Hành trình cuối đông (kỳ 4)

Tiêu Dao Bảo Cự

Quốc lộ 1 phía bắc miền Trung buồn bã làm chúng tôi nao lòng. Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải bé nhỏ, sụt lở làm chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi cứ tưởng tượng cây cầu – vết dao chia cắt đất nước đã bao năm làm quặn thắt lòng người – sau thống nhất lẽ ra phải được xây lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để biểu thị niềm vui của tổ quốc. Ngoài ý nghĩa chính trị, những cây cầu trên quốc lộ 1, con đường chiến lược, huyết mạch của đất nước, có vai trò quan trọng trong giao thông, giao lưu hàng hoá, bắt buộc phải được sửa chữa, xây dựng mới. Tiếc thay nhiều cây cầu còn rất cũ kỹ, tạm bợ, chỉ một trục trặc nhỏ đã ùn tắc xe cộ cả buổi. Riêng cầu Bến Hải có lẽ là cầu xấu nhất trong tất cả các cây cầu trên quốc lộ 1 mà chúng tôi đã đi qua.

Đường đi qua địa phận Nghệ Tĩnh lại càng xấu. Hai bên đường nhiều cồn cát ngút ngàn hoang vắng. Những nơi có dân cư, nông dân gặt lúa đem phơi rải trên đường nhựa cho xe cán qua lấy lúa, có lẽ là lúa mới bị ngập úng trong mấy cơn bão vừa qua.

Dừng lại nghỉ xả hơi trên đỉnh đèo Ngang, chúng tôi gặp ba em bé chăn bò quần áo rách rưới, run rẩy vì lạnh và đói. Hỏi thăm, các em nói mỗi ngày chỉ ăn một bữa cháo mụt sắn. Thật như cảnh “đạo phùng ngã phu”, đi đường gặp người đói của Cao Bá Quát. Chúng tôi tuy rất nghèo nhưng còn hơn các em một trời một vực, chỉ có thể chia sẻ với các em chút ít những gì mình có mà lòng xốn xang bứt rứt. Và sau đó, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn câu chuyện qua đường nghe được ở Thanh Hoá. Trong một cửa hàng thuộc Công ty Ăn uống thị xã ở đường Trần Phú khi chúng tôi đang ăn sáng, đột nhiên có một nhân viên la lớn với mấy đồng nghiệp, cốt cho cả khách cùng nghe: “Báo cáo láo! Hai tháng nhân viên không có lương mà công ty lại đi báo công. Hoàng Trọng Hoà, bí thư tỉnh uỷ cũng báo cáo láo nên nhân dân mới đói”. Sau đó, hỏi thăm thêm, chúng tôi được biết Hoàng Trọng Hoà đã được xử lý nhưng người dân vẫn còn uất ức, chưa thoả mãn.

Mỗi đoạn đường là một cảm xúc. Bao nhiêu chuyện làm chúng tôi phải suy nghĩ.

Tối hôm nghỉ lại Đồng Hới, chủ tịch uỷ ban nhân dân thị xã Nguyễn Xuân Chàm nghe tin, đã đi với mấy anh em văn nghệ địa phương tới thăm đoàn tại phòng nghỉ ở khách sạn Nhật Lệ. Hữu Loan và Bùi Minh Quốc đã từng có thời gian công tác ở đây nên có nhiều chuyện để nói với chủ nhà. Đặc biệt Hữu Loan đọc và sau đó chép tặng bài thơ “Quách Xuân Kỳ” viết về đồng chí bí thư đầu tiên của thị xã Đồng Hới đã hy sinh. Đây là một trong những bài thơ kháng chiến rất mới, hay và xúc động nhưng một thời gian bị cấm phổ biến vì bị quy là tiểu tư sản, đề cao anh hùng cá nhân. Chủ tịch Nguyễn Xuân Chàm hứa khi có dịp mời Hữu Loan và Bùi Minh Quốc đến ở Đồng Hới một thời gian để sáng tác, thị xã sẽ tạo điều hiện nơi ăn chốn ở chu đáo.

Nơi vùng đất lửa này, nhà cửa to đẹp bắt đầu mọc lên. Khách sạn, nhà nghỉ Nhật Lệ hiện đại không thua gì các nơi khác. Nhưng có một tin làm chúng tôi sửng sốt. Nhà văn Nguyễn Quang Hà đang công tác ở đây cho biết đảng uỷ xã Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt anh hùng, có 270 đảng viên thì 120 người bỏ đảng vì nhiều lý do, trong đó phần lớn là bất mãn. Chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu vấn đề này nhưng điều ám ảnh chúng tôi là phải chăng hiện nay, trong thời bình, chúng ta đã thiếu đi một cái gì đó rất quan trọng trong việc xây dựng con người. Trong chiến tranh, vì độc lập tự do của tổ quốc, người ta có thể sẵn sàng hy sinh tất cả, với sự tự nguyện nồng nhiệt nhất. Hoàn cảnh đó có thể phát huy những gì đẹp đẽ nhất nơi con người, nay không còn nữa và ta phải thay thế bằng điều gì khác. Chỉ nhắc lại quá khứ và những hô hào suông rõ ràng không còn hiệu quả.

