Hành trình cuối đông (kỳ 7)

Tiêu Dao Bảo Cự

Phụ lục B

Sau đây là một số tư liệu liên quan đến vụ án Langbian mà nhà xuất bản đã sưu tầm được:

  1. Kiến nghị của các tạp chí, tập san văn nghệ miền Trung.
  2. Kiến nghị về hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
  3. Thư của Chế Lan Viên gởi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Viêt Nam.
  4. Ý kiến của Langbian về bức thư của ông Chế Lan Viên.
  5. Kiến nghị của các Hội liên hiệp Văn Học Nghệ thuật, các tạp chí văn nghệ địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuật.
  6. Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay.
  7. Đối thoại với một số nhà văn về tình hình báo chí văn nghệ hiện nay.
  8. Kiến nghị về quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của các hội văn nghệ địa phương.
  9. Công văn của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương.
  10. Kiến nghị về việc giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương.
  11. Thư của nhà văn Hà Văn Thuỳ.
  12. Thư của nhà văn Nguyễn Anh Đông
  13. Chỉ thị kiểm điểm của Tỉnh uỷ Lâm Đồng.
  14. Báo cáo về chuyến đi công tác của Ban Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng tháng 11 và 12-1988.
  15. Ba bài báo của Tiêu Dao Bảo Cự.
  16. Thư của Hoàng Minh Tú.
  17. Thư của nhà văn Tô Nhuận Vỹ.
  18. Thư ngỏ về vấn đề công khai và dân chủ.
  19. Thư của nhà văn Nguyễn Bá.
  20. Thư của nhà văn Trần Thuỳ Mai.
  21. Thư của nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong.
  22. Thư của nhà văn Thế Vũ
  23. Công văn của Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên.
  24. Thư của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
  25. Thư của nhà thơ Văn Thanh.
  26. Công văn của Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ.
  27. Công văn của Hội Văn nghệ Phú Khánh.
  28. Tin trên các tạp chí Đất Quảng, Sông Hương.
  29. Thư của các văn nghệ sĩ là đảng viên ở miền Trung.
  30. Phát biểu của Mai Thái Lĩnh.
  31. Kiến nghị tập thể về việc thi hành kỷ luật hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự.
  32. Nghị quyết khai trừ Đảng Bùi Minh Quốc và Bảo Cự.
  33. Điện tín của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
  34. Các báo cáo của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về vụ Bùi Minh Quốc và Bảo Cự.
  35. Quyết định cách chức Bùi Minh Quốc và Bảo Cự.
  36. Thư của nhà thơ Thanh Thảo.
  37. Tin trên tạp chí Đất Quảng.
  38. Phát biểu của nhà văn Trần Thuỳ Mai tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam.
  39. Nghị quyết họp toàn thể hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng.
  40. Trả lời của Bùi Minh Quốc về Thông báo số 3 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và ý kiến của một số hội viên.
  41. Góp ý với hội nghị Trung ương lần thứ 8 về công tác dân vận của Hà Sĩ Phu.

Tư liệu 1

Kiến nghị của các tạp chí, tập san văn nghệ miền Trung

Nha Trang, ngày 12 tháng 3 năm 1988

Kính gửi:

– Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng

– Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương.

– Bộ Thông tin.

– Bộ Văn hoá.

Tại thành phố Nha Trang, trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 năm 1988, chúng tôi gồm đại diện các tạp chí, tập san văn nghệ Miền trung: Sông Hương, Đất Quảng, Văn nghệ Nghĩa Bình, Cánh én, Văn nghệ Nha Trang, Văn nghệ Thuận Hải, Langbian, Văn nghệ Daklak, Văn nghệ Gia Lai Kontum, đã tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ nhất nhằm quán triệt nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về công tác văn hoá văn nghệ và trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các tạp chí nhằm góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI.

Căn cứ vào quá trình hoạt động của các tạp chí trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các tạp chí văn nghệ địa phương gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí, vật tư và sự ràng buộc của các thể chế không còn phù hợp với tình hình thực tế và tinh thần đổi mới mà Đảng đã đề ra.

Để giúp các tạp chí văn nghệ địa phương duy trì hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu bạn đọc trước tình hình mới, chúng tôi kiến nghị:

1. Ở địa phương nào đã đủ điều kiện, đề nghị Trung ương cấp giấy phép chính thức để các tạp chí được hưởng các quy chế chung và được phát hành ra ngoài tỉnh. Cho phép các tạp chí được xuất bản các phụ trương, đặc san khi cần thiết theo tôn chỉ, mục đích của mình trên cơ sở được sự đồng ý của Ban Tuyên huấn và cơ quan quản lý xuất bản địa phương. (Hiện nay, để xuất bản một phụ trương phải xin phép Ban Tuyên huấn Trung ương, sau khi được đồng ý lại phải xin phép Cục Báo chí – thường phải mất nhiều thời gian chờ đợi, thực chất Ban Tuyên huấn Trung ương cũng không quản lý xét duyệt nội dung các phụ trương. Thể chế hiện hành chỉ làm hạn chế tính năng động, nhạy bén của báo chí).

2. Nguồn kinh phí bù lỗ cho các tạp chí địa phương rất hạn chế. Với tinh thần chống bao cấp, cần cho phép các Hội Văn học Nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương được quyền tổ chức các hoạt động phù hợp với chức năng của mình, trong đó có việc xuất bản sách để tăng nguồn thu (tương tự như quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp). Việc hạn chế quyền xuất bản của các tổ chức văn nghệ địa phương sẽ tạo ra cửa quyền, độc quyền trong xuất bản dẫn đến các hiện tượng tiêu cực và làm nghèo nàn sinh hoạt văn hoá các địa phương.

