Hồi ức của nhà văn Thái Vũ [1] về Giáo sư Trần Đức Thảo
Thái Vũ
Nhà văn Thái Vũ, tên thật là Bùi Quang Đoài, thành viên nhóm Đất Mới, một tờ tạp chí văn học của giới sinh viên trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, một trong những học trò cưng của Giáo sư Trần Đức Thảo, đã thanh thản ra đi vào 13g chiều ngày 3/7/2013, tại TP. Hồ Chí Minh. Xin đăng lại bài phỏng vấn ông, do tôi thực hiện năm 2007, như một nén tâm nhang, nhân tưởng niệm 6 năm ngày mất của ông.
Nguyễn Trung Kiên
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Đức Thảo (1917-2007)[2]
“… khi tự đối diện với chính mình, ý-thức đòi hỏi cái Thiện trong hành-động, cái Chân trong tri-thức, và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá-trình nghiệm-sinh, qua đó ý-thức biến thế-giới tự-nhiên thành một nhân-giới, xứng đáng với con người”.
Trần Đức Thảo (1917-1993) [Un itinéraire (Một hành trình), Paris: 1992]
Tuy thời gian đứng trên bục giảng tại Đại học Sư phạm Văn khoa của Giáo sư Trần Đức Thảo rất ngắn ngủi, nhưng chính trong thời gian này ông đã để lại cho các sinh viên của mình nhiều di sản quý báu, được định hình bởi tri thức bách khoa, khả năng tư duy sáng tạo, sự cần mẫn trong lao động khoa học, tình yêu nước nồng nàn, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự khiêm tốn, giản dị trong đời sống, sự dấn thân cùng với thái độ khách quan, trung thực của một trí thức chân chính trước sóng gió thời đại của ông. Các thế hệ học trò của ông, với những Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Đoàn Mai Thi, Phạm Hoàng Gia, Nguyễn Đức Tiếu, Ninh Viết Giao… tuy không ai tiếp tục con đường nghiên cứu triết học mà ông đã đi, nhưng đã hấp thụ được di sản ấy. Và dấu ấn của người thầy đáng kính đã động viên, thúc giục học trong lao động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác nhau.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu hồi ức của nhà văn Thái Vũ – một trong những sinh viên của Đại học Sư phạm Văn khoa nửa thế kỷ trước, về người thầy đặc biệt ấy.
– PV: Sinh viên của Đại học Sư phạm Văn khoa những năm 1955-1958, trong đó có ông, may mắn được học với Giáo sư Trần Đức Thảo – nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và thế giới. Có lẽ trong ông vẫn sống động nhiều kỷ niệm với người thầy đặc biệt của mình?
– Chúng tôi, sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa khóa đầu tiên năm 1955-1956 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rất may mắn được học với Giáo sư Triết gia Trần Đức Thảo – người đã từ giã Paris hoa lệ để trở về Việt Bắc tham gia kháng chiến và sau đó về thủ đô để tiếp tục dạy học và sáng tạo triết học trong hoàn cảnh rất khó khăn của đất nước thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ hòa bình mới lập lại. Thực tình, với tin đầu tiên được học với Thầy, chúng tôi rất tò mò nhưng lòng lại đầy tự hào được học với một triết gia mà mới chỉ được biết qua “truyền miệng”, rằng Giáo sư đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về triết học Mác với Jean-Paul Sartre – nhà triết học hiện sinh, cũng là nhà văn Pháp nổi tiếng. Càng tự hào vào kính phục hơn khi có bạn đưa chuyện là trong những năm xa quê hương Thầy đã hoạt động yêu nước tích cực và bị chính quyền Pháp bắt cầm tù, vì câu nói đanh thép đầy tính chất huyền thoại: “Phải nổ súng!” khi một nhà báo Pháp hỏi: “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ?”. Giữa thủ đô Paris hoa lệ, Thầy đặc trách vấn đề chính trị, là Ủy viên trong Tổng Liên đoàn người Việt Nam tại Pháp. Thầy không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nhưng lại là người bảo vệ chủ nghĩa Mác một cách trung thực và thành tâm, không a-dua trong nhận thức độc lập của mình.
