Hành trình cuối đông (kỳ 12)

Tiêu Dao Bảo Cự

Phụ lục C

Tác phẩm trích từ 3 số tạp chí Langbian

Sau đây là một số bài thơ trích từ 3 số tạp chí Langbian đã góp phần làm nên “sự cố”. Langbian là tạp chí đầu tiên trong cả nước đăng lại tác phẩm của những “Nhân văn” cũ như Trần Dần, Hữu Loan, Văn Cao kể từ sau vụ đàn áp Nhân văn-Giai phẩm năm 1956. Ngoài ra còn có một bài chính luận của Bùi Minh Quốc về thơ và một truyện ngắn của Tiêu Dao Bảo Cự thể hiện quan điểm sáng tác trong thời điểm này của hai người chủ chốt chủ trương tạp chí Langbian.

Đặng Thị Vân Khanh

Cảm xúc đi trên đường Nguyễn Trãi

Tôi thả xe nẻo đường cây ngược nắng

Gặp tĩnh lặng mùa đông trên sắc lá bàng

Gió đổ bụi phố dài

Im lặng, tự tin trong mỗi ngôi nhà đang trưa kín của

Có gì thiêng liêng như cuộc sống con người

Sau huyên náo bộn bề, sau tính toan thiếu đủ

Trở về với mình

Riêng những sâu xa

Nếu con người chỉ là chiếc máy tinh vi

Sẽ rạch ròi chia: loại mới, loại tân trang, chỗ sai, chỗ hỏng

Chẳng khó gì trong việc sử dụng điều tra

Thế kỷ hai mươi ta lên cung trăng

Sinh hoạt hằng ngày bằng đồ dùng điện tử

Nhưng lại quên hay chẳng thể nghĩ ra

Loại máy tính, máy đo chất người chuẩn xác

Oan Ức Trai sáu trăm năm trước

Bọn gian thần đổi dạng vẫn còn đây


Bánh xe lăn

Bánh xe lăn

Nẻo đường cây ngược nắng

Tôi miệt mài đi dọc sắc lá bàng

12-1987

(Langbian số 1)

*

Thanh Thảo

Những cây thông kêu

Những cây thông ào vào tỉnh uỷ

Mây dừng

Chúng tôi muốn sống

Đời thông

Thẳng vút

Tung trăm nghìn lá nhọn

Hồn nhiên

Không phải ô mà tiền đình

Đầu chúng tôi trần trong nắng gió

Khoảng mát lạ kỳ tự chúng tôi lan toả

Đưa con người qua quá chúng tôi

Những cây thông ào vào tỉnh uỳ

Xin đừng đốn chúng tôi!

30-7-87

(Langbian số 1)

*

Văn Cao

Về một người

Tôi gặp lại anh

Im lặng như bức ảnh

Người anh dẹt như một con dao

Gây nhiều vết thương cho bạn hữu

Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt

Đâu là cái cuối cùng

Chỉ riêng hai con mắt

Trắng dã không thể dối lừa.

(Langbian số 2)

*

Trần Dần

Đi!

Bài thơ Việt Bắc

(Trích trường ca)

…..

Ở đây

Ta mắc nợ

núi rừng,

Vay từ

bó củi

nắm tên

Vay cả

những hang sâu

núi hiểm.

Cả

trám bùi

măng đắng

đã nuôi ta.

Ta mắc nợ

những rừng sim bát ngát

Nợ

bản mường heo hút

chiều sương

Nợ củ khoai môn

nợ chim muông

nương rẫy

Nợ tre vầu

bưng bít

rừng sâu.

Nợ con suối

dù trong

dù đục

Nợ những người

đã ngã

không tên

Ơi

Thế kỷ muôn ngàn quên nhớ!

Nợ này

đâu dễ trả

mà quên!

Đi!

Tất cả! –

Dù quen tay vỗ nợ

Cũng chớ bao giờ

vỗ nợ

nhân dân!

…..

Tôi

chửa có khi nào

quên táo bạo.

Chửa khi nào

quên hát

quên đau.

Tôi yêu đất mẹ đây –

có cỏ hoa làm chứng.

Tôi yêu đại nghĩa này

nhật nguyệt cãi cho tôi.

Nhưng, chẳng thể

rúc kèn cũ rích,

Vác loa mồm kêu:

“Hiện tại rất thiên đường!”

Không!

Thiên đường chúng ta

nối đuôi nhau

vô tận

triệu thiên đường.

Đi mãi

chẳng bao giờ thoả.