Bên cạnh việc mở rộng quyền tự chủ hoạt động của các tạp chí, cần quy định rõ trách nhiệm của tổng biên tập là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về nội dung các xuất bản phẩm cũng như các hoạt động kinh tế của tạp chí.

Chúng tôi nghĩ rằng, những kiến nghị nói trên là phù hợp với nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, vừa có tính cách cởi mở, nới rộng quyền chủ động sáng tạo cho cơ sở, vừa đề cao trách nhiệm; đồng thời hạn chế được việc xuất bản những ấn phẩm có hại cho nhân dân.

Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương nghiên cứu xem xét và sớm cụ thể hoá bằng các thể chế mới của Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi nhất trí cùng ký tên dưới đây:

– Nguyễn Khắc Phê, Phó tổng biên tập tạp chí Sông Hương.

– Thái Bá Lợi, Phó tổng biên tập tạp chí Đất Quảng

– Lê Văn Ngăn, Đại diện tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình

– Đào Xuân Quý, Tổng Biên Tập tập san Văn nghệ Nha Trang.

– Nguyễn Tường Nhẫn, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Thuận Hải.

– Bảo Cự, Phó tổng biên tập tạp chí Langbian ( Lâm Đồng)

– Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc sở Văn hoá Thông tin Gia Lai Kontum.

Tư liệu 2

Hội Văn nghệ Lâm Đồng – Kiến nghị về Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III và về tuần báo Văn nghệ

(trích)

Thời gian qua, tin tức về Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III trong đó có nghị quyết về tuần báo Văn nghệ được thông tin trên báo chí đã gây ra dư luận xôn xao trong bạn đọc và những người làm văn học nghệ thuật trong cả nước.

Ngày 14-10-1988, ban chấp hành hội văn nghệ Lâm Đồng, ban biên tập tạp chí Langbian cùng một số anh chị em viết văn và đại biểu các ngành văn hoá tư tưởng trong tỉnh đã họp mặt toạ đàm về sự kiện trên, có nhận định như sau:

………………

B. Đối với tuần báo Văn nghệ

1. Tuần báo Văn nghệ là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn, đồng thời cũng là diễn đàn chung của bạn đọc, bạn viết cả nước. Tuần báo Văn nghệ có quyền và cần thiết phải đăng những bài viết, ý kiến trái ngược nhau, kể cả trái với quan điểm của ban biên tập, ban thư ký Hội Nhà văn như trong vấn đề đánh pha tình hình văn học trước đây, mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị… Không phải vì thế mà quy là cực đoan, không chấp hành sự lãnh đạo của ban thư ký Hội.

2. Những tác phẩm chọn đăng trên tuần báo Văn nghệ cần mở rộng cho nhiểu xu hướng, nhiều phong cách và thể nghiệm như vừa qua, dành sự phán xét sau cùng cho công chúng và thời gian chứ không tuỳ thuộc vào sự đánh giá của một số ít người dù là những người đó có chưa có quyền.Riêng truyện ngắn “Phẩm Tiết” và một số bài thơ khác đã được nhắc đến trong Hội nghị Ban Chấp hành có thể được hiểu và đánh giá theo nhiều cách, đang trong quá trình tranh luận. Ban Chấp hành chưa thể kết luận ngay và từ đó quy chụp các tác giả và ban biên tập.

3. Chúng tôi không đồng tình với nghị quyết của Ban Chấp hành cho rằng tuần báo Văn nghệ đã đi đúng hướng mà nghị quyêt của Đảng đã đề ra, có đóng góp rất tích chực trong công cuộc đổi mới, có thể nói là đi đầu trên lãnh vực văn nghệ, dĩ nhiên không thể nào tránh được thiếu sót nhưng những thiếu sót này khôn gphải là “ lệch lạc nghiêm trọng” nghị quyết của Ban Chấp hành đánh giá một cách khái quát là “lệch lạc nghiêm trọng” nhưng không chứng minh. Những ý kiến trao đổi trong hội nghị Ban Chấp hành chưa phải là chứng minh và nếu có chứng minh cụ thể cần được đưa ra tranh luận rộng rãi trong bạn đọc cả nước, trong giới sáng tác, phê bình văn học trước khi kết luận.

4. Về việc “Ban Chấp hành giao cho Ban Thư ký uốn nắn chấn chỉnh tuần báo Văn nghệ về nội dung và tổ chức nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo Văn nghệ theo hướng đổi mới”, chúng tôi có y kiến như sau:

a. Thế nào là đổi mới trong văn nghệ đã được nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ chỉ rõ, trong đó vấn đề lớn là bảo đảm quyền tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ.

Nếu chỉ mới có vài tác phẩm, một số ý kiến hơi “khác thường”, không “đồng phục trên tuần báo Văn nghệ vừa qua mà đã vội quy chụp, lên án và đòi “uốn nắn, chấn chỉnh” này chính là “dội nước lạnh vào xu thế đổi mới của văn học”.

Hơn ai hết, Ban Chấp hành, Ban Thư ký Hội Nhà văn không nên và không có quyền làm điều này vì trái với nghị quyết của Đảng và mong đợi của quần chúng.

b. “Uốn nắn,chấn chỉnh về tổ chức” phải chăng là thay đổi tổng biên tập và ban biên tập vì đã cho đăng những bài bị coi là “có vấn đề” trên tuần báo Văn nghệ. Khi nội dung chưa được đánh gía thoả đáng, chưa có sự đồng tình của đông đảo công chúng thì sự thay đổi về tổ chưa chính là một sự xử lý, áp đặt thô bạo hoàn toàn trái ngược với tinh thần đổi mới.

