Hành trình cuối đông (kỳ 6)

Tiêu Dao Bảo Cự

Phần Hai

Vụ án Langbian hay cuộc đấu tranh cho đổi mới và dân chủ của văn nghệ sĩ miền Trung 1988 – 1999 ở Việt Nam

Với Đại hội VI (1996), Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương đổi mới. trên lãnh vực tư tưởng và văn nghệ, văn nghệ sĩ là những người nhạy bén nhất và đi tiên phong trong công cuộc đổi mới. Biểu hiện rỡ nhất là các bài viết trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam thời gian do nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập. Hàng loạt bút ký, phóng sự điều tra, truyện ngắn, thơ và lý luận phê bình đi sâu vạch trần hiện thực cuộc sống bi đát và hoạt động văn nghệ rập khuôn, nghèo nàn dưới chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo sau ngày gọi là “hoàn toàn giải phóng Miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức sự “cởi trói” cho văn nghệ này hết sức nguy hiểm cho chế độ, nên chỉ sau một thời gian ngăn tương đối cởi mở, Đảng Cộng sản lập tức siết lại, hạn chế tự do báo chí, tự do xuật bản, khống chế biên tập các tờ báo mà nổi cộm là việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam xử lý nhà văn Nguyên Ngọc, tổng biên tập tuần báo Văn nghệ. Với luồng gió mới đã nổi, cả nước dấy lên một phong trào mạnh mẽ phản đối quyết định của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, phản đối việc khống chế báo chí và hạn chế các quyền tự do dân chủ của đảng cộng sản. Tình hình này làm Đảng Cộng sản Việt Nam rất bối rối.

Vụ án Hội Văn nghệ Lâm Đồng hay cuộc đấu tranh cho đổi mới, dân chủ thực sự của văn nghệ sĩ miền Trung các năm 1988-1990 xảy ra trong bối cảnh đó. Thời gian này các tỉnh của miền Trung (tám tỉnh tử Thuận Hải đến Bình Trị Thiên, kể cả ba tỉnh Tây Nguyên) đều có các Hội Văn học Nghệ thuật (gọi tắt là Hội Văn nghệ, bao gồm các chuyên ngành văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh) hoặc Ban Vận động Thành lập Hội Văn nghệ, mỗi hội đều có tạp chí hoặc tập san văn nghệ, cơ quan ngôn luận của mình. Tuy nhiên hoạt động của các Hội Văn nghệ và tạp chí văn nghệ gặp rất nhiều khó khăn vì chịu quá nhiều ràng buộc, trái với bản chất và hoạt động sáng tạo của các hội văn nghệ và văn nghệ sĩ.

Để giải quyết tình hình này, các hội văn nghệ miền Trung đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ nhất các tạp chí văn nghệ miền Trung tại Nha Trang trong hai ngày 11 và 12-3-1988. trong cuộc gặp gỡ này, đại diện các tạp chí đã trao đổi kinh nghiệm và cùng ký chung một bản kiến nghị gởi Trung ương yêu cần giải quyết các vướng mắc, tháo bỏ các ràng buộc. Sau cuộc gặp gỡ này, các hội văn nghệ miền Trung còn tổ chức hai hoạt động chung quy mô khu vực là hội nghị về thơ miền Trung, tổ chức tại Nha Trang và hội nghị về văn xuôi miền Trung, tổ chức tại Đà Lạt.

Hội Văn nghệ Lâm Đồng là một hội còn non trẻ, mới được thành lập từ cuối năm 1987, do sức ép của giới văn nghệ sĩ địa phương từ nhiều năm qua. (Vì Tỉnh uỷ Lâm Đồng lo ngại “lập Hội Văn nghệ rồi Đảng lãnh đạo nó hay nó lãnh đạo Đảng” như lời một bí thư tỉnh uỷ ở đây đã từng phát biểu). Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã tổ chức đại hội thành lập, bầu nhà thơ Bùi Minh Quốc (từ Đà Nẵng vào) làm chủ tịch và nhà văn Tiêu Dao bảo Cự làm uỷ viên thường vụ thường trực (hai người kiêm luôn tổng biên tập và phó tổng biên tập tạp chí Langbian, cơ quan ngôn luận của Hội).