Tôi có thể

mắc nhiều tội lỗi

Chẳng bao giờ

quá ngu đi

mắc tội:

nằm ì.

Han gỉ

khác gì

cái chết?

Chết con tim

không còn dám đau thương.

Chết khối óc

không còn dám nghĩ!

…..

Tháng 2 – tháng 9 năm 1957

(Langbian số 2)

*

Hữu Loan

Đèo cả

Đèo cả!

Đèo cả!

núi cao ngất

mây trời Ai Lao

sầu đại dương

dặm về heo hút

Đá bia mù sương

*

Bên quán Hồng Quân

người

ngựa

mỏi

nhìn dốc

ngồi than

thương

ai

lên

đường!

*

Chầy ngày

lạc giữa núi

sau chân

lối vào

xanh tuôn.

Dưới cây bên suối độc

cheo leo chòi canh

như biên cương

tóc râu trùm

vai rộng

Không nhận ra người làng

rau khe

cơm vắt

áo phai màu chiến trường

ngày thâu

vượn hú

đêm canh gặp hùm

lang thang

*

Gian nguy

lòng không nhụt

căm thù 100 năm xa

máu thiêng sôi

dào dạt

từ nguồn thiêng

ông cha

“cần xây chiến luỹ ngất

đây hình hài niên hoa

xâm lăng! xâm lăng

súng thèm

gươm khát…”

– Ai ngân

lung

lay

đêm quê nhà

*

Lặn lội bao rừng suối

ăn với nhau

bữa heo rừng

công thui

chấm muối

và trên sạp cây rừng

tâm tình suốt tối

biệt nhau

rừng hoang canh gà

Râu ngược

chào nhau

bên vách núi

*

Giặc từ vũng Rô bắn tới

giặc từ trong đánh ra

Đèo cả

vẫn

giữ

vững

Chân Đèo Nam

máu giặc

mấy

lần

nắng

khô

*

Suối

mang

bóng

người

Soi

những

về

đâu?

(1946)

*

Tục đèo cả

(trích đoạn)

10 năm sau

nghĩa là vào năm 1956

Giữa thủ đô Hà nội

Có một anh xe ba gác

ngực

đầy

huân

chương

trên chiếc áo sợi đôi

màu cổ chiến trường

máu

bết

khô

đen

quánh

đỏ

như đem đóng

vinh quang

vào ngực

bằng đinh!

Cả Hà nội vỉa hè

theo sát

vây quanh

Công an

xông dùi cui

đến quát

– Đeo huân chương

để

chủ

tâm

bôi bác?

Anh ba gác kia

cúi nhìn xuống ngực

trả lời:

– là đeo

vinh

đeo

dự

sáng

ngời!

Công an trợn mắt

nghiến mồm:

– là

thâm độc

bôi

đen

chế độ!

Anh ba gác

bình

tĩnh

rì:

– Ta làm gì có màu đen hơn

ta

chỉ

nguyên….

và anh rũ rượi ho

máu đỏ

Im lặng rùnh mình

Người công an

định lấy tư thế

quát

thật rắn

thật to

và phát ra thất thanh

tiếng méo

mồm cũng méo

– Người là ai?

Anh ba gác

vẫn bình tĩnh

từng lời

từng lời;

– Ta là ta

ta

cũng

đã

mi!

-Ta là lịch sử

đóng

chắc

hơn

đinh

dù chậm hơn rùa!

II

Lại một lần

cả Hà nội thủ đô

đang chìm trong giấc ngủ

anh ba gác hôm nào

như còn đang đứng nguyên tại chỗ

Ánh điện

ác

hơn

mọi chiều

Sáng

tối

chơi trò lên chất

phù điêu

giữa những huân chương

trên chiếc sợi đôi

máu

bết

khô

đen

quánh

đỏ

Mơ được vinh dự

đóng huân chương

ngực đêm

nhói đau

và rú kêu

trong giấc ngủ

anh ba gác vẫn

im phắc

bi hùng

như tượng đài

cổ quái

dưới ánh đèn đêm.

*

Bỗng có tiếng đi ra

từ bóng tối vang lên:

– Nhớ ta chăng?

hỡi người anh hùng

trấn ải?

Hai người xô lại ôm nhau

(lời chưa kịp nói)

– Người từ thơ Đèo cả

hiện ra?

– Người là hồn bất tuyệt

của thơ ta!

