanh thu của Huawei sụt giảm nghiêm trọng: từ 2,4 tỷ đô-la năm 2009 xuống còn 1,6 tỷ đô-la năm 2010, theo J. Gilbert, trưởng phòng hành chính của Huawei Ấn Độ. “Huawei đã là công ty đứng thứ hai trên thị trường, và đó là khi nó bắt đầu đối mặt với rất nhiều chống đối và vận động hành lang của các đối thủ cạnh tranh. Một số người bắt đầu đưa ra vấn đề đe dọa an ninh và các vấn đề khác,” ông lập luận trong bữa ăn trưa của chúng tôi tại khách sạn Leela Palace, tin chắc cuộc tranh cãi đó đã được dàn xếp bởi các đối thủ cạnh tranh sử dụng ảnh hưởng để chống lại họ. “Nghi ngờ đó không bao giờ được chứng minh. Nếu nó được chứng minh, chúng tôi đã bị cấm. Ngay cả khi Huawei đã làm mọi thứ để trở nên minh bạch, đối thủ cạnh tranh của chúng tôi vẫn sẽ tung ra vấn đề nào đó. Chỉ vì Huawei đến từ Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ngoài cuộc chiến thương mại, thực tế Ấn Độ có lý do chính đáng để quan ngại. Từ sự hoàn toàn thiếu minh bạch của công ty – như chúng tôi đã tự mình chứng kiến ở Delhi – đến mối quan hệ của người sáng lập Huawei với quân đội Trung Quốc, thì cũng đủ công bằng để nhận ra công ty này cùng một giuộc, mà không hề phóng đại.20 Điều này không chỉ có vấn đề trong bối cảnh bị phủ bóng bởi khả năng một cuộc đối đầu quân sự, khi các cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết, mà còn liên quan đến liên minh hùng mạnh Bắc Kinh đã thiết lập với Pakistan, cường quốc hạt nhân và kẻ thù sâu cay của Ấn Độ. Vì thế các mối quan hệ có thể có giữa Huawei với quân đội Trung Quốc, và giữa quân đội Trung Quốc với các cơ quan tình báo Pakistan, làm dấy lên đủ loại nghi ngờ và lo sợ trong một số khu vực của Ấn Độ, đặc biệt – như chúng ta sẽ thấy ở phần sau chương này – do sự thù địch của cơ quan tình báo Pakistan đối tới Ấn Độ. Nghi ngờ này đã được khuyến khích bởi chính chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người mô tả bản chất của trục Bắc Kinh – Islamabad theo cách rất bí ẩn: “Tình hữu nghị Trung Quốc – Pakistan cao hơn núi và sâu hơn biển,” nhà lãnh đạo chế độ cộng sản vốn luôn cân nhắc tỉ mỉ tất cả các tuyên bố công khai của mình nói. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn nói điều gì?

Tuyên bố của ông có lẽ không gì hơn là sự biểu hiện bằng lời nói một thực tế: lúc này Pakistan là một đồng minh chủ yếu của Bắc Kinh. Trung Quốc cung cấp cho nước này sự hỗ trợ vô điều kiện trên tất cả các mặt trận, không chỉ ở đấu trường kinh tế hay ngoại giao. Trung Quốc là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Pakistan, và có 11.000 quân hiện đang được triển khai tại khu vực Kashmir do Pakistan quản lý mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.21 Trung Quốc cũng có kế hoạch liên kết khu vực Tân Cương của họ với căn cứ hải quân của Pakistan ở Gwadar và đang cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho Islamabad, một hành động hỗ trợ kỹ thuật dân sự mà nước Cộng hoà Hồi giáo này có thể sử dụng không đúng mục đích.22 Từ khi Hoa Kỳ ký kết liên minh quân sự với Ấn Độ năm 2005 – bất chấp nước này không ký Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) – khiến Bắc Kinh tức điên lên, sự gây hấn chiến thuật của Trung Quốc đã đưa nước này đến chỗ công khai công nhận chủ quyền của Pakistan ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý, còn xem phần Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ là lãnh thổ tranh chấp. Bằng cách giữ cho cuộc tranh chấp Kashmir luôn căng thẳng và tăng cường sức mạnh cho Pakistan, Trung Quốc đang nhằm mục tiêu gây rắc rối cho Ấn Độ tại một trong những sườn yếu nhất. Nói cách khác, chiến thuật này giúp Trung Quốc làm “Ấn Độ mất máu vì vạn nhát cắt.” 23

Về mặt đối nội, các mối quan hệ giữa hai nước cũng cho phép chính phủ Trung Quốc vô hiệu hóa tác động tiềm ẩn của phong trào Hồi giáo hóa và “Taliban hóa” của Pakistan lên cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ, cả trong và ngoài tỉnh Tân Cương. “Bắc Kinh rất lo Pakistan có thể trở thành một nhà nước thất bại, vì Pakistan có vai trò to lớn là nước hỗ trợ cho Trung Quốc trong khu vực. Nước này đã hỗ trợ cho quan hệ Mỹ – Trung Quốc dưới thời [tổng thống Mỹ Richard] Nixon, cũng như mối quan hệ của Trung Quốc với Trung Đông và Ả Rập Saudi, và dĩ nhiên với Afghanistan và Taliban. Tất cả vì lợi ích khu vực rộng lớn hơn của Trung Quốc. Pakistan là kẻ canh cổng cho toàn khu vực,” Madhu Bhalla lập luận. “Thị trường Pakistan vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất nước này là nền tảng cho an ninh của Trung Quốc ở biên giới phía tây,” Ma Jiali, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, và một trong những chuyên gia Trung Quốc có uy tín nhất về quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ xác nhận. Cả Trung Quốc và Ấn Độ tin rằng nếu Pakistan trở thành một quốc gia thất bại nó sẽ trở thành một quả bom hạt nhân hẹn giờ trong tay của bất cứ phe phái nắm quyền nào, càng về sau càng cực đoan hơn. Cảm giác chung là: nếu Pakistan thất bại, tất cả chúng ta sẽ thất bại hoàn toàn.

Trong hoàn cảnh này, “tình hữu nghị cao hơn núi và sâu hơn biển” mang lại hậu quả tai hại cho Ấn Độ.

ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU CON VOI QUYẾT ĐỊNH

DÙNG HẾT SỨC NẶNG?

Ngày 26 tháng 11 năm 2008, một cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo tàn bạo ở Mumbai để lại 164 người chết và hơn 300 người bị thương trên đường phố thủ đô kinh tế của Ấn Độ. Vài tháng sau, xác nhận đã được đưa ra về điều từng là một bí mật nửa vời trong những giờ phút bi kịch sau biến cố: cơ quan tình báo Pakistan đã tài trợ cho cuộc tấn công, do Lashkar-e-Taiba, nhóm khủng bố được biết có quan hệ với quân đội Pakistan, thực hiện. Đó là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất từ trước đến nay xảy ra ở Ấn Độ, nhưng đây không phải lần đầu tiên quân đội Pakistan bị cáo buộc đóng một vai trò tích cực. “Pakistan đã tài trợ khủng bố [chống lại Ấn Độ] trong hai thập niên nay,” Thiếu tướng Gurmeet Kanwal lập luận, nói lên ý kiến ​​vốn bắt rễ sâu trong xã hội Ấn Độ.