Tháng 3-1988, trong cuộc gặp gỡ các tạp chí văn nghệ miền Trung, Tiêu Dao Bảo Cự đại diện tạp chí Langbian đi dự. Tháng 9-1988, Bùi Minh Quốc đi một vòng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để trao đổi với các hội văn nghệ Nam Bộ và ký chung với Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre một kiến nghị tương tự với kiến nghị của các tạp chí văn nghệ miền Trung.

Ngày 14-10-1988, ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng, ban biên tập tạp chí Langbian đã tổ chức một buổi toạ đàm về vụ tuần báo Văn nghệ và thông qua một kiến nghị phê phán mạnh mẽ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là kiến nghị chính thức đầu tiên của một tổ chức về việc này song song với các lên tiếng có tính cách cá nhân hoặc tập thể từng nhóm nhà văn trên báo chí thời gian này.

Hội Văn nghệ Lâm Đồng mới thành lập, trong bầu khí khá cởi mở của thời kỳ bắt đầu đổi mới, nhất là nghị quyết 05 về văn hoá văn nghệ làm chỗ dựa, (đây là nghị quyết tiến bộ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trên lãnh vực này, do Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương mà ông Trần Độ làm trưởng ban, chuẩn bị. Thực tế, sau khi ra đời, nghị quyết đã bị các thành phần bảo thủ trong Trung ương Đảng vô hiệu hoá, cá nhân ông Trần Độ cũng bị phê phán nặng nề rồi sau đó bị thay thế, cho về hưu), đã có những hoạt động mà lãnh đạo đảng ở địa phương cũng như ở Trung ương không chấp nhận được như:

– Trong đại hội thành lập, bầu cử ban chấp hành thật sự dân chủ, ít chịu sự chi phối và sắp đặt của Tỉnh uỷ.

– Ban biên tập tạp chí Langbian không chấp nhận sự kiểm duyệt của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ đôi với tạp chí, công khai bác bỏ việc này khi Ban Tuyên huấn yêu cầu.

– Trong các hội nghị, phê phán nặng nề sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đối với văn nghệ về đường lối, quan điểm, phương cách, trình độ.

– Tạp chí Langbian của Hội, tạp chí duy nhất trong cả nước không được nhà nước tài trợ vào thời điểm đó, mới ra được ba số đã chứng tỏ sự “cấp tiến đáng ngại”, tuy vẫn còn phải nằm trong vòng kiềm toả của Đảng lãnh đạo:

– Đăng một số bài (thơ, truyện, lý luận, dịch thuật) có ý trực tiếp hoặc gián tiếp phê phán sự lãnh đạo của đảng.

– Lần đầu tiên trong cả nước, đăng thơ của các “Nhân văn” cũ như Trần Dần, Hữu Loan, Văn Cao ở vị trí trang trọng nhất của tạp chí.

– Mở cuộc bút chiến “Phê bình văn nghệ và chụp mũ chính trị” đả phá thói quy kết, chụp mũ của lãnh đạo Đảng đối với văn nghệ nhân có ý kiến phê bình hai bào thơ của Thanh Thảo và Đặng Thị Vân Thanh ở Langbian số 1.

– Công bố “Đề cương đề dẫn thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học” của đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam trình bày trong nội bộ hồi tháng 6-1979, trước đấy chưa hề được đưa ra công khai nhưng đã bị phê phán gay gắt và gây ra xung đột lớn trong Hội Nhà văn Việt Nam về các vấn đề quan điểm.

Chính vì vấnđề này mà Chế Lan Viên đã phải thanh minh dài dòng và phê phán tạp chí Langbian số 3 rất xấu trong bức thư dài gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Vì những lý do trên, cuối năm 1988, Sở Văn hoá Thông tin Lâm Đồng viện cớ do quy định của Bộ Thông tin, Sở không cấp giấy phép tạm thời cho tạp chí Langbian nữa, trong khi đó Bộ Thông tin cũng không giải quyết việc cấp giấy phép chính thức cho tạp chí Langbian dù Hội Văn nghệ Lâm Đồng có đầy đủ tư cách pháp nhân và đã làm xong thủ tục xin cấp giấy phép xuất bản cho tạp chí.

Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã họp và quyết định của hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự thay mặt ban chấp hành và ban biên tập tạp chí đi ra Hà Nội gặp các cơ quan của Trung Ương để đấu tranh cho quyền ra báo, xuất bản của Hội Văn nghệ.

Chuyến đi do Bùi Minh Quốc và Bảo Cự thực hiện kéo dài đúng 1 tháng 14 ngày ( từ 4-11-1988 đến 17-13-1988) là một chuyến đi xuyên Việt, từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, ra Nha Trang, lên Tây Nguyên, xuống Quy Nhơn rồi đi dọc Miền Trung ra Hà Nội. Anh em văn nghệ trong cuộc thường gọi đùa là vụ “Langbian đi kiện trời”. Chuyến đi này có cả nhà thơ Hữu Loan cùng đi, khi qua các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên đã phát sinh và gây ra bao nhiêu sự cố mà Tiêu Dao Bảo Cự đã ghi lại khá đầy đủ và trung thực trong bút ký Hành trình cuối đông.

Trong chuyến đi này, điều tác động mạnh đến các địa phương và sau này làm Trung ương lo ngại là 15 buổi gặp gỡ của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng với văn nghệ sĩ và công chúng ở 7 tỉnh, 3 bản kiến nghị của các hội văn nghệ và tạp chí văn nghệ và đặc biệt là bản “Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đồi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay” có 118 người ký,( thực ra có 128 người ký nhưng vì khi ra Hà Nội tập họp chưa đầy đủ nên đoàn Văn nghệ Lâm Đồng báo cáo với số lượng 118 người) phần lớn là văn nghệ sĩ, trí thức, giáo viên, sinh viên, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên. Tất cả các hoạt động và văn bản trên đây đều có nội dung tranh đấu cho quyền tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản và mở rộng hơn là đấu tranh cho đổi mới và dân chủ thực sự bằng những phưong thức chưa hề có trước đây dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó mọi cá nhân và tổ chức chỉ biết phục tùng.

Sau khi được báo cáo của Ban Tuyên huấn Daklak và Tỉnh uỷ Nghĩa Bình về chuyến đi của đoàn văn Nghệ Lâm Đồng, Trung ương đã có các phản ứng tức thời:

– Chỉ thị cho Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam gọi điện trực tiếp và gởi công văn cho các Hội Văn nghệ địa phương yêu cầu không được làm như Hội Văn nghệ Lâm Đồng hoặc liên minh với Hội Văn nghệ Lâm Đồng.

– Chỉ thị cho Tỉnh uỷ Lâm Đồng gọi Bùi Minh Quốc và Bảo Cự về kiểm điểm.

– Điện cho tất cả Tỉnh, Thành uỷ trong cả nước thông báo về hoạt động của Hội Văn nghệ Lâm Đồng để các Tỉnh, Thành uỷ biết, ngăn ngừa các hoạt động tương tự ở địa phương mình.

Những việc trên được tiến hành ngay khi đoàn Văn nghệ Lâm Đồng đang trên đường đi, lúc đoàn ra đến Huế, mặc dù nhận đưỡc điện của Tỉnh uỷ Lâm Đồng gọi về và công văn của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, đoàn vẫn tiếp tục lên đường ra Hà Nội, gặp các cơ quan của Trung ương để trao đổi kiến nghị, tuyên bố và nêu các vấn đề xong mới trở về.

