Diễn văn của Mahatma Gandhi tại Trường Cao Đẳng Huấn Luyện về Montessori

Nghiêm Phương Mai dịch

clip_image002

Mohandas K. Gandhi. London ( tháng 10, 1931)

Bác sĩ Maria Montessori gặp Mahatma Gandhi vào đầu tháng 10, 1931 ở London. Và ngày 28 tháng 10, 1931 Gandhi có buổi nói chuyện tại Trường Cao Đẳng Huấn luyện về Montessori, ở London, nơi Bác sĩ Montessori cũng có mặt tại đó. Bài này là bản văn của Diễn văn của Gandhi, được đăng trên tuần báo, Ấn Độ Trẻ, ngày 19 tháng 11, 1931.

***

Thưa Bà, những lời nói của bà đã làm tôi choáng ngợp. Hoàn toàn đúng là tôi phải nhìn nhận với sự khiêm tốn rằng mặc dù xem ra thì không có điều gì liên quan đến, nhưng tôi đã cố gắng thể hiện tình yêu thương trong từng thớ sợi của bản thể của tôi. Tôi nóng lòng thể hiện sự hiện diên của Đấng đã tạo ra tôi, Đấng mà đối với tôi, là hiện thân của Chân Lý, và trong buổi khởi đầu của sự nghiệp của tôi, tôi đã khám phá rằng nếu tôi phải thể hiện Chân Lý, tôi phải tuân phục luật lệ của tình yêu, dù phải trả giá bằng cả chính tính mạng của mình. Và do được cái ân phước là có con cái, tôi đã khám phá ra rằng luật lệ của Tình yêu có thể được thấu hiểu và học được dễ nhất là thông qua các đứa trẻ thơ.

Nếu không phải là tại chúng ta, các bậc phụ huynh ngu dốt đáng thương của chúng, có lẽ con cái của chúng ta chắc hẳn sẽ hoàn toàn thơ ngây. Tôi mặc nhiên tin rằng đứa trẻ khi mới sinh ra, nó không ngỗ nghịch, theo nghĩa xấu của cái từ. Nếu chính cha mẹ biết hành xử đúng đắn trong lúc đứa con đang lớn, trước khi và sau khi nó sinh ra, người ta biết rất rõ rằng đứa trẻ, một cách trực cảm, sẽ tuân theo các qui luật của Chân Lý và của Tình Yêu.

Và khi tôi đã hiểu cái bài học này ở thuở ban đầu của cuộc đời của tôi, tôi đã bắt đầu dần dần có sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống. Tôi không đề nghị mô tả cho bà nghe về nhiều giai đoạn của cuộc đời sóng gió mà tôi đã trải qua, nhưng tôi chỉ có thể , trong sự thật và sự hoàn toàn khiêm cung, minh chứng cho sự thực rằng tùy theo mức độ mà tôi đã thể hiện Tình yêu trong cuộc đời của tôi, trong tư tưởng, lời nói và hành động, tôi đã ngộ ra được “sự bình an vượt qua mọi sự hiểu biết“. Tôi đã làm cho nhiều bạn bè của tôi kinh ngạc khi họ để ý thấy sự bình an, mà họ từng ao ước, trong con người tôi, và họ đã hỏi tôi về cái nguyên do của sự sở hữu vô giá đó. Tôi đã không thể giải thích nguyên do bằng cách nói rằng, nếu các bạn của tôi nhận thấy sự bình an trong con người tôi, đó là vì tôi đã cố gắng vâng phục điều nầy, đó là cái qui luật cao cả nhất của bản thể của chúng ta.