Do quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với quân đội Pakistan, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về trách nhiệm có thể có của Trung Quốc trong hành động khủng bố này. Nếu cộng sự của Trung Quốc là những người cùng ý thức hệ được cho là đứng sau hành động khủng bố chống lại Ấn Độ, Trung Quốc có thể dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công mới, chúng tôi lập luận. “Trung Quốc có trách nhiệm gì không à?” Uday Bhaskar, giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia và là một trong các nhà phân tích quân sự hàng đầu của tiểu lục địa đặt câu hỏi rồi ông tự giải đáp: “Chắc chắn có. Không phải Trung Quốc không biết giới lãnh đạo và quân đội Pakistan hỗ trợ khủng bố [chống lại Ấn Độ]. Họ biết, nhưng Trung Quốc chọn theo đuổi chính sách “không hỏi, không nói.” Họ nói, “Tôi không muốn biết về chuyện đó. Anh có thể làm những gì anh muốn nhưng đừng cho tôi biết.” Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa, không nghi ngờ gì về điều đó.” Thế thì, vì sao họ không làm điều đó? “Khi tôi hỏi các đồng nghiệp Trung Quốc của tôi điều này, họ không trả lời,” ông lặp lại.24

Trong khi Bắc Kinh cho rằng những nghi ngờ của Ấn Độ quá mức cường điệu hay thậm chí hoàn toàn vô căn cứ, giới cầm quyền Ấn Độ trong các lĩnh vực học thuật, ngoại giao, quân sự hay báo chí xem sự đồng lõa và trách nhiệm của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh bí mật của Pakistan chống lại Ấn Độ là một thực tế đã được chứng minh và không thể chối cãi. “Điều đó không thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc. Mục đích để giữ Ấn Độ trong tình trạng mất cân bằng thường xuyên. Điều này có nghĩa là làm cho Ấn Độ bị thương và mất máu vì vạn nhát cắt,” các chuyên gia Ấn Độ nói. Dĩ nhiên, có vấn đề ngấm ngầm cạnh tranh giành địa vị bá quyền khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng, theo Uday Bhaskar, điều chúng ta đang thấy đây cũng là một trường hợp của hai nước không tương thích về mặt triết học trên một số khía cạnh. Chế độ của Trung Quốc cai trị đất nước như một công ty tư nhân, trong khi Ấn Độ là một loại khác hoàn toàn. “Chính sự tồn tại vững chắc của Ấn Độ, với nền dân chủ thế tục, tính đa dạng và thực tế Ấn Độ đang thành công bất chấp nhược điểm của mình, đặt ra một thách thức đối với Trung Quốc. Thể chế, trong đó Ấn Độ tự giải thích, gồm hiến pháp với các nguyên tắc và giá trị của nó, và cách thức Ấn Độ quản lý tính đa dạng đang gây ra mối lo ngại lớn nhất cho Trung Quốc, vì nó bác bỏ hệ thống Trung Quốc. Điều đó đang đốt cháy gan ruột người Trung Quốc,” ông lập luận.

Rồi hai nước đông dân nhất trên hành tinh sẽ đối mặt với tương lai như thế nào? Liệu họ có thể sống bên nhau? Liệu đủ chỗ cho hai cọp trên một núi? Giống với các nhà phân tích khác mà chúng tôi tham khảo ý kiến​​, Uday Bhaskar thấy trước một tương lai hỗn loạn. Ông giải thích rủi ro tiềm tàng bắt nguồn từ cách thức Trung Quốc lý giải vị trí của họ trên thế giới: “Mục tiêu của Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu là mưu cầu thế đa cực; nhưng ở châu Á [Trung Quốc] muốn đơn cực. Đây là thách thức Ấn Độ phải đối mặt. Không thể tránh khỏi căng thẳng với Trung Quốc.” Và Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào? Chúng tôi hỏi ông. Trong câu trả lời của mình, ông dựa trên kiến thức về văn hóa chiến lược của tiểu lục địa. “Ngày nay, tại Ấn Độ mối quan tâm lớn nhất nảy sinh từ những tranh cãi chính trị, và có thể là môn cricket; chứ không phải vấn đề an ninh quốc gia. Ấn Độ sẽ phản ứng chậm chạp, sẽ không  vội vàng làm bất cứ điều gì… Nhưng nếu chúng tôi phải phản ứng, sẽ không đơn giản. Khi chúng tôi phản ứng, cần có thời gian, nhưng chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ,” ông cảnh báo. Do vậy, so sánh Ấn Độ với con voi không phải không đúng: “Nó mất thời gian để xoay chuyển. Nhưng một khi nó xoay, và nếu nó quyết định ngồi xuống, nó sẽ đặt sức nặng rất lớn [lên vấn đề].”

TRUNG QUỐC PHÔ DIỄN TÀU SÂN BAY ĐẦU TIÊN

Chúng tôi đã thấy bằng chứng của chiến lược xây dựng quan hệ tin cậy và hữu nghị ở Nam Á chủ yếu dựa trên sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, như được thấy rõ trong trường hợp của Nepal và Pakistan. Tuy nhiên, chiến thuật này không chỉ giới hạn ở hai quốc gia này. Bắc Kinh đang vươn vòi bạch tuộc khắp khu vực và đặc biệt vào các nước láng giềng của Ấn Độ, vốn đang cố giành giật các khoản đầu tư hàng triệu đô-la, hợp tác quân sự và sức mạnh quyến rũ ngoại giao. “Chiến lược vây hãm” này, như nó được gọi ở Ấn Độ, đã đưa Trung Quốc bắt đầu tiến vào Ấn Độ Dương, từ trước đến nay vốn nằm trong trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Bắc Kinh đã đầu tư vào cảng nước sâu Gwadar của Pakistan25 – ở lối vào eo biển chiến lược Hormuz và cách Iran chỉ 70 km – cũng như các cảng container ở Bangladesh, Maldives và Sri Lanka. Trung Quốc cũng nâng cấp cơ sở vật chất và hạ tầng ở quần đảo Coco quan trọng về mặt quân sự trong vùng biển Myanmar, cách biên giới Ấn Độ chỉ 18 km.26

Trung Quốc hi vọng đạt được điều gì? Có phải để cô lập đối thủ khu vực về mặt địa chính trị? Hay chỉ đơn giản nhằm tăng sức mạnh hải quân để bảo vệ các tuyến đường hàng hải của họ và từ đó, là lợi ích kinh tế? Dù câu trả lời là gì, sự xuất hiện đột ngột của Trung Quốc trong vùng biển bao quanh nó đã dẫn đến cuộc phản công tức thì từ New Delhi, quyết định dùng gậy Trung Quốc đập lưng Trung Quốc. Ấn Độ đã mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước từ Vịnh Ba Tư đến Thái Bình Dương, xây dựng quan hệ đặc biệt quan trọng – dù có phần mang tính biểu tượng – với Nhật Bản và Việt Nam, hai nước quan tâm nhất đến “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ có kế hoạch tăng số lượng tàu hải quân lên 145 chiếc trong mười năm tới, bổ sung ba tàu sân bay dự kiến đưa vào hoạt động trước năm 2017.  Điều này có thể được hiểu như là một tuyên bố ý đồ rõ ràng, đặc biệt trong điều kiện nước này có phần lớn dân số vẫn còn dưới mức nghèo đói.27

Nhìn lướt qua căng thẳng trong tương lai ở Ấn Độ Dương là một ví dụ tốt về điều nhà phân tích quân sự Ấn Độ Uday Bhaskar cảnh báo chúng tôi trong cuộc gặp: “Khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn, nó sẽ hành động quyết đoán hơn.” Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu độc đoán trong các vùng biển khác có tầm quan trọng địa chính trị lớn hơn nhiều đối với Bắc Kinh vào lúc này: Biển Đông. Có 25 phần trăm thương mại thế giới và khoảng 80 phần trăm nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi đi qua vùng biển này. Chính ở đây Bắc Kinh có một số tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với năm quốc gia trong khu vực về chủ quyền quần đảo Trường Sa,28 cũng như tranh chấp với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa.29Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc ư? Anh có thấy cách họ đang hành xử ở Biển Đông? Họ [các nước khác trong khu vực] đang thực sự chết điếng, như thỏ bị rọi đuốc vào mắt,” Bhaskar lập luận.

Nhà phân tích nhấn mạnh sự điệu võ giương oai hiện nay của Trung Quốc trong những vùng biển này, cũng như lệnh cấm đánh bắt đơn phương và áp lực đặt lên các công ty dầu mỏ nước ngoài buộc đình chỉ các hoạt động thăm dò nhân danh các nước khác. Kết quả là đối đầu giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu đánh cá Việt Nam hoặc Philippines thường xuyên xảy ra trong nhiều thập niên, gây ra xung đột ngoại giao liên tục và để lại nhiều chết chóc.30

Ngoài các hoạt động trên biển, cũng cần xem xét chiến thuật ngoại giao cưỡng bức của Bắc Kinh. Các chiến thuật này bắt đầu với hi vọng của Trung Quốc giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông – dựa trên chiến lược chia để trị Trung Quốc thường dùng – và kết thúc với sự gia tăng khả năng quân sự của hải quân Trung Quốc trong khu vực, nơi nó sử dụng đảo Hải Nam và các tàu ngầm hạt nhân làm vũ khí công phá chiến lược. Trong quan hệ và đàm phán ngoại giao xung quanh vấn đề này, Bắc Kinh chỉ chọn sử dụng một bản đồ có từ năm 1947 và một phiên bản khác năm 1935, cả hai đều được vẽ trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Bản đồ này được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi một cách mơ hồ gần như mọi thứ, dù không rõ là nó “chỉ” tuyên bố chủ quyền tất cả các đảo san hô trong đường chín đoạn hay mọi thứ bên trong đường này – mặt nước, đảo, tài nguyên và tất tần tật.