Rồi cùng ngâm giọng

bi hài

râu rung

ha

hả

câu thơ quái

chốt thơ Đèo cả:

“ Suối mang bóng người

soi những về đâu!”

và bất tử bi hài

ngâm lảy thêm câu:

“…Soi những về đây!”

Tiếng cười đôi

khanh khách

gióng đêm dày

*

Gặp nhau rồi

họ đã chia tay

chuyện anh ba gác đeo huân chương

đã trở thành cổ tích

Nhưng tiếng cười đôi

vẫn đêm đêm

khanh khách

Tiếng cười đôi như chính đêm cười

Tiếng cười đôi

khanh khách

nối đêm dài

*

Triều mà loạn giấc

(58-83)

(Langbian số 3)

*

Nguyễn Tấn Cứ

Phía sau nhân dân

Phía sau nhân dân là biển là bờ

là bia đá và cỏ xanh rừng thẳm

là phố thị và đồng quê bát ngát

phía sau là mồ hôi máu và thơ!

Phía sau nhân dân là…nhân dân

những số phận con người héo hon cỏ úa

những tiếng kêu thét từ bờ tre ruộng lúa

những tiếng rên thầm từ phố thị mênh mang

Ai nhân danh và ai … Nhân dân

công lý làm ngơ và nhân dân thấp cổ

cái miệng thì bé – ngàn năm vẫn vậy

trời vẫn cao xanh sâu thẳm đến vô hồn

Phía sau nhân dân – ngoài cánh cửa công đường

người Cảnh vệ quát lên: Đi đâu cho xem giấy!

một ông lão chìa ra tờ đơn héo hắt

con ông bị tù oan tám tháng chưa về (!)

Ôi đừng khóc – Nhân dân ơi – đừng khóc

hãy nhẫn nhục và chờ – đừng khóc – hãy về đi

trời sẽ thấy vì trời còn có mắt

không lẽ nào – mặt đất thiếu trời xanh?

Nhân dân đã từng là thế trận vây quanh

từng là lửa cháy lên giành Độc lập

từng là thác biển sông cuồn cuộn

từng là hầm che chở yêu thương

Nhân dân là – cha chết ở đầu non

mẹ ở cuối biển mò cua bắt ốc

em ở góc phố – số đây – chiều nay xổ

chị ở đầu đường – gạt nước mắt tìm con!

Nhân dân à! – cũng có thể … môi son

Và cũng có thể nhân dân là Cảnh phục

nhân dân phía trước và phía sau câm lặng

hờ hững đến lạnh lùng – tàn nhẫn vô ơn

Chiến tranh đã qua rồi – lặng lẽ Nhân dân

mẹ ngồi nhớ những thằng con đã mất

mẹ cầu khẩn cho những thằng còn sống

sống cho có tình có nghĩa với bà con (?)

Nhân dân buồn – buồn ở phía sau lưng

những công sở cơ quan – những lá đơn nằm rêu mốc

những dối trá đòi nhân dân phải trả

con nợ chủa chính mình – không thể chối từ đâu (?)

Nợ phải trả nhưng lấy gì để trả

nhân dân vũ trang – đi đòi nợ chính mình

nhân dân tự trói mình – và nhân dân than thở

ôi xã – ôi phường – ôi Đảng – ôi Dân!

Đã có một thời – người ta gọi đầy tớ bằng … Ông!

ông thuế vụ – ông công an – hay là ông … Nhà nước

các ông là “đầy tớ” hay là Ông chủ

các ông đòi nợ cho chính mình – hay đòi nợ cho Dân (?)

Phía sau ấy – niềm tin – vẫn còn hay không còn nữa

có ai đó đang nhân danh – và Nhân dân trở thành tội lỗi

có ai đó đang hoài nghi và Nhân dân hứng chịu

điều lương thiện không còn sau những mỹ từ hoa

Nhân dân khóc – thì có sao – cứ khóc

chỉ sợ Nhân dân không còn tin ở Nhân dân

chỉ sợ ta không còn tin ở vào Ta

và đối lập với nhân dân và ai đó

Hãy trở lại với cội nguồn – dù hiểu ra quá muộn

dù phải cưu mang cái ác ở trong lòng

dù phải sản sinh ra hàng trăm ngàn bất hạnh

nhưng hãy nhớ cho rằng: Dân vạn đại là Dân!

Phía sau là…vẫn những đứa con Dân

Và phía trước – vẫn là Nhân dân khắc khổ

Ai không hiểu thì đấy là tai hoạ

Một nghìn đời – đối lập với Nhân dân![1]

(Langbian số 3)

*

Hà Sĩ Phu

Thơ đề nghị…

Mỗi cô gái còn có cách tỏ tình riêng

Sao bắt thơ phải nói lời toán-học?