Chính vào năm 1915, khi tôi đến Ấn Độ, mà tôi được làm quen với các hoạt động của Bà. Đấy là tại một nơi được gọi là Amreli mà tôi đã tìm ra được một cái trường nhỏ được tổ chức theo hệ thống Montessori. Tôi biết tên Bà trước khi biết đến cái trường đó. Không khó khăn gì để tôi nhận ra ngay là trường này không có cái tinh thần mà bà đã giảng dạy; bên ngoài thì có cái tên đó, nhưng mặc dù có một nỗ lực ít nhiều chân chính , tôi cũng đã thấy nhiều sự hào nhoáng thừa thải bên ngoài. Sau đó tôi được liên lạc với nhiều trường như vậy hơn, và càng tiếp cận, tôi càng bắt đầu hiểu ra rằng cái nền tảng là tốt đẹp và tuyệt vời, nếu đứa trẻ có thể được dạy dỗ thông qua các qui luật của tự nhiên – cái tự nhiên phù hợp với phẩm giá con người, chứ không phải cái tự nhiên cai quản loài cầm thú. Theo trực giác, tôi cảm thấy lời giảng dạy nguyên thủy đã phát sinh theo đúng cái qui luật cơ bản này, từ cách thức mà các đứa trẻ được dạy dỗ, trong khi chúng đang được học những cái không khác gì hơn điều bình thường. Từ đấy, tôi đã có hân hạnh gặp gỡ nhiều người học trò của bà, một người trong số đó còn sang hành hương ở tận Italia và đã nhận lời chúc phúc của riêng bà. Tôi đã mong mỏi được gặp các đứa trẻ ở đây và được gặp các em là một niềm vui lớn lao cho tôi.

Tôi đã cố gắng học được cái gì đó về các đứa trẻ này. Tôi đã có một sự trải nghiệm trước khi tôi thấy những điều này ở Birmingham, nơi có một ngôi trường đã phơi bày một sự khác biệt giữa cái tôi đã biết và điều tôi đã thấy ở đây. Nhưng tôi cũng đã nhận thấy rằng cái bản chất con người cũng đã đấu tranh để tự biểu đạt bản thân. Ở đây, tôi cũng thấy chuyện ấy và đây là chuyện về nỗi vui không thể diễn tả được đối với tôi là rằng từ thời thơ ấu, các trẻ em đã được dạy để hiểu cái giá trị của sự thinh lặng, và cái cách mà từng đứa trong các em bước đến trong sự im lặng, để đáp lại lời gọi thì thầm của người giáo viên. Thật là một nguồn vui lớn lao khi thấy tất cả các thao tác nhịp nhàng và đẹp đẽ này, và trong lúc tôi đang theo dõi sự di động ở các đứa trẻ, cả trái tim của tôi nghĩ đến hàng triệu trẻ con ở những làng mạc hầu như gần chết đói của Ấn Độ và tôi tự hỏi khi tâm tư của tôi hướng về các em. “Tôi có thể nào dạy cho các em những bài học này và có thể vận dụng lối huấn luyện theo cái hệ thống của bà , cho các đứa trẻ này hay chăng“?

Chúng tôi đã tiến hành một thí nghiệm giữa các đứa trẻ nghèo nhất ở Ấn Độ.Tôi không biết chúng tôi sẽ làm được thí nghiệm này đến đâu.Chúng tôi gặp khó khăn để trao cái giáo dục thiết yếu đích thực cho các đứa trẻ này ở các khu ổ chuột tồi tàn của Ấn Độ, và chúng tôi không có các phương tiện vật chất. Chúng tôi phải dựa vào sự giúp đỡ thiện nguyện của các giáo viên, nhưng khi tôi tìm giáo viên, có rất ít giáo viên, nhất là các giáo viên thuộc loại được cần đến, nhằm để khơi dậy cái tốt đẹp nhất từ các đứa trẻ thông qua sự thông hiểu, qua sự nghiên cứu tính cá nhân của chúng và rồi đặt vào tay đứa trẻ các năng lực của chính chúng, và qua đó trao cho chúng chính cai danh dự của bản thân chúng. Và xin hãy tin tôi, từ kinh nghiệm của tôi với hàng trăm đứa trẻ, tôi muốn nói là hàng ngàn đứa trẻ, tôi biết có lẽ các em có một ý thức về danh dự tinh tế hơn các bạn và hơn bản thân tôi.

Nếu chúng ta biết cúi mình và khiêm tốn, chúng ta chắc sẽ học hỏi được những bài học lớn nhất trong đời người, không phải từ những học giả người lớn, mà là từ những đứa trẻ được xem là ngu dốt. Đức Giêsu đã chẳng thốt ra cái chân lý cao vời và vĩ đại nào hơn là khi ngài nói rằng sự khôn ngoan đến từ miệng trẻ thơ. Tôi tin điều đó; theo kinh nghiệm của tôi, tôi đã để ý thấy rằng nếu chúng ta đến với các trẻ nhỏ trong sự khiêm cung và ngây thơ trong trắng, chúng ta hẳn sẽ học được sự khôn ngoan từ trẻ thơ.

