Giải mã chân dung Nguyễn Khải

Xuân Sách

Vương Trí Nhàn viết: “Ở Văn nghệ Quân đội, Xuân Sách là người hiểu Nguyễn Khải đến chân tơ kẽ tóc”.

Anh Nhàn quá lời. Nhưng cũng có thể nói mối quan hệ giữa tôi và anh Khải có phần mật thiết, như anh Khải đã nói công khai: “Sở dĩ tôi với ông Sách làm bạn với nhau được lâu dài và có vẻ thân thiện vì chúng tôi biết giữ một khoảng cách”.

Với tôi, cái khoảng cách ấy là biết mình ngồi ở đâu, biết gần gũi các bậc đàn anh mình học hỏi được những gì về đời cũng như về nghề. Tôi nghĩ viết về đời và về văn của Nguyễn Khải cũng đáng nhưng ở đây tôi chỉ nói tới mối quan hệ của tôi với Nguyễn Khải trong việc tôi viết về chân dung các nhà văn. Bởi lẽ anh là người quảng giao, lại có những nhận xét về người khác sâu sắc và nêu bật được tính cách những người đó… Còn gì hơn cái kho tư liệu dồi dào như vậy.

Nói thế không phải Nguyễn Khải ủng hộ tôi hoàn toàn. Như tôi xin nhắc lại bài thơ đầu tiên của tôi xuất hiện nhiều người coi như chuyện đùa nhưng Nguyễn Khải đã phát hiện ngay: “Thằng này không đùa nữa rồi”. Nhưng Nguyễn Khải vẫn cứ giúp tôi. Khuyến khích tôi viết và còn khuyến khích tôi đọc trước mặt các đối tượng. Như một lần trong cuộc liên hoan ở NXB Quân đội có mời một số nhà văn bên ngoài như các anh Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài…Nguyễn Khải lại giới thiệu tôi đọc. Tôi cũng biết anh Khải làm thế không phải chỉ làm vui như anh nói, nhưng tôi thì có dịp là đọc, cũng là phép thử những gì mình viết ra, được công khai bao giờ cũng hơn vụng trộm. Sau này anh Khải có viết ý của mình về cái đó:

“…Theo tôi biết, các anh Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông… đều có nghe những đoạn thơ nói về mình, nhưng họ chỉ cười và bỏ qua, không chấp, chuyện đùa mà, chuyện vui của đám trẻ mà. Nhưng in những đoạn thơ đó cho công chúng đọc thì khó mà vui, khó mà tha thứ được. Ví như ông Chế Lan Viên. Tôi cũng có nhiều điều muốn bàn cãi với ông Chế, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn vô cùng kính phục cái tiết tháo, cái niềm tin rất mãnh liệt của ông Chế, còn cái tài của ông là cái tài của bậc thầy làm sao ta bì được. Nói cho cùng với các bậc tiền bối của giới văn, dẫu bọn ta còn chưa đồng tình một tính cách nào đó, một quan niệm nào đó, nhưng vẫn cứ từ trong vạt áo của họ mà ra cả”.

Như tôi đã kể, khi tôi đọc bài thơ về Chế Lan Viên cho hai người đầu tiên nghe là Nguyễn Khải và Vương Trí Nhàn. Tôi thấy mặt anh Nhàn đỏ lên, đó là thói quen của Nhàn khi có gì xúc động. Còn anh Khải thì nói: “Ông Sách chuốc lấy kẻ thù số một rồi”. Tôi biết trong thâm tâm anh Khải cũng thích bài viết của tôi, vì những ý tưởng đó tôi cũng rút ra từ trong tay áo của anh. Vì cái khẩu khí cũng có tính “ác”như anh. Như anh đã cảnh báo tôi, nhưng vì tính cách vốn có mâu thuẫn nội tại nên anh vừa ủng hộ tôi vừa muốn có người trị tội tôi, như sau này anh đã viết:

“…Không ngờ Xuân Sách cả đời khôn ngoan mà về già lại có tính toán lẩm cẩm, cho in những đoạn thơ giễu một thời thành tác phẩm văn học chủ chốt của đời mình. Bữa nọ ở Hà Nội có một ông bạn thuộc giới quân nhân chẳng biết đọc được ở đâu tập Chân dung bảo tôi nửa đùa nửa thật: ‘Các ông xấu xa như thế mà luôn đòi dạy bảo thiên hạ thì buồn cười quá’.Tôi chỉ còn biết cười gượng thôi, vì xấu hổ quá, xấu hổ cho mình, cho bè bạn, cho cả giới”.