Nếu cần thay đổi về tổ chức của tuần báo Văn nghệ, chúng tôi yêu cầu Ban Chấp hành trưng cầu ý kiến rộng rãi của công chúng và hội viên Hội Nhà văn, tổ chức bầu cử công khai và dân chủ các chức vụ chủ chốt của ban biên tập.

Nếu không thực hiện những điều trên đây thì chính Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã “ làm đổ vỡ lòng tin vào sức sống của chủ nghĩa xã hội” mà chủ nghĩa xã hội kiêu nào cũng là vấn đề đang được đặt ra hiện nay. Chủ nghĩa xã hội kiểu trì trệ, bải thủ, độc đoán, mất dân chủ… với những cơ chế và con người cản trở bước tiến của xã hội của nó rõ ràng cần phải xoá bỏ thay đổi để xây dựng một chủ nghĩa xã hội đích thực có công bằng, tự do, dan chủ và phồn thịnh.

Việc biều quyết 100% của Ban Chấp hành Hội Nhà văn thông qua nghị quyết về tuần báo Văn nghệ (nếu đúng như bản tin đã đưa trên báo chí) đã chứng tỏ bản lĩnh của Ban Chấp hành, làm mọi người hoài nghi và đặt ra vấn đề tín nhiệm đối với từng thành viên của Ban Chấp hành trong công cuộc đổi mới hiện nay và trong đại hội Hội Nhà văn sắp tới.

Điều làm nhều người băn khoăn là từng thành viên của Ban Chấp hành đã bị cái gì chi phối để đưa đến việc biểu quyết như thế, thậm chí ngay cả nhà văn Nguyên Ngọc, tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, là người có vai trò quan trọng trong việc làm cho tờ báo được đông đảo bạn đọc yêu mến bởi tinh thần đổi mới mạnh mẽ, vì sao cũng đưa tay biểu quyết với kết quả như trên cho thấy xu thế, lự clượng đổi mới trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã bị đè bẹp và như thế trách nhiệm của những người ủng hộ đổi mới trong giới van nghệ và trong toàn xã hội lại càng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước có ý kiến lãnh đạo để giải quyết các vấn đề liên quan đến Hội Nhà văn; các hội văn nghệ địa phương, các cơ quan báo chí, các hội viên Hội Nhà văn và đông đảo công chúng văn học lên tiếng về sự kiện này mà theo chúng tôi là điểm nóng trong cuộc xung đột để đấu tranh dành thắng lợi cho công cuộc đổi mới hiện nay.

Tư liệu 3

Kính gởi:

– Anh Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký

– Anh Nguyễn Khải, anh Chính Hữu, phó tổng thư ký và toàn Ban Thư ký

(trích)

……………..

Một việc cuối cùng dính tới tôi là báo Langbian đăng bản đề dẫn và báo Văn nghệ trước đó đã ba lần đánh tôi về vụ đó.

Tôi vẫn im vì thật tình 4 năm làm việc cùng anh Trần Độ ở Quốc hội, anh quý tôi và tôi cũng quý anh ấy. Nhưng nay anh Nguyên Ngọc đã cho đăng tôi xin nói rõ:

  1. Anh Nguyên Ngọc đã có lần lên anh Tố Hữu nhận sai và khóc.
  1. Có một cuộc họp có anh Tố Hữu, anh Trần Độ, 6 đảng đoàn, anh Nguyên Ngọc nhận là sai, thậm chí sai từ khu năm kia.
  1. Anh Trần Độ đã viết bài phê bình anh Hiến và cả anh Ngọc đăng trên báo Cộng sản, Nhân dânVăn nghệ.
  1. Sau đó anh Giang Nam và anh Từ Sơn lên Giảng Võ (tôi họp Quốc hội) mời tôi viết mà tôi từ chối không nhận. Tôi bảo: “Làm gì một bài báo mà đến hai nhà văn viết. Tôi không viết. Anh Tô Hoài viết thế là đủ”.

  1. Sau đó (gần 18 tháng như trong bài tôi gửi chị Kim Nga) anh Trần Độ họp với tôi, anh Thi, anh Ngọc chỉ thị, anh Viên viết bài phê bình, còn anh Ngọc viết bài tự phê bình để chấm dứt. Tôi đã chấp hành và viết thư đầu năm cuối năm đó.
  1. Viết xong, anh Giang Nam, anh Từ Sơn và nhiều anh duyệt đang phần I lại còn khen là viết khoẻ.
  1. Phần II tôi gởi ra, anh Ngọc cho là malhonnête không cho đăng. Nhân có anh Lê Đức Thọ, anh Mười Hương, anh Hai Tân ở đây, trước các anh Bảo Định Giang, Anh Đức, tôi có thưa: Ở Bắc có tin đồn là bài này “chống ý anh Sáu”. Vậy anh đọc. Tôi có thể chịu kỷ luật. nếu không thì anh cho tôi biết. Tôi cũng nói với anh Hai Tân: “Anh cũng nên đọc, xem là anh có hối hận gì việc giới thiệu tôi vào Đảng năm 1949 không?”. Chiều đó anh Sáu bảo điện ra cho đăng. Anh Đào Vũ gặp anh Trần Độ trình bày lại ý ấy và anh Độ cho đăng nhưng cần có chapeau. Tôi còn toàn bộ hồ sơ về vụ này ở đây.