Tôi không nên làm mất giờ của quí vị. Tôi chỉ trình bày cho quí vị , cái gì đã đánh động bản thân tôi, trong thời khắc này, nói một cách cụ thể, nếu nhìn về mặt con người, đó là cái vấn đề tế nhị để rút tỉa ra được cái tốt nhất từ hàng triệu đứa trẻ này mà tôi vừa nói đến. Nhưng tôi đã học một bài học lớn này rằng cái gì con người không thể làm, đối với Thượng Đế thì đó chỉ là một trò chơi của trẻ con và, nếu chúng ta có niềm tin vào Đấng Tạo hóa đang cai quản cái vận mệnh của sinh vật thấp kém trong số các tạo vật của Người, tôi không nghi ngờ gì rằng mọi sự đều khả thi và trong niềm hy vọng cuối cùng này, tôi sống và vận dụng thời gian và nỗ lực của tôi để vâng theo ý của Ngài. Vì vậy , tôi lặp lại rằng cho dù, vì yêu thương trẻ em mà các bạn cố gắng để dạy dỗ các trẻ em đó, với rất nhiều cơ sở trường học của các bạn, điều tốt đẹp nhất có thể phát xuất từ trẻ em, cho dù tôi mong rằng nó có thể khả thi, không những đối với các trẻ em của các gia đình giàu có khá giả, mà còn đối với các đứa trẻ con nhà nghèo được dạy dỗ theo lối này. Bà đã rất có lý khi bình luận rằng nếu chúng ta phải đạt được hòa bình thật sự trên thế giới này và nếu chúng ta phải phát động một cuộc chiến thật sự chống lại chiến tranh, chúng ta sẽ phải bắt đầu với trẻ em, và nếu các em được lớn lên trong sự thơ ngây tự nhiên của chúng, chúng ta sẽ cần phải đấu tranh, chúng ta sẽ không phải trải qua những giải pháp lười biếng vô bổ, nhưng mà chúng ta sẽ đi từ tình thương đến tình thương và từ hòa bình đến hòa bình, cho tới khi mọi ngõ ngách trên thế giới được bao trùm bởi cái hòa bình và tình thương mà toàn thế giới, một cách ý thức hay vô ý thức, đang khát khao mong chờ.

Young India (Ấn Độ Trẻ), 19 -11 – 1931

*****

Trích từ cuộc đối thoại trong buổi gặp gở giữa Gandhi và Montessori vào tháng 10, 1931

Gandhi chào bà Montessori, và nói rằng, “ Chúng ta là thành viên của cùng một gia đình`.

Bà Montessori đáp “ Tôi xin mang lời chào mừng của trẻ em đến cùng ngài,“

Gandhi: “Nếu bà có trẻ em, tôi cũng có trẻ em. Các thân hữu ở Ấn độ đề nghị tôi nên bắt chước bà. Tôi nói với họ, rằng không, tôi không nên bắt chước bà nhưng tôi phải hấp thu được cái tâm tình của bà và cái chân lý căn bản nằm bên dưới phương pháp của bà.

Bà Montessori: Khi tôi bảo các trẻ con của tôi nên hấp thu cái tâm của ngài Gandhi, tôi biết tình cảm đối với tôi ở bên ấy, tại miền đất của ngài trên thế giới là sâu đậm hơn là ở đây.

Gandhi:“ Vâng, bên ngoài Âu châu, con số môn sinh của bà cao nhất là ở Ấn Độ.”

*****

Nghiêm Phương Mai  dịch,

Nhân dịp giải Nobel Hòa Bình 2014 được trao cho Malala Yousafzai (Pakistan) và Kailash Satyarthi   (Ấn Độ) vì công cuộc đấu tranh cho quyền lợi và giáo dục của trẻ em.

Cả B.S. Maria Montessori và Mahatma Gandhi đều được đề cử nhiều lần cho giải Nobel Hòa Bình.

Courtesy of Educateurs sans Frontières (AMI), 2011

Nguồn: http://khoahocnet.com/2014/11/25/nghiem-phuong-mai-dich-dien-van-cua-mahatma-gandhi-tai-truong-cao-dang-huan-luyen-ve-montessori/

Comments are closed.