Tất nhiên dù người từng trải sắc sảo như Nguyễn Khải cũng không thể tránh khỏi sai lầm. Và rồi cuối cùng tôi không phải là kẻ thù số một của Chế Lan Viên. Người như anh Chế chắc biết kẻ thù của mình là ai? Và tôi lại có ý nghĩ hơi huênh hoang rằng, biết đâu tôi góp phần để anh Chế Lan Viên hiểu ra điều đó.

Nguyễn Khải lại nói: “Xuân Sách không hiểu rằng từ truyền miệng đến việc in ra trên giấy trắng mực đen là một khoảng cách chết người”. Anh Khải đã nói với anh Lữ Huy Nguyên giám đốc NXB Văn Học rằng in tập thơ của tôi là dại dột – nhà xuất bản dại, tác giả dại. Vì theo anh Khải trong nghề văn có một điều cấm kỵ, tuy không có văn bản, là không được phép chê tài của nhau. Hoặc giả có chê là chê vụng giữa mấy người với nhau còn lên tiếng trước đám đông là không bao giờ.

Anh Khải quên rằng cái việc chê tài nhau trong giới thì đông tây kim cổ đều có. Tôi nghĩ rằng chê nhau có sai còn hơn khen thối. Chê đúng mà khối người “chết”, còn khen thối làm ô nhiễm môi trường mà vẫn sống đầy rẫy. Như anh Hoàng Yến, chỉ vì chê thơ ông Tố Hữu sau này nhạt như nước sirô pha loãng mà cả đời lận đận. Nhạc sĩ Văn Cao chỉ vì nói thơ ông Tố Hữu như ca dao hò vè mà chịu trận mãi về sau này.
Lại nữa, khen chê tài văn chương chưa chết ai nhưng khen chê về lập trường quan điểm qua văn chương mới chết người la liệt. Và điều này thì anh Khải rõ hơn ai hết. Chỉ cần nêu ra một ví dụ mà các nhà văn đều biết.

Trong thời kì Nhân văn Giai phẩm anh Khải là một trong những ngọn cờ đầu tiên phong nói và viết về những nhà văn sai lầm về đường lối văn nghệ của Đảng, trong đó có nhà văn Vũ Bão qua quyển tiểu thuyết “Sắp cưới”, tôi đã viết tặng anh chân dung:

Sắp cưới bỗng có thằng phá đám
Nên ông chửi bố chúng mày lên
Đầu chày đít thớt ông đâu ngán
Không viết văn thì ông viết phim

Chao ôi anh Vũ Bão ngậm bồ hòn gần suốt cuộc đời. Anh Khải rồi cũng thấy ân hận, nên năm 95 nhân Đại hội nhà văn, anh Khải đã chủ động xin lỗi anh Vũ Bão trước mặt mọi người. Hai người đã bắt tay nhau, thời buổi khép lại quá khứ hướng tới tương lai mà. Nhưng rồi đến cuối đời anh Vũ Bão kiểm tra lại đời mình lại thấy nỗi oan khuất không thể nào quên được, anh lại làm bức thư ngỏ gửi anh Khải và bạn bè rằng anh không thể nuốt hận được để tha thứ cho anh Khải. Giờ đây anh Vũ Bão đã qua đời, không biết sang thế giới bên kia anh có quên được không?

Năm 1976 Nguyễn Khải viết vở kịch Cách Mạng, nói về dân Sài Gòn trong những ngày vừa “giải phóng”. Anh lấy nguyên mẫu chính những người trong gia đình anh ở Sài Gòn làm nhân vật cho kịch. Kịch của anh kén đoàn diễn bởi anh viết không theo mảng miếng thắt nút cởi nút như thông thường. Hơn nữa, nội dung cũng có nhiều điều gay cấn. Nhân lúc nhiều diễn viên điện ảnh chưa có phim làm, anh Khải thuyết phục họ dàn dựng. Có thể nói kịch của Nguyễn Khải là loại kịch để đọc, đọc văn ông Khải trên sân khấu. Vở “Cách mạng” được dựng xong vào lúc Đại hội đảng lần thứ 4 sắp khai diễn.Tôi biết anh đã quyết định diễn trước đại hội cho các đại biểu xem. Anh Khải cũng hỏi tôi. Tôi nói diễn trước một đối tượng như vậy thì còn gì hơn nữa, tôi cho rằng không còn thời điểm nào tốt hơn… Anh Khải nhờ tôi một việc, tối nay ông đi xem nhờ ông để ý đến thái độ của thủ lĩnh chúng ta như thế nào, rất khó qua mắt ông này. Tức là ông Tố Hữu.