(Báo Langbian số 3 rất xấu, tờ Sông Hương và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có cơ hội một cách đáng tiếc).

  1. Khi họp Ban Thư ký mới khoá này gồm có các anh Thi, Phan Tứ, Điềm, Hữu Mai,… tôi có mời anh Giang Nam, đảng đoàn cũ và Bùi Hiển, thường vụ cũ để đọc tài liệu. Tôi có hỏi: Ai đã đánh anh Nguyên Ngọc, ai đã đánh anh Hoàng Ngọc Hiến? Chính là anh Ngọc. Đây là cái dự thảo nghị quyết tự phê bình mình của anh Ngọc và lên án anh Hiến hết sức độc ác. Nhưng chúng tôi không ký, cho rằng kiểm điểm là cho nhau thôi, đừng gởi lên trên làm gì. Bản ấy anh Bùi Hiển đã giữ trong 4 năm. Toàn Ban Thư ký cũng được nghe. Nay nếu đăng đề dẫn thì xin đang lại các bài phê bình của anh Độ lúc đó, bản dự thảo của anh Nguyên Ngọc tự phê bình mình và phê bình anh Hiến, lẫn trả lời của tôi. Thế mới rõ.
  1. Tôi có đọc lại bài của tôi. Chả có gì trái bởi thế mà phải chạy lại anh Sáu Thọ mới khỏi bị đàn áp và được đăng. Tôi nói thêm: Các anh chê văn chương hiện thực phải đạo, đề cao sáng tạo. Nhưng theo tôi bên cạnh phải đạo còn có phi đạo, phá đạo, phản đạo, phải chú ý. Và có phải cũng cùng sáng tạo cả đâu. Phải đạo là tốt rồi. Đi B vào cõi chết cũng chỉ mong viết được một bài báo.
  1. Tác phẩm giả có vô vàn, nhưng bảo “giả là đặc điểm dài của một thời kỳ” (chống Mỹ) là sai. Theo tôi, chỉ cần 40 truyện ngắn, 400 bài thơ, 4 quyển tiểu thuyết hay là đã thành một thời kỳ. Ta thừa sức (trong ấy có cả văn các anh) có lượng và chất ấy. Thời kỳ ta hơn hẳn ông cha.
  1. Anh Ngọc bảo người ta sinh ra là cần thẩm mỹ, cần khẳng định cá nhân triệt để. Tôi cãi lại: Mác bảo sinh ra là tìm cách tồn tại đã, sau đó mới thẩm mỹ. Người ta vừa cần cá nhân, vừa cần xã hội. Cá nhân cần lấy vợ, có con, thế là xã hội rồi. Individuel phải đi cùng social. Đừng đề cao là chủ nghĩa xã hội phải giải phóng cá nhân. Lo vì nhiều nhiệm vụ cấp bách nó chưa làm được thì ta sẽ oán chủ nghĩa xã hội. hai trăm năm trước Hugo bảo liberté đi với responsabilité. Thế thì tôi sai ở đâu. Những gì tôi nói cùng anh Hiến, sau đó tôi bảo: “Thảo luận xong ta cùng nhau đi ăn một bữa”.

Bây giờ đến có những ông ở xa chả biết mô tê gì làm như hồi ấy chúng tôi đàn áp các anh ấy, lạ chưa. Anh ngọc là bí thư Đảng đoàn, anh Giang Nam là chủ báo, anh Trần Độ là Trưởng Ban Trung ương, mà tôi lại là người đàn áp, thế thì dân chủ quá. Anh Tố Hữu lúc ấy ở Chính quyền chớ có Tuyên huấn đâu.

Tôi cũng đề nghị Ban Thư ký mượn lại hồ sơ Ban Tổ chức Trung ương năm ấy mà xem. Đâu chỉ có chuyện chân lý mà là chuyện anh Ngọc giành huân chương (Giang Nam bảo tôi: “họ vẽ bùa cho nhau”). Nguyên Ngọc tự đề cao mình trên tờ Lotus, Nguyên Ngọc giành trưởng Đoàn với Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc dùng quỹ để mua chuộc Xuân Quỳnh 300đ, người khác 600đ.

Theo tôi, anh Ngọc là người tráo trở và tàn bạo. Anh ấy có tài nên để anh ấy sáng tác. Có quyền, anh ấy vừa không viết được mà là hại. Ngay sau khi có quyết định của Ban Bí thư vẫn đăng “Phẩm tiết” chửi anh Thi, anh Khải. Rồi lại đăng hoả mù nhiều bài về Thiệp như là chân lý của một thiên tài lớn lắm thì có nghĩa gì. Thà rằng anh Thiệp có thù gì cùng anh Thi, anh Khải cho cam. Đàng này chỉ đi làm một tên lính đánh thuê thì xấu hổ cho một tài năng như vậy quá. Hạ Nguyễn Huệ, hạ Nguyễn Du, đề cao Gia Long, thế mà nhiều người còn ra bênh vực được thì thật không còn nghĩa lý gì. Nhà văn viết sử phải đi ngựa song mã, theo ngựa Sử, phải theo ngựa Văn, chứ không thể tự do hễ ai chửi văn thì bảo tôi làm sử, ai chửi tôi sai sử thì bảo tôi làm văn. Con sư tử nhảy qua vòng lửa của Sử mà lại sợ cháy bộ lông Văn của mình thì chỉ là con chó kiểng. Thế mà Lại Nguyên Ân còn lên lớp cho cả nước đọc văn.