Dù phải đi gấp, qua Hà Tĩnh, chúng tôi quyết định phải đi viếng mộ Nguyễn Du. Trước khi đến cầu phao Bến Thuỷ rẽ phải khoảng mười cây số là đến làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, quê hương nhà thơ thiên tài của dân tộc:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thuỳ nhân khấp Tố Như


(Không biết ba trăm năm về sau

Người đời ai là kẻ khóc Tố Như)

Câu thơ ám ảnh chúng tôi khi đi đến nơi này. Đây là khu di tích được nhà nước xếp hạng, rộng khoảng một hecta, có tường xây chung quanh, nơi nhà thờ cũ của dòng họ Nguyễn Du. Cô nhân viên làm công tác bảo tàng ở đây giải thích cho chúng tôi được đôi điều. Nhà trưng bày các hiện vật về Nguyễn Du là một ngôi đình cũ ở nơi khác chuyển đến để có vẻ xưa và hoà hợp với khung cảnh chung quanh nhưng cách trưng bày còn luộm thuộm, thiếu thẩm mỹ. Trong khu di tích còn có một nhà thờ cũ, bên trong còn rõ ba chữ Hán”Nguyễn Du Tự”, những nhà cửa khác không thấy ghi chú hướng dẫn gì và chữ Hán cũng mờ nhạt không đọc được. Có một ngôi mộ lớn nghe nói là mộ của vợ chồng Nguyễn Nghiễm.

Một nhà giảng sách của dòng họ Nguyễn từ trước vẫn còn lại nhưng trống trơn, hư lở và không được tu bổ gì, trẻ con viết nguệch ngoạc đầy bên trong.

Cô nhân viên bảo tàng cho biết mộ Nguyễn Du không nằm trong khu vực này mà ở cách đây khoảng hai cây số, đường vào xấu, rất khó đi. Cô chỉ cho chúng tôi xem ảnh đặt trong nhà trưng bày. Mộ rất đơn sơ và hiện nay không ai chăm sóc, bia mộ phải mang về cất vì sợ trẻ con phá. Cô bảo trẻ con chúng nó nói phá đi để nhà nước làm lại to đẹp hơn. Cô cũng còn bảo nhà nước muốn dời mộ Nguyễn Du về trong khu di tích để tiện bảo quản và tham quan nhưng gia đình không chịu. Không rõ những điều này có đúng không.

Chúng tôi đã để dành một bó nhang định để thắp bên mộ nhà thơ nhưng không được đành trở lại cắm tiếp bó nhang vào lư hương trong nhà thờ nhỏ bé mà chúng tôi đã thắp nhang lúc mới vào.

*

Qua khỏi cầu Lèn ngoài thị xã Thanh Hoá, chúng tôi rẽ vào Nga Sơn để đưa Hữu Loan về nhà. Thế là từ khi “tái xuất giang hồ”, Hữu Loan đã xa nhà hơn một năm. Theo con đường đất mù bụi đi vào huyện lỵ khoảng mười cây số, chúng tôi đến nhà vợ con Hữu Loan ở đầu một cây cầu nhỏ. Nói là nhà vợ con vì đây là chỗ ở tạm để vợ bán hàng, con sửa xe đạp. Trong khi mấy cháu nhỏ rú lên mừng ông, chạy đi gọi bà đang ở chợ, Hữu Loan loay hoay dọn dẹp chỗ mời khách ngồi vì nhà chật và bẩn kinh khủng. Một lúc lâu anh mới kê tạm được chiếc giường con duy nhất trong nhà dưới mái hiên gần bếp, bên cạnh chiếc bàn gỗ cũ kỹ để tiếp khách. Bà con hàng xóm túa ra mừng ông Hữu Loan mới về, khen ông mập ra, đẹp ra, thăm hỏi đủ chuyện. Một lúc sau, vợ Hữu Loan mới tất tả chạy về, nét mừng lộ ra mặt. Đây là một phụ nữ nông thôn khoẻ mạnh, mập mạp. Hữu Loan kể chuyện bà lo cho chồng và ghen kinh khủng. Con gái viết thư nói bà đem tất cả các ảnh của Hữu Loan chụp chung với các cô gái cắt nát ra và cho con đi tìm đưa bố về. Chúng tôi nói đùa bà phải trả công chúng tôi vì chúng tôi đã đưa ông về tận nhà. Bà tạ ơn chúng tôi bằng bốn lít rượu tăm ngon tuyệt, nổi tiếng của Nga Sơn, Thanh Hoá. Hữu Loan đi các nơi là nhà thơ, là anh Hữu Loan dù đã hơn 70 tuổi, nhưng về nhà là ông Loan với mười người con và bao nhiêu cháu, phải lo toan đủ mọi chuyện gia đình.

Hữu Loan đưa chúng tôi đi xem nhà chính của anh, cách đó khoảng hai cây số. Ngôi nhà chính lợp tranh, vách đá – loại đá phổ biến ở Thanh Hoá, viên to nhỏ đủ cỡ – do chính tay Hữu Loan xây dựng. Nhà đã sập nằm nghiêng, mái chấm đất, như đã quá mỏi mệt vì chờ đợi từ khi anh đi Nam. Còn lại ngôi nhà bếp cũng lợp tranh, vách đá, thấp lè tè, tối om như một cái hang, nay làm nhà ở cho con gái út. Trên đường đi Hữu Loan hay kể chuyện dựng vườn, nhờ bỏ bao nhiêu công sức mới có một cái vườn có ao cá, cây ăn trái, nên đời sống bớt khó khăn còn trước đó bố con Hữu Loan phải đi làm thuê, thồ xe đá kiếm ăn. Chúng tôi hình dung chắc vườn phải lớn lắm nhưng đến nơi mới thấy chỉ là một mảnh vườn bé xíu, cái ao cũng nhỏ tí ti, mươi cây dừa và mươi cây ăn trái các loại. Đó là công sức của Hữu Loan ba mươi năm qua để thoát ra khỏi cảnh quẫn bách bằng chính sức lao động của mình.

Sau khi ăn một bữa cơm trưa thật ngon do vợ Hữu Loan đãi khách và mừng chồng về, chúng tôi từ biệt gia đình Hữu Loan. Rời nhà Hữu Loan, chúng tôi thấm thía những gì mà anh đã chịu đựng, thông cảm nỗi đau vô cùng mà anh đã kể trong bài thơ “Chuyện tôi về”. Chúng tôi tưởng tượng hình ảnh nhà thơ Hữu Loan đi chân đất, mặc quần cộc, đẩy xe thồ chở hai tạ đá đi dưới nắng, mồ hôi chảy đầm lưng trần và tóc râu không cạo trong khi anh công an ghếch chân lên xe đạp hỏi “Anh thồ có nặng không?” và hách dịch đủ điều.