Anh cán bộ quản lý thơ

Bắt từng câu từng chữ bây giờ

phải khai hộ khẩu

Chữ này lạ mặt, phải khai tạm trú,

Chữ từ đâu, đến để làm chi?

Với chủ nhân quan hệ là gì?

Nhân danh

an ninh khu vực

yêu cầu các tâm hồn

hãy mở cửa ra

cho kiểm tra

hành chính!

Còn tim đen người kiểm tra

thì được quyền đóng kín.

Tối như bưng, chẳng khai báo bao giờ.

Và bây giờ,

Nhân danh

an ninh con người

thơ đề nghị:

Kiểm tra!

(Langbian số 3)

*

Nguyễn Thân Văn

Sự thật ơi…

Thân mến tặng Vân Khanh, Thanh Thảo

I.

Sự thật ơi,

Em là con chim nhỏ lạ đường bay

Thiên hạ thi nhau nhắm bắn

Ôi những giọt máu lăn dài

Tôi xin đem trái tim để thấm.

Em mang mũi tên bay khắp biển trời

Vạch trong không gian những lằn tứa máu

Giọt máu em – Những bông hoa rắc xuống cuộc đời

Mặc sự man trá đang dũa mòn tiếng nói.

II.

Sự thật ơi,

Còn bao điều tôi không thể nói ra

Bởi ngôn ngữ trần gian chừng như xa lạ

Chừng như đã bị bôi đen bởi lòng man trá

Bên em – tôi trở thành một tên câm

Nhưng trái tim ràn rụa những âm thanh…

Đức Trọng, tháng 3-88

(Langbian số 3)

*

Tham luận tại cuộc hội thảo của các nhà thơ Việt Nam ở bảy tỉnh miền Trung

Bùi Minh Quốc

Cuộc sống hôm nay và trách nhiệm của thơ

Tôi không quan niệm đây là cuộc hội thảo về thơ bảy tỉnh miền Trung, mà đây là cuộc gặp gỡ của những nhà thơ Việt Nam đang sống và làm việc trên giải đất bảy tỉnh miền Trung để trao đổi ý kiến về những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay, và qua đó góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước đầy gian truân phát khởi từ đại hội Đảng lần thứ VI.

Tất cả những người chân chính hiện nay, cả trong Đảng và ngoài Đảng, không ai không lo âu, đau đớn, thậm chí phẫn nộ đến bực bội trước hiện trạng xã hội. Tổ chức Đảng không trong sạch, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước yếu, các quan hệ xã hội bị ô uế, hàng loạt bất công trong Đảng và ngoài xã hội tồn tại và kéo dài, có những kẻ đầy tội lỗi vẫn được che dấu dưới những danh hiệu cao quý, những cương vị quan trọng, và nói chung là mọi tình trạng xuống cấp lòng tin, xuống cấp đạo đức có thể nói là nghiêm trọng. Có những nhân vật phản diện trong đời thực của xã hội ta hiện nay đến Yagô của Sếchpia cũng phải tôn làm thầy về sự xảo trá và vô liêm sỉ, mà ghê tởm làm sao, một số kẻ như vậy vẫn tự cho mình cái quyền đi ban phát những bài học đạo đức.

Tình hình đó không thể chấp nhận được, bởi nó hoàn toàn xa lạ, thậm chí hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của những người Cộng sản, của tất cả những cái thiện trong cuộc đời này, cái lý tưởng thiêng liêng mà vì nó biết bao thế hệ Cách mạng đã đổ máu để giành độc lập nhưng không phải để trên đất nước độc lập này lại diễn ra cái cảnh “ kẻ ăn không hết, người lần không ra”, “dân có tội thì xử theo hình pháp, quan có tội thì xử theo lễ”.

Thực tế cay đắng ấy được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI dũng cảm vạch ra, và toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương đang xăn tay áo lên xốc lại đội ngũ, tổ chức một cuộc đấu tranh thật kiên quyết, thật khôn ngoan và nhẫn nại để thanh toán cho bằng được.

Tôi cho rằng đây là một vấn đề sinh tử của cuộc sống và cũng là vấn đề sinh tử của thơ, một vấn đề rất xưa nhưng cũng rất thời sự. Chừng nào có một người lương thiện ngay thẳng bị hàm oan, chừng đó mỗi câu thơ của chúng ta còn trăn trở không yên.