Khi nhận được công văn của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, mặc dù chưa hiểu rõ về chuyến đi của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng, nhiều văn nghệ sĩ ở các tỉnh đã có ngay phản ứng, đặc biệt hai nhà văn phản ứng sớm nhất, mạnh nhất là Hà Văn Thuỳ và Nguyễn Anh Đông ở Kiên Giang. Mặt khác, một số văn nghệ sĩ ở các tỉnh miền Trung lại bị các hội văn nghệ bắt kiểm điểm ngay theo chỉ thị của Tỉnh uỷ vì đã dính dáng đến hoạt động của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng như Cao Duy Thảo, phó tổng biên tập tạp chí Cánh én của Hội Văn nghệ Phú Khánh và Thế Vũ, uỷ viên ban thư ký Hội Văn nghệ Nha Trang.

Sau chuyến đi, về đến Đà Lạt, Bùi Minh Quốc và Bảo Cự được mời ngay đến gặp Thường trực Tỉnh uỷ và yêu cầu phải báo cáo kiểm điểm về chuyến đi và tiến hành kiểm điểm cá nhân để thi hành kỷ luật với tư cách đảng viên.

Ngay trên đường Hà Nội về, biết thế nào khi về đến Đà Lạt tình hình cũng gay go, Bùi Minh Quốc và Bảo Cự đã chuẩn bị dần một bản báo cáo, thực chất là một bản tường trình chi tiết công khai hoá mọi chuyện và phản bác mọi luận điểm buộc tội hai anh, tiếp tục yêu cầu thục hiện dân chủ và đổi mới. Khi được yêu cầu, hai anh đã có ngay bản tường trình dài đến 23 trang, quay ronéo hàng trăm bản gửi đi khắp nước, làm cho Tỉnh uỷ Lâm Đồng và cả Trung ương bất ngờ và bối rối.

Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Trần Trọng Tân, một trong những người mà nội dung các kiến nghị và tuyên bố yêu cầu cách chức, đã phản ứng quyết liệt. Ngay khi đoàn Văn nghệ Lâm Đồng đang ở Hà Nội, Trần Trọng Tân đã từ chối không chịu tiếp xúc với đoàn nhưng đã phê phán thô bạo hoạt động của đoàn tại hội nghị ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, tại trường Tuyên huấn Trung ương và ở một số cuộc họp khác của Trung ương. Trần Trọng Tân viết bài “Để hiểu rõ kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư tưởng trước mắt” trên báo Nhân Dân ngày 25-12-1988 trong đó quy kết đoàn Văn nghệ Lâm Đồng là “lợi dụng công khai, dân chủ và hoạt động bè phái”. Ngay lập tức, ngày 27-12-1988, Bùi Minh Quốc và Bảo Cự viết bài “Chúng tôi lên tiếng” phản bác gởi báo Nhân dân và yêu cầu công khai tranh luận với Trần Trọng Tân trên báo chí (dĩ nhiên báo này không đăng). Sau này, Bảo Cự viết ba bài báo ngắn khác đăng trên báo Lâm Đồng và tạp chí Đất Quảng phê phán các luận điểm của Trần Trọng Tân về đổi mới, công khai và dân chủ, tự do báo chí và sắp xếp lại báo chí, động dao về chủ nghĩa xã hội và tự do tư tưởng. Về các bài báo này, Tỉnh uỷ lâm Đồng đã chỉ thị cho một số quan chức của Tỉnh viết bài đả kích kiệt liệt trên một số báo Đảng và đích thân bí thư Tỉnh uỷ đem ra phân tích và lên án trong các đại hội huyện đảng bộ như là điển hình của tư tưởng dân chủ tư bản.

– Ngày 5-1-1989, Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng triệu tập họp toàn thể hội viên Hội Văn nghệ để báo cáo về chuyến đi của Bùi Minh Quốc và Bảo Cự mặc dù phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ không đồng ý và đã có thư yêu cầu không được đưa vấn đề này ra. Trong cuộc họp này, phần lớn hội viên tán thành việc làm của Bùi Minh Quốc và Bảo Cự trong chuyến đi. Sau đó, ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng qua hai lần họp xem xét về chuyện này đã kết luận chuyến đi là “bình thường, bổ ích, đúng luật pháp, phù hợp với quá trình dân chủ hoá ( cuộc họp ngày 7-3-1989) và biều quyết tín nhiệm Bùi Minh Quốc và Bảo Cự ở chức vụ cũ cho đến đầu năm 1990, khi toàn thể ban chấp hành sẽ được bầu tín nhiệm lại giữa nhiệm kỳ theo điều lệ Hội quy định (cuộc họp ngày 17-7-1989).