Trung Quốc chưa bao giờ giải thích phạm vi hoặc tầm quan trọng của bản đồ này, theo Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore. “Câu trả lời ngắn gọn là, chúng ta không biết [họ dựa trên cái gì], bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ giải thích bản đồ này có nghĩa là gì. Tôi dự hội thảo, lúc nào cũng nói chuyện với người Trung Quốc, và tôi nói: Cái này có nghĩa là gì? Tôi không bao giờ nhận được một câu trả lời. Tôi nghĩ điều đó là do họ chưa quyết định được nó có nghĩa là gì.” Tuyên bố chính thức Trung Quốc sử dụng hiện nay là: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo Biển Đông và vùng biển lân cận.” Tuy nhiên, chúng tôi đã khám phá lý do thực sự của sự im lặng chính thức của Trung Quốc về vấn đề này trong một gác xép ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô kinh tế của Việt Nam.

Để tìm hiểu các quốc gia liên quan khác nói gì về vấn đề này, chúng tôi đã sắp xếp gặp gỡ nhiều nhà sử học và chuyên gia Việt Nam hiện đang sống tại nước này. Một trong số đó là Nguyễn Đình Đầu, người đã dành nhiều thập niên tiến hành một nghiên cứu lớn về địa bạ, khám phá mọi nguồn từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đến kho lưu trữ bản đồ châu Á được các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vẽ vào thế kỷ thứ 16. Nguyễn Đình Đầu trải các bản đồ tuyệt vời này trong căn gác của mình, tất cả đều khẳng định lý thuyết của ông: Đế quốc Trung Hoa chưa bao giờ xem lãnh thổ phía nam hoặc phía tây đảo Hải Nam ở Biển Đông là của họ. “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào năm 1910, khi họ bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của đảo này. Tuy nhiên, trong các bản đồ trước đó do các nhà truyền giáo phương Tây vẽ, và ngay cả trong các bản đồ do chính đế quốc Trung Hoa vẽ, lãnh thổ phía nam của Trung Quốc kết thúc ở Hải Nam,” ông kết luận.

Vì vậy, khi Bắc Kinh không thể mang bất kỳ bằng chứng lịch sử hay pháp lý mạnh mẽ vào bàn đàm phán, họ thay vào đó bằng phô diễn sức mạnh quân sự hiện tại và trong tương lai của họ. Ở Đông Nam Á, điều này đang gây ra lo ngại thực sự, theo một nguồn tin cao cấp chúng tôi gặp tại Đài Loan. “Về mặt công khai, tất cả chúng tôi trong khu vực nói về thương lượng với Trung Quốc, nhưng khi các cánh cửa đóng lại chúng tôi yêu cầu hải quân Hoa Kỳ không nên rời xa quá.” Ian Storey tóm tắt cảm giác này với lời lẽ tương tự: “Trong khu vực có một cảm giác lo lắng ngày càng tăng về sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và đích đến của nó.” Những lo ngại ấy đã không được làm dịu đi bởi sự phô diễn công khai của Liêu Ninh (trước gọi là Varyag), tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hoạt động từ tháng 9 năm 2012.

Rõ ràng việc có được tàu sân bay tạo ra khác biệt hoàn toàn. Hải quân không có một tàu sân bay là hải quân phòng vệ; hải quân có tàu sân bay là hải quân chiến đấu sẵn sàng hành động. Nếu chúng ta cũng tính đến tốc độ tăng ngân sách quân sự của Trung Quốc trong thập niên vừa rồi,31 một phần trong đó đã dùng để tăng khả năng của hải quân, cũng như suy đoán Trung Quốc có thể chế tạo thêm một hay nhiều tàu sân bay “made in China,” rất dễ hình dung “con thỏ” bị tê liệt bởi cái trừng mắt của tàu chiến Trung Quốc. Nỗi lo lắng này không dành cho ý nghĩa quân sự của tàu sân bay Liêu Ninh: thực chất, nó vẫn chỉ là một món phế thải được nâng cấp của Ukraina có từ những năm 1980, định dùng làm sòng bạc nổi ở cảng Macao. Mà tầm quan trọng thực sự của nó hoàn toàn mang tính chính trị. Điều lo lắng thực sự ở đây là thông điệp rõ ràng mà Bắc Kinh gửi đi.

“Một tàu sân bay được sử dụng để triển khai sức mạnh trên toàn thế giới… Trung Quốc sẽ dùng [các tàu sân bay] để cho thấy sự hiện diện của họ trên Biển Đông, để cho thấy Trung Quốc là quốc gia thống trị ở đó, và họ có tàu sân bay để chứng minh điều đó. Không quốc gia nào ở Đông Nam Á có tàu ở gần cấp độ đó và sẽ không bao giờ có: nó quá đắt,” Storey giải thích. Bằng việc đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên của mình, Trung Quốc thông báo ý đồ trở thành “một cường quốc quân sự mạnh mẽ có tàu sân bay. Đó là một biểu tượng.”

Các chuyên gia quân sự giải thích con tàu mới của Trung Quốc đã không tạo nên quan tâm quá mức ở Washington, đặc biệt khi Hoa Kỳ có đến mười một tàu sân bay trong tay. Mỹ quan tâm nhiều hơn đến Đông Phong 21-D, tên lửa của Trung Quốc có khả năng đánh chìm tàu sân bay. Mặc dù chưa được thử nghiệm, tên lửa này là mối đe dọa nguy hiểm vì tầm bắn xa và cả vì khó phát hiện, ngăn chặn. Với việc tạo ra một kho vũ khí hải quân rốt cuộc sẽ có một hay nhiều tàu sân bay, tên lửa tầm xa chống tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, câu hỏi bao trùm là rất rõ ràng. Tại sao “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc cần có kho vũ khí lớn như vậy? Có phải một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là không thể tránh khỏi?

Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định trong khu vực nhiều hơn bất cứ nước nào khác, nhưng cũng nhanh chóng bảo vệ “lợi ích cốt lõi” trong ngoại vi biển của họ, từ Đài Loan đến quần đảo Trường Sa thông qua các tuyến đường biển và eo biển Malacca, một nút cổ chai nằm giữa Malaysia, Indonesia và Singapore vốn hết sức quan trọng đối với tuyến đường năng lượng kéo dài từ Trung Đông đến châu Á và châu Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ chia sẻ nhiều lợi ích ở Biển Đông và, rộng hơn, Thái Bình Dương, nơi cả hai đều ủng hộ ổn định, hòa bình và tự do lưu thông các tàu thương mại. Tuy nhiên, khát vọng địa chính trị và mục tiêu chiến lược của họ, với việc Washington quyết tâm ở lại trong khu vực mà nó đã được chào đón và Bắc Kinh muốn đóng vai trò thống trị trong vùng, có thể đe dọa các tuyên bố thiện chí này. Do đó chính ở những vùng biển này lợi ích của hai cường quốc có khả năng đi đến xung đột. Ba khu vực rủi ro bắt đầu xuất hiện: từ Bắc xuống Nam, đó là Bắc Triều Tiên, Đài Loan và các đảo biển Đông. Theo các chuyên gia, không nghi ngờ gì về điều này: căng thẳng đã hiển hiện. Rốt cuộc, quyền bá chủ Tây Thái Bình Dương đang bị đe dọa.