Thường diễn viên kịch chạy tay ngang sang đóng phim, phim trở nên rất kịch. Còn vở kịch này do các diễn viên đóng tôi lại thấy họ diễn tự nhiên rất hợp. Khi vai chính là ông chủ gia đình ra sân khấu tôi giật mình: nhân vật giống như cụ thân sinh ra tác giả, người mà nhà văn lấy làm nguyên mẫu. Người mà tôi được tiếp chuyện nhiều lần và trở thành người thân trong gia đình cụ. Và chị Tuệ Minh diễn viên điện ảnh có đài từ khá tốt, chị nói lưu loát và biểu cảm đúng ý tác giả khi chị nói: “Các vị nói với tôi một cách không thân thiện rằng xã hội chủ nghĩa (XHCN) vào đây có nghĩa là xếp hàng cả ngày, nhưng thưa các vị tôi từng xếp hàng không chỉ cả ngày mà cả nửa đời người mà không kiếm nổi tấm chồng”. Đấy là lời lẽ của cô Phượng cô gái Sài Gòn không chịu đi làm sở Mỹ và bây giờ vui vẻ khi gặp được cách mạng.

Vở kịch đã kết thúc êm ả. Tôi làm nhiệm vụ của mình ngồi trong góc khuất thỉnh thoảng liếc nhìn ông Lành. Tôi thấy ông lim dim mắt, không biểu lộ gì rõ rệt. Lúc ra về, tôi đi phía sau ông. Một nhà thơ cỡ nhớn hỏi ông: “Thưa anh, thấy thế nào?”
Ông trả lời ngay: “Thằng Khải xỏ lá.”
Vợ chồng nhà thơ Vũ Cao cũng đi xem. Chị Khang nói với tôi: – Anh Khải bạo gan quá!

Tôi cũng bạo gan dù không hiểu gì nhiều về kịch nghệ cũng viết bài phê bình “Cách mạng” đăng trên tạp chí có ngụ ý làm vài cái nút chặn, vài lỗ hổng của vở kịch để ngăn ai đó khỏi suy diễn.
Anh Khải cũng không lấy làm lo về ý kiến ông Tố Hữu vì có nhiều vị cấp trên của ông ngồi xem, và tác giả biết rõ tâm lý các cụ đang để vào một Đại hội đảng rực rỡ sau chiến thắng không hơi đâu để ý đến chuyện nhỏ. Một lần tôi được đi cùng các anh bên điện ảnh quân đội chiếu một cuốn phim tài liệu quan trọng để ông Trường Chinh thông qua, cùng dự có cả ông Tố Hữu. Ông Trường Chinh nhận xét cuốn phim tốt và chỉ ra vài chi tiết cần xem thêm, ông còn nhấn mạnh đó là ý kiến riêng, các anh thấy đúng thì sửa, không thì thôi. Lúc đi ra ông Tố Hữu có bá vai người phụ trách điện ảnh nói gì đó. Ông Trường Chinh liền nói: “Phim như thế là được, anh Lành đừng làm anh em phân tâm”.
Tôi rất phục Nguyễn Khải về cái tài sáng tác nhanh nhạy những vấn đề mới mẻ và rất giỏi gửi gắm nhiều điều xuôi lọt được, không phải ai cũng làm được như thế.

Tôi biết anh Khải là người tính toán rất kỹ, hầu như anh nói cũng như viết đều được cân nhắc ít khi có cái cảm hứng nghệ sĩ, tài tử bất chợt. Vậy mà không hiểu anh đã giải quyết như thế nào những mâu thuẫn nội tại của anh, khiến tôi phải giật mình khi đọc cái thư của anh gửi Ban chấp hành vào năm 1988 lại có cái đoạn nói về ông Nguyễn Hữu Đang như vậy.