– Trong nhiều cuộc họp toàn thể hội viên khác có đại diện Thường trực Tỉnh uỷ và các ban ngành hữu quan dự, nhiều hội viên đã mạnh mẽ ủng hộ Bùi Minh Quốc, Bảo Cự và phê phán gay gắt quan điểm của Tỉnh uỷ. Một ý kiến gây ấn tượng mạnh là ý kiến của Đặng Việt Nga (tiến sĩ kiến trúc sư, con gái của cựu tổng bí thư Đảng Trường Chinh), lúc đó là chi hội trưởng chi hội kiến trúc, uỷ viên ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng, uỷ viên của chi bộ cơ quan, Đặng Việt Nga tuyên bố: “Tôi thấy sự cống hiến và năng lực của mình không bằng hai anh Bùi Minh Quốc và Bảo Cự, nếu hai anh bị khai trừ đảng thì tôi cũng không xứng đáng, tôi sẽ ra khỏi đảng.”

Trước sự ủng hộ mạnh mẽ đó, ngoài các biện pháp hành chính. Tỉnh uỷ còn dùng cả thủ đoạn chia Bùi Minh Quốc, Bảo Cự, chia rẽ ban chấp hành Hội Văn nghệ, bôi nhọ lý lịch Tiêu Dao Bảo Cự, kể cả dùng đến công an để tịch thu khuôn dấu của cơ quan Hội Văn nghệ sau này.

Cuộc đấu tranh của Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, của ban chấp hành Hội Văn nghệ Lâm Đồng, với sự hỗ trợ của anh em văn nghệ sĩ Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung chống các biện pháp sai trái, thô bạo của Tỉnh uỷ Lâm Đồng và Trung ương kéo dài suốt năm 1989, sang đến đầu năm 1990. Thư từ, công an, kiến nghị của các văn nghệ sĩ miền Trung và cả Nam Bộ tới tấp gởi về Hội Văn nghệ Lâm Đồng, Tỉnh uỷ Lâm Đồng và các cơ quan của Trung ương làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Mặc dù ra sức bưng bít, ban biên tập các báo chí đều bị răn đe khôn gđược dưa tin hoặc ủng hộ cuộc đấu tranh của Hội Văn nghệ Lâm Đồng, vụ việc này vẫn gây một chấn động lớn, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ và báo chí. Nhiều cơ quan trong bộ máy của Đảng được huy động để dập tắt vụ này, không cho nó lan rộng. Từ Ban Bí thư đến Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà văn Việt Nam, các tỉnh thành uỷ và các cơ quan hữu quan trực thuộc đều theo dõi sát tình hình và có các biện pháp cần thiết để ngăn chặn cuộc đấu tranh của các văn nghệ sĩ có thể phát triển thành quy mô lớn cả nước. Các đại hội, họp tổng kết của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương bị đình hoãn vô thời hạn vì Trung ương không muốn có sự họp mặt của các Hội Văn nghệ địa phương ở Hà Nội, có thể làm nổ ra một cuộc đấu tranh ở thủ đô mà Trung ương không kiểm soát được.

Sau một thời gian lưỡng lự, bối rối, khi thấy không còn cách nào khác hơn là phải trù dập vì không đủ bản lĩnh để chơi trò chơi dân chủ, sau khi xin ý kiến của Trung ương, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã quyết định khai trừ Bùi Minh Quốc và Bảo Cự ra khỏi Đảng (Nghị quyết ngày 10-6-1989, lúc đó Bùi Minh Quốc 22 tuổi đảng, Bảo Cự 15 tuổi đảng), tiếp theo là cách chức hai anh ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng, riêng Bảo Cự còn đưa ra khỏi cơ quan Hội Văn nghệ mặc dù chức vụ của hai anh là do hội viên bầu, không phải do Đảng hay nhà nước bổ nhiệm (Quyết định ngày 22-7-1989).