Với tâm trạng như thế, đám sinh viên khóa đầu tiên chúng tôi và cả khóa 2 đón Thầy trong niềm vui rạng rỡ khi Thầy bước lên Đại giảng đường trường Đại học Sư phạm, được Ban Giám hiệu nhà trường giới thiệu một cách thân mật và trang trọng. Nói chung, những buổi lên Đại giảng đường của Thầy, không chỉ riêng sinh viên Văn-Sử hai khóa 1 và 2, mà cả số đông trí thức già trẻ Hà Nội mới được giải phóng cũng khao khát được đến dự. Hội trường đông nghịt người, không chỉ ngồi mà đứng cả ở các hành lang trong và ngoài. Trong những buổi giảng đầu tiên, trên hàng ghế đầu của Giảng đường còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hà Huy Giáp, Giáo sư Hiệu trưởng Đặng Thai Mai, các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy…
Thầy đã là thần tượng của lớp trí thức trẻ Việt Nam chúng tôi, sau 9 năm kháng chiến quật cường bảo vệ Tổ quốc. Thầy như cánh chim hải bằng của nhận thức mới, mang lại một sự khai sinh cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam sau gần 100 năm là dân nô lệ. Trước hết, không chỉ những bài giảng riêng lẻ về các triết gia châu Âu như Kant hay Nietzsche, mà nội dung chính trong những bài giảng về triết học của một triết gia Trần Đức Thảo cho lớp sinh viên chúng tôi – Văn cũng như Sử, là mở rộng tầm nhìn có tính chất khái quát về nền triết học châu Âu và thế giới qua các thế kỷ, nhất là những năm của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đây là một tầm nhìn khó quán xuyến, nên trong thế hệ đầu tiên của Khoa Văn (1955-1956) của chúng tôi “may ra” chỉ có “vài mống” hấp thụ được những phạm trù triết học của Thầy mà Thầy rất mong được truyền đạt. Do đó, Thầy mở một “lớp triết học riêng” chỉ vẻn vẹn có “mấy mống” được theo học như Cao Huy Đỉnh, Phạm Hoàng Gia, Ninh Viết Giao, Phan Kế Hoành… Có một bạn cùng lớp chúng tôi, anh Đoàn Mai Thi, tuy không theo học lớp “đặc biệt” này, nhưng đã tận tình giúp đỡ và chia sẻ với Thầy trong suốt những năm tháng Thầy gặp khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần.
Nếu đọc hết sách của Thầy hoặc “cố nghe” cho thấu đáo những bài giảng về triết học của Thầy thì quả là quá “khó khăn gian khổ”, dù Thầy đã để hết tâm trí và hi vọng tại Việt Nam sẽ có “người nối nghiệp” của Thầy. Tuy nhiên về mặt triết học Thầy luôn cố gắng trình bày theo tư duy giảng dạy của Thầy mà tôi mạn dạn gọi là “Tư duy Trần Đức Thảo”, được sản sinh từ Paris, nước Pháp – nơi mà Thầy đã suy tư vào sáng tạo triết học như một kẻ “tử vì đạo”, dù trên đường đi vào triết học, Thầy luôn là kẻ “đơn thương độc mã”…
– “Tư duy Trần Đức Thảo” – một đóng góp lớn của Trí tuệ Việt Nam cho nhân loại, chắc chắn sẽ được định hình, thông qua di sản triết học quý giá mà Giáo sư Trần Đức Thảo để lại cho chúng ta. Theo ông, “Tư duy Trần Đức Thảo” nổi bật bởi những yếu tố nào?