SỨ MỆNH: THU HỒI ĐÀI LOAN

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á lựa chọn chiến lược hai mặt, hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế trong khi vẫn nương tựa Hoa Kỳ về quân sự. Trong ván cờ này, Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong địa chính trị của khu vực. “Tỉnh nổi loạn,” như Bắc Kinh vẫn gọi hòn đảo này, thu lợi từ vị trí địa lý đặc biệt chỉ cách Trung Quốc lục địa 100 hải lý, nằm ngay trên tuyến đường hàng hải chở dầu từ Trung Đông đến Đông Bắc Á và Mỹ. Theo quan điểm của quân đội Hoa Kỳ, độ gần bờ biển Trung Quốc của Đài Loan biến nó thành một “tàu sân bay không thể chìm.” Tại Bắc Kinh, hiện trạng này được xem là gót chân Achilles an ninh quốc gia của nước này, vì nó cản trở sự phát triển chiến lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Ám ảnh với việc phục hồi sự toàn vẹn lãnh thổ đã có trước năm 1949, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành cuộc thập tự chinh không ngừng hướng tới thu hồi Đài Loan và thống nhất vĩnh viễn. Ngay cả sau sáu thập niên độc lập thực tế mà Đài Loan đã có được, kể từ khi những người theo chủ nghĩa dân tộc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo chạy sang Đài Loan sau khi thua cuộc chiến chống lại những người cộng sản và thành lập Trung Hoa Dân Quốc, sứ mệnh lịch sử của Bắc Kinh là thu hồi Đài Loan. Thu hồi Đài Loan cho nước mẹ rõ ràng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Đạt được điều đó sẽ là một bước quyết định hướng đến tái cân bằng sức mạnh với Mỹ và từ đó đảm bảo quyền bá chủ khu vực.

Để chiến thắng tỉnh nổi loạn này, Trung Quốc đang cho Đài Loan thấy những lợi ích kinh tế của việc hội nhập với thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời phô diễn sức mạnh quân sự được chuẩn bị để giải phóng Đài Loan nếu đảo này dám thực hiện một động thái sai lầm gây hoài nghi về vấn đề chủ quyền tương lai của nó. Kể từ khi thông qua đạo luật năm 2005 cho phép sử dụng vũ lực đối với Đài Loan nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc đã tăng đều đặn số lượng và tính năng của các tên lửa bố trí dọc bờ biển phía đông nam của mình, tất cả đều nhắm thẳng vào đảo này. Số liệu mới nhất được tình báo Đài Loan cung cấp ước tính có từ 1.600 đến 1.800 tên lửa hiện đang hướng vào Đài Loan, sẵn sàng khai hỏa vào ngày Đài Loan vượt qua giới hạn.32

“Đài Loan muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là lý do chúng tôi cảm thấy [quan hệ] hai bên của eo biển Đài Loan có ý nghĩa không chỉ đối với Đài Loan và Trung Quốc đại lục, mà còn cho cả khu vực về các mặt cân bằng khu vực và chiến lược, phát triển khu vực, và hòa bình và an ninh khu vực,” Thứ trưởng ngoại giao Đài Loan, David Lin, cho biết khi gặp chúng tôi tại Đài Bắc, thừa nhận thực tế quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh quan trọng hơn các vấn đề trong nước. Cho đến nay hòn đảo này – và rộng hơn, đồng minh Mỹ của nó – đã góp phần cân bằng sức mạnh trong vùng biển khu vực vốn cũng mang lại lợi ích tương tự cho các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Úc và Singapore, và các đối thủ tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, như Việt Nam và Philippines. Sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực đối trọng với sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc ở Đông Nam Á, như chúng ta đã thấy, là nơi đang diễn ra nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ.

“Trong khu vực này, kẻ thù thực sự của Trung Quốc đại lục là ai? Nhật Bản không phải là một cường quốc quân sự, Hàn Quốc cũng không. Không có mối đe dọa nghiêm trọng nào, thế nhưng Trung Quốc đại lục tiếp tục bành trướng hoạt động quân sự trong nhiều thập niên. Rất khó để hiểu được tâm lý này. Trung Quốc đại lục muốn trở thành một cường quốc khu vực, nhưng với nghĩa gì? Liệu Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn hay vẫn chân thật giữ cam kết phát triển hòa bình của mình? Đó là lý do Trung Quốc vẫn là mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định khu vực. Nhiều nước [Đông Nam Á] không muốn nói rõ ra vì có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng trong tâm trí họ vẫn xem bành trướng quân sự của Trung Quốc đại lục là mối đe dọa… Tôi hi vọng Trung Quốc đại lục có thể tiếp nhận thông điệp này của khu vực, để có thể thực hiện cam kết của họ [đối với an ninh trong khu vực]. Nhưng tôi không chắc… liệu Trung Quốc đại lục có thực hiện cam kết hay không,” Lin lập luận.

Vì những lý do hiển nhiên, Đài Loan là quốc gia chú ý nhất đến từng động thái của Bắc Kinh, cố gắng giải mã thông điệp của nước này đến từng chi tiết nhỏ. “Bắc Kinh muốn thế giới nghĩ họ sẽ sử dụng vũ lực. Chiến lược của họ là sẵn sàng, là hành động răn đe, nhưng tốt nhất không sử dụng vũ lực,” nguyên thứ trưởng quốc phòng, và giáo sư Đại học Georgetown, Chong-Ping Lin giải thích. “Tuy nhiên, Trung Quốc đã phát triển một chiến lược quan trọng mới, vượt ra ngoài các vấn đề quân sự. Lựa chọn tốt nhất là thu hồi Đài Loan mà không sử dụng vũ lực.” Một cách khả thi khác là hợp nhất hòn đảo vào lãnh thổ Trung Quốc thông qua con đường kinh tế. Trong thực tế, thương mại song phương đạt 75 tỷ đô-la trong nửa đầu năm 2012, trong khi ước tính Đài Loan đã đầu tư hơn 200 tỷ đô-la vào Trung Quốc đại lục, phần lớn để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị điện, lĩnh vực mà hòn đảo này giữ vị trí dẫn đầu.

Ngoài ra, hai nước đã thông qua một Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA) vào cuối năm 2010 để nới lỏng hạn chế thương mại song phương. Mục đích để thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư bằng cách giảm hay loại bỏ thuế quan cho hơn 700 sản phẩm. Khi Đài Loan đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng toàn cầu, công cụ pháp lý rất quan trọng này đưa Bắc Kinh và Đài Bắc xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Trong thực tế, có rất ít nghi ngờ về tầm quan trọng của ECFA: nó là điểm không thể quay lại trên con đường hướng tới hội nhập kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc. Có lẽ nó cũng có thể là bước tiến tới sự thống nhất chung cuộc của hòn đảo này.

Để hiểu ảnh hưởng của tất cả điều này lên quan hệ song phương, chúng tôi đã đến thủ đô Đài Loan vào cuối năm 2009, khi hiệp định đang được đàm phán sau những cánh cửa đóng kín và giới bình luận báo chí đang bó tay chịu sầu. Đây là những khoảnh khắc “ngọt ngào nhất” trong sáu thập niên quan hệ đầy biến động. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, lãnh đạo của Quốc Dân Đảng (KMT), người thay thế nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập Trần Thủy Biển của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) vào tháng 5 năm 2008, lên nắm quyền với quyết tâm xoay 180 độ và đảo ngược không khí căng thẳng và đối đầu cực độ đã thống trị eo biển Đài Loan trong hai nhiệm kỳ chính phủ trước đó. Chỉ một năm sau khi lên làm tổng thống, Mã đã thiết lập các chuyến bay thẳng hàng ngày giữa Trung Quốc và Đài Loan, đồng thời khôi phục quan hệ hải quân và bưu chính. Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc – từng đánh nhau trong cuộc nội chiến nổ ra năm 1927 và kết thúc năm 1949 – đã tăng cường quan hệ bằng các chuyến thăm, các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao và những nụ cười trên trang nhất các báo. Thậm chí đã có cả tin đồn về một cuộc gặp sắp xảy ra giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mã Anh Cửu. Những kẻ thù lịch sử dường như đã trở thành bạn bè tri kỷ.