Một số tờ báo đang đi tiền phong trong cụôc chiến đấu này. Trên địa hạt văn học, một số kịch nói, một số tác phẩm văn xuôi đang tác chiến có hiệu quả. Những phần tử thoái hoá biến chất, những kẻ xấu, kẻ ác chui luồn trong hàng ngũ Cách mạng không thể không cảm thấy cái ghế chúng ngồi bắt đầu rung chuyển, chúng không thể tự tung tự tác như trước. Những người tốt, bắt đầu lấy lại được niềm tin, bớt mệt mỏi, bớt thờ ơ. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.

Và trong cuộc bắt đầu này, các nhà thơ dường như có hơi chậm trễ. Chả có lẽ các nhà thơ chúng ta lại thiếu nhạy cảm hơn các đồng nghiệp của mình trong văn xuôi và kịch? Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh ngấm ngầm và sôi sục hằng ngày giữa cái thật và cái gỉa, cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn diễn ra trên quy mô toàn xã hội cũng như trong từng con người đang đòi hỏi có người phát ngôn xứng đáng của mình trong thơ ca, và các nhà thơ cũng đang tự kiếm con đường riêng để đáp ứng đòi hỏi ấy.

Để có thể làm được người phát ngôn xứng đáng của cuộc sống sôi sục, đa dạng, phức tạp và xô bồ này, nhà thơ đương nhiên phải có phẩm chất, có bản lĩnh và năng lực nắm vững thứ ngôn ngữ đặc thù kỳ diệu không gì thay thế được là thơ. Hơn bao giờ hết, thậm chí hơn cả thời chiến, cuộc sống đang cần những nhà thơ chiến sĩ, mà cốt lõi của phẩm cách chiến sĩ không có gì khác hơn là lòng trung thực, là dũng khí bảo vệ chân lý đến cùng. Thơ cần phải mở rộng khai phá ra mọi đề tài của đời sống xã hội cũng như của thế giới nội tâm sâu kín của con người, nhưng trước hết thơ không thể quay lưng lại với yêu cầu bức bách hiện nay của cuộc đấu tranh xã hội. Những viên đạn ngôn từ đầy sức dồn nén của thơ cần phải tấn công trực diện vào những phần tử cơ hội chủ nghĩa thoái hoá biến chất trong tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, những kẻ tuy còn là đảng viên, cán bộ, nhưng thực chất đã mất hết chất Cộng sản, chất Cách mạng, đang hằng ngày nhân danh những danh hiệu cao quý để mưu lợi riêng. Bọn chúng còn có thể lọt lưới qua các cuộc phát thẻ đảng, các cuộc kiểm tra, thanh tra, các toà án, nhưng nhất định các nhà thơ của chúng ta không thể cho chúng lọi lưới qua toà án thơ. Thơ phải truy kích chúng đến cùng. Cho dù chúng còn tạm thời che dấu được tội lỗi để vênh vang và chễm chệ trên giàu sang và quyền lực bất chính thì thơ cũng bắt chúng phải tự đối diện với chính mình, mở mắt và kinh hoàng trước cái hố thăm thẳm của sự trống rỗng về tinh thần. Quyền uy tối thượng ấy của thơ, dường như một số nhà thơ của ta đã quên mất. Đồng thời thơ phải chống lại sự mệt mỏi, sự thờ ơ của những người tốt. Thơ phải luôn luôn có mặt ở bên cạnh những con người ngay thẳng đang vị oan trái, những người đang muốn cất lên tiếng nói trung thực của mình nhưng chưa đủ sức, thơ phải làm chỗ dựa đáng tin cậy cho họ trong những khoảnh khắc họ cảm thấy mệt mỏi muốn buông xuôi trong cuộc đấu tranh đầy phức tạp.

Vấn đề quyết định là phẩm cách, bản lĩnh và năng lực của nhà thơ.