Hãy coi chừng! Đừng để hôm nay nói xấu Nguyễn Huệ ngày mai xấu Bác Hồ. Càng tài năng càng phải khiêm tốn. Biết bao nhiêu chiến sĩ đổ máu trên chiến trường, ở Côn Đảo có tài năng. Tài năng phải đi đôi với nhiệm vụ. Chúng ta đả phá thần tượng, được. Nhưng đừng tôn kẻ vô liêm sỉ lên làm thần tượng. Céline là một tài năng, có người ví với Faulkner, James Joyce đấy, nhưng cả nước Pháp phỉ nhổ vì nó theo Hitler và chống Do Thái. Thế mà Trần Dần, Sông Hương, cả Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa rồi lại đề cao trên Sông Hương à?

Ngày tôi lên bàn mổ một cái ung thư phổ. Có thể sống khoẻ. Nhưng biết đâu đấy. Chúng ta cương quyết cải tổ. Vô chính phủ chả hay gì. Nhưng đừng là một chính phủ giáo điều, tàn bạo. Tìm một đồng chí tốt thay Ngọc nhưng phải là người mở rộng dân chủ, có trách nhiệm. trong Ban Thư ký mới không nên để những người như Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Thanh Thảo. Các đồng chí 60 tuổi cũng đừng nên tham gia vào. Các anh chọn một ấy. Tôi “sáp là cà” với sự nguy hiểm của sinh mệnh mình, tôi không thể viết dài hơn.

Chế Lan Viên

17-9-1988

Tái bút:

Đừng để bọn chống Tổ quốc đã bỏ nước mà đi, giờ đứng ở ngoài, bỏ vàng, chõ mõm vào để lái nền văn học nước ta. Bài học La Fontaine con quạ nghe cáo khen mà bỏ mất bánh sữa còn đó. Đừng để kẻ xấu “đảo chính” cả một nền văn học cách mạng vì nó mà Lê Anh Xuân, Trần Đăng đã đổ máu.

Tư liệu 4

Ý kiến của Langbian về bức thư của ông Chế Lan Viên

Thời gian vừa qua, người ta thấy lưu hành theo kiểu chuyền tay một bức thư đánh máy hoặc quay ronéo gởi cho ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Khải, ông Chính Hữu và các ông bà trong Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, người viết thư là ông Chế Lan Viên.

Do kiểu lưu hành bức thư như vậy nên chúng tôi không rõ người viết thư có thực là nhà thơ Chế Lan Viên, uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam bình thường, mà cả trong một số cấp ông, hay chỉ là một ông Chế Lan Viên nào đó, hoặc trùng tên, mạo danh.

Bức thư không chỉ lưu hành trong công chúng bình thường, mà cả trong một số cấp uỷ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên cho chúng tôi biết có một ông Nguyễn Thanh nào đó ở Hội Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh đã sao bức thư gởi tới Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên.

Bức thư đề cập đến nhiều vấn đề quan điểm về văn học, đến một số tờ báo, tạp chí như Văn nghệ, Sông Hương, Langbian, và cả tư cách cá nhân của một số nhà văn, nhà thơ.

Đối với Langbian, tác giả bức thư viết: “Langbian số 3 rất xấu”, tiếp đó là khoảng 2 trang nói về việc Langbian đăng “Đề dẫn”. Về việc này, ban biên tập Langbian có ý kiến như sau:

  1. Tác giả bức thư nên cho công bố chính thức trên mặt báo bưa thư đó để những cơ quan, những cá nhân mà bức thư đề cập tới cùng tác giả đối thoại.
  2. Langbian đón chờ bài phê bình của tác giả đối với Langbian xem nó “rất xấu” như thế nào, và sẽ đăng ngay sau khi có giấy phép hoặc gởi nhờ ở các báo, tạp chí bạn.
  3. Ngay khi có giấy phép, Langbian sẽ đăng nốt phần cuối của “Đề dẫn” cùng tất cả các ý kiến nhận xét về “Đề dẫn” đã có và tiếp tục có, đương nhiên sẽ đăng bài của ông Chế Lan Viên trước. Trong khi chờ giấy phép, Langbian trân trọng đề nghị các báo, tạp chí bạn giúp thực hiện việc này, khỏi để bạn đọc trông chờ quá lâu.

Ban biên tập tạp chí Langbian

Tư liệu 5

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Kiến nghị của các hội liên hiệp văn học nghệ thuật, các tạp chí văn nghệ địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuật

Kính gởi:

– Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

– Ban Bí thư Trung ương Đảng

– Quốc hội

– Hội đồng Nhà nước

– Hội đồng Bộ trưởng

– UBTƯ Mặt trận Tổ quốc

– Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng kính gởi:

– Ban Tuyên huấn Trung ương

– Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương

– Bộ Văn hoá

– UBTƯ Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã mở ra một thời kỳ đổi mới cho đất nước nói chung và lĩnh vực văn hoá văn nghệ nói riêng, bước đầu dấy lên lòng tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và những người hoạt động văn học nghệ thuật.

Nghị quyết 05/BCT của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ đã chỉ ra vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của văn hoá, văn nghệ và phương hướng cho các chính sách đối với văn hoá văn nghệ.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc thực hiện nghị quyết 05/BCT cũng yêu cầu các tỉnh, thành cần quan tâm lãnh đạo các Hội Văn nghệ địa phương mình, tăng cường về cán bộ, kinh phí, xuất bản… để hoạt động đúng hướng và có chất lượng.

Công văn số 312/VHVN của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương lại một lần nữa xác định rõ vai trò, vị trí của các hội văn nghệ địa phương, sự tài trợ cần thiết của Nhà nước đối với các hoạt động của hội, quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản, xưởng sáng tác, các tổ chức sản xuất, dịch vụ văn hoá nghệ thuật và được hưởng các chính sách ưu đãi về kinh tế, tài chánh.