– Trước khi nói đến nội dung “Tư duy Trần Đức Thảo”, tôi mạn phép xin trích một đoạn sau đây của TS Triết học-Mĩ học Cù Huy Chử, được công bố trên Báo Văn nghệ Trẻ, số 9 (536), ra ngày 4/3/2007:
“Trần Đức Thảo khẳng định: một xã hội, cũng như mỗi cá nhân, để phát triển trong hiện tại và tương lai, tất yếu phải thấm nhuần, đúng hơn là phải sống được những giá trị đã được tích lũy trong lịch sử giống loài. Điều này có nghĩa là: con người có một lịch sử chung-cụ thể, luôn phát triển trong biện chứng của lịch sử, và cũng luôn luôn hiện hữu và đồng hành với mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân. Do vậy, muốn phát triển dân tộc và phát triển nhân cách cá nhân thì phải tuân theo quy luật ấy. Tức là, nếu anh khiếm khuyết những giá trị của lịch sử giống loài, thì sự phát triển của anh sẽ bị méo mó hoặc bản thân anh sẽ dị ứng với những giá trị ấy. Chính sự méo mó và dị ứng này sẽ biến thái thành chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là trong các hoạt động chính trị và tôn giáo. Bản thân Trần Đức thảo suốt cuộc đời mình đã đấu tranh quyết liệt và không mệt mỏi với chủ nghĩa cực đoan ấy. Đối chiếu với lịch sử thế giới, đặc biệt là những diễn biến trong suốt thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI này, có thể kết luận rằng: triết học Trần Đức thảo là triết học về sự sống, về con người, về lịch sử loài người đầy tính dự báo. Đó là cơ sở triết học cho mọi sự đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện”.
Vâng, thật là tuyệt vời qua ý kiến của anh Cù Huy Chử, khi anh nhắc lại sự đánh giá của Daniel J. Herman: “Hy vọng chân thật rằng, Trần Đức Thảo, nhà Mác-xít và nhà hiện tượng học đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa” (Bách khoa thư về hiện tượng học, Kluwer Academic Publishers, 1997, tr. 707).
Những điều vừa dẫn chứng thêm, bạn đọc trẻ có thể đọc thêm cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” của triết gia Trần Đức Thảo mà tôi gọi chung là “một phương pháp luận của vấn đề CON NGƯỜI”, trong bài: “Những chuyến lữ hành của triết gia Trần Đức Thảo”, mới được công bố gần đây[3].
Dẫn chứng trên cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của triết gia Trần Đức Thảo khi ông viết cuốn Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức) (Editions Sociales, 1973).
Trong bài thơ “Tưởng niệm”, tôi viết nhân 100 ngày mất của Thầy, có đoạn:
“Ôi, cái đạo làm Người, chủ thể vẫn con người,
Ta tư duy, nhưng ta vẫn chạy theo cái Đẹp.
Tồn tại hay không, lịch sử loài người luôn nối tiếp,
Tay bé sơ sinh dõi theo một hướng đi…”
Sau này, những năm 70 của thế kỷ XX thầy viết về Động tác chỉ trỏ như là hình thái của ý thức, khi giải thích về động tác chỉ trỏ đầu tiên (của trẻ em), từ đó mà con người vượt qua con khỉ, cũng là yếu tố chỉ con người có được mà thôi. Cũng như ngôn ngữ và cách chế tạo công cụ từ “cái tế bào của ý thức ở một biểu hiện có chung giữa con người với con vượn”, nhưng chỉ ở con người mới có, tức là động tác chỉ trỏ đơn sơ từ “tay bé sơ sinh” – le geste de l’index (động tác chỉ trỏ của ngón tay trỏ), chính là sự khởi đầu trong quá trình hình thành ngôn ngữ và ý thức, rất biện chứng trong cách lý giải triết học của chủ nghĩa Mác, bước đầu khác với cách lý giải duy tâm, khiến tôi luôn chú ý đến động tác đưa tay và ngón tay trỏ của bé sơ sinh mỗi lần có dịp, như câu thơ tôi vừa dẫn. Tôi nghĩ rằng những tư tưởng khoa học đó được nảy sinh khi Thầy giảng cho chúng tôi về nguồn gốc của ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh.