Chỉ hiểu được điều đó mới có thể hiểu những ý tưởng cay đắng và phẫn nộ trong thơ Hữu Loan.

*

Từ Thanh Hoá đi, đoàn chúng tôi còn lại ba người, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự và Bùi Thanh Thảo. Những người khác theo yêu cầu công việc đã quay về. Chúng tôi trực chỉ Hà Nội, đi vào giai đoạn quyết liệt của cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ của mình và bè bạn.

Hà Nội là nơi thân quen của Bùi Minh Quốc nhưng đối với Bảo Cự hoàn toàn mới mẻ vì mới ra thủ đô lần đầu. Con đường dẫn vào thành phố quá nhỏ so với lưu lượng xe ra vào thủ đô, đường lại bụi bặm, người và các loại xe cộ đi mất trật tự nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Vào thủ đô, đoàn tìm ngay đến trụ sở Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Một khu vực nhỏ, chỉ có mấy dãy nhà mà ngoài trụ sở của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp, còn là trụ sở của năm, sáu hội chuyên ngành trung ương khác, rất chật chội. Không hiểu vì nhà cửa ở thủ đô khó khăn hay vì các hội nghệ thuật không được quan tâm đúng mức.

Bùi Minh Quốc hỏi thăm ông Cù Huy Cận, ông Cận đi công tác vắng, hỏi để xin bố trí nơi ở, nhân viên của uỷ ban nói đây không lo chuyện đó, khách tự tìm lấy chỗ ở. Bùi Minh Quốc tức giận nói với cô nhân viên: “Cô bảo với ông Cù Huy Cận là đối xử với anh em ở địa phương như thế thì khi ông về các địa phương đừng hòng ai tiếp đón”.

Bùi Minh Quốc là người quen thuộc Hà Nội mà phải chạy mãi hơn một tiếng đồng hồ ba bốn nơi vẫn không tìm được nhà nghỉ thuận tiện có chỗ để xe. Sau cùng phải nhờ thư giới thiệu của một người quen ở Công ty Xây dựng của Quảng Nam – Đà Nẵng đang thi công một công trình của nhà khách chính phủ, 37 đường Hùng Vương, mới ở tạm được một đêm tại nhà khách này. Hôm sau nhờ Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương can thiệp mới chuyển đến ở tại nhà khách K5 của Trung ương.

clip_image002[4]

Từ trái sang: Bùi Minh Quốc (1) và Tiêu Dao Bảo Cự (2) khi ra đến Hà Nội.

Hà Nội thời gian này đang có mấy sự kiện lớn: Ban thư ký Hội Nhà văn xử lý vụ Nguyên Ngọc, tổng biên tập tuần báo Văn nghệ; Hội nghị lần thứ V ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Đại hội nghệ sĩ sân khấu chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội. Chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng từ trước khi đoàn ra đến Hà Nội cũng đã thành một sự kiện được nhiều cơ quan và giới văn nghệ bàn tán. Những người quen biết và bạn bè tỏ ra lo lắng cho chúng tôi. Một tuần liền, chúng tôi đi liên tục, phải tiếp xúc với hàng trăm người để giải quyết công việc, chỉ dành được có một buổi cuối cùng đi thăm thú Hà Nội.

Sau khi nghe Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương chính thức thông báo là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có điện mật gởi Tỉnh uỷ Lâm Đồng và các tỉnh, thành uỷ khác trong cả nước nói về chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng và yêu cầu Tỉnh uỷ Lâm Đồng kiểm điểm các đảng viên trong đoàn về việc làm sai trái của mình và có hình thức kỷ luật thích đáng, mục đích chính của chúng tôi là tìm gặp Ban Bí thư để trình bày rõ sự việc.

Chứng tôi đến Văn phòng Trung ương Đảng lần đầu, được đồng chí Trần Đình Nghiêm, chuyên viên cao cấp của Ban Bí thư về văn hoá văn nghệ ra tiếp, ghi nhận vấn đề của chúng tôi trình bày và hứa chuyển đề nghị của chúng tôi xin gặp đồng chí Đào Duy Tùng, uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, phụ trách khối tư tưởng. Sau đó, qua Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng lại nhắn lại là đồng chí Đào Duy Tùng bận họp không tiếp được. Chúng tôi lại đến Văn phòng Trung ương Đảng gởi toàn bộ các văn bản kiến nghị và tuyên bố, kèm theo một lá thư gởi trực tiếp cho đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thường trực Ban Bí thư và đồng chí Đào Duy Tùng yêu cầu được tiếp.

Hôm sau, cũng qua Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng lại nhắn hai đồng chí Nguyễn Thanh Bình và Đào Duy Tùng bận họp không tiếp được.

Qua những thông tin và bạn bè ở đây, chúng tôi hiểu sự việc liên quan đến chuyến đi của chúng tôi đã bị bóp méo, người ta nói nhiều đến việc chúng tôi hoạt động bè phái và mọi việc làm chỉ cốt để ủng hộ Nguyên Ngọc. Mặt khác, chúng tôi nhận định với điện mật của Ban Bí thư, sự việc liên quan đến chúng tôi đã trở thành một “vụ chấn động”, nằm trong bối cảnh chung lúc đang có sự kiện nông dân Nam bộ biểu tình đòi ruộng đất, Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ Thành phố Hồ Chí Minh ra báo Truyền Thống kháng chiến phê phán Trung ương nặng nề, phản ứng mạnh mẽ của công chúng và giới văn nghệ, báo chí đối với vụ tuần báo Văn nghệ, chuyến đi của chúng tôi liên quan đến 7 tỉnh miền Trung, 5 hội văn nghệ, 5 tạp chí văn nghệ, 118 anh chị em văn nghệ sĩ là một dấu hiệu mới của phong trào dân chủ hoá làm một số người lo ngại. Có người đã nói đến việc lạm dụng công khai và dân chủ, dân chủ cực đoan, quá trớn.