ECFA là cốt lõi chính sách kinh tế của Tổng thống Mã Anh Cửu, vì ông hi vọng sẽ xây dựng lại quan hệ với Bắc Kinh dựa trên ba không: không đối đầu, không độc lập, và không tái thống nhất. Ngoài tác động của khủng hoảng kinh tế, Đài Loan thấy mình bị loại khỏi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ký kết giữa Trung Quốc và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do tình trạng cô lập ngoại giao quốc tế của hòn đảo. Hiệp định này có hiệu lực vào tháng 01 năm 2010, làm giảm khả năng cạnh tranh lập tức dẫn đến sụt giảm xuất khẩu của Đài Loan. Trong hoàn cảnh đó, Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu đã mang lại ECFA cho 23 triệu dân của quốc đảo như một bước quan trọng trong việc đưa Đài Loan thoát khỏi cuộc khủng hoảng và giảm thất nghiệp. Nói cách khác, nó được xem như là phương thức hoàn hảo để tránh tình trạng bị bóp nghẹt kinh tế.

“Đài Loan không thể bị loại khỏi FTA nhờ quan hệ với Trung Quốc,” Chun-Fang Hsu, Phó giám đốc Cục Ngoại thương giải thích khi chúng tôi gặp cô ở Đài Bắc. Chung-Fang phụ trách đàm phán hiệp định với chính quyền Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 9 năm 2010. “Chúng tôi không muốn bị gạt ra ngoài lề về mặt kinh tế khi thương mại trở thành toàn cầu. Và để tránh điều đó trước tiên chúng tôi cần một hiệp ước với Trung Quốc,” cô nói với chúng tôi, cho thấy ECFA ở một mức độ nào đó cũng là giấy thông hành của Đài Loan giúp làm giảm tình trạng cô lập quốc tế của nó. Chính phủ Đài Loan cho rằng các quốc gia tán thành chính sách “một Trung Quốc” – và vì thế từ chối công nhận Đài Loan như là một quốc gia có chủ quyền – sẽ từ chối ký FTA với hòn đảo này nếu không có một thỏa thuận trước đó với Trung Quốc.33 Một khi được phê chuẩn, ECFA sẽ mở rộng cửa cho các thỏa thuận song phương giữa Đài Loan và các nước khác, điều cho đến nay vẫn chưa xảy ra.34

Hiệp định đã chia rẽ hơn nữa xã hội Đài Loan vốn từ trước đến nay luôn phân cực cực độ trong vấn đề này. Trong khi người Đài Loan hài lòng với các quan hệ thương mại được củng cố với Trung Quốc do những cơ hội mà các bên tạo ra, họ cũng rất thận trọng với các tác dụng phụ tiềm ẩn của những quan hệ này. Một mặt, người ta sợ rằng với việc mở cửa 250 lĩnh vực của Đài Loan cho đầu tư Trung Quốc, có cả một số lĩnh vực nhạy cảm như lĩnh vực vi điện tử, Đài Loan có thể dễ bị lấy trộm bí quyết kỹ thuật quốc gia, vốn được cho là tài sản lớn nhất của nền kinh tế mà sức sống và thành công của nó đã khiến Đài Loan được xem là một trong những “con hổ châu Á” làm lóa mắt thế giới. Mặt khác, có một số lo ngại rằng sự xuất hiện của các sản phẩm Trung Quốc không bị đánh thuế nhập khẩu sẽ làm sụp đổ một số ngành công nghiệp của Đài Loan. Tuy nhiên, e ngại lớn nhất về hiệp định liên quan đến tác động tiềm ẩn có thể có đối với sự độc lập tối hậu của Đài Loan, cho dù thực sự hay chỉ là hình thức. Làm thế nào Đài Loan đảm bảo hội nhập kinh tế mà sẽ không làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với hòn đảo, điều có thể dẫn đến, trong giai đoạn hay lâu dài, sự đồng hóa cuối cùng? Hoặc, nói cách khác, Đài Loan sẽ phải trả một cái giá chính trị về việc tái thống nhất?

“Chúng tôi nghĩ chính quyền của chúng tôi rất ngây thơ,” Bi-Khim Hsiao, phát ngôn viên của nhóm đối lập chính, DPP ủng hộ độc lập, cho biết. Sự nguy hiểm của ECFA là Đài Loan “có nguy cơ thực sự trở thành một phần phụ của Trung Quốc, bởi vì chúng tôi sẽ dễ bị tổn thương hơn nhiều trước sức ép.” Trong mắt của Đảng đối lập và một số thành phần trong xã hội Đài Loan, cũng như ý kiến ​​của các nhà quan sát bên ngoài như cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, hiệp định được xem là một bước không thể sửa đổi hướng đến tái thống nhất.35 “Đối với nhà lãnh đạo Đài Loan, Mã Anh Cửu, ECFA có ích trong ngắn hạn giúp ông tái đắc cử [điều ông đã đạt được vào tháng 1 năm 2012]. Đối với Bắc Kinh, nó phục vụ mục đích riêng của họ về thống nhất đất nước,” giáo sư Chong-Pin Lin lập luận.

“Năm 2004, sau khi rời vai trò thứ trưởng quốc phòng Đài Loan, tôi đã có bài phát biểu tại một hội nghị về công nghiệp quốc phòng ở Mỹ. Điểm chính trong bài phát biểu của tôi là Bắc Kinh đã phát triển một đại chiến lược mới, được xác nhận sử dụng những phương tiện ngoài sức mạnh quân sự thuần túy. Tôi đã phát biểu rằng Bắc Kinh sẽ tập trung sử dụng kinh tế và văn hóa. Người ta đã cười nhạo tôi… Trung Quốc đã hiểu rằng mua và thâu tóm Đài Loan dễ dàng hơn là tấn công nó. ECFA là ví dụ điển hình của điều này. Nó là một bước rất quan trọng theo hướng đó.”

SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGƯỜI BỊ BẮC KINH CĂM GHÉT

Ngày 20 tháng 5 năm 2008, chỉ một giờ sau khi rời văn phòng tổng thống của nước Trung Hoa Dân Quốc, Trần Thủy Biển, người đã cai trị hòn đảo kể từ chiến thắng lịch sử của ông vào năm 2000 với tư cách  ứng cử viên DPP đối lập, được thông báo ông bị cấm rời khỏi Đài Loan và một cuộc điều tra đã được mở do cáo buộc ông tham nhũng trong nhiệm kỳ của mình. Đó là cách Trần, người vừa bị mất quyền bất khả xâm phạm của tổng thống sau cuộc bầu cử đầu tiên của Tổng thống Mã Anh Cửu, bắt đầu cuộc trượt dốc đầy bi kịch rơi xuống địa ngục do cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và nhận hối lộ vốn cũng liên quan đến vợ, Ngô Thục Trân, và con rể của ông. Vài tháng sau ông chính thức bị văn phòng công tố buộc tội, và ngày 11 tháng 9 năm 2009, ông trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Đài Loan bị vào tù. Ban đầu ông bị án chung thân, nhưng sau đó được giảm do kháng cáo xuống còn 18 năm tù, hiện ông đang thụ án. Người bị Quốc Dân Đảng Đài Loan và Đảng Cộng sản Trung Quốc căm ghét – chính trị gia đã dám lật đổ một Đảng và thách thức Đảng kia – đã vĩnh viễn bị loại bỏ.

Chiến thắng bầu cử năm 2000 của vị luật sư và là người bảo vệ những người bất đồng chính trị trong thời kỳ thiết quân luật trên hòn đảo là một cột mốc lịch sử đối với nền dân chủ Đài Loan non trẻ, vốn chỉ được tổ chức các cuộc bầu cử đa Đảng đầu tiên vào năm 1996. Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp dưới, người đàn ông tự lập này đã bị kết án một năm tù vì tội phỉ báng trong thời thiết quân luật, là tổng thống đầu tiên của Đài Loan không phải Đảng viên Quốc Dân Đảng, do đó đã phá vỡ năm mươi năm nắm quyền bá chủ của những Đảng viên Quốc Dân Đảng quyền lực. Ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất của hòn đảo, không chỉ vì ông kiên định phản đối “nguyên tắc một Trung Quốc,” mà còn do các cáo buộc tham nhũng, làm hỏng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông từ năm 2004.