Đối với tôi, mãi đến năm 2007 này, tôi vẫn nhớ một nhận thức của Thầy xen kẽ trong một buổi giảng năm 1957, về phương thức sản xuất châu Á, thầy nêu cái tương ứng (le commun) trong y học, nhưng rồi y học sẽ chuyển về phương Đông, dù rằng trong thời gian đó (những năm từ 1950), người ta đang hướng về nền y học phương Tây trong phạm trù y học duy lý của châu Âu, chẳng những về ngành dược mà cả về giải phẫu con người. Nghĩ lại, nhận thức đó của Thầy thật ý nghĩa…
Nhưng đó chỉ là bước đầu của những bài giảng của Thầy, những bước sau Thầy nâng nhận thức của sinh viên khi phê phán Husserl về sự vận động của tư tưởng cũng như về phương pháp hiện tượng luận của Husserl, là những bài học mà đến nay đã trên 50 năm, dù có quên và nghiên cứu một chuyên ngành khác, chúng tôi vẫn cố học tập Thầy, noi gương Thầy trong lao động khoa học – kiên nhẫn và lao động liên tục, không đứt đoạn… Thầy đi vào triết học như đi tìm cái Đẹp “trong mơ”, như “nước đại dương kết giọt chốn không bờ”, như “giữa mênh mông sa mạc mà mây trời không chiếu ánh”…
– Các thế hệ trí thức Việt Nam hiện đại đều trân trọng và ngưỡng mộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, nhân cách của Giáo sư Trần Đức Thảo. Những tình cảm ấy vẫn còn nguyên vẹn đến tận hôm nay. Ông nghĩ gì về điều này.
Cụ Nguyễn Du trong cuốn Truyện Kiều có viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhưng đối với tôi, gia giáo là một điều hết sức hệ trong khi nói về nhân cách con người. Các cụ trong gia đình tôi được tiếng là cương trực và liêm khiết, luôn trọng chữ Đức, vì có Đức mới tạo nên nhân cách con người. Như vậy, nếu triết gia Trần Đức Thảo không có Đức, với một nhân cách trong sáng “mười phân vẹn mười”, cộng với một thiên tài bẩm sinh, thì làm sao có thể tạo nên một sự nghiệp về triết học lừng lẫy đối với Việt Nam và cả thế giới trong thế kỷ XX, mà tôi đã mạnh dạn gọi là “Tư duy Trần Đức Thảo”. Về tư duy triết học của Thầy cao xa và phức tạp làm lớp sinh viên chúng tôi cảm phục, nhưng chính nhân cách, đạo đức, tính bình dị của Thầy đã tạo điều kiện cho chúng tôi dễ gần Thầy hơn, quý mến Thầy hơn, và mãi mãi nhớ Thầy…
– Xin trân trọng cảm ơn ông! Kính chúc ông tiếp tục phát huy Di sản Trần Đức Thảo trong “sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh của mình”.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2007
NGUYỄN TRUNG KIÊN (thực hiện)
TƯỞNG NIỆM THẦY TRẦN ĐỨC THẢO
Au milleu des être vivants, Tu diviens i’llusion
Etre ou ne pas, Tu es l’Etre Néant
Giữa đám sinh linh, Thầy trở thành Ảo ảnh,
Tồn tại hay không, Thầy là kẻ Hư vô.
Nhưng chẳng phải mây trời chiếu ánh,
Nước đại dương kết giọt chốn không bờ.
Thể xác tan chăng thủa ngọn lửa xa xưa
mà Prô-mê-tê đem về cho nhân loại?
Ai hoài niệm một thời cho lòng se lại
Tưởng mênh mông sa mạc – cát bốn bề…
– Thưa Thầy, Mác nói: “Một vật chất nó tư duy”[4]
Vậy CON NGƯỜI thủa hồng hoang?
Au milleu des masses humaines, je dis:
“je ne suis pas i’llusion”
Et le Néant des abimes, mais comme a-dit Descartes:
“Je pense donc je suis”.
Giữa đám đông, tôi nói rằng tôi không phải là Ảo ảnh,
Cũng không phải là Hư vô trong Vực thẳm,
mà như câu nói của Descartes: “Tôi suy tư, vậy thì tôi tồn tại”.
– Thưa đúng vậy, Thầy đâu phải Jésus cứu thế.
Cũng không phải Thích Ca niệm độ kiếp người.