Đó là đường lối chủ trương rất đổi mới và đúng đắn của Đảng. Nhưng hiện nay có một số chỉ thị, quy định của Bộ Văn hoá, Bộ Thông tin, Ban Tổ chức Chính phủ đang làm cho các điều ghi trong các văn kiện của Đảng trở nên không có hiệu lực thực tế. Phần lớn các hội gặp khó khăn về kinh phí, tổ chức, không được cấp giấy phép xuất bản chính thức, không được thành lập nhà xuất bản… Điều đó trái với nghị quyết của Đảng và người ta có thể hiểu đây là sự cố tình ngăn cản xu thế đổi mới bằng các biện pháp hành chính. Tình hình đó hạn chế hoạt động của hội văn nghệ địa phương, tạo ra một tình trạng bất công bất bình đẳng giữa các Hội, một cách nào đó, kềm hãm tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do sáng tác, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân và của những người hoạt động văn học nghệ thuật đối với công cuộc đổi mới.

Trước tình hình trên chúng tôi kiến nghị:

1. Đảng và Nhà Nước có văn bản cụ thể hơn nữa nhằm xác định vai trò vị trí của hội văn nghệ địa phương trong hệ thống tổ chức do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, được thừa nhận về mặt pháp lý rõ ràng, vì hiện nay các hội văn nghệ gặp khó khăn ở chỗ một số đồng chí lãnh đạo địa phương cho rằng hội không phải là một ban ngành của Đảng, mà cũng không nằm trong danh mục các tổ chức chính quyền nên không có trách nhiệm cụ thể.

2. Sự tài trợ thích đáng của Nhà nước cho hội văn nghệ địa phương cần được quy định thành một tỉ lệ tối thiểu trong tổng ngân sách địa phương, không phải là một sự ban ơn hay tuỳ thuộc vào ý thích của các đồng chí lãnh đạo địa phương. Không đầu tư cho văn học nghệ thuật cũng có nghĩa là phủ nhận vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng chung.

3. Hội văn nghệ địa phương phải được cấp ngay giấy phép xuất bản chính thức để ra báo, tạp chí và lập nhà xuất bản. Ai làm sai cứ đúng pháp luật trừng trị, không thể mượn cớ tình hình lộn xộn trong báo chí, xuất bản vùa qua để hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận hoặc để xảy ra tình trạng thiếu công bằng giữa hội này với hội khác hoặc những cơ quan khác trong việc cấp giấy phép xuất bản vì những lý do không chính đáng.

4. Sớm ban hành các chính sách ưu đãi về tác quyền, vốn, thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác đối với hoạt động báo chí, nghề nghiệp của các Hội văn nghệ. Quá trình soạn thảo các chính sách này cần phải có sự tham gia của các Hội ở Trung Ương và địa phương.

Trước mắt, đề nghị Trung Ương tổ chức một cuộc họp của các Hội và tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước để giải quyết những vấn đề chung.

5. Cách chức những người có trách nhiệm trực tiếp ở các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương, đặc biệt là ở Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Ban Tổ chức chính phủ đã làm trái với nghị quyết của Đảng, thay thế những người không tích cực trong việc thể chế hoá nghị quyết của Đảng, làm giảm lòng tin của những người hoạt động văn học nghệ thuật đối với quyết tâm đổi mới của Trung Ương.

Chúng tôi kiến nghị những vấn đề trên vì những yêu cầu bức xúc chính đáng của các Hội văn nghệ địa phương không được đáp ứng, vì sự nghiệp văn hoá văn nghệ nói chung, cũng vì trách nhiệm đối với công cuộc đổi mới đang quyết định số phận của đất nước hiện nay.

Đề nghị Trung Ương sớm trả lời và giải quyết để thực sự biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực.

Đồng ký tên:

– Bùi Minh Quốc: chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng

– Đào Xuân Quý: phó chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh

– Thế Vũ: Uỷ viên Ban Thư ký Hội Văn nghệ Nha Trang, Uỷ Viên Ban Biên Tập tạp chí Văn nghệ Nha Trang

– Cao Duy Thảo: phó tổng biên tập tạp chí Cánh én

– Bảo Cự: phó tổng biên tập tạp chí Langbian

Tư liệu 6

Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay

Chúng tôi, những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đối mới ký tên dưới đây, thấy có trách nhiệm bày tỏ thái độ trước một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay có liên quan đến công cuộc đổi mới của đất nước mà mỗi người với trách nhiệm công dân và trách nhiệm của người hoạt động văn học nghệ thuật phải lên tiếng.

1. Hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, các tạp chí văn học địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuật trong đó yêu cầu Nhà nước phải thừa nhận rõ ràng về mặt tổ chức; tài trợ thích đáng để hoạt động; có quyền ra báo, tạp chí, lập nhà xuất bản và tổ chức các hoạt động sản xuất, dịch vụ văn hoá, văn học nghệ thuật, được hưởng các chính sách ưu đãi về kinh tế, tài chính.

Những yêu cầu trên là chính đáng, cần được giải quyết kịp thời để phát triển văn học nghệ thuật, thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sáng tác, đã được ghi trong nghị quyết của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2. Yêu cầu làm sáng tỏ những vấn đề chung quanh Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III và về tuần báo Văn nghệ, những vấn đề đã được công chúng lên tiếng phản ứng rộng rãi qua báo chí, toạ đàm, hội thảo ở nhiều nơi. Cụ thể Ban Thư ký Hội Nhà văn cần công bố tờ trình của Ban Thư ký, biên bản Hội nghị và thư, ý kiến của các thành viên Ban Chấp hành gởi đến.