Trần đã trở thành một chiến sĩ nhiệt huyết vì độc lập của Đài Loan, ủng hộ một cuộc trưng cầu để tuyên bố độc lập một cách hợp pháp cho hòn đảo, làm căng thẳng leo thang giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. “Bắc Kinh rất không hài lòng, nhưng không nói gì với Đài Bắc. Bắc Kinh tới Washington và cảnh báo người Mỹ: “Nếu các ông không kiềm chế Trần Thủy Biển, thì chúng tôi sẽ phải tự giải quyết lấy vấn đề.”… Kết quả là, từ tháng 6 năm 2007 đến tháng 2 năm 2008, 12 cảnh báo [chống lại việc tuyên bố độc lập] được gửi từ Washington đến Đài Bắc,” giáo sư Chong-pin, từng làm việc trong chính phủ của Trần, giải thích.36

Ở Đài Bắc, chúng tôi đi gặp Tao Liu, cánh tay phải và người viết diễn văn của Trần. Trong văn phòng của mình tại Quỹ Ketagalan, Tao giải thích ông – cùng với một phần của xã hội Đài Loan – tin rằng, dù các cáo buộc pháp lý tội tham nhũng đối với Trần có “cơ sở nào đó về việc vi phạm luật lệ,” chúng thực sự là một phần của một âm mưu chính trị nhằm loại Trần khỏi chính trường.37 “Điều xảy ra với Trần là một hành động trả thù chính trị chủ yếu nhằm chống lại ông. Ông đã đánh bại Quốc Dân Đảng, và sau tám năm bị loại khỏi quyền lực Quốc Dân Đảng đã trở lại và họ muốn trả thù. Cá nhân tôi nghĩ nếu cùng các tiêu chuẩn đã áp dụng với Trần áp dụng cho bất kỳ đảng phái chính trị nào khác, thì không một ai có thể tồn tại với mức độ giám sát đó,” Tao đoan chắc với chúng tôi, đề cập đến luật hạn chế chi phí cho các chiến dịch chính trị và việc sử dụng quỹ công đặc biệt cho phép các tổng thống quyết định sử dụng một số tiền nhất định mà không cần phải giải thích.

“Tham nhũng là cáo buộc rất tiện lợi nếu người ta muốn tiêu diệt ai đó. Trong hai mươi hay ba mươi năm qua, Quốc Dân Đảng đã cáo buộc các chính trị gia ủng hộ độc lập là cực đoan hay thiếu tinh thần trách nhiệm. Sau đó, họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ “tham nhũng.” Ở Trung Quốc, tham nhũng thường xuyên được sử dụng để tấn công kẻ thù. Tổng thống Trần chắc chắn rằng Trung Quốc liên can đến vụ án của ông, nhưng ông không có bằng chứng.” Điều Tao Liu ám chỉ rất rõ ràng: bất chấp Trần có dính líu đến vụ lạm chi công quỹ hay không, cựu tổng thống là nạn nhân của một cuộc tấn công chính trị.

Dù Trần đã ở tù kể từ khi ông bị kết án, bất chấp những đồn thổi trong năm 2012 về sức khỏe xấu đi của ông, chúng tôi hỏi Tao liệu ông có thể sắp xếp cho chúng tôi tiếp xúc cựu tổng thống để có thể nghe ý kiến của ông về các sự kiện. “Đưa những câu hỏi cho tôi, tôi sẽ xem liệu có thể làm được gì,” Tao trả lời. “Ông ấy bị canh giữ rất chặt.” Vài tháng sau, qua thư điện tử Tao gửi cho chúng tôi một tài liệu viết tay (có đóng dấu) và một tài liệu đánh máy bản trả lời của Trần bằng chữ quan thoại, một phần được trích dẫn ở đây:

Ngày 11 tháng 11 năm 2008, tôi đến văn phòng điều tra và phát biểu như sau: “Hôm nay tôi sẽ đến ngục Bastille của Đài Loan… vì tôi là trở ngại lớn nhất đối với quá trình thống nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc lục địa từ sự hợp tác của Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Cộng sản Trung Quốc… Tôi đã bị hiến tế để làm dịu cơn thịnh nộ của Trung Nam Hải [trụ sở của chính phủ Trung Quốc].” Quá trình điều tra đã cho thấy rất rõ chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau tất cả chuyện này, với mục đích trừng phạt tôi vì đã từ chối “nguyên tắc một Trung Quốc” và giáng một đòn mạnh vào các nhà chính trị ủng hộ độc lập bằng cách dùng tôi như một ví dụ. Không có gì bí mật trong chuyện này; tất cả đều là sự việc có thực…

Tháng 7 năm 2008, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lập kế hoạch phê duyệt chiến lược chính trị để giải quyết vấn đề Đài Loan. Kế hoạch nhằm mục đích tấn công Trần và cộng tác viên thân cận nhất của ông, vì họ tin rằng một cuộc tấn công chống lại Trần và các đồng minh của ông sẽ lan rộng ra khắp bộ phận tư tưởng của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và làm cho DPP bị cuốn vào vào tình trạng hỗn loạn tư tưởng trong một thời gian dài, ngăn cản họ tiến tới độc lập và từ đó làm giảm áp lực lên Quốc Dân Đảng… với mục đích giải quyết vấn đề Đài Loan trước năm 2012 [ngày bầu cử tổng thống Đài Loan với thắng lợi của Quốc Dân Đảng]…

Tôi không nhận tội theo các cáo buộc mà những điều tra viên đã đưa ra để chống lại tôi, hoặc theo phán quyết của tòa án. Nếu tôi có tội gì, đó chính là tội làm “tổng thống Đài Loan,” tội chống lại “nguyên tắc một Trung Quốc” và tội đấu tranh để “Đài Loan và Trung Quốc, hai nước ở hai bờ Eo biển Đài Loan,” là những gì vi phạm Luật chống ly khai do Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 14 tháng 3 năm 2005, …

Tôi đã bị hiến tế trong sự hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng để kết liễu đảng ủng hộ độc lập (DPP). Chỉ có hai người trên thế giới có thể tước quyền lực của Quốc Dân Đảng: một người là Mao Trạch Đông và người kia là Trần Thủy Biển. Tuy nhiên, hiện nay Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển từ gây chiến, đối phó và tranh cãi sang hòa giải và hợp tác, tôi là trở ngại lớn nhất đối với quá trình thống nhất, vì thế tôi là người phải được loại bỏ càng sớm càng tốt. Đối với Quốc Dân Đảng, tội lỗi của tôi là “đánh cắp quyền lực” [đề cập đến việc ông thắng cử năm 2000], theo truyền thống Trung Quốc là tội đáng bị tử hình. Đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tôi là kẻ phản bội lớn nhất của dân tộc Trung Hoa…

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia, Đài Loan không được hạ mình trở thành một phần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như một đặc khu hành chính… Kẻ thù của DPP không ở bên trong Đài Loan; Quốc Dân Đảng chỉ là một đối thủ cạnh tranh. Đảng Cộng Sản Trung Quốc mới là kẻ thù thực sự.

Trần Thủy Biển, ngày 23 tháng 1 năm 2011

Tháng 7 năm 2011, một cựu tổng thống Đài Loan khác bị buộc tội biển thủ công quỹ với giá trị 7,8 triệu đô-la. Văn phòng công tố đã bắt đầu điều tra Lý Đăng Huy, tám mươi tám tuổi, một nhân vật chính trị tiêu biểu trong lịch sử dân chủ của Đài Loan, cáo buộc sử dụng sai công quỹ trong nhiệm kỳ của ông (1988-2000). Thật kỳ lạ, cáo buộc tham nhũng trùng hợp với các cuộc đụng độ của ông Lý với Tổng thống Mã, người ông chỉ trích trong những năm gần đây do quan hệ của ông này với Bắc Kinh ngày càng tăng. Tất cả điều này làm tăng đồn đoán về một âm mưu của Đài Loan chống lại những nhân vật phản đối chính sách đẩy mạnh trục Đài Bắc – Bắc Kinh của Tổng thống Mã.