Chúng tôi muốn trực tiếp trình bày với Ban Bí thư quan điểm của mình về vấn đề này. Vì chúng tôi không thể ở lâu tại Hà Nội và chúng tôi cũng biết Ban bí thư lúc này đang bận rất nhiều cuộc họp quan trọng nên nhờ sự chỉ dẫn của một người quen, chúng tôi tìm đến nhà riêng của đồng chí Đào Duy Tùng.

Chúng tôi muốn gặp những đồng chí có trách nhiệm trực tiếp ở Ban Bí thư không phải “để cho oai” (như sau này trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân nói) mà vì thấy chúng tôi cần phải trình bày và Ban Bí thư cũng cần gặp chúng tôi để tìm hiểu khi chúng tôi đã vượt mấy ngàn cây số ra đến Trung ương để nêu những vấn đề tâm huyết liên quan đến văn nghệ và sự nghiệp chung của đất nước. Lẽ nào Ban Bí thư lại không cần gặp dân? Lẽ nào Ban Bí thư gặp ai lại “oai” người đó? Chúng tôi không tự cho mình là tài đức gì nhưng chúng tôi biết giữ khí tiết của kẻ sĩ và chúng tôi có thể gặp bất cứ ai với tư cách là công dân. Dù ở nhà riêng, chúng tôi cũng đến gặp đồng chí Đào Duy Tùng là uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, người chúng tôi cần gặp với tư cách đó chứ không phải đồng chí Đào Duy Tùng nào khác.

Đồng chí Đào Duy Tùng tiếp chúng tôi rất cởi mở, chân tình, có thể nói là thân mật. Sau khi lắng nghe chúng tôi trình bày, đồng chí Đào Duy Tùng đã nói về tình hình chung, tình hình tư tưởng, tình hình văn nghệ, và khuyên, góp ý với chúng tôi về trách nhiệm đảng viên, về cách làm để khỏi gây thêm phức tạp cho tình hình. Đồng chí Đào Duy Tùng gọi chúng tôi bằng “đồng chí”, có khi gọi là “các ông”, có lúc lại gọi là “các cậu”. Chúng tôi tôn trọng và tiếp thu ý kiến của đồng chí nhưng chúng tôi vẫn trình bày và bảo vệ quan điểm của mình. Chúng tôi cho rằng đó là dân chủ và là cách tốt nhất để tiếp cận chân lý. Chân lý đến bằng sự thuyết phục, tự nó có sức thuyết phục. Không ai có thể độc quyền và áp đặt chân lý cho người khác. Chân lý không phải chỉ có ở cấp trên. Chúng tôi rất thoải mái trong gần một tiếng đồng hồ nói chuyện với đồng chí Đào Duy Tùng.

Buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại trụ sở của uỷ ban là một buổi nói chuyện đầy tâm huyết và tâm đắc. Mặc dù mới đi công tác trong Nam ra, bận họp với cơ quan nhưng khi nghe báo chúng tôi xin gặp, đồng chí cũng dành hơn một giờ để tiếp chúng tôi. Phòng tiếp khách có cả bánh kẹo, trà thuốc với phong cách rất “Mặt trận”. Thái độ đối xử cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng nội dung. Điều chúng tôi tâm đắc là đồng chí Nguyền Hữu Thọ cũng cho rằng tình hình phức tạp là do nghị quyết của Đảng không được thực hiện, nhiều văn bản của nhà nước trái với nghị quyết của Đảng, làm cản trở đổi mới. Đồng chí phản đối việc chụp mũ, trấn áp đối với người đấu tranh cho dân chủ và một lần nữa khẳng định không thể ngồi chờ ban phát dân chủ mà phải đấu tranh để giành dân chủ.

Nơi chúng tôi được thông cảm nhiều nhất là Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương. Từ đồng chí trưởng ban Trần Độ, phó trưởng ban Nguyễn Văn Hạnh và các chuyên viên ở đây đều hiểu rõ những bức xúc của chúng tôi và lo ngại cho cách làm táo bạo của chúng tôi. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương đang gặp khó khăn. Chúng tôi biết Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương và đồng chí Trần Độ nói riêng có công rất lớn trong việc tham mưu chuẩn bị nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn hoá văn nghệ, một nghị quyết thực sự “cởi trói” cho văn hoá văn nghệ, thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới của nghị quyết Đại hội VI của Đảng được đông đảo công chúng và nhất là giới văn nghệ hoan nghênh. Thế nhưng chính Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương lại đang gặp trở ngại trong việc triển khai nghị quyết 05. Nhiều đề xuất của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương để cụ thể hoá nghị quyết 05 không được chấp nhận. Có bài viết của đồng chí Trần Độ về văn nghệ báo Nhân dân không đăng. Thậm chí sau này cuộc họp tổng kết của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương triệu tập rồi cũng bị đình hoãn.

Phải chăng có nhiều cách hiểu và thực hiện nghị quyết của Đảng khác nhau? Phải chăng đang có sự đấu tranh ở mọi cấp, mọi nơi, mọi lãnh vực để thực hiện công cuộc đổi mới phức tạp và đầy cam go của đất nước?