Nhưng có một vấn đề cũng không kém quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo văn hoá nghệ thuật. Đã có một thời gian dài trong đời sống văn nghệ và trong đời sống xã hội chúng ta từng ngự trị một số quan niệm vừa dung tục, vừa phiến diện trong cách đánh giá tác phẩm văn nghệ nói chung và tác phẩm thơ nói riêng. Hầu như thơ bị tước mất quyền được nói nhiều nghĩa – là cái sức mạnh riêng của thơ, đụng vào đâu cũng vướng những “kỵ, huý” vô hình, nhưng có sức trói buộc đáng sợ. Thơ hầu như buộc phải xa lạ với tinh thần phê phán, tinh thần hoài nghi ( đương nhiên là hoài nghi khoa học). Mặc dù các nghị quyết đại hội Đảng đã từng đánh giá rất cao những thành tựu của văn nghệ trong hai cuộc kháng chiến, khẳng định sự tự tin cậy và tự hào của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ Cách mạng, nhưng trên thực tế một số cán bộ lãnh đạo tuyên huấn, cán bộ tổ chức, kể cả ở cấp cao, lại thường mang nặng một tâm lý nghi ngại, nghi ngờ về chính trị, một cách nghĩ, một cách nhìn đầy định kiến, hẹp hòi và khá trịch thượng đối với văn nghệ sĩ. Tâm lý này ảnh hưởng bàng bạc vô hình trong toàn xã hội. Có khi hai người cùng lý lịch như nhau, quá trình trưởng thành như nhau, một người đi làm tuyên huấn hoặc tổ chức thì đương nhiên được coi là chính trị vững vàng hơn, nhiều Đảng tính hơn người làm thơ. Một bạn thơ của tôi ở Lâm Đồng đã nêu một hiện tượng có thực đáng phải xem xét: Thường khi một hội đồng duyệt phim có thể thông qua không khó khăn một bộ phim tư bản nội dung và nghệ thuật tầm thường, nhưng lại lật qua lật lại, xoi mói từng dòng bài thơ của một tác gỉa “nội địa” – người đã viết nhiều tác phẩm tốt và bản thân đã trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh. Đã từng xảy ra không ít những trường hợp quy kết thô bạo, chụp mũ hồ đồ, xử trí độc đoán làm khốn khổ hầu như cả đời những tài năng quý hiếm. Tình trạng đau lòng này ảnh hưởng xấu đến cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, gây nên một sức ức chế bên trong, kìm hãm năng lực sáng tạo. Đó có lẽ là nguyên nhân chủ yếu sản sinh và thịnh hành một thứ thơ nhàn nhạt, ngòn ngọt, vô thưởng, vô phạt tuy luyến láy rất khéo. Những tiếng ca be be có vần được dán nhãn hiệu chủ nghĩa lạc quan, tạo thành một thứ thuốc giảm đau nguy hại khiến công chúng quên mất nỗi đau thật nghiệt ngã của những căn bệnh xã hội đang cần gấp rút chữa trị mà bất cứ ai còn chút lương tâm, chút trách nhiệm, cũng không thể làm ngơ được.

Những quan điểm, cách nhìn và thái độ lỗi thời, phi Mác- xít trên đây cần được phải thanh toán triệt để.

Tuy nhiên xin nhắc lại, điều quyết định vẫn là phẩm cách bản lĩnh và năng lực của nhà thơ.

Những nhà thơ thứ thiệt vẫn kiên định con đường mà họ tin là đúng đắn, cho dù có lúc họ thật đơn độc. Nhất dịnh họ không lùi bước trong cuộc đấu tranh cho chân lý. Xin kết thúc bài phát biểu bằng mấy câu thơ viết mười lăm năm trước trên đất Điện Bàn đầy thử thách:

Điện Bàn ơi trong lửa

Mỗi ngày đêm người đẻ mấy anh hùng

Ai qua đây nào biết lùi chi nữa

Ai qua đây nào biết lùi chi nữa

Nha Trang, ngày 24 tháng 7 năm 1987

Tiêu Dao Bảo Cự

Đối mặt

Có lẽ gần khoảng nửa đêm. Nhà thơ đi một mình lang thang trên những con đường khuya khoắt của thành phố thân yêu. Chàng vừa uống mấy cốc rượu nhỏ với một người bạn thân, cảm thấy đầu óc hơi lâng lâng và tâm hồn cũng chếnh choáng. Trên đường về nhà nhưng chàng đi không định hướng. Đã bao lần chàng lang thang một mình trên những con đường này để suy nghiệm về cuộc đời, với bao đắng cay và tin yêu mà chàng đã sống trải.