Cũng không phải Khổng Tử,
Mê nàng Nam Tử,
Vì nàng là CÁI ĐẸP.
Nước Trần đó – Thầy bỏ,
Ba lần qua nước Vệ… chính vì nàng,
Dù vua Vệ có lạnh lùng.
– Ôi, cái đạo làm người, chủ thể vẫn Con người,
Ta tư duy nhưng ta vẫn chạy theo Cái Đẹp.
Tồn tại hay không, lịch sử loài người luôn nối tiếp.
Tay bé sơ sinh dõi theo một hướng đi.
Ta đã nói: “Phải nổ súng!”[5],
như huyền thoại một lời thề,
Nếu ai động đến con người là chủ thể.
Ảo ảnh? Cuộc đời riêng, ta vẫn có thể,
Là kẻ Hư vô? Hay con số không?
Ôi sa mạc mênh mông – Hẳn là thế!
“Cát bụi trở về cát bụi”[6]
Hẳn là thế – Giữa nghĩa trang[7]
Nắm tro tàn…
– Không! Ta tồn tại.
THÁI VŨ
(Nhân 100 ngày mất Thầy Trần Đức Thảo [/4/1993-1/8/1993])
Chú thích
[1] Nhà văn Thái Vũ tên thật là Bùi Quang Đoài, sinh năm 1928 tại Quảng Bình. Ông làm công tác chính trị và văn hóa ở Chiến trường Liên Khu 5 trong những năm 1949-1950 trước khi xuất ngũ ra Bắc học đại học rồi giảng dạy đại học. Ông là Hội viên khai sáng của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, cùng với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… Có thể nói Thái Vũ là một nhà văn-sử, vì trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã dùng văn học để giới thiệu tới công chúng các phát hiện mới về lịch sử dân tộc, sau những nỗ lực truy tầm sử liệu hay từ các chuyến điền dã của mình, với các tiểu thuyết lịch sử như: Cờ nghĩa Ba Đình (1981), Thất thủ Kinh đô Huế 1885 (1982), Biến động – Giặc chày vôi (1983), Thành Thái – “người điên” đầu thế kỷ (1995), Tình sử Mỵ Châu (1998), Thế trận những dòng sông (1998)…
[2] Bài trả lời phỏng vấn này đã được trích đăng trên báo Văn nghệ Trẻ, số 17+18 (544+545), ngày 29-4 và 6-5-2007, tr. 25. Bản này là bản đầy đủ, và có bổ sung, sửa chữa một chút so với bản đã công bố.
[3] Thái Vũ (2007). Những chuyến lữ hành của triết gia Trần Đức Thảo. Nguồn: www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9367&rb=0301
[4] F. Engels, Biện chứng của tự nhiên (dẫn theo Trần Đức Thảo)
[5] Lời Trần Đức Thảo trả lời một phóng viên Pháp, sau khi được hỏi: “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ?”
[6] Theo Kinh Thánh.
[7]Theo đài Pháp RFI, sáng 28/4/1993, nhà nước Pháp dự kiến mai táng triết gia Trần Đức Thảo tại Nghĩa trang Père Lachaise tại Paris, nơi yên nghỉ của các danh nhân Pháp; nhưng phía Việt Nam đã yêu cầu hỏa táng và đưa tro về nước. Nghĩa trang Père-Lachaise được thành lập từ năm 1804. Đây cũng là địa danh khép lại bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Victor Hugo: Père-Lachaise là nơi yên nghỉ của Jean Valjean- người tù khổ sai, chiến binh của Công xã Paris, nhân vật chính của tiểu thuyết. Trên mộ Jean Valjean có đề mấy dòng thơ, mà theo thời gian đã bị “cỏ che, mưa xóa”: Il dort. Quoique le sort fut pour lui bien étrange, Il vivait. Il mourut quand il n’eut plus son ange. La chose simplement d’elle-même arriva, Comme la nuit se fait lorsque le jour s’en va (Người nơi đây yên nghỉ, Thân thế lắm đắng cay, Vẫn cam sống bấy chầy…, Thiên thần một sớm bay, Người chết, đơn giản lắm, Như đêm nối tiếp ngày…)