Lần đầu tiên chúng tôi thấy Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam quan tâm đến các hội văn nghệ địa phương. Chung quanh chuyến đi của chúng tôi, đồng chí Cù Huy Cận đã làm công văn, gọi điện thoại trực tiếp cho các hội. Hôm gặp làm việc, đồng chí Cù Huy Cận đã lấy ngay từ trong túi áo ra công văn nói về chuyến đi của chúng tôi và giải thích cặn kẽ ý định và thiện chí của mình trong việc làm công văn này. Đồng chí Cù Huy Cận cũng nhân danh đồng nghiệp, là người lớn tuổi hơn khuyên bảo chúng tôi nhiều điều. Quan điểm của đồng chí là quan điểm “chính thống” mà chúng tôi đã được nghe nhiều lần. Chúng tôi tranh luận với đồng chí Cù Huy Cận như đã làm ở các nơi khác. Chúng tôi chỉ mong Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tổ chức được hội nghị các hội văn nghệ địa phương và góp phần giải quyết các vướng mắc như đồng chí Cù Huy Cận hứa, việc mà Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật từ trước chưa hề làm.

Người đã nói về chúng tôi nhiều nhất, từ trước khi chúng tôi ra Hà Nội và cả mãi về sau này, là người chúng tôi chưa hề gặp, đồng chí trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân. Buổi sáng chúng tôi đến Ban Tuyên huấn Trung ương đề nghị xin gặp đồng chí trưởng ban. Đồng chí thư ký đi xin ý kiến xong báo lại hẹn chiều đến gặp nhưng buổi trưa khi chúng tôi về nhà khách nghỉ thì đồng chí thư ký điện thoại lại bảo đồng chí Trần Trọng Tân bận không tiếp được. Hôm sau, chúng tôi lại đến Ban Tuyên huấn Trung ương giao toàn bộ các văn bản cho vụ báo chí của ban và nhờ chuyển lại đồng chí Trần Trọng Tân. Chúng tôi được biết trong cuộc họp của Ban chấp hành Hội nhà báo trước đó mấy ngày, đồng chí Trần Trọng Tân đã công bố bức điện mật của Ban Bí thư gửi các tỉnh, thành uỷ về chuyến đi của chúng tôi và đồng chí Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã thu băng toàn bộ lời phát biểu của đồng chí Trần Trọng Tân. Sau đó đồng chí Trần Trọng Tân xin lại cuốn băng ghi âm này và sau này thanh minh mãi về lý do xin lại cuốn băng. Dù vì lý do gì đi nữa việc xin lại cuốn băng là có khuất tất và đồng chí Trần Trọng Tân đã không dám chịu trách nhiệm về những lời mình phát biểu trước hội nghị Hội Nhà báo. Gặp Kim Hạnh sau hội nghị, chúng tôi hỏi lúc nghe đọc điện của Ban Bí thư nói về đoàn văn nghệ Lâm Đồng, Kim Hạnh có lo ngại không, Kim Hạnh nói ngay: “Không phải lo ngại mà là lo sợ. Chưa chắc Tuổi trẻ đã dám đăng các tài liệu của Hội Văn nghệ Lâm Đồng”. Chúng tôi biết Kim Hạnh là một tổng biên tập rất bản lãnh và Tuổi trẻ là một trong những tờ báo mạnh mẽ nhất, câu nói trên có thể là câu nói đùa nhưng sự kiện sau này cho thấy việc răn đe báo chí đã có hiệu quả nhất định. Điều nghịch lý là nhiều người hô hào đổi mới, công khai và dân chủ nhưng nhiều người lại rất sợ báo chí, sợ công luận. Báo chí đang đứng trước một sự lựa chọn và đấu tranh gay gắt với những thế lực bảo thủ và cả với bản thân mình.

Chung quanh vụ tuần báo Văn nghệ và “cách chức trá hình” Nguyên Ngọc, trong giới văn nghệ ở đâu cũng có bàn tán. Chúng tôi đã gặp Nguyên Ngọc và chính anh kể lại toàn bộ sự việc hôm người ta đến cách chức anh bằng ba quyết định khác nhau thủ sẵn trong túi, đưa cái đầu ra bị phản đối, lại đưa cái thứ hai, thứ ba nhưng cuối cùng anh lại không được giao quyết định nào cả. Thật là một lối làm việc lạ lùng ở thời kỳ công khai và dân chủ này. Đồng chí Lê Điền, uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhà báo kể tỉ mỉ về các phát biểu trong hội nghị Ban chấp hành Hội nhà báo chung quanh vụ này và cuộc đấu tranh gay gắt để đưa vấn đề này vào thông báo chính thức của ban chấp hành. Bạn bè, đồng nghiệp ở các hội văn học nghệ thuật trung ương, các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, trường viết văn Nguyễn Du… đều có ý kiến. Nhà văn Nguyễn Minh Châu mà chúng tôi đến thăm ở viện quân y 108 nằm trên giường bệnh lúc thập tử nhất sinh cũng cố viết cho xong bài tỏ thái độ (bài này lúc đăng được thì Nguyên Ngọc đã bị cách chức). Cả một ông làm nghề photocopy giấy tờ ở trước Công viên Thống nhất khi biết chúng tôi đưa sao các văn bản có liên quan đến tuần báo Văn Nghệ cũng ủng hộ bằng cách bớt 100 đồng một tờ sao.

Toàn bộ chi tiết gay cấn đó sau này lần lượt được đưa lên báo chí, hầu như khắp các nơi đều có phản ứng thế mà có người vẫn ra sức bảo vệ, cho là dân chủ, thẳng thắn, hợp tình hợp lý, v.v… Rõ ràng đây là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa tiến bộ và bảo thủ trong lãnh vực văn nghệ nói riêng và toàn xã hội nói chung như chúng tôi đã nhận định ngay từ đầu, khi còn ở Lâm Đồng, nên người ta rất ngại khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này như một trong những nội dung đấu tranh cho dân chủ của mình. Người ta quy chúng tôi là hoạt động bè phái nhưng kỳ thực những người đối lập với chúng tôi mới đích thị là bè phái một cách ghê gớm, có âm mưu, thủ đoạn, câu kết với nhau rất chặt. Ngược lại những người cùng quan điểm với chúng tôi chỉ mới gặp nhau trên chính kiến chứ chưa thực sự là một liên minh trên hành động, bằng tổ chức. Phải chăng đây là nhược điểm của những người muốn đấu tranh cho đổi mới, bị quy chụp là bè phái trong khi chẳng có “bè phái” nào cả, để tranh đấu với những “bè phái” có thực đang ra sức hoạt động bè phái?