Đêm nay nhà thơ cảm thấy lòng ấm áp dù đường khuya im vắng lạnh lẽo. Sương mù bắt đầu lan ra từ những cánh rừng thông. Tiếng gió thì thầm trong lá những lời bí ẩn chỉ cảm nhận mà không hiểu được rõ ràng. Có lẽ là lời muôn thuở của những bản tình ca dịu dàng và phóng khoáng. Hương đêm thoảng trong gió, trong cây lá. Mùi hương này đối với chàng thân quen quá. Hương không thể gọi tên nhưng không bao giờ lẫn được. Lá cỏ mục dưới các cánh rừng ven đường rục rã. Những loài hoa dại không tên bé nhỏ âm thầm thở hơi nồng nàn vào đêm sương. Các loài hoa quý phái trong đêm cũng trở thành vô danh. Tất cả tan loãng và quyện vào nhau thành hương đêm thành phố miền cao của thông, hoa và thấm đẫm sương mù này.

Lên hết con dốc, chàng đã bước vào giữa ngàn sao. Bao nhiêu lần chàng cảm nhận cảm giác tuyệt vời đó. Đi giữa lưng trời. Những ngọn đèn khuya nhạt nhoà của thành phố bên dưới còn sao thì nhấp nháy, xao xác trong cây, trên cao, trên thăm thẳm vô cùng. Nhân gian và hư vô hình như cũng gần kề trên bước lang thang giữa lưng trời này. Nhân gian thấp hèn và cao cả nhưng gắn bó, còn hư vô chỉ là những thoáng đẹp đẽ mong manh. Chàng đã làm thơ về cuộc đời và hư không. Tiếng thơ của chàng ngợi ca, than vãn, reo vui, sầu não, mơ mộng, bay trong gió cuộc đời và chạm tới hư vô.

“Cứu tôi với! Ai cứu tôi với! Nó giết tôi!”

Tiếng kêu hãi hùng đâu đó bật ra như một tiếng nổ khủng khiếp. Nhà thơ kinh hoàng tỉnh giấc suy tư triền miên của mình. Chàng định thần nhìn lại. Đằng sau bóng tối mờ mờ dưới chân tượng Chúa ở ngã ba đường có cái gì nhộn nhạo. Chàng bước lại gần. Một đám đông đứng vây quanh hai người đang vật lộn. Một người đàn ông to con, quỳ quay lưng lại đè một người đàn bà nằm sóng sượt dưới đất. Cánh tay to lớn của y vung lên đấm xuống liên tiếp vào mặt người đàn bà đang cố giơ tay chống cự.

Nhiều tiếng nói lao xao cất lên từ đám đông vây quanh:

“Vợ ngoại tình bị chồng đánh đó.”

“Không phải. Chồng ngoại tình bị vợ bắt ghen nên đánh vợ.”

“Đâu có. Cha đánh con gái. Con gái hư đi chơi đêm với trai.”

“Bậy. Chồng đòi tiền vợ đi uống rượu không được.”

“Hay là hiếp dâm?”

Thi sĩ thấy mình choáng váng. Cảnh tượng gì đây của nhân gian đang bày ra trước mắt chàng. Nỗi chua xót chán ngán trào dâng trong lòng. Chàng muốn bỏ chạy khỏi chốn này. Tiếng nói của đám đông lại ồn lên:

“Lột truồng nó ra đi. Hấp dẫn đó!”

“Đàn ông gì mà tồi bại, đi đánh đàn bà.”

“Đàn bà hư, đánh là phải.”

“Đồ đê tiện!”

“Can ra.”

“Cứ để vật lộn coi chơi.”

Chàng giơ tay lên trời kêu lên tuyệt vọng:

“Trời ơi. Trời ơi. Sao con người lại nỡ đối xử với nhau như thế này.”

Bên trong, gã đàn ông lại vung nắm đấm lên giáng xuống một đòn chí mạng.

“A aaa… Chúa ơi! Cứu con với!”

Người đàn bà thét lên đau đớn, thều thào rồi ngã vật ra.

Nhà thơ muốn khuỵu xuống. Một cảm giác phẫn nộ bùng lên thiêu đốt người chàng rừng rực. Chàng muốn nhảy bổ tới chặn nắm đấm hung bạo và quật vào mặt gã đàn ông. Con thú đội lốt người đang giở trò hành hung đê tiện. Trong đời chàng cũng đã gặp nhiều tên đê tiện như thế. Chàng muốn đấm thẳng vào cái mõm nhờn mỡ của chúng nhưng chàng không dám. Chàng yếu đuối quá. Yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần. Cũng như bây giờ chàng vừa căm hận vừa run sợ. Chàng quay nhìn đám đông. Những khuôn mặt đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, trẻ con, lướt qua mờ mờ như trên màn ảnh với nhiều đường nét sắc thái. Thích thú, ngạc nhiên, phẫn nộ, đau xót… nhưng tất cả đều đứng bên ngoài, đứng ngoài cuộc.