TÌNH TRẠNG CÔ LẬP QUỐC TẾ CỦA ĐÀI LOAN

Trong khi quan hệ ngày càng phát triển giữa Đài Bắc và Bắc Kinh và sự gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc cho phép xuất hiện một kịch bản địa chính trị mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề Đài Loan cũng mang lại cho Bắc Kinh một vài thắng lợi ngoại giao quan trọng. Cho đến đầu những năm 1970, Đài Loan được đại diện tại các tổ chức như Liên hợp quốc – nơi quốc đảo này chiếm vị trí hiện nay của Trung Quốc – và được nhiều nước công nhận, kể cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giờ đây không còn chiến tranh lạnh và Trung Quốc đang ngày càng hội nhập vào chính trường quốc tế, trừ Vatican và 22 quốc gia ít có trọng lượng quốc tế ủng hộ sự nghiệp theo đuổi độc lập của Đài Bắc, chủ yếu do lợi ích kinh tế có được từ lòng trung thành của họ mang lại chứ không phải vì động cơ ý thức hệ. Malawi là quốc gia cuối cùng phản phé vào tháng 1 năm 2008, nhưng chiến thắng quan trọng nhất gần đây đối với chính quyền cộng sản chắc chắn là quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan của Costa Rica vào năm 2007.

Quốc gia Mỹ La-tinh này có tầm quan trọng gấp đôi. Thứ nhất, bằng cách đảm bảo lòng trung thành của Costa Rica, Bắc Kinh lần đầu tiên đã đột nhập vào Trung Mỹ, khi đó vẫn là thành trì của Đài Loan. Thứ hai, quyết định thiết lập quan hệ với nước Trung Quốc cộng sản đã được xác nhận bởi Óscar Arias, tổng thống Costa Rica và là người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1987, làm tăng thêm uy thế cho sự kiện này. Vì thế, Bắc Kinh cố gắng có được sự công nhận ngoại giao của nước dân chủ nhất ở Trung Mỹ, đặt nền móng cho việc tạo ra hiệu ứng domino trong khu vực để có thể giáng đòn kết liễu sự ủng hộ quốc tế dành cho Đài Loan vốn đã mong manh.

Một biểu tượng của tình hữu nghị mới giữa San José và Bắc Kinh được thấy ở công trình Sân vận động Quốc gia 35.000 chỗ ngồi gần đây của Costa Rica, xây dựng trên đống đổ nát của sân bay cũ. Việc xây dựng do công ty nhà nước Trung Quốc An Huy Wai Jing thực hiện – không phải không có xung đột, như chúng ta đã thấy trong Chương 5 – sau khi Bắc Kinh đồng ý cung cấp 90 triệu đô-la cần có để xây dựng sân vận động như một phần của gói viện trợ cho Costa Rica đổi lấy việc chấm dứt quan hệ với Đài Loan.

Chúng tôi đã đến Costa Rica vào cuối năm 2010 để tự mình xem xét cách thức mọi thứ phát triển giữa San José và Bắc Kinh kể từ khi mối quan hệ được thiết lập. Tại Đài Bắc các đại sứ của Honduras và Cộng hòa Dominica đã bảo đảm với chúng tôi, dù không thuyết phục lắm, đất nước của họ duy trì quan hệ với Đài Loan vì những lý do cao quý, như bảo vệ nhân quyền. “Chúng tôi chia sẻ các giá trị dân chủ và chúng tôi tin tưởng ở họ. Đó là lý do chúng tôi ủng hộ họ, không phải vì ngoại giao đô-la, cũng không phải vì sự giúp đỡ Đài Loan dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã không đi với người trả giá cao nhất,” đại sứ Honduras, Marlene Villela, quả quyết với chúng tôi tại tòa nhà ở ngoại ô Đài Bắc nơi đặt trụ sở của tất cả cơ quan ngoại giao. Nếu đó là sự thật, tại sao một người đoạt giải Nobel quyết định phá vỡ quan hệ với Đài Loan dân chủ để bắt tay với chế độ độc tài Trung Quốc cộng sản? Ai bắt đầu trước? Phản ứng của các nước khác trong khu vực là gì? Trung Quốc đã có động thái gì ở hậu trường để đảm bảo sự ủng hộ ngoại giao của San José?

Để tìm câu trả lời, chúng tôi sắp xếp gặp Óscar Arias. Viên trợ lý mở cửa ngôi nhà của ông, thật lạ, nằm ngay ​​đối diện đại sứ quán Trung Quốc mới mở cửa gần đây. Trong ngôi nhà sang trọng, trang trí đồ nội thất thời thượng, những binh sĩ bằng đất nung và các kệ đầy sách, nhiều bức ảnh làm rõ những bạn bè đã có của Arias trong sự nghiệp chính trị lâu dài và uy tín của chủ nhân: Bill Clinton, Lula da Silva, Nelson Mandela. Trên bàn trong phòng khách, nhìn ra một khu vườn yên tĩnh, đặt một cuốn hồi ký của Tony Blair. Mười lăm phút sau, Arias  xuất hiện trông nghiêm nghị và lịch sự khi ông ngồi vào ghế sofa.

“Một đất nước nhỏ như nước chúng tôi bị chê trách là mua bán, là con buôn bẩm sinh,” ông bắt đầu, khi chúng tôi hỏi tại sao ông quyết định thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Ông tiếp tục diễn giải John Maynard Keynes: “Khi thực tế thay đổi, người ta phải thay đổi,” ông giải thích để biện minh sự xoay trục trong chính sách ngoại giao của Costa Rica. “Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình [1986-1990], tôi đã muốn cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, nhưng tôi đã chiến đấu trên quá nhiều chiến trường và thêm một chiến trường nữa sẽ là vượt ngưỡng.” Do đó trước khi đưa ra quyết định ông đã phải chờ đến nhiệm kỳ thứ hai của mình (2006-2010), vốn đòi hỏi một cuộc cải cách hiến pháp ở nước này, vì cho đến lúc đó mỗi ứng cử viên chỉ được phép một nhiệm kỳ tổng thống. “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Costa Rica. Điều đó nói lên tất cả những gì cần phải nói về lý do tại sao chúng tôi phải thiết lập quan hệ. Không thể quay lưng với Trung Quốc. Người dân bầu anh lên để lãnh đạo, không phải để hưởng thụ.”

Khi biện minh cho quyết định chính trị của mình, Arias không quên đề cập Đài Loan, mà ông chỉ trích “viện trợ keo kiệt.” Ông đảm bảo với chúng tôi ông không bao giờ đi Đài Loan để xin tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình, còn các ứng cử viên khác được cho đã làm điều đó, không riêng ở nước ông mà khắp khu vực này. Có phải điều đó có nghĩa là Trung Quốc không đưa ra đề nghị gì đổi chác? “Người đàm phán, Bruno Stagno, là người biết cặn kẽ vấn đề đó,” ông nói với chúng tôi, lảng tránh câu hỏi. Arias đã bảo vệ những lý do trí tuệ khiến ông ngã mình vào vòng tay của Trung Quốc, nhưng ông không muốn đi vào chi tiết. Do Arias là một bậc thầy trong nghệ thuật né tránh câu hỏi, chúng tôi nghĩ cuộc trao đổi đã kết thúc. Vì thế, chúng tôi đi gặp Bruno Stagno, cựu bộ trưởng ngoại giao.

“Thời điểm chính diễn ra vào ngày 18 tháng 5 năm 2006,” Stagno kể với chúng tôi tại nhà riêng của ông ở San José. “Mexico mời tôi ăn tối tại thủ đô Mexico có mặt tất cả các nước Trung Mỹ trừ El Salvador. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh đã ở đó. Tôi ngay lập tức nhận ra tất cả các nước có mặt đang thảo luận với Trung Quốc về việc thiết lập quan hệ.” Một chi tiết nhỏ cho thấy Trung Quốc đặc biệt quan tâm thiết lập quan hệ với Costa Rica. “Tại một thời điểm trong bữa ăn, ông ấy [Lý] ​​quay sang tôi và nói bằng tiếng Pháp, “Cả hai chúng ta đều yêu Paris và đó là lý do khiến tôi nghĩ rằng thủ đô nước Pháp sẽ là nơi hoàn hảo để đàm phán thiết lập quan hệ song phương.” Tôi lập tức hiểu rằng ông ta biết tất cả về chính phủ chúng tôi. Ông ấy biết tôi đã kết hôn với một phụ nữ Pháp và học ở Pháp. Tôi hiểu rằng quá trình đàm phán thực sự đã bắt đầu rồi, vì tôi không tin rằng có bộ trưởng nào khác ở đó nói tiếng Pháp và có thể hiểu được những gì ông ấy nói với tôi.”