Hà Nội những ngày cuối đông thời tiết thật đẹp nhưng chúng tôi đến Hà Nội là vào ngay cuộc đấu nên không có thời gian để cảm nhận cái đẹp của Hà Nội. Nhiều con đường rợp bóng cây, êm ả, thanh sạch nhưng cũng nhiều con đường bụi mù, đào xới nham nhở. Rất nhiều mặt hồ tĩnh lặng, long lanh nhưng trừ hồ Tây mênh mông, các hồ khác đều tù đọng, có nơi bẩn thỉu. Các công viên sạch đẹp yên tĩnh không xa những ngõ hẻm sâu hun hút, chật chội, ngoắt ngoéo. Những nhà tập thể cao tầng mọc lên khắp nơi vừa là sự phát triển vừa là bế tắc trong việc giải quyết nơi ở cho con người. Những di tích nghìn năm văn hiến, những công trình văn hoá mới song song với những xe bò, xe đạp chở sọt phân nghênh ngang trên mặt đường. Con gái thủ đô ăn diện rất “mốt”, giọng nói ngọt ngào nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe vang lên những lời thô tục. Trí thức thủ đô uyên bác, thâm trầm, nhiều suy tư nhưng hình như một không khí lo ngại, dè dặt, bao trùm sinh hoạt của trí thức, văn nghệ sĩ, thiếu cái gì đó như là sự phóng khoáng, nồng nhiệt.

Và những bàn giấy, những viên chức lạnh tanh, an phận, nét mặt không biểu lộ thái độ khi nghe bất cứ chuyện gì. Những con người đã được tôi rèn đến không còn cảm xúc hay hoàn toàn chế ngự được cảm xúc trong bộ máy hành chính nặng nề ngự trị.

Món ăn Hà Nội với phở, bún chả, bánh cuốn… những nơi nổi tiếng vẫn “danh bất hư truyền”. Hàng hoá nghèo nàn quá. Chợ Đồng Xuân không bằng chợ nhiều tỉnh, thành phía Nam. Chỉ có hàng Liên Xô, đặc biệt đồ nhôm, tràn ngập các phố chung quanh chợ Đồng Xuân.

Tất cả chỉ là cảm nhận thoáng qua của người lần đầu đến Hà Nội và không có điều kiện đi sâu tìm hiểu, dĩ nhiên rất hời hợt, có thể không chính xác. Tuy nhiên tình cảm và suy nghĩ có những điều rất mâu thuẫn này phải chăng xuất phát từ lòng mong mỏi và ngưỡng mộ về một thủ đô mà nhiều di tích, sự kiện, tên gọi, công trình văn hoá… đã đi vào tâm hồn mọi người Việt Nam bằng lịch sử, truyện kể, văn học, báo chí… ngay từ những ngày còn thơ dại mới bắt đầu lớp vỡ lòng?

clip_image004[4]

Tiêu Dao Bảo Cự lần đầu tiên ra Hà Nội (1988)

*

Chúng tôi rời thủ đô khi đợt rét khắc nghiệt và những cơn mưa bắt đầu. Cuộc đấu tranh của chúng tôi chưa kết thúc mà lại mở ra một giai đoạn mới với tầm vóc và quy mô lớn hơn, vấn đề sâu hơn, tình hình phức tạp hơn nhưng chúng tôi lại nhận rõ mình, nhận rõ bạn bè, nhận rõ đối tượng, nhận rõ con đường hơn trước.

Trên đường trở về chúng tôi ghé lại tất cả những nơi đã đi qua, bàn bạc công việc trước đây để thông báo và nghe thêm tình hình.

Ghé Nga Sơn, vợ Hữu Loan đang ngồi bán hàng trên đầu cầu, mặc áo bà ba màu tím (muốn làm vừa lòng Hữu Loan chăng?), một thoáng buồn khi thấy xe chúng tôi, có lẽ sợ Hữu Loan lại theo chúng tôi đi nữa. Khi biết chúng tôi chỉ ghé thăm và Hữu Loan không đi, bà vui mừng tặng chúng tôi ba lít rượu tăm Thanh Hoá nữa. Hữu Loan cho biết từ khi về, anh không bị phiền phức gì, Hội văn nghệ Thanh Hoá đang mời anh làm cố vấn và tham gia sinh hoạt với hội. Đặc biệt anh đọc cho chúng tôi nghe vè dân gian anh mới nghe được kể tội đòi treo cổ 47 tên gian thần, nói rõ tên tuổi và tội ác từng tên.

Ghé Đồng Hới, không biết đã nghe chuyện rắc rối của chúng tôi chưa nhưng chủ tịch Nguyễn Xuân Châm vẫn đón tiếp niềm nở, đãi uống bia và tặng hai mươi lít xăng như đã hứa.

Từ Huế trở vào, trước đây, sau khi chúng tôi đi qua, các nơi đều đã nhận điện mật của Ban Bí thư và công văn của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật nên đều bàn tán xôn xao và gây tranh luận, phân cực trong giới văn nghệ. Có nơi hội văn nghệ phải làm kiểm điểm. Có nơi từng cá nhân đã ký vào bản tuyên bố cũng phải kiểm điểm. Cả bốn hệ cấp uỷ đảng, công an, tuyên huấn, văn nghệ đều triển khai nắm lại tình hình, đánh giá sự việc chúng tôi đã làm ở các địa phương và có biện pháp đối với anh em văn nghệ tại chỗ. Anh em đều mong gặp lại chúng tôi để nghe thông báo chính thức tình hình chúng tôi đã làm việc ở Hà Nội vì rất nhiều thông tin nhiễu làm anh em lo ngại.