Bên trong, gã đàn ông lại vung tay lên, lần này trong tay gã có con dao lấp loáng. Chàng thấy rõ mặt người đàn bà ngật ra bên ngoài vùng ánh sáng, nhợt nhạt, kinh hoàng, tuyệt vọng, còn cố mở mắt nhìn lên tượng Chúa. Tượng Chúa quay lưng lại, đứng im sững giữa hàng rào sắt bao quanh. Tượng Chúa nhìn vào nhà thờ cửa đóng kín bên kia đường, quay lưng lại với cuộc đời. Đôi mi ướt đẫm của người đàn bà khép lại, nước mắt trào ra chảy thành dòng trên má, trên mái tóc rũ rượi.

Nước mắt nhà thơ cũng trào ra, trong một thoáng che mờ cảnh tội ác trước mắt rồi lại hiện ra rõ hơn. Chàng bỗng vẹt hai người đứng phía trước, nhảy bổ vào gã đàn ông, một tay giữ tay cầm dao của gã, tay kia nắm đầu tóc gã giật ngược ra sau.

Trong một thoáng gần như hai khuôn mặt chạm nhau. Chàng thấy rõ đôi mắt đỏ ngầu long lên sòng sọc dưới hai lông mày rậm đen sì. Miệng hắn xộc ra mùi rượu nồng nặc phả vào mặt chàng. Hắn đó. Tên đê tiện đó. Nhưng hắn là ai? Chàng gặp hắn rồi, như đã bao nhiêu lần gặp những hắn khác. Chàng có lùi bước không? Chàng nhìn thấy hắn trong cuộc đời. Thơ ca của chàng cũng đã nói đến hắn, những gì tạo ra hắn. Nhưng hắn và những tên đê tiện hơn hắn vẫn xuất hiện. Thơ ca của chàng còn èo uột quá, khắc hoạ hắn chưa rõ nét và thực ra chưa dám trực tiếp đương đầu.

Lần này chàng đã thực sự đối mặt. Một sức mạnh phi thường đã giúp chàng chặn được cánh tay cầm dao của gã. Mũi dao nhắm thẳng vào ngực đâm xuống trệch ra ngoài, xước vào vai người đàn bà toé máu. Người đàn bà rú lên đau đớn. Gã đàn ông buông dao, quật sống lưng bàn tay to lớn vào mặt chàng. Chàng ngã ngửa ra sau, đập đầu vào một viên sỏi choáng váng nhưng lại chồm lên ngay. Gã đàn ông trợn mắt điên dại nhìn chàng rồi đảo nhìn đám đông. Đám đông sững sờ một lúc rồi có hai, ba người xông tới phía gã. Gã đứng phắt lên, lao qua một chỗ trống cắm đầu bỏ chạy.

Nhà thơ cúi xuống người đàn bà bất tỉnh, máu loang trên ngực áo len trắng. Chàng bế người đàn bà lên, ôm chặt vào lòng. Một niềm thương cảm rào rạt suốt tâm hồn và xương da thi sĩ. Chàng biết rõ mình đang ôm một con người bị đày đoạ, con người thân thiết với chàng vô cùng.

Chàng bước ra khỏi vùng bóng tối, ôm siết người đàn bà trên tay vào lòng, bước ngang qua trước mặt tượng-Chúa-quay-lưng-lại-với-nhân-gian, đi ra chính giữa lòng đường.

Từ xa có luồng ánh sáng đèn pha của một chiếc ô tô nào đang chạy đến. Với một sức mạnh lạ lùng, con người bị thương trên tay, ngực loang máu áp vào ngực chàng, chàng bước những bước mạnh mẽ, chính giữa lòng đường, đi về vùng ánh sáng đèn pha đã xuyên thủng sương mù.

Chàng thấy rõ chàng đang viết bài thơ bi tráng đẹp nhất của đời mình.

Dalat 24/8/1987

(Langbian số 3)

Nguồn: Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1997. Bản điện tử đăng trên talawas do tác giả cung cấp.


[1] Xin nhắc lại ý đ/c tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong Đại hội Nông dân Tập thể lần thứ I: “Không ít cán bộ đảng viên thoái hoá ở nông thôn, biến chất, trở thành cường hào mới – đứng trên nhân dân – đối lập với nhân dân. Đó là một sự thật đau lòng”

Comments are closed.