Nguyễn Khải viết:

“… Bỗng nhiên có một nhà chính trị, cũng là dân làm văn làm báo của Đảng từ trước cách mạng, nhưng đã mất ngôi mất quyền, liền đứng ra tổ chức tờ báo cho những nghệ sỹ ham chuộng tự do được tự do bày tỏ nỗi niềm. Mình thì nói tự do về nghệ thuật, họ thì nói tự do về chính trị, họ muốn giành quyền, muốn đòi quyền. Nhưng họ không thể làm được những chuyện đó.
Thân phận họ tầm thường, tài nghệ thì vớ vẩn, tập hợp thế nào được dư luận và công chúng, nhất là công chúng của chúng ta, mượn cả tiếng kêu thống thiết và cảm động đòi tự do để sáng tạo của chúng ta nữa. Nhà chính trị ấy là ông Nguyễn Hữu Đang, ông đó mới thật là linh hồn, kẻ xúi giục và tổ chức ra mọi sự của cái thời ấy. Mưu mô bị vỡ lở, kẻ chủ mưu phải ngồi tù, anh em mình không đi tù nhưng bị treo bút những mấy chục năm còn đau khổ cực hơn cả đi tù. Mấy ông chính trị thất thế, lắm tham vọng, lắm mưu mô có đi tù tôi cũng không thương. Đã theo cái nghề ấy ắt phải chịu cái nghiệp ấy. Chỉ thương anh em mình lòng trong dạ thẳng, nông nổi thơ ngây, cứ nghĩ bụng dạ họ cũng như mình, nào ngờ họ lại nghĩ ngợi sâu xa như thế.”

Cũng trong bức thư đó Nguyễn Khải tiếp lời trần tình của mình:

“Lại thêm một kinh nghiệm nữa của riêng tôi thôi. Năm 74 một nhà chính trị đương quyền có nhờ tôi viết một loạt bài chống cách sống tiêu cực, góp phần xây dựng một cách sống thật cộng sản. Tôi nhận lời ngay, và đã viết một loạt bài trong tâm trạng hào hứng và xúc động. Vì nó cần thiết, vì nó thỏa lòng. Bỗng dưng bài gửi tiếp không được đăng nữa. Những bài được đăng được các cơ quan có trách nhiệm duyệt xét lại, và tôi trở thành tên cầm đầu của một nhóm “Nhân văn Giai phẩm” gì đó, nhưng nguy hiểm hơn là đã lấy chính báo Đảng làm diễn đàn để truyền bá tư tưởng chống đối của mình. Người phê phán tôi gay gắt nhất là người đã yêu cầu tôi viết bài. Tôi không nói lại một lời nào, cũng không oán hận một ai cả… Nhưng tôi tự thề với mình là từ nay chỉ viết bằng vài suy nghĩ độc lập của chính tôi, không nghe lời dẫn dụ của bất cứ ai, cho dầu là người mình rất quý mến.
Mình là người tử tế chẳng lẽ suy nghĩ riêng lại không tử tế hay sao? Tôi không thích lại một lần nữa Hội nhà văn và lĩnh vực văn nghệ lại trở thành trận địa quyết chiến của mấy ông lắm mưu tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới bôi nhọ vu khống tất cả ai dám nói ngược, đe dọa ra mặt hoặc bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi cái sự tàn sát tận diệt, gây một không khí căng thẳng hung bạo ấy là sặc mùi chính trị…
Một lần nữa, với mấy anh muốn mượn nhà văn để xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em tôi đánh nhau lần nữa, đừng quấy rầy chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi”.

Vào những năm đầu thế kỷ mới Nguyễn Khải viết cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười” mà anh nói là quyển sách của đời mình.

Quyển sách được Tạp chí Hội Nhà văn in trong ba số. Đến số thứ ba thì có lệnh miệng ở Ban tư tưởng dừng in đoạn ba vì có vấn đề nhạy cảm. Tổng biên tập là nhà văn Hà Đình Cẩn vốn là lính nói: “Tôi không thể không đăng tiếp, còn nếu muốn dừng thì cho ngay cái quyết định cách chức tổng biên tập”.
Rồi quyển sách cũng được in trọn, người đọc tìm được vấn đề nhạy cảm ấy là đoạn Nguyễn Khải viết về giai đoạn anh được bầu vào Quốc hội. Vì quyển sách là dạng hồi ký Nguyễn Khải tổng kết cuộc đời mình. Có thể tóm tắt đoạn ấy như sau, cũng chưa đến nửa trang.