Vụ tuần báo Văn Nghệ là một điểm nóng trong công cuộc xung đột giữa xu thế đổi mới và bảo thủ trên lãnh vực văn nghệ nói riêng và trên toàn xã hội nói chung. Chúng tôi ủng hộ sự đổi mới trên tuần báo Văn nghệ thời gian vừa qua và phản đối nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nhà văn cho rằng tuần báo Văn nghệ “có những lệch lạc nghiêm trọng”.

3. Tình hình chậm cụ thể hoá nghị quyết của Đảng thành chính sách hoặc ra các chính sách, quy định trái với nghị quyết của Đảng trên lãnh vực văn hoá văn nghệ và các lãnh vực kinh tế xã hội khác tạo ra một tình trạng nguy hiểm cho đất nước, cản trở sự phát triển tạo ra một sự đổi mới nửa vời, lời nói không đi đôi với việc làm, làm cho người ta nghĩ rằng Trung Ương không quyết tâm đổi mới.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình này là vấn đề tổ chức cán bộ. Những kẻ bảo thủ không thể thực hiện được đổi mới dù ngoài miệng nói đổi mới. Chỉ có thực sự đổi mới về tổ chức mới thực sự củng cố khối đoàn kết để thực hiện đổi mới. Đề nghị các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước thực sự thay đổi về tổ chức, cách chức hoặc thay thế ngay những người phụ trách các cơ quan của Trung Ương trong ngành văn hoá văn nghệ cũng như trong các ngành khác đã tỏ ra chống đổi mới, thiếu tích cực hoặc thiếu năng lực để thực hiện đổi mới.

Với nhận thức đầy đủ và tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với việc làm của mình, chúng tôi yêu cầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà Nước giải quyết các vấn đề nêu trên, kêu gọi những người hoạt động văn học nghệ thuật và công chúng cả nước cùng lên tiếng để góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới hiện nay.

Đồng ký tên:

1. Bùi Minh Quốc – Hội Văn nghệ Lâm Đồng

2. Đào Xuân Quý – Hội Văn nghệ Phú Khánh

3. Hữu Loan – nhà thơ

4. Thế Vũ – Hội Văn nghệ Nha Trang

5. Cao Duy Thảo – Hội Văn nghệ Nha Trang

6. Bảo Cự – Hội Văn nghệ Lâm Đồng

7. Tôn Phong – nhà Thơ

8. Lê Ký Thương – Hội Văn nghệ Nha Trang

9. Hoàng Như Thuỷ An – Hội Văn nghệ Lâm Đồng

10. Trần Hoài Nam – Một người yêu thích văn học nghệ thuật, một độc giả thường xuyên của tuần báo Văn nghệ 81 Võ Trí, Nha Trang