Tỉnh uỷ Lâm Đồng ra quyết định chỉ định một chủ tịch khác cho Hội Văn nghệ là Vũ Long, phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, người đã dính líu vào vụ án sách đen, đang thời gian chờ bị truy tố. Đa số hội viên phản đối quyết định này và Bùi Minh Quốc không chịu bàn giao dù Tỉnh uỷ đã cử phái đoàn cán bộ tổ chức ba lần đến cơ quan Hội yêu cầu bàn giao.

Tiếp theo, ngày 21-2-1990, hai phần ba uỷ viên ban chấp hành Hội Văn nghệ quyết định từ chức và triệu tập cuộc họp toàn thể hội viên để bầu ra một ban trù bị đại hội huẩn bị bầu ban chấp hành mới bất chấp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ. trong ban trù bị đại hội này có Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu, tác giả của bài tiểu luận: “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ” đang gây sóng gió. Thường trực Tỉnh uỷ không chấp nhận ban trù bị đại hội, răn đe buộc trưởng ban trù bị đại hội là Lê Bá Cảnh phải công khai tuyên bố rút lui. Lê Bá Cảnh là một đại tá về hưu, được anh em hội viên đưa ra như một nhân vật trung gian để giải quyết tình hình căng thẳng. Hội Văn nghệ Lâm Đồng từ đó ngưng hoạt động cho đến nay (1993) dù Tỉnh uỷ Lâm Đồng nhiều lần định khôi phục nhưng vẫn không làm được vì đa số hội viên không ủng hộ và không tìm được người lãnh đạo.

Đến nay, Bùi Minh Quốc vẫn còn trong biên chế Hội Văn nghệ nhưng không làm việc gì cho Nhà nước. Anh vẫn tiếp tục lên tiếng tố cáo các bê bối của những người lãnh đạo trong Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng như về các vụ thời sự, văn nghệ trong nước. Có thời gian anh bán nước giải khát và hiện viết lách linh tinh kiếm sống. Tiêu Dao Bảo Cự được Ban Tổ chức Tỉnh uỷ điều động qua cơ quan khác nhưng anh không chấp hành và cũng không có cơ quan nào dám nhận, anh được chuyển hồ sơ qua Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh chờ công tác. Năm 1992 anh tự ý thôi việc để dứt khoát với bộ máy nhà nước, về làm vườn và đan len kiếm sống, dành phần lớn thời gian để trầm tư và viết.

Tại Lâm Đồng, vụ Hội Văn nghệ là một vũ rất lớn mà Tỉnh uỷ phải vất vả đối phó. Thường trực Tỉnh uỷ phải công khai thừa nhận đây là vụ lộn xộn nhất từ sau năm 1975 và Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã bôi nhọ, mất uy tín trước cả nước.

Đối với cả nước, tuy không được công khai rộng rãi trên báo chí, trừ một vài tạp chí văn nghệ miền Trung đưa tin vắn tắt, nhưng Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã gây chấn động mạnh trong giới văn nghệ và báo chí, làm Trung ương Đảng Cộng sản hết sức lo ngại.

Đó là sự bùng nổ có tính phản kháng trên quy mô cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kêu đòi các quyền tự do chân chính của văn nghệ sĩ (tự do sáng tác, báo chí, xuất bản) và rộng ra là kêu đòi đổi mới, dân chủ thực sự bằng những biện pháp công khai và dân chủ.

Có thể nói cuộc đấu tranh này tạm thời thất bại vì nó nổ ra hơi sớm, chưa chuẩn bị kỹ về sự liên minh và lực lượng nhưng nó đã ghi một mốc dấu trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ của văn nghệ, trí thức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Nhiều người trong cuộc đã phải trả giá nhưng sự hi sinh đó không vô ích. Lịch sử luôn luôn tiến lên phía trước khi có những con người dám đấu tranh cho lẽ phải, chân lý, dân chủ, tự do và những giá trị làm người.

Comments are closed.