Trước hết anh phải giải thích việc anh được trúng cử nghị sĩ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy ai biết được nhà văn Nguyễn Khải, sở dĩ trúng cử là vì trùng tên với tên ông Phan Văn Khải và ứng cử ở khu vực Củ Chi (cũng là quê ông Sáu Khải). Và anh kể những buổi họp cứ tưởng Quốc hội bàn về những vấn đề lớn của đất nước hóa ra tốn quá nhiều thì giờ vào việc thay vài câu vài chữ trong những bản dự luật nên nhiều đại biểu tranh thủ ngồi chợp mắt như các ông nghị gật. Và 5 năm ở khóa Quốc hội đại biểu Khải chỉ phát biểu được một câu một lần với ý kiến đề nghị cho ra đời nhà xuất bản tư nhân và báo tư nhân. Tất nhiên không phải ông nghị Khải ngu ngơ mà ông biết rõ đó là một “yếu huyệt” kiêng đụng đến. Vì thế hội trường im phăng phắc rồi có một người lên tiếng, đấy là bà nghị sĩ Ngô Bá Thành. Bà phản đối ông Khải với lý lẽ và giọng hùng biện của luật gia. Nguyễn Khải viết: “Hóa ra tôi là thằng cộng sản lại bị bà tư bản phê phán về việc đòi tự do dân chủ cho báo chí”.

Khỏi phải nói dài. Nếu dám nhìn thẳng vào sự thật thì đó là sự thật mà nhà văn đã viết. Còn không thì tất nhiên nhà văn phải ăn đòn. Khi nhà xuất bản Hội nhà văn in thành sách theo đúng như đã đăng trên tạp chí. In xong có lệnh quyển sách phải “đắp chiếu” nằm đấy chờ phán quyết cuối cùng. Cuối cùng là muốn phát hành thì phải bỏ cái đoạn nhạy cảm ấy đi, như thế cũng là nhẹ đối với một nhà văn nổi tiếng đã vào tuổi thất tuần. Nguyễn Khải lại phải tự vấn, tự đấu tranh.

Cùng lúc đó báo Văn nghệ không biết tình cờ hay có chủ ý cho đăng một bài báo kể về chuyện một nhà văn nước Cộng hòa Séc. Một nhà văn đương đại đang nổi tiếng có thói quen la cà uống bia ở quán bình dân. Lần đó Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Séc gặp Tổng thống chủ nhà, ông Havel cũng là một nhà văn. Ông Bill có nghe tiếng nhà văn nọ, đề nghị ông Havel cho mời nhà văn tới gặp mặt. Ông Havel cho đánh xe đến quán bia tìm nhưng nhà văn trẻ kia nói: “Tôi chẳng có chuyện gì để gặp các ông ấy, còn nếu muốn gặp tôi xin mời hai vị đến quán bia này ta nói chuyện”. Rồi hai vị Tổng thống đã đến quán bia.

Kể chuyện này vì Nguyễn Khải cũng có một hành xử tương tự khi ông cấp trên mời Nguyễn Khải đến gặp để thương thảo về cuốn sách. Mọi người biết chuyện hồi hộp chờ đợi. Rồi cuốn sách “Thượng đế thì cười” cũng được công khai ra mắt bàn dân thiên hạ. Nhưng… cái đoạn kia đã bị cắt, chỉ để lại ba dấu chấm tượng trưng. Sự dũng cảm để nói lên sự thật bao giờ cũng có giới hạn, không được hưởng sự vô biên của những lời dối trá.

Sau khi vở kịch “Cách mạng” được công diễn tôi đã hoàn thành bài thơ chân dung viết về nhà văn là bạn gần gũi của tôi. Tôi hạ hai câu cuối:

Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt
Muốn làm cách mạng nhưng lại nhát.

Trong thâm tâm tôi mong mình nói sai, không ngờ 30 năm sau vẫn đúng. Tiếc lắm anh Khải ạ!

Nguồn: FB Ngô Nhật Đăng

Comments are closed.