Ngay sau đó quá trình đàm phán bắt đầu, mà theo Stagno, bị Đài Loan bí mật theo dõi. “Họ cố gắng gây ảnh hưởng lên báo chí Costa Rica bằng cách tặng máy in và mời các nhà báo đi Đài Loan. Đài Bắc biết rằng nếu mất sự ủng hộ của Costa Rica, Đài Loan có thể bị đánh bại trong cuộc chiến ngoại giao.” Sự “phản bội” này, như trong mắt của Đài Bắc, cuối cùng đã diễn ra tại Bắc Kinh vào lúc 2 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm 2007, sau ba vòng đàm phán. Khi Trung Quốc kéo cao lá cờ đỏ ở Trung Mỹ, “hòn đảo nổi loạn” hiểu rõ nước cờ này là đòn nốc ao ngoại giao dành cho mình. Để đạt được điều đó, Trung Quốc đã phải mang 430 triệu đô-la đặt lên bàn: 30 triệu đô-la tiền mặt, 300 triệu đô-la mua trái phiếu kho bạc Costa Rica, và 100 triệu đô-la dưới hình thức hàng hóa Trung Quốc trao tặng (gồm cả Sân vận động Quốc gia).38

Đúng như Đài Loan đã lo sợ, quyết định của Costa Rica đã tác động mạnh mẽ lên các chính phủ Trung Mỹ khác. Các nước như Panama, Nicaragua và El Salvador bắt đầu cho thấy sẵn sàng theo con đường mà San José đã đi tiên phong bằng cách công nhận Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó Bắc Kinh đã ngưng tiếp nhận mới vào câu lạc bộ các nước thề mãi mãi trung thành với Trung Quốc để tránh hủy hoại quan hệ với Đài Bắc.39 Với sự thay đổi chính sách gần đây của Đài Loan và với việc Trần Thủy Biển biến khỏi chính trường, các vụ cắt đứt quan hệ ngoại giao mới sẽ gây làn sóng bất bình ở Đài Loan có khả năng làm chệch hướng đàm phán về ECFA hay làm hỏng tuần trăng mật bắt đầu diễn ra giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Vì vậy, sau khi đánh nước cờ đầu tiên chính Trung Quốc đã kết thúc hiệu ứng domino một cách ngược đời. Cuộc chiến quốc tế và ngoại giao đã giành được thắng lợi: có vẻ như một thỏa thuận ngưng chiến tạm thời là hợp lý nếu mục tiêu cuối cùng là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc.

Bruno Stagno đánh giá tích cực đối với quan hệ giữa nước ông và Trung Quốc trong vài năm qua, dù ông thừa nhận các quan hệ song phương có những thách thức của chúng. “Giờ đây Nhật Bản và Hàn Quốc đối xử với chúng tôi nghiêm túc hơn,” ông bảo đảm với chúng tôi, cho rằng mối quan hệ với Bắc Kinh đã giúp cải thiện vị thế quốc tế của Costa Rica. Tuy nhiên, ông thừa nhận “Costa Rica đã mất một số tự do” về chính sách đối ngoại của mình, khi đề cập đến các vấn đề như Tây Tạng hay nhân quyền. “Tuần trăng mật không kéo dài mãi,” ông kết luận. “Các công ty Trung Quốc sẽ phải thích ứng với các tiêu chuẩn địa phương. Chúng tôi luôn nói với Trung Quốc đừng phạm những sai lầm giống Đài Loan,” ông giải thích, ý nói đến vụ bê bối thị thực liên quan công trình xây dựng Sân vận động Quốc gia (đã nêu ở Chương 5).

PHONG BÌ MUA NHÀ BÁO

Có lẽ những “sai lầm” được Stagno đề cập có điều gì đó liên quan đến những tình tiết trải nghiệm của ít ra hai nhà báo Costa Rica của tờ báo La Nación. Tờ báo khổ lớn này, một trong những tờ báo uy tín nhất nước, đã theo dõi chặt chẽ quan hệ giữa San José và Bắc Kinh và vì thế đã tường thuật ngắn gọn các cuộc biểu tình do nhóm tâm linh Pháp Luân Công – một nỗi ám ảnh khác của chế độ Trung Quốc, vốn bị cấm và đàn áp ở Trung Quốc – diễn ra ở thủ đô Costa Rica ngay trước chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến nước này vào tháng 11 năm 2008.

“Một ngày nọ một nhà báo Trung Quốc gọi điện cho tôi và nói tên của ông là Jia Zechi. Ông nói với tôi ông là phóng viên trưởng ở Mexico của báo Wenhui và ông ở San Jose vài ngày. Ngay từ đầu ông đã thể hiện sự quan tâm tìm hiểu bầu không khí xung quanh chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào, đặc biệt về các cuộc biểu tình có khả năng xảy ra của các nhóm chỉ trích chế độ Bắc Kinh. Chúng tôi sắp xếp ăn tối để trò chuyện về điều đó,” một người trong hai nhà báo của tờ La Nación nói với chúng tôi ở thủ đô Costa Rica. “Chúng tôi gặp nhau tại nhà hàng của khách sạn Grano de Oro, gần Paseo Colón. Ít nhất sáu người gốc Trung Quốc bước vào nhà hàng trong chừng mười phút. Jia là một thanh niên, khoảng ba mươi tuổi, và ăn mặc bình thường.

“Anh ta ngay lập tức bắt đầu hỏi tôi về nhóm Pháp Luân Công và anh kể cho tôi cuộc đấu tranh với nhóm này theo quan điểm của Trung Quốc. Sau đó chúng tôi nói về Tây Tạng, cũng theo quan điểm của nhà nước này, và rốt cuộc chúng tôi không nói bất cứ điều gì về quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Costa Rica, là nội dung mà ngay từ đầu anh ta nói là muốn trao đổi. Anh ta chỉ ghi chép một lần, khi tôi kể cho anh ta hình thức và số lượng người Pháp Luân Công biểu tình. Trong suốt cuộc trò chuyện tôi bắt đầu cảnh giác với vài người có vẻ là người Trung Quốc, những kẻ rảo quanh nhà hàng và những kẻ đã chuyển bàn ít nhất một lần,” người cung cấp tin cho chúng tôi nhớ lại, lúc đó anh ta đã bắt đầu nghi ngờ Jia không phải là nhà báo như đã xưng.

“Khi tôi chuẩn bị rời đi, anh ta nói có món quà cho tôi. Anh ta nói đùa về chuyện người Trung Quốc luôn tặng trà như một món quà và lấy ra một gói màu đỏ mà anh ta nói đựng trà xanh đặc biệt. Khi tôi đã đứng dậy khỏi bàn, Jia nói thêm anh ta có “một thứ khác” cho tôi, vì hiểu rằng tôi đã làm việc thêm giờ khi gặp và cung cấp thông tin cho anh ta. Anh ta lập tức lấy ra một phong bì màu trắng để mở, tôi có thể nhìn thấy tiền mặt trong đó. Chúng trông giống như những tờ 50 đô-la và tôi nghĩ không dưới 15 tờ [750 đô-la].

“Ngay lập tức tôi từ chối món quà, đưa ra những lý do cá nhân và đạo đức căn cứ theo chính sách của tờ báo và đạo lý thông thường, vì tôi cảm thấy tôi không làm việc cho bất cứ ai vào lúc đó. Anh ta cố nài, biện lẽ “người Trung Quốc chúng tôi không quen với việc bị từ chối quà tặng của mình” và “đừng lo, đây không phải ngân phiếu, chỉ là tiền mặt.” Anh ta cố làm cho tôi cầm lấy phong bì và nhìn vào xấp tiền, và nói rõ nếu tôi không hài lòng với số tiền đó thì trong tương lai sẽ trả nhiều hơn. Ngay lập tức, tôi rút tay mình khỏi bàn. Tôi đã nhận ra bên ngoài nhà hàng có hai người đàn ông Trung Quốc chuẩn bị chụp ảnh tôi ngay khi tôi chạm vào phong bì. Khi tôi tiếp tục từ chối, Jia đứng dậy và bỏ đi.”

Comments are closed.