Anh em các nơi đều vui mừng khi thấy chúng tôi vẫn “bình yên vô sự”, chưa bị hề hấn gì mặc dù đã nghe nhiều thông tin sai lạc vô tình hay cố ý như chúng tôi bị bắt giam ở Hà Nội, bị cách chức, khai trừ Đảng…

Qua nhiều bàn bạc, tranh luận khi đi và trở về có thể nói tất cả anh em văn nghệ chúng tôi đã gặp đều thống nhất mục tiêu đòi dân chủ và các quyền cơ bản của văn nghệ nhưng về phương pháp đấu tranh, sách lược vẫn còn những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng cần dũng khí nhưng cũng cần khôn ngoan, hoạt động có hiệu quả, không làm theo kiểu “tử vì đạo”. Có người nói dù là chiến thuật, sách lược gì cũng không được nhượng bộ về nguyên tắc, nếu nhượng bộ là lui về thế yếu, khôn ngoan quá sẽ không làm được gì. Có người nói tranh thủ, mềm dẻo để đạt mục đích là cách tốt nhất nhưng không được thì phải tiếp tục tấn công, tấn công là cách tốt nhất để tự vệ. Cũng có người cho rằng thế lực bảo thủ ở trung ương đang rất mạnh, ta làm không khéo sẽ bị đè bẹp. Chúng tôi không nhất trí ý kiến cuối này vì nhận định như thế là bi quan, chưa thấy được sức mạnh của quần chúng, của công luận, của cơ sở. Hơn lúc nào hết, lúc này phải tác động mạnh để làm chỗ dựa cho những người đổi mới ở Trung ương.

Cuối cùng anh em đều thống nhất là có nhiều cách làm tuỳ tình hình đặc điểm mỗi nơi nhưng phải hỗ trợ cho văn nghệ Langbian. Khi cần thiết, các tạp chí văn nghệ miền Trung sẽ cho mượn đất để Langbian “lưu vong”. Một cái gì đó đang cuộn lên trên suốt dải đất miền Trung, sẵn sàng cho cuộc đấu tranh vì quyền dân chủ mà bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước đã mơ ước và chiến đấu.

Quay lại Nghĩa Bình, chúng tôi biết thêm một tình hình lý thú. Lúc đoàn chúng tôi đang ở Hà Nội, báo Nghĩa Bình chuẩn bị đặc san Văn hoá thể thao Tết Kỷ Tỵ có bài tường thuật cuộc đối thoại với đoàn văn nghệ Lâm Đồng, đưa vào thành phố Hồ Chí Minh in nhưng người mang bản thảo đi in nghe tin do chuyến đi, Bùi Minh Quốc và Bảo Cự đã bị Lâm Đồng cách chức, khai trừ Đảng nên lo ngại, điện về hỏi ban biên tập có nên bỏ bài tường thuật đó không, ban biên tập đã khẳng định ngay là cứ đăng, không vì lý do gì phải bỏ cả.

Ban Tuyên huấn Nghĩa Bình cũng đã chất vấn báo Nghĩa Bình tại sao tiếp đoàn mà không báo cáo, ban biên tập trả lời đó là quyền của báo trong việc tiếp xúc với các đồng nghiệp và văn nghệ sĩ.

Sự kiện này đã chứng tỏ bản lĩnh của người làm báo và mối quan hệ giữa lãnh đạo và báo chí phải được xác lập như thế nào, không thể cứ làm theo kiểu cũ nữa. Rõ ràng đổi mới là một cuộc đấu tranh trong tư duy, lý luận, quan điểm, phương pháp và cả cách xử lý từng việc cụ thể nữa.

Lần này, nghe nói chuyện xảy ra ở nghĩa Bình sau khi chúng tôi đi qua lần trước, chúng tôi có đến Ban Tuyên huấn Nghĩa Bình chính thức làm việc. Chúng tôi đã tranh luận với đồng chí Lang, phó ban trực và đồng chí Hiếu, phó ban tuyên huấn tỉnh. Hai đồng chí này đều nói ủng hộ đổi mới và phát biểu nhiều điều theo tinh thần “Kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt của công tác tư tưởng” lúc đó mới được công bố, nhưng cách nhìn nhận những vấn đề cụ thể vẫn khác với cách nhìn nhận của chúng tôi. Vì không có điều kiện thời gian để tranh luận đến nơi đến chốn, chúng tôi chỉ yêu cầu Ban Tuyên huấn Nghĩa Bình cần thu thập thông tin đầy đủ, đặc biệt là về phía những người chúng tôi đã tiếp xúc, cùng ký “tuyên bố” vì vừa qua phần lớn đối với những người ấy, Tuyên huấn chưa tham khảo ý kiến họ. Chúng tôi cũng đề nghị, nếu cần, Ban Tuyên huấn đưa vụ việc này lên báo chí Nghĩa Bình để rộng đường dư luận và làm sáng tỏ vấn đề.

Công khai hiện nay là thước đo bản lĩnh của Đảng, của người cầm quyền và là cách tốt nhất để khẳng định sự thật. Không ai có thể che giấu, nguỵ biện được khi mọi sự phơi trần trước mắt nhân dân.

Công khai là thế mạnh của lực lượng tiến bộ trong đổi mới và cũng là chỗ yếu chí tử của các thế lực bảo thủ. Thế nên đấu tranh cho mọi việc được công khai chính là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới. Trong vấn đề này báo chí giữ một vai trò hết sức quyết định nên đấu tranh để thực hiện tự do báo chí lại cũng chính là biện pháp tốt nhất để thực hiện công khai, hay nói khác đi thực hiện tự do báo chí chính là thực hiện công khai.