11. Trần Ngọc Quang – Cộng tác viên tạp chí Cánh én

12. Nguyễn Thế Khoa – Sở VHTT Phú Khánh. Hội viên Hội VHNT PK

13. Đặng Minh Châu – Công ty Điện ảnh Phú Khánh

14. Trần Việt Kỉnh – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

15. Triệu Phong – Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh

16. Trần Chấn Uy – Hội Văn học nghệ thuật Phú Khánh

17. Nguyễn Trung Dân – Phóng viên báo Quảng Nam Đà Nẵng

18. Phan Tấn Du – Phóng viên báo Quảng Nam Đà Nẵng

19. Bùi Thị Nhàn – Sinh viên khoa văn trường CĐSP Nha Trang

20. Trần Thanh Lịch – nt

21. Nguyễn Mỹ Linh – nt

22. Nguyễn Thu Thuỷ – nt

23. Lê Anh Tuấn – nt

24. Võ Tân Bình – Công nhân Trạm Phế liệu

25. Phạm Văn Phước – Giáo viên trường Xương Huân 2

26. Nguyễn Lan Hương – nt

27. Nguyễn Thị Phúc – nt

28. Võ Tấn Thiên – nt

29. Nguyễn Văn Định – Văn 2 CĐSP Nha Trang

30. Tạ tấn Thành – nt

31. Lê Thành Thân – Văn 1 CĐSP Nha Trang

32. Ngô Tâm – Trường Xương Huân 2

33. Nguyễn Xuân Thư – Trường Vạn Thanh 2

34. Nguyễn Mạnh Tấn – HTX Đông Lợi Ban Mê Thuột

35. Ngô Anh Hải – Sinh viên trường PTTH Ban Mê Thuột

36. Phạm Doanh – Hội Nông dân tỉnh Đaklăk

37. Trần Tấn Vịnh – Sở Văn hoá Thông tin Đaklăk

38. Văn Thanh – Trưởng ban biên tập tạp chí Văn nghệ Đaklăk

39. Uông Ngọc Dậu – Báo Đaklăk

40. Lê Vĩnh Tài – Sinh viên Y Khoa

41. Đinh Hữu Trường – Ban Vận động HVN Đaklăk

42. Hoàng Nam – Cán Bộ Sở Giáo Dục Đaklăk

43. Mai Thanh Chương – LHCXN Cà phê Việt Nam

44. Hướng Dương – Cộng tác viên tạp chí Văn nghệ Đaklăk

45. Tiến Thảo – Giáo viên

46. Đặng Bá Tiến – Phóng viên báo Đaklăk

47. Phùng Văn Be – Sở Văn hoá Đaklăk

48. Nguyễn Huy Tuấn – Sở Văn hoá Gia Lai – Kon Tum

49. Phan Lan Hương – Đài Phát thanh Truyền hình GL-KT

50. Nguyễn Thị Hương Thanh – Ngân hàng Công thương GL-KT, cộng tác viên tạp chí Cao nguyên

51. Nguyễn Khắc Quán – Hội Văn nghệ Gia Lai – Kon Tum

52. Nay Nô – Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum

53. Phạm Xuân Vinh – Phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình GL-KT

54. Phạm Xuân Hùng – Công nhân

55. Trần Đình Nam – Công dân nước CHXHCH Việt Nam

56. Đặng Việt Triều – nt

57. Nguyễn Viết huy – Cán bộ Hội Văn nghệ Gia Lai – Kon Tum

58. Phạm Đức Long – Kỹ sư nông nghiệp

59. Trương Minh Tứ – PV Đài PTTH GL-KT

60. Phạm Xuân Dũng – Công dân

61. Trịnh Nhất Sơn – Đài PTTH GL-KT

62. Hoàng Xuân Công – nt

63. Ng.Th.Thu Loan – Hội Văn nghệ GL-KT

64. Phạm Thị Hà – Sở Văn hoá GL-KT

65. Nguyễn Đỗ – Trường PTTH Pleiku

66. Bùi Quang Vinh : Sở Giáo dục GL-KT

67. Bùi Thị Huyên – Thư viện Tỉnh GL-KT

68. Trần Hinh – Nhạc sĩ, 2 Trần Bình Trọng, Qui Nhơn

69. Vũ Ngọc Liễn – Nhà nghiên cứu sân khấu, 48 Trần Hưng Đạo, Qui Nhơn

70. Thanh Thảo – Nhà Thơ

71. Phạm Dương Tùng – Đài Phát thanh Nghĩa Bình

72. Phạm Đức – nt

73. Trần Cao Tánh – nt

74. Nguyễn Văn Hiếu – nt

75. Nguyễn Ngang – nt

76. Hoàng Lộc – Đài Truyền hình Qui Nhơn

77. Nguyễn Như Hoàng – Phát hành sách

78. Nguyễn Quang Cương – 02 Trần Bình Trọng

79. Từ Quốc Hoài – Hội Văn nghệ Nghĩa Bình

80. Nguyễn San – nt

81. Nguyễn Nghĩa Phương – Quảng Ngãi

82. Trần Hoài Anh – Trường PHTH Tư Nghĩa

83. Doãn Quân – Báo Nghĩa Bình

84. Nguyễn Đức Quyền – Hội Văn nghệ Nghĩa Bình

85. Nguyễn Xuân Phước – 21 Phan Bội Châu, Quảng Ngãi

86. Nguyễn Ngọc Trạch – 43 Phan Bội Châu, Quảng Ngãi

87. Trương Quang Tuấn – Phòng Văn Hoá Thông tin Quảng Ngãi

88. Nguyễn Trung Hiếu – Hội Văn nghệ Quảng Ngãi

89. Hồ Vĩnh Đoàn – Phòng Giáo dục Tư Nghĩa

90. Hà Nguyên Tùng, CLB Âm nhạc Quảng Ngãi

91. Huy Tấn – CTV báo Nghĩa Bình

92. Thanh Quế – Nhà thơ

93. Thái Bá Lợi – Nhà văn

94. Hoàng Minh Nhân – Viết nhạc

95. Hoàng Sơn – Viết văn, làm thơ

96. Phạm Văn Hạng – Nhà điêu Khắc

97. Huỳnh Văn Hoa – Hội VHNT Quảng Nam-Đà Nẵng

98. Ngô Anh Vũ – Báo QNĐN

99. Lê Hải – Hội Văn nghệ QNĐN

100. Nguyễn Bá Thâm – Tạp chí Đất Quảng

101. Nguyễn Văn Phụng – làm thơ

102. Phạm Hồng – Nhà điêu Khắc, Hội viên Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam

103. Nguyễn Minh Đức – Nhạc sĩ

104. Trần Nhơn – Hoạ sĩ

105. Minh Tuyến – Trung tâm Tính toán QNĐN

106. Thái Nghĩa – Nhạc Sĩ

107. Trần Kỳ Trung – Biên tập NXB Đà Nẵng

108. Hồ Hoàng Thanh – Hội Văn nghệ TP Đà Nẵng

109. Nguyễn Quang Lập – Hội Văn nghệ BTT

110. Nguyễn Trọng Tạo – Huế

111. Hoàng Phủ Ngọc Tường – Hội Văn nghệ BTT

112. Hoàng Vũ Thuật – nt

113. Vĩnh Nguyên – nt

114. Hồng Nhu – nt

115. Trần Thuỳ Mai : Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

116. Nguyễn Đắc Xuân – Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Huế

117. Nguyễn Quang Hà – Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên

118. Nguyễn Thuỵ Kha – Báo Thông tin

119. Đào Cát Hùng – PV Báo Nghĩa Bình

120. Lê Xuân Tiến – Hội Văn nghệ Nghĩa Bình

121. Hồ Thị Ý Nhi – PV Báo Nghĩa Bình

122. Hoàng Sô – nt

123. Võ Hồng Dân – nt

124. Tăng Quỳnh – nt

125. Lê Hồng – nt

126. Nguyễn Bửu Thông – nt

127. Phạm Ngọc Phi – Cán bộ thường trực Hội Nhà báo Nghĩa Bình

128. Trà Bích Sơn – Cán bộ báo Nghĩa Bình

Comments are closed.