Tất cả anh em văn nghệ sĩ miền Trung chúng tôi đã gặp trên đường về đều thống nhất nhận định như thế.

*

17 giờ ngày 17-12-1988, trong không khí lạnh quen thân, chúng tôi vượt đèo Prenn về với Đà Lạt sau chuyến đi kéo dài 1 tháng 14 ngày. Xe chúng tôi chạy một vòng qua khu trung tâm Hoà Bình trước khi về cơ quan. Những người đầu tiên biết chúng tôi trở về là anh em văn nghệ. Tình cờ Lê Anh Tuấn, phó chủ tịch hội và Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Đức Thạc, Nguyễn Hữu Cầu đang họp mặt chuyện trò chỗ Nguyễn Tấn Cứ, văn phòng đại diện Tuần tin thanh niên, cũng vừa nhắc đến chuyến đi của chúng tôi, chuyến đi đã gây nên xôn xao ở đây trước khi chúng tôi trở về.

Nguyễn Đức Thạc yêu cầu thông báo tình hình bằng cách nén thông tin trong một phút. Chao ôi! Một phút. Được thôi! Thậm chí chỉ trong một câu. Đó là chuyến đi đấu tranh cho các quyền cơ bản của văn nghệ và rộng hơn là đấu tranh cho công khai, dân chủ và đổi mới. Nhưng nếu phải kể và nói cho hết mọi điều thì có thể phải cần đến một tuần hay lâu hơn nữa.

Cho đến nay khi bút ký này được viết sau hơn bốn tháng, sự việc chưa kết thúc mà lại ngày một phát triển với quy mô ngày càng lớn hơn và vấn đề trở nên sâu rộng hơn.

Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu Bùi Minh Quốc và Bảo Cự kiểm điểm, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân tiếp tục phát động việc lên án chuyến đi trong hội nghị về công tác tư tưởng cho các tỉnh phía Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương cử cán bộ vào Lâm Đồng tìm hiểu tình hình chung quanh chuyến đi. Bùi Minh Quốc và Bảo Cự làm kiểm điểm bằng bản tường trình dài 23 trang quay ronéo gởi đi khắp nước, viết một loạt bài báo và thư ngỏ về công khai và dân chủ để phản ứng lại việc làm của Trần Trọng Tân. Ban chấp hành Hội Văn nghệ và anh em văn nghệ Lâm Đồng họp nhiều lần để đánh giá và tỏ thái độ về chuyến đi. Các hội văn nghệ Bình Trị Thiên, Phú Khánh và anh em văn nghệ ở Nam bộ, miền Trung như Hà Văn Thuỳ, Nguyễn Bá, Anh Động, Văn Thanh, Thế Vũ, Cao Duy Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thuỳ Mai, Phạm Phú Phong, Trần Thức, Hoàng Dũng… gởi công văn, thư từ chính thức bày tỏ quan điểm về một vấn đề không phải chỉ riêng của Lâm Đồng mà đã trở thành vấn đề chung của cả nước. Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, báo Truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng đòi tự đo báo chí…

Rõ ràng đây là một cuộc tập dượt, tập họp đội ngũ, cọ xát về quan điểm, phương thức đấu tranh để vào trận mới, trận chiến đấu tranh nội bộ đầy khó khăn phức tạp trên con đường đổi mới đất nước và đổi mới con người.

Đáng lý đây là bút ký viết chung của Hữu Loan, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, sẽ ký tên chung là Bảo Quốc Loan, cái tên ghép có ý nghĩa là giữ gìn con chim loan của đất nước, con chim phượng hoàng huyền thoại, thể hiện niềm khát vọng của chúng tôi, như chúng tôi đã bàn trong chuyến đi. Tuy nhiên cho đến khi chia tay với Hữu Loan ở Thanh Hoá, chúng tôi không làm được việc này và cuối cùng chỉ có Bảo Cự làm người ghi chép nhật ký cho cuộc hành trình. Nhưng ngoài sự việc, phần lớn suy nghĩ và cảm tưởng trong bút ký này là sự hoà quyện của ba người, với ba quá khứ và ba tính cách hoàn toàn khác nhau đã gặp nhau nơi những gì tâm huyết giữa một thời kỳ dồn nén và bùng nổ của cuộc sống.

Có người nói anh em văn nghệ Lâm Đồng đi với Hữu Loan không có lợi, vì Hữu Loan là “Nhân văn”, sẽ dễ bị quy chụp. Thực tế Bùi Minh Quốc và Bảo Cự cũng đã bị quy chụp. Mấy tháng rồi, chúng tôi không nhận được tin tức gì của Hữu Loan cả. Nhưng số phận của mỗi người chân chính nằm trong số phận của đất nước, văn nghệ không thể tách rời nhân dân, không thể không chia sẻ niềm đau của từng số phận con người. Có lẽ nào chúng tôi từ chối khi Hữu Loan đến với chúng tôi, bằng tư thế của một kẻ sĩ đầy khí phách, dù đã chịu đựng ba mươi năm dài cay nghiệt.

Tình cờ chăng khi chuyến đi là một hành trình cuối đông? Mùa đông đã qua. Mùa xuân đang qua. Tất cả chỉ là ý nghĩa tượng trưng thôi để nói lên một niềm hy vọng. Hành trình vẫn còn tiếp điễn, nhiều mùa đông và nhiều mùa xuân nữa, trên dặm dài lịch sử. Sẽ có lúc chúng tôi gối mỏi, chân chồn. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không dừng lại khi mình còn đủ sức đi thêm một bước nữa. Chắc chắn chúng tôi còn vô số bạn đồng hành, bạn chiến đấu. Và chúng ta đã đi, khắc đến.


Đà Lạt 4-11-88
Hà Nội 30-11-88

Comments are closed.